Tuesday, December 10, 2013
Ấm Chân và Ấm Thân Trong Kinh Tế Học
Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt 131209
"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị"
Khi nào máy in bạc của Hoa Kỳ sẽ ngừng?
* Tổng thống Lyndon Johnson và khẩu hiệu tranh cử rất... hiện đại: hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ *
Hôm Thứ Sáu mùng sáu vừa qua, thống kê về nhân dụng của Bộ Lao Động Hoa Kỳ là một tin mừng nhờ số việc làm được tạo thêm trong Tháng 11 đi cùng tỷ lệ thất nghiệm đã giảm hai điểm xuống tới 7%. Tin mừng đó lại làm thị trường cố phiếu Mỹ giật mình: tình hình kinh tế khả quan hơn khiến biện pháp kích thích của Ngân hàng Trung ương sẽ giảm dần, và sớm hơn dự tính.
Trong loạt bài tổng kết cuối năm về kinh tế, cột báo kỳ này sẽ nói về liều thuốc kích thích khá độc đáo và độc địa của Hoa Kỳ, nhưng không là duy nhất vì nhiều nước khác cũng đã áp dụng.
***
Trước hết, xin được dẫn lời của một ông cao bồi Texas mà nhiều trự chóp bu ở Hà Nội có thể lấy làm tâm đắc.
Tay tứ chiếng đất Texas là Tổng thống Lyndon Johnson – trăm chuyện đừng đổ vào đầu George W. Bush! – có lần nói với các cố vấn kinh tế theo phong cách của ông: "Có bao giờ quý vị nghĩ rằng đọc diễn văn về kinh tế cũng tựa như (xin lỗi quý độc giả)... đái vào chân mình không? Chỉ riêng mình là thấy âm ấm thôi!"
Mấy ngài ở Hà Nội rất khoái cảm giác ấm áp đó khi thông báo lợi tức của dân Việt đã tăng 23% trong năm 2012 và lên tới mức trung bình ngạt ngào hương phấn là 1.960 đô la cho một người. Đa số dân Việt không được ấm thân hay ấm chân như vậy khi nhìn vào cuộc sống của họ.
Lời phát biểu của Johnson có thể ứng vào tâm lý chủ/lạc quan ngày nay của nhiều người. Nhất là các viên chức cầm đầu hệ thống ngân hàng trung ương Âu Châu, Anh Quốc, Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Từ năm 2008, sau khi cắt lãi suất tới số không, như Nhật đã thi hành từ lâu mà không thấy công hiệu, các Ngân hàng Trung ương Âu-Anh- Mỹ-Nhật áp dụng biện pháp lạ là bơm tiền theo kiểu mới.
Cuối năm xin có vài dòng về biện pháp được gọi là "Quantitative Easing", viết tắt là QE.
Việc bấm nút cho viện phát hành chạy máy in tiền là kỹ thuật lạc hậu của xứ nhược tiểu. Hoa Kỳ có hoàn cảnh tối tân nhờ Ngân hàng Trung ương được phép mua công khố phiếu do Bộ Ngân khố phát hành và hệ thống ngân hàng lưu hành. Chẳng hạn như khi mua công khố phiếu của các ngân hàng, ngân hàng trung ương phải trả tiền và thành chủ nợ của khối trái phiếu ấy. Họ trả tiền bằng cách bút ghi, qua máy điện toán, vào trương mục các ngân hàng một khoản tiền tương đương với số công khố phiếu mua vào. Khi trương mục được tá ghi, giả dụ thêm 85 tỷ đô la một tháng theo chánh sách của Ngân hàng Trung ương, các ngân hàng có thể cho vay ra một phần của khoản tài sản ấy, tức là mặc nhiên phát hành tiền tệ....
Mục đích là để làm gì? Để tài hóa lưu thông dễ dàng nhờ khối tiền tệ lưu hành nhiều hơn, với phí tổn thấp hơn khi lãi suất đã giảm. Bài học kinh tế nhập môn có nói như vậy.
Nhưng kết quả là gì và hậu quả ra sao?
Ông Ben Bernanke – Chủ tịch hệ thống Ngân hàng Trung ương cho đến Tết Giáp Ngọ trước khi nhường ghế cho bà Janet Yellen – giải thích như sau: "Y như vàng, đồng Mỹ kim có giá trị tùy vào số cung. Nhưng Chính quyền Hoa Kỳ có kỹ thuật gọi là in bạc (bằng kiểu điện tử hiện đại) gần như bất tận và miễn phí. Nhờ lượng tiền được bơm ra hoặc được hăm dọa là sẽ bơm ra, Chính quyền có thể làm giảm giá trị (value) của hàng hóa dịch vụ, tức là nâng trị giá (price) của hàng hóa dịch vụ đó tính bằng đồng Mỹ kim."
Xin lỗi quý độc giả khi đi vào chi tiết rắc rối đó, nhưng chỉ để nói một cách phũ phàng rằng biện pháp QE hàm ý đe dọa: "Quý vị có tiền mà cứ để trong két bạc mà không xài là bị phạt - bị đánh thuế vô hình bằng lạm phát khi giá hàng hóa sẽ tăng. Nếu sợ lạm phát sẽ bào mỏng tài sản thì xin làm ơn đem ra xài đi. Nhờ vậy mà sẽ giúp cho sinh hoạt kinh tế."
Vì kinh tế cũng là chính trị và chẳng ai làm chính trị mà ăn nói như thế nên ít người hiểu ra lời hăm dọa ấy.
Người lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ còn hàm ý toàn cầu: việc bơm tiền khiến Mỹ kim sụt giá nên làm hàng Mỹ xuất cảng dễ hơn, và tăng sản xuất cùng giảm thất nghiệp. Vì thế, các nước trên thế giới mới phàn nàn rằng vụ QE chỉ ngụy trang biện pháp phá giá và mở ra cuộc chiến hối đoái để chiếm ưu thế về ngoại thương.
Nhưng câu chuyện rắc rối này vẫn chưa đủ rắc rối!
Khi lãi suất giảm, người có tiền tiết kiệm để cho người khác vay sẽ bị thiệt hại vì lãi suất ký thác tiết kiệm quá thấp. Ngược lại, người đi vay lại có lợi nhờ trả tiền lời thấp hơn. Điều ấy có nghĩa là gì? Nếu giữ tiền tiết kiệm trong nhà (hay nhà băng), quý vị sẽ bị lỗ, nên hãy liệu chừng mà đem ra xài đi, càng sớm càng hay. Cũng là một cách khuyến khích tiêu thụ để nâng số cầu và gia tăng tiềm năng sản xuất....
Ngần ấy chuyện trong cả ngàn chữ chỉ để nói ra một nghịch lý.
Hoa Kỳ và các nước công nghiệp hóa đã tiết kiệm quá ít và vay mượn quá nhiều trong ba chục năm liền, nên từ 2008 mới bị khủng hoảng và đến kỳ trả nợ. Vụ khủng hoảng tài chánh và nạn Tổng suy trầm sau đó khiến các ngân hàng trung ương Âu-Mỹ-Nhật ráo riết bơm tiền. Trong năm năm qua họ bơm thêm một lượng tiền tương đương với chừng chín ngàn tỷ đô la, hay chín triệu triệu (9 và 12 số không), riêng Hoa Kỳ thì chiếm hơn 44% của con số vĩ đại này.
Không chỉ cắt lãi suất và bơm tiền, họ còn hàm ý có thể gây ra lạm phát để hăm dọa thiên hạ là đừng tiết kiệm nữa mà hãy bung ra tiêu thụ.
Có trình bày vấn đề như vậy mới giúp ta hiểu ra hoàn cảnh cực kỳ bất thường của ba đầu máy kinh tế Âu-Mỹ-Nhật. Nếu kể thêm núi tín dụng – cũng là tiền bơm ra của các ngân hàng – vĩ đại không kém của Trung Quốc, ta mường tượng ra hoàn cảnh quái đản của kinh tế thế giới.
Đấy là lúc mình trở lại chuyện Hoa Kỳ.
***
Khi vụ khủng hoảng tài chánh bùng nổ tại Mỹ, từ cuối năm 2007 cho đến cao điểm là mùa Thu 2008, hệ thống tài chánh và ngân hàng thế giới bị chấn động vì ách tắc tín dụng. Các ngân hàng thiếu thanh khoản (hiện kim, bạc mặt,liquidity tùy cách gọi) nên có thể làm bộ máy sản xuất tê liệt và khủng hoảng tài chánh sẽ dẫn đến Tổng khủng hoảng kinh tế như thời 1929-1933.
Vì vậy, các ngân hàng trung ương mới ráo riết bơm tiền và đấy là điều hợp lý tại Hoa Kỳ khi chính trường bị tê liệt từ sau cuộc bầu cử 2010 khiến bội chi ngân sách và gánh nợ quốc gia là những trận đánh trường kỳ giữa hai đảng. Tuy nhiên, nếu lãi suất vẫn bị ghìm ở số không và tiền bơm ra mà không giảm dần rồi sẽ thu hồi thì người ta có thể sẽ gặp một vụ khủng hoảng khác.
Một trong nhiều thí dụ về khủng hoảng là "trận chiến giữa các thế hệ" - Clash of Generations, chữ của nhà bình luận kinh tế Robert Samuelson trên tờ Washington Post.
Kể về tuổi tác, thành phần khá giả nhất của nước Mỹ hiện nay là thế hệ sinh sau Thế chiến II, các "Babyboomers" ra đời từ 1946 đến 1964. Họ đang bước vào bóng hoàng hôn và phải nghĩ đến những năm đằng đẵng trước mặt mà chỉ còn sống nhờ lương hưu sau một đời sản xuất. Họ phải tiết kiệm để phòng thân. Bây giờ khoản tiết kiệm đó sẽ bị trưng thu vì bảo phí cho sức khoẻ lại tăng và tiền lời tiết kiệm thì giảm. Trong khi con em mất việc nên về nhà sống và vay tiền đi học lại mà cứ ngợi ca chế độ hào phóng của một Chính quyền bao cấp!
Trong hoàn cảnh đó, việc Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ điều chỉnh "tapering" - vuốt nhọn chính sách tiền tệ cho tinh vi hơn - là tin vui cho đầu năm tới. Dù rằng điều ấy có thể khiến cổ phiếu Mỹ rớt giá trong ngắn hạn. Sau mấy năm ấm chân một mình, giới đầu tư cổ phiếu sẽ rùng mình vì lạnh cẳng!
Happy Near You!
Source : dainamax tribune
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét