24/11/08

Chương 1 Qua mấy nước Phi Châu

Chương 1



Qua mấy nước Phi Châu



Tôi ít biết Phi châu. Chỉ có dịp được biết mấy nơi, trong những tình huống khác nhau :



1. Djibouti



Không phải chủ ý mà biết nơi đây, chẳng qua là trên đường sang Pháp năm 1950, từ Sài Gòn đi Marseille, chiếc tàu thủy Athos II, chiếc tàu chở binh lính từ Đông Dương về Pháp, ghé đỗ Djibouti. Một anh bạn đồng hành, anh tôi và tôi, cũng như các hành khách khác, rời tàu lên bộ đi thăm. Một kỷ niệm không có gì hứng thú. Một chiếc thuyền nhỏ chở chúng tôi từ tàu thủy đỗ ngoài khơi vào bờ, theo giá cả đã định trước. Nhưng được nửa đuờng, tay chủ thuyền dừng thuyền lại, chỉ đám cá mập đang bơi trong nước biển trong veo, rồi đòi trả thêm tiền ; cũng may là mấy tay lính Bắc Phi cùng đi nổi hung, nắm cổ chủ thuyền và đồng bọn, đe vứt họ xuống biển. Bọn này sợ hãi, mới chở nốt vào bờ, không dám kèo nèo gì nữa.

Thuở ấy, nơi này còn là thuộc địa Pháp, nghèo khổ, nhà cửa lèo tèo không ra cái gì, chỉ có một công trình kiến trúc ra vẻ một chút, là cái dinh của viên toàn quyền Pháp. Đi một quãng, đã đụng ngay sa mạc. Nóng và khát. Ghé vào một quán bên đường, biết sẵn là nước uống nhờ nhợ, nên hỏi mua mấy chai nước ngọt. Vừa mới bỏ xuống bàn cái cốc uống xong nhưng còn chút nuớc ngọt thừa, đã thấy mấy người bản xứ chầu ở cửa quán xông vào tranh nhau vồ lấy cái cốc, đổ thêm nước lã để uống. Thấy tội nghiệp, anh bạn đồng hành, có hảo tâm trả tiền mua cho họ một chai nước ngọt để họ chia nhau. Cảnh nghèo nơi nào cũng bi thảm.

Từ 1977, Djibouti đã độc lập, nhưng đất nhỏ 23000 km2, dân thưa, chỉ được thuận lợi ở chỗ là địa điểm chiến lược, cửa ngõ ra vào Hồng Hải và trên đường vào Ấn-độ Dương. Đọc một quảng cáo cho du lịch ngày nay, thấy nói đến phong cảnh đặc biệt ở nội địa, nói đến bờ biển có nơi bơi lặn biển (plongée sous-marine), nói đến những hộp đêm, những quán ăn với những món ăn đặc biệt Pháp, Ý, Ê-ti-ô-pi, … và Việt Nam. Hy vọng là đời sống của dân nới đây đã khá hơn trước.



2. Kênh đào Suez



Như đã kể trên, sau Djibouti, chiếc tàu thủy Athos II, qua Hồng Hải, rồi tới kênh Suez. Thuở ấy, tôi còn đang lo chuyện học hành, lại đang nghèo khó, không thể « chơi sang » như một số hành khách thời đó : tới Suez, đầu vào phía nam của kênh Suez, họ lên bộ thuê xe hơi đi thăm thủ đô Ai-cập và Kim tự tháp, rồi từ đó tới thẳng thành phố Port Saïd ở đầu phía bắc của kênh Suez để lên tàu thủy đi nối chặng đường đi Pháp. Không có tiền, vì vậy nên tôi đành chịu cứ ở trên tàu thủy, và như vậy lại có dịp nhìn thấy kênh đào này kỹ hơn một chút. Rồi cứ tự nhủ một ngày nào đó sẽ trở lại nơi đây xem kỹ hơn, nhưng rốt cục chẳng bao giờ trở lại nữa. Nhưng lịch sử của kênh đào này đáng chú ý.

Kênh đào Suez được khánh thành ngày 17/11/1869, với sự hiện diện của Hoàng hậu Eugénie (vợ hoàng đế Napoléon III), và của hoàng đế François-Joseph nước Áo. Cũng nhân dịp này, nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi viết vở Aïda theo sự gợi ý của nhà Ai-cập học Auguste Mariette, và do vị phó vương Ai-cập đặt hàng. Kể vậy để thấy tầm quan trọng được đánh giá về việc đào xong kênh Suez và việc đưa vào sử dụng.

Nhưng sự tích bắt đầu từ xa xăm hơn thế. Trên một phù điêu thấp (bas-relief) khoảng năm 1300 trước Công nguyên, có ghi sự tích vua Ai-cập Sethi I trên đường từ chiến trận trở về, có đi dọc theo một con kênh giữa sông Nil và Hồng Hải, kênh này ngưng ở một cái hồ ở giữa eo đất thuộc vùng Suez. Lại có chuyện là khoảng năm 600 trước Công nguyên, vua Ai-cập Nechao II muốn đào tiếp kênh này tới tận Hồng Hải nhưng không thực hiện được. Vào các đời vua Darius I và Xerxès I (thế kỉ thứ 5 trước Công nguyên), rồi vua Ptolémée I vào (thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên) đều có những cố gắng sửa sang và nối tiếp về phía Hồng Hải. Hoàng đế La-mã Trajan (thế kỉ thứ 1 sau Công nguyên) lại tu bổ thêm, và thời đó kênh này mang tên là « sông Trajan ». Đến đầu thời người A-rập chiếm Ai-cập, họ vẫn sử dụng kênh này, nhưng đến cuối thế kỉ thứ 8, vua Hồi giáo al-Mansur sai lấp, vì sợ quân chống đối sử dụng.

Năm 1798, quân Pháp đổ bộ xuống Ai-Cập, dưới sự chỉ huy của tướng Napoléon Bonaparte, thuở ấy còn đang là một tướng của chế độ cộng hòa (cuộc viễn chinh của Bonaparte ở Ai-cập nằm trong khung cảnh của sự cạnh tranh gây ảnh hưởng giữa Pháp và Anh). Và ý tưởng đào kênh nối Địa Trung Hải và Hồng Hải lại được đặt ra. Tướng Bonaparte ủy cho ông Gratien Lepère tính toán sự khả thi ; ông này kết luận là ý đào kênh này không thể thực hiện được : lý do là tại ông ta tính nhầm và cho rằng mức nước của hai biển này chênh lệch nhau đến 10 m. Rồi sau đó là hai kỹ sư Linant de Bellefonds và Mougel nghiên cứu lại đề án. Đến năm 1833, ông Prosper Enfantin lập một doanh nghiệp trong mục đích thực hiện việc đào kênh này. Nhưng dự án này không được sự chấp thuận của « phó vương » Mehemet Ali toàn quyền Ai-cập lúc đó thuộc đế quốc Ottoman. Năm 1854, ông Ferdinand de Lesseps, do sự quen biết thuở trước, lúc còn làm trong ngành ngoại giao, với « phó vương » Muhammad Saïd nối nghiệp cha, mới được sự đồng ý của ông này để thực hiện đề án đào kênh, và được huởng nhượng quyền sử dụng trong 99 năm. Sau khi giải quyết được những khó khăn về mặt tiền bạc (khó khăn với các ngân hàng, nên phải lập hãng với cổ đông), về mặt chính trị và ngoại giao (chính phủ Anh sợ kênh đào làm giảm thế lực của nước Anh trong việc thông thương giữa Âu và Á), công trình dưới sự điều khiển của Ferdinand de Lesseps được tiến hành từ 1859 đến 1869 mới hoàn thành. Kênh dài 161 km kể từ Suez phía nam đến Port Saïd phía bắc, rộng 54m, sâu 8m. Kênh này rút ngắn khoảng 8000 km con đường thủy cũ (vòng qua phía nam châu Phi) từ Âu sang Á.

Năm 1875, nước Anh trở thành cổ đông (actionnaire) chính, và giữ quyền kiểm soát về quân sự cho đến tận khoảng năm 1956. Tháng 7 năm đó, tổng thống Ai-cập Nasser quốc hữu hóa kênh đào này. Viện cớ đó, Anh, Pháp và Do-thái gây ra cuộc chiến với Ai-cập; nhưng do sự can thiệp của Liên Xô, của Mỹ, và của Liên hợp quốc, cuộc chiến mới chấm dứt. Sau này cũng có một thời kênh này bị ngưng hoạt động (1967-1975) do các cuộc chiến tranh giữa Do-thái và các nước A-rập [1] .



3. Thăm Carthage



Carthage là tên cũ của thủ đô Tunis của nước Tunisie ngày nay. Vợ chồng tôi và con có tới thăm nơi này vài ngày vào mùa xuân năm 1977.

Theo truyền thuyết, người sáng lập ra Carthage là bà hoàng Didon, còn mang tên là Elissa. Nàng vốn là công chúa, con gái vua Mutto của Tyr xứ Phénicie (Tyr, nay là Sour, thuộc nước Liban) và là em gái của Pygmalion [2] . Khi vua Mutto chết, Pygmalion nối ngôi, giết chồng Didon. Nàng này sợ mới cùng người thân bỏ trốn, lên thuyền ra biển. Lang thang ở biển nhiều tháng, thuyền lạc đến bờ biển Bắc Phi. Vua xứ này là Iarbas nhận bán cho nàng một mảnh đất rộng « trong vòng » một tấm da bò. Ý hẳn lời giao ước phải mù mờ lắm, cho nên ngày nay mới diễn giải được như sau đây : nàng đem tấm da bò, cắt thành những dải nhỏ liên tiếp rất dài, quây được một mảnh đất khá rộng đủ để xây một cái thành. Thành này, thuở đầu mang tên là Byrsa (nghĩa là tấm da), sau mới được gọi là Qart Hadasht («Thành phố mới»), tức là Carthage, và trở thành bà hoàng của nơi này.

Rồi một ngày nào đó, có chàng Enée tình cờ lò mò tới. Chàng này vốn là con nữ thần Aphrodite (nữ thần của sắc đẹp và tình yêu của thần thoại Hy-lạp) đẻ với Anchise, khi nữ thần này khi bị Zeus (chúa tể các thần, trong thần thoại Hy-lạp), phạt đày xuống trần gian một thời gian. Khi thành Troie thất thủ (trong cuộc « chiến tranh Troie » sẽ kể trong chương 2), chàng Enée sau khi đã dũng cảm chiến đấu để bảo vệ tổ quốc mình, thế cùng, đành cùng đồng bọn lên thuyền trốn ra khơi. Sau nhiều gian nan, bão táp, chàng trôi giạt tới Carthage. Nữ hoàng Didon yêu chàng, và chàng vui thú nơi này một thời gian. Nhưng Hermès (thần « Du lịch, của các thương gia, của kẻ trộm cắp » thần thoại Hy-lạp) phù phép cho chàng trở lại với số phận của chàng : chàng phải rời bỏ nơi này, và sau một thời kỳ bôn ba, tới xứ Lavinium (Latium, miền Trung nước Ý ngày nay). Ở nơi này, chàng Enée được cảm tình của vua Latinus và công chúa Lavinia, nhưng hoàng hậu thì lại muốn giữ lời hứa gả nàng này cho Turnus trưởng bộ lạc Rutules bản địa. Vì vậy sinh ra chiến tranh, thần này giúp bên này, thần kia giúp bên kia, cho tới lúc Zeus hội họp các thần trên thượng giới để quyết định số phận : rốt cục Enée thắng, lấy Lavinia, cai trị xứ Lavinium. Trở lại chuyện nữ hoàng Didon, không giữ được chàng Enée, thất tình, tự tử. Cuốn Enéide của Virgile (Publius Vergilius Maro, khoảng thế kỉ thứ 1 trước Công nguyên), kể rằng thời bôn ba trước khi đến Lavinium, chàng Enée có dịp xuống thăm âm phủ, có ngó thấy hồn nàng Didon ; chàng van xin nàng thông cảm vì tuy thiết tha yêu nàng chàng đã phải ra đi vì bổn phận ; nhưng hồn nàng lạnh lùng không tha thứ.

Mới đầu, Carthage còn nhỏ yếu phải thần phục và triều cống Tyr và người xứ Lybie. Từ thế kỉ thứ 7 trước Công nguyên thì mạnh lên, bành trướng ở bờ nam Địa Trung Hải ; rồi dần dần các đảo Sicile, Sardaigne, Corse, một phần đông nam Tây Ban Nha cũng thuộc họ. Nhắc lại là khi còn phải chống sự lấn át của Hy-lạp, thì họ là đồng minh của La-mã (từ khoảng 508 trước Công nguyên đến 279 trước Công nguyên), nhưng khi Hy-lạp bị yếu, họ trở thành một địch thủ đáng sợ cho La-mã. Và đã có ba lần chiến tranh xảy ra giữa Carthage và La-mã (tiếng Pháp gọi là « guerres puniques »):

Chiến tranh thứ nhất xảy ra từ 264 đến 241 trước Công nguyên. Carthage bị thua, mất ưu thế về thủy quân vốn có thuở trước, và phải bỏ đảo Sicile rồi Sardaigne cho La-mã. Chiến tranh lần thứ nhì xảy ra từ năm 218 đến năm 203 trước Công nguyên. Tướng Hannibal (lúc đó mới 27 tuổi) dẫn mấy vạn quân bộ (có mấy nguồn khác nhau nói từ 4 vạn đến 6 vạn), kị binh (có ngưồn nói tới 1 vạn) và mấy chục con voi (có nguồn nói tới 37 con), từ Tây-ban-nha vượt qua dãy núi Pyrénées miền Nam nước Pháp, tiếp theo vượt qua dãy núi Alpes miền Đông nước Pháp, vào đất Ý, chiếm được nhiều thành, đặc biệt là thành Capua (năm 215 trước Công nguyên), nhưng không đánh chiếm được Roma – có nguồn cho rằng Hannibal bị tiếng oan : đời sau cho rằng Hannibal và quân sĩ mải vui thú ở Capua 13 năm, mất chí chiến đấu (có tên gọi : « những thú vui ở Capua ») ; nhưng có thể là vì nhà cầm quyền ở Carthage sợ Hannibal thắng to thì quyền lớn át tất cả, nên không chịu tiếp tế quân. Năm 203 trước Công nguyên, bị triệu về Carthage. Sau đó, bị quân La-mã kéo sang Phi châu đánh, Hannibal thua trận ở Zama phía nam Carthage (năm 202 trước Công nguyên), Carthage phải xin hòa với La-mã ; còn Hannibal sau một thời gian phải trốn sang xứ Syrie, rồi phải tự tử để khỏi bị bắt nộp cho quân La-mã. Tuy nhiên Carthage lại mon men trở lại phồn thịnh, làm cho La-mã quyết tâm diệt để tránh hậu hoạn. Do đó có chiến tranh thứ ba (149 trước Công nguyên đến 146 trước Công nguyên) : sau 3 năm bị vây, Carthage thất thủ và bị san thành bình địa, tương truyền là đất bị rắc muối cho cây cỏ không mọc được. Tất cả các « thuộc địa » phía nam Địa Trung Hải của Carthage bị đế quốc La-mã chiếm, những đất đai đó biến thành một tỉnh của La-mã. Sau này, Jules Cesar (Caius Julius Caesar : sinh năm 100 trước Công nguyên, chết năm 44 sau Công nguyên, Chấp chính (consul) La-mã) cho xây lại một thành phố mới. Ngày nay, còn lại di tích kiến trúc thời Carthage cổ tiền La-mã và thời La-mã. Có nguồn cho rằng Caesar là hậu duệ của … Enée.

Đến năm 439 sau Công nguyên, Carthage bị người Vandales chiếm. Đến năm 533, thì Carthage rơi vào tay người Byzance. Từ năm 698 thì đến lượt người A-rập chiếm Carthage. Trải qua nhiều triều đại, đến năm 1574 thì Carthage thuộc vào đế quốc Ottoman (Thổ-nhĩ-kỳ). Từ 1705, thành lập triều đại Husseinites, được tự chủ, tuy vẫn thuộc đế quốc Ottoman. Đến năm 1881, bị Pháp bảo hộ. Năm 1956 giành lại được độc lập, và từ đó trở thành một nước Cộng hòa, với Tunis là thủ đô, với di tích của Carthage ở ngoại ô bắc của thủ đô này.




4. Thăm Ai -cập



Xuân 1982, lần cuối cùng mà tôi đi du lịch ra khỏi nước Pháp (sau đó vì lý do sức khỏe, tôi không đi đâu nữa), vợ chồng tôi và hai con đi thăm Ai-cập. Thật cũng bõ công, vì từ lâu đã muốn nhìn tận mắt những công trình cổ đồ sộ của xứ này. Lấy máy bay từ Paris đến thủ đô Le Caire (al-Qahira), lấy xe lửa đi thăm Louqsor, trở lại Le Caire, đi xem Saqqara, rồi về, vì thời gian có hạn. Ngay chính tại thủ đô này, chúng tôi cũng không có thì giờ đi thăm các di tích trong thành phố, tuy di tích lịch sử không thiếu : thuở xa xưa thời các vua pharaons, nơi này được (người Hy-lạp) gọi là Memphis, rồi từ thế kỉ 1 đến thế kỉ 7, với người Ki-tô giáo, mang tên gọi Babylone – đừng lẫn với Babylone ở Irak, ở phía nam Bagdad khoảng 160 km – rồi đến thời người Hồi giáo gọi là Fostat, và sang thế kỉ 10, đổi gọi là al-Qahira (mà tiếng Pháp là Le Caire). Rất tiếc là chính tôi chỉ tập trung thăm tóm tắt những nơi thật cổ, không xem thêm được nữa, nhưng cũng tạm đủ để hình dung được nền văn minh này như thế nào.

Chủ yếu, tôi chỉ chú ý đến Ai-cập cổ đại (Egypte ancienne, từ 3500 trước Công nguyên đến 395 sau Công nguyên) gần 4000 năm, 30 triều đại và khoảng 300 vua (pharaon). Có thể tóm tắt các giai đoạn lịch sử đại khái như sau (các tài liệu không hoàn toàn nhất trí, thí dụ như tài liệu của bảo tàng Louvre và tài liệu của từ điển Larousse không giống nhau, chưa kể đến những tài liệu khác):

3500-3300 trước Công nguyên : bắt đầu có vua ; xuất hiện chữ tượng hình (écriture hiéroglyphique), như vậy là rất sớm (thí dụ như so với Trung quốc, chữ viết chỉ xuất hiện ở Trung quốc khoảng 1500 trước Công nguyên).

3100-2700 trước Công nguyên : thống nhất dưới triều đại của một vua (triều đại thứ 1, thứ 2).

2700-2200 trước Công nguyên : các triều đại thứ 3, 4, 5, 6 (Đế chế Cổ đại : Ancien Empire).

2200-2030 trước Công nguyên : Giai đoạn trung gian thứ nhất (Première période intermédiaire), lãnh thổ bị chia thành nhiều xứ độc lập, các triều đại thứ 7, 8, 9, 10, 11.

2030-1710 trước Công nguyên : các triều đại thứ 11, 12, 13 (Đế chế Trung đại : Moyen Empire).

1710-1550 trước Công nguyên : Giai đoạn trung gian thứ nhì (Deuxième période intermédiaire), lãnh thổ bị chia thành nhiều xứ độc lập, các triều đại 14, 15, 16, 17.

1550-1069 trước Công nguyên : các triều đại thứ 18, 19, 20 (Đế chế Tân đại : Nouvel Empire)

1069-664 trước Công nguyên : Giai đoạn trung gian thứ ba (Troisième période intermédiaire), tồn tại của nhiều vua pharaons Ai-cập, Li-bi, Nu-bi (các triều đại 21, 22, 23, 24, 25).

664-332 trước Công nguyên : những giai đoạn độc lập cuối. Bị Ba-tư chiếm. Triều đại 26, triều đại 27 (Ba-tư).

332-30 trước Công nguyên : triều đại Ptô-lê-mê (Hy-lạp - Ma-xê-đoan : gréco-macédonien).

Từ 30 trước Công nguyên : Ai-cập thuộc Đế quốc La-mã; dùng chữ viết theo chữ cái. Phát triển của đạo Ki-tô, vv.

Từ 640 sau Công nguyên, người A-rập chiếm Ai-cập, và « Hồi hóa ».

Từ 1952 nền cộng hòa được thành lập cho đến ngày nay.

Tuy hành trình đi thăm theo trình tự Karnak-Louqsor, Gizeh, Saqqarah), nhưng tôi ghi lại nơi thăm theo thứ tự từ cổ đến « kim ».

Thăm kim tự tháp có tầng ở Saqqarah, do kiến trúc sư Imhotep được lệnh xây dựng vào khoảng 2800 trước Công nguyên cho vua pharaon Djeser, (triều đại thứ 3 thuộc Đế chế Cổ đại). Theo một nguồn thì đây được coi là công trình đầu tiên được xây bằng đá tạc và ghép lại, đáy hình chữ nhật một cạnh dài 125m, một chiều rộng 109m, cao khoảng 57m. Cạnh đó là một quần thể mồ mả quí tộc, rải rác tới hàng mấy cây số, với những phòng trang trí bằng những hình trạm/vẽ trên tường mô tả những cảnh của đời sống hàng ngày thuở đó.

Tiếp đó thuê xe đi thăm mấy kim tự tháp ở Gizeh, cách thủ đô chừng 15 km. Đây là một quần thể gồm các kim tự tháp, lăng của các vua Kheops, Khephren, Mykerinos (các vua kế tiếp đều thuộc triều đại thứ 4), và ba kim tự tháp nhỏ, lăng của các hoàng hậu mẹ và hai vợ của vua Khéops.

Kim tự tháp của Kheops là to nhất, được khởi công xây dựng ngay khi vua này mới lên ngôi (có lẽ vào khoảng 2530 trước Công nguyên), khởi thủy cao chừng 146m, sau chỉ còn 139m vì thời gian làm mòn, nền là một hình vuông mỗi chiều khoảng 230m, bốn mặt là bốn tam giác, xây bằng đá tảng, bên trong có đường hầm dẫn vào tới « phòng » để quan tài bằng đá hoa của vua và phòng khác của hoàng hậu. Theo Hérodote, sử gia Hy-lạp (484-420 trước Công nguyên) thì khoảng 10 vạn thợ xây (ngày nay được ước lượng khoảng 2 vạn thợ) xây cất khoảng 20 năm mới xong. Ngày nay, cách xây kim tự tháp vẫn còn là đề tài tranh cãi mãi, thí dụ như tập san Science et Vie số 1071 tháng 12/2006, còn đăng một giả thuyết là không phải đá tảng đẽo xây nên, mà là đá « đúc » (!?). Cạnh đó là kim tự tháp của Khephren, vua kế vua Kheops, nhỏ hơn một chút, cao khoảng 143m, nền vuông mỗi chiều khoảng 215m. Rồi xa hơn chút nữa là kim tự tháp của Mykerinos cao 66m, nền vuông mỗi chiều 108m. Phía bên kia của kim tự tháp của Kheops là ba kim tự tháp nhỏ, lăng của các hoàng hậu mẹ và hai vợ của vua Kheops. Cách đó một quãng là tượng đá của Sphinx, một thú vật thần thoại, mình sư tử đầu người [3] , cao 20m, cả thân và chân dài hơn 73m, mặt dài 5m, tượng trưng cho thần mặt trời Hamarkhis ; có thuyết cho rằng mặt là mặt Khephren, được xây dựng để giữ đền thờ thần mặt trời.



Trở lại câu chuyện Sphinx ở Gizeh : người ta tìm thấy một tấm bia giữa hai chân tượng, bia này kể câu chuyện giấc mơ của ông hoàng Thoutmosis, lúc còn trẻ chưa được chọn để làm vua. Một hôm tránh nắng gần tượng Sphinx sau một buổi săn, mệt mỏi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ thấy chính thần Sphinx hiện ra bảo rằng : nếu chàng cho xúc bỏ cát đang dần dần vùi tượng của thần, thì sau này chàng sẽ được làm vua. Tỉnh dậy, Thoutmosis thực hiện điều đó, và sau này, tuy không phải là người được chấm để nối nghiệp, rốt cục cũng được lên làm vua, đó là vua Thoutmosis IV thuộc triều đại 18. Không thấy kể là ông ta lên ngôi bằng cách nào, nhưng có lẽ câu chuyện mộng mị này cũng giúp ông ta củng cố cương vị « chính đáng » của ông ta. Câu chuyện thần xen vào chuyện người, cũng đã xảy ra trước thời vua này, ở thời vua bà Hatchepsout mà tôi sẽ kể dưới đây [4] .

Trở lại chuyện Ai-cập. Các kim tự tháp đã gây ấn tượng, mà chuyến thăm Karnak và Louqsor thuộc kinh đô cũ Thèbes, cũng không kém.

Karnak là một quần thể rộng lớn, khoảng 25 héc-ta, có tường rộng khoảng 9m cao 21m bao bọc, được xây dựng ngay sát bờ sông Nil, về phía nam Le Caire khoảng 700 km, gồm nhiều công trình kiến trúc, đền đài đồ sộ. Niên đại khởi thủy của Karnak không được xác định, phỏng đoán có thể là vào khoảng triều đại thứ 3 (?), nhưng có một đền thờ thần Amon được xác định là xây cất dưới thời vua Antef II, thuộc triều đại thứ 11. Các vua nối tiếp xây cất, đặc biệt là ở triều đại 18 thuộc Đế chế Tân đại và sau đó ; tóm lại là xây cất kéo dài từ khoảng thế kỉ 20 trước Công nguyên đến thế kỉ thứ 4 trước Công nguyên. Đền đài Karnak là nơi thờ cúng, gồm 3 khu vực : khu vực phía bắc thờ thần Montu, khu trung tâm thờ thần Amon-Rê, khu vực phía nam thờ thần Mout, trong thần thoại Ai-cập, mỗi khu đều có tường bao quanh. Tóm tắt tả vài công trình để thấy sự đồ sộ của nơi này : Có con đường dẫn từ khu vực đền đài đến sông Nil, hai bên có hai hàng tượng sphinx [3] mình sư tử đầu cừu đực sừng cong (triều đại thứ 19). Cổng đền (pylone) thứ nhất (trong số mười cái), dài 113m, dày 15m, cao khoảng 40m, xây dựng vào triều đại thứ 30, nghĩa là tương đối « mới » nhất. Có « phòng » xây dưới thời vua Sethi I và con nốí nghiệp là vua Ramses II (triều đại thứ 18), rộng 52m dài 103m, có 134 cột đá đỡ trần, trong đó có tới 12 chiếc cao khoảng 23m, chu vi mỗi cái 10m. Có công trình kiến trúc dưới thời vua Amenophis III (triều đại thứ 18), với 11 pho tượng khổng lồ tạc vua này dưới dạng đứng. Có « đền phía Đông », xưa có cột tháp bia (obélisque) cao nhất của quần thể này (33m) dựng dưới thời các vua Thoutmosis III và IV ; đến thời La-mã, cột này bị dỡ, và sau bị đem dựng lại ở Roma, tại quảng trường Saint Jean de Latran.

Đền Louqsor, cũng sát bờ sông, cách Karnak khoảng 2km, nối liền với Karnak bằng một con đường dài, đôi bên có hai hàng tượng đá sphinx mình thú đầu người. Đó cũng là nơi thờ bộ ba thần Amon-Rê, Mout et Khonsou. Đền này được khởi xây dưới thời vua Amenophis III (thuộc triều đại thứ 18), nhỏ hơn Kanark, « chỉ » dài 260m rộng 50m, rồi được các vua kế tiếp bổ sung, thí dụ như cổng đền (pylone) xây dưới thời vua Ramsès II với 2 cột tháp bia bằng đá cao tới 25m và 2 tượng đá khổng lồ tạc vua Ramsès II dưới dạng ngồi. Trong đền còn có nhiều các cột đá cao vút, và nhiều tượng đá khổng lồ khác như 2 tượng đá khổng lồ tạc vua Ramsès II và hoàng hậu Nefertari và một cột tháp bia (obélisque), lẽ ra là một đôi, nay chỉ còn một cái tại chỗ – cái kia thì phó vương Ai-cập Mehemet Ali tặng vua Pháp Louis-Philippe, và được dựng từ năm 1836 ở quảng trường La Concorde ở Paris). Trước đó, vua nối nghiệp vua Amenophis III là Akhénaton (trước đó mang tên là Amenophis IV), thay đổi, bỏ việc tôn thờ thần Amon-Rê và đa thần, để thờ một thần duy nhất Aton, và bắt quần thần và nhân dân theo đạo mới do mình đặt ra. Cũng dưới thời nhà vua này, có nhiều sự thay đổi, thí dụ như trong cách xây cất, không dùng những khối đá to lớn, mà dùng những viên đá nhỏ hơn, do đó việc xây cất nhanh chóng hơn, hoặc như nhà vua để cho vợ yêu là hoàng hậu Nefertiti tham gia cùng với mình trong các nghi lễ hay công việc triều chính, hoặc như việc dời đô từ Thèbes sang Amarna. Nhưng tất cả những « cải cách » đó cũng chỉ tồn tại mươi năm, những vua kế nghiệp trở lại với cổ lệ, xóa bỏ việc thờ Aton để trở lại tôn giáo cũ. Trong đám vua nối nghiệp, có vua Thoutankhamon được người đời nay biết tiếng, không phải là vì ông là vua tài ba, mà là vì mả ông được phát hiện vào năm 1922 còn nguyên vẹn – từ hơn 3300 năm chưa bị trộm cắp xâm phạm – với nhiều vàng bạc châu báu, như cỗ quan tài gồm ba lớp, mà lớp trong cùng bằng vàng nặng tới khoảng 110 kg.

Phía bên kia (phía tây) sông Nil so với Louqsor và Karnak và cách đấy khoảng 3km, không có cây cỏ, là « thung lũng mả vua » (vallée des rois), hiện có khoảng 62 mả được phát hiện, trong số đó có 25 mả là mả vua. Quần thể mồ mả này có niên đại thuộc Đế chế Tân đại (khoảng từ triều đại thứ 18 và đến triều đại thứ 23). Vào thời đại này, các vua không xây lăng kiểu kim tự tháp nữa mà cho xây lăng tẩm dưới hình thức những đền thờ đồ sộ.

Cạnh đó là « thung lũng mả hoàng hậu » (vallée des reines) với khoảng 80 mả gồm một số mả vợ vua và thân thuộc của hoàng gia, kiến trúc thường nhỏ hơn, trừ đền Deir El-Bahari của nữ hoàng Hatchepsout, vua bà nổi tiếng nhất (trong 5 vua bà trong lịch sử Ai-cập), trị vì hơn 20 năm vào khoảng 1500 năm trước Công nguyên (triều đại thứ 18 thuộc Đế chế Tân đại). Huyền thoại về bà này cũng ly kỳ, được kể qua những di tích trong đền của vua Aménophis III ở Louqsor : Amon-Rê, thần chúa tể của các thần và là « thượng đế » của các vua Ai-cập, quyến rũ hoàng hậu Ahmès, vợ vua Thoutmosis I (còn gọi là Thoutmès I). Một đêm, thần biến dạng thành hình dáng vua, vào phòng hoàng hậu Ahmès và mê mẩn vì sắc đẹp của bà trong giấc ngủ, lách vào trong chăn của bà. Bà tỉnh giấc, được thần tiết lộ cho biết mình là ai. Trải qua một cuộc mây mưa, thần báo cho biết là bà sẽ đẻ ra con thánh, và đặt tên sẵn cho đứa bé gái tương lai là Hatchepsout, và cho bà biết sau này đứa con gái này sẽ làm vua Ai-cập [5]. Khi vua Thoutmosis I chết, theo tập tục trong hoàng gia, Hatchepsout lấy anh trai cùng cha khác mẹ là Thoutmosis II, một vua kém, nên bà tự nắm quyền và lên ngôi vua ở Karnak (chính bà làm vua, cũng mang râu giả, ăn mặc quần áo như vua « đực », chứ bà không đóng vai thái hậu chấp chính). Khi Thoutmosis II chết, bà lấy cháu gọi bằng cô là Thoutmosis III (?), nhưng bà vẫn trị vì một mình. Bà là một vị vua giỏi. Nhưng không rõ nguyên cái chết của bà, có thuyết cho rằng Thoutmosis III sai người ám sát bà. Vua nối nghiệp này cũng là một vua giỏi ; nhưng dù cho ông cố sức xóa dấu vết của bà, danh tiếng của bà vẫn còn để lại cho hậu thế. [Một bí ẩn lâu đã từ 3500 năm về bà nữ hoàng Hatchepsout nghe đâu nay mới có được lời giải. Bí ẩn đó là : « xác của bà Hatchepsout đâu ? ». Như đã kể trên đây, sau khi bà mất, vua Thoutmosis III nối nghiệp, sai đục bỏ hết dấu vết của bà trên các bia lăng, xác bà bị bỏ ra khỏi quan tài, và « biến » đi đâu mất. Năm 1903, phát hiện ra một xác ướp, để ngay dưới đất, trong ngôi mộ của bà vú nuôi bà Hatchepsout. Đó là một xác ướp một người phụ nữ mập, khoảng 50 tuổi, miệng thiếu một chiếc răng hàm. Thuở đó cũng đã sự hoài nghi, nhưng không có bằng chứng. Xác này bị bỏ quên trong kho bảo tàng. Mặt khác, năm 1881, có tìm thấy một cái hộp « đựng đồ tang», mang dấu ấn của Hatchepsout, trong đựng một mẩu răng. Mới đây, nhà khảo cổ Ai-cập Zahi Hawass mới phát hiện ra rằng cái răng này khớp với cái hàm của cái xác kia. Mấy nhà khảo cổ khác còn chưa hẳn tin : họ đời kết quả của sự thử nghiệm ADN. Hạ hồi phân giải !

Cùng phía bên kia sông Nil, có hai pho tượng khổng lồ bằng đá, cao 18m, nặng khoảng 1300 tấn, tượng của vua Amenophis III, tượng ngồi, hai tay đặt trên đùi. Hai tượng này thuở xưa gác ngôi đền nghe nói rất rộng thờ vua nói trên, đền nay đã mất. Với thời gian, mặt tượng cũng đã bị mòn (đã hơn 3000 năm rồi mà!). Tương truyền, năm 27 trước Công nguyên, một trận động đất làm sụp phần lớn ngôi đền, và tượng phía bên phải bị nứt từ vai đến mông, và từ thời điểm ấy, cứ lúc mặt trời mọc ra là phát ra tiếng rên/hát. Ngày nay có thuyết cắt nghĩa rằng, ánh nắng mặt trời buổi sớm làm nóng kẽ nứt của đá, gây ra tiếng động. Vì thế mà thuở ấy, người Hy-lạp gán tượng này cho Memnon trong thần thoại Hy-lạp : Memnon, vua xứ Ethiopie và Ai-cập, mang quân sang cứu bác/chú là vua Priam xứ Troie ; bị Achille giết chết. Mẹ là nữ thần Eos, (tức là Aurore, Bình minh, nghĩa là lúc trời hửng sáng ngay truớc khi mặt trời mọc), van xin Zeus, chúa tể các thần, cho Memnon sống lại. Về việc pho tượng phát ra tiếng mỗi khi mặt trời mọc, người Hy-lạp thuở đó cho là Memnon sống lại cất tiếng chào mẹ mình, nên mới gán cho tượng này là tượng của Memnon. Tới thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên, hoàng đế La-mã Septime Severe, vì thiện chí, cho tu sửa lại pho tượng này, nhưng từ đó bặt im, không phát ra tiếng nữa.

Chúng tôi rất tiếc đã không có thêm vài ngày để đi nối xuống tận cực nam của Ai-cập, để xem thêm Abu Simbel, đền xây dưới thời vua Ramsès II (đã có dịp nói trên đây ở Karnak và Louqsor), là một trong những vị vua nổi tiếng nhất của Ai-cập, thuộc triều đại 18, trị vì trong 67 năm (bắt đầu từ khoảng 1300 trước Công nguyên). Tên [hai] đền Abu Simbel được biết đến nhiều, do việc xây đập Assouan và hồ Nasser, do yêu cầu về kinh tế (thủy điện và nông nghiệp); vì thế nước ngập một vùng rộng lớn. Do sự yêu cầu của Ai-cập, với sự hỗ trợ quốc tế và dưới sự chỉ đạo của UNESCO (Tổ chức liên hợp quốc về Giáo dục, văn hóa, nghệ thuật), từ 1963 đến 1968, đền này được xẻ thành 1036 tấm nặng tới 30 tấn, để nâng lên cao 60 m trên sườn núi và ghép lại như cũ. Hình ảnh cửa đền này với 4 pho tượng khổng lồ cao 21 m trong dạng ngồi, gây ấn tượng lớn. Không được đến nơi xem tận mắt, tôi cũng thấy tiếc. Cũng như rất tiếc không tới thăm được Alexandrie, thành phố do đại đế Alexandre xây dựng lên (vào khoảng năm 332 trước Công nguyên), nổi tiếng một phần vì « đài » hải đăng (phare), một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại phương Tây, nay không còn nữa.



Lịch sử Ai-cập rất dài, những di tích cổ rất nhiều, tất nhiên đối với một người đi thăm lướt qua như tôi, chỉ có thể tóm tắt « lõm bõm » vài nét, nhất là thuở tôi đi thăm ấy, rất ít thì giờ. Nhưng cũng may là tôi đã kết thúc những chuyến du lịch của tôi bằng Ai-cập : theo nhận xét riêng của tôi, không nơi nào có những di tích cổ và to lớn như Ai-cập.



Chú thích.



[1]. Nói tới kênh đào này, tôi liên tưởng tới một bài viết về việc phái bộ Phan Thanh Giản (1796-1867) sang Pháp năm 1863 để xin chuộc lại 3 tỉnh phía tây Nam kỳ : bài « Lá cờ khăn gói » trong « Chuyện cũ cố đô », của Nguyễn Đắc Xuân, nxb Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên 1987 ; tác giả bài này viết : « Khi tàu sắp vào kênh Xu-ê (Suez), viên quan Pháp cho sứ đoàn biết … ». Chắc là ông viết nhầm hay nhà xuất bản in sai, vì 1863 là sáu năm trước khi kênh được khánh thành. Theo anh NLT mách cho tôi biết : theo cuốn Tây phù nhật ký của Phạm Phú Thứ, phó sứ, sứ bộ nhập cảng Suez lên bờ, sau đó đi xe lửa đến thủ đô Le Caire (al-Qahira), yết kiến phó vương Ai-cập, rồi đi tiếp xe lửa đến Alexandrie, từ đó đáp tàu thủy sang cảng Toulon ở Pháp.



[2]. Pygmalion, vừa là vua vừa là nhà điêu khắc giỏi, vốn không thích phụ nữ, chỉ thích khắc tượng. Nhưng chẳng may lại mải miết khắc một cái tượng phụ nữ bằng ngà, đẹp vô cùng. Nữ thần Aphrodite chơi xỏ, phù phép làm chàng đâm ra mê. Thần hồi tâm, biến tượng thành người (sau này gọi là Galatée), và còn dự đám cưới của cặp này.



[3] Nói chung, Sphinx là tên chung chỉ những thú thần thoại Ai-cập và Hy-lạp, mình sư tử đầu người hay đầu thú. Cho nên chớ lầm Sphinx ở Gizeh này với chuyện Sphinx « trùng tên » trong thần thoại Hy-lạp ; Sphinx Hy-lạp đầu phụ nữ mình thú, là một quái vật phá hoại mùa màng và thích ăn thịt người, ngồi trên tảng đá cao, chất vấn khách qua đường bằng câu đố : « Vật gì sáng bốn chân đi, trưa hai chân đứng, chiều thì lại ba ». Ai không trả lời được thì bị ăn thịt. Cho đến một ngày, chàng Œdipe đi qua, bị hỏi câu đó, chàng trả lời : « Đó là con người : lúc còn nhỏ, chỉ biết bò nên dùng bốn chân tay ; lúc nhớn lên, đi bằng hai chân ; lúc già yếu phải chống gậy nên có ba chân ». Con quái nữ Sphinx tức giận vì có người trả lời được câu đố của mình, mới nhảy từ trên cao xuống đất chết. Chuyện này tôi có đọc trong sách giáo khoa ta thuở nhỏ, cứ tưởng là chuyện Việt Nam, sau này mới biết là chuyện thần thoại Hy-lạp ! Nhân nói đến chàng Œdipe, cũng xin kể tiếp thêm một chút : Vua xứ Thèbes chậm có con nối, mới đi cầu xin lời sấm (oracle) của thánh thần nơi Delphes. Lời sấm phán rằng sẽ có con trai, nhưng nó sẽ giết cha và lấy mẹ. Khi đứa con trai đẻ ra, hoàng hậu Jocaste sợ lời sấm, nhưng không nỡ giết con, mới đem bỏ đứa bé vào trong núi. Mấy người chăn cừu nhặt được, cứu đứa bé và dâng cho vua xứ Corinthe. Vua này và hoàng hậu không có con, nuôi Œdipe như con đẻ của mình. Lớn lên, Œdipe mới biết có lời sấm đó, chàng sợ hãi và vẫn tưởng rằng vua và hoàng hậu Corinthe là cha mẹ đẻ của mình, vội vã bỏ đi. Dọc đường, tình cờ gặp vua Thèbes, nhưng không biết là bố đẻ của mình, do có sự gây gổ lục đục, Œdipe giết ông này, rồi đi tiếp. Rồi gặp con quái nữ Sphinx, như đã kể trên, và diệt được nó. Dân xứ Thèbes cảm ơn chàng đã trừ được con quái, mới tôn chàng làm vua, và chàng lấy hoàng hậu Jocaste mà không biết là mẹ đẻ của mình, và đẻ ra mấy con. Vài năm sau, bệnh dịch phát ra, một lời sấm khác phán rằng phải đuổi kẻ giết vua trước đi ; một thày bói mới tiết lộ sự thật trước đây. Hoàng hậu Jocaste tự treo cổ chết, Œdipe tự đâm mù hai mắt, bỏ đi và chết nơi khác. Ngày nay, trong ngành phân tích tâm lý (psychanalyse), có cụm từ « complexe d’Œdipe » [« phức cảm » Œdipe, do Sigmund Freud tạo ra năm 1910 để chỉ một giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ em : sự gắn bó tình cảm mật thiết của nó đối với người cha/mẹ khác giới (sexe opposé) của nó.]



[4]. Cái chuyện thần báo mộng này, thật là hữu ích, ở bất cứ nền văn minh nào. Tôi không khỏi liên tưởng nghĩ đến sử ta, tuy không có niên đại xa xăm như Ai-cập, thí dụ như mấy chuyện nhắc lại sau đây :

- Tục truyền rằng Lý Công Uẩn (sau lên ngôi vua tức là vua Lý Thái tổ) không có cha, bà mẹ đi chơi chùa Tiêu Sơn, nằm mộng thấy mình ngủ với thần rồi về có thai, mà đẻ ra ông (theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim ; còn Đại Việt sử ký thì không viết là « nằm mộng » mà chỉ viết là cùng với « người thần » giao cấu rồi có chửa ; tôi không biết là nên nhấn mạnh đến chữ « thần » hay đến chữ « người »). Dù sao, vậy cũng là « không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian thường tình », quả là chân mệnh đế vương.

- Chuyện Lê Lợi khi vây thành Nghệ An (1425) đêm chiêm bao thấy thần Phổ Hộ báo mộng, xin cho thần một người thiếp, thần sẽ giúp đánh thắng giặc Minh lập nên nghiệp đế. Hôm sau, Lê Lợi gọi các bà vợ đến hỏi : « Ai bằng lòng làm thiếp của thần, ta lấy được thiên hạ thì sẽ truyền ngôi thiên tử cho con người ấy ». Bà Ngọc Trần, mẹ của Nguyên Long (vua Lê Thái Tông sau này) nhận lời. Lê Lợi sai làm lễ tế thần, dùng bà làm vật tế, bà bèn mất. (Theo Lam Sơn thực lục dẫn trong cuốn « Nghiên cứu chữ húy ở Việt Nam qua các triều đại », của Ngô Đức Thọ, nxb Văn hóa 1997). Tôi không phải là hậu duệ của Tào Tháo đa nghi, nhưng cũng không khỏi tự đặt câu hỏi : trong thiên hạ thiếu gì gái đẹp mà phải đem chính vợ mình mà tế thần như dâng một của thừa. Mà giả thử như phải hối lộ thần một cách gấp rút vì sắp đánh thành Nghệ An, thì cũng có thể theo truyền thống nước mình (?) làm hình nộm gái đẹp đem đốt cho thần – ngày nay ở giữa cái năm 2007 này, người ta vẫn đốt đô-la giả, ô-tô, nhà lầu, vv. cho âm phủ đó ! – cho nên phải chăng nên tìm câu trả lời từ một khía cạnh khác ? Hay là một công giải quyết đôi ba việc luôn thể : lấy cớ để sửa soạn chọn con nối. Lê Lợi có nhiều con, trong đó có người con cả là Tư Tề. Việt sử thông giám chính biên (bản dịch của Tổ biên dịch Ban nghiên cứu văn sử điạ, Hà Nội) viết : [Thái Tổ] lập con trưởng là Tư Tề làm quốc vương […] tạm quyền coi quản việc nước, xét xử chính sự, đồng thời phong con thứ là Nguyên Long làm hoàng thái tử, đợi ngày thành tài, làm việc coi giữ nhà nước, vỗ về quân đội,… Sau lại viết Tư Tề ngông cuồng càn bậy. Đại Việt sử ký (bản dịch của Cao Huy Giu ; Đào Duy Anh hiệu đính) viết : mùa thu tháng 8 [năm Quý sửu, 1433] giáng con trưởng Tư Tề làm quận vương, lấy con thứ là Nguyên Long nối tôn thống. Lại viết : [vua Thái tông] mẹ là Cung Từ hoàng thái hậu, họ Phạm, húy là Trần, … Bấy giờ vua mới 11 tuổi, không cần mẫu hậu che rèm nghe việc, mà công việc trong nước đều tự mình làm cả. Việt sử thông giám chính biên thì viết rõ hơn : thái mẫu [mẹ vua Thái Tông tức bà Ngọc Trần], đã mất từ trước, đến nay [năm Thiệu Bình thứ 1], truy tôn làm Cung Từ quốc thái mẫu ; như vậy có lẽ là nói rằng bà này trước đây đã chết rồi, nhưng chết vì sao thì không thấy viết. Sử và dã sử xen kẽ ? Dù sao, chuyện thần báo mộng là khiếp lắm.

- Giấc mộng của ông Hồ Tông Thốc (thời Trần) ở đền Hạng vương, trong chuyến sứ sang Tàu, kể trong cuốn Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thời Mạc). Đã là chuyện nằm mơ, thì tha hồ phê phán vua chúa, nhất là vua chúa Tàu, vua ta chẳng có lý do để mà bắt lỗi. (Tôi đã có dịp đề cập tới trong cuốn « Học gần Học xa »).

- Theo Hoàng Lê nhất thống chí, mẹ chúa Trịnh Khải là Ngọc Hoan, được tuyển vào làm cung nữ của chúa Trịnh Sâm (vì chị bà trước là cung nữ được yêu của chúa Trịnh Doanh, bố Trịnh Sâm). Nhưng được tuyển vào cung, mà không được chúa Trịnh Sâm ngó tới, nên ngày đêm nàng vẫn cô quạnh. Bỗng một đêm, nàng mơ thấy một vị thần đem cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Nàng « không hiểu » đó là điềm gì, mới đem chuyện này hỏi viên hoạn quan Khê Trung hầu. Viên này biết là điềm sinh con « thánh ». Đêm sau, nhân dịp chúa sai gọi cung tần Ngọc Khoan vào « hầu » , Khê Trung hầu cố ý giả nghe lầm tên, đưa Ngọc Hoan vào. Chúa không thích, nhưng đã trót gọi đến, không nỡ đuổi ra. Nàng chỉ trải qua « một trận mưa móc », liền có thai ngay. Sau đó, sinh ra Trịnh Khải. Chúa Trịnh Sâm nghĩ đầu rồng tuy có khí tượng làm vua, nhưng chỉ là rồng vẽ không phải rồng thật, mà lại chỉ có đầu không có đuôi, chưa hẳn đã là điềm tốt cả. Như vậy là cái ông thần trong mộng này cũng oái ăm : nhờ ông mà bà Ngọc Hoan, với sự đồng lõa của Khê Trung hầu, mới được hưởng « một trận mưa móc », để sau đó lòi ra được cái ông chúa Đoan Nam vương Trịnh Khải ; nhưng ông thần chỉ cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng, có thể vì vậy mà làm cho chúa Trịnh Sâm không ưa con cả, mà yêu con thứ Trịnh Cán do bà chúa Chè Đặng Thị Huệ đẻ ra, để cho cơ nghiệp chúa Trịnh đến nỗi : « Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ ; truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ »…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét