24/11/08

Giáo dục : Cái “nhầm thứ ba” về người Bùi Trọng Liễu

Giáo dục : Cái “nhầm thứ ba” về người

Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)



Từ ngày nhậm chức, ông Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, nay là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng, đã năng nổ nêu vấn đề người học “ngồi nhầm lớp” (cái nhầm thứ nhất trong nền giáo dục mà ông phải thừa hưởng khi nhậm chức) và cố gắng sửa. Trừ trường hợp cá biệt, chắc ông đã được sự đồng tình của cả nước.

Tuy ông không dùng cụm từ nhà giáo “đứng nhầm lớp”, nhưng một số vấn đề ông nêu, cũng chứng tỏ là ông cũng đã thấy vấn đề đặt ra cho cái nhầm thứ nhì này trong nền giáo dục nói trên.

Nhưng cái nhầm thứ ba về người, còn quan trọng hơn cả. Đó là cái mà có ai đó gọi là nhà quản lý “giữ (ngồi) nhầm ghế ”, hay nói cho rõ : đó là cái nhầm trao trách nhiệm cho một số nhà quản lý giáo dục cao hay thấp, và họ nhận mà không đảm nhiệm nổi trách nhiệm này. Cái “nhầm thứ ba” này về người – tôi không muốn dùng cụm từ đao to búa lớn “vì cơ chế” – là cái khó sửa nhất, tuy nó là cái trầm trọng nhất vì chính nó đã sinh ra hai cái nhầm kể trên, và nhiều hậu quả khác. Tất nhiên, tôi không vơ đũa cả nắm. Ở đây, tôi không đề cập đến những người “giữ đúng ghế” : tôi chỉ có thể hoan hô các vị. Mục đích bài của tôi là chỉ nói đến những trường hợp “giữ nhầm ghế” thôi.

Tôi không thể dài dòng, nên chỉ xin nêu vài thí dụ của hậu quả của cái nhầm thứ ba này:

1/ Có những việc “thường” , mà người chẳng có chuyên môn cũng hiểu, như : vấn đề nhà vệ sinh ở các trường học (mặc dù nó đụng đến sức khỏe của cả triệu học sinh, có thể kéo theo bệnh tật, mà sau này xã hội phải trả giá rất đắt : lực lượng lao động giảm sút, chi phí mà cá nhân và xã hội phải trả chi phí y tế để chữa chạy); vấn đề sách giáo khoa (kể cả trọng lượng của cái cặp của học sinh – ở Pháp, họ tính rằng cái cặp và sách vở đựng trong đó khi học sinh mang đến trường không được nặng quá 10% trọng lượng của học sinh, nếu không thì sẽ hại cho cột sống của trẻ em, và họ đề ra mấy giải pháp như sách giáo khoa phải nhẹ, nếu cần thì tách ra làm hai, tránh bìa cứng nặng, vở với số trang giới hạn, dùng cặp loại nhẹ, vv.); vấn đề bạo lực và kỷ luật trong trường học ; vấn đề chạy theo thành tích, với những con số giả tạo về học sinh giỏi, đạt thành tích cao, ngày nay mới được phần nào phanh phui, vv. là những vấn đề mà nhà quản lý lẽ ra phải quan tâm ngay từ đầu.

2/ Nhưng cũng có những vấn đề “kỹ thuật” hơn:
Có vấn đề thi cử kiểm tra trình độ học tập. Đề án “2 trong 1” – gộp thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và thi tuyển đại học – là một đề án nguy hiểm vì 2 mục đích hoàn toàn khác nhau (nước ngoài người ta muốn tránh, mà có người nước mình lại khẳng định rằng làm vậy là rút kinh nghiệm của người ta). Đề án thi “trắc nghiệm” – cũng do lý luận không chính xác – đã có lúc lăm le đưa vào sử dụng, nay tạm thời chỉ sử dụng “một nửa”. (Nói đơn giản cho dễ hiểu: thi trắc nghiệm – mà tôi thấy ở Pháp, (gọi là QCM : Questionnaires à Choix Multiples, câu hỏi có nhiều lựa chọn giải đáp) – là nhiều giải đáp sai xen lẫn một giải đáp đúng để thí sinh chọn. Ngoại trừ cái nguy cơ đi thi đoán mò mà trúng, tôi cũng liên tưởng đến ý rằng chớ để cho hình ảnh của cái sai đã thâm nhập vào đầu, dù là “mang máng nhớ ”, sau khó xua đuổi nó ra lắm). E rằng việc chưa áp dụng hoàn toàn hình thức thi loại này chỉ là kế hoãn binh, vì theo http://www.hanoimoi.com.vn/vn/47/149988, bài “Lấy ý kiến dân về Đề án đổi mới thi và tuyển sinh” (gồm 6 vấn đề), 2 vấn đề dẫn trên đây được Bộ Giáo dục Đào tạo nêu ra rõ ràng (thí dụ như – tôi chép nguyên văn : “Chuyển việc ra đề từ hình thức tự luận sang hình thức trắc nghiệm đối với các môn thi, trừ môn Ngữ văn phối hợp tự luận và trắc nghiệm”).

Trong cái thiện ý nâng tỉ lệ nhà giáo đại học có bằng tiến sĩ, đề án 2 vạn tiến sĩ cho 2020 trong khung cảnh mở vung vãi rất nhiều trường đại học, gây ra nhiều nghi vấn, vv. Vấn đề chấm điểm kiểu hành chính để đánh giá công trình nghiên cứu, cũng gây ra nhiều câu hỏi về trình độ hiểu biết thực sự của một số nhà quản lý. Đó là chưa kể những chuyện cũ như vụ việc “bộ đề thi”, việc “phong hàm giáo sư thay vì bổ nhiệm theo chức vụ” mà đến nay vẫn chưa chỉnh được.

3/ Và cũng có những vấn đề quan trọng hơn, liên quan đến chiến lược phát triển, đôi khi liên quan cả đến độc lập tự chủ, đến sự tồn tại của đất nước Việt Nam.
Vấn đề trầm trọng hơn cả là cái quan niệm “thị trường hóa” giáo dục, hay hơn thế nữa, nói nôm na ra là “thương mại hóa” giáo dục. Có lẽ vì nó mà sinh ra nhiều điều kỳ lạ. Nếu sự mạo bằng cấp, tiếm xưng, còn có thể giải thích là sự gian lận cá nhân, thì việc “học giả bằng thật” không thể do đương sự tự tạo ra ; nó phải có một sự “phối hợp”, hoặc đồng lõa, hoặc chủ trương nào đó mới có thể xảy ra (lợi tức?). Việc ẩn sau cụm từ “xã hội hóa” giáo dục, giải thích quanh co để biện hộ cho việc đóng học phí cao, tăng học phí, phân biệt học phí và “chi phí học tập”, biện hộ cho lý luận “tiền nào của nấy” trong giáo dục và đào tạo, thật là khó chấp nhận (một cách khuyến khích nhà nước phủi tay ?), mặc dù sự bất công phân hóa giàu nghèo rất là rõ rệt (đây là một thứ kỳ thị theo tiền bạc), mà sự học sinh bỏ học vì gia cảnh đã rành rành. Việc cho mở vung vãi những đại học “ngoài công lập”, những cơ sở “giảng dạy”, câu sinh viên với cái nhãn về những ngành được coi là thời thượng, khi tiêu chuẩn về nhà giáo và phương tiện học tập thiếu bảo đảm, không thể không có những hậu quả tai hại lâu dài. Thậm chí, vì “thị trường”, có người tóm gọn mục tiêu giáo dục đại học thành việc đào tạo người có tay nghề để dễ có việc làm cho công ty nước ngoài, mà bỏ qua vế chuyển giao kiến thức, nguồn gốc của mọi nền văn minh. Một số người lúc này tỏ vẻ mê kiểu Mỹ : không biết là họ mê “thật” (nhưng lại không biết tiêu hóa những gì mà họ tưởng là đã học được từ người Mỹ) hay là họ cao tay ấn, mê “giả” vì có quyền lợi đâu đó? Lại có người đề cao việc càng ngày càng tăng số trường đại học hoàn toàn giảng dạy bằng tiếng Anh. Đến một lúc nào đó, có ai sẽ đề nghị toàn thể các đồng bào dân tộc, Kinh hay thiểu số, ở Việt Nam, học thẳng ngay tiếng Anh từ thuở sinh ra, cho dễ “hợp” với thị trường không ? Với lý luận về giáo dục kiểu ấy, nền văn hóa, trí tuệ của cả một dân tộc sẽ ra sao? vv. và vv.

Tôi nghĩ rằng không ít người Việt Nam trong hay ngoài nước, trong hay ngoài nghề giáo, mong đợi có những nhà quản lý “giữ đúng ghế” có đủ bản lĩnh để ngăn chặn những sa đà tóm tắt kể trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét