24/11/08

Vô cảm Bùi Trọng Liễu

Vô cảm

Bùi Trọng Liễu

Không thấy từ « vô cảm » trong một số từ điển tiếng Việt. Nhưng tôi không có từ nào khác để tả trạng thái thản nhiên của một « người » trước những đau khổ của kẻ khác, dù là sự đau khổ đó do chính « người đó » gây ra hay không. Tôi muốn nêu một số tình huống để tả sự « vô cảm » này:

Trong bài « Thú rừng khóc than ở phố (Hà thành) » đăng trên báo Hà Nội Mới ngày 13/1/2008 trên mạng http://www.hanoimoi.com.vn/vn/35/156239/ , tác giả Bùi Lương Việt (VTCNews) viết (tôi trích): Có lẽ, kinh hãi nhất đối với tôi ở cái quán thịt thú rừng này là khi chứng kiến cảnh giết thịt con cu li (có nơi gọi là con lười- một loài vật thuộc họ hàng nhà khỉ). Nó được đưa tới chiếc bàn nhậu bằng một chiếc lồng sắt được thiết kế khá đặc biệt, ôm gọn lấy con vật, đến nỗi nó chỉ còn thò đúng hai tay hai chân ra bên ngoài. Con vật đưa ánh mắt sợ sệt thò tay quềnh quào như van xin. Mặc, đám thực khách vây quanh đưa ánh mắt vô cảm chờ đợi. Tiếng một ai đó trong bàn hô bắt đầu, con vật bị hai thanh sắt như chiếc kìm từ từ nâng lên, một đoạn đầu nhô ra khỏi lồng. Chai rượu trong tay gã đầu bếp đổ tràn trề trên đầu con vật. Phập, một lưỡi dao sáng loáng lướt qua, con cu li giãy rụa. Mảnh hộp sọ được lật ra, rượu tiếp tục đổ, đĩa chanh để sẵn trên bàn được đám thực khách vắt vào đầu con vật, rồi rượu nâng lên. Từng người tay cầm thìa, múc từng thìa óc con vật bỏ vào miệng như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Việc nhậu thú rừng, là một điều phạm pháp. Nhưng không chỉ có vậy…
Có một số việc bạo hành xảy ra trong xã hội, có khi kéo dài cả chục năm, mà không có sự can thiệp của lân cận và các cơ quan hữu trách, như việc một cô bé bị chủ hành hạ, và chỉ được phát giác và đưa ra tòa khi có một bà hảo tâm giúp cho cô bé trốn đi khỏi nhà chủ, (xem http://www.tintuconline.vietnamnet.vn/vn/xahoi/182394/ ). Có những việc bạo hành xảy ra ở nhà trường, nhà giáo bạo hành với học sinh, học sinh bạo hành với nhà giáo, (xem
http://vietnamnet.vn/bandocviet/2007/05/699162/ ), mà không được xã hội chú ý đúng mức. Nhưng đó là những hiện tượng quá hiển nhiên của sự « vô cảm ».

Còn có những hiện tượng của « vô cảm », tiềm ẩn và tế nhị hơn nhiều. Thí dụ như vẫn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo : để cho những bất cập (bệnh thành tích, việc học giả bằng thật, việc mạo danh tiếm xưng, việc buôn bán giáo dục, việc mở tràn lan những đại học trong khi không có đủ đội ngũ nhà giáo tương xứng, …) hoành hành mà không ngăn chặn, dù biết trước là hậu quả tàn phá ghê gớm như thế nào. Hoặc như việc bảo tồn di sản một cách « không công bằng » : bảo tồn được phủ Toàn quyền cũ (phủ Chủ tịch ngày nay), trường trung học Albert Sarraut, vv. là những công trình xây dựng thời Pháp thuộc, nhưng lại phá dỡ Hội trường Ba Đình, nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử thời đấu tranh giành độc lập…

Một thời, có lời đồn đại (thực hay hư ?) rằng một nhà đại cách mạng, say mê trong chiến thắng, có phát biểu rằng cụ Hồ chỉ nặng khuyên nhủ nên trọng « Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín », chứ không quan tâm bằng ông tới tinh thần « tiến công cách mạng ». Tôi không phải là kẻ sùng bái mù quáng Nho giáo đến nỗi cái gì người ta gán cho ông Khổng tử và môn đệ của ông cũng coi là hay. Nhưng « Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín » – mà tôi bàn ở đây theo cách hiểu thông thường của mọi người, chứ không phải là theo lý luận hàn lâm của Tống Nho – thì cũng là giềng mối của mọi xã hội lành mạnh ; ở Đông hay ở Tây, cũng đều có. Về chữ « Nhân », ở một số nước, « hành động dã man » (acte de barbarie), được luật pháp coi như phạm pháp. « Nghĩa », ngoài cái vế hợp lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội, còn có cái vế biết giữ tình cảm thủy chung, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. « Lễ » cũng là nền cơ bản cho con người chung sống hoà hợp trong một xã hội : người trẻ biết « kính » người già, người già biết « trọng » người trẻ, ăn nói với nhau không chỉ là văng tục chửi thề ; đối xử với nhau không chỉ là đe dọa nạt nộ, gây ra sự căng thẳng. Không có « Trí », thì không có khả năng nhận thức, suy luận, phán đoán, vậy không có « Trí » thì đưa đến những quyết định ngớ ngẩn. Có « Tín » thì con người mới biết tin nhau, mới trọng lời hứa, trọng lời cam kết cá nhân hay tập thể, người dân tin cậy sự trung thực ở giới cầm quyền.

Phải chăng, mất năm cái đó, thì sự hiện diện của « vô cảm » cũng là sự tất nhiên ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét