24/11/08

Trịnh Công Sơn - Những Định Mệnh Kỳ Lạ

Những Định Mệnh Kỳ Lạ
Lên đường, đối với chúng tôi là một tiếng nói định mệnh.

Hầu như chưa có một dân tộc nào mà lịch sử được chứng nghiệm một hành trình dài lâu đến thế. Dài lâu trong đêm tối máu xương.

Không phải chỉ cần một đôi chân rắn chắc, bền bỉ và một ý chí không hề mỏi mệt, mòn lụt mà một cái gì khác hơn, trên tất cả những thứ đó: Định mệnh.

Không phải từ những ngàn năm trước, mỗi một người dân nơi đây đã nhận lãnh “định mệnh đi lên” từ một bàn tay quyền uy nào đó như bây giờ những người lính trẻ nhận tấm thẻ bài và vũ khí để ra chiến trận. Định mệnh đó không biết từ một phép mầu quỷ quái và hiểm độc nào, đã hòa tan trong dòng sữa của những bà mẹ đầu tiên. Đã làm nên máu huyết và mỗi dòng máu chảy ngược về tim là từng nhát búa đánh mạnh vào chiếc cồng làm vang lên những bình minh rực rỡ.

Và như thế họ đã ra đi cùng với giấc mơ.

Bàn chân cha mẹ làm thành bàn chân con cháu. Núi cao thành đồng bằng. Đồng bằng thành nhà cửa, ruộng nương phố xá. Đất của mãnh thú thu gọn lại trong những biên giới khiêm nhường hơn. Những giống chân yếu đuối biến mất.

Hành trình đã được làm bằng máu xương và nước mắt. Bằng vinh quang và tuyệt vọng. Bằng hăm hở và hối hận. Tất cả những kinh nghiệm đã vót nhọn những cơ năng của con người. Và trong mớ tên sắc bén đó, mũi tên quí giá nhất: ý thức đi lên.

Đi lên! Không còn là một lời kêu gọi nữa mà chính mỗi chúng tôi là sự đi lên đó.

Cả một dân tộc lên đường rất hồn nhiên. Như những đứa con của sứ mệnh gian truân và cao cả.

Tôi đã từng qua nhiều nơi trên quê hương sau những trận đánh lớn. Không thể kể hết những tang thương của từng thành phố, từng quận lỵ, từng xóm làng, thôn ấp. Những gì là hình ảnh của đời sống đều biến dạng, rũ tan. Thoạt nhìn, không ai tin nổi về quá khứ của một nơi định cư phồn thịnh, huyên náo. Tất cả đã trở thành sa mạc gạch hồng cao nguyên tro than. Vốn liếng của một đời người tan ra thành tiếng khóc vắng lặng. Một vài nơi gần như không còn một cái gì được tha thức dưới sự tàn bạo khắc nghiệt của chiến tranh. Con người chỉ là trò chơi của một định mệnh rẻ rúng. Chỉ là những mẩu tàn của một người hút thuốc cuồng nhiệt, được vứt bỏ nhẹ nhàng, nhanh chóng.

Cái chết tự nó dĩ nhiên không biết thở than. Nhưng mọi sự rồi cũng qua đi rất nhanh. Một thời gian ngắn, trên những đổ nát kia đã mọc lên nhà cửa, trường học, bệnh viện. Trên đường đã khua vang những bước chân họp chợ. Tiếng cười nói tung vào đời sống như những thách thức không ngừng với định mệnh. Hồi sinh nhanh chóng. Những con người nhỏ bé, nghèo nàn kia đã thức dậy rất sớm từ cơn đau. Họ không tàn trữ lời thở than. Không cất giữ những xót xa. Họ là những nhà ảo thuật tài tử và tài tình. Họ đã biến những vết tích chiến tranh thành những phần hữu dụng của đời sống. Những hố bom sau cơn mưa là hồ nuôi vịt, cá. Những hố lớn hơn làm hồ tắm cho trẻ con. Những vỏ đạn làm đèn, thành lò bếp. Cuộc sống cứ như thế mà tiếp tục.

Dường như chúng tôi thoáng biết rằng còn có một cõi hạnh phúc ngoài những bất hạnh mỗi ngày phải biết sống cùng. Phải đi tới mãi và chờ đợi. Nhẫn nại và tiến lên không ngừng. Hai mươi ba năm. Ba mươi năm. Hơn thế nữa và hơn mãi thế nữa. Cho mỗi thế hệ. Đi, đi, đi. Trên mọi ngõ ngách, trên mọi làng mạc, đô thị, người dân chúng tôi, mỗi giờ phút, mang định mệnh trên vai và bước tới. Không quay nhìn lại bao giờ nữa. Đã từ lâu không muốn nhớ những bước chân đã bỏ lại. Phải đi lên. Nhìn về phía trước. Mỗi ngày đã ra đi. Ra đi và nuôi dưỡng hy vọng. Chúng tôi đã đi mấy ngàn năm. Và chưa biết sẽ còn đi đến bao giờ. Chúng tôi không là người thất vọng. Dù mỗi phút trong đời người là những con số mang tên thất vọng nhảy đều trên một chiếc máy. Chiếc máy thảm khốc của thời gian. Nó không ngừng làm chúng tôi hoảng hốt. Mỗi ngày trôi qua là một lời thúc giục. Những bình minh những hoàng hôn chớp nhanh như ảo ảnh bên cạnh những đổ nát và thây người càng ngày càng gia tăng. Mức độ hủy diệt to lớn quá đã gây nên khủng hoảng trầm trọng trên lương tâm chúng tôi. Dù ý lực được phân bón và chăm sóc từng giây, chúng tôi cũng không che giấu nổi sự phiền não hiện ra trong đôi mắt. Những đứa bé đã già đi quá sớm. Những nụ cười chúng tôi kém tươi.

Sau mỗi giai đoạn nguy nan và chết chóc, mỗi đứa bé là một kinh nghiệm đau thương. Chúng nó biết về địa ngục và vực thẳm như những đứa trẻ Tây phương biết về hạnh phúc. Sự khôn ngoan của chúng đôi khi làm xót xa những nhà hiền triết. Chúng đã sống tận cùng sự sợ hãi. Và cũng đã sống tận cùng cái chết của những người thân. Từ đó chúng tôi biết rằng chúng tôi sinh ra từ vựng thẳm. Và nếu không muốn bị hủy diệt, chỉ có con đường duy nhất là: Đi lên!

Hy vọng của chúng tôi thường nẩy mần sau mỗi cuộc tang thương. Chúng tôi chỉ có hai mùa để sống. Màu bão tố phải chống đỡ, vượt qua. Và mùa xuân, chúng tôi thổi lửa vào những gốc cây ẩm ướt để làm hồi sinh từng thớ gỗ. Bắt cây phải đâm chồi. Đó là mùa phục sinh của bao nhiêu tâm hồn tan nát. Chúng tôi không ngừng vá lại những rách nát, khâu lại từng vết thương. Và nhờ ơn trời, tất cả đều lành lặn và được bồi dưỡng kịp thời.

Sau mỗi giai đoạn bình phục chúng tôi lại lên đường. Tuy nhiên, mỗi khởi hành mới lại bớt đi một chút hăm hở. Chúng tôi ít nói về hạnh phúc trong những câu chuyện. Chân những đứa bé đã biết dè dặt hơn trên cách đồng chè, trên những ruộng mía. Những con trâu trên đồng lúa cũng được lèo lái thận trọng trên những vùng đất không đủ an toàn. Thận trọng cũng là một danh từ học được trong hành trình đi lên.

Có bao nhiêu lục địa trên trái đất này, con người thế giới không đi tới trong thể điệu của chúng tôi. Trên con đường đi tới tiến bộ, họ được chuyên chở trên những chuyến tàu êm ái, không nhọc mệt. Định mệnh họ là “hãy ngồi xuống thật thoải mái” và mệnh lệnh đi tới được chuyển qua đầu máy và động cơ của con tàu. Trong chuyến tàu mọi thứ đều được chuyên chở cùng một lúc. Người, thú vật, và thiên nhiên. Dĩ nhiên tôn giáo hay một cái gì tương tự như lòng sùng bái, đạo lý cũng được mang theo cùng với hành trang của họ. Mọi thứ đó đều có một bộ mặt sáng sủa và mới mẻ như nhau. Mỗi thứ đều được bảo vệ bởi một loại luật pháp riêng tư. Có cả sự bình đẳng và danh dự cho từng loại súc vật. Người ta cũng không quên sáng tạo ra cách cư xử tế nhị đối với chúng.

Ở đây, trên mặt đất khô héo này, chúng tôi tự chuyên chở đi tới bằng hai chân và bằng ý chí của chính mình. Đó là sự đi lên đầy khổ nhọc, cam go. Sự đi lên ngược chiều với dòng hủy diệt. Dòng hủy diệt chảy xiết như từ một bờ đê vỡ. Tàn phá, đánh chìm. Định mệnh của những con người nhỏ bé nơi đây là đi thẳng vào dòng hủy diệt để vượt qua bên kia đêm tối. “Phải sống còn” là mệnh lệnh tối yếu.

Có những kẻ may mắn sống còn để tiếp tục hành trình, có những kẻ bất hạnh đã bị cuốn đi. Nhưng tựu trung tất cả đã tranh đấu bằng ý chí siêu nhân. Và sự sống còn không phải là niềm kiêu hãnh mà là bổn phận phải hoàn thành một con đường đến nơi đến chốn do những kẻ chết tiếp sức qua kỷ niệm.

Đôi khi, bên những thảm cảnh xảy ra hàng ngày, chúng tôi có những phút giây đắm mình trong tuyệt vọng. Chúng tôi tự hỏi về nơi chốn cuối cùng của hành trình. Có thật một biên giới để dừng chân hay không?

Chúng tôi không còn thì giờ để mơ ước thiên đường hay niết bàn nữa. Đối với tôi đó là sự xa xỉ của những kẻ nhàn hạ vô tư. Mỗi giờ phút là một cuộc chạy đua cam go giành lấy sự sống. Cái chết nơi đây không có hạn kỳ. Tử thần không mang lưỡi hái tao nhã. Nó vồ chụp chúng tôi từ mọi phía, mọi giờ giấc, không bao giờ nương tay. Đó là một cuộc chiến đấu gian nan mà chúng tôi phải tìm đủ mọi cách để tự vệ.

Chúng tôi phải luôn luôn thay đổi những khuôn mặt. Sáng chế những nơi trú ẩn an toàn. Ngay cả trong giấc ngủ chúng tôi cũng không được nghỉ ngơi. Bóng dáng ác thú vồ chụp tâm não mỗi đêm. Và cuộc chiếc đấu bên trong này thường làm chúng tôi ngã bệnh một thời gian. Những sợi thần kinh dãn ra tệ hại như những sợi thừng tuyệt vọng. Với những lần có tình trạng khốn đốn đó, chúng tôi tự chế ngự và chữa lành bằng rượu. Rượu chính là một kinh nghiệm rất tốt để làm kích thích lại những giác quan tê liệt và cho giấc ngủ. Đó cũng là cơ hội để bằng hữu quay quần với nhau. Bên một dòng sông hay trong những quán vắng. Với rượu, chúng tôi được khôi phục dễ dàng trong chốc lát. Và trong ánh mắt đỏ rực buổi chiều, tiếng nước đá chạm vào ly thủy tinh luôn luôn tạo nên những âm thanh nhã nhặn.

Cũng không nên bỏ qua những ngày có thời tiết đẹp đẽ. Chúng tôi lợi dụng thiên nhiên tốt lành để làm những cuộc du ngoạn ngắn. Bên cạnh thực tế phũ phàng chúng tôi cần đôi phút thơ mộng. Tạo một chút ảo tưởng bình an và cứ cho là cuộc đời chưa đến nỗi nào. Hẳn nhiên đó không phải là một cuộc chiến chạy trốn thực tại. Chỉ là cách thế để làm trẻ lại tinh thần đấu tranh và để cho sự chịu đựng đừng bị mài nhẵn quá.

Có những giây phút, hốt nhiên thoái ra ngoài cảnh tượng đời sống chung, chúng tôi không khỏi bàng hoàng và kinh ngạc về chính mình và về những kẻ chung quanh. Phép mầu nào đã cho chúng tôi sự chịu đựng bền bỉ thế?

Chưa bao giờ chúng tôi từ khước sự hủy hoại. Không hề lẩn tránh. Lầm lì nhận chịu và nuốt cạn đắng cay, tủi nhục vào bên trong. Sự tàn phá của chiến tranh và của thiên nhiên chỉ đủ tạo nên một số ít người mất trí. Họ là những kẻ duy nhất đứng lại giữa hành trình. Hình ảnh họ thỉnh thoảng gợi lại trong chúng tôi về một giống nòi gian khổ. Họ là tiếng khóc của ngày đã qua. Cũng là lời than thở của những giọt máu để rơi lại sau những chuyến lên đường. Không đủ làm nhụt chí nhưng cũng là những vết buồn trên trang sử. Những ngày mùa đông rét mướt họ thường biến mất. Đến những mùa ấm áp hơn lại hiện ra với một khuôn mặt hoàn toàn biến đổi. Có kẻ đã móc mất đôi mắt của mình. Có kẻ vì sự hãi và thiếu ăn, đã mang hẳn khuôn mặt thú. Ở nơi khác, người điên có thể làm trò cười giải khuây thiên hạ. Nơi đây, thấy họ, không ai giấu nổi lòng ái ngại.

Chúng tôi đã học được những bài học lớn lao về trò dâu bể. Bao nhiêu triều đại đã qua đi. Bao nhiêu đền đài đã sụp đổ. Bao nhiêu mùa màng đã tan nát. Có lẻ nhờ thế dân tộc chúng tôi có những binh đoàn quá đông đảo về thi sĩ. Họ là những binh sĩ của một anh hùng ca dài bất tận. Có cả những thi sĩ trữ tình. Bởi lẽ bên những mộ phần thường có những bông hoa. Học đường chẳng dạy dỗ chúng tôi được bao nhiêu. Chỉ có cuộc đời đã giáo huấn chúng tôi về tất cả. Chúng tôi không tìm hiểu sự phi lý trong những cuốn sách. Chúng tôi sống chính sự phi lý đó. Không hiểu có cần phải bày tỏ sự khôn ngoan của chúng tôi hay không. Tuy nhiên khi đã thấm nhuần được cuộc biển dâu của đời người, chúng tôi đã vượt qua bên kia mọi triết lý.

Trên con đường đi tới, hành trang của chúng tôi đã nhẹ nhàng hơn thêm mỗi ngày. Không phải vì sự khôn ngoan của một chiến sĩ ở trên sa mạc mà vì sự khôn ngoan của định mệnh đã tước đoạt mất của chúng tôi. Tuổi thanh xuân của chúng tôi bị tát cạn. Ước mơ của chúng tôi bị cắt lìa. Chúng tôi phải đi lên bằng sự già dặn của những kẻ leo núi cao. Vào mùa xuân khi những tàng lá đã đổi màu, chúng tôi có cảm thấy hân hoan đôi chút nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy sự liên quan mật thiết nào giữa tuổi thơ và màu xanh non của lá. Vẻ đẹp của thiên nhiên một phần nào đã được cất ra khỏi chúng tôi những so sách đồng hóa với vẻ già cỗi của tâm hồn chúng tôi. Chúng cũng gian truân không kém. Tôi muốn nói về những cánh rừng tật nguyền, lở loét. Những đồng ruộng tràn đầy cỏ dại và sắt vụn. Mầu mỡ phì nhiêu của đất đai, nhiều nơi hỡi ơi chỉ để nuôi lớn hoang tàn. Điều này cũng xảy ra trên đời sống tinh thần chúng tôi. Những người dân quê dũng cảm hơn họ trung thành sắt son với chính họ. Không có gì lay chuyển nổi. Họ giữ được lòng trung tín với cuộc lên đường như một lời thề nguyền khắc ghi bằng máu. Riêng đám thị dân yếu đuối và hèn nhát hơn. Họ buông mình theo những chọn lựa dễ dàng mới để thủ lợi. Vì thế chúng tôi bắt đầu sợ hãi chọn lựa. Bởi vì mỗi chọn lựa mới thường là một cái bẫy đáng ngại đánh bật chúng ta ra khỏi con đường. Trong hành trình những ai ra khỏi con đường đương nhiên bị loại. Chúng tôi không coi họ là kẻ phản bội mà chỉ dành cho họ lòng thương xót.

Đã có nhiều biến đổi trong hành trình. Những bước chân của chúng tôi dần dà đã không còn thuộc về con đường nữa. Mỗi chúng tôi chính là con đường. Con đường cưu mang ý hướng đi lên. Trong mỗi người dù ý thức hay vô thức, đang thành tựu một con dốc cheo leo và hiểm nghèo. Con dốc nối liền vực thẳm và côi cao. Có thể đó là quê hương. Nơi chúng tôi phải trở về. Mọi người chúng tôi đang cần ngơi nghỉ.

Có lẽ chúng tôi sẽ không tìm thấy được gì ngoài chính mình. Nơi một quê hương sẽ có tên gọi. Cái tên đích thực của một giống dân đã soi tỏ được nguồn cội và đã hoàn thành sứ mệnh về nguồn.

Riêng tôi có lẽ sẽ không đến được. Sẽ không bao giờ giáp mặt được quê hương. Nơi đỉnh cao chờ mong kia, đứa con gian truân không trở về. Bởi một điều quá giản dị: tôi không còn thì giờ nữa.

Xin chúc phúc cho những kẻ còn đi.
Vendredi 13.1973
Trịnh Công Sơn
(Trích: Bửu Ý - Trịnh Công Sơn Một Nhạc Sĩ Thiên Tài - 2003)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét