24/11/08

HỌC MỘT SÀNG KHÔN (Tạp ký) Bùi Trọng Liễu

HỌC MỘT SÀNG KHÔN

(Tạp ký)

Bùi Trọng Liễu

Nguyên Giáo sư Đại học (Paris, Pháp)







Lời nói đầu



Tục ngữ có câu :

« Đi một ngày đàng,

Học một sàng khôn ».

Theo tôi hiểu thì người xưa có ý muốn khuyên đừng có bo bo « ở nhà nhất mẹ nhì con », mà nên đi ra khỏi cổng, ra khỏi lũy tre xanh (ngày nay không còn nữa), để tìm hiểu học hỏi nơi người khác, vì « ra đường còn lắm kẻ giòn hơn ta ». Vả lại, từ nhỏ, tôi vẫn muốn làm sao tránh cho mình khỏi là con « ếch nằm đáy giếng, coi trời bằng vung », nên khi có dịp thì cố đi cho biết.

Suy rộng ra, ngày nay, với những phương tiện hiện đại, « đi » không còn có nghĩa là thể xác phải lấy tàu xe chu du thiên hạ để mắt thấy tai nghe, mà có thể đọc sách, tham khảo tài liệu, sử dụng những phương tiện truyền thông, trao đổi thông tin, để « học ». Thu nhặt được « một sàng khôn » thì chưa chắc, nhưng cái ý tưởng cố gắng « học » để biết thì tôi nghĩ là cần thiết nên có.

Nhân nói tới « đi đó đi đây », cũng xin có vài lời (bên lề) về các cuốn sách hướng dẫn « du lịch ». Ở phương Đông thì tôi không biết – có những cuốn « du kí » nào được coi là nguồn thông tin đáng tin cậy ? – ở phương Tây thì cuốn sách cổ nhất là cuốn « Miêu tả nước Hy-lạp » của Pausanias, thế kỉ 2 sau Công nguyên. Rồi tới cuối thời Trung cổ châu Âu – Trung cổ châu Âu : từ cuối thế kỉ 5 khi đế quốc La-mã phương Tây sụp đổ, đến giữa thế kỉ 15, khi thủ đô Constantinople của đế quốc La-mã phương Đông thất thủ, rơi vào tay vua Hồi giáo Mehmed II – nhất là sau cuộc « chiến tranh một trăm năm », cũng có những loại sách như vậy. (Nguồn : La longue route des guides touristiques trong tạp chí « Lire » số 346, 2006).

Cuốn sách này của tôi chỉ nhắm đưa ra các điều linh tinh thu lượm được trong mục tiêu học hỏi đó, không dám chắc là có ích cho bất cứ ai.

Xin nhắc lại mấy điều tôi đã viết mào đầu cho cuốn sách « Học gần, Học xa », nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005 : Tôi vốn là một nhà giáo. Thuở trẻ thì đi học ; lúc vào đời thì dạy học. Nhưng dạy học thì cũng vẫn luôn luôn phải học, học để trau dồi nghề nghiệp, nhưng cũng học để hiểu biết thêm thế giới chung quanh mình, vì mọi sự hiểu biết đều có liên quan. Trong bốn mươi năm hành nghề giáo sư đại học ở Pháp trong khuôn khổ chuyên môn của mình, tôi chăm chú chắt lọc, thu gọn những hiểu biết tích lũy của thiên hạ và những tìm tòi suy ngẫm của chính mình, tìm những cái mà mình cho là tinh túy để ghi thành những bài giảng, để chuyển giao cho những sinh viên của mình. Tôi vẫn nghĩ rằng đó là cách tiết kiệm thời giờ nhất, có hiệu quả nhất, để chuyển giao kiến thức cho những người theo học, dù ở bất cứ cấp bậc nào, dù là ở năm đầu đại học hay ở cấp nghiên cứu sinh ; thu gọn thì giờ cho họ, để họ có thời gian suy ngẫm tự tìm hiểu thêm những điều cần biết và muốn biết. Đó là trong khung cảnh nghề nghiệp của tôi.

Như đã nói trên, ngoài đời, tôi cũng có nhiều điều phải học hỏi, về lịch sử, về văn hóa, về học thuật, về cách ứng xử, vv. Học hỏi đây, không chỉ qua việc đọc sách, đọc báo, đọc tin, tìm tài liệu, mà còn qua những trao đổi với những người khác, điều gì biết được thì nhớ lấy, điều chưa tỏ thì hỏi những người đã biết. Những sự tích lũy đó, mà tôi đã « học gần, học xa », tôi không muốn bỏ phí. Từ một số năm nay nghỉ hưu, tôi chẳng còn bổn phận phải chuyển giao hiểu biết cho ai nữa ; nhưng cái ý tiết kiệm thời giờ cho người khác vẫn còn đó ; vì thế nên tôi muốn ghi chép lại một số điều đã tích lũy, để « tặng » những ai muốn đọc, muốn biết, hoặc muốn giải trí trong lúc thư nhàn..

Sự hiểu biết là vô tận, ai mà biết hết được những điều muốn biết ! Mục tiêu cuốn sách này rất là khiêm tốn : ghi chép lại một số điều đã thu thập được về những chuyện đông, tây, kim, cổ, dưới dạng trao đổi không « hàn lâm », với cách viết bình dị nhất.

Tự tôi không thể biết xếp cuốn sách này vào thể loại nào, tạp sử trá hình ? tạp luận ? tùy bút ?… Hình như từ « tạp » trong tiếng Việt Nam ta là một từ không biểu hiện sự « sang trọng », thuần túy, « phải đạo ». Nhưng tôi là người « bất cơ », nếu dùng theo nghĩa của Tư Mã Thiên, nghĩa là không biết buộc mình theo tập tục, mà vượt ra ngoài lề thói. Cũng chẳng khác gì chữ « tạp » ngày nay. Chất hỗn hợp hiện giờ coi bộ cũng thịnh trong công nghệ đấy chứ, đâu cứ phải nguyên chất, thuần đạo, mới là hay…».

Những lời viết đó cho cuốn sách dẫn trên, vẫn còn giá trị cho cuốn sách này.

Đi đâu và học gì ? Thuở còn trẻ, tôi cũng có dịp được đi thăm một số nước ; trước khi tới nước đó, tôi thường cố tìm hiểu chút ít để khỏi bỡ ngỡ tại chỗ, do đó tôi muốn ghi chép lại dưới đây những điều (có thể là sơ lược) đã được biết ấy. Nhưng không biết tại sao, khi nhìn thấy những gì của nước người, rốt cục tôi lại quay về nhớ tới quê hương cũ, tuy tôi chỉ sống ở đó khoảng hơn 15 năm. Vậy xin độc giả đừng lạ nếu một phần cuốn tạp ký này lại đề cập đến chuyện nước nhà, và chuyện … giáo dục đào tạo.

Thời gian không có nhiều, hay nói kỹ hơn, tôi e không còn nhiều cho tôi. Vì thế tôi đã gạt ra một số chuyện, hy vọng may mắn còn có một ngày nào đó, lại có dịp kể tiếp.

Trong những trang sau đây, tôi đã gặp phải những khó khăn trong cách ghi tên các nhân vật, cũng như các địa danh nước ngoài. Tôi muốn nhắc lại những điều tôi đã viết trong phần mở đầu của cuốn sách « Học gần Học xa » đã dẫn trên đây :

Viết sách, tôi mới nhận thấy những khó khăn khi ghi tên người, hoặc địa danh nước ngoài, nhất là tiếng ta hình như chưa định chuẩn thống nhất. Ghi bằng tự dạng nước gốc, thì tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể làm được (như chữ Hán, chữ A-rập, …), phiên âm từ cách phát âm bản xứ cũng thế ; rồi viết có gạch nối hay không, vv. Có lẽ tên ta hoặc tên Tàu, vì do ngôn ngữ đơn tiết, tôi sẽ viết không gạch nối. Còn tên thuộc ngôn ngữ khác, khi phiên âm, tôi đành để gạch nối, với chữ hoa khởi đầu, chứ không dùng chữ hoa sau gạch nối. [...] Biết viết thế nào cho hợp ? Rốt cục, tôi đánh cố gắng tùy trường hợp, ghi bằng cách nào mà tự mình cho là phù hợp hơn cả, mặc dù tôi sống ở Pháp, quen với cách phát âm của người Pháp, nên có phần thiên vị ngả về tiếng Pháp hơn.

Các phần viết không cứ phải theo một thứ tự thời gian, và có phần tùy hứng, tùy tiện. Đó cũng phần nào vin vào chữ « tạp ». Cám ơn những bạn đọc nào bỏ công đọc những trang sau đây.



Paris, 28/9/2007.

Bùi Trọng Liễu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét