Vàng Phai Mấy Độ - (Tựa)
Tôi đã từng nghĩ thơ ca phải chăng là chiếc cầu vồng muôn màu gọi ta phải nhìn ngắm, là cung đàn muôn điệu thúc giục ta phải lắng nghe. Nhìn ngắm, lắng nghe với mối đồng cảm cao khiết. Và tôi đang tìm màu sắc nào đẹp, lắng nghe âm thanh nào trầm bổng trong "Vàng phai mấy độ", một thi tập của nhà thơ xa xứ Lê Sơn Thạch.
Vàng phai mấy độ thu phong
Đàn chim mỏi cánh về trong sương mù
Đá buồn nhỏ lệ thiên thu
Sông buồn, sông cũng viễn du phương nào
Bạc phai từng sợi tóc xanh
Nghe tình còn vọng những thanh âm buồn. . .
Bài thơ chủ điểm là dấu ấn mang tín hiệu vàng phai mấy độ của Lê Sơn Thạch, là lời gợi mở thông thoáng. Dù ở góc trời nào (quê hương hay tha phương), con người sau khi trải qua nhiều bước thăng trầm chìm nổi đều giật mình soi lại mái tóc trước gương. Phải chăng thanh âm buồn là kỷ niệm, là hồi ức; là thói đời, là mặt trái của chữ tình mà những người trong cuộc, dù còn tương hợp hay đã ly tan đều luôn ấp ủ. Đó cũng như là thú đau thương dành cho một nhà thơ?
Tìm đến với tình yêu, chúng ta bắt gặp một Lê Sơn Thạch bùng nổ nhưng rất lãng mạn :
Thuở yêu em buồn đau từng cọng tóc
Từng nhánh thần kinh, từng dòng máu âm u
Vì yêu em, anh tin Thiên Đường có thật
Vì yêu em, anh đốt nến nguyện cầu
(Thuở yêu em)
Lê Sơn Thạch không ca ngợi thân xác phù du mà đau buồn với từng cọng tóc một cách tinh tế.
Sau trạng thái buồn đau, thất thần, người thơ sẽ tự cân bằng để tìm lại niềm sâu lắng :
Ngày nào về bên dòng suối êm đềm
Ta chẳng còn gì để nói yêu em
Nhìn bóng thời gian nghe con suối hát
Nghe tình lắng sâu trong máu trong tim
(Về trên phố núi)
Thế giới tình cảm của nhà thơ thật đa dạng, phong phú cho nên nỗi buồn, niềm vui, khát vọng, uẩn ức sẽ tan nhòa để tự nhận mình là đứa con hoang sau khi tắm mát trên dòng sông kỷ niệm :
Ta xếp tàn y thắng yên trên ngựa
Gọi bốn phương mây gió hãy dừng chân
Cho ta về tắm dòng sông thanh thủy
Cho ta về như một đứa con hoang
(Về nguồn)
Trong dòng đời chìm nổi, chính vì đã trải qua lắm nỗi phong trần mà mọi người cha, người ông đều ghi ấn tượng sâu sắc đối với những đứa con, đứa cháu ra đời. Đó là những đóa hoa, vì sao, giọt nắng...
Ta viết bài thơ
Mừng vì sao mới nở
Một bông hồng vừa dang cánh cho đời
Trái đất thêm nụ cười
Và nhân thế thêm nhiều lo nghĩ
Có phải con là chân lý
Là dòng sông hiện tại nối tương lai
Là niềm vui
Là hy vọng
Là nước mắt đêm dài
Là ước mơ đã thành trái chín
Là mật ngọt xua tan cay đắng
Là giọt nắng hồng
Là suối nước trong
(Mừng đầy tháng Lucky)
Trước cảnh quan kỳ vĩ, ngàn hoa đua nở, Lê Sơn Thạch vẫn ngùi nhớ hoa cau, hoa bưởi, hoa xoan ở quê nhà :
Rừng thông nở trắng ngàn hoa
Dòng sông trải lụa trắng ngà êm trôi
Như hoa cau rụng, như hoa bưởi rơi
Hoa lê nhuộm trắng khung trời cố hương
Hoa xoan trắng ngập sân trường
Ở đây hoa tuyết mãi vương chân người
(Hoa tuyết)
Phải chăng hồn quê vẫn luôn luôn vấn vương trong lòng người xa xứ. Mỗi người xa xứ đều có một cảnh ngộ :
Ai ngờ một chuyến ra đi
Là thiên thu vĩnh biệt quê hương rồi
Bao mùa lá rụng tuyết rơi
Có đàn chim Việt bên trời bơ vơ
(Về thăm cố hương)
Khi cuộc thế xoay vần, mối thắt gút được mở ra, định kiến được giải tỏa thì đàn chim Việt kia sẽ bay về tổ cũ. Với bài thơ "Về thăm cố hương”, nhà thơ Lê Sơn Thạch vừa thắt vừa mở nên ngày về vẫn là đáp số gần xa.
Từ năm 1698, lưu dân trên đường mở đất phương Nam đã biến đất hoang thành ruộng lúa phì nhiêu. Đương nhiên, tổ tiên đã mang đậm khí tiết lưu dân trên đường khai biên mở cõi. Con người xa xứ dù không mở cõi khai biên nhưng cũng có tâm trạng:
Ta như những lưu dân
Tìm quê hương đã mất
Trên đường chiều hiu hắt
Chuông giáo đường ngân vang.
(Khi những lưu dân trở về)
Trở về cố hương đâu chỉ thuần đi thăm những danh thắng, cảnh quê một thời cho đỡ nhớ. Đó còn là đi viếng và nghiêng mình một cách thành kính, cảm thông trước đồng bào mình đã vĩnh viễn nằm xuống.
Người nằm xuống, chiếc lá vàng rơi cô tịch
Như tinh sương rụng một đóa luân hồi
Người ra đi là trở về với đãt
Đất ôm người như mẹ ôm con
(Cho những người nằm xuống)
Từ dòng chảy vô tận của thi cảm, Lê Sơn Thạch trong hành trình quy cố hương bằng tâm tởng đã khôn nguôi nhớ đến các địa danh : Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Cần Thơ... Ở các nơi đó, nhà thơ đều gởi lại tấm lòng qua hồn thơ mở rộng muốn ôm ấp cả biển trời, sông núi dành cho toàn dân tộc chứ không phải dành riêng cho một ai. Thế là quê hương trong lòng vẫn ấp ủ cả cái còn cái mất. Cho đến ngày nhắm mắt, tình nghĩa khó phôi phai.
*
Bởi, mỗi nhà thơ là một thế giới thì mỗi một diêm quẹt một ngọn đèn, một ánh hỏa châu không soi thấu hết vòm trời bao la.
Bởi mỗi tâm hồn thơ là một vũ trụ thì một cánh diều, một khinh khí cầu, một con tàu vũ trụ cũng không thể khám phá đến tận cùng.
Đành mượn hồn thơ của Lê Sơn Thạch để hẹn hò :
Ta ước mơ một ngày xanh lá
Nhờ mùa xuân rực rỡ cánh rừng mai
Cho muôn chim về ca hát đêm ngày
Và non nước đón xuân về trẩy hội
(Rừng đã cháy)
Ta về như máu về tim
Như con suối nhỏ đi tìm nguồn xa...
(Hương xưa)
Đêm Biệt trang Xử quân tử (Thủ Đức)
Ngày Phú Lạc (Bình Chánh)
17. 08. 2007
Kiên Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét