8/12/08

Abe Kobo: tác gia Nhật Bản đương đại

Phạm Vũ Thịnh

Abe Kobo: tác gia Nhật Bản đương đại






ABE KOBO

(1924-1993)



Trước Murakami Haruki trên 20 năm, Abe Kobo đã được biết đến như một tác gia Nhật Bản nổi tiếng quốc tế về các tác phẩm vượt khỏi mỹ quan truyền thống Nhật Bản, sáng tạo mới mẻ, dùng nhiều ẩn dụ, ngụ ngôn, nhiều hình tượng cụ thể hay siêu thực để diễn tả nội tâm và tiềm thức của con người bị tha hoá, vong ngã trong xã hội đô thị càng ngày càng tiện lợi và máy móc. Trong nước Nhật, ông thuộc lớp nhà văn tiền vệ, được đánh giá là có tư tưởng và thủ pháp đi trước thời đại. Ngoài nước Nhật, nhà văn, nhà soạn kịch Abe Kobo được ví với Samuel Beckett và Eugène Ionesco.

Abe Kobo 安部 公房 tên thật là Abe Kimifusa (Kobo là âm Hán-Nhật của chữ Kimifusa 公房), sinh năm 1924 ở Tokyo, nhưng theo cha là một y sĩ sang Mukden, lãnh thổ Mãn Châu lúc đó đang bị Nhật chiếm đóng. Từ nhỏ, Abe thích Toán và sưu tập côn trùng. Năm 1941, 17 tuổi, ông trở về Nhật và hai năm sau vào học Y khoa tại Đại học Đế quốc Tokyo. Ông tốt nghiệp năm 1948, nhưng không hành nghề y sĩ mà bắt đầu nghề văn, gia nhập nhóm văn học do Hamada Kiyoteru lãnh đạo, nhắm đến việc dung hợp những thủ pháp văn học thuộc trường phái Siêu thực với ý thức hệ Mác-xít.

Ông bắt đầu sáng tác từ 1943, nhưng đến 1947 mới tự xuất tiền túi xuất bản tập thơ đầu tay là Mumei Shishu (Tập thơ vô danh). Năm sau đó, ông bắt đầu được biết tiếng nhờ tác phẩm Owarishi michi no shirube ni (Trên cột mốc ở đường cùng). Ông chịu ảnh hưởng của Samuel Beckett, Fyodor Dostoyevsky và nhất là Franz Kafka.

Những tác phẩm có tính cách tiền vệ của ông dần dần được giới độc giả trẻ ưa chuộng: Dendrocacalia (Cây dendrocacalia, 1949), Akai mayu (Cái kén đỏ, 1950), Maho no choku (Viên phấn phù thuỷ, 1950) đều lấy đề tài “hoá thân”, biến hình của con người theo kiểu Kafka. Ảnh hưởng Kafka càng rõ rệt trong tác phẩm Kabe—Esu Karuma shi no hanzai (Bức tường—Tội của S. Karma, 1951) được Giải Akutagawa, giải thưởng văn học cao quý nhất ở Nhật, kể chuyện một người phát hiện ra rằng tấm danh thiếp của anh ta hoá thành nhân cách và giả dạng anh ta mà phạm tội khiến anh bị lôi ra toà án.

Tiểu thuyết Suna no onna (Người đàn bà nơi cồn cát; bản Anh ngữ: Woman in the Dunes) xuất bản năm 1962, được giải thưởng văn học Yomiuri, giúp ông xác lập chỗ đứng đặc biệt trên văn đàn Nhật Bản, sau này được dịch ra nhiều thứ tiếng, được giải thưởng Văn học Nước ngoài của Pháp, và quay thành phim được giải thưởng ở Đại hội Phim ảnh Cannes 1963, giúp Abe Kobo được chú ý và hâm mộ trên khắp thế giới. (Khán giả xem phim Suna no onna cho biết có cảm tưởng ngứa ngáy như có cát trên người họ, cát chảy ra từ tay áo họ, hay cảm thấy có vị cát lúc ăn ngô bung...). Tác phẩm này kể chuyện một nhà giáo trong chuyến đi xa tìm bắt côn trùng, tình cờ trở thành tù nhân ở một làng hẻo lánh, được một người đàn bà sống đơn độc cho trú ngụ trong nhà, nhưng căn nhà ấy và cả làng bị cồn cát tràn xuống chôn vùi. Anh ta phải hợp sức cùng xúc bỏ cát không ngừng tràn đến hầu như trong tuyệt vọng, nhưng lúc có được cơ hội để trốn thoát, đã quyết định không bỏ trốn. Abe Kobo đã cho nhân vật của ông trải qua đủ thứ tình cảm, từ lòng tự hào, sợ hãi cho đến dục vọng và thất vọng, để thấm thía sự phi lý của thân phận con người. [Mời các bạn đọc thêm bài “Người đàn bà trong cồn cát” của Peter Bradshaw, bản dịch của Nguyễn Đăng Thường].

Abe Kobo không chỉ là tiểu thuyết gia mà còn là nhà soạn kịch thành công. Thập niên 1960, ông hợp tác cùng đạo diễn Teshigahara Hiroshi quay thành phim các tác phẩm văn học của ông, như Otoshi ana (The Pitfall / Lỗ hổng, 1962), Suna no onna (Woman in the Dunes / Người đàn bà nơi cồn cát, 1962), Tanin no kao (The Face of Another / Khuôn mặt kẻ khác, 1966),... Năm 1973, ông sáng lập trường dạy diễn xuất ở Tokyo để dạy các phương pháp trình diễn độc sáng của ông, đồng thời là chỗ để ông đạo diễn kịch. Ban kịch do ông thành lập, “Abe Kobo Studio”, đã sang Mỹ lưu diễn năm 1979. Và ông đã được đề cử vào Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ năm 1977.

Tính cách tiền vệ là đặc trưng mà cũng là dụng tâm của Abe Kobo. Ngay từ thời gia nhập nhóm văn học “Yoru no kai” (Hội ban đêm) của Hamada Kiyoteru, chủ trương thúc tiến nghệ thuật tiền vệ, ông không ngừng nỗ lực khai phát những ý tưởng và phong cách mũi nhọn.

Nguyên tắc thực tiễn của ông là cố gắng lật ngược các quan niệm đã trở thành giáo điều hay thành kiến. Trong thời đại mà con người tiếp tục được xem là trung tâm của vũ trụ, linh trường số một, được đặt trên bệ cao cách biệt hẳn với mọi loài động vật khác, hay thực vật, khoáng vật, tác phẩm của ông lại tỏ rõ chủ trương đồng đẳng giữa các loài, và không những cùng đẳng cấp, mà còn có thể biến đổi, “hoá thân” từ loài này sang loài khác: con người biến thành động vật khác, thực vật hay đồ vật, và ngược lại, các loài khác hoá thành nhân cách như con người. Trong lúc ý thức được đề cao, thì ông lại chủ trương nhục thể chi phối tinh thần, hoàn cảnh xã hội quy định ý thức. Đối nghịch với các chủ nghĩa hiện thực, ông cho rằng hiện thực chỉ có ý nghĩa hay giá trị khi đối chiếu với viễn ảnh tương lai là sản phẩm đáng đề cao của trí tưởng tượng, nhất là trong trường hợp các hoạt động trí tuệ, như văn học nghệ thuật. Và tự do chỉ có thật khi cá thể thoát ra khỏi mọi tập thể như quốc gia hay cộng đồng.

Abe Kobo chuộng lối văn khô khan nhưng hàm súc và khoa học, đối lập với lối văn ướt át, thấm đẫm tình cảm và chủ quan vẫn tiếp tục được ưa chuộng thời bấy giờ. Ông không ngừng thử nghiệm những thủ pháp và tư tưởng mới lạ, kể cả khoa học viễn tưởng, triết lý hiện sinh, chủ nghĩa hiện thực thần kỳ.

Đề tài của Abe Kobo là sự cô lập, tha hoá của con người, áp lực của xã hội khiến con người vong thân, đánh mất căn cước bản ngã, cảm thấy khó khăn gần như bất khả trong việc truyền đạt tâm tình, suy nghĩ, với người khác, khiến cho toàn bộ xã hội trở thành thế giới quái gở, kỳ dị đối với cá nhân. Phản ứng với tình cảnh như thế, chủ quan của con người lại trở thành một vũ khí tự vệ tồi tệ, ngược lại giam hãm con người vào hộp kín, dựng lên những bức tường ngăn trở việc nhận thức sự thật bên ngoài. Nội tâm cách ly với ngoại giới, ý thức của con người lạc vào mê cung, sự việc gì xảy ra cũng có đối-ảnh vừa đồng nhất vừa đối nghịch, như hình phản chiếu trong tấm gương, khó mà phân định được đâu là thật đâu là hư, người nào là kẻ chạy trốn, người nào là kẻ lùng bắt (trong truyện ngắn “Yuwakusha [“Gã cò mồi”]), người tìm bắt trở thành tòng phạm của kẻ chạy trốn (trong truyện ngắn “Yume no heishi [“Người lính trong mơ”]), người Hoả tinh có hình dáng in hệt người Địa cầu, hay chỉ là người Địa cầu giả dạng người Hoả tinh (trong truyện ngắn “Shisha” [“Sứ giả”]), càng cố tránh ra xa lại càng làm cho mình dính chặt thêm vào sự kiện (trong truyện ngắn “Mukankei na shi [“Một cái chết vô can”]), vân vân. Để tìm cho ra sự thật, con người phải gắng nhìn qua bức tường ngăn chặn ý thức ấy (không khác gì những cao tăng diện bích), hay đục lỗ trên hộp kín giam hãm mình mà gắng nhìn ra ngoại giới. Trên bức tường ngăn trở ấy, tác phẩm của Abe Kobo là những nét vẽ nguệch ngoạc có phần tinh quái, cố gắng trình bày những sự việc xảy ra phía bên kia, bằng “viên phấn phù thuỷ”, ai biết đâu là ranh giới giữa tưởng tượng và hiện thực?

Tiểu thuyết và kịch bản của Abe Kobo được xây dựng trên những quan sát tinh tế đặc trưng của một y sĩ giải phẫu, chữ nghĩa uyên bác của một nhà khoa học, và biểu hiện độc đáo. Mặt khác, có người phê bình văn phong của ông là khô cứng, khó khăn, phản ánh khuynh hướng đặt trọng tâm ở tư tưởng hơn là phong cách biểu hiện. Là một y sĩ, Abe Kobo giải thích những vấn đề tâm sinh lý, ý thức và tiềm thức, bằng cả những ẩn dụ, ngụ ngôn, cả những dạng chuyển hoá (hay “hoá thân”, hay “biến hình”) có thể xem là hình thức ẩn dụ hay ngụ ngôn cao nhất, để cố gắng truyền đạt đến độc giả một cách cụ thể những hiện tượng có thực ở vùng sâu kín trong hay dưới tầng ý thức. Ông chú trọng đến ảnh hưởng của tiềm thức và vô thức trên hành vi của con người: “Nói gì đi nữa, những quảng cáo kích thích vào tiềm thức người ta thì có tác dụng mạnh nhất. Để được như thế, sáng kiến quảng cáo cũng phải nảy sinh từ vô thức mới có được sức thuyết phục” (trong truyện ngắn “Kake” [“Đánh cuộc”]).

Abe Kobo mất năm 1993 vì bệnh tim, để lại một sự nghiệp văn học xuất chúng trải dài 40 năm.

Ngoài Suna no onna (Người đàn bà nơi cồn cát), Abe Kobo còn được biết đến qua các tác phẩm tiêu biểu như:

Daiyon kampyōki (Inter Ice Age 4 / Thời kỳ băng hà thứ tư), đăng thành nhiều kỳ trên tạp chí Sekai (Thế giới) từ 1958 đến 1959, có bối cảnh nước Nhật bị đe doạ chìm ngập dưới nước tan chảy từ băng sơn Bắc cực, nhân vật chính khai phát một chương trình máy tính dự đoán việc chế tạo những đứa trẻ có cơ thể được thiết kế hay thay đổi cho thích ứng với đời sống trong nước biển. Ông chống đối việc này nhưng đứa con sắp sinh của ông lại bị chọn vào kế hoạch thay đổi cấu tạo ấy. Truyện đặt vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học, và khái niệm ý chí tự do của con người.

Hako otoko (The Box Man / Người đàn ông trong hộp giấy, 1974): nhân vật chính rời sinh hoạt thường ngày đầy âu lo của ông, bắt đầu quan sát thế giới quái kỳ ở Tokyo qua lỗ dòm cắt trên hộp giấy mà ông ta đội lên đầu.

Trong kịch bản Tomodachi (Friends / Bạn bè, 1967, tác phẩm được giải Tanizaki Jun-ichiro), phòng trọ của một tư chức bị một gia đình không quen biết chiếm đóng, sinh hoạt của anh ta bị họ chi phối và chính anh cuối cùng bị một cô con gái của gia đình ấy giết chết. Họ rêu rao dân chủ, tự xưng là những người cống hiến cuộc đời cho việc thiện, giúp ích cho xã hội, nhưng thực tế chỉ thi hành toàn là những hành vi bóc lột, phá hoại tàn nhẫn. Vở kịch này được trình diễn vào thời cao điểm của chiến tranh Việt Nam, nên có nhà bình luận cho là ngụ ngôn về sự can thiệp hay xâm nhập của Mỹ.

Tanin no kao (The Face of Another / Khuôn mặt kẻ khác, 1964) là chuyện một người đàn ông bị tai nạn trong phòng thí nghiệm phá nát gương mặt mình, đã bí mật nhờ phẫu thuật sửa lại theo khuôn mẫu mà vợ ông ta vẫn hằng cho là khuôn mặt đàn ông lý tưởng, mà không cho vợ biết, rồi thử quyến dụ vợ ông bằng gương mặt mới xem sao. Một chuyện ngụ ngôn tân thời về ước vọng của đàn ông muốn kiếm cho mình một căn cước khác.

Kangaruu no-to (Kangaroo Notebook / Sổ tay Kangaroo, 1991) kể chuyện một tư chức đột nhiên thấy có mầm cây mọc ra từ chân mình, vào bệnh viện lại được chiếc giường bệnh biết suy nghĩ và tự ý quyết định đưa ông ta qua nhiều nơi chốn siêu thực, như mê cung của xã hội khắc nghiệt trong đó con người bị cô lập và đánh mất bản ngã. (Tương truyền rằng với tác phẩm Kangaruu no-to, Abe Kobo là tác gia Nhật Bản đầu tiên viết văn trên máy tính).

Các tác phẩm sau đây đã được dịch ra tiếng Anh:

Inter Ice Age 4 (Daiyon kampyōki / Thời kỳ băng hà thứ tư), E. Dale Saunders, 1959.

Woman in the Dunes (Suna no onna / Người đàn bà nơi cồn cát), E. Dale Saunders, 1962.

The Face of Another (Tanin no kao / Khuôn mặt kẻ khác), E. Dale Saunders, 1964.

The Ruined Map (Moetsukita chizu / Bản đồ bị thiêu rụi), E. Dale Saunders, 1967.

The Box Man (Hako otoko / Người đàn ông trong hộp giấy), E. Dale Saunders, 1973.

Kangaroo Notebook (Kangaruu no-to / Sổ tay Kangaroo), Maryellen Toman Mori, 1973-1977.

Secret Rendezvous (Mikkai / Hò hẹn bí mật), Juliet Winters Carpenter, 1977.

The Ark Sakura (Hakobune Sakura-maru / Thuyền cứu thế Sakura), Juliet Winters Carpenter, 1984.

Beyond the Curve and Other Stories (“Qua khỏi khúc ngoặt” và những truyện khác, tập truyện), Juliet Winters Carpenter, 1990.

Three Plays by Kobo Abe (Ba vở kịch của Abe Kobo, kịch bản), Donald Keene, 1993.

Friends (Tomodachi / Bạn bè, kịch bản), Donald Keene, 1967.

Ở Việt Nam, tiểu thuyết Suna no onna của Abe Kobo đã đến với độc giả tiếng Việt đầu tiên qua bản dịch Người đàn bà trong cồn cát của nữ văn sĩ Trùng Dương (xuất bản tại Sài Gòn trước 1975). Gần đây, các tác phẩm của Abe Kobo như Kabe—Esu Karuma shi no hanzai (Bức tường—Tội của S. Karma) và Akai mayu (Cái kén đỏ) gồm 4 truyện ngắn “Cái kén đỏ”, “Viên phấn phù thuỷ”, “Lụt lội” và “Sự nghiệp” đã được dịch giả Lê Ngọc Thảo chuyển ngữ trực tiếp từ nguyên tác tiếng Nhật vào năm 2004.



Abe Kobo đã đi trước thời đại với những tư tưởng và phong cách cho đến nay vẫn còn có tính cách tiền vệ. Nhiều nhà phê bình trên thế giới cho rằng ông là một trong số ít tác gia Nhật Bản xứng đáng được xem là tác gia tiêu biểu của thế kỷ 20.


Phạm Vũ Thịnh
Sydney 01-2008



Tham khảo:
Tiểu sử của Kobo Abe trên các websites:
http://www.ibiblio.org/abekobo/
http://www.washburn.edu/reference/bridge24/Abe.html
http://www.kirjasto.sci.fi/koboabe.htm

Các tiểu luận:
Susan Llorens, “Kobo Abe : Modernity and Isolation in a Changing Japan”.
Michael Russell, “Kobo Abe”.

Các bài giải thuyết:
Watanabe Hiroshi, bài giải thuyết cho tập truyện R62-go no hatsumei - Namari no tamago (Phát minh người máy R62 - Quả trứng bằng chì).
Shimizu Toru, bài giải thuyết cho tập truyện Mukankei na shi - Toki no gake (Một cái chết vô can - Vách thời gian).



--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét