Chương 2
Mấy nước bờ bắc Địa Trung Hải
Bờ bắc Địa Trung Hải có một nền văn minh lâu đời. Vợ chồng tôi có dịp đi thăm mấy lần, nhưng cũng tiếc là thường là ít thì giờ, và xem chẳng được mấy tí. Nhưng biết được gì, cũng xin kể lại.
1. Bucuresti
Vào mùa Xuân năm 1976, nhân dịp Viện Hàn lâm Khoa học Ru-ma-ni mời tôi, tôi kết hợp chuyến công du này, cùng vợ và con trai cả của chúng tôi đi thăm Hy-lạp rồi phần Âu của Thổ-nhĩ-kỳ luôn thể. Thời giờ rất ngắn, chỉ có muơi ngày, nhưng cũng thăm được vài nơi thú vị. Tôi không có gì để kể nhiều về thủ đô Bucuresti của nước Ru-ma-ni, thời ấy còn đang dưới bàn tay sắt của ông Nicolae Ceaucescu (1918-1989). Xứ Dacie cổ xưa (trên khoảng đất của Ru-ma-ni ngày nay) bị đế quốc La-mã của hoàng đế Trajan (khoảng 101-107 sau Công nguyên) chiếm, nay còn lại dấu vết qua tiếng Ru-ma-ni, thuộc loại ngôn ngữ La-tinh (ai biết tiếng Pháp, tiếng Ý, vv. tuơng đối dễ hiểu tiếng này). Trải qua nhiều thăng trầm, xứ này chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn minh do bị xâm chiếm trong quá khứ bởi nhiều đế quốc phía đông phía Tây, lúc chia lúc hợp ; năm 271, người Goths từ phương Bắc xuống chiếm ; đến thế kỉ thứ 6 là người Slaves ; từ thế kỉ thứ 10 đến thế kỉ 13 là Thổ-nhĩ-kỳ và Mông-cổ, thế kỉ 15, 16 và sau đó là đế quốc Ottoman, rồi đến Nga, vv. Đến thế kỉ 19, Ru-ma-ni mới độc lập. Trong thế chiến thứ nhất (1914-1918), và thế chiến thứ hai (1939-1945), tùy lúc, tùy thế, lúc phải ngả bên này, lúc theo bên kia. Lúc tôi tới thăm, thì đang dưới chế độ xã hội của nghĩa, nhưng đối với Liên-Xô cũng không hoàn toàn bảo sao nghe vậy.
Thành phố Bucuresti, xưa vốn là nơi cư ngụ của các ông chúa xứ Valachie từ thế kỉ thứ 14, sau trở thành thủ đô chung của công quốc (principauté) Valachie và Moldavie, rồi của Ru-ma-ni từ 1862. Bucuresti không để lại cho tôi ấn tượng gì nhiều.
Tôi có người đồng nghiệp rất thân người Ru-ma-ni, nay là phó chủ tịch viện Hàn lâm, nên tiếp đón rất chu đáo long trọng ; ông chủ tịch viện Hàn lâm lúc đó cũng là chỗ quen biết. Thời đó, tuy cả nước này còn đang sống dưới nền kinh tế khó khăn, nhưng viện Hàn lâm vẫn còn nhiều « phương tiện », vợ chồng tôi cũng được mời một bữa cơm « nhớ đời » : vốn quen với sự tiếp đãi giản dị của các đồng nghiệp Tây Âu và Bắc Mỹ, tôi cứ nghĩ rằng bữa cơm chỉ có món « vào đầu » (hors d’oeuvre), và một món ăn chính, rồi ăn tráng miệng (dessert). Lần này, ăn hết 2 món đầu, thấy no bụng rồi, thấy mang ra một món cá, tôi hoảng quá, hỏi sao ăn nhiều thế ; mấy chủ nhân nói : ấy, sau món cá còn hai món chính nữa, trước khi ăn tráng miệng. Tôi hết hồn hết vía, xin lỗi, để vợ tôi « thay mặt » ăn tiếp thêm chút đỉnh. Tôi kể vậy để nói thêm là, sau khi chế độ Ceaucescu đổ, Viện Hàn lâm được trả lại của cải, đặc biệt là đất đai và bất động sản, nên rất giàu, phương tiện lại còn lớn hơn nữa. Lại còn một lý do do nữa để tôi nhớ bữa cơm này : là vì mấy tháng sau, vợ chồng tôi và hai con đi Canađa, và ở Québec, được một đồng nghiệp mời ăn cơm tối. Vợ chồng dặn nhau và dặn hai con rằng coi chừng, ăn in ít những món đầu đầu kẻo bị mắc kẹt như ở Bucuresti. Lần này thấy bưng ra một đĩa lớn đồ thịt lợn ướp đủ loại (charcuterie : giăm bông, xúc xích, vv.). Ăn cầm chừng một lúc, rồi thấy bưng đi, không thấy chủ nhà nói gì nữa, rồi thấy mang ra đồ tráng miệng. Té ra bữa cơm chỉ có một món. Lúc về, đói bụng và cười với nhau mãi.
Ở Bucuresti có ít ngày, rồi vội đi Hy-lạp.
2. Hy-lạp
Đề cập đến văn hóa châu Âu thời cổ, luôn luôn bị dẫn tới văn hóa Hy-lạp. Và tất nhiên đến thần thoại của Hy-lạp, với lỉnh kỉnh dính đến rất nhiều thần. Từ cái thuở Hỗn mang (Chaos), Giời (Uranus) và Đất (Gaia) lấy nhau rồi đẻ ra một đống thần, thiện hay/và ác, (thần chứ không phải thánh !). Rồi bao nhiêu thứ chuyện, từ việc thần con lật thần cha, thần em cướp ngôi thần anh với sự hỗ trợ của thần mẹ, thần anh lấy thần em gái, thần bố nuốt thần con mỗi lần thần mẹ đẻ ra, vv. Có thuyết cho rằng đấy chỉ là những hình ảnh tượng trưng, thí dụ như Cronos là thần « Thời gian », cho nên cái gì cũng nuốt tất (theo cuốn « Contes et légendes mythologiques » của Emile Genest, nxb Nathan 1994, có một sự lẫn lộn giữa tên thần Cronos và từ « chronos » nghĩa là thời gian, tuy 2 từ này không cùng một gốc). Lộn xộn, rồi rốt cục Zeus trở thành thần chúa tể của các thần trên thượng giới (của Hy-lạp).
Mào đầu như vậy rồi, mới nói đến việc thăm nơi này nơi nọ. Chúng tôi không có thì giờ ở Hy-lạp nhiều, nên chỉ thăm có hai nơi : thủ đô Athènes và Delphes.
Athènes ngày nay là thủ đô của Hy-lạp ; tên gọi này xuất phát từ tên của nữ thần Athena, nữ thần bảo trợ của thành phố. Đồng thời có nguồn cho rằng theo ngôn ngữ cổ, chữ « ath » có thể có nghĩa là cái đầu/cái nguồn, bởi vì cái đồi mang tên Acrople vốn là gốc/trung tâm của thành phố Athènes, và từ đó mới sinh ra cái huyền thoại nữ thần Athena khi sinh thì từ trong cái đầu của Zeus chui ra. Còn tên gọi Acrople, theo từ cổ « akra » và « polis » nghĩa là thành phố cao, và trong thực tế là đồi này cao khoảng 156m so với mặt biển.
Thăm Athènes, thực ra tôi chỉ ý đến Acrople, khu còn di tích đền đài cổ xưa. Ở đó có đền Parthenon, đền thờ Artemis Brauronia, đền Erechtheion, đền thờ Athena Nikê, vv. Nhưng Parthenon đáng chú ý hơn cả, được khởi công xây bằng đá năm 447 trước Công nguyên, cho đến năm 438 trước Công nguyên. Xây bằng đá hoa trắng, mặt tiền rộng khoảng 31m với 8 cột chống, chiều sâu khoảng 70m với 17 cột, đền này thuở xưa có pho tuợng Athena bằng vàng (khoảng một tấn vàng) và ngà, cao 16m nay không còn, vì thời bị xâm lăng, tượng này bị tháo dỡ mang đi nơi khác. Trải qua thời gian, và các cuộc binh hỏa, đền này tuy điêu tàn nhưng còn dáng vẻ đồ sộ.
Thăm Delphes (cách Athènes khoảng 200 km phia tây bắc), cũng vì nơi này cũng là một cái nôi của nền văn hóa cổ Hy-lạp. Đây là một quần thể nhiều đền đài xây bằng đá, rải rác từ thung lũng lên đến đồi cao, tóm tắt gồm có đền thờ nữ thần Athena, rồi một kiến trúc hình tròn gọi là Tholos mà ngày nay không ai biết công dụng là gì, rồi một con đường dẫn lên cao rải rác có nhiều tượng đá, cột đá, bia, « nhà kho » chứa bảo vật, cho đến tận đền thờ Apollon (còn mang tên Phoibos, Helios). Đền này dựng trên một cái nền dài 80m cao 4m, có nhiều ghi khắc những sự việc ; đền nhiều lần bị phá hủy (cháy, động đất, vv.) tuy được xây dựng lại nhưng nay cũng đã điêu tàn. Có một « nhà hát » chứa được tới 4000 người, và trên cao nhất là một sân vận động có thể chứa được tới 7000 người.
Thuở xa xưa, Delphes mang tên Pytho, có một đền thờ Gaia thần « Đất » và Poséidon thần « Biển », đền này có một con quái, một con rắn khổng lồ, gọi là Python canh giữ, làm cho cả vùng kinh sợ. Rồi tới một lúc, có thần Apollon mò tới nơi này, giết con quái Python. [Apollon vốn là con hoang (ngoại tình) của Zeus, mẹ sợ nữ thần Hera vợ chính thức của Zeus ghen, nên bỏ thượng giới để trốn xuống thế gian. Sau Apollon được nhận lại ở thượng giới, đồng thời cũng là thần « Mặt trời » Helios]. Vì giết con quái của thần khác, Apollon bị phạt một thời gian rồi quay trở lại Delphes.
Nơi này là nơi mà truyền ra những « lời sấm » (oracles), từ miệng một nhà nữ tiên tri, một thứ cô đồng, gọi là Pythie (có nguồn cho rằng tên gọi này có lẽ xuất phát từ tên hiệu Pythius của thần Apollon, do địa danh Pytho và do việc thần này giết con quái Python). Cô này vào đền thần Apollon, nhịn ăn, nhai lá nguyệt quế gì đó, uống nước giếng thiêng, rồi « nhập đồng » (en transe), nói ra những lời thần phán khó hiểu, rồi các thày tu phụ tá chép lại và diễn giải dưới dạng thơ những lời sấm đó. Vua chúa, kẻ sang, người hèn, ai muốn biết vận mệnh của mình thì mang đồ lễ đến để xin lời sấm. Sau, loại sấm này phổ biến hơn ; và có các cô đồng nơi này nơi khác tương tự còn được gọi là Sibylle, đặc biệt là Sibylle ở đền thờ Apollon ở Cumes, nhưng đôi khi lại tự cô viết ra lời – có nguồn cho rằng từ đó mà sinh ra cụm từ « propos sibyllins » nghĩa là lời lẽ khó hiểu.
Ở Delphes thuở xưa, có hội đồng quản trị đại diện cho 12 xứ Hy-lạp, cũng có tổ chức những cuộc thi đua, như thi nhạc (Apollon cũng là thần « Nhạc »), rồi sau đó có cả những cuộc thi làm thơ, và thi thể thao, đua ngựa, cứ 4 năm một lần theo kiểu thi đua ở Olympie. Các xứ khác hiến dâng nhiều đồ quí báu. Sau khi Hy-lạp bị đế quốc La-mã thôn tính, đền thờ ở Delphes vẫn được tiếp tục thờ cúng. Mãi đến năm 380, hoàng đế La-mã phương đông Theodose I nâng đạo Ki-tô thành quốc giáo ; việc thờ cúng ở Delphes bị cấm từ 381 (lời sấm cuối cùng là năm ấy).
Vì ít thì giờ, tôi tiếc đã không kịp đi xem những nơi khác ở Hy-lạp như thăm Olympie và thăm đảo Rhodes. Hai địa danh này vốn nổi tiếng, vì đó là hai nơi có « kỳ quan » trong đám « 7 kỳ quan » của thời cổ đại phương tây (theo sự mô tả của Philon de Byzance, sống ở thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên, trong cuốn sách của ông ta De septem orbis miraculis) :
Ở đền thờ Zeus ở Olympie thuở xưa có pho tượng của Zeus khổng lồ, trong thế ngồi, cao 12m không kể bệ kê, bằng vàng và ngà, tô điểm bằng đá quí, hoàn thành vào khoảng năm 430 trước Công nguyên. Tượng này được mô tả trong một số tài liệu cổ, và có vẽ hình trên một số tiền cổ. Đến thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên có được tu sửa. Sau bị mang về Constantinople và bị hủy trong hỏa hoạn vào năm 462.
Ở đảo Rhodes, sau khi đẩy lùi được một cuộc xâm lăng, dân xứ này cho dựng một pho tượng khổng lồ thần « Mặt trời » Helios (cũng là Apollon) bằng đồng đen gần hải cảng. Sau 12 năm xây đúc, tượng được hoàn thành vào khoảng năm 282 (có nguồn lại ghi 262) trước Công nguyên, tượng cao khoảng 33m. Nhưng đến khoảng năm 225 trước Công nguyên, do một trận động đất, tượng bị đổ. Một lời sấm cảnh báo không nên dựng lại tượng ; tượng đổ cứ nằm đó trong gần 9 thế kỉ. Đến năm 654 sau Công nguyên, đảo bị quân A-rập của tướng Mahabiah xâm chiếm, hôi của, phá và đem bán những mảnh đồng vụn cho một thương gia Do-thái. Tương truyền trọng lượng khoảng 20 tấn (?), và phải dùng đến 900 con lạc đà để chuyên chở số đồng vụn này.
Cũng lại tiếc không đi thăm được thăm đảo Crète và di tích lâu đài Cnossos của vua Minos, liên quan đến huyền thoại « Mê lộ ». Lâu đài này rất nhiều phòng, kiến trúc phức tạp, có lẽ vì vậy mà từ đó sinh ra huyền thoại : thần Zeus ham sắc cô công chúa Europa xứ Tyr, mới mò xuống trần gian lập kế bắt cóc cô này đưa đến đảo Crète để hú hí, đẻ ra được 3 con trai, cậu cả là Minos. Bị thần bỏ, bà Europa mới lấy vua Aterios, vua này không có con nên nhận 3 cậu làm con của mình. Khi vua này mất, có chuyện tranh ngôi. Minos cầu sự ủng hộ của Poseidon thần « Biển » bằng cách xây cho thần này một đền thờ, nên củng cố được ngôi của mình ; thần này đòi Minos trả công bằng cách hy sinh một con bò đực mà thần gửi cho vua để cúng thần trong đền đó. Nhưng Minos thấy con bò đẹp quá, mới giữ bò lại, đánh tráo, cúng một con bò khác. Thần giận mới trả thù bằng cách phù phép cho vợ Minos là hoàng hậu Pasiphae mê con bò đực này, đến nỗi bà này lén nhờ kiến trúc sư Dédale sáng chế ra một con bò cái giả rỗng bằng gỗ để mình nằm trong đó, cho con bò đực giao hoan. Do đó mới đẻ ra một con quái Minotaure nửa người nửa bò, không ăn cỏ mà ăn thịt người. Vì vậy nên vua mới sai kiến trúc sư Dédale xây một nơi giam con quái, kiến trúc rất phức tạp ai vào rồi thì không biết lối ra. Rồi tới một lúc, hiệp sĩ Thésée tới đảo, vào Mê lộ giết được con quái Minotaure, và nhờ sự giúp đỡ của nàng công chúa Ariane – nàng phản cha, bày kế cho chàng Thésée bằng cách mắc một sợi dây theo đường vào – chàng mò theo dây tìm thấy lối thoát ra trở ra khỏi Mê lộ ; chàng đem nàng lên thuyền trốn khỏi đảo, hú hí nhưng rồi lại bỏ rơi nàng ở một đảo khác, vv. (Chuyện này tôi đã có dịp kể trong cuốn sách « Học gần Học xa » của tôi, do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và nxb Tổng hợp Tp HCM tái bản 2006). Sau Minos chết và trở thành « phán quan » (quan xử án những ma) dưới Âm phủ.
Vì văn hóa Hy-lạp liên quan đến nhiều nền văn hóa lân cận, tôi thấy đáng nhắc đến câu chuyện chiến tranh Troie, cũng là chuyện nửa thần tiên nửa trần tục. Khởi thủy là một quả táo vàng, trên đó có ghi câu « tặng nàng đẹp nhất » mà Eris, nữ thần « Bất hòa » (Discorde) chơi xỏ, tìm cách vứt lên bàn tiệc một đám cưới thần trên thượng giới, vì tất cả các thần đều được mời, trừ nàng không được mời vì lẽ đương nhiên ! Zeus, thần chúa tể các thần, không muốn tự mình chọn tặng ai trong đám các nữ thần, vì sợ làm mích lòng các nàng, nên chỉ chọn 3 nàng ; rồi vị mới phù phép chỉ định một kẻ trần tục, Pâris, con trai của Priam, vua xứ Troie (nay gần eo biển Dardanelles, thuộc Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay) để chọn đưa quả táo vàng tặng ai. Nghe đâu như vị sai các nữ thần xuống hạ giới giả làm gái trần gian, trao quả táo vàng cho Pâris đang chăn cừu, để chọn tặng cho nàng nào. Chàng này không ngần ngại, cầm đưa tặng ngay Aphrodite (nữ thần « Ái tình và Sắc đẹp »), chẳng sợ mất lòng các nàng khác. Đền công cho Pâris, nữ thần Aphrodite giúp cho chàng chiếm được người phụ nữ đẹp nhất thế gian : Hélène, vợ vua Menelas xứ Sparte. – Nhắc lại là chàng này, tuy là con vua, nhưng lúc sinh ra, đã bị điềm gở : có lời « sấm » cảnh báo rằng chàng lớn lên sẽ làm cho đất nước suy vi. Vua sợ, mới sai người đem giết đi ; nhưng hoàng hậu thương con, lén sai bỏ đứa bé cho bọn chăn cừu, và mang một xác trẻ em khác về trình vua, vì vậy lớn lên chàng mới đi chăn cừu. Sự tích quanh co một hồi, rồi chàng về triều, và được cử đi sứ, do đó mới gặp nàng Hélène, vv. – Nàng này, tuy là gái có chồng, nhưng khi gặp chàng thì « tình trong tuy đã, mặt ngoài còn … », mặc chàng bắt cóc mình mang về xứ Troie. Vua Ménélas mất vợ, và mất thể diện, mới nhờ các vua các xứ Hy-lạp tập hợp thuyền bè quân đội, dưới sự tổng chỉ huy của Agamemmon, vua xứ Mycènes, vây đánh thành Troie. Cuộc chiến kéo dài 10 năm. Lộn xộn phe này phái kia, hiệp sĩ này đấu với hiệp sĩ kia (Pâris, Hector, Enée bên này, Achille, Ulysse bên kia, vv.), thần này bênh phe này, thần kia giúp phe kia, rốt cục nhờ cái mưu kế « Con ngựa [gỗ] thành Troie » mới phá được thành. Chuyện « con ngựa gỗ » là do mưu kế của Ulysse được nữ thần Athena xúi cho : đóng một con ngựa gỗ rỗng thật to, chứa được nhiều người bên trong, giả làm đồ cúng thần Athena, để trên bãi cát, rồi giả bộ rút thuyền bè quân đội đi, nhưng kỳ thật là mang quân núp ở đó không xa. Quân thủ thành ngỡ là đối phương chịu thua rút đi, bèn mở cửa thành, kéo con ngựa vào thành như là một chiến lợi phẩm. Cũng có người can (thày tu Laocoon), nhưng bị thần biển Poséidon sai rắn bóp chết (vì thần này thù dai về một câu chuyện tiền bạc gì đó với bố vua Priam xứ Troie). Tại có thần phù phép, nên quân thủ thành mới u mê đến thế ! Đến đêm, Ulysse và nhóm quân núp trong bụng con ngựa gỗ, chui ra, mở cổng thành cho quân Hy-lạp kéo vào, và như vậy là chiếm được thành, và thắng trận.
Đoạn cuối của cuộc chiến này được kể trong Iliade và Odyssée, tác phẩm truyện thơ của Homère (phỏng đoán sống vào khoảng thế kỉ thứ 8 trước Công nguyên) và trong Enéide, tác phẩm của Virgile (Publius Vergilius Maro, khoảng thế kỉ thứ 1 trước Công nguyên). Chuyện « Chiến tranh Troie » có cơ sở nào hay hoàn toàn là huyền thoại ? Có thuyết cho rằng có, có thuyết cho rằng không. Giả sử rằng thi sĩ Homère là người có thật, ông là người xứ nào, cũng không ai biết chắc, và không chắc ông đã là tác giả của tác phẩm mà sau này người ta gán cho ông, và câu chuyện ông kể cũng xảy ra 4 thế kỉ trước khi ông sinh ra. Còn Virgile thì lại dựa vào tác phẩm của Homère để viết tác phẩm của mình. Có điều là năm 1871, một nhà khảo cổ nghiệp dư, Heinrich Schliemann, dựa trên những tài liệu Hy-lạp cổ, phát hiện ra một « thị xã » (ở bờ biển Egée, phía đông Đại Trung Hải thuộc Thổ-nhĩkỳ ngày nay), gồm 7 « tầng » chồng chất, với dụng cụ, đồ trang sức bằng vàng ngọc ; và niên đại của tầng cổ nhất là khoảng 2500 trước Công nguyên, nghĩa là khoảng 1000 năm trước niên đại câu chuyện vua Priam và chiến tranh. Như vậy cũng có cơ sở để nói rằng thành Troie là có thật, nhưng « thị xã » này nhỏ bé, không phù hợp với chuyện Homère kể số quân vây thành đông đến hơn 10 vạn, và cuộc chiến kéo dài đến 10 năm. Có thuyết cho rằng, thời đó, dân thưa, của ít, các cuộc chiến thường chỉ huy động độ vài ngàn người, và đánh nhau cũng chỉ vài tháng là cùng. Dù cho năm 1876, nhà khảo cổ lại tìm thấy ở Mycènes dấu vết của một « thị xã », lớn và giàu hơn, có thể gán cho vua Agamemnon, do đó có câu hỏi : Vậy thì các vua giàu có, huy động nhau với nhiều công của, thời gian, để đánh chiếm một nơi nhỏ bé, để làm gì ? Có thuyết cho rằng huyền thoại này được đặt ra để tán tụng sức mạnh của Athènes vào lúc manh nha tập hợp các xứ Hy-lạp. Còn chuyện con ngựa gỗ, mà ngành khảo cổ không tìm thấy được một dấu vết nào, phải chăng nó phát nguồn từ sự ra đời lúc đó của những công cụ « công thành » thật lớn ?
3. Thăm Istanbul
Rời Hy-lạp, chúng tôi vội vã đi Thổ-nhĩ-kỳ. Tôi không chú ý lắm đến cái phần « tân » của nước này – lịch sử của nền cộng hòa từ Mustapha Kemal từ 1923 đến này thì nhiều người đều biết – mà chủ yếu tôi bị hấp dẫn bởi cái phần di tích « cổ » của phần đất này, thí dụ như di tích của thành Troie (đã kể trên), hoặc di tích khác như Halicarnasse (Bodrum ngày nay) và Ephese (Selcuk ngày nay), là hai nơi có « kỳ quan » trong đám « 7 kỳ quan » của thời cổ đại phương tây :
Ở Halicarnasse (phía tây nam Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay, có lăng của vua Mausole – và do đó có từ tiếng Pháp « mausolée » trở thành từ ngữ chung đẻ chỉ những lăng mộ lớn – do Artemise II, vợ đồng thời là em gái của vua, cho xây sau vào năm 353 trước Công nguyên. Lăng này cao khoảng 45m, với 36 cột chống một mái đá hình kim tự tháp. Vào thế kỉ 14 sau Công nguyên, đền bị hư hại sau một trận động đất. Vào thế kỉ 15, vùng này bị các hiệp sĩ dòng Malte (chevaliers de l’ordre de Malte của đạo Thiên Chúa) chiếm, và dùng một phần đá tảng đục chạm của đền này để xây một lâu đài chiến lũy, nay vẫn còn.
Ở Ephese thuở xưa có đền thờ Artemis nữ thần « Săn bắn ». Đền này được xây nên vào khoảng thế kỉ thứ 6 trước Công nguyên, trên một nền dài 155m, rộng 60m, với 127 cột chống trạm trổ. Đền này bị cháy vào năm 356 trước Công nguyên đúng vào đêm sinh ra đại đế Alexandre, do đó có truyền thuyết là nữ thần Artemis mải chứng kiến buổi sinh ra đại đế Alexandre, nên không rảnh để tắt lửa cháy đền. (Có vậy thì mới chứng minh được là sinh con thánh !). Sau, đại đế Alexandre cho xây dựng lại một ngôi đến nguy nga hoành tráng hơn, cao 18m, với những cột dát vàng, trong đền chứa nhiều của báu, nhiều tượng đẹp, và đặc biệt là pho tượng nữ thần Artemis. Có nhiều bản sao của tượng này, nhỏ hơn, còn tồn tại trong vài bảo tàng. Trải qua nhiều cuộc xâm lăng cướp phá, đền này bị phá hủy hoàn toàn vào khoảng năm 400 sau Công nguyên dưới thời hoàng đế La-mã phương đông Arcadius. Tương truyền là vật liệu của đền này (đá tảng) được dùng để góp phần xây dựng nhiều nhà thờ Ki-tô giáo lúc ấy đã là quốc giáo của đế quốc La-mã, trong đó có lẽ có cả nhà thờ Saint-Sophie ở Constantinople (Istanbul ngày nay). Tương truyền, Ephese cũng là nơi mất của Đức bà Đồng trinh sinh ra Chúa Ki-tô.
Không thăm được mấy nơi kể trên, chúng tôi đành chỉ thăm Istanbul thôi, nhưng nơi này tự nó cũng có một bề dày lịch sử : một nơi nhưng ba tên gọi đều nổi danh.
Thoạt đầu là Byzance. Vào khoảng năm 658 trước Công nguyên, có những người Hy-lạp đến tụ tập cư ngụ nơi đây. Vua Byzas, sau khi xin lời sấm ở Delphes, quyết định lập nên thành phố này. Có nguồn cho rằng do đó mà có tên gọi Byzance, được sự yểm trợ của nữ thần Rhea, mẹ của Zeus, và của thần Apollon. Nhờ thương mại và địa thế, thành phố này trở nên phồn thịnh, làm cho các xứ khác dòm ngó, xâm chiếm. Đến thời đại đế Alexandre, thành phố này được quyền tự trị. Đến năm 279 trước Công nguyên, thành phố này phải cống cho người Galates (Gaulois) để được yên ổn. Tới năm 146 trước Công nguyên, Byzance bị đế quốc La-mã chiếm. Septime Severe (Septimius Severus), hoàng đế La-mã từ193 đến 211 sau Công nguyên bắt đầu cho xây dựng một số công trình ở nơi đây. Đến năm 324 sau Công nguyên, Constantin (Constantinus) hoàng đế La-mã từ 306 đến 337, quyết định dùng nơi này làm kinh đô của đế quốc La-mã, gọi nơi này là « tân Roma », nhưng sử và người đời ghi nhớ tên kinh đô Constantinople này là từ tên của Constantin mà ra. Đến cuối đời Theodose (Theodosius trị vì từ 379 đến 395), hoàng đế này chia đế quốc La-mã làm hai, cho hai con là Honorius (hoàng đế La-mã phương tây, kinh đô Roma) và Arcadius (hoàng đế La-mã phương đông, kinh đô Constantinople). Đến năm 476, đế quốc La-mã phương tây bị vua nước khác diệt, chỉ còn đế quốc La-mã phương đông, sau gọi là đế quốc Byzantin, tồn tại đến năm 1453, bị vua Hồi giáo (sultan) Mehmet II chiếm. Vua này (trước đó trị vì từ 144 đến 1446, sau từ 1451 đến 1481), đổi tên Constantinople thành Istanbul, kinh đô của đế quốc Ottoman từ đó cho đến 1922. Kinh đô Constantinople thất thủ, mở đầu cho một giai đoạn mới của lịch sử phương tây : thời đại Phục hưng.
Những công trình xây dựng ở Istanbul tóm tắt gồm :
Nhà thờ Sainte-Sophie : Tương truyền hoàng đế La-mã Constantin cho xây nhà thờ này vào năm 325, trên nền một đền thờ thần Apollon thuở trước, để vinh danh thánh Haghia Sophia. Nhà thờ mái gỗ này bị hỏa hoạn vào dịp một cuộc nổi loạn năm 404. Hoàng đế Theodose II cho xây lại năm 415 lại bị hỏa hoạn một lần nữa vào dịp một cuộc nổi loạn khác vào năm 532 dưới thời hoàng đế Justinien I (Justinianus). Nhà thờ được xây lại, sử dụng khoảng 1 vạn thợ, và hoàn thành năm 537. Tường bằng đá hoa, hơn 1 trăm cột được lấy từ đền thờ Artemis ở Ephese về đây để góp phần xây cất. Với sự hiểu biết thời đó, vòm mái nhà thờ cao 56m, hình tròn đường kính 38m, với thời gian trở nên bấy, do đó công trình bị sụp trong một trận động đất năm 558. Được xây lại với một mái thứ nhì hẹp hơn, mái nhà thờ lại bị sụp mấy lần nữa, vào thế kỉ thứ 10 và thế kỉ 14, rồi lại được tu sửa lại. Khi vua Hồi giáo Mehmet II chiếm được Constantinople năm 1453, cho sửa lại thành đền thờ Hồi giáo (mosquée), có thêm 4 cái cột tháp. Đền thờ Hồi giáo này được sử dụng trong 5 thế kỉ, dưới triều đại các vua Hồi giáo Ottoman. Sau khi đế quốc Ottaman sụp đổ, Ataturk lập nền cộng hòa Thổ-nhĩ-kỳ năm 1923, cho sửa thành bảo tàng. Đó là một công trình có giá trị cao, nhưng bảo là đẹp hay xấu thì xin tùy.
« Đền thờ Hồi giáo màu lam » (mosquée bleue), được gọi như vậy do lát bằng mảnh sành (faience) màu lam, là một trong những đền thờ Hồi giáo nổi tiếng nhất ở Istanbul. Đền được xây năm 1609 dưới thời vua Hồi giáo Ahmet I, xây trên nên một lâu đài của thời đế quốc Byzantin, 7 năm mới xong. Khác với những đền Hồi giáo khác, đền này có 6 cộp tháp (minaret) thay vì 4 cái. Bên trong, vòm mái cao 43m, đường kính hơn 23m, có 4 cột chống khổng lồ, khá sáng sủa với 260 cửa sổ, kính ghép màu, tường lát bằng hơn 2 vạn mảnh sành. Ngoài « phòng cầu nguyện » (salle de prière), thuở xưa còn những nhà phụ xây cất bên cạnh : bệnh viện, chợ bách hóa, vv. Nghe kể là nơi đây cũng là nơi thuở xưa tụ họp các tín đồ khởi hành đi hành hương nơi thánh địa La Mecque. Hồi chúng tôi tới thăm nơi này, bên trong thì rất sang, bên ngoài thì đường phố thì rất bẩn, rác rưởi, bùn đất cáu lại, có vẻ như không quét rửa từ hàng bao nhiêu năm. Ngày nay, không biết thế nào.
Hoàng cung Tokapi : Sau khi chiếm được Constantinople năm 1453, vua Hồi giáo Mehmet II cho xây dựng trên một vùng đất cao gần bờ biển Marmara và eo biển Bosphore (eo nối liền biển Marmara và Hắc hải, bờ đông là châu Á, bờ tây là châu Âu) một quần thể cung điện, dần dần được các vua nối nghiệp tu sửa thêm, tức là hoàng cung Topkapi. Quần thể này, trong bốn thế kỉ liền, là nơi ở của 26 vua trong số 36 vua của đế quốc Ottoman, cho tới lúc vua Abdulmecid I vào giữa thế kỉ 19 chuyển sang ở lâu đài Dolmabahçe, bên eo biển Bosphore. Quần thể cung điện này xây dựng trên khoảng 700000m2, gồm mấy trăm phòng, nơi thiết triều, làm việc, thư viện, viện thái y, vv. và một Hậu cung (Harem) rộng khoảng 15000m2 gồm 400 phòng. Nơi Hậu cung này do thái hậu quản, là nơi ở của các phi tần cung nữ tuyển từ mọi địa phương thuộc đế quốc, với một đội hoạn quan da đen canh giữ và hầu hạ. Có nhiều chuyện kể về Hậu cung này, thực hay hư, với nhiều ảo ảnh huyễn hoặc, gây ra bởi lẽ đế quốc Ottoman thời thịnh bao gồm rất nhiều xứ sở Âu Á Phi, (đại khái theo tên gọi địa bàn ngày nay : Hung, Croatie, Bosnie- Herzegovine, Serbie, Montenegro, Roumanie, Moldavie, Bulgarie, Albanie, Hy-lạp, một phần Ukraine, một mẩu nam nước Nga, Géorgie, Azerbaidjan, Kurdistan, Irak, Syrie, Do-thái, Ai-cập, Lybie, Tunisie, Algérie, …) thiếu gì gái đẹp đủ màu sắc, có số lượng mà cũng có phẩm chất, cộng thêm với ấn tượng « Một ngàn đêm lẻ một ». Nhưng sử và dã sử ghi nhiều về ái phi Roxelane của sultan « Suleyman hoành tráng » (Suliman le Magnifique), vốn là một vị vua giỏi, trị vì từ 1520 đến 1566. Bà này (1505-1558) vốn là gốc người Nga (có nguồn kể là người Ukraine), tên là Aleksandra Lisowska, thuở nhỏ bị bắt cóc, bị bán làm nô lệ ; có nguồn kể rằng nàng được vizir (thừa tướng) Ibrahim mua và đem dâng cho vua Suleyman. Không có hình ảnh của nàng này, lời chứng duy nhất là của sứ thần Bragadino xứ Veniza và theo ông này thì nàng tuy không đẹp nhưng duyên dáng. Rất thông minh và nàng quyến rũ được vua, mà đẻ được 4 người con trai. Nhưng vì thông lệ của đế quốc Ottoman là quyền nối nghiệp trao cho người con trai cả, và khi vua mới lên ngôi, phải « gạt » các hoàng tử khác ra khỏi chính quyền để giữ thống nhất cho đế quốc và tránh hậu hoạn ; đã có trường hợp vua mới lên ngôi giết hết anh em của mình, hoặc giam cầm cho đến lúc chết. Roxelane sợ cho con mình, và cho địa vị của mình, vì lúc đó vua Suleyman đã có một người con trai tên là Mustafa do vợ cả sinh ra, đã lớn và rất được lòng quần thần, đặc biệt là thừa tướng Ibrahim, và dân chúng. Có nguồn kể rằng (thực hay hư ?) Roxelane gièm pha, và xúi vua cho giết Ibrahim (thừa tướng trong 13 năm và rất thân cận với vua, bị vua sai bóp cổ chết). Rồi thân cận của vua bắt được một lá thư (giả) của hoàng tử Mustafa gửi cho vua xứ Ba-tư nhờ sự giúp đỡ của vua này để lật vua Suleyman cha mình. Được tin này, Mustafa một thân một mình, tay không, vội vào gặp vua cha để thanh minh, bị chính vua Suleyman (khóc và) giết ngay tại chỗ. Còn lại 4 người con trai của Roxelane. Người con đầu chết sớm. Nguời con thứ nhì thì mắc bệnh động kinh. Người con thứ ba Bayezid, thông minh nhưng là người tàn ác ; Roxelane ưa người con út vì cho rằng người này hiền lành, nếu lên ngôi sẽ không giết các anh mình. Sự việc không diễn ra như vậy, hai anh em kình địch nhau ; Bayezid trốn sang xứ Ba-tư, sau bị trục xuất, và bị vua cha sai giết. Roxelane chết cùng năm đó, trước chồng 8 năm. Người con út nối ngôi là một vua xoàng. Mộ bà và mộ vua Suleyman cùng ở trong đền thờ (mosquée) mang tên Suleymaniye ở ngay Istanbul (không xa hoàng cung), là một trong những đền thờ Hồi giáo đẹp và to nhất nơi này : cao khoảng 50m, rộng 61m, dài 70m, có 138 cửa sổ làm cho phòng cầu nguyện rất sáng sủa, phải 7 năm mới xây xong.
Đến năm 1924, thời cộng hòa, Ataturk ra lệnh chuyển hoàng cung này thành bảo tàng. Đền Suleymaniye tiếp tục vẫn là đền.
Đế quốc Ottoman khởi đầu từ một vương quốc nhỏ bé đầu thế kỉ 14, vua Osman I và các vua nối nghiệp dần dần lấn chiếm, khuếch trương đất đai ; đến đời vua, Mehmet II chiếm được Constantinople năm 1453, đổi tên thành Istanbul và đặt kinh đô ở đó, kinh đô này tồn tại từ đó cho đến 1922, (đến thời cộng hòa Thổ-nhĩ-kỳ thì thủ đô chuyển sang Ankara). Đến cuối thế kỉ 16 thì bắt đầu suy, dần dần cho đến 1922 thì hết. Trong năm thế kỉ tồn tại, đế quốc này cũng để lại nhiều dấu ấn. Đất đai của đế quốc này bao gồm nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau (Thiên chúa, Ki-tô chính thống, Do-thái, vv.) ; thời thịnh, tuy Hồi giáo là tôn giáo chính, nhưng các vua (sultans) thường là có thái độ khoan dung. Việc triều chính thì giao cho một vizir (thừa tướng), không cứ phải là người Thổ-nhĩ-kỳ (từ 1453 đến 1623, trong số 47 thừa tướng, chỉ có 5 người gốc Thổ-nhĩ-kỳ). Đó cũng là một đặc điểm về cách dùng người : bắt cóc trẻ em thuộc các tộc châu Âu đạo Ki-tô, mang về nuôi dạy theo đạo Hồi, có tài thì dùng, trong cơ quan hành chính cũng như trong quân đội, thí dụ như có một đạo tinh binh, gọi là janissaires, gồm những người gốc Âu như kể trên.
Thời điểm 1453 khi sultan Mehmed II chiếm được Constantinople được sử phương Tây ghi là chấm dứt thời Trung cổ, và những nhà học giả, bác học, nghệ sĩ từ Byzance di cư sang phương Tây, góp phần tạo nên thời kỳ gọi là Phục Hưng. Nhưng trong thịnh thời của đế quốc Ottoman, những minh quân cũng thu hút nhiều nhân tài từ phương Tây tới đóng góp nên sự phồn thịnh của đế quốc này nói chung, và của Istanbul nói riêng. Tuy vậy, con đường bộ thông thương Âu Á, một thời được sự che chở khuyến khích của đế quốc Byzantin, cũng bị gián đoạn lúc Constantinople thất thủ, và hậu quả là nhiều nhà thám hiểm đã dùng đường thủy, tạo nên một tình trạng mới …..
4. Thăm Venizia.
Tôi có hai lần tới Venizia (tiếng Pháp là Venise), một lần vào năm 1962 trong dịp đi nghỉ hè xả hơi sau khi bảo vệ luận án, và một lần năm 1967 trên đường đi Nam-tư. Venizia là thủ phủ của tỉnh Vénétie hiện nay của nước Ý được du khách hâm mộ, vì vị trí và kiến trúc đặc biệt, vì xây dựng trên những phá, bãi sình lầy. Giữa những nhà cửa, lâu đài, nhà thờ, quảng trường, là những kênh lạch thay cho các đại lộ. Di chuyển nơi đây là bằng thuyền gondole, một thứ thuyền mũi cong, đáy bằng.
Tôi nhớ hình ảnh đầu tiên hấp dẫn tôi là cái đồng hồ : đặt trong cái lầu Torre dell’Orologio ; lầu xây năm 1493 và khánh thành năm 1499, đồng hồ này là một trong những đồng hồ cổ nhất, mỗi lần điểm giờ thì mấy chiếc tượng đồng đen thật lớn cử động, cầm vồ đập vào chuông. Đấy cũng là lần đầu tiên mà tôi « phát hiện » ra rằng con số 4 La-mã dùng cho đồng hồ, không viết là IV mà là IIII, còn gọi là con « số 4 đồng hồ ». Quảng trường San Marco là một tứ giác, phía đông là nhà thờ San Marco (thế kỉ 11), kiểu kiến trúc Byzantin, với 5 mái vòm, dần dần được tô điểm thêm cho đến tận thế kỉ 15, bên trong bên ngoài trang trí rất là sang. Còn lại là các tòa kiến trúc dãy cuốn (arcades) « Procuraties » (thế kỉ 16- thế kỉ 19) ; một gác chuông cao 96m, có từ thế kỉ thứ 9, được xây lại đầu thế kỉ 20 sau khi bị sụp. Hướng về phía nam là lâu đài của các Doges – thống lĩnh (thế kỉ 14 và 15) – nơi ở đồng thời cũng là trụ sở của cơ quan, kể cả phòng xử án. Thuở xưa, lâu đài này còn chứa cả « nhà tù », gồm các phòng giam tội nhân ở tầng cao nhất sát mái nhà, mà mái này lại lợp bằng chì, cho nên mùa hè rất nóng, có khi tới 50 độ. Do đó, phòng giam tù đặc biệt này còn mang tên là « i plombi » (nghĩa là [nhà tù] « chì »). Sau còn xây một nhà tù khác, gọi là nhà tù « giếng » vì ở dưới hầm, luôn luôn ẩm và lạnh, đôi khi ngập vào mùa nước to. Trong đám tù quan trọng bị giam nơi đó, có Casanova (1725-1798), một tay nổi tiếng về tài quyến rũ rất nhiều phụ nữ, sau trốn thoát ra được ra khỏi nhà tù này. Nhà tù ngay bên bên cạnh lâu đài, từ phòng xử án sang nhà tù chỉ cách một cái lạch, nối liền bằng cái « cầu thở dài » (pont des soupirs), vì các tội nhân thuở xưa đi qua cầu đó biết rằng mình nhìn thấy thành phố và lạch lần cuối.
Venizia cũng nổi tiếng vì hội cacnavan (carnaval) hằng năm, thời Phục hưng có khi kéo dài cả mấy tháng ; thời nay diễn ra mười ngày trước « ngày lễ tro » (mercredi des cendres, ngày đầu mùa chay của đạo Ki-tô), năm nay vào khoảng tháng 2. Ngày hội, giàu nghèo sang hèn đều có thể tham dự, áo quần tô điểm rực rỡ, thanh nhã hay nhố nhăng tùy thích, lại đeo mặt nạ, chẳng biết ai là ai. Có thời bị cấm vì phóng túng quá đáng, sau lại được phục hồi, nay hằng năm vẫn diễn ra.
Nói tới Venizia cũng là dịp nhắc lại lịch sử của « Cộng hòa quí tộc » nơi này, một quốc gia dần dần hình thành thời Trung cổ bắt đầu từ thị trấn này (hình thành từ thế kỉ thứ 5), rồi lan rộng ra xung quanh, đặc biệt kể từ thế kỉ thứ 10, bao gồm cả những phần đất vùng duyên hải biển Adriatique, tây Địa Trung Hải, và Bắc nước Ý. Đây là một loại cộng hòa đặc biệt, quyền hành tập trung trong tay một số gia đình, đồng thời tránh không để biến thành một vương quốc. Một đại hội đồng bàu ra một « thống lĩnh » (Doge), một thứ quốc trưởng trọn đời, nắm quyền hành pháp và tư pháp, nhưng không được cha truyền con nối. Cạnh ông Doge, còn có một hội đồng, cơ quan tối cao của Cộng hòa. Trải qua nhiều thế kỉ, Cộng hòa Venizia có lúc này lúc nọ bao gồm cả đảo Chypre, đảo Crète, Corfou (nay thuộc Hy-lạp) vv. chủ yếu là những nơi cần thiết cho việc thông thương bằng đường thủy, và do đó Cộng hòa này cũng chăm chú trang bị thủy quân của hùng mạnh để bảo đảm việc thông thương này. Một trong những trận thủy chiến nổi tiếng ở Địa Trung hải, với sự tham gia của Cộng hòa Venizia là trận ở Lepante (Hy-lạp) năm 1571 : 213 thuyền ga-le của liên minh Venizia và Tây-ban-nha phá tan hạm đội gồm 300 chiến thuyền của đế quốc Ottoman. Trong trận này, với mấy vạn quân mỗi bên, trong số hàng vạn người chết và bị thương, có đô đốc Hồi giáo Ali Pacha tư lệnh hạm đội Ottoman bị chém đầu, và một chiến sĩ Tây-ban-nha bị cụt một tay trái. Người chiến sĩ Tây-ban-nha này nói : « Tôi còn cánh tay phải, tôi còn viết được » ; đó là Cerventès (1547-1616) văn sĩ tương lai, tác giả của cuốn Don Quijote de la Mancha. Thủy quân của Cộng hòa Venizia còn có dịp được nói tới trong sử : Khi sultan Mehmed II tiến đánh Constantinople năm 1453 với mấy chục vạn quân và một hạm đội hùng mạnh, thì hoàng đế xứ Byzance này là Constantinus XI cùng quẫn, phải gửi sứ giả đi cầu cứu các nước phương Tây. Các vua chúa phương Tây và cả giáo hoàng đều lờ, chỉ có Venizia gửi mười chiếc tàu lớn đến cứu trợ, nhưng không có gió, tàu không tới được, và Constantinople rơi vào tay Mehmed II như đã kể trên đây.
Về mặt kinh tế, Cộng hòa Venizia đóng vai trò trung gian giữa các xứ phía tây và các xứ phía đông Địa Trung Hải, nhờ vậy mà phồn thịnh. Bắt đầu từ thế kỉ 16, Cộng hòa này bắt đầu suy thoái, về mặt ảnh hưởng chính trị cũng như về mặt đất đai, mặc dù đó là thời huy hoàng của họ về mặt văn hóa nghệ thuật. Đến năm 1797, Cộng hòa sụp đổ khi tướng Cộng hòa Pháp Bonaparte (hoàng đế Napoléon I tuơng lai) mang quân đánh mấy xứ thuộc Italia ngày nay. Sau một thời gian thuộc Áo, Venizia và xứ Vénétie sát nhập vào nước Ý ngày nay.
Ở đây, tôi chỉ nói tới Venizia, tuy trong hai chuyến đi thăm nước Ý, tôi còn thăm Pisa (tiếng Pháp gọi là Pise), Firenze (Florence) và Roma (Rome), nhưng tôi đã viết về các nơi này trong cuốn « Học gần Học xa » rồi.
5. Thăm Tây-ban-nha
Vào năm 1960, 1961, sau khi đi làm một thời gian, kinh tế cá nhân khá hơn, tôi mới bắt đầu dám nghĩ đến việc đi đó đi đây chút ít để tìm hiểu thế giới bên ngoài nước Pháp. Và tôi đã chọn Tây-ban-nha làm bước đầu, tuy rằng thời đó còn chế độ độc tài của tướng Franco, gây ra chút ngần ngại. Nhưng vợ tôi vốn biết tiếng Tây-ban-nha, và chúng tôi vốn bị hấp dẫn từ lâu về nền văn minh của xứ này, qua việc học sử và văn học sử Pháp lúc còn học trung học. Vào những năm đó, mức sống ở Tây-ban-nha còn rất thấp, xe cộ ít, đường đi dễ dàng vắng vẻ, xe hơi muốn đỗ chỗ nào cũng được. Khách sạn sang dọc đường luôn có chỗ : đó là những lâu đài cổ chữa thành khách sạn (paradores) để câu khách du lịch, nên tha hồ lê la.
Về lịch sử, dân sở tại thuở xưa là người Ibères, sau đến người Celtes tới nhập cư, rồi đến khoảng thế kỉ thứ 9 trước Công nguyên, người Pheniciens, Hy-lạp, Carthage thành lập những « comptoirs » (thương quán/thương điếm) ở vùng bờ biển Địa Trung hải. Đến thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên, người La-mã chiếm xứ này, cho đến khi đế quốc La-mã phương Tây sụp đổ vào thế kỉ thứ 5 sau Công nguyên. Lúc đó, có những tộc phương Bắc xuống chiếm, đặc biệt là người Wisigoths. Đến đầu thế kỉ thứ 8 sau Công Nguyên, người A-rập chiếm, và đặc biệt trở thành một vương quốc Hồi giáo riêng dưới triều đại Omeyyades đóng đô ở Cordoba. Vua Hồi giáo Abd er-Rahman I là vua giỏi, nhưng không bình được các vùng núi phía bắc vẫn thuộc người Thiên chúa giáo. Cordoba còn để lại tương đối ít « dấu vết vật thể », mặc dù đã là một trong những thành phố nổi tiếng nhất thời Trung cổ phương Tây. Công trình kiến trúc nổi bật còn lại ngày nay là đền thờ Hồi giáo được xây dựng trong 5 đợt từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ thứ 10, vòm và cột xen lẫn đá tráng với gạch đỏ, diện tích rất rộng, có nguồn ước lượng là có thể chứa được tới hơn ba vạn tín đồ. Sau khi các vua Thiên chúa giáo « tái chiếm » (Reconquista), nơi này biến cải thành nhà thờ Thiên chúa giáo chứ không bị phá hủy.
Vương quốc Hồi giáo này trở nên cực thịnh vào thế kỉ thứ 10, nhưng tồn tại đến thế kỉ 11, thì phân tán thành nhiều nước nhỏ (taifas). Trong đám đó có vương quốc của vua Hồi giáo Mohammad al Motamid với kinh đô Sevilla. Đến năm 1248, thì vua Thiên chúa giáo Fernando III các xứ Castilla và Leon, « tái chiếm », đóng đô ở đó.
Một trong những nơi thăm, để lại cho tôi nhiều ấn tượng, là Santiago de Compostela (Saint-Jacques de Compostelle), thủ phủ của xứ Galicia, tây bắc Tây-ban-nha, đặc biệt là ngôi nhà thờ lớn nơi đây, xây từ thế kỉ 11. Tương truyền là thánh Santiago (tiếng Pháp là thánh Jacques) – nhưng có 2 ông thánh Jacques, một ông gọi là thánh Jacques le Majeur, ông « cả » , và một ông thánh Jacques le Mineur, ông « thứ » ; đây là chuyện ông « cả » – tông đồ của chúa Ki-tô, từ đất thánh sang truyền bá đạo Ki-tô ở xứ Galice, rồi lại trở về Jerusalem, rồi bị giết vào khoảng năm 41-43 sau Công nguyên, trong những đợt đầu đàn áp đạo Ki-tô. Sau đó, hai đệ tử mang xác ông lên thuyền, rồi có thiên thần hướng dẫn, lại trở lại nơi truyền giáo xứ Galice, chôn trong một nghĩa trang La-mã, và bị quên đi. Đến thế kỉ thứ 9 (năm 813), một ẩn sĩ tên là Pelage, được một ngôi sao sáng chỉ đường, tìm được mồ chôn ông Santiago. Vua Thiên chúa giáo (Alphonse II ?) xứ này nghe tin, sai xây nhà thờ tại nơi này. Vào năm 844, trong trận Clavijo giữa quân Hồi giáo và quân Thiên chúa giáo, tương truyền là thánh Santiago hiện ra giúp quân Thiên chúa giáo thắng trận. Từ đó, thánh này trở thành « linh hồn » của các cuộc chinh chiến chữ thập sau đó. Thời Trung cổ, sự tôn thờ thánh Santiago rất thịnh, và tín đồ hành hương đổ về Santiago de Compostela rất đông. Dần dần, với thời gian, khách hành hương còn ăn mặc theo một qui định, quần áo, mũ đội, giày dép, bị gậy, dễ nhận ra nhau ; và cũng là một cách để dễ được nhận trú ngụ một cách an toàn ở những trạm dọc đường. Những tín đồ nào đi từ Paris thì tụ tập nhau ở chân đài Saint-Jacques (nay còn tồn tại, tọa lạc giữa quảng trường Châtelet và tòa Thị chính), trước khi đi dọc theo phố Saint-Jacques ra ngoại ô, rồi xuống miền nam.
Hình tượng trưng cho cuộc hành hương là chiếc vỏ trai, mà tín đồ nhặt ở bờ biển xứ Galicia. Nhặt một chiếc vỏ trai mang về là cách chứng tỏ rằng mình thực sự đã có chuyến đi hành hương đó. Nhưng sau chẳng cần phải tự nhặt nữa, mà có thể mua ngay ở trước nhà thờ. Tương truyền có một ông hoàng đi hành hương, bị con ngựa bất kham lồng lên làm ngã xuống biển, được thánh Santiago hiện lên cứu thoát chết đuối, mà ông này lại được nhiều con trai dính trên quần áo ; từ đó con trai đặc sản nơi đây được gọi là coquille Saint-Jacques (tên gọi bằng tiếng Pháp, và là một món ăn khá sang).
Lại còn câu chuyện này nữa : Vào năm 1020, hai bố con một người Đức trên đường đi hành hương, dừng chân ở một quán trọ. Chủ quán chuốc rượu cho họ say mèm, rồi bỏ vào cái đãy của họ một chiếc bình bạc. Sáng hôm sau, chủ quán kêu mất trộm, và khi quan cho khám thì tìm ra cái bình bạc trong hành lý của bố con người khách trọ kia. Mặc cho họ kêu oan, quan tòa xử : lấy tất cả của cải của hai cha con này đền cho chủ quán, và bắt một trong hai cha con phải chịu tội chết treo cổ. Cha muốn chết thay con, con muốn chết thay cha ; rốt cục, người con bị treo cổ. Người cha đau đớn vô cùng, nhưng tiếp tục hành hương. Ba mươi sáu ngày sau, trên đường từ Santiago de Compostela trở về, người cha tìm đến nơi người con bị treo cổ, than khóc ; bỗng thấy người con bảo : « Cha ơi, đừng khóc ; con được thánh Santiago phù trợ, nuôi sống đến bây giờ ». Dân chúng thấy chuyện phép lạ của thánh, xúm lại xem và cởi dây cho người con. Và rốt cục là người chủ quán tham lam bị phát hiện ra là đã đổ vu, và bị treo cổ. Quả là, khi người ta đã tin thì chuyện gì cũng chấp nhận.
Trở lại câu chuyện những lực lượng Ki-tô giáo đẩy mạnh « Tái chiếm » đất đai bị mất vào tay người Hồi giáo. Đến năm 1492 vào thời hai vợ chồng « vua Thiên chúa giáo » – năm 1469, vua (bà) Isabel xứ Castilla và vua Fernando II xứ Aragon kết hôn, và cùng chung làm vua ; hai vua này rất mộ đạo nên được mệnh danh là các « vua Thiên chúa giáo » (tiếng Pháp là « Les rois catholiques) – thì vương quốc Hồi giáo cuối cùng bị diệt. Vua Hồi giáo xứ Granada (tiếng A-rập là Gharnata, tiếng Pháp là Grenade) là Muhammad XII (còn gọi là Boabdil), vì cha con bất hòa mà sinh nội loạn. Bố là Abu al-Hasan Ali bỏ vợ Hồi giáo là Aïcha, để lấy vợ Thiên chúa giáo là Isabel de Solis (còn gọi là «cautiva » – nàng « bị cầm tù ») ; Boabdil bênh mẹ, được mẹ giúp lật bố đưa lên ngôi, bè phái bố con chống nhau, làm cho triều đình rối loạn. Lợi dụng tình thế đó, hai vua Thiên chúa giáo tấn công, vua Boabdil chịu hàng, nộp thành cho đối phương, và được rút chạy an toàn. Tương truyền, khi chạy đến mỏm núi Padul, ngoảnh lại nhìn cung điện Alhambra lần cuối, Boabdil khóc ; bà mẹ mới mắng rằng : « Mày khóc như một người đàn bà cái cơ đồ mà mày đã không giữ nổi như một người đàn ông ». Nơi này được gọi là « Aqui, Suspiro del Moro » (nơi người Moro thở than) – Moro trên nguyên tắc là để chỉ tộc người Tây Bắc Phi, nhưng đây là chỉ cả những người Hồi giáo ngự trị trên đất Tây-ban-nha. Alhambra (« cung điện đỏ ») được xây dựng vào thế kỉ thứ 11 trên một thành cổ có từ thế kỉ thứ 9, rồi mở rộng vào thế kỉ 13 và 14, là một trong những kiến trúc cổ Hồi giáo đặc sắc trên đất Tây-ban-nha. Có một bản nhạc cổ khá hay mang tên « ông vua Moro để mất Alhambra ».
Có hai câu chuyện vặt thời này :
Trong cung điện Alhambra, có một cái đài gọi là « đài các công chúa ». Tương truyền đài này là nơi ở của 3 công chúa Hồi giáo xinh đẹp (có nguồn kể là 3 nàng là con gái của bà hoàng Thiên chúa giáo Isabel de Solis đã kể trên). Sau khi sinh ra, ba nàng được/bị nuôi dưỡng ở một cung khác gần biển, xa mẹ. Một hôm, từ đài cao, ba nàng nhìn thấy ở xa, ba chàng hiệp sĩ Thiên chúa giáo tù binh bị giải qua. Ba nàng mê ba chàng. Vua sai giam ba chàng trong đài Bermejas (phía nam của cung điện Alhambra), và đưa ba nàng về sống trong « đài các công chúa ». Các nàng buồn bã, cho tới ngày mà số mệnh được thay đổi, nghe thấy tiếng đàn và câu hát của các chàng : « Hãy gói giọt nước mắt của nàng trong chiếc khăn tay, để tôi đem cho thợ kim hoàn dát vàng thành đồ trang sức ». Thế rồi vua cho phép ba nàng được lấy ba chàng. Đám cưới linh đình, rồi hai nàng lớn lên ngựa theo chồng ra đi, nàng út rút rát không dám rời đài, sau chết ở nơi này, và các bà già còn kể là những đêm vào tháng năm, trong đài còn thoảng nghe đâu đó như tiếng đàn của cô công chúa út. Câu chuyện kể lù mù, chỉ có thể phỏng đoán : thời cuối của vương triều Hồi giáo ấy, đất Tây-ban-nha chia ra vụn vặt nhiều vương quốc nhỏ, vua các xứ lấn chiếm lẫn nhau, đôi khi vua này giúp vua kia lấn xứ nọ, có khi chẳng phân biệt đồng minh mình cùng đạo hay khác đạo mình. Chiến trận liên miên, bắt được nhà quyền quí đối phương, có khi không giết mà giữ lại để bắt trả tiền chuộc. Ba nàng công chúa là con bà vợ Thiên chúa giáo của vua cha Hồi giáo, rồi lại vua cha vua con đấu nhau, nên mới bị nuôi dưỡng xa mẹ. Phải chăng 3 chàng hiệp sĩ kia là người Thiên chúa giáo, bị giam chờ được chuộc ? Và khi được chuộc, hay khi thay đổi đồng minh, thì địch lại trở thành thân ?
Lại một giai thoại khác dưới thời vua Boabdil. Có chàng thiếu niên tên là Benito sống với em gái, tuy nghèo và mồ côi nhưng anh em rất thương yêu hòa thuận. Nhưng dân vùng này nổi loạn ; vua sai quân dẹp loạn, dẹp xong, bắt tù binh và bắt cả dân thường, trong đó có em gái của Benito mang về kinh. Benito thương em, lần về tận kinh thành, và cố hết sức để lọt vào buổi chầu mà nhà vua dành cho dân – bởi theo lệ, các vua Hồi giáo có những buổi chầu dành cho dân, giàu nghèo sang hèn, có thể khiếu nại kêu oan thẳng lên vua. Khi vua xuất hiện, Benito lớn tiếng kêu oan cho em, rằng em gái mình mới 16 tuổi không thể là người phiến loạn, mong nhà vua cho thả ra. Trước sự thành khẩn của chàng thanh niên 18 tuổi này, nhà vua ra một điều kiện : Ba ngày nữa sẽ có bữa yến tiệc lớn của nhà vua, nhưng còn thiếu món lợn rừng ; nếu Benito săn được lợn rừng dâng vua, thì em gái sẽ được phóng thích. Chàng mang khẩu súng hỏa mai vào rừng, rình bên bờ suối, đến sáng ngày thứ ba thì thấy hai con lợn rừng, con trước con sau, tới uống nước. Chàng nổ súng, con đi trước bỏ chạy, con đi sau đứng trơ không động. Ngạc nhiên, lại gần chàng mới hiểu : con đi sau là con lợn rừng vốn mù cả 2 mắt, ngậm đuôi con lợn rừng đi trước dắt đi. Phát súng đã cắt đuôi con lợn đi trước, cái đuôi vẫn còn ngậm trong mồm con lợn mù. Chàng nảy ra một ý, cầm cái đuôi cụt để dắt con lợn mù – nó cứ tưởng là vẫn theo con lợn kia dẫn đường – về đến kinh đô. Dân chúng thấy lạ, theo chàng tới tận cung vua. Vua giữ lời hứa, cho chàng dắt em về, và cũng « ân xá » cho con lợn rừng mù và nuôi nó trong chuồng. Sau khi vua Boabdil mất nước, Benito theo phò vua Thiên chúa giáo Fernando lập nhiều công lao, được phong tước và được phép dùng hình con lợn rừng trong « huy hiệu » – các nhà quí phái phương Tây thuở xưa đều có « huy hiệu » (armoiries : hình biểu tượng, khẩu hiệu, vv.) riêng của mình. Có điều là câu chuyện không kể rõ Benito trở thành hầu tước, bá tước, hay nhà quí phái gì … Và cũng lạ : người Hồi giáo kiêng thịt lợn, sao đây lại nói tới thịt lợn cho bữa tiệc ? Hay tại là lợn rừng ?
Giai đoạn trị vì của hai vua « Thiên chúa giáo » là sự kết thúc của sự « Tái chiếm » và buớc tiến tới sự thống nhất nước Tây-ban-nha. Nhưng ngay từ 1480, hai vua này thiết lập « Tòa án dị giáo » (Inquisition) ; và năm 1483 với viên « quan tòa dị giáo » (Grand Inquisiteur) Tomas de Torquemada gây ra nhiều vụ án xử « người dị giáo » (hérétique : bị nghi là « giả tin » ở Thiên chúa giáo) bị tra khảo tàn nhẫn, mà kết quả là tử hình bị đốt trên giàn thiêu, và của cải của người bị tội bị tịch thu. Năm 1492, khi « tái chiếm » xong, khác với không khí khoan dung của các triều đại trước, hai vua « Thiên chúa giáo » buộc những dân theo đạo Do-thái hoặc theo đạo Hồi, phải theo Thiên chúa giáo, hoặc bị trục xuất. Cũng vào năm 1492, nhà thám hiểm Christophorus Colombus (gọi theo tiếng La-tinh, còn tiếng Pháp là Christophe Colomb) được sự phó thác và hỗ trợ của « hai vua Thiên chúa giáo », phát hiện ra châu Mỹ la-tinh. Rồi với bọn Conquistadores lấn chiếm và khai thác một cách tàn nhẫn và triệt để nguồn vàng bạc của các xứ mới chiếm ở châu Mỹ này, vương quốc của « hai vua Thiên chúa giáo » trở thành một đế quốc giàu có và hùng mạnh nhất thời đó.
Những giai đoạn sau, thuộc sử của Tây-ban- nha đã thống nhất, tóm tắt như sau :
Năm 1700, cháu vua Pháp Louis XIV, mà bà vợ đầu là một công chúa Tây-ban-nha, lên ngôi vua xứ này, đó là vua Philippe V mở đầu triều đại Bourbon nước Tây-ban-nha. Dưới thời hoàng đế Napoléon I, Pháp chiếm Tây-ban-nha một thời gian. Tây-ban-nha suy nhược và mất hầu hết các thuộc địa vào thế kỉ 19. Nền Cộng hòa thứ nhất chỉ tồn tại được một thời gian ngắn ngủi (1873,1874). Nền Cộng hòa thứ nhì cũng chỉ tồn tại được vài năm (từ 1931), đến 1936 xảy ra cuộc nội chiến trong 3 năm, kết thúc là nước này rơi vào chế độ độc tài của tướng Franco. Khi viên này chết (1975), chế độ quân chủ lập hiến được lập nên, và vua hiện thời Juan Carlos vẫn thuộc dòng họ Bourbon.
6. Inquisition (Tòa án dị giáo)
Nhắc lại là thuở sơ khai của đạo Ki-tô, giáo hội chỉ trừng phạt những kẻ « lỗi đạo » bằng những hình phạt « tinh thần » bằng cách « rút phép thông công » (excommunication), nghĩa là một cách khai trừ ra khỏi đạo. Tới thời hoàng đế La-mã Constantinus 1 « đồng hóa » việc không tin đạo với việc khi quân, và đem xử người không sùng đạo, kết tội tịch thu gia sản, bỏ tù, và có khi xử tử. Có ngưồn cho rằng mặc dù đầu thế kỉ 12, còn tồn tại trong giáo hội Thiên chúa giáo những tư tuởng kiểu như « fides suadenda, non impodenda » (nghĩa là phải thuyết phục lòng tin, chứ không nên ép buộc) của tu sĩ Bernard de Clairvaux (1090-1153), sự hiện diện của nhiều luồng tư tưởng không chính thống, hơn thế nữa, bị qui là « tà đạo » chống chính thống, làm cho vua chúa và các nhà quyền quí đàn áp tàn khốc.
Trên nguyên tắc, trong mục đích làm giảm sự tùy tiện độc đoán quá mức trong việc xử án của vua chúa và của các giám mục của giáo hội này, (nhưng kết quả thì lại ngược lại), năm 1231, giáo hoàng Gregorius IX (làm giáo hoàng từ 1227 đến 1241, tên tục là Ugolino di Segni), – thuở ấy, đạo Thiên chúa đang là quốc giáo ở Pháp –, đặt ra một Tòa án đặc biệt trực thuộc giáo hoàng, gọi là « Tòa án xử dị giáo », với những qui định « rõ rệt », mang tên Inquisitio hereticae pravitatis với nhiệm vụ phát hiện ra và trừng phạt những kẻ « dị giáo » (hérétiques) hay là những người theo đạo « không thành thật » : xử tử dưới dạng đưa lên dàn thiêu những kẻ ngoan cố ; tù giam hay phạt tội « tôn giáo » (trai giới, hành hương, …) những người « hối cải » ; rút phép thông công những tín đồ Thiên chúa giáo giúp đỡ những người dị giáo. Cách tiến hành « thẩm tra » của Toán án xử dị giáo này cũng « tinh vi » lắm : những người bị tình nghi bị giam riêng nhiều ngày, bắt nhịn đói, được hứa sẽ giảm tội nếu biết hối cải, và khai báo « tất cả sự thật » về thân nhân và những người quen biết của mình. Đó là cách rất hữu hiệu làm cho sự tố giác đổ vấy tràn lan.
(Tôi không hiểu dịch « dị giáo » có phù hợp không hay là là phải dịch là « nghịch đạo » ?). Các viên thẩm phán của Tòa án này, có quyền và nhiệm vụ tự tìm những người bị nghi là « dị giáo », chứ không cần phải đợi ai tố cáo hay thưa kiện. Nhưng sự ra đời của Tòa án này đã nhanh chóng mang lại « hiệu suất » cao, và gây ra rất nhiều đau khổ, đặc biệt là trong vụ đàn áp những người theo « đạo cathare » ở vùng nam nước Pháp. Nhưng theo nguyên tắc Ecclesia abhorret sanguinem, (nghĩa là giáo hội không giết người!), cho nên mới đẩy trách nhiệm hành quyết sang phía quyền tư pháp của nhà vua và các ông bà hoàng – một thứ « chính quyền hóa » việc giết người, nghĩa là đẩy gánh nặng trách nhiệm lên vai người khác! Nhưng rốt cục, người ta qui trách nhiệm chính cho cái «ý đồ »: thí dụ như cái ông thánh Thomas d'Aquin thuyết rằng « giả tin đạo » còn nặng hơn là « làm bạc giả », vậy mà « làm bạc giả » còn bị tội chết, huống hồ là « giả tin đạo ». Giáo hoàng Gregorius IX trao sứ mạng thực hiện những luật lệ của Tòa án dị giáo trên toàn lãnh thổ đế quốc Thiên chúa giáo Giéc-ma-nic (Saint Empire germanique) cho tu sĩ Conrad de Marbourg, nhưng viên này áp dụng hung dữ quá đáng, nên bị ám sát vào tháng 7 năm 1233. Trước đó vài tháng, ngày 22/4/1233, giáo hoàng Gregorius IX hạ lệnh áp Tòa án dị giáo áp dụng ở Pháp.
Trong các nạn nhân vùng Nam nước Pháp, chủ yếu là những tín đồ của đạo Cathare. « Xứ Cathare », thực mà cũng không hẳn là thực, tồn tại vào khoảng những năm 1150-1300. Người Cathare chủ yếu là những người dân thuộc vùng tây nam nước Pháp, vốn gốc đạo Ki-tô, nhưng chủ trương khác với đạo Thiên Chúa. Nói tóm tắt là người tín đồ Cathare muốn trở lại với sự thuần khiết của đạo Ki-tô thời sơ khai, chống lại những nghi lễ, sự hào nhoáng, sự xa hoa của chức sắc đạo Thiên chúa La-mã. (Có bài viết khá kỹ về họ trong tuần báo « Le Point » số 1769, 10/8/2006). Thực ra, họ đã bị đàn áp tàn nhẫn trong nhiều đợt, trước khi có Tòa án xử dị giáo. Nhưng khi người tín đồ Cathare đã không còn công khai, và đã rút vào hành đạo trong bí mật, thì những phương pháp đao to búa lớn tàn sát cả mớ không áp dụng được nữa, thì Tòa án xử dị giáo mới chứng tỏ hiệu quả của nó, trong việc soi mói, khuyến khích tố giác.
Hè năm 1989, vợ chồng tôi có dịp đi nghỉ ở miền Tây-nam nước Pháp. Lần đó, chẳng may chiếc xe hơi bị hỏng nặng, phải dừng chân mấy ngày để đợi xe chữa xong. Mấy ngày kẹt chân ở trong vùng đó, mới nảy ra cái ý đi thăm mấy cái lâu đài chiến lũy Cathare như : Monségur, Aguilar, Peyrepertuse, Fenouillet, (ông tử tước vicomte Pierre de Fenouillet, tuy chỉ là người che chở những tín đồ Cathare, tuy bị nghi là lúc hấp hối mới theo tà đạo, cũng bị đảo mả, đốt xác ; lâu đài bị phá hủy sau đó). Đứng trên mấy bức tường đá đổ, tôi không khỏi không liên tưởng đến những thảm sử của thời cách đây không xa, ở nhiều nước khác, kể cả nước ta, sự dẹp « tà đạo » xem chừng còn tinh vi hơn. Có sử gia tính rằng « chỉ » khoảng 2% các bản án dẫn đến tử hình trên dàn thiêu. Đến cuối thể kỉ XIII, đạo Cathare hầu như bị dẹp hẳn.
Đến thế kỉ 15, Tòa án xử dị giáo được « hồi xuân », nhưng lần này trên lãnh thổ Tây-ban-nha khi « hai vua Thiên chúa giáo » Fernando và Isabel – thành công trong cuộc Tái chiếm (Reconquista), đuổi vua Hồi giáo cuối cùng ra khỏi lãnh thổ) – năm 1478 được giáo hoàng Sixte IV (tên tục là Francesco Della Rovere làm giáo hoàng từ 1471 đến 1484) đồng ý trao quyền bổ nhiệm các thẩm phán của Tòa án xử dị giáo, để xét xử các người Hồi giáo hay Do-thái buộc phải đổi đạo theo Thiên chúa giáo. Lúc đó, Tòa án xử dị giáo thực sự trở thành một công cụ của chính quyền để củng cố thế lực của mình. Tòa án này cũng xử luôn cả các người đồng tính, lén lút đa thê (Hồi giáo cho phép đa thê) và những người bị nghi là phù thủy. Buổi tuyên án được gọi là «auto da fe» (tôi không biết về mặt từ ngữ, đây có phải là nguồn gốc của từ tiếng Pháp « autodafé » – thiêu hủy, thí dụ như đốt sách hàng loạt – không). Tu sĩ Tomas de Torquemada, ở cương vị tổng thẩm phán từ 1483 đến 1498, xử thiêu khoảng 2000 người. Mãi đến năm 1834, Tòa án xử dị giáo mới hoàn toàn bị giải tán trên lãnh thổ Tây-ban-nha và các thuộc địa của nước này. Có nguồn tính rằng trong khoảng 3 thế kỉ, Tòa án xử dị giáo trên lãnh thổ và thuộc địa Tây-ban-nha thiêu khoảng 3 vạn người, nghĩa là xấp xỉ bằng con số người bị lên máy chém hay bị giết bằng cách khác trong thời Cách mạng Pháp ! Khủng khiếp, nhưng nghĩ cho cùng, con số này tương đối « khiêm tốn » so với những vụ thanh trừng của thế kỉ XX.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét