Cao Hành Kiện
Văn chương lạnh
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
CAO HÀNH KIỆN
(1940~)
VĂN CHƯƠNG LẠNH
Theo quan điểm của tôi, thời dấy động văn chương cách mạng đã qua, bởi vì cuộc cách mạng đã tự cách mạng hoá cho đến chết và chỉ để lại toàn là điều cay đắng và một cảm giác mệt mỏi, chán chường, thậm chí buồn mửa.
Từ căn bản, văn chương không có liên hệ gì đến chính trị, nó chỉ thuần tuý là một vấn đề cá nhân. Nó là phần thưởng của hoạt động trí não, cùng với một sự quan sát, một sự nhìn lại những kinh nghiệm, những hồi ức và những cảm giác, hay nó là bức chân dung của một trạng thái tinh thần.
Hoàn toàn vì nhu cầu chính trị, văn chương đã rủi ro trở nên nóng bỏng, và dự vào sự đả phá hay nịnh bợ. Một cách bất khả kháng, nó bị biến thành một công cụ, một vũ khí hay một mục tiêu, cho đến khi nó quên hẳn bản tính tự nhiên của nó.
Kẻ được gọi là nhà văn thì không là gì khác hơn một cá nhân đang nói hay viết, và y được lắng nghe, được đọc hay không là do sự chọn lựa của những người khác. Nhà văn không phải là một người anh hùng hành động theo mệnh lệnh của nhân dân, y cũng không đáng để được tôn thờ như một thần tượng, nhưng chắc chắn y cũng không phải là một tên tội phạm hình sự hay một kẻ thù của nhân dân. Đôi khi y và văn của y “có vấn đề” chỉ vì những người khác muốn tạo ra như thế. Khi các nhà cầm quyền cần tạo ra vài kẻ thù để đánh lạc hướng chú ý của nhân dân, thì nhà văn trở thành vật hy sinh. Còn tệ hơn nữa, có những nhà văn từng bị lừa gạt như vậy lại nghĩ rằng bị hy sinh là một vinh dự to lớn.
Thực ra, mối quan hệ giữa tác giả và độc giả — giữa một người và một người khác, hay một số người nào đó — thì luôn luôn là một mối thông tri tinh thần xuyên qua những văn bản được viết; họ không cần phải gặp nhau hay giao lưu xã hội. Nhà văn không chịu một trách nhiệm nào đối với độc giả, và độc giả không cần phải khống chế nhà văn. Chính độc giả chọn đọc hay không đọc một tác phẩm.
Văn chương vẫn tồn tại như một hoạt động không thể dứt bỏ được của con người, trong đó người đọc và người viết tự ý tham dự. Vì thế, văn chương không có nhiệm vụ gì đối với đám đông hay xã hội; và những phán xét đạo đức hay luân lý bị gán ghép bởi đám phê bình gia thích xía vào chuyện của người khác thì chẳng hề hấn gì đến nhà văn.
Loại văn chương này — loại văn chương đã tìm lại được tính cách nội tại của nó là mở lối cho những cảm nhận của nhà văn và diễn tả những khát vọng của y — có thể được gọi là “văn chương lạnh”, để phân biệt với thứ văn chương xưng tụng giống nòi, đả phá chính trị đương hành, hay cố gắng biến cải xã hội. Văn chương lạnh tất nhiên không tạo nên tin tức trên báo chí và chẳng gây chú ý nơi công chúng. Nó hiện hữu chỉ vì con người tìm kiếm một sinh hoạt thuần tuý tinh thần bên ngoài những ước muốn thoả mãn vật chất.
Loại văn chương này hẳn đã không phải tự nhiên mà xuất hiện hôm nay. Tuy vậy, nếu trong quá khứ nó chủ yếu phải chống lại những thế lực chính trị áp bức và những phong tục xã hội, thì hôm nay nó phải đương đầu với những giá trị đảo lộn mang tính thương mại của xã hội tiêu thụ. Sự tồn tại của nó tuỳ thuộc vào sự tự nguyện chịu đựng cô đơn của nhà văn.
Thật vậy, loại nhà văn này chịu nhiều khó khăn hơn các nhà văn khác. Nếu một nhà văn tự dấn mình vào loại văn chương này, hiển nhiên y sẽ khó kiếm sống và sẽ cần tìm những cách mưu sinh khác. Vì thế, hành vi viết văn loại này phải được xem là một sự xa hoa, một hình thức lạc thú thuần tuý tinh thần. Bất kể một xã hội giàu mạnh đến đâu, nó vẫn là một tấn bi kịch nếu nó không dung chứa được loại sinh hoạt tinh thần này của cá nhân.
Lịch sử chẳng đả động gì đến những tấn bi kịch như thế và chỉ đơn giản ghi lại những sinh hoạt của loài người, hay có lẽ ngay cả không để lại một ghi nhận nào cả. Nếu văn chương lạnh may mắn được xuất bản và quảng bá, thì đó là do chính những nỗ lực của bản thân nhà văn và bạn bè. Tào Tuyết Cần và Kafka là những ví dụ về điều này. Họ đã không xuất bản văn phẩm của họ lúc sinh thời, vì thế ta không thể nói rằng họ viết để gây ra những phong trào văn chương hay để trở thành nổi danh. Hầu như họ chỉ sống bên lề xã hội, dấn mình vào thứ sinh hoạt tinh thần này, và không hề hy vọng được đền bù hay tìm kiếm sự công nhận của xã hội. Họ chỉ hưởng cái lạc thú của cuộc viết.
Sau khi đã kiệt sức vì gần một thế kỷ phục vụ những tôn chỉ chính trị và đạo đức, văn chương Trung Quốc bây giờ lại rơi vào một vũng lầy của những chủ thuyết, những ý thức hệ và những cuộc tranh cãi về các phương pháp sáng tạo vừa chẳng dính dự gì mấy đến văn chương, vừa biến thành một mớ bòng bong không thể nào gỡ rối. Chỉ khi nào thoát ra khỏi những cuộc tranh cãi bất khả tận và bất khả tri nhận ấy, nhà văn mới cứu được chính mình. Từ căn để, sáng tạo văn chương là một công việc cô đơn mà không một phong trào hay tập thể nào giúp đỡ được; chúng chỉ có thể bóp cổ cho nó chết. Chỉ khi nào không bị dính liền với một nhóm hay phong trào chính trị thì nhà văn mới có thể giành được sự tự do hoàn toàn.
Điều này không có nghĩa là nhà văn không có thái độ chính trị và quan điểm đạo đức của mình. Khi phải đương đầu với những áp lực chính trị và xã hội, các nhà văn tất nhiên có những điều để nói, và việc họ đọc diễn văn hay ra tuyên cáo trước công chúng thì hoàn toàn hợp lý, nhưng điều quan trọng là họ không mang những thứ này vào việc sáng tạo văn chương của họ. Tôi tin rằng chính trị và xã hội tuy có thể là đề tài của sáng tạo văn chương, tốt nhất vẫn nên tránh; làm như thế thì gạt được những áp lực xã hội sang một bên và đồng thời thanh tẩy được tinh thần. Vì thế, tôi cũng nghĩ rằng tốt nhất nhà văn tự xác lập vị trí của y ngoài lề của xã hội để có thể lặng lẽ quan sát và suy tưởng, đồng thời hoàn toàn đắm mình vào văn chương lạnh.
Cái nan đề là chiến tranh, cách mạng, những phong trào chính trị và tranh đấu liên tục xảy ra ở Trung Quốc suốt cả trăm năm qua đã tác động đến giới trí thức của đất nước ở mọi cấp độ. Những tiếng nói bất đồng chính kiến chưa từng được chấp nhận, và các nhà văn đã bị cưỡng bách trở thành những kẻ chiến đấu, nếu không thì họ không có cách nào kiếm sống. Họ đã thất bại, không thể cứu được dân, cũng chẳng cứu được nước, và vẫn thường hy sinh tài sản và ngay cả tính mạng của mình. Văn chương lạnh chỉ khả hữu nếu nhà văn có thể thoát khỏi những áp lực của chính trị và xã hội, và cuộc sống của y được bảo đảm. Đây là lý do tại sao văn chương Trung Quốc hiện đại khó trở thành văn chương lạnh.
Vì thế, có thể nói rằng văn chương lạnh cần thoát ly để sống sót; nó là thứ văn chương từ chối bị bóp cổ bởi xã hội để tìm đến sự cứu rỗi tinh thần. Tôi cũng tin rằng nếu một giống nòi không thể dung chứa thứ văn chương phi thực dụng này, thì đó không chỉ là một sự bất hạnh cho nhà văn mà còn là một biểu thị của sự nghèo nàn tận đáy về tinh thần của giống nòi ấy.
Đó là những lý do khiến tôi chủ trương văn chương lạnh.
---------
Dịch từ bản tiếng Anh của Mabel Lee, “Cold Literature”, trong Gao Xingjian, The Case for Literature (Sydney: HarperCollinsPublishers, 2006). Nguyên tác của bài này được đăng lần đầu tại Đài Loan, với nhan đề 我主張一種冷的文學 [“Ngã chủ trương nhất chủng lãnh đích văn học” (Tôi chủ trương một loại văn chương lạnh)], trên phụ trang 時代文學 [“Thời Đại Văn Học”] của tờ 中時晚報 [Trung Thời Vãn Báo], ngày 12/08/1990.
Những tác phẩm của Cao Hành Kiện đã đăng trên Tiền Vệ:
Sự cần thiết của cô đơn (tiểu luận / nhận định)
... Mở rộng hơn nữa, cô đơn là một điều kiện tiên quyết cho tự do. Tự do tuỳ thuộc vào khả năng tư duy phản tỉnh, và tư duy phản tỉnh chỉ có thể bắt đầu khi con người ở trong cô đơn... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
Người đi đêm (kịch bản)
Một kịch bản mới lạ và phức tạp của Cao Hành Kiện (1940~) — tiểu thuyết gia kiêm kịch tác gia Trung Hoa đoạt giải Nobel văn chương năm 2000. Trong vở kịch này, diễn viên giữ những vai trò trung tính, đồng diễn với các đồ vật, và kết hợp với một số thủ pháp ảo thuật, nhằm diễn giải một số đề tài cổ xưa như Thượng Đế và ma quỉ, đàn ông và đàn bà, thiện và ác, cứu thế và thụ nạn, cũng như mối ưu tâm của người hiện đại về tha nhân và tự ngã, ý thức và ngôn ngữ... [Bản dịch của Như Hạnh]
Trú mưa (kịch bản)
Một vở kịch đầy tính cách tân, gồm một nhân vật không nói, cùng diễn với hai giọng nói nội tâm. Cao Hành Kiện (1940~) — tiểu thuyết gia kiêm kịch tác gia Trung Hoa đoạt giải Nobel văn chương năm 2000 — xếp vở kịch này vào phạm trù "hí kịch ngôn ngữ". Đoá vũ lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của Như Hạnh.
Giữa sống và chết (kịch bản)
Cao Hành Kiện (1940~) viết xong vở Giữa sống và chết vào năm 1999. Đây là một kịch bản rất mới lạ về nhiều phương diện, như một nhân vật chính trong kịch bản này đã phát biểu: "Đây là một câu chuyện? Một chuyện lãng mạn? Một màn náo kịch? Một thiên ngụ ngôn? Một chuyện cười? Một bài giáo huấn? Một thiên tản văn không đủ là thơ hay là một bài tản văn không phải là tản văn mà là tản văn thơ? Nhưng lại không thành bài ca, vì chỉ có ý mà không đối tượng, tựa như câu đố mà lại không có câu đáp, hay là một ảo giác, bất quá chỉ là người điên nói mộng?" [Bản dịch của Như Hạnh].
Bờ bên kia (kịch bản)
Một vở kịch đầy tính cách tân, phối hợp giữa kịch nói và kịch hình thể, của Cao Hành Kiện (1940~) — tiểu thuyết gia kiêm kịch tác gia Trung Hoa đoạt giải Nobel văn chương năm 2000 — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của Như Hạnh.
Trạm xe (kịch bản)
Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất của Cao Hành Kiện (1940~) — tiểu thuyết gia kiêm kịch tác gia Trung Hoa đoạt giải Nobel văn chương năm 2000 — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch và lời giới thiệu của dịch giả Như Hạnh.
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét