24/11/08

Bùi Trọng Liễu - Nhân đọc bài “Xin can” của nhà văn Nguyên Ngọc

Nhân đọc bài “Xin can” của nhà văn Nguyên Ngọc
(về Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại)

Bùi Trọng Liễu



Nhà văn Nguyên Ngọc đã có bài « xin can » đăng trên báo Tia Sáng 3/10/2008 http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&News=2388&CategoryID=3 . về việc thành lập Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại, mà nghe đâu trong đó sẽ có những bia ghi tên tiến sĩ thời nay.
Tôi muốn nhân dịp này, được nhắc lại một số ý của tôi, rồi sẽ kết luận ở cuối bài.

1.- Như tôi đã có dịp nhắc lại nhiều lần, tôi có điều trần với nhà cầm quyền (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) từ tháng 4/1975 về việc lập học vị tiến sĩ ở nước ta và lập lại chức danh giáo sư đại học. Lúc ấy, là điều trần nội bộ, mãi sau này tôi có viết bài trên sách báo. Trong ý tưởng, tôi muốn đặt vấn đề lập học vị tiến sĩ trong nước, và bảo vệ ý chỉ nên có một bằng tiến sĩ, vì lý do muốn nền học vấn và nghiên cứu nước nhà chóng đi vào qui củ và phát triển nhanh. Nếu cần, xin đọc những lý do tôi nêu trên sách báo, và hiện nay cũng có trên trang mạng của tôi (1).
Thuở đó, tôi còn tin ở khả năng hiểu biết của một số người đang quản lý nền giáo dục đại học nước nhà, trong đó tất nhiên tôi muốn nói tới ông Tạ Quang Bửu (2), để lập một học vị tiến sĩ nghiêm chỉnh cho nước ta. Còn đối với những người có học vị tiến sĩ ở nước ngoài, thì nhà quản lý thông minh cũng hiểu rằng phải tùy trường hợp và mức độ mà cho tương đương, chứ không phải là hễ thấy ai đó nêu ra một cái bằng mang chữ doctor/docteur là nhắm mắt nhận càn tương đương (3). Tóm lại là chẳng có lý do gì mà đánh đồng, vơ đũa cả nắm. Nhưng sự việc đã xảy ra theo chiều hướng khác.

2.- Tôi muốn trở lại đôi chút chuyện các ông nghè thuở xưa :
Trước hết là cái tên gọi: « tiến sĩ ». Theo tôi hiểu, thì khác với các nước công nghiệp đã phát triển đã có truyền thống và kinh nghiệm từ lâu, vấn đề « đào tạo qua nghiên cứu » là vấn đề mới mẻ đối với người Việt Nam. Cái tên « tiến sĩ » dùng ngày nay – vì nó là học vị cao nhất thuở xưa của người Việt Nam – được đem ra dịch chữ doctor/docteur, xét gốc gác tiếng la-tinh, doctus là nhà bác học, trong khi đó « tiến sĩ » thuở xưa của ta có nghĩa là người được « tiến lên vua », mà trong cách được đào tạo và thi cử, chẳng có liên quan gì với « đào tạo qua nghiên cứu » cả. Viết câu này, không phải là tôi thiếu trân trọng đối với các ông nghè thuở xưa của ta (4). Nhưng tôi muốn nói là quan niệm về học hành thi cử ở ta thuở xưa thì thật là khác với « đào tạo qua nghiên cứu », khác ở chỗ là không đặt trọng tâm vào sáng kiến phát minh ra cái mới, mà đặt trọng tâm vào sự học nhiều, hiểu nhanh, biết rộng, thuộc sách, trả bài đúng ý người ra đầu bài, ... và cái quan niệm đó đã ăn sâu vào suy nghĩ của một số người Việt Nam hay gốc Việt Nam đến tận nay. Điều này làm tôi liên tưởng đến cụm từ la-tinh doctus cum libro, mà nghĩa đen là « thông thái qua sách » và nghĩa bóng là để chỉ « những người không tự mình suy nghĩ được, phải qua sách vở mượn những ý của người khác, để phô trương sự hiểu biết của mình ». Ngày xưa đâu có chỗ cho kết quả phát minh khoa học trong quan niệm thi tiến sĩ !
Từ thời vua Lê Thánh tông (thời đó mới bắt đầu có lệ bia đá bảng vàng, khắc tên tiến sĩ trên bia đá), Văn miếu Hà Nội chủ yếu là nơi thờ Khổng tử, Chu công, Tứ phối (Nhan tử, Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử) và thất thập nhị hiền (72 người học trò giỏi của Khổng tử) đều là người Trung Hoa. Còn Chu Văn An người nước ta chỉ được thờ phụ và các ông tiến sĩ Việt Nam được khắc tên trên bia đá kia, cũng chẳng phải là được tôn vinh đúng mức. Tôi không phải là Hồng vệ binh Trung quốc « đả Khổng » ; tôi cũng rất tôn trọng một phần giá trị tư tưởng của ông Khổng, nhưng tôi cũng đã có ý khác (5).
Có ý cho rằng : Nếu muốn lập một Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại để vinh danh các tiến sĩ ngày nay, thì nên lập một miếu chính có bài vị để trước hết thờ ông « Thần Tài » – « Tài » đây là « tiền tài », không phải là « tài giỏi » – thứ đến là thờ mấy ông thánh phương Tây và thánh phương Bắc tổ sư của những thuyết kinh tế thị trường « không định hướng » hay kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, rồi mới đến việc khắc bia đá hoa cương ghi tên mấy ông tiến sĩ hiện đại. Lại cũng có ý cho rằng : trong « tứ linh » (long, li, qui, phượng), chỉ có con Rùa là con vật có thật ; người xưa chuộng nó vì tuổi thọ của nó, nhưng vào thời hối hả kinh doanh làm giàu, thì e rằng Rùa lại tượng trưng cho sự chậm chạp lề mề, không biết có xứng đáng để đội bia thời nay không.

3.- Riêng tôi, chỉ xin luận như sau : Di sản có sẵn như Văn Miếu, thì bảo tồn là phải. Còn ngày nay, như ở mọi nước, tài liệu về các công trình khoa học, kỹ thuật hay văn hóa, thì đã có thư viện (nhà nước) là nơi có nhiệm vụ bảo quản ; các di vật quí thì đã có bảo tàng (nhà nước) có nhiệm vụ làm nơi gìn giữ và trưng bày (6). Vả lại, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay trên toàn thế giới, cuộc sống ở Việt Nam không phải là dễ dàng gì. Ngay cả đến các trường học công lập ở mọi cấp cũng đang thu học phí cao ; nhiều gia đình lao đao về tài chính cho con đi học. Vậy thì cần gì phải có riêng một Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại ? Trừ phi tư nhân muốn xây dựng một thứ khu vực vui chơi giải trí kiểu Disneyland, đem trưng tên mấy ông nghè hiện đại vào đó cho có vẻ văn hóa để kinh doanh lợi nhuận, thì đó lại là một chuyện khác. Mà đã là tư nhân thì tôi không tin là họ có mục tiêu « phi lợi nhuận ». Nếu họ muốn đóng vai trò Mạnh Thường Quân, thì thiếu gì đề án để giúp cho nền nghiên cứu khoa học Việt Nam trở nên nghiêm chỉnh. Tôi còn nỗi lo là tư nhân loại này được Nhà nước cho hưởng những điều kiện ưu đãi, như hưởng đất đai của công, để thực hiện Trung tâm này, trong khi lẽ ra nên ưu tiên cho nhiều việc ích lợi hơn.

Một điểm cuối cùng mà tôi muốn nêu là : hiện nay ở nước ta có một khuynh hướng không văn hóa lắm, là vơ được tên ai, địa chỉ của ai, thì cứ tự tiện sử dụng công khai mà không hỏi sự đồng tình đương sự, như thường thấy nở rộ trên các « diễn đàn » trên mạng. Nghe đâu như dự án « Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại » này sẽ không tự tiện dùng tên những người không đồng ý, mà chỉ trưng tên những vị (hay qua thân nhân của các vị) tự nguyện trao tặng công trình của mình ; nếu quả vậy, thì cũng là một điểm đáng ghi nhận. Vả lại, đề án 2 vạn tiến sĩ vẫn còn đó, trong tương lai thiếu gì tiến sĩ mong được ghi tên trên những bia đá hiện đại đó (7).

Tôi là kẻ có học vị và chức vụ ở nước ngoài ; định cư ở nước ngoài đã lâu, lập nghiệp, và đã nghỉ hưu. Tôi ghi bằng cấp và chức vụ trước đây của tôi, khi ký tên là tác giả bài này, vì tôi tôn trọng độc giả, bằng cách chứng tỏ rằng tôi cũng có chút kinh nghiệm nghề nghiệp thực sự để phát biểu, chứ không phải là khoe mẽ. Tôi lấy lòng thành mà nêu ý kiến trước công luận, vì thanh danh của quê hương cũ, không hề có ý vô cớ mỉa mai. Còn coi đây là lời can (việc thành lập) hay không – nhưng tất nhiên không phải là lời đồng tình – thì xin để tùy ý người đọc xét.

Bùi Trọng Liễu
Tiến sĩ Nhà nước
Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)


Chú thích :

(1) Xin xem bài báo « Vài suy nghĩ chung quanh vấn đề đào tạo qua nghiên cứu » của tôi đăng trên tạp chí Tia Sáng, số tháng 11/1998, trên Thời Đại số 3, 1999, và trong cuốn sách « Chung quanh việc Học », nxb Thanh Niên 2004, và cũng có trên trang mạng của tôi http://www.buitronglieu.net. Để tránh cho người đọc khỏi mắt công tìm kiếm, tôi xin tóm tắt mấy ý chính tại đây :
Trong một xã hội đang trên đà phát triển, nhu cầu cần giải đáp các vấn đề mới nảy sinh, làm cho vấn đề « đào tạo qua nghiên cứu » trở nên quan trọng. Vấn đề chính – về mặt chiến lược – là quan niệm mục tiêu của luận án tiến sĩ là gì và thế nào là một khối lượng vừa phải cho một luận án. Về mặt này, có thể sơ bộ tóm tắt hai khuynh hướng chính:
(a) Một khuynh hướng coi bằng tiến sĩ là một học vị đánh giá một công trình tương đối « nặng», của người đã dày công nghiên cứu thực hiện công trình đó, bảo đảm một học lực thâm thúy và một trình độ « cao ». Mặt nào, có thể coi đó là có tính cách « thưởng công » cho những cá nhân xuất sắc, có khi đã ở tuổi trung niên già dặn, đã « kết thúc » một giai đoạn nghề nghiệp nghiên cứu, mang lại một sự rạng rỡ cho bản thân và phần nào cho nền học thuật bản xứ. Đó là khuynh hướng thấy trong hệ thống đào tạo của một cựu siêu cường (Liên Xô), mà trớ trêu, thể chế trên nguyên tắc là hướng về lợi ích tập thể... Có lẽ cũng cần tóm tắt nói thêm là trong khuynh hướng này, vì chặng đường tiến tới học vị tiến sĩ « nặng » này là con đường dài, cho nên có một chặng trung gian (học vị « phó tiến sĩ », Kandidat), cho nên trước đây ở Việt Nam ta còn gọi là « hệ hai bằng » (một bằng tiến sĩ lớn Doctor và một bằng « phó tiến sĩ » Kandidat).
(b) Một khuynh hướng coi bằng tiến sĩ là một học vị chứng nhận khả năng của đương sự, qua công trình của mình, đã biết thực hiện nghiêm túc một đề tài nghiên cứu, « mở đầu » cho chặng đường nghề nghiệp nghiên cứu còn dài. Mặt nào, có thể coi đó là khuynh hướng trọng lợi ích chung của xã hội: học vị tiến sĩ được coi như một hộ chiếu để đi vào đời lao động trí óc, góp phần giải đáp những vấn đề của xã hội đang phải giải quyết. Theo khuynh hướng này, chỉ có một học vị tiến sĩ (nói gọn, còn được coi là khuynh hướng kiểu Mỹ với học vị Ph.D.).

(2) Trong bài « Xin can », nhà văn Nguyên Ngọc có nêu trường hợp ông Tạ Quang Bửu. Về phần tôi, tôi xin trích ở đây ý riêng của tôi – (một đoạn của bài báo của tôi « Nghĩ tới giáo dục, lại nghĩ tới ông Tạ Quang Bửu », sắp đăng toàn bộ trên một tạp chí trong nước). Tôi viết :
« Không nên lẫn lộn sự học giỏi, bằng cấp cao và sự nghiệp. Trường hợp lịch sử của vua Quang Trung ở nước ta có lẽ là điển hình nhất. Và trường hợp lịch sử ở thế giới thì đầy dãy. Không thiếu gì thí dụ trong lịch sử Đông hay Tây, người tư lệnh không cứ phải là người xung kích, người chỉ huy không cứ phải là người xạ thủ. Ông Bửu không phải là nhà nghiên cứu khoa học, theo nghĩa phát minh ra cái mới trong khoa học, nhưng ông là một nhà tư lệnh kiệt xuất trong việc thâm hiểu quản lý tổ chức, có tài dự báo, cho nền giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học. Thuở 1975-1976, chiến tranh đã chấm dứt, có nhiều triển vọng để nền giáo dục đại học và nền khoa học nước nhà tiến được một bước dài. Tôi không biết rõ những lý do khiến ông phải nghỉ hưu, trong khi nền giáo dục đại học lúc đó đang cần một người lãnh đạo đặt nền móng và đưa nó vào một quĩ đạo phù hợp. Đã đành rằng kinh tế lúc đó rất khó khăn, nhưng có những điều không phải là không thể thực hiện được. […]. Đã 33 năm trôi qua; một khoảng thời gian quá dài đã bị bỏ uổng. Nghĩ tới ông, tôi có cảm tưởng như nghĩ tới một trang sử đầy triển vọng, nhưng đang viết được nửa chừng thì bị bỏ dở [...]. Năm 1981, lần cuối tôi về nước, với tư cách trưởng một Đoàn đại biểu trí thức Việt kiều ở Pháp – do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tên gọi Phó Thủ tướng thời đó) Võ Nguyên Giáp và Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước mời về để: nghe và trình bày ý kiến của mình về chính sách khoa học và kỹ thuật, đặt cơ sở cho việc đóng góp chuyên môn sao cho có hiệu quả và năng suất của đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài với đất nước. Tuy rất bận, tôi có tới thăm ông Bửu ở nơi ông đang dưỡng bệnh; ông thủng thẳng rủ tôi lên bờ đê sông Hồng nói chuyện. Lúc đó ông đã nghỉ hưu từ 5 năm. Cảm tưởng riêng của tôi là tuy không nói ra, nhưng hình như ông và tôi đều có chung một chút luyến tiếc cho nền giáo dục đại học nước nhà, dường như hai chữ “Nếu như” đang nghẹn đâu trong cổ [...] ».

(3) Thí dụ theo hệ thống Liên Xô, có Doctor (tiến sĩ) và Kandidat (phó tiến sĩ), rất quen thuộc với người trong nước. Nhiều người biết rằng có những luận án tiến sĩ chẳng có giá trị khoa học gì, trong khi có những luận án phó tiến sĩ lại có nội dung xuất sắc.
Một thí dụ khác là thí dụ của Pháp, thuở trước (trong các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn) : có Docteur d’Etat (Tiến sĩ Nhà nước), điều kiện tối thiểu để làm ứng viên giáo sư đại học ; có Docteur de 3ème cycle ở mức độ « nhập môn » nghiên cứu, điều kiện tối thiểu để làm ứng viên chức giảng viên (maître-assistant) ; có Doctorat d’Université không cần có bằng cấp cơ bản (nghĩa là bằng này không có tác dụng trong việc làm ứng viên cho một vị trí nào trong đại học Pháp ; khác nghiên cứu viên trong Trung tâm nghiên cứu CNRS của Pháp, không có qui lệ chặt chẽ về bằng cấp, mà chủ yếu nhắm công trình nghiên cứu). Từ cải cách (luật Savary) 1984, sang năm 1985 chỉ còn một Doctorat ở mức tú tài+8, chuẩn châu Âu; bằng Docteur d’Etat (Tiến sĩ Nhà nước) được thay bằng HDR (Habilitation à Diriger des Recherches) là điều kiện tối thiểu để làm ứng viên giáo sư đại học. (Giữa Docteur d’Etat ngày trước và HDR ngày nay, cũng có chút khác biệt: luận án Docteur d’Etat là một khối nặng công trình với đề tài thuần nhất, trong khi HDR có thể là một khối công trình với nhiều đề tài khác nhau đồng thời phải có bằng docteur « tú tài+8 » ngày nay). Ở đây, tôi chỉ nêu tóm tắt, không đề cập đến các ngành như Y với thời gian đào tạo dài hơn (nhưng có HDR), hoặc Luật, vẫn giữ Agrégation de l’Enseignement supérieur chưa chuyển sang thành lập HDR, vv. Rốt cục, là để nói lên sự phức tạp của sự tương đương bằng cấp, mà lẽ ra những nhà quản lý Giáo dục đại học phải hiểu và biết « điều tiết ».

(4) Tôi cũng có một cụ tổ trực tiếp bên ngoại, là cụ Nguyễn Như Đổ, bảng nhãn (nghĩa là đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhị danh) tên khắc thứ nhì trên tấm bia thứ nhất trong Văn miếu Hà Nội. Tôi không dám xấc với tổ tiên.

(5) Xin xem « Gửi ông Khổng tử », trong chú thích (16) bài của tôi « Chuyện kể từ nước ngoài về nhà toán học Hoàng Tụy »
http://www.diendan.org/nhung-con-nguoi/nha-toan-hoc-hoang-tuy/
cũng có trong chương 7 của cuốn sách của tôi « Học một sàng khôn », nxb Tri thức 2007 và trên trang mạng http://www.buitronglieu.net của tôi.

(6) Có người hỏi vấn đề bảo tồn di sản các công trình của những nhà nghiên cứu không học vị tiến sĩ thì sao ? Câu hỏi nêu ra cũng để nói lên sự nghịch lý của sự thành lập « Trung tâm bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại » nói trên. Vì thế nên tôi mới nhắc là tài liệu về các công trình khoa học, kỹ thuật hay văn hóa, thì đã có thư viện; các di vật quí thì đã có bảo tàng. Tôi cũng xin kể thêm một chi tiết. Thuở tôi kiến nghị lập lại chức danh giáo sư, tôi nghĩ rằng đối với những vị có công trình xứng đáng, thì không nên câu nệ, nhưng nên có một hình thức đặc biệt công nhận cho các vị đó học vị tiến sĩ trước đã (giống kiểu HDR kể trên), rồi sau mới công nhận chức danh giáo sư để sau đó tránh khỏi những sự phức tạp, như việc có giáo sư và giáo sư tiến sĩ ngày nay. Tiếc rằng lỡ dịp ; trót một bước lầm thì không sửa được nữa.
Cũng nhân dịp này, nói thêm là ở Pháp : giáo viên tiểu học thì gọi là « professeur des écoles », giáo viên trung học thì gọi là « professeur des collèges et des lycées », giáo sư đại học thì gọi là « professeur des universités ». Trong giao tế, thì chữ gọi tắt « professeur » là để chỉ loại « giáo sư đại học » (có chức vụ hẳn hoi trong một đại học, có sắc lệnh bổ nhiệm của tổng thống Pháp đăng trên Công báo). Còn những ai được thuê giảng dạy vài giờ trong đại học thì không gọi là « professeur ».

(7) Tuy nhiên, bao giờ có đủ số 2 vạn tiến sĩ, thì lại là một vấn đề khác. Tôi nhớ mang mang là trước đây, mốc thời gian đặt cận kề ; nay mốc thời gian được ghi là 2020. Nếu 2020 không đạt thì sẽ lại đẩy mốc thời gian xa hơn. Khó gì đâu.Ta đã quá quen với kiểu khẳng định này rồi.
Để nói rõ ý hơn, tôi xin ví von một chút trong thời kinh tế thị trường ngày nay :
Từ mươi năm nay, vợ chồng tôi thỉnh thoảng đi ăn mì « mằn thắn » ở một tiệm Tàu ở Paris. Tôi rất trung thành với tiệm này và món này, vì ăn hợp khẩu vị. Giá cả món này ở tiệm này từ thuở đó đến nay hầu như không tăng, nhưng thuở đầu tôi đếm trong bát mì có đúng 10 miếng ; cách đây vài năm, bát mì chỉ còn 9 miếng ; ngày nay bát mì chỉ còn 8 miếng. Tôi đoán là sắp tới, bát mì sẽ chỉ còn 7 miếng. Lại một chuyện ví von khác : gần đây ở Pháp, khi kiểm tra thực phẩm, thì phát hiện rằng giá một số gói bánh ngọt không tăng, nhưng trọng lượng thì « lén » giảm (thí dụ như trước là 300g nay chỉ còn 280g). Bị chất vấn, chủ hãng giải thích rằng : lý do giảm trọng lượng vì giá nguyên liệu tăng chỉ là thứ yếu ; lý do chính là vì lợi ích của nhân dân : lúc này quá nhiều trẻ em « béo phì » (obèse) ; giảm trọng lượng gói bánh tức là góp phần bảo vệ sức khỏe của chúng. Trả lời khéo quá ! Chỉ tiêu và con số, cũng thiên biến vạn hóa lắm.


Bùi Trọng Liễu
Tiến sĩ Nhà nước
Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét