24/11/08

Lời tạm kết -Bui Trong Lieu

Lời tạm kết





Với cuốn tạp ký như cuốn sách này, và nhất là với chương 8 về vấn đề khoa học và giáo dục, tất nhiên, tôi không thể có lời kết vĩnh viễn. Chỉ có lời « tạm kết ».

Tuy định cư ở nước ngoài, đã mấy chục năm nay, tôi đã hướng về quê hương cũ và cố gắng góp phần mình với mong mỏi cho nền khoa học, giáo dục, văn hóa được phát triển nhanh chóng lành mạnh. Tôi đã đóng góp ý kiến nhiều lần, nhiều năm, lúc đầu là điều trần với nhà cầm quyền khi chưa thể phát biểu công khai, sau là điều trần với cả nước khi đã có được khả năng đăng bài trên báo hay phát biểu qua những phương tiện truyền thông khác.

Tôi muốn dãi bày chút tâm sự : « nghĩ đi », cũng đã nhiều lần do dự, vì khung cảnh :

Nghĩ đà bưng bít miệng bình,

Nào ai có khảo mà mình lại xưng ?

(Kiều : câu 1577,1578), nhưng « nghĩ lại », vì lợi ích của đất nước dân tộc, nên đành :

Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,

Lại mang những việc tày trời đến sau.

(Kiều : câu 1513,1514).

Vì thế mà tôi đã viết mấy cuốn sách và đăng những bài báo kể sau đây :



Danh sách (không đầy đủ)

1. Sự cộng tác thân ái.

Nhân Dân 24/8/1977.

2. Góp ý về việc học,

Tổ Quốc tháng 11/1987, Nhân Dân 27/12/1987, Tuổi Trẻ 29/12/1987.

3. Giới thiệu việc thành lập một đại học không của nhà nước tại Hà Nội : Trung tâm Đại học « dân lập » Thăng Long,

Đoàn Kết số 408, tháng 12/1988.

4. Vài suy nghĩ về « công học » và « tư học »,

Tuần Tin Tức 10/4/1993, Quê Hương tháng 7/1993.

5. Kiểm lại một số ý kiến góp về việc học,

Nhân Dân chủ nhật 24/10/1993, Tuổi Trẻ Chủ Nhật 11/1993 trích đăng phần IV trên 5 phần.

6. Vài ý kiến về đại học,

Quê Hương số Xuân 1994, và Kỷ yếu Hội nghị chuyên đề Giáo dục đại học VN, Xuân Giáp Tuất.

7. Về vai trò của Nhà nước trong giáo dục đại học,

Diễn Đàn số 26, tháng 1/1994, Tia Sáng 12/1998 trích đăng một đoạn.

8. Vài suy nghĩ chung quanh vấn đề « đào tạo qua nghiên cứu »,

Tia Sáng, số tháng 11/1998, Thời Đại số 3/1999, trong mục Nhịp cầu báo Nông Nghiệp Việt Nam 17/12/2001.

9. Nhân đọc 2 lời bình về việc học của người xưa,

Thời Đại số 4/1999.

10. Vài câu hỏi về chức danh giáo sư đại học,

Tia Sáng tháng 2/1999.

11. Vài điểm trong tổ chức giáo dục đại học,

Kỷ yếu Đại học Quốc gia Hà Nội 23/9/1999.

12. Vài điểm về tổ chức giáo dục đại học nhìn từ ngoài,

Nhân Dân 1/12/1999 trích đăng một phần, và Tia Sáng số tháng 12/1999,

13. Tưởng nhớ một người thân (ông Tạ Quang Bửu),

trong Tập hồi ký nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh ông Tạ Quang Bửu « Gs Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp » do Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, năm 2000, Sài Gòn giải phóng ngày 18/11/1999 trích đăng một phần

14. Cách nào để các du học sinh trở về ?

Lao Động 26/9/2001.

15. Một viện Hàn lâm khoa học lúc này ở Việt Nam ?

trong mục Nhịp cầu của báo Nông Nghiệp Việt Nam 29/11/2001,

16. Cốt lõi của việc học là gì?

Xưa và Nay, só 91, tháng 5/2001.

17. Thoáng nghĩ về chữ Nho,

trong mục Nhịp cầu báo Nông Nghiệp Việt Nam, số Tết Nhâm Ngọ 2002, và một phần trong báo Tia Sáng số xuân, tháng 2/2002.

18. Bán hàm,

trong mục Nhịp cầu, báo Nông Nghiệp Việt Nam, 15/4/2002

19. Vài phô trương không cần thiết,

trong mục Nhịp cầu báo Nông Nghiệp Việt Nam 16/5/2002

20. « Sau đại học », một cụm từ khó hiểu,

Tia Sáng số tháng 6/2002.

21. Trình tự đảo lộn,

Tia Sáng số tháng 7/2002.

22. Hơn oan Thị Kính,

Tia Sáng tháng 9/2002.

23. Đại học sư phạm, một vấn đề khó bàn,

Tia Sáng số tháng 10/2002.

24. Du học và chất xám,

Tia Sáng số tháng 12/2002.

25. Kỹ thuật giết rồng,

Tia Sáng số tháng 2/2003.

26. Đọc cuốn sách « Giáo sư Lê Văn Thiêm »

Diễn Đàn số 131, tháng 7/2003.

27. Về giáo dục và thị trường,

Thời báo Kinh tế Sai gòn, 14/10/2004.

28. Về đào tạo và sử dụng nhân tài,

Văn Nghệ 23/10/2004, Tia Sáng đăng một phần trong số tháng 9/2004 dưới đầu đề : « Đào tạo nhân tài hay đào tạo người biết việc ? ».

29. Có thể coi Giáo dục đào tạo là hàng hóa được không ?

Văn Nghệ 19/2/2005

30. Giáo dục đại học: Những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng,

Hội thảo Đà Nẵng : 28-30/7/2005,

đăng trên báo mạng « Thời Đại Mới » số tháng 11-2005 :

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai6/200506_BTLieu.htm

31. Thành lập một đại học mới,

Tiền Phong 14-10-2005 đăng dưới đề: « Xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế: Không nên vá víu!».

VietNamNet đăng lại cùng ngày.

32. Cố nhân (Nguyễn Đình Ngọc),

Viet-studies trích đăng :http://www.viet-studies.info /BTLieu_NDNgoc.htm

VietNamNet trích đăng ngày 8 và 10/8/2006 : http://vietnamnet.vn/psks/2006/08/599695/

33. Giáo dục Đào tạo: Những câu hỏi còn tồn tại,

Tiền Phong 09/11/2006, Hà Nội Mới đăng lại cùng ngày.

34. Giáo dục Đào tạo: Hai điều đáng được giải thích,

VietNamNet đăng ngày 23/11/2006 nhưng đổi đầu đề thành « Hai thắc mắc cần giải thích », và cắt đi câu cuối.

35. Nói về Giáo dục Đào tạo,

trong tập « Trong ngần bóng gương », Kỷ yếu mừng thọ GS Đặng Đình Áng 80 tuổi, nxb Tri thức, 2006.

36. Giáo dục Đào tạo : Khiêm tốn thì dễ thành công,

VietNamNet đăng ngày 9/12/2006: http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2006/12/642381/

37. Mong ông Bộ trưởng “nói không” với tiến sĩ rỏm,

VietNamNet 8/1/2007: http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/651465/

38. Giáo dục ĐH: Không "cung" với "cầu rởm"

VietNamNet 30/1/2007.

http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/659380/

39. « Đứng nhầm lớp » còn hại hơn « ngồi nhầm lớp », http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/05/694528/

http://www.hanoimoi.com.vn/vn/47/129980/

đăng một phần, ngày 14/5/2007.

40. Chuyện kể từ ngoài nước về nhà toán học Hoàng Tụy,

ZIDOL 26/5/2007: http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/nha-toan-hoc-hoang-tuy/

41. Lớp « Tuyển trạch hướng dẫn » trường Chu Văn An (1946),

24/7/2007, được hẹn đăng trong Kỷ yếu 100 năm trường Chu Văn An.

42. Vấn đề “người” trong Giáo dục Đào tạo hiện nay,

Hồn Việt, số tháng 7/2007.

43. Những kỳ dị đằng sau cụm từ « Xã hội hóa » giáo dục,

VietNamNet 22/7/2007: http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/721181/

44. Xã hội hóa: vài lời thanh minh,

VietNamNet 31/7/2007: http://vietnamnet.vn/bandocviet/2007/07/724433/
http://www.vietnamnet.vn/service/show_forum.vnn?forumid=151103

45. Gộp thi: hai vấn đề,

Hồn Việt, số tháng 9/2007.

46. Nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm: Mắc vào khó gỡ,

Tiền Phong 4/10/2007.

47. Khoa học và giáo dục :Về một bài phỏng vấn không đăng toàn bộ,

Diễn Đàn 28/9/2007, http://www.diendan.org/viet-nam/toan-bo-mot-bai-phong-van/

48. Long mạch và văn hóa Việt Nam ở thời toàn cầu hóa

http://www.diendan.org/viet-nam/long-mach-o-thoi-toan-cau-hoa/

http://www.viet-studies.info/BTLieu_LongMach.htm

49. Long mạch : trả lời những câu hỏi

http://www.viet-studies.info/BTLieu_LongMach_TraLoiCauHoi.htm



Trong Lời giới thiệu cuốn sách « Tự sự của người xa quê hương » của tôi, [cố] giáo sư Nguyễn Văn Đạo có nhã ý viết : « Đóng góp ý kiến nhằm xây dựng đất tốt hơn thì nhiều kiều bào ta đã thực hiện được. Song kiên trì góp ý nhiều lần, nhiều năm như giáo sư Liễu cũng là hiện tượng hiếm thấy. Bù đắp lại, một số đề xuất của ông đã được chấp thuận và đưa vào thực hiện, nhiều thông tin chính xác về khoa học và giáo dục cũng đã được ông cung cấp kịp thời ». Mấy dòng này của anh Đạo viết, thật là lời an ủi, khích lệ tôi, nhưng sự thật không hẳn như thế. Nêu vài thí dụ, như tôi đã có dịp nhắc đi nhắc lại nhiều lần :

- Mấy tuần trước ngày chiến tranh chấm dứt, tôi có thư điều trần gửi Thủ tướng chính phủ và các bộ trưởng liên quan, kiến nghị lập lại chức vụ giáo sư đại học, phân biệt vai trò quản lý hành chính và vai trò công tác khoa học và giảng dạy, rồi tôi còn cố kiến nghị cho đến khi được thực hiện. Nhưng đến năm 1980, sau khi đã đưa ra luận bàn, rồi đưa vào thực hiện, thì thay vì « bổ nhiệm chức vụ », nó lại biến thành ra « phong hàm », với những hậu quả ngày nay quá rõ, mà chưa chỉnh lại được.

- Năm 1988, tôi viết thư gợi ý với 5 nhà khoa học trong nước đứng ra xin phép mở Trung tâm đại học « dân lập » Thăng Long, với lòng mong muốn làm gương giải quyết nhanh chóng tình trạng không ổn của nền giáo dục đại học, và hy vọng là sau đó đưa nó trở lại trong hệ công lập. Có ngờ đâu, « dân lập » đã tràn lan sang bán công, tư lập, rồi người ta lại sáng chế ra cụm từ « ngoài công lập ». Tôi đã cố hết sức can đừng để giáo dục bị kinh doanh, nhưng với xu thế « thị trường hóa » tất cả, với sự phát minh ra cụm từ « xã hội hóa » với khái niệm tù mù ẩn náu đằng sau, đã nảy ra vấn đề học phí cao so với mức sống ở ta, điều mà ít thấy ở nước khác Bỏ được sự kỳ thị qua lý lịch thành phần, thì lại xuất hiện sự kỳ thị qua tiền bạc, kèm theo với những lời giải thích khó hiểu về hiệu suất và tính công bằng trước việc học giữa người giàu và người nghèo.

- Tôi đã kiến nghị việc lập bằng tiến sĩ, và chỉ một bằng theo kiểu Mỹ, chứ không nên có 2 bằng tiến sỹ nhẹ và nặng như ở một số nước châu Âu. Mục đích là để kích thích khoa học, qua con đường mở rộng việc « đào tạo qua nghiên cứu ». Tôi cũng không ngờ là rốt cục bằng cấp này đã bị phá giá và dẫn tới sự hỗn loạn.

- Tôi đã cố can, tránh việc tôn vinh bằng cấp, danh hiệu một cách quá đáng. Thế nhưng hiện nay danh hiệu tràn lan : viện sĩ, giáo sư, tiến sĩ, danh nhân thế giới, đủ thứ tôn vinh nhầm, tiếm xưng, giả thật lẫn lộn, ở bên trong cũng như từ bên ngoài.

- Tôi đã nhiều lần kiến nghị chấn hưng giáo dục đại học qua việc thanh lọc lại đội ngũ nhà giáo, qua việc thành một vài đại học « hoa tiêu », đưa vào công việc giảng dạy đại học, những nhà khoa học thực sự có khả năng trong việc nghiên cứu, sử dụng tối đa và có hiệu quả những phương tiện sẵn có, sử dụng ngân quĩ một cách thận trọng và không lãng phí, ưu tiên chất lượng hơn là số lượng, vv. Nhưng giải pháp đã được chọn lại là gộp trường nguyên si, không có thanh lọc và không tuyển lựa nhân sự tương xứng, ưu tiên đầu tư vào việc xây cất nhà cửa hơn là trang bị học cụ, … Rồi những năm gần đây, lại cho phép mở tràn lan những đại học « cảnh » ở địa phương hầu như là để trang trí (nhưng hậu quả chơi « đại học cảnh » đâu có như chơi « chó cảnh », « cây cảnh »). Người ghi tên học để lấy bằng thì nhiều, mà số lượng nhà giáo thì chưa đủ, và chất lượng nói chung chưa tương xứng. Đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ cho mươi năm tới lại không đủ sức thuyết phục ; nó là một đề án khoa học, không phải là vấn đề tâm linh.

Đó là vài thí dụ trong nhiều thí dụ khác. Tôi không nói vu vơ, mà có bằng chứng là đã phát biểu, được dẫn qua những gì tôi đã đăng trên sách, báo.

Tất nhiên, như mọi người, tôi mừng trước những thành tựu của nền kinh tế nước nhà so với những ngày khó khăn cùng cực thuở xưa. Nhưng mức sống ngày nay, và sự phát triển sắp tới, có vững bền được không, nếu như nền khoa học, nền giáo dục và đào tạo không được chấn hưng ?

Nhớ lại cách đây đã hơn 30 năm, một bạn đồng nghiệp Việt kiều, lúc đó hãy còn là nghiên cứu sinh, sửa soạn về thăm trong nước. Anh ta hỏi kinh nghiệm và nhận xét của tôi, vì tôi đã là người đi trước. Tôi chỉ khuyên anh ta có một điều : đừng bao giờ nản lòng. Với thời gian trôi qua, anh ta đã là giáo sư đại học gần nghỉ hưu. Tôi ít gặp lại, nên không rõ anh ta nghĩ gì. Còn tôi, lời khuyên đó tôi cảm thấy nay nên áp dụng cho chính tôi, đã là người ngoài cuộc, vì qua thông tin, báo chí, truyền thông, thấy tình hình nước nhà đã thay đổi, tâm tư, lý luận, tư duy, giá trị đạo đức trong xã hội không còn như xưa.

Lại nhớ trong truyện Kiều, có hai câu 213, 214, Nguyễn Du tả đoạn Kiều tỉnh giấc mơ Đạm Tiên tới thăm mình:

Gió đâu sịch bức mành mành,

Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.

Người Pháp có câu dân dã : « Mais je rêve! » (nghĩa là : « Tôi mơ à ? »), để phát biểu sự ngạc nhiên cùng cực.

Tôi muốn mượn hai câu Kiều kể trên, chữa lại vài từ – (cũng là một cách « lẩy ») – để tả tâm trạng tôi :

Thông tin như vén bức mành,

Tỉnh ra lại ngỡ rằng mình chiêm bao!







Lời giới thiệu



Đây là cuốn sách thứ tư mà tác giả Bùi Trọng Liễu xuất bản trong nước. Đầu đề của cuốn sách « Tạp ký : Học một sàng khôn » phần nào báo trước nội dung. « Tạp ký » là từ mà tác giả dùng để chỉ một thể loại mà có lẽ trong nước chưa quen (tiếng Pháp mà « Miscellanées », tiếng Anh là « Miscellany ») nghĩa là loại sách tập hợp nhiều bài viết không hẳn cùng một "hướng" đề tài . Nó không hẳn là "tạp văn". Loại sách này người chưa biết thì ngần ngại vì không biết nó là gì, còn người đã đọc biết nó là gì, thì lại có vẻ ưa thích.

Còn riêng cuốn sách này, thì nó lại có đặc điểm là vừa là sách biên khảo, có tài liệu về sử, về nền văn hóa một số nước, vv. vừa xen lẫn với những bài luận bàn về giáo dục, những hồi ức, những chuyện về học về dạy, vv. So với 3 cuốn sách trước của tác giả, cuốn này chứa đựng một số tư liệu về lịch sử cận đại của nước nhà có thể ít ai biết đến, phần nào cùng loại với cuốn « Tự sự của người xa quê hương » (Chuyện gia đình và ngoài đời), nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004 ; nó cũng chứa đựng những bài viết về kinh nghiệm giáo dục cùng loại như cuốn « Chung quanh việc Học », nxb Thanh Niên, Hà Nội 2004 ; hoặc gần hơn cả, nó cùng thể loại như cuốn « Học gần Học xa », nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005.

Trong thời đại toàn cầu hóa này, trong khi nước ta mở cửa làm ăn giao dịch với thiên hạ, cũng nên biết đến những nền văn minh, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, cách tổ chức xã hội, tổ chức việc học của họ ; chứ nếu chỉ có sự hiểu biết về ngôn ngữ không thôi, thì chưa đủ. Biết nhìn thiên hạ, để nhìn lại chính mình, có cái đánh giá về cái ưu cái khuyết của mình chính xác hơn, về quá khứ, hiện tại hay tương lai, là tự trang bị cho mình những hiểu biết cần thiết trong thời đại giao lưu này, để dễ tiến triển hơn.

Người Việt định cư lâu năm ở nước ngoài có cái thuận lợi là có cái nhìn quen thuộc với môi trường nơi mình sống. Nó có thể khác với cái nhìn của người trong nước ; có lẽ vì thế mà nó góp phần mang lại thêm sự phong phú cho sự hiểu biết.

Tác giả, với 4 năm làm nghiên cứu viên trong Trung tâm nghiên cứu của một doanh nghiệp lớn (sở Điện lực của Pháp), 6 năm làm giáo sư ở Đại học Lille, và 34 năm làm giáo sư Đại học Paris, có dịp thăm nước này nước nọ, có thì giờ học hỏi kinh nghiệm và suy ngẫm, nên muốn, qua cuốn sách này, kể lại những điều mắt thấy tai nghe, cho những ai muốn biết.

Dù là « tạp ký », « Học một sàng khôn » cũng chủ yếu hướng về mục tiêu chính : « tri thức ».

Xin trân trọng giới thiệu cuốn này cùng bạn đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét