8/12/08

JÉSUS-CHRIST GÃ NGOẠI KIỀU XA HOA MÀ TIỀN THÌ KHÔNG BIẾT Ở ĐÂU RA

Picabia, Francis

JÉSUS-CHRIST GÃ NGOẠI KIỀU XA HOA MÀ TIỀN THÌ KHÔNG BIẾT Ở ĐÂU RA


Bản dịch Hoàng Ngọc Biên


FRANCIS PICABIA

(1879-1953)

Francis Picabia [22.1.1879, Paris - 30.11.1953, Paris] là một hoạ sĩ, nhà minh hoạ và thiết kế, cũng là nhà thơ, nhà văn và nhà biên tập nổi tiếng. Mẹ của ông là người Pháp, cha là người Tây ban nha, tuỳ viên sứ quán Cuba ở Pháp. Sau khi theo học tại École des Beaux-Arts và École des Arts Décoratifs, có một thời gian Picabia vẽ theo phong cách ấn tượng [1903-1908], bày tranh chung ở “Salon d’Automne” và “Salon des Indépendants”, triển lãm cá nhân ở “Galerie Haussmann” [1905]. Ông đến gần các trường phái dã thú, tân ấn tượng rồi lập thể [từ 1909], trước khi qua những cuộc gặp gỡ Chủ nhật ở xưởng vẽ của Jacques Villon ở làng Puteaux [1911]. Sau đó, ông hoạt động trong Nhóm Puteaux bên cạnh Marcel Duchamp, Apollinaire, Fernand Léger... Khoảng thời gian 1913-1915 ông đến New York nhiều lần, từng triển lãm tranh ở “Armory Show” và năm 1915 ông đã cùng Marcel Duchamp và Man Ray thành lập phong trào Dada Mỹ, tích cực tham gia nhiều hoạt động tiền vệ, đưa nghệ thuật hiện đại châu Âu vào châu Mỹ. Thời gian này, nhà nhiếp ảnh Alfred Stieglitz ở New York là một trong những người đầu tiên tổ chức cho Picabia một triển lãm cá nhân ở “Gallery 291” của ông. Những tranh chân dung “máy móc” điêu luyện ký tên Picabia đánh dấu thời kỳ về sau được mệnh danh là proto-Dada của ông.

Năm 1917, Picabia trở về châu Âu và hoạt động trong các phong trào Dada ở Barcelona, Paris và Zürich. Bên cạnh việc vẽ tranh, ông tích cực liên tiếp cho ra nhiều tạp chí mỹ thuật, với sự cộng tác rộng rãi của nhiều hoạ sĩ / nhà văn. Khi Dada tan nhóm, ông đi với các nhà thơ và hoạ sĩ trong phong trào Siêu thực. Đầu những năm 1940, ông vẽ một loạt tranh khoả thân dựa trên những bìa báo phụ nữ diễm tình, màu sắc sặc sỡ, nhưng đem lại nhiều dấu ấn phá cách tuyệt đẹp. Khoảng thời gian Thế chiến II chấm dứt, ông trở lại vẽ trừu tượng và để nhiều thời gian làm thơ. Có thể nói Francis Picabia là một nghệ sĩ triệt để: là một trong những người khởi xướng Dada, ông từng phản ứng dứt khoát khi nhận ra Dada chưa đủ mới; là một người tự nguyện theo siêu thực, ông cũng không hề ngần ngại đả kích mạnh mẽ André Breton bạn của ông và nhóm này. Riêng trong hoạt động nghệ thuật,[*] Picabia có cái nhìn đa sắc và đa diện, nhưng đầy cá tính, không những trong loại tranh “máy móc tinh vi”, mà cả trong những phong cách lập thể, siêu thực, trừu tượng, và cả tượng hình [ông trở lại kể từ 1925], ông cũng để lại những ấn tượng nghệ thuật vạm vỡ phi thường.



Một vài phong cách nghệ thuật của Francis Picabia, sau thời ấn tượng: Ngôi sao múa trên chuyến tàu xuyên Đại tây dương — thuốc nước trên giấy, 1913. Ở đây. Ở đây là Alfred Stieglitz — bút sắt và mực trên giấy, 1915. Chuyện động Dada — mực tàu trên giấy, 1919. Khoả thân hai người — sơn dầu trên cac-tông, 1941.


_________________________

[*]Francis Picabia còn nổi tiếng như một người viết nghị luận, tuyên ngôn và biên tập cho nhiều tạp chí mỹ thuật và là tác giả nhiều tác phẩm thơ văn: Lettres à Christine 1945-1951, Demain dimanche: Poèmes de Francis Picabia, Fleur montée: Poème de Francis Picabia. Le Moindre effort, Choix de poèmes, Parlons d'autre chose,Unique eunuque, Poèmes et dessins de la fille née sans mère, Jésus-Christ Rastaquouère...







55 NĂM SAU NGÀY FRANCIS PICABIA QUA ĐỜI

TÔI GẶP ÔNG NHIỀU ĐÊM Ở PARIS

Hoàng Ngọc Biên


Với một chút dầu, người ta thắp sáng đêm tối. Không, tôi không muốn nói đâu đâu quanh ta cũng là đêm tối: không quan trọng đến thế đâu. Ánh sáng, mùa xuân — mọi thứ đều là sản phẩm tưởng tượng, chúng ta phịa với nhau thôi. Chớ tin, nếu có ai hứa cho ta... mùa xuân. Thắp sáng đêm tối chỉ là một cách nói. Và chút dầu tôi có, nó có đáng là bao. Và nói theo kiểu Picabia: Này lão già lẩm cẩm, đừng làm quan trọng, ngươi cứ đổ cái chút dầu quê mùa kia xuống đất, xem có ai chết không. Tôi đọc Francis Picabia trong một căn phòng tầng ba, Quận 14, Paris, giữa năm 2008, nghĩa là mới đây thôi, đọc một mạch, nhưng là đọc lui đọc tới, và ngước nhìn màu trời đêm Paris — nó cũng thường thôi, như đêm một tỉnh nhỏ ở quê nhà tôi: chút liềm trăng, lấm chấm sao chung quanh, nói theo các nhà thơ không có gì khác để nói, thì buồn — tôi cười lui cười tới, cười như điên. Picabia không hề định chọc cười, tôi cười là cười tâm đắc, khi nghe ông kêu gọi: Đừng làm việc, đừng yêu, đừng đọc sách, hãy nghĩ đến ta đây...

Cuốn sách nhỏ có cái tên khó đọc, và khó dám đọc lớn giọng, nếu ta không muốn ăn một cái tát của một tên lạc hậu cuồng tín một cách nghiêm chỉnh, đã chết từ lâu mà vẫn tưởng là mình còn sống. JÉSUS-CHRIST RASTAQUOUÈRE [Editions Allia, 1996][1] có khổ sách giống hệt cuốn Sổ Tiết kiệm ở Phường 25, Quận Ba, Thành phố Hồ Chí Minh những năm 70 và 80, và còn mỏng hơn cái tác phẩm bìa đỏ (sáng kiến của một ông cán bộ tiền tệ nào đó của Cách mạng thời ấy)!

Ông Francis Picabia, xin tha cho tôi cái tội dông dài, vòng vo tam quốc.

Bạn đọc, cũng xin tha cho tôi cái tội dịch thuật theo kiểu lấy chuyện nọ xọ chuyện kia. Tôi sẽ không giới thiệu JÉSUS-CHRIST RASTAQUOUÈRE[2] của Francis Picabia trên những trang này theo thứ tự lớp lang trong sách: nó sẽ theo thứ tự ngẫu nhiên của bàn tay xương xẩu đang đánh máy những dòng này. Hơn thế, xương sống người già thật ra không còn đáng gọi là xương sống, nó “sống” giới hạn, nên cho dù cuốn sách mỏng dính, tôi vẫn không nghĩ sẽ có can đảm đi hết, và sẽ không hứa hẹn gì trong chuyện đánh chữ trên máy... Và hơn thế nữa, như một lão ông, bạn vong niên của tôi, nhà văn-nhà thơ, phiền hơn, lại là giáo sư danh dự đại học Buffalo, New York ở Mỹ quốc, Ray của tôi, ông Raymond Federman khả kính, hiện mỗi ngày mệt lên mệt xuống vì phải cho phóng xạ tuôn vào thân thể để có thể cứu năm ba cái xương ở ngực, viết thêm năm ba bài thơ cho vui, như ông ấy có nói: Le sérieux est une qualité pour ceux qui n'en ont pas d'autres. Vậy thì đi tìm cái thú đọc hoạ sĩ / nhà văn Francis Picabia, xin ai nấy hãy cứ tự nhiên vô tư, có cái gì đọc cái ấy... và chờ những lần tới. Biêt đâu chừng!

HNB







JÉSUS-CHRIST GÃ NGOẠI KIỀU XA HOA

MÀ TIỀN THÌ KHÔNG BIẾT Ở ĐÂU RA [2]


Ta xin đề tặng cuốn sách này
cho tất cả các cô thiếu nữ

FRANCIS PICABIA

Sự thẹn thùng giấu mình
Đàng sau cái giống của chúng ta.

F. P.

Tôi có biết một ông vua đầu óc bị
sa sút sớm nên nổi điên
cứ tưởng mình là vua.

F. P.





CHUYỂN CẢNH MỘT PHÚT



Tôi từng đi một chuyến du lịch trên con tàu đẹp nhất chưa hề có ai đóng được như thế; đặc biệt kỳ lạ, là trên con tàu xuyên đại tây dương ấy, những hành khách và nhân viên trong thuỷ thủ đoàn đều ngồi trên lưng ngựa!

Thuyền trưởng, kỵ binh ưu tú, cưỡi trên lưng một con ngựa đua thuần chủng, ông mặc một bộ đồ đi săn và thổi tù và để điều khiển cuộc diễn tập, còn tôi, vốn rất sợ môn cưỡi ngựa, suốt mấy ngày đi tàu tôi đã được người ta cho ngồi trên con ngựa gỗ ở phòng tập thể dục. Chúng tôi vào bờ trên một miền đất mới nơi xưa nay không ai biết ngựa là gì; những người bản xứ tưởng đám du khách lên tàu là loại thú có hai đầu, họ không dám lại gần vì khiếp sợ; chỉ có tôi, được nhìn nhận là đồng loại với những con người nguyên thuỷ ấy, tôi được họ bắt dẫn đi. Tôi viết những dòng tiếp sau đây là từ cái chỗ nhà tù người ta giam tôi. Chỗ nhà tù này là một hòn đảo tuyệt đối vắng vẻ ban ngày, nhưng ban đêm, những thị dân một thành phố lớn trên đất liền, là nơi hôn nhân và chuyện tự do sống chung đều bị cấm đoán, hẹn hò nhau ở nơi đây để làm tình, thế nên từ chỗ bị lưu đày tôi có thể mang về bộ sưu tập những cái lược phụ nữ đẹp nhất trần gian, từ cái làm bằng chất dẻo chán ngắt đến cái làm bằng đồi mồi trong suốt nhất, cẩn bằng đá quí. Bộ sưu tập này tôi đã đem cho một người chú, nhà nghiên cứu vỏ ốc sò lỗi lạc; tại nhà chú, nó sóng đôi trong một tủ kính đầy những vỏ sò của thổ dân châu Mỹ.





MỌI THỨ ĐỀU LÀ THUỐC ĐỘC

TRỪ NHỮNG THÓI QUEN CỦA TA



Phải làm lễ ban thánh thể bằng kẹo cao su, bằng cách đó Chúa sẽ làm cho hàm các ngươi mạnh hơn; hãy nhai kẹo cho lâu, nhai không hậu ý; bởi ngài yêu thương cái miệng của các ngươi, ngài biết dùng nó để làm gì! Những cái lưỡi nồng ấm của các ngươi không phải là cái đáng coi thường, ngay cả đối với một đấng Thần linh.

Nãy nghĩ tới những ảo giác lố bịch mà các ngươi tìm cách đem cho nhau; những cái nịt vú mà các ngươi đeo là những cái bẫy chuột. Các ngươi tất cả đều là những cục nước đá thế mà các ngươi muốn làm cho ta tin là nước đá đang cháy và tiêu hao như mặt trời. Tim các ngươi tan ra nước, có thế thôi, và cái thứ chất lỏng ấm thoát ra chỉ dùng để làm cho nổi bồng bềnh một cái thân xác nhỏ xíu, lạnh và bẩn mà các ngươi gọi là tâm hồn. Thực tế ném những giấc mơ của các ngươi vào đống phân trong chuồng ư? Cần phải bước qua cái đống phân ấy và thoải mái đi vào cái chốn mà ta gọi là sự bỉ ổi đàng điếm.





NỤ CƯỜI CỦA TÔI



“Mọi thứ cây cối đều là sở hữu của tôi, cũng vì thế mà tôi không thích đồng quê!”

Có một loài chim vô cùng hiếm và rất khó hiểu được, bởi lẽ những con chim này không bao giờ chịu nghỉ; con chim cái đẻ trứng trên không ở một độ rất cao và những com chim bé tí ra khỏi vỏ trứng trước khi chúng có thì giờ xuống tới mặt đất; bay không ngừng như vậy, không hề biết nghỉ ngơi, đôi cánh chim đập giống y như tiếng đập của tim chúng ta; ngừng bay có nghĩa là chết. Những con chim ấy có mặt khắp nơi, hình như chúng đã có từ bao giờ, nhưng chúng từ đâu tới, từ hành tinh nào? Biết bao nhiêu bộ óc đã từng bận tâm tìm hiểu nguồn gốc của chúng...

Và chuyện này làm tôi nhớ đến một câu chuyện kỳ lạ mà một anh bạn hoạ sĩ nửa dân Normandie, nửa dân Auvergne, tân lập thể, tân don Juan đã kể cho tôi nghe; chuyện một người chuyên nhai khẩu sung lục! Người đàn ông ấy đã già rồi, và từ lúc sinh ra đã lao vào cái chuyên nhai lạ lùng này; quả vậy nếu như ông ngưng nhai một lúc thì cái vũ khí phi thường này đã giết chết ông rồi; tuy vậy ông đã được báo cho biết là cách nào đi nữa, một ngày kia, dứt khoát không thể khác hơn, khẩu súng sẽ nổ và sẽ giết chết ông; mặc dù thế, không mệt mỏi, ông vẫn tiếp tục nhai.





CHỈ KHÓ ĐỐI VỚI BỌN NGU



Lúc nào các ngươi cũng đi tìm cái cảm xúc người khác đã có rồi, cũng như các ngươi thích tìm lại cái quần cũ mang từ tiệm nhuộm về và trông có vẻ như mới khi người ta không nhìn gần. Hoạ sĩ là những chàng thợ nhuộm, các ngươi đừng để bị gạt. Những tác phẩm thật sự hiện đại được sáng tác không phải bởi các hoạ sĩ, mà đơn giản chỉ là bởi con người.

“Sai lầm của công chúng là nhìn những tác phẩm hiện đại như một bức hình đố mà mình phải khám phá cho được chìa khoá.

“Chẳng có hình đố, mà cũng chẳng có chìa khoá. Tác phẩm hiện hữu, lý do tồn tại duy nhất của nó là hiện hữu. Nó không biểu hiện cái gì khác hơn là cái muốn của bộ óc đã quan niệm nó. Những phát minh của thiên nhiên quyến rũ chúng ta mà tuyệt nhiên trước mặt chúng chẳng hề có vấn đề lý luận hay lý do tồn tại.

“Cái thú nghệ thuật mà những tác phẩm hiện đại có thể cung cấp cho chúng ta cũng cùng một loại như thế. Phải nhìn chúng như người ta nhìn một cái cây, một cái hoa, một phong cảnh. Chẳng có gì phải hiểu trong cái mà ai cũng đọc ra được. Người thưởng ngoạn cảm thấy thất vọng dữ dội khi nhận ra sự đơn giản trong cách lĩnh hội nghệ thuật. Người ấy sẵn sàng làm nạn nhân của một trò đùa vô duyên, vân vân.”

Những dòng trên là do Gabrielle Buffet[3] viết, tôi sung sướng đem trích dẫn ra đây, tác giả cho thấy rõ ràng sự suy yếu trong cách phán đoán của con người.

Sáng nay một thiên tài trẻ tuổi có yêu cầu tôi vẽ một cái chân dung của tôi, chân dung sẽ xuất hiện trong một cuốn sách về các hoạ sĩ hiện đại. “Chân dung giống hay không tôi không quan tâm” anh chàng tuyên bố với tôi. Anh ta, thì có thể, nhưng công chúng thì sao?

Tôi thấy dường như có những trường hợp chỉ định một nhà nhiếp ảnh mới là hay!

Tôi muốn chế ra một cái xe hơi tự động “nghệ thuật” làm bằng gỗ trắc, trộn với những viên Pink.[4] Bánh xe sẽ được làm bằng thép và những viên bi làm bằng cao su, xét kiểu CHỦ NGHĨA VỊ LAI thì không phải là tệ! Dù sao, tới một lúc nào đó, chẳng có lý do gì mà những chiếc “Rolls-Royce” lại không thể làm theo cách đó.

Thưa các vị hoạ sĩ, vậy thì xin hãy để yên cho chúng tôi, các người là một đám thầy tu vẫn còn muốn tìm cách làm cho chúng tôi tin vào Chúa.







CHUYỂN CẢNH 5 PHÚT



Trước đây tôi có một người bạn Thụy-sĩ, tên là Jacques Dingue, anh bạn sống ở Pérou, ở độ cao 4000 mét; cách nay mấy năm anh lên đường đi thám hiểm những miền đất, ở đây anh bị mê mẩn bởi sắc đẹp của một cô gái thổ dân kỳ lạ đã làm anh hoàn toàn điên khi bị cô gái khước từ. Anh suy yếu dần dần và ngay cả không rời khỏi túp lều nơi anh sinh sống nữa. Một ông bác sĩ người Pérou, cho đến bấy giờ vẫn đi theo anh, săn sóc để chữa cho anh khỏi một chứng sa sút phát triển sớm mà ông cho là sẽ không bao giờ lành được.

Một đêm nọ, một dịch cúm đổ ập xuống cái bộ lạc nhỏ bé những Thổ dân từng cho Jacques Dingue tá túc; mọi người không trừ một ai đều bị bệnh và trong số hai trăm thổ dân, đã có tới một trăm bảy mươi tám người chết trong chỉ mấy ngày ngắn ngủi; rất nhanh, ông bác sĩ người Pérou hoảng sợ, đã trở về Lima....... Anh bạn tôi, cũng thế, anh cũng bị lây cái bệnh khủng khiếp ấy, vì sốt nên phải nằm yên một chỗ.

Ấy thế, các Thổ dân bị chết ai cũng có nuôi một hay nhiều con chó, những con vật chẳng bao lâu sau đó không có nguồn nuôi sống nào khác ngoài cách ăn thịt chủ của mình; chúng xé nát các xác chết, và một con trong bọn mang vào lều anh chàng Dingue cái đầu cô Thổ dân mà anh vẫn si tình... Anh nhận ra cô tức thì và chắc chắn là cảm thấy bị chấn động dữ dội, bởi vì anh đột nhiên hết bị điên và cũng hết bị sốt; sức mạnh anh phục hồi trở lại, thế là đưa tay ra giật cái đầu người phụ nữ từ mõm con chó, anh chơi trò ném đầu ra tận cuối căn phòng và réo con chó đến mang trở lại cho mình; trò chơi lặp lại ba lần, con chó cắn vào mũi cô gái để mang cái đầu trở lại, nhưng đến lần thứ ba, Jacques Dingue ném mạnh hơn, cái đầu dập nát trên tường, và người chơi môn ném cầu ta hết sức vui mừng nhận ngay là cái chỗ óc phọt ra chỉ là một cuộn vòng[5] não và có hình dạng đến mức ai cũng phải tưởng lầm là một cặp mông!......




Hồi chuyển cảnh chấm dứt, các độc giả nữ thân mến ạ, ta tiếp tục qua[6]





MỘT SỰ ĐẦU ĐỘC LÚC NÀO CŨNG ĐẠO ĐỨC



Chỉ có sự đầu độc của các bậc cha mẹ thôi, mới là không đạo đức.

Xin các người xéo đi cho, các vị bảo vệ giáo dục Mỹ thuật, bảo vệ những phương thức tư bản; không cố tình hay cố tình, các vị đều muốn biến đời sống thành một nghĩa địa dành cho các trẻ sơ sinh, các vị đều muốn có những con người lệ thuộc vào những tấm gương xấu của các vị; đây chỉ thuần là ham muốn sở hữu.

Ông cha và bà mẹ không có quyền bắt con mình chết, nhưng Tổ quốc, người mẹ thứ hai của chúng ta, thì có thể tự ý đem chúng ra hi sinh cho vinh quang lớn lao của bọn người làm chính trị.





ĐỊNH LUẬT XÁC SUẤT



Không có gì chắc tư tưởng của ta là sản phẩm của những phản ứng hoá học, Khi nhìn nhận là có nhiều bài toán phải giải, Vũ trụ mà các ngươi nghĩ là các ngươi biết rõ chỉ là cái mặt nạ cô đơn; các ngươi bị đặt dưới sự kiềm chế của những giá trị truyền dịch: thần kinh của Tình yêu, thần kinh của nghệ thuật, thần kinh của những niềm tin đối với một vị thần linh.

Thị hiếu đối với cái cũ chỉ là một tổng hợp hoài nghi làm cho các ngươi tin chiều sâu của con người, những tiến hoá mới chỉ là những bí ẩn đối với mắt nhìn và tai nghe.

Âm nhạc làm ra cho lỗ tai chứ không phải cho mắt, ngày nay tôi không nói rằng sự khẳng định ngược lại là không chính xác hơn đối với những người không bị đầu độc.

Hoạ sĩ là kết quả của tính hà tiện của thiên nhiên. Cái chút ít đầu óc mà họ có đã được ban cho họ do sự độc ác; Degas, loại hoạ sĩ triệt để “thành công”, là một thí dụ về cái điều tôi vừa đề xuất. Vả chăng tôi cũng có nghe một hoạ sĩ có giá trị cao bảo rằng Degas từng là một tay lỡ thời!





NHỮNG VẾT CẮN CỦA ỐC SÊN



Không có cái gì gọi là sáng tạo cao cấp trong bất cứ tác phẩm nào, dù là hội hoạ, văn chương hay âm nhạc; tất cả những công trình ấy đều giống nhau. Tác phẩm lý tưởng nhất là tác phẩm đáp ứng nhiều nhất những qui ước đối với ta có vẻ là mới bởi vì ta không hề biết chúng hoặc bởi chúng ít nhiều đã bị bỏ quên. Chẳng có gì là nhầm lẫn, cũng chẳng có gì là lệch lạc; đầu óc chúng ta là một miếng xốp thấm đầy những ám thị, có thế thôi.

Mọi công trình của con người đều nằm trong truyền thống lớn — hay là truyền thống bé, tuỳ ý ta muốn — không có tác phẩm nào không nằm trong truyền thống, ngay cả những tác phẩm của những người chép tranh của nhà bảo tàng Louvre, cố hết sức bắt chước giống hệt tranh của các bậc thầy, như Chardin bắt chước, hết sức mình, vẽ một cái trứng chần nước sôi hay một cái bình xay cà phê.

Thưa các Ngài, các Ngài nên vẽ màu xanh và màu đỏ những vách đá ở Dieppe, bởi vì quả thật thiên nhiên không còn hiện đại lắm đâu!

Để người ta không hiểu lầm cuốn sách này[1] tôi xin chấm dứt nó bằng bài thơ nhỏ sau đây:


Dada là cái không nắm bắt được
Cũng như sự không hoàn hảo.
Không có những người phụ nữ đẹp,
Cũng như không hề có những chân lý.


Viết xong ở Paris ngày 10 tháng Bảy 1920.





_________________________

[1]Ấn bản đầu tiên tác phẩm này do nhà xuất bản Au Sans Pareil, Paris, 1920.

[2]Tiếng Pháp là “rastaquouère”, tiếng Tây-ban-nha ở Nam mỹ là “rastacuero”, có nghĩa một kẻ mới phất trong xã hội, đặc biệt ở miến Địa trung hải hay Mỹ La-tinh — hay một tay ngoại kiều ăn nói ngọt xớt nhưng không đáng tin cậy. Cái tựa dông dài là một lối “diễn dịch” cụm từ nói trên. Bản tiếng Anh [một đoạn ngắn] của Susan de Muth trong The Dada Reader — A Critical Anthology do Dawn Ades biên tập, The University of Chicago Press, 2006, dịch cụm từ này là “Jesus-Christ Con Man”.

[3]Một thời là vợ của Francis Picabia.

[4]Một loại thuốc thời 1912 ở Pháp, kiểu “trị bá bệnh”: thiếu máu, suy nhược thần kinh, bệnh xanh xao, suy yếu tổng quát, nhức đầu, đau bao tử… chắc chắn và hiệu quả tức khắc.

[5]nếp cuộn, hay là hồi [circonvolution cérébrale: hồi não]

[6]đến đây là hết Chương IV, “qua” có nghĩa là qua Chương V.




---------------
“Chuyển cảnh một phút”, “Mọi thứ đều là thuốc độc trừ những thói quen của ta”, “Nụ cười của tôi”, “Chỉ khó đối với bọn ngu”, “Chuyển cảnh năm phút”, “Một sự đầu độc lúc nào cũng đạo đức”, “Định luật xác suất”, “Những vết cắn của ốc sên” dịch từ nguyên tác “Entr’acte d’une minute”, “Tout est poison excepté nos habitudes”, “Mon sourire”, “Pont-aux-ânes”, “Entr’acte de 5 minutes”, “Une intoxication est toujours morale”, “La loi des probabilités”, “Les morsures d’escargots” — trong Francis Picabia, Jésus-Christ Rastaquouère, Editions Allia, 1996. Ấn bản đầu tiên tác phẩm này do nhà xuất bản Au Sans Pareil, Paris, 1920.


Source : Tiền Vệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét