Trịnh Công Sơn với cao nguyên bụi đỏ
sương mù
Lân đầu tiên những người yêu thích âm nhạc Việt Nam chúng ta đón mùa Xuân về mà không có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là một sự hụt hẫng mà có người bảo rằng "phải tập làm quen trong nhiều mùa xuân nữa mới quen được". Nhưng đối với tôi - một người bạn chưa bao giờ ở với Sơn ngày nào nên tôi vẫn cảm thấy Sơn đang sống ở đâu đó. Tôi không gặp Sơn như lúc tôi đến nhà 47C Phạm Ngọc Thạch mà Sơn ngủ chưa dậy. Tôi đành quay xe và tự hẹn với mình lần sau vào Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lại đến.
Cho đến nay, Trịnh Công Sơn vẫn chưa - như gia đình tôi hay dùng- exit (thoát) khỏi đời sống của tôi. Bởi vì, tôi là một người luôn luôn thích khám phá bí ẩn nhưng có nhiều giai đoạn trong cuộc đời của bạn tôi, tôi chưa công bố. Tôi vẫn còn nợ giai đoạn Trịnh Công Sơn dạy học và bắt đầu làm nhạc phản chiến ở Blao-Lâm Đồng. Đây là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Sơn nhưng Sơn rất ít viết, ít đề cập đến và tất nhiên bạn be ẵ-những người yêu thích âm nhạc Sơn, cũng ít biết. Để chuẩn bị cho việc "trả nợ nầy", tôi đã làm một cuộc hành hương trở lại vùng cao nguyên bụi đỏ sương mù Blao để làm sống dậy những điều mà Trịnh Công Sơn đã chôn chặt nơi đây.
Người cung cấp những thông tin đầu tiên về những năm tháng Trịnh Công Sơn dạy học và sáng tác ở Blao cho tôi là chị Lê Thị Ngọc Trinh - bạn học Sư phạm khóa I (1962-1964) với Sơn ở Qui Nhơn và đồng nghiệp của Sơn ở Blao. Người dẫn đường là thầy giáo Lê Quang Kết ở Blao. Những người hiểu rõ những năm tháng Trịnh Công Sơn ờ Blao là cụ Lê Cao Lợi - nguyên trưởng ty Tiểu học, lãnh đạo của thầy giáo Trịnh Công Sơn lúc ấy và cụ Phạm Trung Thành, nhân viên cũ của Ty Tiểu học (từ năm 1964) - người chơi đàn violon, hay trao đổi về âm nhạc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Blao. Tư liệu bổ sung do hai ông bạn họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung giúp.
Trịnh Công Sơn - trưởng giáo trường sơ học Bảo An
Như chúng ta đã biết, Trịnh Công Sơn học khóa I thường xuyên trường Sư phạm Qui Nhơn (1962-1964). Năm 1964 mãn khóa được bổ lên Blao cùng một số bạn cùng quê, cùng khóa, trong đó có Lê Thị Ngọc Trinh - người trong ban đồng ca của trường Sư phạm Qui Nhơn đã từng lĩnh xướng trường ca Dã Tràng của Sơn. Lê Thị Ngọc Trinh được bổ về trường Nữ Bảo Lộc ở ngay trung tâm Thị xã, Trịnh Công Sơn bổ đi xa hơn một chút là trường sơ học Bảo An cách Tỉnh đường và Ty Tiểu học Lâm Đồng gần một cây số. Trường Bảo An có ba lớp 1,2,3, sĩ số mỗi lớp chừng vài mươi em, đa số học sinh là người dân tộc ít người, chỉ có dăm ba em là người Kinh. Cơ sở của trường có hai phòng đứng cho vơ trên một bãi đất trơ trụi, mái lợp tranh, vách nứa; học sinh mặt mày lem luốt, mũi dãi lò thò, áo quần rách rưới, nhuộm bụi đỏ trông rất thê thảm. Bảo An thuộc loại trường sơ cấp, không có chức Hiệu trưởng. Người phụ trách trường có cái tên cổ cổ là trưởng giáo giống như ông Ngô Đình Khả lúc mới được bổ nhiệm làm trưởng giáo trường Quốc Học hồi cuối thế kỷ XIX vậy (1896). Trịnh Công Sơn được "đào tạo chính qui" nên làm trưởng giáo và đứng dạy lớp ba vào buổi sáng, ông giáo Tạ Văn Thống sắp về hưu dạy hai lớp 1 và 2 vào buổi chiều. Hằng ngày ông trưởng giáo họ Trịnh đi về dạy học phải cuốc bộ trên con đường dốc mà vào mùa nắng thì bụi đó mịt mù, vào mùa mưa bùn lầy nhoe nhoét rất khó bước. Tuy đi về hơi vất vả một chút nhưng chuyện soạn bài và đứng lớp rất thoải mái. Học trò miền núi dễ bảo. Vào mùa hái chè các em ở nhà giúp cha mẹ, đến lớp chỉ có mươi mười lăm em. Phòng học không có cửa, nhiều hôm mây mù bay tràn vào lớp làm cho thầy giáo và học trò cũng lảng đảng theo mây. Nhiều ý nhạc khởi dậy trong lòng ông trưởng giáo Trịnh:
"Bụi về với mây. Người còn đó gieo hạt lúa trên ruộng đất nầy" (Phúc Âm Buồn, 1965).
"Qua khoảng trời trống trơn của lớp học Sơn đã vẽ nhiều ký họa đẹp và sinh động những người dân tộc trên nương rẫy, dưới bóng suối mát". (Đinh Cường kể).
Dạy học ở vùng thượng du thế ấy. Không vui. Nhưng dù sao với chỉ số lương (indique) 320 cộng thêm phụ cấp đắc đỏ vùng cao, mỗi tháng Trịnh Công Sơn cũng lĩnh được 5.200$. So với vật giá lúc ấy: Cà-phê loại ngon 1$/ly, phở 3$/tô, cơm 600$/ tháng, vàng 2.000$/ lượng. . . lương như thế là cao, có của ăn, của để.
Nhà trọ của Trịnh Công Sơn tại Blao là một ngôi nhà kiểu biệt thự mới xây trên khu đất khoáng đạt ở gần Ty Công chính Lâm Đồng. Chủ ngôi nhà là cô Phi - trưởng phòng kế toán Ty Công chính. Trịnh Công Sơn thuê nhà cùng với ba đồng nghiệp họ Nguyễn là Thanh Ty (Nha Trang), Hảo Tâm và Văn Ba (Sư phạm Sài Gòn). Mỗi người phải trả tiền nhà 300$/tháng. Bà chủ nhà có dáng người mảnh dẻ, hơn ba mươi tuổi, cùng với đứa con gái ở chung trong nhà. Nhờ thế các thầy giáo trẻ sống xa nhà đỡ bớt khô khan.
Những khi lễ lược, Blao có tổ chức văn nghệ, Trịnh Công Sơn được mời sinh hoạt với các đồng nghiệp. Ngoài Trịnh Công Sơn, những cây văn nghệ lúc đó mà đến nay dân Blao còn nhớ là Hoàng Thị Ni Na, Lê Thị Ngọc Trinh, Đỗ Thị Nghiễm. Lúc ấy dân địa phương Blao ít có người chơi nhạc. Mỗi khi muốn nói chuyện âm nhạc Trịnh Công Sơn hay đến 24 đường Tiên Dung gặp ông Nguyễn Trung Thành làm việc ở Ty Tiểu học. Ông Thành được đào tạo đễ chơi đàn violon trong ban nhạc lễ của nhà thờ Bảo Lộc. Ông không thích nhạc của Sơn nhưng ông phải công nhận với Sơn rằng :" Ca từ (parole) của Trịnh Công Sơn rất tuyệt vời. Sau nầy anh có được người đời biết tiếng chính là nhờ cái phần ca từ". Đến nay thì ông Thành xin nói lại với tôi :" Ca khúc của Trịnh Công Sơn, ca từ hay mà nhạc cũng rất hay !".
Sinh hoạt văn nghệ thường xuyên của Trịnh Công Sơn lúc nầy là hát cho học sinh nghe và dạy cho học sinh hát. Từ hồi còn học Sư phạm, Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhiều bài hát cho thiếu nhi. Lúc lên dạy học ở Blao, anh lại sáng tác thêm nhiều bài nữa. Ngày nay nhiều người còn thuộc bài Ông Tiên Vui. Cô giáo Lê Thị Ngọc Trinh vừa kể chuyện cũ ở Blao vừa hát cho tôi nghe:
Ông Tiên vui ông có cái râu dài
Đêm ông thường ngủ yên trên đỉnh mây
Ông tiên vui ông thường hay nhắc đến
Chốn Thiên đình chẳng còn tháng ngày trôi
Ông tiên vui ông có cái căn nhà
Trên ngọn đồi hằng đêm ông ghé qua
Hôm em lên ông chợt đi đâu vắng
Lúc em về em buồn đến ngẩn ngơ"
Từ "Tuổi đá buồn" đến "Ca khúc da vàng"
Buổi chiều nghỉ dạy, sau giấc ngủ trưa, Trịnh Công Sơn sửa lại chiếc áo ka-ki vàng, bỏ vô quần tẹc-gan nghiêm chỉnh rồi xỏ chân vào đôi giày Batar rảo bước ra quán Cà-phê bi-Da Ngọc Trang. Anh chơi ở đó cho đến tối. Cũng có hôm, anh cùng với vài người bạn dạo quanh hồ Bảo Lộc hoặc đi dọc theo quốc lộ Sài Gòn Đà Lạt chạy qua Thị xã nói chuyện phiếm. Nhiều hôm thiếu bạn, anh dạo phố một mình với nỗi buồn da diết mà anh đã thể hiện trong bài Chiều Một Mình Qua Phố hồi còn học ở Sư phạm Qui Nhơn (1963). Lúc đầu thanh niên Blao nhìn mái tóc thưa mềm, chạy dài xuống gảy và hàng râu mép hung hung nâu của Sơn, họ lấy làm lạ. Về sau có dịp đến gần và biết Trịnh Công Sơn vừa là thầy giáo vừa là nhạc sĩ hiền hậu hồn nhiên họ đâm ra cảm mến và rất hân hạnh được gần anh. Những chiều không thấy anh dạo phố hay khom mình trên bàn bi-da Ngọc Trang họ cảm thấy vằng vẽ và có ý chờ trông.
Vào dịp nghỉ lễ hay nghỉ cuối tuần, Sơn hay lên xe đò về Sài Gòn chơi với Đinh Cường hoặc Trịnh Cung, chiều Chủ nhật trở lại Blao để sáng thứ hai lên lớp. Anh về Sài Gòn còn có mục đích xuất bản tập nhạc đầu tay của anh. Nhiều lần Trịnh Công Sơn không lên kịp vào đầu tuần, ông giáo Thống đã giúp dạy hộ cho anh. Sự vắng mặt không xin phép của một giáo viên là phạm kỷ luật, may mắn sao ông Lê Cao Lợi - trưởng ty Tiểu học, là người biết mến mộ nghệ sĩ nên dù Trịnh Công Sơn vắng mặt nhiều lần (có lần đến ba tuần) ông vẫn không khiển trách. Từ sau ngày Nguyễn Văn Ba - người bạn đồng nghiệp và cùng thuê chung nhà, chết vì trúng mìn trên đường Blao-Sài Gòn, Trịnh Công Sơn phải tiêu phí những ngày nghỉ ở Blao. Một mình "nằm trong căn gác điều hiu", nghe gió lướt thước kéo qua rừng lau dưới những cơn mưa không dứt, Sơn nghĩ về đời mình, nghĩ về cái chết của Nguyễn Văn Ba, nghĩ về tiếng chuông nhà thờ Bảo Lộc ở phía bên kia đường sáng sáng chiều chiều dội vào sự cô đơn của anh. Và, chính trong những ngày bó gồi ở nhà ấy, anh phát hiện có một người đẹp hằng ngày đi Nhà thờ bằng con đường qua trước cửa phòng anh. Trịnh Công Sơn hơi ân hận. Lâu nay anh bù khú với bọn bạn trai nên không để ý đến người hàng xóm gái ấy. Người có tên là Ngà. Ngà không sắc sảo, không quý phái như các cô gái Huế đã "hờp hồn" anh như Ph. Th., Bích Diễm, nhưng với cái dáng mảnh mai, tóc thề chấm vai, khuôn mặt thánh thiện như mặt Đức Mẹ Đồng Trinh của cô cũng đã làm cho Trịnh Công Sơn mất ngủ. Sự phát hiện trong cõi cô đơn ở Blao có Ngà như một cái nhấn làm bật dậy những dồn nén cô đơn mang tính tâm linh trong Sơn lâu nay. Anh viết bài Tuổi đá buồn.
"Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang. Từng ngón tay buồn em mang em mang, đi vào giáo đường, ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai. Đóa hoa hồng cài trên tóc mây, ôi đường phố dài, lời ru miệt mài ngàn năm ngàn năm, ru em nồng nàn, ru em nồng nàn"
Bản in lần đầu Ca khúc Trịnh Công Sơn (Nxb An Tiêm, SG 1967), bài Tuổi Đá Buồn được soạn với nhịp 4/4, đoạn mở đầu với 30 nhịp rưỡi mới có một dấu lặng, phần ca từ suốt 55 từ không hề có một cái chấm phẩy nào. Hình ảnh cô Ngà mang ngày chủ nhật buồn (Sombre dimanche) đến nhà thờ, con đường quốc lộ Sài Gòn - Đà Lạt dài hun hút đi qua Thị xã. . . . nối tiếp nhau. Đoạn nhạc dài lê thế ấy diễn tả những cơn mưa không dứt của Bõ lao trong tâm hồn Sơn. Sự cô đơn của Trịnh Công Sơn không phải của người trần thế, của con người với con người, của xác thịt với xác thịt mà chính là của thân phận làm người. Sự cô đơn hư vô nhuốm một chút siêu hình:
" Trời còn làm mưa rơi mưa rơi, từng phiến băng dài trên hai tay xuôi. Tuổi buồn em mang đi trong hư vô ngày qua hững hờ".
Sự cô đơn "hư vô" của thân phận làm người nên bao giờ còn "làm kiếp con người" thì còn cô đơn. Vì thế những ý tưởng ấy cứ ẩn hiện không ngừng trong cảm xúc của Sơn.
. . ." Trời còn làm mưa mưa rơi thênh thang. Từng gót chân trần em quên em quên. Ôi miền giáo đường ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai"
(Ca khúc Trịnh Công Sơn, Nxb An Tiêm, SG 1967)
Nếu không có những ngày chủ nhật buồn ở Blao có lẽ Trịnh Công Sơn không có những ca khúc buồn đến thế. "Người nằm co" trong Phúc Âm Buồn chính là hình ảnh Trịnh Công Sơn trong những ngày ấy.
" Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình"
Muốn tránh xa mọi người, một người nằm yên nhưng không thể nằm yên được.
"Từng tiếng người nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm"
Trịnh Công Sơn viết bài Phúc Âm Buồn vào năm 1965 - Đấy là năm quân Mỹ đổ bộ ồ ạt lên bến phá Toà Khâm Huế, nhiều bạn bè của anh xuống đường đấu tranh chống chiến tranh, chống lại việc dùng tuổi trẻ như một thứ củi đốt cho chiến tranh của Mỹ. Cũng có một số bạn của Trịnh Công Sơn bị động viên, bị bắt đi quân trường (nhà thơ Ngô Kha), hay đang trốn lính. Ngày 20.7.1965, Uỷ ban Thanh niên Sinh viên của Nguyễn Cao Kỳ mời sinh viên miền Nam về Sài Gòn hội thảo "chuẩn bị giải phóng miền Bắc". Trong hội thảo nầy bà Ngô Bá Thành, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân đã công khai chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình. Ở Huế Thái Luân cho ra đời tập thơ phản chiến Vùng Tủi Nhục lên án chiến tranh do Mỹ đạo diễn được sinh viên học sinh chuyền tay nhau đọc. Tận bên Mỹ Bob Dylan, Joan Baez ôm đàn du ca hát phản chiến. . . . Qua thư từ, Trịnh Công Sơn hiểu rõ hết tính hình chiến tranh và đấu tranh kêu gọi hòa bình ấy. Những người bị mời dự hội thảo của Nguyễn Cao Kỳ chống chiến tranh vì tinh thần dân tộc. Trịnh Công Sơn là một người hiền hòa nhân hậu, rất sợ chuyện chém giết. Năm 1963, lúc còn theo học Sư phạm ở Qui Nhơn, đọc Mythe de Sysiphe của Albert Camus (1942) Trịnh Công Sơn đã thấy sự hiện hữu của con người là phi lý (absurde) giống như anh chàng Sisyphe bị khổ sai bằng việc hằng ngày phải lăn một tảng đá lên núi rồi thả tay cho đá lăn xuống núi không tạo ra một tác dụng nào cả :
" Người chợt nhớ mình như đá . Đá lăn vết lăn buồn".
(Vết Lăn Trầm, 1963)
Đến năm 1965, chiến tranh làm bi thảm hơn sự phi lý của thân phận con người. Đúng như tình hình anh đã thấy trước đó một năm:
"Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè
ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương"
(Xin Mặt Trời Ngủ Yên, 1964)
Với một ý thức dân tộc chung chung, Trịnh Công Sơn không còn thụ động được nữa, anh phải dấn thân. Suốt cả mùa hè năm 1965, Trịnh Công Sơn nằm lại Bõ lao, đóng cửa soạn những ca khúc chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình như các bài Gia Tài Của Mẹ, Ca Dao Mẹ, Người hát Bài Quê Hương, Du Mục, Lại gần Với Nhau, Người Già Em bé, Người Con Gái Việt Nam Da Vàng . . . . Lúc ấy hai chữ "hòa bình" bị cấm kỵ. Nói hòa bình là "Cộng sản". Cho nên những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn soạn xong phải giữ kín và chỉ hát trong giới bạn bè thân thiết thôi. Những bạn bè thân thiết đó ở Đơn Dương, Sài Gòn, Huế, và đặc biệt là Đa Lạt. Bạn bè nghe nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn rất thích, tác giả cất lên tiếng nói bất lực trước cuộc chiến tranh và thể hiện khát vọng hòa bình hộ cho nhiều người thế hệ anh. Nhưng cũng có nhiều người không thích. Những ca khúc phản chiến "nguy hiểm" đến như thế thì có ca sĩ nào dám hát ? May sao, trong những chuyến lên về Đà Lạt, Trịnh Công Sơn đã gặp được một cô "bé quê" trong một phòng trà và cô bé đã lột xác hóa thân thành ca sĩ Khánh Ly hát nhạc phản chiến bắt đầu từ Quán Văn Đại học Văn khoa Sài Gòn (1965-1966). Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn gắn liền với giọng ca Khánh Ly. Gặp gỡ Khánh Ly là một bước ngoặt mang tính định mệnh của Trịnh Công Sơn. Không có những tháng năm dạy ở Blao để tiện đường lên về Đa Lạt thì làm sao Sơn có thể gặp được Khánh Ly ?
Đến năm 1967, không chỉ có bạn bè anh mới bị "chinh chiến mang đi", mà các đồng nghiệp của anh ở Blao và chính anh bị gọi nhập ngũ . Trịnh Công Sơn không chấp nhận cuộc chiến tranh của Mỹ nên anh trốn lính. Trốn lính từ Blao. Trốn lính và chấp nhận cuộc sống bất hợp pháp, điều đó có nghĩa là anh phải giả từ cuộc đời làm thầy giáo ngắn ngủi của anh. Trịnh Công Sơn không tự ý bỏ nghề thầy mà vì chính quyền miền Nam lúc ấy đã buột anh phải nghỉ dạy học để đi lính. Anh trốn lính để có thể đi đến cùng sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, cho quyền tự quyết dân tộc.
Trịnh Công Sơn ăn lương dạy học tại Blao chỉ có ba năm (1964 đến 1967). Thời gian ấy ngắn so với cuộc đời sáu mươi ba tuổi của anh (1939-2001). Nhưng không ai có thể viết tiểu sử nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một cách trung thực khi chưa rõ giai đoạn "bụi đỏ sương mù" của anh ở Blao. Bởi vì chính trong giai đoạn nầy anh đi làm thầy giáo rồi buột phải thôi dạy, anh cho xuất bản những tập nhạc đầu tiên của anh, anh soạn loạt bài phản chiến mang tên Ca Khúc Da Vàng, anh gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly và khẳng định sự nghiệp làm nhạc sĩ cho đến cuối đời anh.
Gác Thọ Lộc, một ngày Đông, 2001.
Nguyễn Đắc Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét