Đêm trên cát của nhà thơ Thanh Thảo
post by vanchuong @ 05 October, 2008
Đêm trên cát của nhà thơ Thanh Thảo
"Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán", đã hơn 150 năm từ ngày ông hy sinh, (Cao Bá Quát mất năm 1855) thơ ông vẫn tiếp tục "đánh đu" trên cả dao động và yên tĩnh. Ngưỡng mộ Cao Chu Thần, viết được một trường ca 600 câu về một đêm trong cuộc đời ngắn ngủi của ông, là một trong những điều mà nhà thơ Thanh Thảo cho rằng "bằng lòng hơn cả" trong cuộc đời mình...
TTO xin giới thiệu với bạn đọc bản trường ca "Đêm trên cát" của nhà thơ Thanh Thảo, nhân dịp những người yêu sử Việt đang chuẩn bị kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, để một lần nữa ngưỡng vọng về khí phách của một nhà thơ anh hùng.
Tôi viết trường ca "Đêm trên cát"
Có những tác phẩm được viết ra ngỡ như hết sức tình cờ. Trước cái đêm tôi được hầu rượu nhà thơ Tế Hanh ở nhà anh Nguyễn Trung Hiếu thị xã Quảng Ngãi hình như vào năm 1981, tôi chưa hề nghĩ mình sẽ viết một bài thơ - chứ chưa nói một trường ca - về Cao Bá Quát, dù tôi là người ngưỡng mộ nồng nhiệt Cao Chu Thần.
Cuộc rượi tối hôm ấy, chúng tôi nhắc tới bài thơ "Trà giang thu nguyệt ca" của Cao Bá Quát. Tế Hanh đang hào hứng ca ngợi bài thơ này hết lời, thì bất chợt tôi chen ngang: " Em sẽ viết một trường ca về Cao Bá Quát, chỉ dồn nén trong một đêm của nhà thơ. Sau một đêm thức trắng, mái tóc bạc của Cao Chu Thần bỗng...xanh lại".
Thực lòng, tôi không thể hiểu vì sao lúc đó mình nói như thế, cứ như cái trường ca ấy đã nằm trong đầu mình lâu lắm rồi. Và cả mái tóc bạc chuyển thành...xanh của Cao Chu Thần chỉ sau một đêm suy nghĩ, cứ như tôi đã nghiền ngẫm hình ảnh ấy từ lâu lắm. Thực ra, đó chỉ là câu nói buột thốt, nhưng hình như nhà thơ Tế Hanh - một người rất nhạy cảm - hiểu câu nói ấy như một lời hứa. Ông động viên tôi: " Em phải viết đi. Cái tứ ấy hay lắm!".
Sau lần đi Quảng Ngãi đó, về Qui Nhơn tôi đã lao vào tìm đọc tất cả những gì có được lúc ấy liên quan tới Cao Bá Quát, nhất thơ chữ Hán. Tôi đọc không biết bao nhiêu lần. Đọc cho ngấm, cho ngấu, cho đau, cho uất. Trong thơ Cao Bá Quát có đủ cả hỉ nộ ái ố ai lạc, nhưng vượt lên trên tất cả, là vẻ cương nghị thầm lặng, là cái tình sâu đậm, sự sẻ chia trong hoạn nạn, trong khốn khó của nhà thơ với nhân dân mình, với một người dân, một con người cụ thể, và với quê hương, với cái làng Phú Thị nhỏ bé có cây gạo đầu làng mà người lưu lạc mỗi khi trở lại quê nhà đều nhìn thấy từ rất xa. Đó là thơ của một nội tâm dữ dội, của sự dồn nén ghê gớm, và của sự bùng nổ giữa các dòng chữ.
Hình như, tôi bắt đầu bắt sóng được với khối thơ - thuốc nổ ấy. Dù không thể hình dung mình sẽ viết cái trường ca ấy như thế nào, nhưng tựa đề "Đêm trên cát" với lời đề từ "một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát" thì tôi đã nghĩ ra từ trước khi viết dòng thơ đầu tiên. Nó như một tiêu điểm mà bài thơ mình hướng tới. Ngay cả cấu trúc bên trong của bài thơ, tôi cũng mong muốn nó sẽ mang hình thức cấu trúc của một sonata với sự chặt chẽ, đối chọi, dồn nén cao độ và những cao trào bùng nổ. Tôi không học nhạc lý nhưng rất mê nhạc cổ điển, và hồi đó dẫu vất vả nhưng tôi vẫn tìm được cách để thường xuyên nghe nhạc cổ điển.
Sau mấy tháng "tích điện Cao Bá Quát", tôi đã viết được những dòng thơ đầu tiên. Chưa có trường ca nào tôi lại viết được liền mạch như thế, những câu thơ nặng nề, uất ức cứ tuôn ra một cách như dễ dàng, như nhẹ nhàng. Tôi viết từng đoạn trong một cuốn sổ tay, rồi viết lại trong máy chữ.
Có những đêm ngồi ở nhà thầy má tôi tại quê, nhà không có điện, tôi thắp ngọn đèn dầu hiu hắt và... viết. Những lúc ấy, giữa bóng đêm và bóng đèn nhập nhoạng, cứ như Cao Chu Thần hiện về trước trang giấy, lặng lẽ chuyện trò cùng tôi. Đó là những phút giây thật sự hạnh phúc.
Linh hồn Cao Chu Thần đã phù hộ tôi, dắt dẫn tôi trong từng đoạn thơ, hay chính tôi trong trạng thái bất thường như thế đã "bắt sóng" được với thơ Cao Chu Thần - nghĩa là đã bắt sóng được với phần tâm huyết, sâu kín của nhà thơ. Nếu đọc kỹ thơ Cao Bá Quát, ta sẽ không ngạc nhiên về bước đường tư tưởng và hành động của ông, kể cả quyết định dấn thân cuối cùng là trở thành lãnh tụ khởi nghĩa nông dân. Tôi muốn cô đặc cả hành trình dài đầy phức tạp ấy của Cao Bá Quát vào một đêm thức trắng của ông. Một đêm cho cả một đời.
Ở "Đêm trên cát" thì khi viết đoạn kết trường ca, hình ảnh "mái tóc bạc của Cao Bá Quát bỗng xanh cả lại" đã không xuất hiện như hình ảnh chợt đến với tôi ban đầu. Thay vào đó, là hình ảnh một quả cây: " khi quả cây chín được trên cành/ nó không lo bao giờ rụng xuống" - một quyết định nhận đường bình thản. Sự thay đổi đã lặn vào bên trong, không hiện rõ như hình ảnh "tóc bạc-tóc xanh", nhưng cách khẳng quyết về một khả năng sống lại thì đã rõ.
Thanh Thảo
Trường ca "Đêm trên cát"
Một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát
những con cá vàng ngủ mê trong điện Thái Hòa
cặp mắt giấu sau bóng tối
tiếng thở dài
bàn tay nơi không thấy bàn tay
phút chốc đốm lửa lóe sáng
người lính canh bên con nghê
bao giờ
ta không định ra đi hay ở lại
hoa gạo trong sương sớm
nung nấu lòng kẻ xa
ta đứng phía mặt trời lên chậm
nửa đường đời cơn gió thoảng qua
đừng nói đừng nhắc
ta thèm nghe tiếng giã gạo
vợ hiền tấm mẳn làm thuê
và dòng sông chảy ta nghe
mùa đông bãi quạnh lạnh tê gió lùa
ta như thể cành bàng khô
cắn răng chịu rét mà chờ lộc non
bao giờ
câu hát thời bé dại
"ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng"...
sẽ tới lúc chăng
con nghê đá người lính canh hóa đá
đêm cứng khô như một bức tường
ai thả rơi từng bước chân
hoang vắng...
áo phong trần tả tơi
ta đã giải trọn kiếp người
với dòng sông dựng ngang trời thanh gươm
với bài ca thuở khốn cùng
hát bên người đói ngập ngừng xin cơm
với tàn nhẫn lời roi song
cháy trên da thịt hãy còn biết đau
đừng nói đừng nhắc
ta đã gượng dậy thế nào
để ném những câu thơ
như khạc từng búng máu
có lúc vào canh ba sợi dây đêm chùng lại
ta lấy chiếu đắp thêm cho chú nhỏ
khêu bấc đèn ngóng đợi
ngỡ vừa nghe tiếng kẹt cửa của hư vô
giận mình chưa học được phép ngủ
mắt trừng trừng mở trước vực sâu
những con chuột nhắt
gặm nhấm tấm vải hy vọng
mà ta canh cửi suốt đời
những con chuột nhắt
bò qua khoảng không chóng mặt
lên tận chín tầng trời
khoảnh khắc ta hụt hẫng
mây dưới chân tan loãng rã rời
hố thẳm
bao năm ròng chới với
lòng mê man vin một chút danh hờ
trên đất nước trận bão đen tàn hại
bầy châu chấu từ đâu về che kín mặt trời
lúa te tướp mặt người xanh xám
dài làm sao những buổi chiều trống rỗng
bụng quắt queo kiến bò
cái đói thật tình xuống hai hàng nước mắt
nào phải chuyện văn thơ
nào phải lối đãi bôi thù tạc
trăng trong chén anh
là giọt rượu cặn cuối cùng
của sông Trà một đêm khói sóng
nhìn mắt bạn thấy bóng mình lẳng lặng
mối hận bỗng trào lên cuộn xoáy con thuyền
dù đi hay ở
chẳng bao giờ ta quên
bàn tay bạn giơ ngang như níu kéo
như buông bắt cái gì tận xa vời
ta chỉ là gã nhà thơ cùng đường quay trở lại
lòng ước ao thoáng hạnh phúc mơ hồ
tóc xõa đầu ngọn gió
rối bời bao tâm sự
ta già rồi chăng
trước mặt bức tường cao thêm mãi
gánh nặng lưng còng trèo non lội suối
xòe bàn tay còn lại đất bùn
mong tài năng nở rộ dưới vầng dương
buồn cười thay
nghe trong miệng vị sương mù nhạt thếch
con chim quyên lỡ vận
lang thang trên mặt đất
tiếng kêu sao nghẹn ngào
ta đã phí hoài quá nhiều sức lực
gót chân mòn những bước không đâu
ở nơi đó dường như tình yêu
lần thứ nhất hoa xoan rơi lấm tấm
mưa giêng hai thấm áo người ơi
ở nơi đó ta nhỡ một nụ cười
ba mươi năm sau nhớ lại còn muốn khóc
nỗi nhớ của người đi trên cát
mỗi bước mỗi lùi về tuổi thơ
những khao khát bỗng thành chõ vỡ
mắt đăm đăm cát trải mịt mờ
thì cứ đi cứ đi và đi mãi
như nước kia chảy không bến không bờ
ta đã ném thơ mình vào thác xiết
một sợi chỉ mành mỏng mảnh treo chuông
một tiếng thét khi đầm lầy dâng ngập cổ
trước mõm chó trước vó ngựa
lần đầu thơ biết đến hiểm nguy
hãy đứng lên ngọn lửa
giữa màn đêm kinh sợ
hãy thắp sáng lời nguyền rủa
trước Ngọ Môn
hãy uống cạn con đường
đầy chông gai cạm bẫy
hãy xuyên thủng bức tường
bằng ngôn ngữ
hãy chế ngự thời gian
bằng lặng lẽ
ta đã vãi tung những hạt giống của mình
vào đất đai tăm tối
bao giờ cho đến tháng ba
trẻ gọi trâu lanh lảnh ngoài đồng lúa đang thì con gái
lũy tre ngà lơ mơ
cái áo khoác thanh bình
tiếng tu hú trôi trong màu đỏ
tháng năm về thức tỉnh những mầm sen
có gì khiến ta bứt rứt
có gì không thực
qua vẻ hiền lành khép nép kia
ta thích hoa phượng
cháy tận cùng ngọn lửa
dù phải thiêu đốt cả mùa hạ
ai thảnh thơi ăn măng trúc mùa thu
gió heo may ta cúi đầu từ biệt
dăm bảy học trò mang rượu tiễn đưa
các con đừng khóc
ta đi đâu
lênh đênh theo đàn chim di trú
ai cắn răng qua cầu mùa đông
cầm cố áo bông đổi vài đấu cám
chợt ấm lòng nghĩ tới người thân
nếu chỉ sống cho riêng mình
cảm sao nổi phút tấm lòng kỳ lạ ấy
đã trộn trong ta hàng ngàn số phận
như bột nhào như vôi vữa
mong một ngày hiện rõ
chất thật mỗi con người
lặng yên trên bề mặt
gào thét dưới chiều sâu
hiểu những giới hạn
và khoảnh khắc
một thành hai thành ba thành vô số
mãi mãi dò tìm
mãi mãi không thể nào chạm đáy
những quả táo non chua chát
ngọt ngay dưới mắt trẻ thơ
cha lẩn thẩn đi học nghề mổ rồng
đâu ngờ các con đói gầy đến thế
như Thiếu Lăng thuở xưa về nhà
ôm mặt khóc đất trời sầm tối
những giọt nước mắt
tắt nhanh trên cát
những giọt nước mắt
chẳng cần hóa ngọc
ném gông dài làm chiếc thang mây
cười dội tới những tầng cao chất ngất
ta sống lại nhờ tiếng cười
lần thứ hai chào đời từ ngục thất
xin bạn đừng kinh ngạc
vì sao chiếc mầm cây nhỏ nhất
bị cả mùa đông nhào vô trấn lột
bị bóng đêm lường gạt
vẫn trần trụi lớn lên
trên cánh đồng ngập ngụa
trên màu lam lũ những ao bèo
ta biết mình sẽ trở lại
với bạn nghèo ăn bữa cơm rau dưa
uống chén rượu thơm nồng không pha phách
cất bằng thứ men truyền giữ đã bao đời
ta sẽ trở lại
dù phải húc đầu vào đá
để mở cửa
sau mùa đông là mùa xuân
sau cái chết một bắt đầu khác nữa
rêu nhuộm thời gian quanh gốc gạo
đàn quạ kêu trên đỉnh tháng tư
chuông chiều buông dòng sông chảy chậm
sao vụt xanh dải ráng chưa mờ
có tiếng gì chừng quen thuộc
đến từ sắc trời phút giây thay đổi
chừng gọi ta từ yên tĩnh không cùng
hỡi người bạn đường mệt mỏi
đâu là nơi dừng tạm bàn chân
đâu con sóng dịu dàng
đưa đẩy vành trăng
đâu lời ru lúc quên lúc nhớ
như mây mù mây tan
gió
cát
quay cuồng
chiếc lá
xốc áo đứng lên
lưu đày
bầy cá nược đua theo thuyền
trăng bầm đỏ
mặt biển bùng cơn ác mộng
con quái vật lừ lừ phun khói
đang bò về phương Đông
ta thét gọi
chỉ mình ta tỉnh thức
tiếng ta chìm như hòn sỏi giữa mênh mông
lặng ngồi cho cạn đêm sương
nâng chén rượu với hư không chuyện trò
một đời trải bấy âu lo
cái vui thiên hạ bao giờ vui chung
bình sinh khoác mảnh chăn đơn
đói no ấm lạnh thói thường khác nhau
nỗi niềm lo trước vui sau
hai con mắt mở chiêm bao mấy lần
bước đi bước ở tần ngần
trống hoang quán trọ trần gian gió lùa
ta sẽ trở lại
con người
dài hơn mọi con đường
giữa hai hàm răng là bóng tối
những người trốn thuế trốn sưu
bóng tối trùm lên cái nhìn hốt hoảng
những người không muốn chết trước lăng vua
như sỏi đá
những người vốn rụt rè ai gọi cũng dạ
suốt đời quẩn quanh chật chội lũy tre làng
vì lẽ chi
họ bỗng đặt vào ta bàn tay lửa
ta có thể đưa tặng họ món ăn gì
ngoài hy vọng?
ta có thể trao cho họ của cải gì
ngoài gánh nặng?
khi ta giương ngọn cờ cay đắng
vì lẽ chi họ hăm hở tụ về?
không ban phát những lời hứa hẹn
ta chỉ vung sự thật như cái vồ bằng đá
giáng xuống những cơn mê
hãy tỉnh dậy
từ giấc ngủ
nhằm đánh lừa
cái bụng đói
nhằm an ủi
vết thương sâu
hãy tỉnh dậy
bóc lá cao
l ời đường mật
vứt toa thuốc
bọn lang băm
chuyện mánh mung
trò bố láo
hãy tỉnh dậy
chớ mộng du
đừng khiếp sợ
sống trên đời
sông có khúc
người có thời
hết buồn khổ
tới mừng vui
hãy tỉnh dậy
nào bạn ơi!
ánh sáng của cây xanh
bóng mát của đất lành
ta nhận ra ngọn suối nơi dòng sông mình ngụp lội
mà tiếng nói
đột nhiên, lấp lánh
ta nghe những cánh rừng quẫy mạnh
trong hoang vu
cây vươn vai ầm ào như bão
có nhẽ ta chưa từng đến đó
chưa dò xuống những bậc thang kỳ lạ
để thám hiểm chính mình
để vớt lên
những cánh hoa cho mùa xuân khác
gương mặt nào quá ư thân thiết
và niềm vui hiếm hoi
như rượu qúi nhiều năm chôn dưới đất
giọng hát sau đền đài đổ nát
cứ lay giật hoài cánh cửa riêng ta
không phải bàn tay cẩm thạch
chuyển đến cái vuốt ve bằng đá
những rú gào xé rách màng tai
khô khốc
một tiếng kêu ngắn
khô khốc
khoảng lặng im đầy âm nhạc
chờ đợi những bước chân
của màu nâu trầm ấm
gió như điên qua mái nhà cũ nát
ta cứ ngồi và trôi trong đêm lễnh loãng
này, bác gió
sao không tung hê bọn ăn trên ngồi trốc
lại đi giật tấm tranh anh em nghèo
này, bác gió
hãy thổi xuyên thân hình ta như ống sáo
khúc nhạc dành cho những chồi non
tính ta ưa chọc cười
với bạn bè hay vui chén rượu
những giấc mơ nào xa lắc
thỉnh thoảng cập về bến cũ ghé thăm
ánh sáng với mù sương
ùa vào cùng một lúc
con đường lầm lội
gió hong khô lớp bùn váng bên ngoài
lẽ "hành tàng" nhiều khi nói mãi
sợ con chào mào trên cây khế rình nghe
ta đứng đây
nương tựa vào chính mình vào mặt đất
nơi đặt bàn chân
những chiếc lá run run bỗng xích lại gần
với cái nhìn dịu dàng
ta sẽ thở
bằng lồng ngực chật căng sau manh áo vá
tiếng nói âm u từ vô vàn mạch máu
chảy nóng rực bầu trời
ta sẽ đẩy tiếp sá cày
trên khoảng đời còn hoang hóa
nếu con người không biết đau khổ
nếu con người đánh đổi
cả cuộc sống cho sự bình yên giả tạo
nếu con người tránh né
những câu hỏi của riêng mình
ra sẽ rung lên hồi chuông
từng tiếng chuông sẽ vỗ vào vai họ
như bàn tay một người bạn chân tình
qua thời gian sấp ngửa
rắn lại, óng ánh
như hổ phách ngân nga trong thầm lặng
những vòm cửa hình cánh cung
đứng sững
những hạt bụi đã bao lần quay đảo
hoa cúc vàng lên ngôi
những mái nhà xám hơn mây xám
trôi chầm chậm qua sông
những cây bàng chợt rùng mình cảm thấy
một khung trời gãy gập của mùa đông
như người thức giấc sau mộng mị
mùa xuân dụi mắt cười ngơ ngác
dòng sông mở mát xanh mời mọc
vươn khỏi cô đơn
hoa bừng tỉnh đón niềm vui ngây ngất
hoa thanh thản chết đi từng khoảnh khắc
hoa nhẹ nhàng báo trước những lo âu
họ dẫn ta về đâu
bị trói chặt giữa vòng dây và bóng tối
giữa thói quen hàng ngày và nỗi sợ
những chữ lạ viết mãi vào không khí
thẩm vấn tra tấn ngục tù
không duyên cớ không tuyên án
tóc bạc trắng chờ lưỡi-dao-chưa-biết-bao-giờ-đến
tại ta không muốn bỏ rơi những gì tốt đẹp
ta mỏng manh như một con người
với tình thương
lấy lưng mình che đỡ những câu thơ non nớt
lấy những câu thơ làm tấm áo che người đang rét
trước ngọn roi gió bấc phũ phàng
dù tất cả sẽ trôi qua
nắm chặt bàn tay
những ngôi sao mọc giữa bùn lầy
sáng trong nước mắt
con đường xuyên đám mây giông bão
chiếc lá xoáy
mưa hút vào thung lũng
nghe giá lạnh tàn phá cơ thể
ta đứng bên bờ sông bông cỏ nở hoa
một giọng nói rất khẽ
những chấm xanh nhỏ nhoi này là tín hiệu của mặt đất
của mặt đất lớn lao thường xuyên bị đẫm đạp
đến với ta như dòng nước mát
như mắt con ta sau chuỗi ngày xa cách
như hàng xoan non rưng rưng tháng giêng
cỏ bồng bềnh câu thơ hoang dại
cánh đu tiên mùa xuân
ta đã bay quá lằn mức đời mình
trên cả dao động và yên tĩnh
bỗng tiếng gà như sóng
vỗ tràn qua không gian
khi người ta thức đến canh tư
con mắt nhìn bóng đêm sẽ khác
bạn ơi, vì sao quyến luyến
trăng gác non đoài trăng chẳng nỡ quay lưng
đời mấy lần gặp gỡ
muốn vươn tay kéo núi về gần
ban mai rồi sẽ tới
như dòng sông lao xuống từ trời
ta vục đầu vào khoảng xanh ngợp ấy
tóc ướt đầm ánh sáng
cơn sấm rền chớp xé tầng mây
lúa phất cờ đứng dậy
những hàng cây bùng cháy
ta chờ đợi
băng ngang trời đàn ngựa trắng
rền vang móng gõ
xanh đỏ tím vàng
lúc hiện lúc tan
tiếng trong tiếng đục
những người chân đất
những người thở dài
những người cúi mặt
chưa biết về đâu
băng ngang trời đàn ngựa trắng
ta vung thanh gươm
theo chiều lá lúa
bạn ơi đừng hỏi
những người chân đất
những người thở dài
những người cúi mặt
rằng họ là ai
băng ngang trời đàn ngựa trắng
những con cá vàng
những con nghê đá
một đốm lửa nhỏ
một giọng nói người
bàn tay bầm dập
tìm nắm bàn tay
bạn ơi đừng hỏi
rằng ta là ai
băng ngang trời đàn ngựa trắng
cấy xuống đồng sâu
đời người - dảnh mạ
phải mùa nắng nỏ
gặp bấc tháng ba
héo quắt xương da
sâu rầy phá hại
tai ương chướng họa
châu chấu tủa về
cắn phăng gié lúa
kêu trời không thấu
lũ tràn vỡ đê
nước mắt dầm dề
nhòa trong mưa xối
bạn ơi đừng hỏi
ăn mày là ai
băng ngang trời đàn ngựa trắng
ta đã thấy những con tàu đồ sộ của một thế giới khác
như hiện từ giấc mơ ma quỷ
nhưng cái gì sẽ đổi thay?
vẫn những người da đen còng lưng kéo xe cho người da trắng
trên sân khấu cuộc đời vẫn bôi mặt vẽ mày nhí nhố gươm đao
mục nát lại chồng lên mục nát
những chiếc ngai sơn son thiếp vàng những võng lọng
đình đám những tiệc tùng thừa mứa
hệt như thời Nguyễn Du đã thấy
và mặt trời cứ lẩn tránh
không rõ vì xót thương hay xấu hổ hay hèn nhát
bỏ mặc dân đen cho lũ sói diều
muốn hỏi cây gạo làng Phú Thị mà hoa đỏ bao lần
ám ảnh tuổi thơ
muốn hỏi chiếc gông dài nặng hơn cả ngàn trang sách
mùa xuân mang rượu lên núi cao
muốn hỏi Ức Trai người anh hùng muôn thuở
cái gì sẽ đổi thay?
kêu một tiếng giữa rỗng không lạnh giá
mù sương
mắt ráo khô
con đường cát lún
vài ánh lửa chập chờn
có lẽ xóm giềng đà trở dậy
thơm thơm mùi khói nùn rơm
hạt móc rơi trên tàu lá chuối
ta đi và tất cả dâng lênZ
gương mặt tiều tụy của đứa con
mái nhà cũ phên tàn dậu đổ
ta đi và tất cả dâng lên
Quê hương
nếu cần phải làm lại
nếu phải làm ngay không trễ nải
ta xin hiến nốt đời mình
chỉ để gióng lên hồi chuông
lớp người sau sẽ đến
những ngọn sóng trong đêm
khởi từ giờ tý
nơi bản lề cánh cửa mở vào ngày mới
ta xin đứng lại
chiến đấu như một người
chặn đường nỗi sợ
và chết như một người
đã vượt lên nỗi sợ
ở những ranh giới mơ hồ
đây là điều sáng rõ
phải trả giá cho mỗi phẩm chất người
dù rất nhỏ
khi quả cây chín được trên cành
nó không lo bao giờ rụng xuống
THANH THẢO
Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét