Phụ lục
“PHẬT HỌC TỔNG YẾU ” BỊ PHÊ BÌNH LÀ PHẢI !
Phan tiên sanh !
Trước khi hầu chuyện cùng tiên sanh, xin cho phép tôi tỏ đôi lời cùng các nhà hữu tâm với xã hội :
Phật giáo lưu nhập vào nước ta đã lâu rồi, lâu cho đến có gần hai ngàn năm. Thế mà trong nước cũng vẫn chưa thấy được một vài quyển sách viết bằng quốc văn nói về Phật giáo. Tuy gần đây có quyển Phật giáo đại quan của Phạm Thượng Chi tiên sanh ra đời, về mặt văn chương thì thiệt có phần đặc sắc, nhưng về nghĩa gốc của Phật như lý niết bàn, thuyết vô ngã thì tiên sanh còn tỏ ra cái thái độ hoài nghi. Thế là từ xưa đến nay chưa có một quyển sách nào nói về Phật cho đúng !
Lương Nhậm Công tiên sanh nói rằng : “Giữa đời Lục trào, Tuỳ, Đường chính là thời đại học thuật tư tưởng của Trung Quốc rất suy sút, đó chẳng qua luận về Nho học sử, nhưng về Văn học sử thì lại thời đại toàn thạnh. Vì đời bấy giờ, những người học vấn uyên thâm, chí hạnh cao khiết đều dắt nhau vào trong phạm vi Phật giáo, nên mới có một ánh hào quang chói lọi trong lịch sử Trung Hoa”. Thế thì Phật giáo không phải không có cái giá trị đáng nghiên cứu, mà trong văn học sử của các nước Đông Á cũng cần phải có Phật giáo mới được quang vinh vậy.
Người trí thức trong nước phần nhiều không biết Phật giáo rất có quan hệ đến văn hóa ; có biết, cũng không chịu nghiên cứu ; không biết, thì chỉ ngó sơ qua cái hình thức lễ bái, rồi cho Phật cũng đồng một loại với quỷ thần, nên mới có câu : “Nhứt thiết quỷ thần tiên phật đều là cừu địch của nhơn loại”; cho Phật giáo là yếu thế, nên mới có câu “Xin mời ông Thích Ca ra ngoài để cho chúng tôi lo đóng tàu đúc súng”. Người trí thức còn vậy, huống chi kẻ tự xưng là người chấn hưng Phật giáo mà viết sách nói – “thấy Phật trong cảnh chiêm bao” và “thành Phật cũng phải ở dưới quyền chánh phủ” thì còn nói làm sao được !
Phật giáo suy đồi đến thế là cực điểm. Lỗi ấy tại ai ?
Thạnh bên kia ắt suy bên nọ, các nhà trí thức đua nhau xu hướng về chánh trị, về kinh tế, về các cõi khác, thì bên Phật học giới không người tài ba lỗi lạc là phải !
Nước Tàu kinh điển Phật giáo được hoàn bị hơn ở Ấn Độ, là vì sự nghiệp phiên dịch chẳng những có các vị cao tăng trong nước mà cũng nhờ nhiều vị cao tăng ở các nước, có người xuất gia mà cũng có người tại gia. Gần đây Phật giáo rất có vẻ hoạt động, Phật học hội hầu khắp trong nước. Phật học viện tỉnh nào cũng có, có Trung Quốc Phật giáo liên hiệp hội, có Thế giới Phật giáo liên hiệp hội, có Trung Quốc Phật giáo cư sĩ lâm, có Thế giới Phật giáo cư sĩ lâm, các nhà bác học Âu, Mỹ sang để nghiên cứu Phật học. Thái sư pháp sư đi giảng học Âu châu, nếu trước kia không có Dương Nhân Sơn, Khương Nam Hải(*), Lương Khải Siêu, các vị danh nhơn, các nhà Phật học tạo nhân thì có đâu được kết quả tốt đẹp như thế ? Và không có Phật học từ điển, Phật học đại cang, Ấn Độ triết học, Phật giáo triết học của mấy người tại gia cư sĩ trứ thuật, thì làm sao Phật giáo Trung Quốc được chói lói, rực rỡ như thế ?
Còn nước ta, trong thì chế độ tăng già quá ư hủ lậu, không có tài liệu nghiên cứu, không có học đường giáo dục, mà nhứt là đối với quốc văn cho như một thứ chữ ngoại quốc ; ngoài lại bị nhiều kẻ vô kiến thức khinh khi Phật giáo, cừu thị tăng đồ, dầu có tín ngưỡng chẳng qua là mê tín, chớ có biết Phật lý là gì đâu ! Trong nước từ xưa đến nay chưa có một quyển sách viết bằng quốc văn nói về Phật giáo cho đúng, ấy cũng tại hoàn cảnh xã hội sử nhiên(**).
Tôi, nói ra hổ thẹn, hai mươi mấy năm trường ở dưới cái chế độ tăng già hủ bại ấy, nói cho đúng, cũng như ở một quả địa cầu khác, không biết việc xã hội, việc thế giới là gì, tưởng đâu trọn đời đồng khô mục với cây cỏ. Đến khi trong nước nổi lên cái phong trào Chấn hưng Phật giáo, nhân cơ hội ấy, đi tìm khắp các tùng lâm ở Trung, Bắc không có một vị cao tăng nào gọi là đại tài đại trí đứng ra chống đỡ Phật pháp trong lúc khuynh nguy ! Người xuất gia chỉ biết có thầy Trà Am ở Thừa Thiên, thầy Bích Liên ở Bình Định, người tại gia thì chỉ biết có cụ phó bảng Huy, ông Mai Văn Ngọc Nam kỳ là những người có Phật học, nhưng chỉ lo tự giác mà thôi.
Ở Nam kỳ, đây là nói riêng phần người xuất gia. Chỉ có sư cụ Khánh Hòa là người thâm Phật học, có nghị lực có nhiệt thành, hiện đương chủ nhiệm Linh Sơn Tự, nhưng tiếc vì tuổi đã cao, sức đã yếu rồi.
Huống chi, người ra chủ trương việc trùng hưng Phật giáo không phải dễ, trong đánh đổ một cái chế độ hủ bại xưa nay, ngoài đối phó với các tôn giáo có thế lực, bên kia khoa học, bên nọ cường quyền, bốn mặt đều có quân giặc phủ vây, có ai đơn đao độc mã mà dám xông vào trong giữa chiến trường nguy hiểm ấy không ?
Xã hội yêu cầu, quốc dân nguyện vọng đương thiết tha ao ước có chủ nghĩa từ bi bác ái thiệt hiện trên thế giới bất bình nầy tuy biết rằng trong nước hiện thời chưa có một người đại tài đại trí ra đời để gánh vác cái trách nhiệm lớn lao ấy, để làm cho thỏa mãn cái lòng yêu cầu nguyện vọng ấy, nhưng nếu cứ nhút nhát rụt rè, chỉ ôm cái nhiệt tâm than vắn thở dài, mua sầu chuốc não, tưởng kết cuộc cũng không được việc gì. Bởi vậy, một mặt chúng tôi lo cho trong tăng già có trường Phật học, một mặt đem Phật học giới thiệu cùng những kẻ ưu thời, nên vừa rồi trường Phật học đã tuyên cáo thành lập, và quyển Phật học tổng yếu mới mạo hiểm mà ra đời vậy.
Theo ngu kiến tôi, trường Phật học nếu không điều chi trở ngại, thì cũng mười lăm năm nữa mới sản xuất được nhơn tài. Nhưng thời cuộc hay đổi dời, cũng không biết đâu mà tiên liệu. Vậy thời bây giờ lấy ai làm kẻ tạo nhân ?
Phật học mênh mông, có đủ các khoa học. Ai chuyên về Nhân minh, tức là khoa Luận lý học ? Ai chuyên về Duy thức, tức là khoa Tâm lý học ? Ai chuyên về Bát nhã tôn, tức là khoa Triết học ? Ai chuyên về Phật giáo sử ? Ai chuyên về Giới luật học ? Ai lo Tiểu thừa ? Ai lo Đại thừa ? Ai biên dịch Phật giáo giáo khoa thơ ? Ai biên dịch Phật học từ điển ? Than ôi !...
Phật học tổng yếu là một bức Huyết lệ thơ.
Phật học tổng yếu là một quyển sách cốt để giới thiệu Phật học cùng các nhà trí thức trong nước, muốn cho các nhà trí thức nghiên cứu Phật học đặng làm kẻ tạo nhân cho Phật học giới. Phật học tổng yếu là một quyển sách bày tỏ chỗ dị đồng giữa Phật giáo với các tôn giáo, cho các ngài muốn học Phật để phân biệt Phật giáo là Vô thần giáo, chỉ nói “Tam giới duy tâm”, chớ không phải như các tôn giáo nói võ trụ sanh ra bởi có một đấng tạo vật. Phật học tổng yếu là một quyển sách giới thiệu Phật học cho các nhà học giả, mà chưa phải là một quyển sách phổ thông. Phật học tổng yếu là một quyển sách tỏ cùng các nhà nhiệt tâm muốn nghiên cứu Phật học biết rằng muốn học Phật phải học chữ Hán, vì hiện thời chưa có thể dịch hết ra tiếng An Nam được, mà cũng có nhiều câu không thể dịch được. Xem như Nhựt Bổn là một nước đã văn minh còn để y nguyên bổn Đại-tạng mà không phiên dịch, Ấn Độ là chỗ sản xuất Phật giáo, mà nay ông hội trưởng của hội “Mana boddhi” còn viết thơ cho Dương Văn Hội cư sĩ ở Kim Lăng xin mời giùm người thâm Đại thừa Phật học của Tàu. Theo như tôi hiểu thì, về phương diện Phật học hiện thời chưa có thể thoát ly cái ách nô lệ chữ Hán được. Nếu có nhiều nhà Phật học trau dồi quốc văn một cách sốt sắng, có thoát ly được chăng nữa tưởng cũng có trên dưới một trăm năm.
Nói tóm lại, quyển Phật học tổng yếu ra đời, chẳng qua bởi lòng nhiệt thành muốn cho các nhà học giả nghiên cứu Phật học, mà học Phật nên học của Tàu. Phật học tổng yếu cũng là một quyển sách để nhắc nhở các nhà học giả, các vị ưu thời nên làm thế nào cho sớm thỏa mãn cái lòng yêu cầu của xã hội, nguyện vọng của quốc dân vậy.
Các ngài trí thức trong nước ! Tiện đây xin thưa cho các ngài biết : Các ngài chớ quá tin rằng công việc của chúng tôi làm là thành công mà không thất bại, mỗi người trong chúng tôi đều giữ đúng cái tôn chỉ từ bi bác ái cả, và chớ tưởng rằng người học Phật chừng năm bảy người là đủ, chỗ để học Phật chừng đôi ba chỗ là đủ.
Phan tiên sanh !
Tôi đã thú thiệt rằng hai mươi mấy năm trường vùi lấp trong chế độ tăng già hủ bại, không có thầy hay bạn tốt chỉ lối đưa đường nên đã thành một kẻ thất học, nếu ngày nay bắt đầu can thiệp đến xã hội mà lại không ai ngó ngàng đến nữa, thì có lẽ trọn đời thành một người bỏ đi ! Quyển Phật học tổng yếu vừa xuất bản, được cái hân hạnh có nhà học giả thương đến mà phê bình, phê bình để bổ thêm những điều khuyết điểm của tôi. Thưa tiên sanh : Rất đỗi một nhà Nho học còn biết nghe ai bảo mình có lỗi thì mừng, huống chi một người biết chút ít Phật học như tôi quyết lo rửa sạch sân si nghiệp chướng đặng ra khỏi biển trầm luân. Cho nên tôi đọc suốt ba bài phê bình, chẳng những đối với tiên sanh sẵn có một mối mỹ cảm, mà lại lạc quan đối với Phật học giới sau nầy : Từ đây những nhà học giả đã lưu tâm đến Phật học rồi ! Từ đây những sách nói về Phật giáo nhảm nhí hoang đường không dám ra đời nữa.
Nhưng trong ba bài(*) phê bình của tiên sanh có chỗ đúng, có chỗ quá ư nghiêm khắc, có chỗ ưng, cũng không khỏi có chỗ oan. Người đã gọi là người học Phật, dầu ưng dầu oan, lẽ thì không nên biện bạch. Nhưng tiên sanh đã vui lòng mà chỉ giáo cho, cái hậu ân ấy thiệt không biết lấy chi mà đền đáp, vậy lời phê bình của tiên sanh nếu có chỗ chưa đúng mà tôi giấu đi, không trình cho tiên sanh biết, chẳng là người vô nghĩa lắm ư ? Vậy xin dẫn những chỗ oan của tôi ra sau đây, xin tiên sanh nhã giám.
Khoản dùng chữ Hán. – Quyển Phật học tổng yếu là một quyển sách cốt để giới thiệu Phật học cho các nhà học giả, mà không phải là một quyển sách phổ thông. Lại là một quyển sách có ý tỏ cho những người muốn gấp học Phật biết rằng muốn học Phật phải học chữ Hán. Vì tiếng ta hiện thời chưa có thể dịch hết ý sâu xa trong nguyên văn chữ Hán được. Vì cớ đó mà tôi dùng nhiều chữ Hán. Dùng nhiều chữ Hán, theo ý tôi đối với người đã thông Hán học tưởng cũng không trở ngại gì, và những người chưa biết chữ Hán mà muốn học Phật nếu có chí cầu học, thì dầu khó đến đâu cũng không thối chí bao giờ. Tôi nói thế, không phải là ngụy biện, trong sách mấy bài chữ Hán tôi có dịch âm cả, và có chua nhiều chữ Hán, ấy đủ chứng cho cái bổn tâm của tôi vậy.
Khoản theo đúng từng chữ của nguyên văn. – Trước khi biện về khoản nầy, xin thưa cùng tiên sanh rằng : Phật học có khác hơn văn nghệ, Phật học không nê cố(**) văn tự, Phật học sở dĩ để cầu thấy tánh sáng lòng. Tánh tức là bổn tánh, lòng tức là chân tâm, bổn tánh tức là cái bổn thể không sanh không diệt vậy. Người sanh trên đời, không khác như ở trên sàn hát, cái màn hưng vong, trung, nịnh tuy có lắm lúc đổi dời, nhưng chẳng qua một cuộc giả. Đã là cuộc giả, sao lại ta khi cười khi khóc, lúc giận lúc thương ? Ấy bởi “vọng tâm” chấp trước, tại mình làm khổ cho mình ! Cho nên cái mục đích học Phật là cầu cho khỏi khổ được vui, muốn cho khỏi khổ được vui phải tìm cho thấy cái chân tâm không sanh không diệt ấy. Người học Phật, trước khi chưa thấy chân tâm cũng phải mượn đến văn tự, cũng như mượn ngón tay để chỉ mặt trăng, mượn cái nơm để bắt con cá vậy. Nếu cứ ngó ngón tay thì không bao giờ thấy được mặt trăng, cứ cố cái nơm thì không bao giờ bắt được con cá, cũng như cứ nê cố văn tự thì không sao thấy được chân tâm. Kết cuộc còn cái vọng tâm sanh diệt thì khổ cũng vẫn khổ, thế thì có ích lợi gì đâu ! Cho nên Phật thuyết pháp 45 năm chưa hề viết ra một chữ, không những không có một chữ, mà lại cũng không có thuyết pháp !
Phật nói rằng : “Nếu ai nói ta có thuyết pháp, ấy là chê ta, vì không hiểu cái sở thuyết của ta” (Nhược nhơn ngôn như lai hữu sở thuyết pháp, tức vì bằng phát bất năng giải ngã sở thuyết cố. – Kim cang kinh). Ngài nói rằng : “Không pháp nào gọi là pháp đáng nói mới kêu là nói pháp” (Vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp – Kim cang kinh). Ngài lại nói : “Các ông tỳ kheo ! Phải biết rằng ta thuyết pháp ví như chiếc bè (khi chưa qua sông phải cầu có bè), pháp còn phải bỏ, huống chi là phi pháp (Nhữ đẳng tì kheo, tri ngã thuyết pháp như phiệt vu giả, pháp thượng ưng xã, hà huống phi pháp – Kim cang kinh)
Ấy là Phật dạy rằng : Phải lìa hết chữ nghĩa và tiếng nói mới thấy được chân tâm.
Bởi tôi thấy trong khoản nầy nhiều đoạn tiên sanh có hơi nê cố văn tự, sợ e trở ngại về sự nghiên cứu Phật học, nên tôi nói có hơi dông dài một chút, xin tiên sanh lượng cho. Và nếu nê cố văn tự thì thế nào cũng sai lạc ý nghĩa trong văn kinh. Vậy xin dẫn một đoạn dưới đây để cùng tiên sanh bàn bạc.
Như câu kinh Niết bàn ở trang 17 : “Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ, tử tác bất thiện, phụ bất đại thọ. Thiện tự hoạch phước, ác tự thọ ương”.
Tôi dịch : “Cha làm điều chẳng phải, con không chịu thế được, con làm điều chẳng phải, cha cũng không chịu thế được”. Nhưng sách in sót : “... Cha cũng chẳng chịu được”.
Tiên sanh nói : “Nguyên văn, trong câu sau, cũng có chữ “đại” nữa, sao dịch lại bỏ đi ?”
Nói cho phải, trong sách Phật học tổng yếu thiệt có nhiều chỗ thiếu sót và sai lầm, vì bởi sửa không kỹ. Như trang đầu sót luôn một câu : “... lân là loài mao trùng (trùng lông)”, mà trong biểu đính chánh cũng không có bỏ vào cho đủ. Vả lại biểu đính chánh cũng có chỗ sai nữa, như “kín nhiệm” mà sai là “kính nhiệm”. Nhưng câu “cha cũng không chịu được” thì trước biểu đính chánh cũng có sửa lại rồi. Thưa tiên sanh : Tôi không bao giờ dám bỏ nghĩa chữ “đại”.
Tiên sanh nói : “Nguyên văn không có ý gì là “được” thì sao trong câu dịch lại thêm chữ “được”? Tiên sanh lại nói : “Chữ “được” nghĩa là “có thể” nên khi nói “con không chịu thế được” tức là “con không có thể chịu thế”.
Thưa phải ! theo lý nhân quả, ai gây nấy chịu, cũng như không thể mượn lỗ mũi của người khác mà thở được. Dầu tiên sanh nói : “Không thể được” là “con không thể chịu thế”, thưa tiên sanh, nói như vậy cũng được. Vì cha làm quấy, dầu con có lòng thảo muốn chịu tội thế, cũng không thể chịu thế được. Cả câu “không chịu thế được” là có cái ý nghĩa nói quả quyết rằng : “Dầu có lòng thương nhau, cũng không bao giờ chịu thế cho nhau được”. Ví như câu : “Con cháu tuy chật nhà, cũng không chết thế được”, đều bỏ chữ “được” đi, thì thành con cháu bất hiếu !
Bài dịch ấy, tiên sanh sửa lại rằng : “Cha làm điều chẳng lành, con chẳng chịu thế ; con làm điều chẳng lành, cha chẳng chịu thế. Ai lành nấy được phước, ai ác nấy mang họa”.
Thưa tiên sanh ! Ba chữ “chẳng chịu thế” nó hàm có cái ý nghĩa cha con đối đãi với nhau rất là lãnh đạm vô tình, ai chết nấy chịu, không ai chịu thế cho ai. Tại chẳng chịu thế, chớ không phải muốn chịu thế mà không được. Trái lại thì là “nếu muốn chịu thế cũng được”. Thế thì nó trái hẳn với lý nhân quả rồi !
Mấy đoạn dưới như câu : “Trong đời duy có sự sanh tử là lớn hơn cả”, và “Không biết được bổn tâm, thì học đạo cũng vô ích” v.v. và “Những kẻ phàm phu dại dột, chỉ biết cải lỗi trước, mà không biết chừa lỗi sau” v.v..., tôi dịch có thêm bớt mà tiên sanh cho sự thêm bớt ấy là quan hệ, vậy nên xin thưa cùng tiên sanh rằng : Trong kinh Niết bàn Phật có dạy : “Theo kinh rõ nghĩa, chớ theo kinh không rõ nghĩa”. (Y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh). Nếu không rõ nghĩa, thì dầu tới Phật cũng có thể cãi được. Phật giáo cho người tư tưởng tự do, sở dĩ khác hơn tôn giáo là ở chỗ đó. Thế thì thêm bớt mà rõ nghĩa, dầu nguyên văn có cùng không có cũng vô hại.
Trước khi cáo biệt, xin có lời trân trọng thưa cùng tiên sanh.
Ai có thiệt tâm giúp đời thì bao giờ cũng không khỏi có kẻ ghét mà lại có những hạng người ở trong vòng hắc ám trở hiềm oán cái kẻ ra tay tháo cũi sổ lồng cho, ấy mới là lạ chớ ! Chánh trị vậy, tôn giáo vậy, mà văn học cũng vậy.
Nhưng người đã biết bổn phận, không sợ ai ghét, cũng không cần ai thương, nên trước sau không bao giờ để cho sai lạc tôn chỉ.
Tiên sanh đã nói : “Trong nghề văn học rất cần có sự phê bình”, tiên sanh đã biết là “rất cần”, sao tiên sanh lại “ngại” ?
Nếu tiên sanh cứ “ngại” thì bao giờ văn học mới có vẻ quang vinh ? Mà nếu những người thiệt tâm giúp đời cũng lại ngại thì bao giờ xã hội hết bất bình, nhơn gian có chân lý ?
THIỆN CHIẾU(*)
Thần chung, Sài Gòn, s.285 (2.1.1930); s.286 (3.1.1930); s.287 (4.1.1930)
(*) Hòa thượng Thiện Chiếu, họ tên thật là Nguyễn Văn Tài (1898-1974), còn có tên Sáng, bút hiệu Xích Liên, sinh ở làng Long Hựu tỉnh Gò Công (nay thuộc huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang) ; thuở nhỏ học cả Hán học và Tây học ; 8 tuổi xuất gia theo học Phật ở chùa Linh Tuyền. 1926 lên Sài Gòn học, trụ trì ở chùa Linh Sơn ; 1927 được hòa thượng Khánh Hòa (người khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Nam Kỳ) cử ra Hà Nội liên lạc với chư tăng miền Bắc nhằm phối hợp hoạt động chấn hưng Phật giáo ; tại Hà Nội, Thiện Chiếu xúc tiếp với Nam Đồng thư xã, với Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài. 1942 bị bắt đày ra Côn Đảo. Tháng 8. 1945 trở về làm phó chủ tịch UBKCHC Gò Công, làm việc ở quân khu 7, 8, 9. Năm 1954 tập kết ra Bắc, làm việc ở ban nghiên cứu văn sử địa ; được cử đi Trung Quốc làm việc tại Nhà xuất bản ngoại văn Bắc Kinh. 1961 trở về Hà Nội, làm chuyên viên khoa triết thuộc UBKHXHViệt Nam. Mất 1974 tại Hà Nội. Thiện Chiếu là dịch giả một loạt sách Phật học: Phật học tổng yếu, Phật học vấn đáp, Phật hóa tân thanh niên, Tranh biện ; là dịch giả một số sách văn học Nga: Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc (của M.Sholokhov), Tiền tuyến (kịch của A.E.Korneichuk), Tính cách Nga (truyện ngắn của A.Tolstoi), Ông già (truyện của V.Grossman)... Tháng 4. 2003 tạ Hà Nội có hội thảo “Nhà sư, chiến sĩ cộng sản Thiện Chiếu” (Theo Phúc Anh: Trở về từ cõi không // Hà Nội mới, 15/5/2003).
(*) Dương Nhân Sơn (1837-1911) người Trung Quốc, cư sĩ Phật giáo, có công lớn trong việc tổ chức in khắc trùng san các bộ kinh Phật ; Khương Nam Hải tức là Khang Hữu Vi (1858-1927) quê Nam Hải, Quảng Đông nên cũng được gọi là Nam Hải tiên sinh.
(**) sử nhiên : có lẽ dựa theo thành ngữ chữ Hán “thiên lý sử nhiên”, ý nói lẽ trời xui khiến như vậy ; “hoàn cảnh xã hội sử nhiên” có lẽ ý nói hoàn cảnh xã hội gây nên như vậy.
(*) Bài của Phan Khôi đăng 4 kỳ báo. Có lẽ Thiện Chiếu viết bài phản hồi này sau khi đọc 3 kỳ đầu nên gọi là “ba bài”.
(**) nê cố : tương tự “câu nệ”, “chấp nê”.
© Copyright Lại Nguyên Ân 2006
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét