Clair, Jean
Chủ nghĩa Siêu Thực và phương Đông
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
“Thế giới vào thời chủ nghĩa siêu thực” trong tạp chí Variétés, số đặc biệt “Chủ nghĩa siêu thực năm 1922”, Bruxelles, tháng sáu 1929.
__________
Đôi lời [của tác giả]
Chủ nghĩa siêu thực sẽ không được đề cập ở đây in totum mà in partem. Điều mà chúng tôi quan tâm đến, không phải là những tác phẩm xuất phát từ chủ nghĩa siêu thực, những hoạ phẩm người ta có thể ngưỡng mộ trong nhà bảo tàng, những bài thơ, bài viết người ta có thể tìm đọc trong thư viện, mà đó là những gì khó tiếp cận hơn và ít được quần chúng biết đến: những căn bản lý thuyết của một trào lưu tư tưởng mà cũng được xem là một phong trào chính trị. Cái mà chúng tôi muốn đề cập và tìm hiểu, sine ira et studio, không phải thẩm mỹ của chủ nghĩa siêu thực, mà là vị trí khác thường của nó giữa những ý thức hệ đương thời. Những sự hoà giải mà chúng tôi buộc phải thực hiện trên phương diện này, giữa chủ nghĩa siêu thực và những ý thức hệ ấy, tất nhiên sẽ gây kinh ngạc.
Vụ án này không mới. Chúng tôi có ghi nơi đầu mỗi chương những trích dẫn của Carl Einstein ngược về tận những năm 30. Einstein là một trong các lý thuyết gia lớn về nghệ thuật của tiền bán thế kỷ 20.[1] Ấy là những luận thuyết về nghệ thuật tiền phong ở Paris, về Braque, Picasso, Léger, và Masson, mà ông đã có những trang viết thấu triệt. Từ năm 1913, tiểu luận Negerplastik của ông là cuốn sách lý luận đầu tiên về nghệ thuật châu Phi. Năm 1928, ông sang định cư tại Paris và, trong khoảng thời gian xa xứ này, cùng với Georges Bataille, Georges-Henri Rivière và Georges Wildenstein ông sáng lập tạp chí Documents. Ông là người đầu tiên đặt cái nhìn của nhà nhân chủng học lên các sản phẩm của nghệ thuật hiện đại, dẫn tới phê bình. Là người bênh vực những phong cách tiền vệ trong thập kỷ 20, nhưng ông đã xa lánh chúng trong thập kỷ 30 để dấn thân vào một cuộc phân tích triệt để các phong trào trí thức và nghệ thuật Tây Âu. Và chủ nghĩa siêu thực bị ông nhắm một cách gắt gao nhất. Ông sẽ định nghĩa, trong một luận văn mãnh liệt và châm biếm, viết năm 1935 và 1937, nhưng chỉ xuất bản năm 1973 ở Đức,[2] cái mà ông cho là sự phản bội của giới trí thức. Tác phẩm này, có thể phạm thánh đối với ý niệm cứng nhắc của chúng ta ở Pháp về tính hiện đại, vẫn chưa được chuyển ngữ.
Tuy nhiên, dẫu có tình nguyện đứng dưới quyền lực của Carl Einstein, chúng ta cũng có thể sẽ không né tránh được sự phê phán. Sự sửa sai đã tăng. Sự mê muội cũng thế.
Gần một thế kỷ đã chia cách chúng ta với những bước đầu của chủ nghĩa siêu thực. Điều ấy đã đủ để chúng ta vươn tới sự bình tĩnh. Nếu xưa kia nó đã từng là mối đam mê, thì hôm nay nó phải là chủ đề để nghiên cứu. Chúng tôi không mang chủ nghĩa siêu thực ra để xử kiện: chúng tôi đã gia tăng các câu hỏi, nhưng tránh việc trả lời dứt khoát. Cuộc vận hành rất đau đớn nhưng cuối cùng không được thoả mãn bao nhiêu.
Tuy nhiên có thể bản tính của sự kích bác là vượt quá giới hạn, và ở chỗ này hay chỗ kia chúng tôi đã bị cuốn hút bỏi sự tha thiết đối với đề tài. Breton đã chẳng từng viết: “Một chân lý sẽ luôn luôn đáng chấp nhận hơn nếu được phát biểu bằng giọng điệu nhục mạ” hay sao?[3]
CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC VÀ PHƯƠNG ĐÔNG
Các nghệ sĩ trong thời điểm quanh 1910 thuộc về một thế hệ đã lớn lên trong ảo giác của một vòm trời tiến bộ. Cái thế hệ này đã nghĩ rằng nó có thể tạo dựng những thiên đường, như có phép mầu, bằng những công thức của trí tuệ [...]. Mặt khác, họ cũng tưởng tượng rằng họ có thể bác bỏ những sự kiện bằng những hoạ phẩm. Đây chính là giới hạn của nghệ thuật.
Carl Einstein
Chúng ta cần nhìn lại tấm bản đồ thế giới kỳ dị do các đệ tử của André Breton ấn hành năm 1929.[4] Phương cách chiếu rọi không tuân theo thông số địa dư hay tình trạng kinh tế mà dựa trên văn hoá. Mỗi xứ được thể hiện tuỳ vào mức quan trọng của di sản dưới cái nhìn của chủ nghĩa siêu thực. Pháp đã teo lại thành một dấu chấm, và châu Âu, được cứu vớt bởi chủ nghĩa lãng mạn và Freud, thấy diện tích của nó được giới hạn giữa Đức và Áo-Hung. Alaska và Labrador lớn rộng hơn Trung Quốc, và Nouvelle-Guinée to gấp ba lần Úc châu. Mối đam mê của các nhà thơ siêu thực dành cho các nền văn hoá “đầu tiên”, sự ngất ngây của họ đối với nghệ thuật châu Phi và nghệ thuật Đại Dương châu đã bừng lên ở đây, đối chọi với tinh thần quốc gia hẹp hòi đang ngự trị bên Ý, nhân danh Italianità (tính cách Ý- đại-lợi), và bên Đức thì dưới dạng chủng tộc chính trị được thực thi nhân danh cái Volk (tính dân tộc) của Đức.
Tuy thế, bản đồ đã có hai chỗ “sửa sai” khá bất ngờ đáng được lưu ý: Hoa Kỳ không còn hiện hữu, bị chìm dưới một lằn ranh nối liền Mễ-tây-cơ với Gia-nã-đại. Và một nước bé nhỏ bỗng nhiên chiếm một không gian quá mênh mông, bao la hơn cả Ấn-độ: đó là A-phú-hãn (Afghanistan).
Ngẫu nhiên? Không. Chủ nghĩa siêu thực đã luôn luôn mong ước cái chết của một nước Mỹ duy vật và bất thụ dưới mắt họ, và nó vẫn mong muốn sự đắc thắng của một phương Đông là nơi tích luỹ các giá trị tinh thần.
Giữa những năm 1924 và 1930, nhiều văn bản theo nhau ra đời nhấn mạnh sự tưởng tượng mang tính cách tận diệt đó. Aragon, năm 1925:
“Chúng tôi sẽ thắng lý đối với tất cả. Nhưng trước hết, chúng tôi sẽ huỷ diệt nền văn minh yêu dấu này của các bạn, nơi mà các bạn đang bị đúc khuôn như súc vật hoá thạch trong nham phiến. Thế giới phương Tây ơi, mi tới số rồi. Chúng tôi là bọn chủ bại của châu Âu... Hỡi phương Đông, hỡi mối khủng khiếp của chúng tôi, hãy mau đáp lời gọi. Chúng tôi sẽ đánh thức ở mọi nơi những mầm mống hỗn loạn và bất an. Mọi chiến hào đều tốt đẹp, mọi chướng ngại vật đối với hạnh phúc các bạn đều bị nguyền rủa...”[5]
Cũng không thiếu chiều kích tiên tri khi tổng kết:
“Và bọn buôn lậu ma túy hãy ùa vào các xứ sở trong khiếp sợ của chúng tôi. Và nước Mỹ ở nơi xa xăm kia hãy mau sụp đổ dưới những toà cao ốc...”[6]
Ngày 11 tháng 9, 2001, giấc mơ của Aragon đã bỏ siêu thực để trở thành thực tế. Các toà “bin đinh trắng” của Twin Towers sụp đổ trong biển lửa khi phương Tây ngơ ngác phát hiện, trên tấm bản đồ thế giới, một đất nước gần như bị lãng quên: A-phú-hãn.
Sự cực đoan của các nhà thơ siêu thực đã không chỉ là ngôn từ. Nếu hành vi siêu thực giản dị nhất là ra đường rút súng bắn vào người khách qua đường đầu tiên, thì ấy là mang án mạng đặt trong tầm tay của kẻ tới trước, như chủ nghĩa siêu thực nằm trong tầm với của mọi kẻ vô ý thức. Ngay từ năm 1925 cũng đã có sự nhờ vả các “chiếc búa vật liệu” (marteaux matériels) để đập phá những chướng ngại vật đè nén tâm trí. Bạo lực tương tự, nếu được chính trị ủng hộ, sẽ thừa cơ để tấn công một phương Tây bị nguyền rủa. Chính anh chàng Robert Desnos dễ thương từng nhìn châu Á như là “thành trì của mọi hy vọng”, đã vẫy gọi thỉnh cầu bọn dã man, những kẻ duy nhất còn có thể nối gót các “siêu thiên thần của Attila”.[7] Sát cánh với những người cộng sản, các nhà thơ siêu thực đã tố cáo “giai cấp tư sản đế quốc háo chiến” của phương Tây, tố cáo “những giáo điều ngột ngạt về Nhà Nước và Tổ Quốc”. Cuộc đương đầu sẽ kết thúc với sự đắc thắng vẻ vang của phương Đông được các nhà thơ siêu thực coi như là “cái kho lớn tồn trữ sức mạnh hoang dã”, như đất nước vĩnh hằng của những kẻ tàn phá lớn, những kẻ thù muôn đời của nghệ thuật và văn hoá là “những trò lố lăng cỏn con của bọn người ở phương Tây”.
“Thư cho các đạo tràng của Phật” do Antonin Artaud viết, cũng là lời kêu gọi cuồng điên về một “chủ nghĩa thần bí kiểu mới” có thể cứu vãn phương Tây ra khỏi mối hiểm nguy của chủ nghĩa duy vật:
“Châu Âu duy luận lý học không ngớt nghiền nát trí tuệ [...]. Như các bạn, chúng tôi đẩy lùi sự tiến bộ: các bạn hãy đến, hãy giật sập cửa nhà chúng tôi.” Và vẫn thế, trong một văn bản tập thể do cả nhóm đồng ký tên: “Ấy là chúng tôi vất bỏ mọi qui luật được chấp thuận, ấy là mong đợi những lực lượng mới, những sức mạnh ngầm, có thể làm rung chuyển Lịch Sử, khiến chúng tôi quay nhìn về châu Á... Đã đến lúc người Mông Cổ tới dựng lều nơi công trường của chúng ta”, vân vân.[8]
Nhà phê bình Hannah Arendt đã viết từ năm 1949:
“Trước khi một trí thức nazi tuyên bố ‘Khi nghe nói đến từ văn hoá, tôi lập tức rút súng ra’, các nhà thơ cũng phát biểu sự ghê tởm của họ đối với cái văn hoá bẩn thỉu và họ đã làm thơ mời mọc ‘Hỡi hết thảy bọn người dã man, người Scythe, người Da Đen, người Ấn Độ, hãy cùng nhau tới chà đạp nó’.”
Và bà viết thêm:
Người ta có thể an tâm coi sự bất mãn dữ dội đối với thời tiền chiến và những cố gắng phục hưng sau đó [...] như một 'cơn hư vô chủ nghĩa'. Nhưng làm vậy là quên rằng sự ghê tởm đó có thể được biện minh trong một xã hội đã đặc sệt ý thức hệ và luân lý tư sản [...] Sự phá phách thẳng tay, sự hỗn mang và điêu tàn, tự chúng thôi, cũng có thể đảm nhận phẩm cách những giá trị tối cao.”
Thật ra, mối đam mê mà các nhà thơ siêu thực dành riêng cho phương Đông và nâng lên hàng huỷ diệt cuồng điên, nhất là với Artaud, chỉ là sự tiếp tục một cách đương nhiên, giữa thập kỷ 20, làn sóng đông Phương của Thông Thiên Học (Théosophie) xuất hiện 15 năm trước. Một phụ nữ gốc Nga, bà Helena Blavatski, sáng lập phong trào này năm 1875. Thế nhưng địa vị bà dành riêng cho Phật giáo, theo thời gian, đã biến thành một thái độ đấu tranh mãnh liệt chống đối phương Tây. Trong thập kỷ đầu, tựa vào các tôn giáo phương Đông, Thông Thiên Học đã trở thành, nhất là dưới ảnh hưởng Annie Besant và de Leadbeater, một món vũ khí đấu tranh để “kháng cự lại sự tuyên truyền gây hấn của giáo hội Tây phương”, đặc biệt là của Thiên chúa giáo. Đằng sau cái “hiền triết” (sagesse) mà họ tuyên bố phục vụ, các đệ tử của Blavatski đã có ngụ ý chinh phục phương Tây trên bình diện tinh thần lẫn chính trị.
Nhân danh một “thuyết thần bí kiểu mới”, ấy là sự cương quyết tấn công tinh thần logic, lý lẽ, Khai Sáng, cùng với sự thanh toán di sản tinh thần của Do thái giáo và Thiên chúa giáo, cũng là tiêu chí để chống phá mà Hitler và Staline đã thao túng kịch liệt. Và những kẻ kế thừa cuối cùng của Thông Thiên Học cuối-thế-kỷ hướng về phương Đông là các nhà thơ siêu thực trẻ tuổi dấn thân trong thập kỷ 20.
Thúc giục giết người là điểm hội tụ của các phong trào tiền vệ. Marinetti là khuôn mẫu tu từ đã gợi hứng cho Mussolini, và chủ nghĩa vị lai (Futurisme) khi sử dụng khéo léo các dụng cụ tuyên truyền đại chúng, như điện ảnh, dàn dựng, lễ nghi, biểu tình trên đường phố, đã cung cấp những chìa khoá cho sự thẩm mỹ hoá chính trị, như Walter Benjamin đã phân tích, khiến đám đông bị thôi miên, mà chủ nghĩa phát xít về sau đã biết triển khai. Trotski, rất tinh đời, trong cuốn Văn chương và Cách mạng, là người đầu tiên đã nhận thức, trong năm 1924, rằng chủ nghĩa vị lai được dân chúng Ý hâm mộ, đã dọn đường cho chủ nghĩa phát xít.
Bên kia sông, người ta cũng bắt đầu nhận thấy, dù với tiếc nuối, rằng những người đại diện cho phái tiền vệ Xô-viết, những kẻ mà người ta, theo một thứ novlange (ngôn ngữ mới) kiểu Orwell, đã gọi họ là nhóm “Kom-Fut”, hay Futuristes-Communistes, gồm nhà văn và nhà thơ, trong những năm ngay sau nội chiến, đã mở một cuộc vận động chống lại tất cả các thứ đã cũ, đã lỗi thời và tư sản. Người nổi danh nhất bọn, nhà thơ Maiakovski, trong bài thơ “150 000 000” của ông, viết năm 1919-1920, đúng lúc Breton cho ra đời chủ nghĩa siêu thực, đã ngợi ca sự trả thù bằng “lưỡi lê (của) súng browning và bom” của các đám quần chúng đang chuyển mình:
Hãy quên
bọn thi sĩ
tận tuỵ nhìn bầu trời để tỉ tê
Mi lão rồi ư? Xử tử!
Và sọ người làm cái gạt tàn
Khi tuổi già đã được sự cuồng điên
quét tan
chúng ta sẽ hát ca cho thế giới
một huyền thoại mới
Malévitch, nhà sáng lập chủ nghĩa Suprématisme, rồi cũng viết:
“Triết lý của tôi: cứ mỗi 50 năm là ta phải huỷ diệt thành phố cũ và làng mạc cũ, bài trừ việc giới hạn nghệ thuật, gạt bỏ tình yêu và sự chân thành trong nghệ thuật. Tuy thế, ta không nên vin vào bất cứ trường hợp nào để làm khô cạn cái nguồn sống của con người là chiến tranh.”[9]
Những lời lẽ cuồng nộ ấy, xướng bởi các nhà thơ và các nhà hoạ sĩ, cũng đã chuẩn bị các não trạng để chúng chấp nhận những cuộc tàn sát tập thể sắp tới của Tchéka và l'OGPU.[10]
Hannah Arendt, từ năm 1949, tức là chỉ sau chiến tranh một đỗi rất ngắn, đã phân tích hiện tượng trên như khi nó xuất hiện từ năm 1914:
“Đã lộ diện rất sớm sự kiện rất đặc biệt là những kẻ có học thức cao thường hay bị lôi cuốn bởi những phong trào quần chúng, và, đại loại, một chủ nghĩa cá nhân tinh xảo không thể ngăn cản, mà đôi khi thực ra lại khiến cho người ta quên mình để hoà nhập vào quần chúng càng thêm dễ. Sự kiện hiển nhiên này quá bất ngờ khiến người ta đã qui trách nhiệm cho đặc tính bệnh hoạn hay tâm trạng hư vô chủ nghĩa của giới trí thức hiện đại, một loại ‘tự khổ hình’ (masochisme) tiêu biểu của các nhà trí thức, hoặc hơn nữa, sự đối nghịch giữa tinh thần và đà sống, mối ‘hiềm thù của tinh thần đối với cuộc đời’. Tuy nhiên, các thức giả bị nhiều tai tiếng kia chỉ là thí dụ dễ trông thấy nhất và là phát ngôn viên minh bạch nhất của một hiện tượng tổng quát. Sự nguyên tử hoá (atomisation) xã hội và chủ nghĩa cá nhân tột cùng thường đi trước những phong trào đại chúng, những phong trào này lôi cuốn những kẻ hoàn toàn vô tổ chức. Những kẻ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân trọn vẹn đã luôn luôn chối từ việc chấp nhận những ràng buộc và những trách vụ đối với xã hội...”
Hãy giở lại các trang viết siêu thực: giọng điệu rác rưởi cùng những lời chửi bới (“thơ tục”, “bồi”, “chó má”, “đồ thối tha”, “trí thức cứt”, “da tanh”) dành cho kẻ thù, bọn phản ngịch, lũ bội giáo là các nhà văn “tiểu tư sản”, như đã tìm thấy trong “Luận về bút pháp” của Aragon, hay trong các tờ thư ngỏ. Chúng chẳng khác những chữ tìm thấy trong các mồi hoả của những liên minh phát-xít là bao, hay ở mép bên kia của quang phổ chính trị, mà người ta sẽ thấy ném về phía bọn “chó dại” trong các cuộc xử án ở Mátx-cơ-va. Chúng là chữ ký của một thời kỳ.
Những người trẻ tuổi này, vừa may mắn thoát khỏi những cuộc tàn sát trong năm 1914, hẳn phải được “một quyền điêu tàn” (“un droit à la ruine”). Chí ít thì đó là những gì mà André Gide đã vui vẻ viết gửi cho họ: “Làng mạc, giáo đường đã không được dung tha” thì cớ chi Ngôn ngữ lại được “dung thứ”?[11]
Thế nhưng ở đây không phải cái tính “khả tổn thương” (vulnéré) của ngôn ngữ - văn phạm bị làm trật khớp của phái Zaoum vị lai và những chữ “thả lỏng” của các nhà thơ Nga và nhóm Dada -- mà chính cái tính “gây thương tích” (vulnérant) của ngôn ngữ, của câu văn sát hại, của cái chữ sát sinh. Lời lẽ cực đoan và biệt tài mạ lị này, mà Gide sẽ là một trong những nạn nhân đầu tiên, năm 1928, qua vài trang viết cộc cằn và cuồng nộ trong “Luận về bút pháp” của Aragon, chúng có thể tự bào chữa cho vài sự quá mức chăng?
Điều bất ngờ hơn là khi người ta bắt gặp đó đây sự kỳ thị Do Thái ngấm ngầm nơi các nhà cách mạng trẻ ấỵ Ta phải nghĩ thế nào, về những lời lẽ sau đây, trong “Thư gửi các đạo tràng của Phật” đăng trong Tuyên ngôn số 3 của Cách mạng Siêu thực, được rỉ tai là do Artaud viết, những lời lẽ công kích chung chung không phân biệt rõ ràng:
“[...] của ta bọn ký lục còn viết lách thêm một thời gian nữa, bọn ký giả còn tán gẫu, bọn phê bình gia còn lắp bắp, bọn Do Thái còn nhảy vào các khuôn thức bóc lột, bọn chính trị chính em còn khoa môi múa mép và bọn thẩm phán sát nhân còn che đậy các tội đại ác của chúng [...]. Hãy đến. Hãy cứu chúng tôi ra khỏi lũ ấu trùng này...”?[12]
Có thể đấy chỉ là bút pháp của một thời kỳ, là loại văn hùng biện cực đoan mà người ta đã thấy gần như khắp nơi, từ những liên minh phát xít tới những nhóm người chủ trương vô chính phủ. Dù sao đi nữa thì lời kêu gọi giết người không che đậy, sự say sưa triệt hạ, sự trái lý lẽ và lãng mạn đen được xiển dương, sự say mê những cuồng nhiệt ban sơ của những chủng tộc còn “tinh khiết” ở phương Đông, sự nương vào những huyền thoại mơ hồ và khát máu, những cơn mê kỳ thị Do Thái của Artaud, như người ta đã tìm thấy trong các tuyên ngôn, diễn từ, tuyên cáo, xỉ vả và truyền đơn siêu thực chẳng mấy khác biệt nhau. Nếu ta chịu khó và bình tĩnh đọc kỹ lại hết thì chúng đều là những lời lẽ hung hãn sử dụng bởi những kẻ thích xúi giục giết người của một thời điểm.
Người ta có thể bảo đó chỉ là những lời bồng bột, vô hại của các chính trị gia còn non tuổi đời. Họ đều đã biết sự ghê rợn của chiến trường, và họ lại sắp phải chứng kiến cuộc chiến tranh Rip và cuộc đảo chính của Franco. Có thể là họ được trọn quyền phát biểu không kiềm chế nỗi tuyệt vọng và sự cuồng nộ của họ. Có thể lắm: “Giới trí thức ưu tú,” Hannah Arendt viết, “không coi sự huỷ diệt văn minh là một cái giá quá đắt phải trả cho niềm hân hoan được thấy sự hội nhập bằng vũ lực bởi những kẻ đã bị hất ra ngoài một cách quá bất công trong quá khứ.”
Nếu nghĩ vậy thì ta quên rằng André Breton đã quyết tâm tham gia vào Cộng Đảng vào tháng Giêng năm 1927 khi một số đông trí thức, sáng suốt hơn, đã bắt đầu rút lui. Cuối năm 1923, Boris Souvarine, trong tập Kỷ yếu Cộng Sản đã tường trình về lập trường của Trotski, người đang tố cáo chế độ thư lại ngày càng gia tăng của Liên Xô. Tháng Hai 1924, Trotski đã nhiệt liệt cảnh cáo chế độ tập quyền và kỷ cương hà khắc của Đảng Cộng Sản.[13] Ngoài Souvarine ra, còn có một cuộc chống Đảng được tổ chức quanh các nhà xã hội và các nhà duy-Nga là Mayoux, Monatte, Pierre Pascal, Brice Parain, mặc dù rất gắn bó với nước Nga và xã hội chủ nghĩa, họ vẫn không bị lừa bởi tính cách đặc thù của chế độ mới. Thế mà đúng vào lúc giai cấp tiểu nông bị giải tán gây nạn đói lên tới hàng triệu người, lại chính là cái lúc mà các nhà thơ siêu thực quyết định dâng hiến Đảng Cộng Sản Nga sự “phục vụ” của họ, khi việc cộng sản hoá đang bước vào con đường sẽ đưa đến những cuộc thảm sát và thanh trừng.
Thực ra sự liên luỵ của nhóm trí thức sành sỏi này có thể được giải thích bởi ước vọng mang tính đối chọi của Breton. Ước vọng mình vừa là nhà thơ lớn của thời đại vừa là kẻ ngự trị trên nền Cộng hoà Văn chương bằng quyền năng của trí tuệ. Nó có thể trở thành sự thực nếu Breton và đệ tử của ông được Đảng Cộng Sản công nhận là người đại diện độc nhất cho văn chương cách mạng.
Ở thời điểm đó không ai có thể ngờ rằng nạn nhân thực sự của sự trớ trêu này không phải là giai cấp tư sản mà là giới trí thức ưu tú.
----------
Trích dịch từ nguyên tác của Jean Clair, Du surréalisme considéré dans ses rapports au totalitarisme et aux tables tournantes (Paris: Mille et une nuits, 2003).
Nhan đề “Chủ nghĩa Siêu Thực và phương Đông” là của người dịch. Các tiểu đề thì do chính tác giả. “Đôi lời” là phần dẫn nhập cho cuốn tiểu luận (tr. 7-9), “Chủ nghĩa Siêu Thực và phương Đông” (tr. 117-128) trích từ chương 5 có cái nhan đề chung là “Thẩm phán và Nạn Nhân” (tr.111-140).
--------------------------
Ghi chú của người dịch:
Chủ nghĩa Siêu thực được sáng lập bởi những thanh niên bị cú sốc mạnh của Thế chiến thứ nhất -- cuộc chiến khủng khiếp đã biến thành phố Verdun thành một lò sát sinh và một nấm mộ tập thể. Những thanh niên ấy chống văn minh, tư bản, chống khoa học và kỹ nghệ đã sáng chế ra những khẩu đại bác sát nhân (nhưng họ quên những phát minh có ích lợi cho con người). Họ muốn quay về với thiên nhiên hoang dại, cảnh vật điêu tàn hoang phế (tranh Dalí), mộng mị (Freud), siêu hình, dị đoan (cầu cơ / tables tournantes), Đông Phương huyền bí, Phi Châu, Đại Dương Châu man rợ, v.v... Nhóm văn nghệ sĩ phản chiến ở Huế như Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Bửu Chỉ... có nhiều nét tương đồng với nhóm văn nghệ sĩ siêu thực ở Paris. Họ cũng muốn quay về một “quê hương thần thoại” thanh bình, cổ kính, nguyên thuỷ, đông Phương... dù họ sử dụng các chất liệu du nhập từ phương Tây để sáng tạo. Trịnh Công Sơn sáng tác những tình khúc ảo não (mưa vẫn mưa rơi trên tầng tháp cổ... như cánh vạc về chốn xa xôi...), rồi nhạc phản chiến, rồi nhạc “thiền”.
Giới trí thức Pháp tả khuynh mặc dù biết rõ về goulag và thanh trừng ở các nước cộng sản trước và sau chiến tranh lạnh, vẫn khư khư bênh Cộng và chống Mỹ. Sartre đã tuyên bố: “Đứa nào chống cộng là quân chó đẻ... Các nhà cách mạng đã giết quá ít... ” (Tout anti-communiste est un chien... Les révolutionnaires n'ont pas asssez tué...).
Tháng Giêng 1975, khi Soljenitsyne từ Mỹ ghé sang Paris, ông bị giới trí thức Saint-Germain-des-Prés (Sartre, de Beauvoir, Jean Baudrillard, Pierre Bourdieu, Régis Debray, Philippe Sollers...) lơ là và chống đối, vì goulag đối với họ chỉ là cái gai nhỏ của thiên đường xã hội chủ nghĩa mà Soljenitsyne là con sâu làm rầu nồi canh. Một ký giả “xã hội” đã “ký hoạ” một bức chân dung của nhà văn Nga như sau: “Cơ thể của nhân vật này gây cho ta sự lo ngại và bất an. Dẫu có được cạo rửa nhẵn sạch thì nó vẫn phơi bày cái phần đáng ngờ của một tên bần nông (moujik) y như trong huyền thoại, với những vết nhăn nheo hằn sâu trên khuôn mặt khiến nó có diện mạo của khỉ, những con khỉ buồn bã nhìn những người qua lại dạo chơi trong ngày chủ nhật” (Báo L'Unité, 24 tháng Giêng, 1975, do Jean Sévillia trích dẫn trong cuốn Le terrorisme intellectuel [Trí thức khủng bố], Éditions Perrin, 2004).
Thật ra, chống Mỹ là một truyền thống Pháp đã có từ hậu bán thế kỷ 18, do các nhà thông thái, triết gia và “văn nhân” Khai Sáng chưa từng đặt chân lên châu Mỹ, như Buffon, Voltaire, Raynal, Cornelius de Pauw... chủ xướng. Thoạt tiên là trên bình diện địa lý và thiên nhiên (toàn châu Mỹ chỉ là một miền đất “đồng dạng, nghèo nàn, xám ngắt”) trước khi chuyển sang địa hạt triết lý và chính trị để chống đối Hoa Kỳ cho đến nay.
*
Đã có nhiều sách và bài nghiên cứu về thái độ anti-américaine của Buffon, Voltaire, Raynal và Cornelius de Pauw. Dưới đây là một số tài liệu, khá mới và đang hiện hành, có trình bày về điều này.
Tài liệu tiếng Pháp:
André Glucksmann, Ouest contre Ouest (Paris: Editions Plon, 2003).
Jean-François Revel, L'obsession anti-américaine: Son fonctionnement - Ses causes - Ses inconséquences (Paris: Editions Plon, 2002).
Philippe Roger, L'Ennemi américain: Généalogie de l'antiaméricanisme français (Paris: Éditions du Seuil 2002)
Ted Stanger, Sacrés Français: Un Américain nous regarde (Paris: Editions Gallimard/Folio, 2004).
Tài liệu tiếng Anh:
Russell A. Berman, Anti-Americanism in Europe: A Cultural Problem (Stanford, CA: Hoover Press, Hoover Institution, Stanford University, 2008).
Rebecca Earle, “Creole Patriotism and the Myth of the 'Loyal Indian'“, Past and Present, No. 172 (Aug., 2001), pp. 125-145
Thierry de Montbrial, “Franco-American Relations: A Historical–Structural Analysis”, Cambridge Review of International Affairs, Volume 17, Number 3 (October 2004), pp.451-466.
Tài liệu tiếng Anh và Pháp đã xuất bản online:
James W. Ceaser, “A genealogy of anti-Americanism”, The Public Interest (Summer, 2003).
http://www.thepublicinterest.com/archives/2003summer/article1.html
David Ellwood, “Anti-Americanism: Why Do Europeans Resent Us?”, HNN [George Mason University’s History News Network] 5-05-2003.
http://hnn.us/articles/1426.html
Andrei S. Markovits, “European Anti-Americanism (and Anti-Semitism): Ever Present Though Always Denied” (The CES Working Papers Series, No. 108, Center for European Studies, Harvard University, edited by Andrew Martin).
http://www.ces.fas.harvard.edu/publications/docs/pdfs/Markovits.pdf
Barry Rubin & Judy Colp Rubin, Loathing America (Herzliya, Israel: The Global Research in International Affairs [GLORIA] Center, 2004).
http://www.gloriacenter.org/submenus/freebooks/download/loathing_america.pdf
François Ryssen, “Généalogie de l’antiaméricanisme français”, Voxnr, 5 Avril 2003.
http://www.voxnr.com/cc/di_antiamerique/EpuAVVuuVuCFxckXHr.shtml
Grzegorz Bronislaw Grabinski, “Anti-Americanism in Europe: a historic disease”.
http://www.gopeurope.com/pdf/anti-us.forgop.pdf
Des Arcis Catherine & Pluquin Bénédicte, “French Anti-Americanism”.
http://www.periwork.com/peri_db/wr_db/2006_April_26_7_58_54/index.html
_________________________
[1]Carl Einstein (1885-1940), nhà văn, nhà thơ và nhà viết sử nghệ thuật gốc Berlin, bạn thân của nhà buôn bán tranh Daniel-Henri Kahnweiler vì họ chia sẻ mối đam mê chung là hội hoạ lập thể. Như Walter Benjamin người bạn đồng hương của ông, ông đã quyên sinh vào ngày 5 tháng Bảy 1940, để tránh trước lính Gestapo.
[2]Carl Einstein, Die Fabrikation der Fiktionen, Sibylle Penkert biên tập, (Reinbeck bei Hamburg: Rohwolt, 1973).
[3]Buổi diễn thuyết tại Ateneo ở Barcelone, 17 tháng 11, 1922.
[4]Trong tạp chí Variétés, Bruxelles.
[5]Từ một bài diễn văn của Louis Aragon đọc tại một ký túc xá sinh viên ở Madrid ngày 18 tháng Tư 1925, do Maurice Nadeau trích dẫn trong cuốn Histoire du surréalisme (Paris: Le Seuil, 1945), tr. 115.
[6]La Révolution surréaliste [Cách mạng siêu thực], số 4.
[7] Trong “Description d’une révolte prochaine” [1925, “Mô tả một cuộc cách mạng sắp tới”].
[8]La Révolution surréaliste, số 5.
[9]Trích dẫn từ cuốn Malévitch, Ecrits, do Andrée Robel-Chicourel chuyển ngữ (Paris: Champ Libre, 1975), tr. 171.
[10]Tchéka và OGPU là tiền thân của KGB.
[11]Do Francois Nourrissier trích dẫn trong cuốn Un Siècle NRF [Một thế kỷ NRF], (Paris: Gallimard, 2000), tr. 113.
[12]“Lettre aux écoles du Bouddha” [Thư cho các đạo tràng của Phật] trong La Révolution surréaliste, số 3.
[13]Léon Trotski (hay Leon Trotsky viết theo tiếng Anh, gốc Do Thái, sinh ngày 26 tháng Mười 1879 tại miền Nam Ukraine, bị ám sát năm 1940 ở Mexico, tên thật Lev Davidovich Bronstein). Tuy chống Staline, nhưng Trotski cũng là một tên khát máu chẳng thua. Trong cuộc nội chiến Nga (1919-1922), Trotski đã ra lệnh cho Hồng Quân tàn sát (vợ con họ bị bắt làm con tin để làm áp lực cho họ tuân lệnh) ít nhất là 20.000 lính thuỷ (lúc đầu ủng hộ cuộc cách mạng vô sản) tại căn cứ hải quân Kronstadt khi họ biểu tình đòi hỏi một chính quyền dân chủ. Năm 1938 Breton có gặp Trotski tại nhà của cặp vợ chồng hoạ sĩ Rivera Diego - Frida Kahlo ở Mexico.
Độc giả tiếng Pháp có thể đọc thêm Jean Sévillia, Le terrorisme intellectuel de 1945 à nos jours [Trí thức khủng bố từ năm 1945 đến nay] (Éditions Perrin, 2000); Élizabeth Lévy, Les maitres censeurs [Các bậc thầy kiểm duyệt] (Jean-Claude Lattès, 2002); Jean-Francois Revel, La grande parade [Cuộc diễn hành lớn] (Plon, 2000); Jean-Francois Revel, L'obsession anti-américaine [Nỗi ám ảnh chống Mỹ] (Plon, 2002); Philippe Roger, L'ennemi américain [Mỹ, kẻ thù của chúng ta] (Éditions du Seuil 2002), v.v...
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét