Ngày 21/11/2007
http://diendan.edu.net.vn/forums/365417/ShowThread.aspx#365417
Cố tri và vài chuyện hợp tác khoa học
Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)
Anh là người kín đáo nên ít ai người biết đến vai trò rất hữu hiệu của anh trong hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Pháp nói riêng và với những nước sử dụng tiếng Pháp nói chung. Tôi muốn nói tới giáo sư Nguyễn Đình Trí. Nhân dịp anh sắp nhận quyết định nghỉ hưu – sau nhiều lần thỉnh cầu của anh – thôi các chức vụ giáo sư Đại học Bách khoa Hà Nội và Chủ tịch hội đồng quản trị của Institut de la Francophonie pour l’Informatique (Viện Pháp ngữ về Tin học, tại Hà Nội), tôi muốn viết vài lời về anh, cũng là những lời tóm tắt nhắc lại một khía cạnh của lịch sử thăng trầm của hợp tác khoa học của Việt Nam với nước ngoài.
Tôi quen anh đã hơn 32 năm, vào mùa hè 1975, tại nhà anh Lựu tôi ở Hà Nội, hai anh vốn là đồng nghiệp giảng dạy Đại học Bách khoa Hà Nội, tuy không cùng khoa. Tôi nhớ hôm đó anh có hẹn sẽ gặp lại nhau ở Pháp vì anh dự tính sẽ sang Pháp một thời gian. Nhưng mãi hai năm sau, 1977 anh mới sang Pháp và ở lại gần một năm, làm việc tại các đại học Paris 6, Paris-Sud-Orsay, và Ecole Polytechnique. Từ đó cho đến những năm gần đây, hầu như năm nào anh cũng có chuyến công du sang Pháp ít ngày, nên gặp nhau luôn.
Nhắc lại vài dòng tiểu sử của anh. Anh Nguyễn Đình Trí sinh tại Hải Phòng; năm 1931, anh hơn tôi 3 tuổi. Anh học Trung học, Sư phạm Cao cấp rồi Đại học Sư Phạm Khoa học, rồi làm cán bộ giảng dạy Đại học Bách Khoa Hà Nội từ lúc mới mở trường năm 1956 đến nay (hiệu trưởng đầu tiên là ông Trần Đại Nghĩa, sau đó là ông Tạ Quang Bửu, vv.). Năm 1961, anh được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Đại học Mạc Tư Khoa, và năm 1965 sau khi bảo vệ luận án với đề tài “Các bài toán biên tự do đối với phương trình parabolic”, anh trở về Bách Khoa Hà Nội giảng dạy, có lúc làm tổ trưởng Bộ môn, rồi chủ nhiệm khoa Toán-Lý, rồi từ 1977 đến 1994 làm hiệu phó Bách Khoa, và tham gia đảng ủy nhà trường trong nhiều khóa. Anh được phong giáo sư vào năm 1984.
Anh thân với nhà toán học L.Schwartz và có quan hệ tốt với nhóm đồng nghiệp Pháp về Đạo hàm riêng và Giải tích Số nên quen biết nhiều trong giới Toán học Pháp. Thời gian ở Pháp năm 1977-78, gặp gỡ và thăm dò đưa anh đến nơi thích hợp để hợp tác với Bách khoa Hà Nội : INPG (Institut National Polytechnique de Grenoble: một tập hợp của nhiều trường kỹ sư). Do đó, (sau chuyến thăm Grenoble năm 1977 của ông Trần Trí, phụ trách đối ngoại của Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước), đầu 1978, với sự trung gian, góp ý và giúp đỡ của anh Nguyễn Khắc Nhẫn đang giảng dạy ở Grenoble và vốn là đầu mối giao dịch giữa INPG và Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, anh thăm, gặp gỡ và bày tỏ ý kiến với INPG. Sau nhiều chuyến trao đổi đôi bên, phía Việt Nam và phía Pháp, với sự trung gian rất cụ thể và hiệu quả của anh Nhẫn, văn bản được ký vào năm 1982 giữa thứ trưởng Bộ Đại học Hoàng Xuân Tùy và giáo sư D.Bloch, chủ tịch của INPG, chính thức hóa sự hợp tác giữa INPG và 3 Bách khoa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Trong khoảng mười mấy năm, từ đó đến 1994 (nếu tôi không nhớ nhầm), với kinh phí của Pháp, mỗi năm INPG nhận 10 cán bộ giảng dạy trẻ của 3 Bách Khoa Việt Nam sang soạn luận án tiến sĩ, và 15 cán bộ giảng dạy già dặn kinh nghiệm sang tu nghiệp ở Grenoble, và INPG gửi nhiều giáo sư sang Việt Nam giảng dạy ngắn ngày. Con số tiến sĩ đã đào tạo ở Grenoble trong thời gian ấy là khoảng hơn 80. Rất đáng tiếc rằng sự hợp tác đó đã không tiếp tục vì nhiều lý do, (không phải từ phía trong nước), trong đó có lời “bàn” cho rằng ở Việt Nam “nhiều thày (tiến sĩ) thiếu thợ (kỹ thuật viên)” vậy nên đổi hướng. Tôi thì nghĩ rằng không nên vì thiếu kỹ thuật viên mà rút nguồn đào tạo tiến sĩ . Đào tạo kỹ thuật viên đã có con đường khác. Một kinh nghiệm lấy ngân quĩ hợp tác để dùng cho việc bưng mô hình đào tạo kỹ thuật viên của Pháp vào nước ta đã thất bại. Trong việc này tôi đã đồng tình với suy nghĩ của anh Trí và anh Nhẫn cũng như một số người khác; nhưng bài này không phải là nơi để nhắc lại những chuyện đó. Những cán bộ giảng dạy của 3 trường Bách Khoa Việt Nam được đào tạo cơ bản ở Grenoble về đã và đang là lực lượng chủ chốt trong đào tạo và nghiên cứu ở 3 trường đó. Nói thêm là từ 1994 đến nay, sau khi chương trình hợp tác chính thức chấm dứt, với những phương tiện khác trong đó có “tự túc”, có khoảng hơn 60 luận án tiến sĩ của du nghiên cứu sinh Việt Nam đã bảo vệ ở Grenoble. Sau này, hợp tác chính thức đã chuyển hướng sang PFIEV (Programme de Formation des Ingénieurs d’Excellence du Việt-Nam, Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, trong đó có sự tham gia của Bách khoa Hà Nội và INPG và nhiều đối tác khác như ENPC, ECP, SupElec, vv.).
Anh Trí là nhà toán học, nhưng lại rất chăm chú ngay từ đầu tới tầm quan trọng của Tin học. Khi chương trình hợp tác chính thức với INPG sắp kết thúc, ý định xây dựng IFI (lúc đó mang tên Institut Francophone d’Informatique, Viện Tin học Pháp ngữ) được khởi đầu do lòng mong muốn phát triển tiềm năng của đội ngũ trẻ mới được đào tạo có qui củ ở Pháp về. Ở hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của khối các nước sử dụng Pháp ngữ (Francophonie), tại điện Chaillot (Paris) 19-21 tháng 11 năm1991, đề án thành lập IFI được Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ trình bày, và được hội nghị chấp thuận và trao cho AUPELF-UREF thực hiện ở Hà Nội. Nhắc lại là AUPELF (Association des Universités partiellement ou entièrement de langue française, Hội các Đại học sử dụng tiếng Pháp hoàn toàn hay một phần), thành lập năm 1961 tại Đại học Montréal, Canada ; đến năm 1987 thì thành lập l'UREF (Université des Réseaux d'Expression Française), một chương trình quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh các nước sử dụng Pháp ngữ. Viện IFI được thành lập ở Hà Nội vào cuối 1994. Anh Trí được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị từ đầu năm 1995, và anh liên tục đảm nhiệm chức vụ này trong nhiều khóa cho đến tận năm nay. (Theo qui chế, hiệu trưởng IFI là người nước ngoài, lúc đầu là một người Pháp, sau có lúc là người Canada). Đến khi AUPELF-UREF đổi thành AUF (Agence Universitaire de la Francophonie), thì IFI (vẫn mang tên tắt này), mới chuyển gọi tên ngày nay là Institut de la Francophonie pour l’Informatique. Trụ sở của trường đóng trong một tòa nhà của “Đông Dương học xá” cũ, xây từ thời còn Pháp thuộc, được tu sửa lại, trong khu Bách Khoa ngày nay. IFI tuyển sinh viên đã tốt nghiệp đại học ở mức tú tài+4 hay tú tài +5 về Tin học hay một ngành liên quan như Toán ứng dụng, Điện tử, vv. và đào tạo Cao học với đầu ra là bằng Thạc sĩ về Tin học, (Master, tương đương 300 ECTS chuẩn Âu châu), sinh viên hầu hết là người Việt Nam nhưng cũng có sinh viên ngoại quốc. Từ lúc mở cho đến năm 2006, trong 12 khóa, 275 sinh viên đã ra trường ; khoảng một phần ba trong đám này làm nghiên cứu sinh, 30 luận án tiến sĩ đã được bảo vệ ở Pháp, Bỉ, Canada và Thụy Sỹ ; 50 đang tiếp tục soạn luận án. Số còn lại hoặc đã trở thành chủ doanh nghiệp, hoặc làm việc ở các doanh nghiệp lớn với tư cách kỹ sư nghiên cứu hay chủ nhiệm đề án. Đối tác của IFI cũng nhiều, như Groupe des Ecoles des Télécommunications (Paris, Rennes, INT), European Schoolnet, Institut Eurecom, INRIA, INPG, Gaz de France, IBM, Dassault, Eurocontrol, Université catholique de Louvain, Université du Québec à Montréal, Université Laval à Québec, Universités Paris 6, Paris 8 et Paris 13, Université de La Rochelle, Université de Lyon 1.
Tôi nghĩ, trong công việc, cứ chăm chú mà tiến hành, chẳng cần phô trương, chẳng cần mượn danh của thiên hạ mà làm vinh cho mình, cho cơ sở của mình, chính là cách làm có hiệu quả nhất.
Câu chuyện hợp tác giữa Bách khoa và INPG, và việc thành lập IFI ở Hà Nội, trong đó anh Trí đóng góp một phần công lao lớn, cũng cho thấy rằng đào tạo tiến sĩ có trình độ, không phải là dễ. Nó là một công trình rất dài hơi, cần rất nhiều công sức, chứ không phải như một số người, do thiếu kinh nghiệm thực tế, cứ ngồi trong văn phòng cầm bút tính chỉ tiêu để nêu ra con số này con số nọ. Nếu như người làm chiến lược và quản lý biết nhìn xa, như đã rất nhiều năm được cảnh báo, thì tình trạng nhà giáo đại học đã không kẹt như ngày nay. Ngoài chuyện hợp tác khoa học với bên ngoài, tôi cũng muốn tóm tắt đôi điều về chuyện trong nước. Như tôi đã kể nhiều lần, năm 1988, anh Nguyễn Đình Trí là một trong 5 nhà khoa học trong nước mà tôi gợi ý đứng tên xin mở Trung tâm đại học “ dân lập ” Thăng Long, trường đầu tiên ngoài hệ thống công lập. Anh cũng là một trong 24 người, trong và ngoài nước (trong đó có tôi) tham gia xê-mi-na “ Chấn hưng Giáo dục ” do anh Hoàng Tụy phụ trách, và ký bản Kiến nghị chung gửi lên Trung ương năm 2004. Tôi cũng biết anh đã nhiều lần góp ý với Bộ GDĐT về những chuyện nên làm hay không nên làm, thí dụ anh đã hết sức can việc đưa “ bộ đề thi ” vào việc thi tuyển đại học. Tôi cũng biết anh không đồng ý với đề án gộp thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và việc thi tuyển vào Đại học (đề án “ 2 trong 1”) hay đề án “thi trắc nghiệm”. Có điều là tôi thì viết trên báo, còn anh thì không, vì những lý do dễ hiểu. Tuy trong và ngoài, anh và tôi đã cùng đi chung một chặng đường dài.
Tôi biết tôi đã là người thuộc về quá khứ. Cũng may là tôi còn có được khả năng viết bài đăng báo. Tôi muốn gợi lại những sự việc trên để mừng anh vui nghỉ hưu, đồng thời bày tỏ tình cảm của tôi đối với anh, một bạn cố tri, và hơn thế nữa, một người tri âm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét