26.10.2005
Hà Văn Thùy
Cao Xuân Hạo – chàng Don Quijote độc hành
Dường như thế hệ bọn tôi có cái may là được học Văn trong buổi giáp ranh tranh tối tranh sáng sau hòa bình 1954. Khi đó người ta chưa kịp tạo dựng một thiết chế dạy và học môn Văn chặt chẽ đến ngặt nghèo. Khi đó người thày còn có thể dạy một cách hứng khởi theo hiểu biết của mình và nhiều thầy dạy Văn của tôi là những nhà giáo lưu dung (lạy Phật, sao lại có cái danh xưng xúc phạm con người đến vậy?!) kiến thức thâm hậu. Ngày ấy chúng tôi học tiếng Việt theo lời ăn tiếng nói của dân gian, ngữ pháp tiếng Việt chưa phải là phong ba bão táp hành hạ học trò. Học Văn với chúng tôi là niềm vui lớn của sự tự do bộc lộ hiểu biết, bộc lộ năng khiếu thẩm văn thẩm thơ của chính mình. Chúng tôi chưa kịp biến hình thành vẹt hay loài nhai lại.
Nhiều năm sau này, mỗi dịp tiếp xúc với sách giáo khoa Văn học khi dạy con, khi giảng cho cô giáo văn của tôi những mắc mớ về ngữ pháp, tôi lại một lần sởn da gà. Tôi trộm nghĩ, nếu như bây giờ phải quay lại làm học trò học chương trình Tiếng Việt, mình sẽ ra sao? Chắc hẳn sẽ rơi vào một trong hai tình trạng như sau: Hoặc sẽ dốt nát chẳng biết gì về tiếng Việt, hoặc sẽ thành kẻ khởi loạn dẫn đầu những con chữ tấn công vào nhà ngục Bastille giáo trình ngữ pháp, giải phóng cho tiếng mẹ đẻ khỏi gông cùm! Dù cách nào rồi cũng là bi kịch! May mà điều đó không xảy ra. Tôi đã qua cầu thoát nạn. Nhưng các con tôi, rồi bây giờ là cháu tôi, truyền đời bị hành hạ! Quả là đáng thương cho con dân Việt!
Ðang trong nỗi bức xúc không có đường ra khiến tôi hoang mang nghi ngờ tiếng Việt thì may sao tôi gặp những ý tưởng của giáo sư Cao Xuân Hạo, dù chỉ qua vài ba bài báo. Ðiều đáng nể là ông dũng cảm khẳng định nhiều giáo trình ngữ pháp đã giảng sai tiếng Việt. Tiếp đó, ông chỉ ra một cách thuyết phục cái cơ chế, cái công nghệ, cái quy trình dẫn đến những lầm lẫn ấy. Ðó là người ta đã không hiểu tiếng Việt, đã nặng đầu óc nô lệ và biếng lười cóp nhặt ngữ pháp tiếng nước ngoài, mà trước hết là tiếng Pháp, đem áp đặt lên tiếng Việt. Tư tưởng táo bạo của ông đến với tôi như một sự giải thoát. Từ phân vân hoang mang lo lắng, tôi lấy lại được niềm tin là ngữ pháp tiếng Việt không quái đản như những gì người ta viết trong sách giáo khoa. Và tôi tin rằng, từ chỗ biết sự sai, sẽ có ngày tìm ra cách sửa.
Trước tết năm Rồng (2000), tôi nhận được của ông bài viết thú vị nhưng hơi dài và có những kiến thức quá chuyên sâu so với yêu cầu của bạn đọc báo Văn Nghệ. Bỏ đi thì tiếc, tôi đành mạn phép ông làm cái việc gọi là biên tập, tức cái sự lược bớt, chắp nối để thể hiện nổi bật tư tưởng của tác giả. Bài viết được in ra với nhan đề “Sợ hơn bão táp”. Nhiều bạn đọc hoan nghênh nhưng bài báo vấp phải sự phản ứng bão táp của một số cây đa cây đề ở ngành Giáo dục. Ông cười hóm hỉnh bảo: “Cố nhiên thôi, tôi đập bể niêu cơm của họ mà!” Không chỉ đơn thuần là niêu cơm, tôi nghĩ. Ông chính là cái máy xúc, cái xe ủi, ủi đi những “công trình” những “sự nghiệp” vàng mã của khối người! Họ được đào tạo rất bài bản về ngôn ngữ, nhưng không phải ngôn ngữ Việt. Rồi khi về nước, vừa khiếp nhược trước khoa học ngữ pháp chính xác chuẩn mực của nước ngoài, vừa dốt tiếng mẹ đẻ, họ đem cái khuôn mẫu vừa học được, tức đem cái giày ngoại quốc về, vừa đẽo vừa cưa vừa kéo bàn chân Việt sao cho vừa giày... Bằng những việc làm vừa giả vừa phản khoa học ấy, họ đã ngụy tạo nên những “công trình”, những “sự nghiệp” đủ cho họ vênh vang danh lợi một đời! Ông là ai mà dám hiện ra lừng lững như cái xe ủi trước những lâu đài dinh thự vàng son hàng mã ấy?
Trước Tết năm Rắn (2001), tôi gọi điện xin bài. Ông vui vẻ: “Tôi đang viết. Tôi định lấy tên là ‘Hồn tiếng Việt’”. Rồi ông say sưa kể câu chuyện: trên đường ra Hà Nội với nhà Việt học người Hung, ông đố bạn thế nào là chó treo mèo đậy? Nhà Việt học châu Âu cho rằng: đem chó treo lên, lấy rổ lấy nơm úp (đậy) con mèo lại! Ông kết luận, chỉ có người Việt mới hiểu được cái hồn của chữ Việt! Tôi thật mừng, như sự phát hiện, hồn chữ: cái chữ có hồn! Lâu nay người ta quên mất phần hồn mà chỉ dạy phần xác. Vì vậy lớp lớp học trò không biết đến hồn vía tiếng Việt, chữ nghĩa họ dùng chỉ là xác chữ. Chân lý thường đơn giản. Chỉ với bốn chữ quen thuộc chó treo mèo đậy mà làm rối trí một nhà Việt học! Chỉ chúng ta mới cảm nhận được hồn tiếng Việt.
Dường như Cao Xuân Hạo không hòa hợp lắm với đồng nghiệp mình. Người ta coi ông như kẻ hay kiếm chuyện không để cho ai yên. Hình như trong cuộc đời ông cũng chịu không ít bầm dập. Nhưng tôi cho là may mà đời có ông. Ông chân thực vô tư mà minh triết như chú bé trong ngụ ngôn Andersen đã nói huỵch toẹt: hoàng đế cởi truồng!
Không hiểu sao tôi có liên tưởng ngộ nghĩnh: một chiều gió bấc, một con đường mòn xa tít hun hút tới chân trời. Trên đó chàng kỵ sĩ gầy, mái đầu muối tiêu, nách cắp cây thương, cưỡi trên con ngẽo cà khổ. Ðó là ông, Cao Xuân Hạo, chàng kỹ sĩ độc hành. Trong chiều tà, ngọn bút của ông được phản quang phóng to thành cây thương. Một người một ngựa, ông trơ trọi đi trong chiều vắng. Trước mắt, những hồn ma bóng quế chập chờn. Nhưng ông vui vì tin rằng một ngày mai những con chữ Việt sẽ tưng bừng trong cuộc hoan ca chào đón ông - người giải phóng.
Cái ngày đó chưa đến, nhưng đã một thời ông là thần tượng của lớp trẻ chúng tôi bởi những bản dịch mà ông chuyển ngữ văn xuôi Nga thành thứ tiếng Việt tuyệt vời, chính xác mà uyển chuyển. Ông đã truyền cho chúng tôi lòng yêu tiếng Việt chính bởi ông là người yêu tiếng mẹ đẻ đến tận cùng!
© 2005 talawas
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét