24/11/08

MỘT THOÁNG BÙI TRỌNG LIỄU Trần Đăng Khoa

MỘT THOÁNG BÙI TRỌNG LIỄU
Trần Đăng Khoa



Trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người, việc dạy và học là vô hạn quan trọng. Đây cũng là một vấn đề nhạy cảm, thu hút sự chú ý của toàn xã hội và hàng triệu gia đình có con em đang học Phổ thông hoặc vừa bước chân vào các trường Đại học. Lật qua những trang nhật báo, hầu như ngày nào chúng ta cũng gặp những bài viết bàn về giáo dục, đào tạo. Rồi những cuộc tranh cãi gay gắt, dai dẳng, thường là không có lời kết luận, cũng không có tiếng nói cuối cùng.

Cuốn sách này cũng không phải ngoại lệ. Và tác giả của nó – Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Bùi Trọng Liễu – với 260 trang sách cũng chỉ bàn về việc Dạy và Học như thế nào. Và bạn đọc, khi lật những trang sách đầy tâm huyết, rất giàu tính thuyết phục này, chắc sẽ không khỏi bâng khuâng và tự hỏi : « Bùi Trọng Liễu, ông là ai ? ».

Vâng, quả thật tôi cũng chẳng biết gì hơn các đấng Thượng Đế khả kính. Bởi vì ngay khi ngồi viết đôi điều thưa với bạn đọc về cuốn sách này, tôi cũng chưa có dịp tiếp xúc, trò chuyện với Bùi Trọng Liễu, cũng không thể hình dung được ở ngoài đời, con người thực của ông ra sao. Nghĩa là tôi chưa từng một lần nhìn thấy ông, dù chỉ là một tấm hình mờ tỏ. Tôi chỉ « biết » ông qua hàng loạt bài viết in trên các báo : Nhân Dân chủ nhật, Đại đoàn kết, Tia sáng, Lao Động, Nông nghiệp Việt Nam và các báo chí ở Hải ngoại. Rồi lại « biết » ông là Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, hiện đang giảng dạy ở Trường Đại học René Descartes de Paris, một người đã định cư lâu năm ở Pháp, nhưng vẫn đau đáu hướng về quê nhà. Một loạt những bài viết giàu chất trí tuệ, lại chứa chan tình cảm đã cho ta hiểu tấm lòng của ông đã gắn bó rất sâu nặng đối với Tổ Quốc.

Cách đây mấy năm, trong một hội nghị Quốc tế Vật lý tổ chức tại Hà Nội, tới dự có không ít nhà khoa học đoạt giải Nobel, tôi hân hạnh là một khách mời, với tư cách là Phóng viên báo chí, trong buổi dạ tiệc, tôi có hỏi một nhà Vật lý có danh vọng, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, về giáo sư Bùi Trọng Liễu. Ông rất hồ hởi : « Tôi cũng chưa có dịp gặp Bùi Trọng Liễu, chỉ nghe danh. Ông là một nhà khoa học nghiêm túc, một người yêu nước và một giáo sư có uy tín với đồng nghiệp ».

Tất cả chỉ có thế.



II

Thông thường, những người định cư ở nước ngoài lâu năm, họ rất giỏi ngoại ngữ, nhưng tiếng mẹ đẻ thì lại mai một và nghèo nàn. Tôi đọc không ít những sáng tác của những nhà văn nhà thơ Việt Nam ở Hải ngoại, trông đó có cả những người hiện đang sống ở Paris, đặc biệt là các nhà thơ, cảm giác trước tiên là hơi văn của họ rất cũ, nó cũ như hơi văn của thời Tự lực Văn đoàn. Mà cũng phải thôi. Vì tiếng Việt của họ không có điều kiện phát triển. Ai ra đi ở thời điểm nào thì mang bầu ngôn ngữ của thời điểm ấy đi theo. Đó là một vùng ngôn ngữ ngưng đọng. Không ít người hóa lạc lõng, vì họ không nhập được vào đời sống văn hóa của nước bản địa, lại mất hẳn bầu khí quyển của văn hóa quê nhà. Nhưng ngược lại, có những người rất may mắn, vì họ hòa nhập được vào thế giới rộng lớn rất nhanh. Và rồi, với con mắt của người Việt, họ có thể phát hiện được những vẻ đẹp của đất nước nơi họ đang sống mà những người bản xứ không thể nhìn ra. Rồi cũng bằng chính con mắt ấy, con mắt của một thế giới rộng lớn, khi nhìn lại quê nhà, họ cũng lại tìm ra những nét đặc sắc mà người ở trong nước không thể thấy được.

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Bùi Trọng Liễu cũng là một người « may mắn » như thế. Đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách chỉ bàn về dạy và học, hay nói rộng hơn, đây là một công trình khoa học nghiên cứu về việc đào tạo con người. Một vấn đề mà chúng ta hằng quan tâm, và cũng là vấn đề mang tính toàn cầu, vì việc giáo dục, đào tạo con người là công việc then chốt của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Bùi Trọng Liễu là một người từng trải, uyên thâm và lịch lãm, với cái nhìn sâu rộng, lại là người trong cuộc, vì ông vốn là Giáo sư, với cả một đời chỉ làm công việc nghiên cứu và giảng dạy, bằng kinh nghiệm của cả một đời đứng trên bục giảng, Bùi Trọng Liễu có những kiến giải khá sâu sắc mà lại giàu sức thuyết phục. Một cuốn sách khoa học, nhưng Giáo sư Tiến sĩ không thuyết trình với ta bằng giọng Hàn Lâm. Ông viết bình dị và biến ảo. Nhiều vấn đề lý luận nghiêm túc chìm lặn trong những điển tích, những câu chuyện cụ thể hay những trang ký ức gia đình. Vì thế cuốn sách rất hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc. Nó như một trò chơi ru bích. Ta có thể « xoay » nó, và nó sẽ cho ta những màu sắc phù hợp với mắt mình. Đối với những người làm công tác Giáo dục, có thể tìm thấy ở đây những kinh nghiệm thiết thực của một người trong nghề. Còn đối với những bạn đọc thông thường, hoặc những người đọc sách chỉ để giải trí, ta cũng sẽ gặp ở đây một người bạn đường từng trải tin cậy. Qua ông, ta biết được nhiều chuyện thú vị ở những vùng đất xa ngái và ông có thể chia sẻ với ta nhiều nỗi vui buồn của cõi đời dâu bể. Với sự biến ảo và hấp dẫn như thế, cuốn sách có khả năng cuốn hút ta, và chúng ta có thể đọc một mạch hết ngót 260 trang. Đó là một cố gắng rất đáng ghi nhận của Bùi Trọng Liễu.

Thiết nghĩ, đây là một công trình rất bổ ích và có giá trị, giúp chúng ta có thể tham khảo trong công tác giáo dục, đào tạo con người, một công việc cao cả không phải chỉ dành cho các giáo sư, các thày cô giáo đứng trên bục giảng, mà là công việc của mọi gia đình, của các bậc cha mẹ, của tất cả chúng ta, những ai hằng quan tâm đến vận mệnh tương lai của đất nước. Vì vậy, tôi rất vui mừng giới thiệu với đông đảo bạn đọc. Và tôi tin rằng bằng những giá trị đích thực của mình, cuốn sách của Bùi Trọng Liễu sẽ chinh phục được độc giả mà không cần tôi phải quảng bá.

Hà Nội 1-5-2003

T.Đ.K.





Khuyến học và Dân Trí, 8-7-2004



« Chung quanh việc học » - Nhiệt huyết một tấm lòng về một quốc sách nóng bỏng

Trong những ngày này, dồn dập bao hội nghị, hội thảo, bao công trình nghiên cứu, đề tài khảo sát đang được tiến hành … phục vụ cho việc sửa đổi bổ sung dự thảo Luật giáo dục và Đề án Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập. Tôi được Nhà báo, nhà giáo Nguyễn Hạc Đạm Thư gửi tặng cuốn sách « Chung quanh việc học » của Bùi Trọng Liễu, bỏi vì theo chị trong cuốn sách co nhiều vấn đề hết sức « thời sự ».

Bùi Trọng Liễu là ai ? Có lẽ cái tên ấy còn khá xa lạ với đông đảo bạn đọc, cho nên ngay nhà thơ Trần Đăng Khoa khi viết bài giới thiệu cuốn sách cho nhà xuất bản Thanh niên cũng phải viết : « … ngay khi ngồi viết đôi điều thưa với bạn đọc về cuốn sách này, tôi cũng chưa có dịp tiếp xúc, trò chuyện với Bùi Trọng Liễu, cũng không thể hình dung được ở ngoài đời, con người thực của ông ra sao. Nghĩa là tôi chưa từng một lần nhìn thấy ông, dù chỉ là một tấm hình mờ tỏ. Tôi chỉ « biết » ông qua hàng loạt bài viết in trên các báo : Nhân Dân chủ nhật, Đại đoàn kết, Tia sáng, Lao Động, Nông nghiệp Việt Nam và các báo chí ở Hải ngoại. Rồi lại « biết » ông là Giáo sư, hiện đang giảng dạy ở Đại học Paris, một người đã định cư lâu năm ở Pháp, nhưng vẫn đau đáu hướng về quê nhà. Một loạt những bài viết giàu chất trí tuệ, lại chứa chan tình cảm đã cho ta hiểu tấm lòng của ông đã gắn bó rất sâu nặng đối với Tổ Quốc » ... Nhà thơ có lẽ khó thích ứng với những vấn đề gay cấn đang tranh luận trong xã hội, thế nhưng Trần Đăng Khoa đọc một mạch hết luôn 300 trang cuốn sách. Tôi thử đọc, đúng giữa kì EURO và phim chưởng võ hiệp Kim Dung đang chiếu, ấy thế mà tôi cũng phải đọc đi đọc lại cuốn sách đến 3 lần. Tôi cũng là người chưa từng gặp Bùi Trọng Liễu, nhưng nếu đọc hết cuốn sách thì hình như anh không phải là một người Việt xa xứ đứng ngoài nhìn vào, mà anh thực sự là người trong cuộc gắn bó với việc học của đất nước hàng chục năm nay. Bởi vậy, anh có cái nhìn sắc sảo, nhưng lại sát đúng và hết sức cụ thể.

Cuốn sách gồm 9 phần. Phần 1, Lời nói đầu cũng là lời tâm huyết, anh nêu rõ « Từ hơn ba chục năm nay, tôi đã gửi nhiều thư kiến nghị về việc học ; gần đây hơn, khi tình hình cho phép, tôi đã cố gắng phát biểu trên mặt báo. Bởi vì, tôi thấy ngày nay khác với thuở xưa, người ta không chỉ viết thư điều trần gửi lên một vị hay một tập thể nguyên thủ. Những bài báo, những cuốn sách, những công trình nghiên cứu, những sáng tác, những cuốn phim, những phát biểu qua phương tiện truyền thông … về những suy nghĩ và nhận xét, với những lời bàn phải trái khen chê cũng là những bản điều trần gửi tới cả dân tộc Việt Nam. Có điều là vàng, thau hay ngọc đá, chắc gì đã dễ phân biệt ? ». Tám phần còn lại anh xếp sắp các bài báo mình đã viết theo những vấn đề đang được dư luận quân tâm, đó là : Về sự học giỏi, trí thông minh và nhân tài ; Về cách học của người xưa ; Vấn đề trường công, trường tư ; Về cách tổ chức Đại học ngày nay ; Mất, hút và ủ chất xám ; Việc học và phi lý tính ; Thời niên thiếu và việc học ; Học và Hạnh.

Điều khá ngạc nhiên, mặc dù là một giáo sư toán học, viết sách để lập luận và minh chứng … nhưng ông không sử dụng thủ pháp toán học, không thuyết trình với ta bằng giọng hàn lâm, mà như Trần Đăng Khoa nhận xét : « ông viết bình dị và biến ảo. Nhiều vấn đề lý luận nghiêm túc chìm lặn trong điển tích, những câu chuyện cụ thể hay những ký ức gia đình. Vì thế cuốn sách rất hấp dẫn phù hợp với nhiều dối tượng ». Người đọc đôi lúc cảm thấy ông hơi lạm dụng điển tích và thí dụ. Nhưng đó lại là chủ định của ông. Ông viết : Thời Chiến quốc, Vua nước Lương bảo Huệ tử : « Nói gì thì cứ nói thẳng, đừng nói thí dụ ». Huệ tử hỏi vua : « Có một người không biết cái nỏ là cái gì, mới hỏi tôi cái nỏ như thế nào. Nếu tôi đáp rằng cái nỏ giống như cái nỏ, thì người ấy có hiểu được không ? ». Vua trả lời: « Hiểu thế nào được ». Huệ tử lại hỏi : « Thế nếu tôi bảo người ấy rằng cái nỏ giống như cái cung, nhưng có cán có lẫy, thì người ấy có hiểu được không ? ». Vua trả lời : « Hiểu được ». Huệ tử kết luận : « Vì thế mà nói thí dụ cho dễ hiểu ». Bởi vậy, khi không tìm đựoc cách nào tốt hơn thì ông làm theo cách Huệ tử.

Dẫu sao, cách viết cũng chỉ là cái tài, là phong cách nấu nướng, còn vấn đề chính là tác giả cho người đọc ăn cái món gì mới là quan trọng ; là người đọc tôi chỉ nói gọn có một câu : Tám cái món ông dọn ra « bát bảo lương xà » có món ông nấu từ đầu thập kỷ chín mươi thế kỉ trước, có món mới nấu sau năm 2000, nhưng món nào cũng đang nóng hổi. Tôi đọc đi đọc lại cái chuyện trường công trường tư, rồi chuyện cách tổ chức Đại học … thì hình như ông viết để đọc tại cái Hội thảo « Đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế » và một cái hội thảo na ná như thế trong vòng mấy tháng qua ! Càng đọc, tôi càng thấy có những vấn đề đến lạ. Thí dụ, trong khi Bộ Giáo dục Đào tạo lên kế hoạch đào tạo mấy trăm tiến sĩ và mấy ngàn thạc sĩ trong nước, thì có người cũng hàm này, vị nọ phê phán kế hoạch phiêu lưu, rồi họ dẫn ra nước này, nước nọ mỗi năm chỉ đào tạo được có mấy người … Thế nhưng ông giáo sư dạy đại học ở Pháp, dẫn tài liệu của Le Monde de l’Education số 261, 1998, thì năm 1997 số luận văn tiến sĩ các ngành bảo vệ ở Pháp là 10963. Nói gọn một câu là hơn một vạn. Tôi tin tác giả cuốn sách tôi đang đọc bởi cái bề dày và tấm lòng của ông. Từ thực tế này đến thực tế khác, hơn 10 năm trước, ông lý luận về vai trò chủ chốt của Nhà nước trong giáo dục mà nghe như ông đang phát biểu về xã hội hóa giáo dục mà chính phủ đang yêu cầu làm rõ hôm nay. Món ăn có thể hợp khẩu vị người này, nhưng chưa chắc hợp khẩu vị người khác, nhưng đối với tôi qua tám món ông bày ra, tôi không thể không nhắc đến cái món cuối cùng. Đó là phần cuối cuốn sách với nhan đề « Học và Hạnh ». Tôi xin viết rõ chữ Hạnh là dấu nặng, chứ không khéo do sơ xuất in ấn mà in thành học và hành thì lại mất ý nghĩa. Phần này, ông tập hợp 5 bài viết về 5 người học rộng tài cao, 3 người Việt và 2 người châu Âu nhưng đã gắn với công cuộc kháng chiến kiến quốc của đất nước ta. Đó là, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Nhà Vật lý thiên văn Henri Van Regemorter, Nhà Toán học Laurent Schwartz và Giáo sư Lê Văn Thiêm … Trí tuệ và phẩm hạnh của 5 vị « bồ tát » khoa học này phải chăng đáng được dựng tượng đài, đặt tên trường, tên đường, tên phố trong đạo học Việt Nam ?

Phan Lương Ánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét