24/11/08

Lưỡi không xương Bùi Trọng Liễu

Lưỡi không xương

Bùi Trọng Liễu


Có một thời, người ta ngán ngẩm với “lưỡi gỗ” – dịch từ tiếng Pháp “langue de bois”, tuy có ý cho rằng đây là dịch không chỉnh (1), “langue” đây lẽ ra là “ngôn ngữ”; tuy vậy tôi ưa cụm từ “lưỡi gỗ” vì nó mang theo một hình ảnh độc đáo. Nhưng “lưỡi gỗ” sánh thế nào nổi với “lưỡi không xương” mà người xưa đã đánh giá là “trăm đường lắt léo”.

Trong sách “Lã thị Xuân Thu”, có câu chuyện sau đây:
Nước sông Vĩ dâng to. Có một gia đình giàu, có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác, đòi chuộc xác. Gia đình nhà giàu xin chuộc, nhưng kẻ kia đòi số tiền to. Đôi bên mặc cả đắt rẻ. Người nhà giàu vấn kế Đặng Tích, Đặng Tích bảo: “Cứ kệ nó; nó không bán được cái xác ấy cho ai đâu”. Kẻ vớt được xác, thấy gia đình kia làm ngơ, đâm lo, hỏi kế Đặng Tích. Đặng Tích bảo: “ Cứ kệ nó; nó không mua được cái xác ấy của ai đâu”. Tài thật! Cũng cùng một sự việc, cùng một lời gà, chỉ cần thay đổi chữ “bán” và chữ “mua”.

(Nhắc lại “Lã” đây là Lã Bất Vi, là một lái buôn rất có tài cuối thời Chiến quốc. Nói theo ngôn ngữ thị trường ngày nay, Lã Bất Vi lập một “công ty cổ đông”, tuy chỉ có hai người có “cổ phần” thôi là Lã Bất Vi và vợ lẽ là Triệu Cơ – chồng góp tiền bạc, vợ góp thân thể – với mục tiêu là buôn một món hàng đặc biệt – “buôn người”, mà lại là người quí (Tử Sở cháu vua Tần), để rồi gặt được món lãi lớn vô cùng : đó là đưa được con của Triệu Cơ lên làm vua Tần, tức là Tần Thủy hoàng sau đó, lấy được cả nước Tàu. Lã Bất Vi làm thừa tướng; Triệu Cơ thành thái hậu, hàm ông lớn, của bà to, vv. Chuyện này (2) có kể trong Sử ký của Tư Mã Thiên và sách Đông Chu Liệt Quốc, thực hư bao nhiêu không rõ, dù khó tin nhưng là một chuyện hay. Theo truyền thuyết, khi Lã Bất Vi quyền cao chức trọng, giàu sang không ai bằng, rồi phú quí sinh lễ nghĩa, nuôi tân khách trong nhà đến cả mấy nghìn, sai họ soạn những điều mình biết, cho rằng đủ hết cả việc trời, đất, muôn vật, xưa nay, hơn hai mươi vạn chữ, gộp thành sách, đặt tên là “Lã Thị Xuân Thu”. Cuốn sách là có thật, nhưng những ai là tác giả và viết thời nào, thì …?).

Nhưng về tài biện luận, Đặng Tích còn kém xa một số người Việt Nam ngày nay, quan chức hay không. Mấy vị này không cần thay một chữ nào trong cùng một câu phát biểu mà vẫn diễn giải được uốn éo theo ý mình, tùy cơ. Tôi xin nhắc lại vài thí dụ:
Khăng khăng đưa kiểu thi trắc nghiệm (chọn một lời giải đúng lẫn trong đám nhiều giải đáp sai) mà vẫn cả quyết là kiểm tra nâng cao tính suy luận. Dự tính gộp thi “2 trong 1” mà lại giải thích là phân biệt được đặc thù của 2 kỳ thi (một đằng là công nhận trình độ kiến thức kết thúc Trung học phổ thông, một đằng là lựa chọn theo khả năng vào đại học, học tiếp theo một số chuyên ngành) . Tăng học phí, học sinh bỏ học tràn lan, mà lại là bảo đảm công bằng giàu nghèo. Cổ phần hóa trường công mà lại là bảo vệ tài sản quốc gia; biến một phần trường học thành công ty cổ đông mà lại là vô vị lợi. Quyết tâm nâng tỉ số nhà giáo đại học có luận án tiến sĩ có trình độ, nhưng lại mở vung vãi rất nhiều đại học chưa có đủ tiêu chuẩn, trong khi đề án 2 vạn tiến sĩ chưa thấy dấu hiệu khả thi. Bao nhiêu cái “nói không” mà rốt cục vẫn là “có”. “Xã hội hóa” : vậy mà không phải vậy, vv. và vv.

Xếp tài ngụy biện học đường,
Thì giành giải nhất chứ nhường cho ai!

Chú thích :

(1) Theo ý này, lẽ ra trong ngôn ngữ chính trị Việt Nam, cụm từ “văn bia” mới gần với nghĩa langue de bois nhất. Tiếng Anh-Mỹ là có lẽ là Orwellian Language.

(2) Cuối thời Chiến quốc (từ 479 trước Công nguyên đến 220 trước Công nguyên), cha con Lã Bất Vi là nhà buôn lớn. Thuở ấy, vua Tần lập con là An Quốc quân làm thái tử. An Quốc quân có hơn hai mươi người con, nhưng người vợ yêu là Hoa Dương phu nhân lại không có con. Trong đám những người con kia, có Tử Sở mà mẹ không được vua Tần yêu, nên bị gửi làm “con tin ” ở Hàm Đan nước Triệu, sống trong tình cảnh lo âu, thiếu thốn. Lã Bất Vi mới bàn với bố rằng : “ Nhà ta buôn bán đã quen, nhưng chưa bao giờ có món hàng quí [chỉ Tử Sở] như thế này, có thể buôn được đây ” .

Thế rồi mới nói với Tử Sở, đại ý rằng : “ Vua Tần đã già ; mất đi thì An Quốc quân sẽ nối ngôi. An Quốc quân rất yêu Hoa Dương phu nhân ; phu nhân không có con ; nhưng chỉ phu nhân mới lập nổi con thừa tự. Anh em ngài, cùng cha khác mẹ, hơn hai mươi người, ngài lại là con giữa, lại làm con tin ở nước ngoài, khó hy vọng sau này được nối ngôi. Nay tôi xin bỏ ngàn vàng, vì ngài mà sang Tần nói An Quốc quân và Hoa Dương phu nhân, lập ngài làm con thừa tự ” . Tử Sở mừng lắm, cám ơn, và hứa : “ Nếu được như mưu của ông thì sau này cùng nhau hưởng nước Tần ”.
Lã Bất Vi liền đem vàng cho Tử Sở tiêu dùng, rồi mình lại mua sắm của báu vật lạ, sang Tần đút lót cho người thân cận của Hoa Dương phu nhân để dâng lễ vật, và thưa với phu nhân rằng : “ Nhan sắc cũng có lúc tàn, tình yêu thương cũng có thể phai nhạt. Phu nhân đang được An Quốc quân yêu, sao không nhân lúc này chọn một người hiền hiếu, nhận làm con nuôi, xin lập làm con thừa tự. Như thế, khi chồng còn, phu nhân được tôn quí ; khi chồng mất đi, con phu nhân được làm vua, phu nhân sẽ không thất thế. Nay Tử Sở là người hiền, lại vẫn quí trọng phu nhân, nên nhận cậu ta làm con thừa tự thì suốt đời phu nhân sẽ có quyền thế ”. Hoa Dương phu nhân cho là phải ; nhân dịp thư thả, mới nỉ non với An Quốc quân, xin nhận Tử Sở làm con của mình và cho làm người thừa tự. An Quốc quân nhận lời, cùng phu nhân nhờ Lã Bất Vi trở về Triệu giúp đỡ Tử Sở.

Nhờ có tiền bạc của Lã Bất Vi, Tử Sở tiếp đãi tân khách, từ đó nổi tiếng với chư hầu. Lã Bất Vi là con buôn có mánh lới, muốn dùng món lạ để câu, mới kén trong số vợ của mình một người tuyệt đẹp, múa khéo là Triệu Cơ, biết người này đã có mang với mình, nhưng giữ kín ; lại bày mưu mời Tử Sở sang chơi nhà mình, đãi tiệc, gọi Triệu Cơ ra múa và chuốc rượu. Tử Sở trông thấy, đem lòng mê, nài xin Lã Bất Vi cho mình. Lã Bất Vi bàn với Triệu Cơ nhận lời, hẹn nhau nếu người con đang trong bụng là con trai thì sau này sẽ có ngày làm vua ; rồi dâng Triệu Cơ cho Tử Sở. Tương truyền rằng vì người con trong bụng Triệu Cơ đó là quí nhân, nên quá tháng mới sinh ra ; Tử Sở ngỡ là con mình, đặt lên là Chính, lập Triệu Cơ làm phu nhân. Mấy năm sau, nước Tần đem quân xâm chiếm đất của nước Triệu, tính mạng Tử Sở bị đe dọa ; Lã Bất Vi đem vàng đút lót cho kẻ canh giữ, để Tử Sở trốn thoát khỏi Triệu về Tần. Được vài năm, vua Tần chết, An Quốc quân nối ngôi làm vua, phong Tử Sở làm thái tử, được một năm thì vua chết. Tử Sở nối ngôi, tức là vua Trang Tương vương, cho Lã Bất Vi làm thừa tướng, phong tước Văn Tín hầu, ăn thuế mười vạn hộ. Tương truyền, Trang Tương vương làm vua được ít lâu, bị bệnh ; Lã Bất Vi dâng thuốc, vua chết. Thái tử Chính lên làm vua, tức Tần Thủy hoàng sau này ; Triệu Cơ là mẹ vua, làm thái hậu ; Lã Bất Vi làm thừa tướng. Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu cùng Lã Bất Vi lén lút nối tình cũ, thông dâm.

Khi vua Tần đã lớn, mà Thái hậu cứ dâm loạn mãi, Lã Bất Vi e bị lộ, mình sẽ mang vạ, nên mới lập kế, sai người ngầm tìm được kẻ tên là Giao Ái (có người phiên âm là Lao Ái), có dương vật lớn, được nhiều “dâm phụ” – xin lỗi các bà các chị , từ ngữ này không phải của Liễu tôi – trong vùng ái mộ . Lã Bất Vi dùng hắn làm người nhà ; làm trò vui, sai Giao Ái lấy vật của mình xỏ vào bánh xe, bánh xe quay tít mà vật không xìu ; lại khiến người lén kể chuyện cho thái hậu biết để nhử ; quả nhiên thái hậu mừng rỡ, muốn được riêng Giao Ái. Lã Bất Vi vờ sai người tố cáo Giao Ái phạm tội đáng thiến, ngầm đút tiền cho viên quan coi việc thiến, giả thiến, rồi lại nhổ râu mày cho Giao Ái, cho làm hoạn quan. Thái hậu cùng y gian dâm, rất yêu, rồi có chửa, sợ việc tiết lộ, vờ viện cớ thày bói khuyên tránh điềm dữ, dời cung sang đất Ung. Lại viện cớ Giao Ái theo hầu có công, phong cho làm Trường Tín hầu. Sau có kẻ phát giác, Giao Ái sợ, bàn với Thái hậu tính nổi loạn giết vua. Vua Tần sai tra xét, biết rõ thực tình, bắt giết ba họ nhà Giao Ái ; sai bắt hai con hoang của thái hậu, bỏ vào túi đập chết ; lại cách chức tướng quốc Lã Bất Vi, sau thấy tân khách đi lại thăm hỏi nhiều, sợ làm phản nên tính bắt đày sang đất Thục. Lã Bất Vi tự liệu rồi cũng sẽ bị giết, nên uống thuốc độc tự tử. Thái hậu bị Thủy hoàng đầy sang đất Ung, sau nhờ có Mao Tiều thuyết Thủy hoàng đón mẹ trở về Hàm Dương (không phải vì tình nghĩa mẹ con là chính, mà là vì ở ngôi cao phải làm gương về hiếu thảo để đế nghiệp được vững bền ! Thế mới là nhà chính trị có tài !).

Như vậy, “ việc buôn người ” này, tuy lãi lớn nhưng cũng không bền. Vả lại cũng còn nhiều điều nghi vấn, thực hay hư ? Tần Thủy hoàng thống nhất nước Tàu, bỏ chế độ phong kiến, vốn bị nhiều người ghét, đặc biệt là các Nho sĩ ; họ ghét vì cái vụ họ loạn bàn nên bị đốt sách chôn học trò. Mà Nho sĩ lại là bọn người sau này cầm bút viết sử, chắc gì đã không thêu dệt ra lắm điều. Sự việc lại xảy ra cách đây đã hơn hai nghìn năm, tài liệu chứng cớ không bảo đảm chắc chắn. Thí dụ như : Chắc gì Lã Bất Vi đã là bố đẻ của Tần Thủy hoàng ? Câu chuyện Triệu Cơ có mang nhưng dấu kín ; người ta thường nói chín tháng mười ngày thì đẻ, đằng này thì quá kỳ hẹn, cho rằng tại là chân mệnh đế vương, đến mười hai tháng mới đẻ, khi sinh có ánh đỏ rực nhà, trăm thứ chim bay đến lượn múa, lúc sinh ra mỗi con mắt có hai tròng con ngươi, trong miệng đã có mấy cái răng, vv. (theo sách “ Đông Chu liệt quốc ”), tôi thấy khó tin, nhưng cũng chẳng sao : thời nay thiếu gì chuyện hoang đường hơn mà có người vẫn tin, hay (bị bắt) phải tin đấy! Lã Bất Vi rốt cục không được hưởng lợi trọn một đời, cũng là chuyện có luân lý ; tôi coi là “ có hậu ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét