Bốn năm ngày mất của Trịnh: Để gió cuốn đi
TT - André Malraux đã định nghĩa: “Nghệ thuật là cái chống lại định mệnh”. Ngày xưa, có một người Hi Lạp cổ đã thử cố gắng triển khai đời mình trong một nỗ lực chống định mệnh như thế, đấy là Empédocle.
Bình sinh, Empédocle là một nhà bác học lỗi lạc, đã xây dựng nhiều công trình có ích lợi cho nhân dân Hi Lạp, thí dụ như xẻ một trái núi, đào một dòng sông...Lúc về già, Empédocle đi khắp nơi để truyền bá học thuyết triết học của ông, với một tấm áo choàng đỏ, mà ông cho rằng ấy là biểu hiện của lửa. Ông trèo lên bên miệng núi lửa Etna đang hoạt động và nhảy vào lòng núi lửa, để lại trên miệng núi một đôi dép. Người phương Tây dùng hình tượng “đôi dép Empédocle” (les sandales d’Empédocle) để chỉ “danh tiếng”.
Huyền thoại trên đây mang ý nghĩa thâm thúy rằng đối với con người, trước khi trở về với hư vô, vẫn cần phải để lại dấu vết của mình trên mặt đất, chính là tên tuổi của mình.
Người Trung Hoa thì gọi sự nghiệp của con người để lại sau cái chết là “hồng tuyết trảo” (dấu chân chim hồng đi trên tuyết). Cũng giống như “đôi dép Empédocle” của người Hi Lạp cổ đó thôi, vết chân thì mỏng manh có ra gì, nhưng hợp với lẽ tự nhiên, đã đi qua thì để lại dấu chân, học theo con chim hồng đi trên tuyết.
Trịnh Công Sơn đã cho rằng mọi cái ở đời đều là phù phiếm, như ta đã thấy. Anh không tích lũy một chút của cải vật chất nào cho riêng mình cả. Rốt cuộc, như một vật thể không bị hòa tan trong lịch sử, chính là tên tuổi của anh. Khi tôi mới rời Huế ra đi vào năm 1966, tên tuổi của Trịnh Công Sơn mới bắt đầu bằng những nét chữ mờ nhạt. Nhưng khi tôi trở lại Huế, vừa đúng với sự kiện năm 1975, tên tuổi của Trịnh Công Sơn đã vang dậy hết thành phố này đến thành phố khác. Trịnh Công Sơn đã thành công rất nhanh kể từ mấy bài ở phố biển, nhanh đến độ lúc này tên tuổi Trịnh Công Sơn đã sáng chói khắp cả bầu trời âm nhạc miền Nam.
Nhạc của Trịnh Công Sơn tồn tại rất bền lâu, nhiều bài của thời kỳ đầu đến nay vẫn còn nổi tiếng. Qua một thời gian dài bị chính quyền Sài Gòn cấm đoán, nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn đến được tay công chúng, bằng cách mỗi người tự chép riêng những bài hát yêu thích và lưu chuyển đến người khác. Như thể có một dòng sông ngầm vẫn trôi đi trong khi những dòng sông trên mặt đất đã bị tắc nghẽn. Điều đó chứng tỏ nội lực âm nhạc của Sơn, từ đó phát ra sức mạnh thúc đẩy sự luân lưu giữa cuộc đời. Theo công bố của Đài phát thanh Sài Gòn nghe được ở chiến khu, thì năm 1966 Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ được quần chúng hâm mộ nhiều nhất.
Ở Sài Gòn trước 1975, người ta vẫn thấy nhiều quán rượu hoặc cà phê bên đường có tên là Biển nhớ, Diễm xưa, Hạ trắng, Mưa hồng... Ở Đà Lạt, ở Huế hoặc những thành phố khác cũng đều như vậy. Ở miền Bắc dù ít hơn song không phải là không có những cô gái đã đi qua tuổi học trò với những bản nhạc của Trịnh Công Sơn chép tay luôn luôn được mang theo trong cặp sách.
Có lần tôi lang thang ngoài một hòn đảo vùng biển Qui Nhơn, gặp một quán rượu nhìn ra biển, dựng trên một mảnh đất của dân mới đến khai phá. Gặp tôi, cô chủ quán hỏi câu đầu tiên là: “Anh có thuộc bài Biển nhớ của Trịnh Công Sơn không?”. Thậm chí, tôi muốn nói rằng có một văn hóa Trịnh Công Sơn trong đời sống tinh thần của các đô thị miền Nam; và Trịnh Công Sơn nghiễm nhiên trở thành một nhà văn hóa đồng thời với một nhạc sĩ.
Sự nổi tiếng của Trịnh Công Sơn cho ta thấy một hiện tượng xã hội thật hiếm có trong chiến tranh. Chẳng những những người hâm mộ Sơn thích nhạc Trịnh Công Sơn, mà cả những người chống Trịnh Công Sơn (về chính trị) cũng thích nghe nhạc Sơn. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau chuyến đi du hành ở Pháp cùng với Trịnh Công Sơn luôn luôn khẳng định như vậy.
Ở miền Nam, từng có một viên tư lệnh thiết giáp đã từ chối lệnh hành quân trong chiến dịch Nam Lào vì chịu ảnh hưởng tư tưởng phản chiến của Trịnh Công Sơn. Tôi tự hỏi những người thường lên án nhạc Sơn năm xưa có biết được tính “tích cực” của tư tưởng phản chiến của Sơn trong những trường hợp như vậy hay không.
Tin Trịnh Công Sơn từ trần được các báo lớn trên thế giới thông báo cho bạn đọc, và từng nhóm Việt kiều đã tổ chức lễ tưởng niệm hoặc “đêm nhạc Trịnh Công Sơn”. Có lẽ chưa có sự ra đi của danh nhân văn hóa nào đã để lại nhiều cuốn sách tưởng niệm như vậy: TP.HCM ba cuốn, TP Hà Nội hai cuốn và Huế một cuốn cùng với ba cuốn sách của cá nhân nhà văn, mỗi cuốn sách tác phẩm của cộng đồng đều tập trung bài vở của hàng chục tác giả đủ mọi giới, nam và nữ, âm nhạc và các ngành khác. Tất cả những người viết đều đã trực tiếp gặp gỡ Trịnh Công Sơn, và thế mới biết bạn bè của Trịnh Công Sơn đông không thể hình dung được.
Khát vọng “lưu danh thiên cổ” tỏ ra bức xúc đến nỗi Érostrate, cũng là một người cổ Hi Lạp, đã thề rằng nếu không được lưu danh như một kẻ xây đền (đền thờ nữ thần Athena) ta sẽ lưu danh như một kẻ đốt đền.
Vậy thì “cái tên” là một tòa nhà còn mãi, trong đó cư ngụ đời sống vĩnh hằng của con người sau khi chết. Cao Bá Quát đã từng nói: “Đời người há không viết gì lên đấy, như một tấm bia không chữ”. Người đời sẵn sàng phê phán thói hư danh, nhưng không nên nhầm lẫn với sự hiếu danh: khát vọng lưu danh là chính đáng và là đòi hỏi đáng giá để đặt ra trước cuộc sống trần thế.
Chúng ta hài lòng khi thấy Trịnh Công Sơn đã giành được trong tay định mệnh, cái mà người nghệ sĩ nào cũng thèm muốn: sự bất tử. Trịnh Công Sơn không có nhà cửa nguy nga, của cải vật chất và không có vợ con riêng. Nhưng Trịnh Công Sơn có một cái tên để lưu truyền cho hậu thế. Và tất cả đó để làm gì? Cũng theo lời bài hát của Sơn, Để gió cuốn đi. “Khát vọng lưu danh” là một ý niệm rỗng không về vật chất, và Trịnh Công Sơn đã sống đúng với ý niệm ấy.
Hoàng Phủ Ngọc Tường
(trích Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của hoàng tử bé - NXB Trẻ 2005)
Nguồn: www.tuoitre.com.vn
[Lời bàn của người chép: HPNT không được chính xác khi ông viết:
"Khi tôi mới rời Huế ra đi vào năm 1966, tên tuổi của Trịnh Công Sơn mới bắt đầu bằng những nét chữ mờ nhạt. Nhưng khi tôi trở lại Huế, vừa đúng với sự kiện năm 1975, tên tuổi của Trịnh Công Sơn đã vang dậy hết thành phố này đến thành phố khác"
Vào năm 1966 tên tuổi của Trịnh Công Sơn đã rất rõ nét như chính HPNT đã viết "năm 1966 Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ được quần chúng hâm mộ nhiều nhất". Và tên tuổi của Trịnh Công Sơn đã vang dậy từ 1966 chứ không phải đến sự kiện năm 1975 mới vang dậy]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét