24/11/08

Chương 3 Vài chuyện trong Văn học Pháp

Chương 3



Vài chuyện trong Văn học Pháp


Bùi Trọng Liễu


Thuở mới tới Pháp du học (đầu năm 1950), tôi rất khổ sở vì phải gấp rút học Văn học Pháp cho kịp thi Tú tài phần 1 của Pháp, cửa ngõ cho chuyện học hành, bởi vì thời đó phần Pháp văn là phần khó khăn nhất đối với tôi, mà thi thì lại bị « điểm chặn », bài Pháp văn mà dưới một điểm sàn, thì dù điểm trung bình của các môn thi cộng lại, có cao đến mấy cũng bị đánh trượt. Mà đây là lần đầu mà tôi làm quen với văn học sử Pháp. Thời gian mà tôi tính là trong vòng 18 tháng phải thu tóm được những điều cần thiết về Văn học Pháp, với vốn hiểu biết lúc đó rất thô sơ về tiếng Pháp của tôi, để mong bài thi Pháp văn có được tối thiểu cần có. Học tủ trong 18 tháng, khác nào như ăn mà không kịp nhai! Thuở ấy, chỉ thấy như một thứ án khổ sai. Ngày nay thanh thản, mới có thì giờ thưởng thức.

Nay nhân có thì giờ đọc lại, tôi muốn kể lướt qua vài chuyện trong Văn học Pháp, để những ai không có thì giờ nhiều, mà muốn biết, có thể hiểu qua vài khía cạnh của nền Văn học này.



1. Một bài « anh hùng ca » thời Trung cổ



Khởi thủy của Văn học Pháp là vào giữa thời Trung cổ ở châu Âu – nhắc lại là thời Trung cổ ở châu Âu kéo dài khoảng một nghìn năm, từ thế kỉ thứ 5 (khi đế quốc La-mã phương Tây bị diệt) đến giữa thế kỉ thứ 15 (khi đế quốc La-mã phương Đông bị đế quốc Ottoman phá vỡ và chiếm thủ đô Constantinople). Nói kỹ hơn : Thời hoàng đế Charlemagne (742-814) đất đai của đế quốc của Charlemagne rất rộng, nhiều loại dân, có tới ba mươi sáu thứ tiếng nói ; hoàng đế này đã cố gắng thống nhất bằng việc cổ vũ dùng tiếng La-tinh, nhưng ngôn ngữ trong dân gian phổ biến nhất vẫn là tiếng « roman ». Sau khi ông chết, người con nối nghiệp cũng đã gặp nhiều khó khăn để bảo tồn nguyên vẹn lãnh thổ. Đến đời cháu thì đất đai chia làm ba cho 3 người cháu nội. Họ tranh giành nhau. Văn kiện đầu tiên bằng « tiếng Pháp » được viết vào năm 842 : đó là « Lời thề ở Strasbourg » giữa hai người cháu nội của hoàng đế Charlemagne, hợp tác với nhau để chống người anh cả Lothaire trong việc tranh quyền bính và đất đai. Hai người con thứ này là Louis [le Germanique] và Charles [le Chauve], cai quản hai vùng đất khác nhau, tiếng nói khác nhau. Để cho binh lính của Charles có thể hiểu được, Louis đọc « Lời thề » bằng tiếng roman (tổ tiên của tiếng Pháp), và ngược lại để cho binh lính của Louis có thể hiểu được, Charles đọc « Lời thề » bằng tiếng tudesque (tổ tiên của tiếng Đức), mà không dùng tiếng La-tinh là ngôn ngữ bác học chung cho thời đó. Bản « Lời thề » mà Louis đọc chính là văn kiện cổ nhất bằng « tiếng Pháp ».

Vào khoảng thế kỉ 12, 13, những tác phẩm là những « chansons de geste » – une « geste » trong ngôn ngữ cổ của tiếng Pháp, từ này thuộc « giống cái » (genre féminin), là một chiến công , có người dịch ra tiếng Việt Nam là những bài thơ « anh hùng ca » hay « hiệp sĩ ca », ca ngợi những thần thoại hay chiến công lịch sử – do những « troubadours » viết, kể và hát (« troubadours » : nhà thơ trữ tình thuộc ngôn ngữ langues d’oc phương nam) và sau đó ít lâu, đến lượt những « trouvères » (« trouvères » là loại nhà thơ thuộc ngôn ngữ langues d’oïl phương bắc) bắt chước, nhưng hướng về những bản tình ca.

Bài « chanson de geste » được biết đến nhiều nhất là bài « Chanson de Roland », mà một bản cổ gồm 4002 câu thơ, chia làm 291 « laisses » (khổ thơ : đoạn). Câu chuyện kể trong bài đại khái như sau : Trong bảy năm, Charlemagne đánh dẹp quân người A-rập ở xứ Tây-ban-nha. (Nhắc lại là người A-rập chiếm đất vùng đất đai Tây-ban-nha ngày nay, lập nên nhiều vương quốc hồi giáo ở đó từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 15 ; chính ông nội Charlemagne là Charles Martel năm 732 phá được quân A-rập ở Poitiers trên đường họ xâm chiếm châu Âu, và đẩy lui được họ xuống vùng đất Tây-ban-nha). Bài ca kể rằng Charlemagne đánh thắng nhiều nơi, chỉ còn thành Saragosse (Zaragoza) của vua Hồi giáo Marsile tiếp tục chống cự. Vua này đề nghị hòa, Charlemagne do dự ; hiệp sĩ Roland muốn cố đánh chiếm thành, nhưng đa số tuớng của Charlemagne muốn hòa. Muốn hòa, nhưng cử ai làm sứ giả để đi điều đình? Roland đề nghị cử bố vợ mình là Ganelon ; ông này bất đắc dĩ phải đi, nhưng trong lòng rất căm giận, vì đây là một chuyến đi nguy hiểm, chắc gì giữ được mạng sống. Vua Marsile đoán biết được, nên không những không hại Ganelon mà còn bày một kế để cho Ganelon có thể trả thù : cho Ganelon trở về thuyết Charlemagne rút quân về đất Pháp, đồng thời thuyết Charlemagne cử Roland cầm đạo hậu quân. Khi đạo hậu quân này vượt dãy núi Pyrénées ngăn chia đất Pháp và đất Tây-ban-nha, tới khe núi gần đèo Ronceveaux, thì bốn mươi vạn quân Hồi giáo – đây là con số nêu trong bài ca, nhưng thuở ấy và vùng ấy, sao mà có được nhiều quân vậy ! – mai phục ở đó, đổ xuống đánh giết hai vạn quân của Roland. Thế đã cùng quẫn, thân cận đã chết hết, Roland mới đem cái tù và của mình ra thổi để cầu cứu, Charlemagne vội vã đem quân trở lại để cứu, nhưng đã muộn, Roland và đám hậu quân đã chết hết. Lúc đó bỗng có phép lạ xảy ra, « chứng tỏ » là Chúa Trời « bênh » Charlemagne : mặt trời bỗng ngưng lại vài tiếng đồng hồ, để ông này có thì giờ để đánh quân Hồi giáo, phá được thành Saragosse, vua Marsile chết, vợ phải bỏ đạo Hồi để qui theo đạo Ki-tô. Ganelon bị xử tội phanh thây. Đấy là chuyện kể trong bản anh hùng ca.

Nhưng « sự thật » lịch sử thì có khác : chẳng có vua Marsile, cũng chẳng có Ganelon, chỉ có bá tước Roland là chết thật. Theo một số sử gia thì thuở ấy, các vua Hồi giáo đánh lẫn nhau. Tướng trấn thủ thành Saragosse là Sulayman Ben Al-Arabi phản chủ là vua Hồi giáo xứ Cordoue (Cordoba), nên cầu cứu Charlemagne ; nhưng khi quân ông này tới nơi, thì Ben Al-Arabi đổi ý, không cho vào thành. Charlemagne giận, đánh bắt được Ben Al-Arabi làm tù, rồi rút quân về vì được tin có loạn ở biên thùy phía bắc. Trên đường về đến Ronceveaux, thì các con của Ben Al-Arabi, với sự giúp sức của quân bản địa Vascons (tổ tiên của người Basques ngày nay), tấn công và cứu thoát được Ben Al-Arabi. Bá tước Roland, chỉ huy đạo hậu quân, bị vướng vì lỉnh kỉnh chở nhiều xe của cải hôi được trước đó, đi chậm, nên bị giết với toàn bộ quân sĩ. Đó là một trận thua lớn của Charlemagne.

Bại mà kể là thắng. Thế mới là tuyên truyền hay! Bài anh hùng ca cần như vậy để kích thích các hiệp sĩ đi chiến đấu chống người Hồi giáo đã chiếm đất thánh ở Cận Đông, và đi chiếm lại đất Tây-ban-nha. Việc muốn chiếm lại đất thánh, thì châu Âu Thiên chúa giáo tổ chức tám cuộc viễn chinh chữ thập (croisades) từ thế kỉ 11 đến cuối thế kỉ 13 ; còn việc chiếm lại (Reconquista) đất Tây-ban-nha thì phải mất nhiều thế kỉ, từ giữa thế kỉ thứ 8 đến cuối thế kỉ 15 mới xong.

Bài « Chanson de Roland » có nhiều dị bản, ngắn dài từ 4000 đến 9000 câu thơ. Bản cổ nhất còn giữ được tới nay là một bản viết khoảng năm 1100 (lưu ở một thư viện ở Oxford nước Anh). Nguyên nhân tại sao có nhiều dị bản là :

- Thuở đó, chưa có tác quyền. Tác phẩm bị coi là của chung. Kẻ hát, người viết, ai hứng lên thêm thắt vài ba câu cũng không sao.

- Phải chăng văn hóa truyền khẩu thuở đó chưa thấy sự cần thiết của một nguyên bản chính xác?

- Máy in chưa xuất hiện (Johannes Gensfleisch, còn có tên gọi là Gutenberg, năm 1440 mới chế ra loại máy in bằng chữ in kim loại có thể chuyển dịch).

- Sao chép bằng tay thì dễ « tam sao thất bản », đôi khi không do người chép chủ ý. Nhưng cũng không loại trừ khả năng người chép tự ý sửa cho « hay hơn », (giống như kiểu một vài nhà « biên tập » ngày nay ; có điều là thuở ấy không có động cơ sợ bị nhà cầm quyền kiểm duyệt).

Tôi cũng xin nói là tại sao tôi gắn bó với bài « Chanson de Roland » này. Tại năm tôi tám tuổi, tôi ra Hà Nội học, từ trường ta vào học trường tây. Tôi vào học trường tây mà thoạt đầu chẳng hiểu tiếng tây, vừa sợ vừa lo, chỉ loáng thoáng hiểu được câu chuyện hiệp sĩ Roland trong một bài sử, và nhớ được đến tận hôm này một câu hát « Roland mourut à Ronceveaux » (Roland đã chết ở Ronceveaux).

Charlemagne được coi là vị hoàng đế giỏi, cho nên nội dung bài anh hùng ca mới xoay quanh ông ta ; có nhiều truyền thuyết về ông ta đôi khi không phù hợp với sự thật lịch sử. Chuyện hiệp sĩ Roland là một thí dụ. Truyền thuyết về bà mẹ ông ta sẽ được kể trong mục 2, về bài thi ca dưới đây, là một thí dụ khác. Có một truyền thuyết nữa về ông ta : Charlemagne chinh chiến nhiều, chiếm đất đai để mở rộng đế quốc của mình. Câu chuyện kể rằng quân ông ta vây một tòa thành của người Hồi giáo (vùng Nam nước Pháp hiện nay). Trong 5 năm, đánh nhau bất phân thắng bại, nhưng viên tướng thủ thành này bị tử trận. Charlemagne cho rằng lực lượng giữ thành đã kiệt quệ, lương thực đã cạn, nên sửa soạn tấn công để chiếm thành. Nhưng chính lúc đó, bà vợ góa viên tướng giữ thành kia, tên là bà Carcas, bày mưu, từ trên thành cao, sai ném xuống chân thành một con lợn nhồi đầy ngũ cốc. Charlemagne thấy vậy (còn có ngũ cốc cho lợn ăn !), kết luận rằng thành còn dư lương thực, và hạ lệnh rút quân. Quân đang rút, thì trong thành tù và và chuông nổi lên theo lệnh của bà Carcas, cổng thành mở ra, và một đoàn sứ giả trong thành ra nghị hòa. Charlemagne cảm phục lòng dũng cảm, và mưu kế của bà Carcas – vì thực ra lực lượng giữ thành đã kiệt quệ, luơng thực thực sự đã cạn – đồng ý cho hòa. Và đặt tên cho thành này là Carcassonne – nghĩa là [bà] Carcas nổi hiệu [sonne : thổi tù và, róng chuông] để vinh danh bà. Bà bỏ đạo Hồi để theo đạo Thiên chúa. Charlemagne còn đem bà gả cho một tuớng của ông – có nguồn nói là Oliban, có nguồn nói là Roger ; cặp này sinh con đẻ cái, cha truyền con nối cai quản vùng này (dòng dõi các bá tước Carcassonne) từ thế kỉ thứ 9 đến thế kỉ 13. Carcassonne ngày nay là một thành phố phồn vinh, một thành phố rất hấp dẫn khách du lịch, vì còn giữ đuợc di tích thành quách rộng lớn từ thời Trung cổ ; hàng năm vào tháng ba, có hội « con lợn » để kỷ niệm câu chuyện bà Carcas. Có điều tôi hơi băn khoăn mà chưa có lời giải đáp : nếu bà Carcas quả là người Hồi giáo như quân thủ thành, thì sao lại có thịt lợn nhỉ? Hay là nuôi lợn làm cảnh chứ không ăn ? Hay là thời đó các vua Hồi giáo cũng như các vua Thiên chúa giáo, tồn tại xen kẽ và tranh chấp đất đai của nhau, nên tương đối biết khoan dung với phong tục các đạo khác ? Hay là cũng như câu chuyện (tôi đã kể) ông Shah Mohammed Shah Aga Khan (1877-1957), imam (giáo chủ) thứ 48 của cộng đồng Hồi giáo Ismaeli ; ông rất thích uống rượu sâm banh; có người hỏi ông rằng : « Đạo Hồi cấm uống rượu, sao Ngài lại uống ?» ; ông trả lời : « Khi Ta bưng cốc rượu lên đến miệng, thì nó biến thành nước, nên Ta uống được không sao » ! Nếu có phép lạ, phải chăng khi đưa miếng thịt lợn lên gần miệng thì nó biến thành miếng thịt cừu ?





2. Một bài thi ca :

« Ballade des Dames du temps jadis »

(Bài thi ca về những bà thuở xưa).



Cũng vào thời tôi mới tới Pháp, là lần đầu mà tôi làm quen với văn học sử Pháp, do ngây ngô, trong đầu óc còn đầy dãy những thành kiến, tôi cứ nghĩ rằng : đã là thi sĩ tất là người có học, đã là người có học thì không thể nào lại ăn cắp, ăn trộm, giết người (!). Quen với môi truờng Việt Nam cũ, thuở ấy tôi cứ ngỡ là thi sĩ, văn sĩ phải là những nhân vật thanh cao, chả thế mà một số người hiểu biết chả mấy tí, nhưng cũng cố làm dăm ba câu thơ để tự nâng mình lên thành người « trí thức » đó sao ? Chính vì vậy mà tôi chú ý đến thi sĩ François Villon của thế kỉ 15 (1431- mất sau 1463 nhưng không rõ năm nào). Cuộc đời của ông ta là cuộc đời trôi nổi : mồ côi từ thuở nhỏ, được một tu sĩ nuôi dưỡng nên theo « họ » ông ta ; con người này cũng có học, nhưng cuộc đời liên quan nhiều đến những vụ trộm cắp, đã từng bị tù đày, có lúc suýt bị tử hình.

Năm 1950, vì đang phải học gấp, nên tôi có tự hứa khi nào có thì giờ sẽ tìm hiểu thêm về thi sĩ này. Vậy mà mãi hơn 50 năm sau, đã về hưu mới có thì giờ thanh thản đọc lại bài « Thi ca về những bà thuở xưa » của Villon, và … thấy hay, và hiểu hơn tại sao một thời, bài thơ này đã được Georges Brassens phổ nhạc và được tán thưởng.

Bài thi ca này nói lên sự trôi nhanh của thời gian, sự mỏng manh của cuộc đời, của kiếp người, đặc biệt là cuộc đời của những người duyên dáng yêu kiều, những phụ nữ nổi danh thời xa xưa : những bông tuyết của thời quá khứ, của năm xưa (nếu tôi không hiểu lầm tiếng Pháp : les neiges d’antan). Bài thi ca lại gợi cho tôi về phong cách được gán cho người Pháp : « galant », đối xử nâng niu người phụ nữ.

Có một tài liệu dẫn việc Hồ Chủ tịch, nhân một sự cố chính trị xảy ra khoảng năm 1953 ở nước ta, có nói câu : « […] Người Pháp nói không nên đánh đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa » – (tôi không nhắc lại chi tiết sự cố đó ở đây, nó liên quan đến Cải cách Ruộng đất ; ai muốn rõ, xin xem báo Diễn Đàn số 123, tháng 11/2002, dẫn hồi ký của ông Hoàng Tùng kể việc cụ Hồ không đồng ý xử bắn bà địa chủ theo kháng chiến Cát Thành Long Nguyễn Thị Năm). Theo tôi thường nghe ở Pháp, thì người ta nói « bông » hoa (une fleur), chứ không nói « cành» hoa. Cũng có nguồn cho rằng câu nói khởi thủy là của Ấn Độ, nhưng người Pháp lâu ngày tưởng là của mình. Câu nói này, người sống ở Việt Nam ít biết, cho nên khi kể lại câu cụ Hồ nói, có mấy nguồn kể đều viết « bông hoa » thành « cành hoa » – giữa « cành » hoa và « bông » hoa cũng có sự khác nhau : đánh bằng « cành », thì có thể đau ; đánh bằng « bông » thì như sự vuốt ve. Cụ Hồ rất thấu văn hóa Pháp, Cụ khó có thể nói nhầm. Mấy người kể lại có khả năng đã dẫn nhầm, nhưng chính vì sự cùng dẫn nhầm đó mà theo tôi, nó làm tăng thêm tính trung thực của lời kể : xác suất « cụ Hồ đã nói lời đó » là cao. Nếu quả vậy thì sự kiện đưa tới việc Cụ nói câu đó, chứng tỏ đức độ hiếu sinh của Cụ.

Trở lại bài thi ca. Nguyên văn của nó như sau, (với chính tả xa xưa theo một bản cổ, vì có nhiều dị bản ; nguồn : François Villon, Oeuvres complètes, Piaris Lemerre, 1873), tất nhiên tôi không có tài dịch lại ra tiếng Việt, mà chỉ xin bàn luận về các bà được dẫn trong nội dung bài.



Dictes moy ou, n’en quel pays

Est Flora la belle Rommaine,

Archipiades, ne Thais

Qui fut sa cousine germaine,

Echo parlant quand bruyt on maine

Dessus riviere ou sus estant

Qui beaulte ot trop plus qu’humaine.

Mais ou sont les neiges d’antan ?



Ou est tres sage Hellois,

Pour qui chatre fut et puis moyne

Pierre Esbaillart a Saint Denis ?

Pour son amour ot ceste essoyne.

Semblablement, ou est la royne

Qui commenda que Buridan

Fust geté en ung sac en Saine ?

Mais ou sont les neiges d’antan ?



La royne Blanche comme lis

Qui chantoit a voix de seraine,

Berte au grant pie, Bietris, Alis,

Haremburgis qui tient le Maine,

Et Jehanne la bonne Lorraine

Qu’Englois brulerent a Rouen ;

Ou sont ilz, ou, Vierge souvraine ?

Mais ou sont les neiges d’antan ?



Có nguồn chuyển ra tiếng Pháp ngày nay như sau :



Dites-moi où, en quel pays,

Est Flora, la belle Romaine,

Alcibiade et Thaïs,

Qui fut sa cousine germaine;

Écho, qui parle quand on fait bruit

Sur la rivière ou sur l'étang,

Et qui eut beauté surhumaine.

Mais où sont les neiges de l'autre année?

Où est la très sage Héloïse,

Pour qui fut châtré puis moine

Pierre Abélard à Saint Denis?

Pour son amour il subit cette peine.

Semblablement où est la reine

Qui ordonna qui Buridan

Fût jeté en sac dans la Seine?
Mais où sont les neiges de l'autre année?

La reine Blanche comme lis,

Qui chantait à voix de sirène;

Berthe au grand pied, Béatrix, Aélis,

Eremberg, qui possédait le Maine,

Et Jeanne la bonne Lorraine,

Qu'Anglais Brûlèrent à Rouen,

Où sont-elles, où, Vierge souveraine?

Mais où sont les neiges de l'autre année?



Nhưng cũng phải nói là cho tới ngày nay, tung tích của các nhân vật dẫn trong bài thi ca còn bí ẩn ; các nhà nghiên cứu chưa thống nhất ý kiến về lý lịch của các nhân vật này (nhà thơ định nói ai?), và ngay cả khi nhân vật được xác định, thì lý lịch của nhân vật ấy là đúng hay là bị xuyên tạc ? Vậy tôi xin kể những gì tôi đọc thấy :

1/ Flora, trong bài thi ca, là bà Flora nào, vì có nhiều bà mang tên đó. Có một Flora, « courtisane » xứ La-mã. « Courtisane » là gì, thì cũng khó khẳng định. Có người dịch ra tiếng Việt Nam là « điếm thượng lưu » ; nhưng định nghĩa « điếm thượng lưu » là gì thì cũng lúng túng ; đây có lẽ là những phụ nữ xinh đẹp nhân tình nhân ngãi với những lãnh tụ trong giới cầm quyền và đôi khi có ảnh hưởng đến họ. Có thuyết cho rằng Flora trong bài thi ca này là một « điếm thượng lưu », đã từng dan díu với Pompeius (106-48 trước Công nguyên). Ông này là một trong bộ ba cầm quyền những năm 58-51 trước Công nguyên, thời đại cộng hòa La-mã : Pompeius (tiếng Pháp gọi là Pompée), Crassus và Caesar (tiếng Pháp gọi là Jules César). Trước thì chia đất đai để cai trị, Pompeius lấy con gái Caesar để cầu thân, sau tranh quyền nhau. Khi Crassus đã chết, chỉ còn Caesar và Pompeius đấu nhau. Năm 49 trước Công nguyên, Caesar đánh bại quân của phe Pompeius đuổi Pompeius sang tận Ai-cập, vua Ai-cập là Ptolémée XIV muốn làm vừa lòng Caesar nên chặt đầu Pompeius nộp cho Caesar. Tương truyền là Caesar thấy đầu Pompeius thì tỏ lòng thương tiếc, sai đem chôn ở chân thành Alexandrie ; rồi cũng chẳng nhớ công nịnh của Ptolémée mà hạ bệ vua này để đặt vợ Ptolémée (đồng thời cũng chị/em ruột của ông ta – vua Ai-cập coi mình là dòng giống thần tiên, thần tiên thì không « chính thức » kết hôn với người hạ giới) là Cléopâtre VII lên ngôi, rồi nhân tình nhân ngãi với bà này một thời gian, vv. Nếu Flora được nói tới, chắc cũng vì Pompeius.

Cũng có thuyết nói tới việc một « điếm thượng lưu » Flora để lại cho dân La-mã nhiều của cải, và để vinh danh bà ta, dân xưa này mới chế biến ra các « cuộc triển lãm cây hoa » (tiếng Pháp là « Floralies », một tục còn tồn tại đến ngày nay).

Cũng lại có một « điếm thượng lưu » Flora sống ở thời nhà thi sĩ La-mã Juvenalis (60-130) mà tác phẩm « Satira » (tiếng Pháp là « satires »), thơ trào phúng châm biếm dữ dội phong tục đồi bại của xã hội La-mã thời ông. Rốt cục cũng không ai dám chắc là Villon định nói Flora nào trong bài thi ca.

2/ Archipiades : có thuyết cho là đây là Alcibiade, (450-404 trước Công nguyên), là tướng và nhà chính trị xứ Athènes (Athinai, Hy-lạp). Thời Trung cổ, người ta cho rằng Alcibiade thực ra là một phụ nữ, vì vậy nên mới vinh danh trong bài thi ca. Sự nghiệp của vị này cũng lên bổng xuống trầm, chiến bại chiến thắng, sau bị ám sát ; kể ra thì dài và lỉnh kỉnh. Nhưng trong « lý lịch » của vị, người ta hay nhắc đến vị đã là học trò của nhà triết học Socrate (470-399 trước Công nguyên), mà ông Socrate này có cái đặc điểm là không viết gì cả, và được đời biết đến qua ba người cùng thời của ông : hai người thì chê, thậm chí giễu ông ; may nhờ của người thứ ba, tự nhận là học trò ông, là nhà triết học Platon (427-347 trước Công nguyên) có tác phẩm (« Đối thoại » - « Dialogues », được coi là khởi thủy của phép « biện chứng ») mà hậu thế biết đến ông Socrate. Phải chăng cái vế tri thức cũng đóng một vai trò quan trọng trong tiểu sử của một danh nhân như Alcibiade ?

3/ Thaïs : Có hai bà Thaïs nổi danh. Một bà Thaïs « điếm thượng lưu » Hy-lạp (thế kỉ IV trước Công nguyên), đã từng là bạn lòng của Ménandre (thi sĩ hài hước Hy-lạp 342-292 trước Công nguyên), và của đại hoàng đế Alexandre (356-323 trước Công nguyên, thoạt đầu là vua xứ Macédoine, sau chiếm được rất nhiều đất đai từ Hy-lạp phía tây, chiếm đất đai của đế quốc Ba-tư, rồi sang đến tận miền tây Ấn-độ, chiếm Ai-cập phía nam), và của vua Ptolémée I (367-283 trước Công nguyên, gốc Hy-lạp, vua Ai-cập và các xứ Palestine, Syrie, Chypre, bắc Libye). Nhưng có thuyết cho rằng bà Thaïs trong bài thi ca là « điếm thượng lưu » gốc Hy-lạp (sống ở Ai-cập thế kỉ IV), rất đẹp ; vì bà mà rất nhiều ông khuynh gia bại sản, các ông ghen tuông đâm chém nhau đến nỗi cổng nhà bà thường đầy máu. Sau bà được một tu sĩ Ki-tô (thánh Paphnuce) thuyết phục, bà hoàn lương, từ bỏ giàu sang, nhốt mình trong gian phòng gắn kín cửa trong ba năm để tự phạt, rồi tu hành đắc đạo, sau được phong thánh.

4/ Berte : Berte au grant pie, nghĩa là bà Berthe với một bàn chân to, đây là mẹ của hoàng đế Charlemagne đã kể ở phần trước. Bà là công chúa con vua xứ Hung và hoàng hậu Blanchefleur, được đưa sang Pháp để lấy vua Pépin le Bref, thuở ấy chưa gọi là vua Pháp, mà là vua xứ những người Francs. Nàng bị người thị nữ Aliste, theo hầu, phản : sang đất lạ, người thị nữ này mạo nhận mình là công chúa, chiếm chỗ của Berthe. Hai nàng giống nhau nên chẳng ai nhận ra. Để việc khỏi bị lộ, Aliste sai thủ hạ giết Berthe. Và Aliste lấy vua. Mấy năm trôi qua ; Aliste đẻ được hai người con trai, cả ba đều ác nên dân chúng ghét. Rồi đến một lúc, bà hoàng hậu Blanchefleur tới Pháp thăm con gái ; Aliste sợ, giả ốm, đóng của phòng không chịu gặp « mẹ ». Hoàng hậu Blanchefleur nghi, đòi gặp cho bằng được và phát hiện ra là không phải con gái mình. Để đưa bằng chứng cụ thể, bà tiết lộ với vua rằng Berthe con gái mình có một dị tật : một bàn chân to hơn bàn chân kia. Bị tra hỏi, Aliste thú ra tên người thủ hạ được sai giết Berthe. Người này mới kể rằng, vì thương hại nàng Berthe nên không giết mà thả cho nàng trốn đi trong rừng. Vua sai người tìm, lâu mà không thấy ; rồi tình cờ một lần đi săn trong rừng mới tìm thấy nàng : trong tám năm, nàng sống ấn náu trong gia đình vợ chồng một người tiều phu đã nuôi nàng. Vua đưa nàng về triều. Người con trai đầu mà nàng đẻ với vua Pépin le Bref, chính là hoàng đế tuơng lai Charlemagne. Phương đông hay phương tây, cũng thường có những loại huyền thoại về những bà mẹ sinh con « thánh ».

5/ Hellois : còn gọi là nàng Héloïse (1101-1164) là cháu gọi tu sĩ Fulbert là cậu/chú, nổi tiếng vì mối tình duyên với Abélard (1079-1142) nhà triết học và thần học có danh thời đó ở châu Âu. Tu sĩ Fulbert trao trách nhiệm cho Abélard dạy Héloïse học. Chàng và nàng yêu nhau đắm đuối, vụng trộm, đẻ ra một đứa con. Abélard bị Fulbert phạt, thuê người thiến. Héloïse vào tu trong một tu viện, và Abélard cũng trở thành một tu sĩ có tiếng. Còn tồn tại một số văn kiện trong đó thư từ trao đổi giữa hai người, nhưng là chính bản hay là được viết lại ? Theo một thuyết, thì câu chuyện « có thể » là như sau : khi chàng và nàng yêu nhau và nàng có mang, chàng mang nàng trốn đi, và rốt cục chàng chấp nhận cưới nàng theo yêu cầu của Fulbert. Chàng vì muốn « giữ danh » của mình, giữ chuyện cưới xin trong bí mật, và gửi nàng vào tu viện Argenteuil. Fulbert giận, sai người thiến chàng ; chàng trở thành tu sĩ, và ép nàng cũng đi tu. Vì yêu mà nàng phải nhận, nhưng nàng (ngây thơ ?) có phần trách chàng thờ ơ với mình sau khi bị thiến. Còn chàng thì – phải chăng nay ở tình trạng « thị vào chầu, thị đứng, thị trông, thị cũng muốn, thị không có ấy », thị đây là « quan thị/hoạn » trong cái vế đối của câu « vũ cậy mạnh , vũ ra, vũ múa, vũ bị mưa, vũ ướt cả lông » đó – chàng khuyên nàng nên vượt qua tình yêu đối với chàng, và cả hai tập trung vào tình yêu Chúa Trời, hẹn gặp nhau lại trên thiên đàng. Sau cả hai đều tu hành đắc đạo. Phải chăng câu chuyện cũng là một loại « tu là cõi phúc, tình là dây oan » ? Có nguồn kể rằng năm trăm năm sau, cải táng chôn cặp này chung trong một mộ ở nghĩa trang Père Lachaise ở Paris. Tôi chưa có thì giờ đi kiểm chứng.

6/ Haremburgis : Có lẽ còn gọi là bà Aremburge, sống ở thế kỉ XII, vợ bá tước Comte d’Anjou Foulques V . Thời loạn li, năm 1127 bà là người sáng lập ra tu viện « Prieuré de Saint Jean du Grais ». Tương truyền nơi này có một cái giếng, nước giếng có thể làm cho người mù sáng mắt trở lại.



7/ Royne : tiếng Pháp ngày nay là « reine », nghĩa là hoàng hậu. Có thuyết cho rằng đây là bà Marguerite de Bourgogne (vợ Louis X, vua Pháp trị vì từ 1314 đến 1316). Bà này làm vợ ông lúc mới 15 tuổi (1305), khi ông còn là thái tử, (ông là con cả của vua Philippe le Bel ; vua này có 3 con trai và một con gái ; cả ba con trai sau này đều nối nhau làm vua là Louis X, Philippe V và Charles IV, và người con gái là Isabelle là hoàng hậu vợ vua Anh Edward II). Đầu năm 1314 – do Isabelle tố cáo với vua Philippe le Bel – phát giác ra vụ Marguerite (vợ thái tử Louis) và Blanche (vợ hoàng tử thứ ba Charles) ngoại tình với hai anh em quí tộc d’Aulnay. Bà Jeanne (vợ hoàng tử thứ hai Philippe) bị nghi là đồng lõa, biết mà không tố giác, nhưng không có bằng chứng ngoại tình, nên chỉ bị giam một thời rồi được tha. Hai anh em d’Aulnay, bị xử cực hình : bị thiến, bị phân thây và bêu xác. Marguerite và Blanche bị cạo trọc, giam ở Château-Gaillard, một lâu đài chiến lũy. Mùa thu năm đó vua Philippe le Bel chết, thái tử Louis nối ngôi tức là vua Louis X, bà Marguerite trên danh nghĩa đương nhiên trở thành hoàng hậu – vì hôn nhân chưa được hủy – chết vào mùa đông năm đó. Có nguồn cho rằng vì bà bị giam rất cực khổ trong phòng giam gió lùa lạnh lẽo. Có nguồn lại cho rằng bà bị vua sai người lén thắt cổ cho chết, vì giáo hội Thiên chúa giáo không coi ngoại tình là một lý do để các ông hoàng có thể bỏ vợ ; lại vướng việc đạo buộc một vợ một chồng, vua không thể cưới vợ mới. Nay, hoàng hậu Marguerite chết rồi, vua Louis X rộng đường cưới một bà vợ mới là Clémence de Hongrie. Bà em dâu cùng bị tội, Blanche, may mắn hơn, vì ông chồng thương, bị giam trong điều kiện khá hơn, nên không chết, và sau khi hôn nhân bị hủy (sẽ kể dưới đây), được đưa vào một tu viện và chết năm 1326. (Thuở trẻ, vợ chồng tôi thường đi chơi vùng Normandie, và hay ghé Château-Gaillard. Trên đồi cao, khi leo lên những bức tường còn lại của Château-Gaillard nay đã đổ nát, tôi lại trạnh lòng nghĩ tới hai cô gái bất hạnh này, không phải vì tôi cho rằng các cô cư xử đứng đắn, mà vì nghĩ tới thân phận các cô gái quyền quí cưới gả thuở xưa như một thứ hàng hóa được đổi chác vì đất đai và quyền lực, chẳng ai hỏi ý về tình yêu …)

Trong bài thi ca, tiếp sau câu thơ nói về hoàng hậu Marguerite, có 2 câu tiếp theo kể việc ông Buridan, bị bỏ vào bao ném xuống sông Seine. Sự việc thế nào, cần kể thêm một số chi tiết, vì sử và dã sử xen kẽ. Có một nhân vật trong sử là Buridan (sinh 1295 hoặc 1300 (?), chết khoảng 1360), triết gia Pháp, recteur (giám đốc) Đại học Paris (1317). Tương truyền là thuở ấy có một bà hoàng hậu hoang dâm, sai kẻ hầu mỗi ngày tuyển một chàng trai trẻ đẹp, đêm mang vào gian dâm trong lầu, rồi gần sáng đem nhốt chàng trai đó vào bao tải, rồi vứt từ trên lầu cao xuống sông Seine cho mất tích, và Buridan là một trong những chàng trai bị/được như vậy nhưng tình cờ thoát chết. Villon viết vậy trong bài thi ca, nhưng người sau nghi ngờ, vì mấy câu hỏi sau đây : Bà hoàng hậu nào đây ? Nếu bà hoàng hậu trong bài thi ca là bà Marguerite kể trên thì sử chỉ nói tới vụ ngoại tình của hai bà với hai anh em d’Aulnay. Ông Buridan có lẽ bị gán oan vào huyền thoại này chăng ? Lầu nào đây ? Người đời sau gán việc hoang dâm này ở cái lầu « Tour de Nesle » (nay không còn nữa), ở bờ sông Seine, nhưng bài thi ca không nói tới ; sử chỉ nói là năm 1319, vua Philippe V (nối ngôi anh là Louis X), tặng cho vợ là hoàng hậu Jeanne tòa nhà Hôtel de Nesle, đời sau gọi là Tour de Nesle ; bà Jeanne chính là cái bà con dâu của vua Philippe IV le Bel không bị tội trong cái vụ án ngoại tình năm 1314. Có giai thoại – mà Jean-Joseph Jullaud, cũng kể trong cuốn Histoire de France pour les nuls, nxb First 2004 – cho rằng Jeanne rằng chính bà Jeanne này (góa từ năm 1322, nghĩa là 3 năm sau khi đuợc vua cho cái Hôtel de Nesle) mới là cái bà hoàng mỗi đêm sai tuyển một chàng sinh viên trẻ đẹp để gian dâm, rồi tảng sáng bỏ vào báo vứt xuống sông Seine ; Buridan cũng được tuyển một đêm, may đoán trước được diễn biến, nhờ có bạn bè sửa soạn sẵn một cái thuyền chứa đầy rơm dưới chân lầu, nhờ thế bao nhốt chàng vứt từ lầu cao xuống sông, lại rơi trúng vào cái đống rơm trong thuyền nên chàng thoát chết. Thực hay hư ?

Dù sao, hơn năm trăm năm sau, nhà văn Alexandre Dumas mới phỏng theo chuyện ngoại tình này để viết cuốn dã sử La Tour de Nesle (1832) ; và hơn bảy trăm năm sau, Maurice Druon, trong bộ sách Les Rois maudits (tạm dịch thoát nghĩa là « Những Vua bị nguyền rủa, trời tru đất diệt ») gồm 7 cuốn (viết từ 1955 đến 1960) cũng kể tới chuyện này.

Tại sao lại có « những vua trời tru đất diệt » liên quan đến câu chuyện ngoại tình này ? Có lẽ cũng đáng kể ở đây (tuy tôi đã có dịp kể lướt qua một chút trong cuốn « Tự sự của người xa quê hương », nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004) :

Dưới thời trị vì của vua Philippe IV le Bel (đã kể trên) Dòng đạo Ordre des Templiers (một dòng đạo Thiên chúa giáo) quá giàu và có ảnh hưởng kinh tế và chính trị quá lớn, vua sợ cho uy quyền của mình, mới sai bắt Dòng trưởng (grand maître) Jacques de Molay và đồng đạo của ông ta, đổ tội phản vua và phản đạo, kết án tử hình (đó là vào năm 1314). Giáo hoàng Clément V (người Pháp, là giáo hoàng đầu tiên chuyển Toà Thánh từ Roma sang Avignon ở Pháp) muốn làm vừa ý vua Philippe Le Bel nên cũng vào hùa, kết tội và giải thể Dòng đạo Ordre des Templiers. Tương truyền rằng khi Jacques de Molay bị thiêu, khi lửa đã bén, ông ta có hô to lời nguyền rủa : hẹn rằng trước cuối năm, sẽ gặp lại vua Philippe IV Le Bel và giáo hoàng Clément V tại « Toà án của Chúa Trời » (Tribunal de Dieu) để phân xử, và nguyền rủa « trời tru đất diệt » con cháu vua Philippe IV Le Bel. Dòng trưởng Jacques de Molay chết rồi, mấy tháng sau vua Philippe IV le Bel và giáo hoàng Clément V cũng chết. Việc thiêu Jacques de Molay, cũng như việc ba người cùng chết trong năm 1314, là những việc có thật ; năm đó cũng là năm đã xảy ra vụ án ngoại tình đã kể trên.

Tiếp theo đó, là thái tử Louis nối ngôi, tức là vua Louis X, và vụ việc bà hoàng hậu ngoại tình Marguerite chết ở nơi giam, cũng xảy vào năm 1314, như đã kể trên. Vua Louis X cưới bà vợ mới là Clémence de Hongrie như đã kể trên ; khi bà này có mang, thì vua Louis X chết (1316), trúng bệnh sau khi uống một cốc rượu lạnh, năm đó mới 27 tuổi. Với bà vợ truớc là Marguerite, vua Louis X chỉ có một người con gái cũng tên là Jeanne. Tuy rằng thuở ấy, ở Pháp con trai con gái đều có thể nối ngôi, nhưng vì vụ ngoại tình nên có sự nghi vấn (chưa có ADN để kiểm !), vả lại hoàng hậu mới là Clémence de Hongrie đang có mang, triều đình mới tạm trao quyền giám quốc (régent) cho hoàng tử Philippe, em trai vua, để đợi kết quả. Mãn kỳ, hoàng hậu Clémence sinh ra một con trai, lẽ ra là người nối ngôi, nhưng đứa bé chỉ sống được mấy ngày. Lại một dịp để nghi ngờ. Hoàng tử giám quốc Philippe và thân cận, mượn cớ đạo luật « salique » cổ, diễn giải lại cho phù hợp với tình thế : phụ nữ không thể nối ngôi vua nước Pháp, và như vậy gạt được công chúa Jeanne, con của cố hoàng hậu Marguerite, ra khỏi việc lên ngôi – cũng là cách ta thường nói : « cả vú lấp miệng em » vậy. Vì thế Hoàng tử giám quốc Philippe lên ngôi, đó là vua Philippe V. Vua này trị vì được sáu năm, đến 1322 thì chết, lúc ấy mới 29 tuổi. Vua này chỉ có 3 người con gái. Vì chính cái lệ ông ta đưa ra, nên con ông ta không thể lên ngôi – cũng là « gậy ông lại đập lưng ông »! Vì thế nên em trai ông ta là hoàng tử Charles nối ngôi, tức là vua Charles IV. Vua này trước đây có vấn đề với bà vợ ngoại tình Blanche còn đương bị giam : Giáo hội không cho ly dị, vậy phải tìm cái cớ gì để « hủy cuộc hôn nhân » (tiếng Pháp là « annulation du mariage »), thí dụ như cái cớ « có họ hàng với nhau » mà lấy nhau, do đó « nhầm » thì có thể « sửa sai ». Có điều là vua Charles IV và bà Blanche không có họ hàng máu mủ gì cả ; nghĩ mãi mới lòi ra được một cái cớ : đó là bà bá tước Mahaut, mẹ bà Blanche, thuở trước là « mẹ đỡ đầu » (tiếng Pháp là « marraine ») của ông Charles. Vậy thì chẳng tìm được cớ họ hàng máu mủ thì đưa cớ họ hàng tinh thần vậy : « mẹ tinh thần » cũng là mẹ ! – đúng là « lưỡi không xương trăm đường lắt léo ». Có cớ rồi, thì Giáo hội cho ly dị. Bà Blanche thì vào tu viện, vua Charles IV cưới vợ mới Marie de Luxembourg, nhưng bà này đang có mang thì chết ; vua lại cưới bà vợ khác là Jeanne d'Evreux (tuy là em họ của vua ; nhưng đây là « cưới » chứ không là « bỏ », nên không cần căn cứ vào việc có họ hàng hay không !), nhưng bà này chỉ đẻ ra hai người con gái đều chết yểu. Năm 1328 vua Charles IV chết lúc mới 33 tuổi, không con nối dõi, ngôi vua chuyển sang người em họ là vua Philippe VI. Vậy là dòng vua Philippe IV le Bel tuyệt tự. Đấy là số phận của ba người con trai của vua Philippe IV le Bel.

Còn lại bà Isabelle con gái của vua Philippe IV le Bel. Bà này lấy vua Edward II nước Anh ; nhưng vua này lại là người « đồng tính » (tiếng Pháp là « homosexuel »), tuy ông này đã « có với » bà này một người con trai. Bà ngán ngẩm việc vua mê trai, nên bà kiếm được ông nhân tình là nam tước Mortimer, rồi « đồng minh » với em vua trai vua, hạ bệ vua, nhốt vào một nơi và ép thoái vị ; sau đó vua chết : tương truyền là vua bị ám sát bằng cái dùi dài nung đỏ, đút vào hậu môn để đốt cháy ruột, mà thi thể bề ngoài vẫn nguyên vẹn. Đó là vào năm 1327. Con trai của vua và của bà Isabelle lên nối ngôi, đó là vua Edward III, còn nhỏ tuổi. Bà Isabelle và ông nhân tình Mortimer cùng nhiếp chính. Năm 1330, vua Edward III tự cầm quyền, giết Mortimer và đày mẹ đi nơi khác ; 28 năm sau bà ta chết. Tương truyền là lúc sau, bà ta đã ân hận là đã tố giác hai người em dâu : thuở trước, bà là người « phải đạo » nên không chấp nhận tình yêu ngoài hôn nhân. Người Pháp có câu : « Hãy làm những gì mà tôi nói; đừng làm những gì mà tôi làm » (« Fais ce que je dis ; ne fais pas ce que je fais ») ; phải chăng thay chữ « đừng » bằng chữ « cấm » có lẽ phù hợp hơn ?

Vậy là số phận của cả bốn người con của vua Philippe IV le Bel ngẫu nhiên trùng hợp với lời nguyền của Dòng trưởng Jacques de Molay trước khi chết vì lửa thiêu.

Những thảm kịch xảy ra trong cho con cháu vua Philippe IV le Bel không chỉ ngưng ở đó. Vua Pháp Philippe VI không phải là hậu duệ trực tiếp của Philippe IV le Bel – ông chỉ là con của em út vua Philippe IV le Bel – cho nên vài năm sau, vua Anh Edward III, lấy tư cách là cháu ngoại của vua Philippe IV le Bel, đòi quyền lên ngôi vua Pháp, gây ra cuộc « Chiến tranh một Trăm năm » (« la Guerre de Cent ans ») giữa Pháp và Anh. Gọi là một trăm năm cho gọn, thực ra là dài hơn thế ; gọi là giữa Pháp và Anh, nhưng không phải là đất Pháp bây giờ và đảo Anh ngày nay, mà thuở ấy vua Anh có những đất đai trên lục địa xen kẽ với đất đai của vua Pháp ; gọi là chiến tranh trăm năm, nhưng không phải lúc nào cũng đánh nhau, lúc đánh lúc hòa, vv. Mãi đến năm 1475, với hòa ước Picquigny giữa hai vua Louis XI (Pháp) và Edward IV (Anh), vua Anh – trừ thành phố Calais – không còn đất trên vùng đất đai của Pháp, « Chiến tranh một Trăm năm » mới thực sự chấm dứt.

Dù sao tai họa xảy ra không chỉ cho con cháu vua Philippe IV le Bel, mà cho cả dân của hai nước. Ai cả tin, thì bảo là tại lời nguyền « trời tru, đất diệt ».

8/ Jehanne : Đây là cô Jeanne d’Arc, cuối thời « Chiến tranh Trăm năm ». Chuyện Jeanne d’Arc (1412-1431), trong khung cảnh nước Pháp, tóm tắt như sau : Khởi đầu là thời của ông vua điên Charles VI (trị vì từ 1380 đến 1422), bắt đầu điên từ 1392, lúc tỉnh lúc mê. Triều đình rối loạn ; em vua và hai chú vua tranh quyền, mang quân đánh nhau, có lúc còn nhờ quân Anh giúp sức, vì thuở ấy nước Pháp chưa là một khối thuần nhất, nhiều tỉnh còn thuộc vua Anh là Henry V. Con trai vua Charles VI là thái tử cũng mang tên Charles (sau gọi là Charles VII ) lại bị nghi là con bất chính của hoàng hậu Isabeau và em trai vua Charles VI. Năm 1420, vua Charles VI, dưới sức ép của hoàng hậu và của một hoàng thân phe Bourguignon, ký một hiệp ước công nhận vua Anh là Henry V, con rể vua Charles VI, sẽ là người nối ngôi vua Pháp, và thái tử Charles VII do bị coi là con bất chính không được nối ngôi (con bất chính của chính hoàng hậu !). Năm 1422, vua Charles VI chết, vua Anh Henry V cũng đã chết, nhưng con nối ngôi vẫn đòi kiêm làm vua Pháp. Tình cảnh của thái tử Charles (lẽ ra phải được coi là vua Charles VII ) lúc đó rất là nguy ngập, bị lấn khắp nơi, hầu như chỉ còn giữ được một tỉnh (Bourges), cho nên thuở đó ông còn bị gọi mỉa là ông vua tí hon của tỉnh Bourges (« le petit roi de Bourges ») . Giữa lúc đó thì xuất hiện một cứu tinh : Jeanne d’Arc, một cô gái quê ngoan đạo 16 tuổi. Đó là vào mùa đông năm 1428, cô này « nghe thấy » tiếng gọi của ba vị thánh, thúc giục cô ta ra giúp thái tử Charles đánh đuổi quân Anh ra khỏi nước Pháp. Cô ta thuyết phục được một võ quan, dẫn cô ta đến gặp thái tử Charles mà cô ta chưa bao giờ nhìn thấy. Thái tử muốn thử cô ta. Trong phòng lớn của lâu đài Chinon, trong đám 300 quần thần, cô ta nhìn rồi bước tới quì trước mặt một người, gọi người đó là thái tử. Người này chối, chỉ sang người bên cạnh, nhưng cô ta không đổi ý, tâu việc cô ta nghe tiếng gọi của ba vị thánh. Quả đúng người cô ta nhận ra là thái tử ; và sau một giờ đồng hồ đàm đạo riêng, cô ta tiết lộ những điều bí mật (?) chứng tỏ thái tử là con chính thống để nối ngôi, không phải là con bất chính. (Sau này, người tin thì bảo đó là mệnh trời do Chúa Trời sắp đặt, người không tin thì bảo là chuyện đồng lõa dàn dựng). Dù sao, ít ngày sau, quân của thái tử, với sự tham gia trận mạc của cô Jeanne d’Arc thắng nhiều trận, lấy lại được nhiều thành ; cô dẫn được thái tử đến Reims, nơi mà nhà thờ có truyền thống làm lễ đăng quang của các vua Pháp. Ở nơi này, tháng 7 năm 1429, thái tử làm lễ đăng quang, lúc ấy mới chính thức là vua Charles VII. Nhà vua thì ưa điều đình với đối phương (phe Bourguignon đồng minh với vua Anh) để củng cố quyền lực, cô Jeanne d’Arc ưa chiến trận ; cô trở thành một mối chướng ngại. Năm 1430, cô trở nên đơn độc khi đang tấn công một thành. Cô bị đối phương bắt ; nhà vua bỏ rơi. Năm 1431, cô bị cánh đối phương đem xử, với sự đồng lõa của giáo hội dưới quyền viên giám mục Cauchon, với lý do là cô là kẻ phản đạo, phù thủy, và kết án bị đốt chết, tro vứt xuống sông Seine. Năm năm sau, vua Charles VII hòa hoãn với phe Bourguignon đối phương, đuổi được quân Anh ra khỏi kinh đô Paris … Năm 1456, do ý của vua Charles VII, giáo hội mới xét lại và phục hồi cô. Năm 1920 cô được phong thánh. Trong bài thi ca của Villon, hai câu : « Et Jehanne [Jeanne] la bonne Lorraine, Qu’Englois [Anglais] brûlèrent à Rouen », chính là nói về cô Jeanne bị phe thân người Anh đốt ở Rouen. Jeanne d’Arc đã trở thành một tượng trưng của tinh thần dũng cảm chống ngoại xâm.



Chuyện bên lề bài thi ca :

Nhân dịp nói đến cô Jeanne d’Arc, tôi cũng muốn kể thêm câu chuyện cô « lạc » vào nước Việt Nam ta, do một sự gán ghép kỳ lạ. Dài dòng và bên lề một chút, nhưng cũng đáng kể ; vả lại, nhân dịp vinh danh mấy bà nước ngoài, tôi nghĩ cũng nên vinh danh một cách chính đáng Hai Bà nước ta. Đó là Lễ kỉ niệm Hai bà Trưng và Jeanne d’Arc năm 1942.

Nhắc lại khung cảnh. Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai, bùng nổ, (rồi sẽ kéo dài đến 1945). Đây là chiến tranh giữa 2 phe : phe « Đồng minh » và phe « Trục ». Phe « Đồng minh » gồm Anh và thuộc quốc Commonwealth, và Pháp, Ba-lan, Đan-mạch, Hà-lan, Bỉ, Nam-tư, Hy-lạp, và tiếp theo đó là Liên Xô, rồi Hoa Kỳ, Trung quốc (chế độ « Quốc dân đảng » của Tưởng Giới Thạch, sau ta gọi nôm na là Tàu Tưởng) và phần lớn các nước châu Mỹ la-tinh. Phe « Trục » gồm Đức (chế độ quốc-xã của Hitler), Ý (chế độ phát-xít của Mussolini), Nhật (chế độ quân phiệt chủ trương khối Đại Đông Á), và một số nước Đông Âu (Áo, Hung, Slovaquie, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, vv. do Đức chiếm hoặc ép làm chư hầu). Ở châu Âu, 1940, Pháp thua trận, phải xin ký đình chiến với Đức. Nghị viện Pháp (gộp chung Thượng nghị viện và Quốc hội) họp ngày 10/7/1940 bỏ phiếu (569 phiếu thuận trên 669 phiếu) trao toàn quyền cho thống chế Pétain. Chế độ Cộng hòa bị bỏ, thống chế Pétain trở thành « quốc trưởng » của « quốc gia » Pháp, và tiến tới cộng tác với Đức. Lúc đó Pháp vẫn duy trì chính quyền ở các thuộc địa, đặc biệt là ở Đông Dương.

Nhắc lại là từ 1867 Pháp chiếm Nam kỳ, triều đình nhà Nguyễn phải ký hiệp ước năm 1874 nhường đứt đất này làm thuộc địa của Pháp do Pháp cai trị trực tiếp, rồi hiệp ước năm 1883 rồi năm 1884 nhận nền bảo hộ ở Trung kỳ và Bắc kỳ. Nhưng với thời gian, Pháp dần dần lấn quyền, tiến tới cai trị trực tiếp Bắc kỳ, nhưng vẫn để tồn tại chế độ quan lại người Việt Nam ; ở Trung kỳ, tuy còn vua và triều đình, nhưng chỉ là hình thức, mọi quyết định đều do Pháp (1) . Năm xứ thuộc Pháp (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao Mên và Lào), gọi là Đông Dương thuộc Pháp, còn gọi tắt là Đông Pháp, do một viên toàn quyền người Pháp cai trị chung – từ 1940 đến 1945, viên toàn quyền là thủy quân đô đốc Decoux – vẫn phụ thuộc vào chính quyền của thống chế Pétain.

Ở châu Á, từ 1931, Nhật chiếm Mãn châu của Trung quốc. 1937-1938, Nhật chiếm đông bắc, rồi toàn miền duyên hải của Trung quốc, nhưng bị sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược này. Tháng chạp 1941, không quân Nhật bất thình lình tấn công Pearl Harbour (Trân Châu cảng) của Hoa Kỳ ; sau đó, 1942, Nhật chiếm phần lớn Đông Nam Á. Ở Đông Dương, Nhật tấn công Pháp ở biên thùy phía bắc Đông Dương (Lạng Sơn, tháng chín 1940). Pháp thua. Không những Nhật cắt được đường tiếp tế vũ khí và vật dụng mà Trung quốc tiếp nhận qua con đường hỏa xa Hải Phòng - Côn Minh (Vân Nam), mà Nhật còn dần dần buộc còn Pháp phải để quân Nhật vào Đông Dương, sử dụng những căn cứ quân sự (sân bay, cảng, vv.), cung cấp của cải, nguyên liệu vật chất mà Nhật cần dùng. Khuynh huớng của một số người Việt Nam, từ đầu thế kỉ 20, đặt hy vọng vào Nhật để giải phóng nước ta khỏi ách thực dân Pháp, nay cũng không còn cơ sở, vì Nhật duy trì chính quyền thực dân Pháp, và những yêu sách của Nhật đối với Pháp, rốt cục cũng dội xuống đầu người dân Việt Nam. Cho nên thuở ấy mới có khẩu hiệu « một cổ hai tròng ».

Dưới thời Pháp cai trị Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, người bản xứ không được hưởng những quyền lợi tương đuơng như người Pháp. Thí dụ, theo hồi ký của toàn quyền Decoux (A la barre de l’Indochine, nxb Plon 1949), lương một ông quan tổng đốc hạng nhất (bậc quan cao nhất người Việt Nam) không bằng lương một anh cai đoan (thuế quan) người Pháp ở Đông Dương (sous-brigadier des douanes), trước khi viên toàn quyền này nhậm chức. Viên này cũng « khoe » những cải cách của mình, trước những đòi hỏi của « tầng lớp khá giả bản xứ », như chấp nhận nguyên tắc tiến tới việc : « Ngang bằng cấp, thì ngang chức vụ ; ngang chức vụ, thì ngang lương », vv. Nhưng đấy là do sức ép của thời cuộc. Cũng vì vậy mà chính quyền Pháp ở Đông Dương bày ra một số chuyện nhằm giảm bớt những bất mãn của những người Việt Nam thuộc tầng lớp khá giả : mỗi sáng có lễ chào cờ Pháp và Việt ở trường Pháp ; cho in những họa báo tán dương những công lao của người gốc Việt đóng góp cho nước Pháp như Đại úy không quân Đỗ Hữu Vị trong đại chiến 1914-1918 ; in những con tem mang hình hoàng đế Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương ; lệnh cho các quan cai trị người Pháp, khi giao dịch với các quan đầu tỉnh người Việt, phải dùng chữ « Ngài » (Excellence) vv. và tổ chức buổi lễ chung kỷ niệm Hai bà Trưng và cô Jeanne d’Arc, do viên sĩ quan hải quân Ducouroy phụ trách ; viên này cũng là người phụ trách tổ chức phong trào thể dục thể thao Đông Dương thuở đó (trường thể dục Phan Thiết, đua xe đạp quanh Đông Dương, vv.).

Việc có sự kỷ niệm chung Hai Bà Trưng và cô Jeanne d’Arc, nghĩa là có thể hiểu như sự cố tình so sánh coi như tương đương, tự nó đã là kỳ. Nhưng đã nói tới cô Jeanne d’Arc mà không nói tới Hai Bà Trưng thì lại kỳ hơn. Vì vậy tôi nhắc lại ít điều về Hai Bà.

Cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, (tựa và dẫn của Hoàng Xuân Hãn, nxb Sông Nhị, Hà Nội 1949) kể :

Bà Trưng quê ở châu Phong,

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên.

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

Ngàn Tây nổi áng phong trần,

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.

Hồng quần nhẹ bước chinh yên,

Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.

Ba thu gánh vác sơn hà,

Một là báo phục hai là bá vương.

Uy thanh động đến Bắc phương,

Hán sai Mã viện lên đường tiến công.

Hồ Tây đua sức vẫy vùng,

Nữ nhi chống với anh hùng được nao ?

Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo.

Chị em thất thế cùng liều với sông.

Phục Ba mới dựng cột đồng,

Ải quan truyền dấu biên công cõi ngoài.

Trưng vương vắng mặt còn ai ?

Đi về thay đổi mặc người Hán quan.

Nói thêm là hai ông Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái không « viết chung » cuốn này : nói tóm tắt, thoạt đầu là ông Lê Ngô Cát (1827-1876) vâng lệnh soạn ra, và ông Phạm Đình Toái (1817-1901) sửa lại.

Lời thơ tuy hay, nhưng có thể khó hiểu. Vậy tôi nhắc tóm tắt đoạn sử này như sau. Đầu thế kỉ 1 sau Công nguyên, lúc đó là thời « Bắc thuộc lần thứ nhất » (nghĩa là nước ta bị phụ thuộc vào nhà Hán, Trung quốc, và bị chia ra làm các quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam : từ 111 trước Công nguyên đến năm 39 sau Công nguyên). Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định tàn ác, lòng dân oán giận. Tô Định giết Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc. Bà cùng với em gái là Trưng Nhị khởi binh đánh Tô Định. Tô Định chạy trốn. Hai bà chiếm Long Biên và 64 thành khác, rồi xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh (thuộc tỉnh Vĩnh Phú, ngày nay). Ba năm sau, vua Hán sai tướng giỏi là Phục Ba tướng quân tên là Mã Viện đem quân sang đánh. Mấy lần giao chiến ở gần Hồ Tây, hai Bà không địch nổi, rút về Cấm Khê. Mã Viện đánh Cấm Khê, quân hai bà tan vỡ, hai Bà chạy đến Hát Môn (thuộc Hà Tây ngày nay), gieo mình xuống sông Hát giang tự tử. Đó là vào năm 43 sau Công nguyên. Nước ta lại bị thuộc vào nhà Hán. Mã Viện dựng cột đồng để ghi võ công của mình, tương truyền với lời nguyền « Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt » (Cột đồng ấy gẫy thì Giao Chỉ bị diệt : cũng có người viết « động trụ chiết, Giao chỉ tuyệt »). Trong ký ức người Việt Nam, Hai Bà là tượng trưng của trí bất khuất, của lòng yêu nước, độc lập tự chủ, đồng thời lại là trường hợp rất hiếm hoi trong lịch sử nước ta mà phụ nữ làm vua – (ngoại trừ Lý Chiêu hoàng, nhỏ tuổi làm vua làm vì (1224-1225), trước khi bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh ; và tất nhiên là khác với trường hợp các bà thái hậu nhiếp chính. Ngay cả trong sử Trung quốc, theo tôi biết, cũng chỉ có một trường hợp, là Vũ Tắc Thiên là phụ nữ làm vua). (2)

Lại có bài thơ « Vịnh hai Bà Trưng » ở cuộc thi thơ do đền Hai Bà ở Hà Nội tổ chức (có lẽ vào cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 của thế kỉ 20 ?), của ông Hoàng Thúc Hội (còn gọi là cụ cử Cót), một thời được khá nhiều người biết:

Ngựa Gióng đã lên không.

Voi Thanh còn chửa lồng.

Một chồi hoa nụ Lạc.

Muôn dặm nước non Hồng.

Giăng sáng gương Hồ Bạc.

Mây tan dấu Cột Đồng.

Nén nhang lòng cố quốc.

Xin khấn một lời chung.

Câu đầu nói việc Thánh Gióng dẹp giặc Ân đã xảy ra trước Hai Bà (truyền thuyết Phù Đổng thiên vương, thời vua Hùng thứ sáu); câu thứ nhì nói sự việc vua Quang Trung phá quân nhà Thanh còn chưa xảy ra (1789); câu thứ ba và thứ tư nói tới Lạc Hồng; vv.).

Lại nhắc chuyện thời nhà Minh, một sứ ta sang Tàu, bị vua Tàu ra câu đối : « Đồng trụ chí kim đài dĩ lục » (Cột đồng tới ngày nay rêu đã xanh), để nhắc lại tích Mã Viện sang chiếm lại nước ta thời hai Bà Trưng (năm 43) rồi dựng cột đồng, chủ ý là để hạ nhục ta. Sứ ta đối lại : « Đằng giang tự cổ huyết do hồng » (Sông Bạch Đằng từ thuở xưa, máu còn đỏ) để nhắc lại hai chiến công: Ngô Quyền phá quân Nam Hán (938) và Trần Hưng Đạo phá quân Nguyên (1288). Câu đối thật là hay. Theo cuốn Từ điển Văn hóa Việt Nam, nxb Văn hóa-Thông tin 1993, thì tác giả vế đối là Thám hoa Giang Văn Minh, đi sứ, vì câu đối này mà bị vua nhà Minh sai giết năm 1638, sau mới cho mang xác về nước.

Lại liên tưởng đến một giai thoại. Thuở thịnh thời chế độ ông Ngô Đình Diệm, một bức tượng hai bà Trưng được xây dựng ở Sài Gòn, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu và Nguyễn Văn Thế điêu khắc. Tượng bằng đồng nặng 3 tấn, cao 5,2m, đặt trên bệ 3 chân bằng xi-măng cốt sắt có gạch men xám bên ngoài, cao 10,6m. Tượng đặt ở quảng truờng Mê Linh, khánh thành ngày 11/3/1962 nhân dịp lễ kỷ niệm hai bà Trưng. Đến ngày 1/11/1963, do đảo chính, ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu bị giết, tượng đài bị phá hủy ; có thuyết cho rằng tại nhà điêu khắc dùng hai chị em bà Nhu (Trần Lệ Xuân và Trần Lệ Chi) làm kiểu mẫu để tôn vinh bà Nhu. Có thuyết khác cho rằng mẫu mặt tượng hai bà Trưng là bà Nhu và con gái là Lệ Thủy. Nhưng cũng có thuyết cho rằng kỳ thật ra mẫu mặt tượng hai bà Trưng là bà Nhu và … bà Nhu. Cũng lưu ý là đời nay thường vẽ hình hai bà Trưng đội khăn vành dây như mấy bà công chúa triều Nguyễn. Nhưng đã gần hai nghìn năm qua, đâu còn dấu vết để biết y phục thời Hai Bà ra sao !

Chú thích :

(1) Nhân nhắc đến cái thời mất nước này, tôi cũng xin kể đến một pho tượng « xấu hổ» cho Việt Nam ở Paris : Trước điện Hôtel des Invalides, cổng vào phía nhà thờ, có một bức tượng được dựng nên sau thế chiến thứ nhất 1914-1918 để vinh danh thống chế Galliéni.

Việc nước Pháp vinh danh ông tướng này, cũng là điều tự nhiên, vì ông ta là người đã có công lao góp phần chiến thắng của Pháp trong thế chiến thứ nhất này, đặc biệt là trong vai trò « tướng quân quản » thủ đô Paris (tôi dịch chữ « gouverneur militaire » de Paris, 1914), rồi bộ trưởng chiến tranh (ministre de la guerre 1915), chết bệnh năm 1916, trước khi chiến tranh chấm dứt. Chính ông ta là người trưng dụng xe taxi để chớp nhoáng chở quân đánh vào sườn đạo quân Đức, lập nên chiến công vùng La Marne. Trước khi về làm tướng ở Pháp, ông này quá một quá khứ sĩ quan thuộc địa, thí dụ ở châu Phi : ở Niger, rồi làm toàn quyền ở Madagascar (1896-1905) buộc nữ vương Ranavalona III bỏ ngôi, vv. , nhưng đặc biệt là, ông ta lúc đó với quân hàm trung tá có sang Bắc Kỳ (1893-1895) đánh dẹp.

Nhưng câu chuyện tôi muốn đề cập là về bức tượng kể trên. Bức tượng ông ta được đặt trên một cái nền vuông chữ nhật, có ghi mấy dòng chữ « J’ai pour mission de défendre Paris contre l’envahisseur. Ce mandat, je le remplirai jusqu’au bout. 3/9/1914 » (Tôi có sứ mạng bảo vệ Paris chống kẻ xâm lược. Tôi sẽ thực hiện chức nhiệm đến cùng. 3/9/1914) và « Ce monument a été érigé à la suite d’une souscription publique organisée par la ligue maritime et coloniale française » (đài tưởng niệm này được dựng nên nhờ ở sự quyên góp do Hội hàng hải và thuộc địa Pháp tổ chức) bốn mặt có tượng của 4 người nâng tượng ông ta trên đầu. Phía trước là tượng một cô đầm Pháp, phía trái là một cô da đen, phía phải là một nàng A-rập, cả ba người phụ nữa đều chân đất, và phía sau là một người đàn ông Việt Nam mặc áo dài đội khăn, đi guốc.



(2) Nhân nói về đoạn thơ về Hai Bà Trưng trong Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái nói trên, tôi xin trích vài dòng của một bài của ông Lê Văn Nghi đăng trong mục « Bạn đọc và Tòa soạn » của tạp chí « Xưa và Nay » số 258, tháng 4/2006, trang 42. Ông ta viết : [Trích] : « […] Tôi hoàn toàn không có ý định phê phán quan điểm của hai đồng tác giả mà chỉ rất băn khoăn vì sao sau mấy chục năm giải phóng đất nước mà ta còn cho lưu hành trong sách giáo khoa (cũng như trong Quốc Sử Diễn Ca ) của chúng ta những quan điểm phi xã hội chủ nghĩa một cách tệ hại như :

- Mã Viện, kẻ thù xâm lược nước ta, sao lại được suy tôn là anh hùng (của ai ?).

- Từ « Nữ Nhi » ở đây là một sự mỉa mai miệt thị khá thâm độc (dù là vô tình hay cố ý).

- Hai Bà Trưng tuẫn tiết là một hành động anh hùng (Thà chết không bao giờ hàng giặc) chứ đâu phải thất thế tự tử một cách khiếp nhược như những kẻ phàm phu.

- ¼ phần còn lại của bài thơ chỉ dành cho ca ngợi chiến công của Mã Viện (mà thực chất là những cuộc tẩm máu đồng bào ta !).

- « Hồ Tây vắng mặt còn ai » … gieo vào lòng người đọc nỗi tuyệt vọng nặng nề !

Nếu bài thơ này hiện nay còn được xem bài Quốc Sử Diễn Ca thì đề nghị nên xóa đi, nếu không nó đã, đang và sẽ còn xúc phạm nghiêm trọng vong linh của Hai Bà Trưng đồng thời đả kích nặng nề lòng tự tôn dân tộc của đồng bào Việt Nam. [Hết phần trích].


Tôi (Liễu) xin miễn không bàn về mấy dòng viết này của ông Lê Văn Nghi.



3. Một nhà văn quan tâm đến

vấn đề xã hội




Dưới đây, tôi chép lại bài báo mang đầu đề « Nhân đọc lại vài tác phẩm của Zola » mà tôi viết và đăng trên Diễn Đàn mạng 20/6/2007

http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/nhan-111oc-lai-emile-zola/

Nhân đọc lại vài tác phẩm của Zola

Tôi chú ý đến Emile Zola (1840-1902), không phải là qua việc học sách vở nhà trường, nhưng thiện cảm nẩy nở là do những điều tôi được biết về sự quan tâm của ông đến sự đời, đến xã hội.

Tóm tắt tiểu sử của ông : Tuy sinh ở Paris, ông là người gốc Ý. Đời học sinh của ông thì chẳng có gì là đặc sắc : thi tú tài không đỗ, bỏ học đi làm cho nhà xuất bản Hachette và nhập quốc tịch Pháp vào năm 22 tuổi, bắt đầu viết văn năm 24 tuổi. Năm 26 tuổi bỏ nhà xuất bản để viết báo (thời luận). Năm 1877, nổi tiếng về tác phẩm L’Assommoir ; năm 1885, víết tác phẩm Germinal. Đó là 2 tác phẩm mà, theo tôi, đáng chú ý (tôi sẽ trở lại chi tiết dưới đây). Năm 1894, xảy ra vụ án Dreyfus (bị kết tội oan) ; 1898, ông Zola viết một bức thư ngỏ gửi cho tổng thống Pháp Félix Faure, bức thư mang tên « J’accuse » (nghĩa là « tôi tố cáo »), đăng trên báo L’Aurore để bênh vực người bị oan (tôi sẽ trở lại chi tiết dưới đây). Vì thái độ này, ông bị Bộ Chiến tranh (Ministère de la Guerre) kiện, và bị kết án một năm tù và phạt tiền, ông phải trốn sang London ở ẩn. Khi đuợc phá án, ông trở về Pháp và tiếp tục viết văn. Ngày 29/9/1902, ông chết ngạt một cách bí ẩn trong đêm ngủ (tai nạn, hay bị ám sát ?). Rất đông dân chúng dự đám tang đưa ông đến tận nghiã trang Montmartre. Năm 1908, tro của ông được đưa vào táng ở Panthéon, đền/lăng của những danh nhân nước Pháp. (Panthéon khởi thủy là một nhà thờ lớn ở Paris khởi công xây năm 1758, mãi đến năm 1789 mới tạm xong. Sau Cách Mạng, chính quyền cộng hòa quyết định, năm 1791, biến nhà thờ này thành nơi táng di hài « những vĩ nhân của thời đại tự do ». Danh nhân chôn trong đó gồm một số nhà văn hào, nhà bác học, danh tướng, nhà chính trị, nhà thám hiểm,… Trên mặt tiền của đền này, có ghi câu « Aux Grands Hommes, la Patrie reconnaissante », dịch thoát nghĩa là « Tổ quốc ghi ơn các vĩ nhân »).

Câu chuyện vụ án Dreyfus là như thế này. Năm 1894, phát hiện ra một vụ gián điệp : một số tài liệu quân sự, đặc biệt là về pháo binh, bị bán cho sứ quán Đức ở Paris. Đại úy Alfred Dreyfus, một sĩ quan pháo binh, gốc Do-thái, bị quy tội, mặc dù không có bằng chứng xác đáng cụ thể. Trong một bối cảnh mà sự kỳ thị chống người gốc Do-thái ở Pháp tồn tại lúc đó, và mặc dù Dreyfus kêu oan, tòa án binh họp ngày 4/12/1894 xử bị cáo tù chung thân và đày ra đảo Ile du Diable, ở xứ thuộc địa Guyane. Nhưng người anh/em ruột của Dreyfus không nản lòng ; với sự giúp đỡ của một nhà văn tên là B. Lazare, ông này quậy khắp nơi để minh oan cho Dreyfus. Dư luận thuở ấy chia ra làm hai : những người «dreyfusards » (thuận Dreyfus) – đại để là những người thuộc phải tả và những người gần với hội nhân quyền – và những người « anti-dreyfusards » – trong đó có phái cực hữu và những người kỳ thị bài người gốc Do-thái. Về phía quân đội và chính quyền, họ cố tình bưng bít để không nhận là đã có sự sai lầm. Năm 1896, tình cờ trong đám sĩ quan phụ trách điều tra, thiếu tá Picquart phát hiện ra chứng cớ là người có tội là một sĩ quan khác, thiếu tá Esterhazy. Tuy vậy phía quân đội và chính quyền vẫn « ngoan cố » : tuy buộc lòng phải đem Esterhazy ra xử (11/1/1898), nhưng viên này được trắng án. Tệ hơn nữa, thiếu tá Picquart bị bắt giam, rồi bị đổi đi xa. Ngày 13/1/1898, nhà văn Zola đăng một bức thư ngỏ gửi tổng thống Pháp, đăng trên báo L’Aurore, dưới đầu đề « J’accuse » (« Tôi tố cáo »), phơi bày vấn đề ra trước dư luận. Nhưng chính quyền phản ứng, và kiện ông Zola là vu cáo : tòa xử phạt kết án Zola một năm tù và một số tiền phạt nặng, ông phải trốn sang London ở ẩn, như đã kể trên. Ngày 13/8/1898, một người sĩ quan phát hiện ra việc trung tá Henry (trước là thiếu tá có trách nhiệm điều tra về Dreyfus) đã làm một số tài liệu giả để làm nặng hồ sơ kết án Dreyfus trước đó. Bị bắt, viên này thú nhận sự việc, và tự cắt cổ tại nơi giam. Nhờ sự kiện mới này, mà vụ án Dreyfus được đem ra xử lại. Lúc ấy ông Zola mới trở lại được Pháp. Nhưng một lần nữa, mặc dù chứng cớ hiển nhiên, tòa án binh lần này vẫn khăng khăng là Dreyfus có tội, tuy có tình tiết giảm khinh, và xử ông ta 10 năm khổ sai. Sự quá đáng này gây ra phẫn nộ ở Pháp, và cả ở nước ngoài, có nơi báo chí và dư luận lên tiếng bài Pháp. Chính quyền tìm một giải pháp xoa dịu bằng cách « ân xá » Dreyfus năm 1899. Khi mọi chuyện đã êm trong lãng quên, năm 1906, Dreyfus được phục hồi hoàn toàn, lại còn được gắn huân chương « Bắc đẩu bội tinh » (Légion d’honneur)! Lúc đó, ông Zola đã mất từ 4 năm trước rồi. Đã đành rằng việc Dreyfus được minh oan là nhờ sự cố gắng của nhiều người, trong đó có gia đình ông ta, của nhiều đoàn thể, nhà chính trị, báo chí, vv. nhưng bước ngoặt có ý nghĩa nhất vẫn được coi là bức thư « Tôi tố cáo » của ông Zola đăng trên báo năm 1898, khuấy động dư luận, làm cho sự việc không thể bưng bít được như trước nữa.

[Ở đây, tôi không muốn luận dài dòng về sự kỳ thị – theo tôi bất cứ loại kỳ thị nào, chủng tộc, màu da, tôn giáo, giai cấp, giới tính, cũng đều xấu cả – tôi chỉ muốn nói thêm về sự cần thiết phân biệt giữa mấy từ và khái niệm « bài Do-thái ». Theo tôi biết thì tiếng Pháp có mấy từ antisémitisme, anti-sionisme, anti-israélisme, anti-judaïsme, mấy từ này khác nhau mà hình như một số người Việt Nam không phân biệt và dịch chung là « bài Do-thái ». Nếu tôi hiểu không lầm thì tiếng Pháp, từ « sémite » là để chỉ những tộc ở Cận Đông nay hoặc xưa, sử dụng ngôn ngữ sémites, như tiếng Hébreu (ngôn ngữ chính thức ngày nay của nước Do-thái), tiếng A-rập, tiếng Accadien, Araméen, Phénicien, vv. Vậy nếu dùng từ « antisémitisme », thì có lẽ phải hiểu theo nghĩa là sự kỳ thị chủng tộc, như chế độ Đức quốc-xã ; thêm vào đó, đặc biệt là khi người dùng từ này là người A-rập hay đứng về phía A-rập để chống người Do-thái, thì trở thành kỳ khôi. Về từ thứ hai, «anti-sionisme », có thể hiểu như sự chống việc thành lập và tồn tại của một nước Do-thái tại vùng Palestine (Sion là tên một quả đồi ở Jérusalem, thường được đánh đồng với chính Jérusalem). Năm 1948, nước Do-thái được thành lập ở vùng này và mang tên là Israel ; đó là một quốc gia, một số công dân của nước này không theo đạo Do-thái, một số công dân cũng không có huyết thống Do-thái (thí dụ như những công dân gốc A-rập nhưng có quốc tịch Do-thái). Về từ thứ ba, « anti-israélisme », có thể hiểu là chống đường lối, chính sách của nước Do-thái hiện nay. Về từ thứ tư, « anti-judaïsme », thì phải chăng phải hiểu theo nghĩa chống những người theo đạo Do-thái, như những người theo đạo Ki-tô trước đây lên án người Do-thái trách nhiệm về cái chết của chúa Ki-tô ? Nhà xã hội học Pháp Edgar Morin có bài viết trong báo Le Monde 19/2/2004 về một số từ đề cập trên đây. Tôi không « với tới » được những tài liệu tiếng Việt ở Việt Nam về vấn đề này, nên không biết sử dụng tiếng Việt Nam như thế nào cho phù hợp. Có ý đề nghị dịch (theo thứ tự) là « bài Do », « chống Sion », « chống Israel », « chống đạo Do-thái » ; chính xác hơn, nhưng không biết những người Việt Nam khác, vốn hay « chín bỏ làm mười », có chấp nhận không. Khó quá !].

Bây giờ tôi xin nói tới hai tác phẩm L’Assommoir và Germinal của Zola. Thật ra, hai tác phẩm này nằm trong một chuỗi hai chục tiểu thuyết của tác giả (tên chung là Les Rougon Macquart, tiếng Pháp gọi là roman cycle, ta gọi là tiểu thuyết chu kỳ) gồm : La fortune des Rougon, La curée, Le ventre de Paris, La conquête de Plassans, La faute de l’abbé Mouret, Son Excellence Eugène Rougon, L’assommoir, Une page d’amour, Nana, Pot-Bouille, Au Bonheur des Dames, La joie de vivre, Germinal, L’œuvre, La terre, Le rêve, La bête humaine, L’argent, La débâcle, Le docteur Pascal.

« L’Assommoir » (nghĩa là « quán rượu hạng bét ») là cuốn tiểu thuyết tả thảm cảnh của một cô gái tỉnh nhỏ tên là Gervaise theo tình nhân Lantier, thợ làm mũ, lên sống ở Paris. Cặp này đã có ba con, nhưng Lantier là kẻ lười biếng và không thủy chung, bỏ cô này để cặp kè với tình nhân khác. Gervaise phải làm thợ giặt thuê để kiếm sống, nuôi con ; và gặp Coupeau, một thợ lợp mái nhà, đôi bên làm lễ cưới, rồi đẻ được một con gái. Cặp này tần tảo làm ăn, dành dụm. Mộng ước của Gervaise là có được một hiệu giặt của riêng mình. Nhưng chẳng may, người chồng bị nạn, ngã từ nóc nhà xuống gẫy chân, mất việc. Tưởng đã tuyệt vọng, song Gervaise cũng cố gắng vay mượn để mua được một hiệu giặt, có lúc tưởng như cuộc sống sáng sủa hơn. Nhưng nguời chồng nay tàn tật, trở nên lười biếng, rượu chè be bét ở quán rượu « L’Assommoir », rồi phát điên ; người tình nhân cũ lại tìm trở về ; Gervaise vay nợ thì không trả nổi, phải bán hiệu ; con cái thì bỏ đi ; dần dần Gervaise tuyệt vọng, cũng đâm ra rượu chè, làm điếm để nuôi miệng, bị tất cả mọi người bỏ rơi, sống những ngày tàn trong xó chân một cầu thang… Tóm lại, cuốn tiểu thuyết nói lên cảnh bần cùng sa đọa của những người nghèo khổ cuối thế kỉ 19. Tiểu thuyết này được René Clément dựng thành phim năm 1956 dưới đầu đề « Gervaise », với các diễn viên Maria Schell trong vai Gervaise và François Perrier trong vai Coupeau, gây rung cảm cho khán giả.

« Germinal » là cuốn tiểu thuyết mà khung cảnh là một cuộc đấu tranh của công nhân hầm mỏ ở một địa phương phía Bắc nước Pháp. Nhân vật chính là Etienne Lantier, con trai của Gervaise, lang thang từ miền Nam lên miền Bắc nước Pháp tìm việc làm. « May mắn » gặp dịp một người thợ mỏ bị chết, anh ta đuợc tuyển mộ vào làm việc ở mỏ than. Etienne dừng chân nơi đây, một phần cũng vì cảm thấy quyến luyến với Catherine, con gái của người công nhân già Maheu. Anh ta chăm chỉ học việc nhanh chóng, và chỉ trong vòng vài tháng đã trở thành thợ đánh rạch (haveur). Trong một khung cảnh xã hội với sự đói khổ triền miên, Etienne trở thành người cầm đầu cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho công nhân lao động. Một cuộc đình công xảy ra, và kéo dài ; thợ thuyền cùng quẫn, không còn gì để ăn, phẫn nộ phá phách. Chủ mỏ nhờ chính quyền mang quân đội đến dẹp. Những người đình công bị xa thải, và Etienne phải trốn sâu trong hầm mỏ để khỏi bị bắt. Nhưng gia đình, vợ con thợ mỏ, ngăn cản không để cho việc khai thác được tiếp tục, cho đến lúc binh lính nổ súng bắn chết một số người. Cuộc đình công thất bại, thợ mỏ buộc lòng phải đi làm trở lại. Nước ngập lụt hầm mỏ, một số thợ mắc kẹt trong hầm, trong số đó có Etienne và Catherine. Mấy ngày sau, khi ê-kíp cấp cứu tới nơi, thì chỉ còn Etienne sống sót... Cuốn tiểu thuyết này nói lên sự đấu tranh giai cấp, giữa tư bản và lao động. Zola viết như lột được tình trạng thực tế, nhờ ở kinh nghiệm làm báo và sự hiểu biết của ông về xã hội thuở đó. Tiểu thuyết này được Claude Berri dựng thành phim năm 1993, với các diễn viên Renaud, G. Depardieu, Miou-Miou, Laurent Terzieff, vv. được coi là thành công.

Zola làm tôi liên tưởng đến sự hiểu biết của một số người ở những « nước đến sau » – tôi muốn nói những nước đang kỹ nghệ hóa hay muốn kỹ nghệ hóa, chậm với tư bản phương Tây – họ tuởng như « thời gian đã ngưng lại » và tư bản phương Tây cuối thế kỉ thứ 20, đầu thế kỉ 21 vẫn còn như ở thế kỉ thứ 19 ! Đâu có phải vậy. Những cuộc đấu tranh đổ máu, cũng đã làm cho xã hội biến chuyển rất nhiều ở phương Tây. Những công đoàn được chính người lao động tổ chức, làm môi giới để bảo vệ quyền lợi của người lao động, chứ công đoàn không được lập ra, dưới một danh nghĩa lạm dụng nào đó, để bảo vệ giới chủ doanh nghiệp hay ai khác. Những đạo luật về lao động, bảo trợ người làm công, đã làm cho xã hội tiến một bước dài trên con đường hướng tới công bằng, dân chủ. Thí dụ như sự biến chuyển về số giờ lao động, kể từ 150 năm tới nay ở Pháp (nguồn : hồ sơ của báo « L’Humanité » của đảng Cộng sản Pháp) : số giờ làm việc của người lao động toàn thời gian (salariés à temps plein) thuở xưa là hơn 3000 giờ/năm, nay là 1700 giờ/năm. Vài mốc thời gian :

1841 : Số giờ lao động của trẻ em dưới 12 tuổi qui định là không quá 8 giờ/ngày.

1848 : Số giờ lao động là 84 giờ/tuần (3025 giờ/ năm) ; tối đa 12 giờ/ngày cho công nhân các xưởng công nghiệp – (« tuần » ở đây dùng theo nghĩa hiện nay nghĩa là 7 ngày, không phải là « tuần » của ta thuở xa xưa, dùng theo nghĩa 10 ngày).

1900 : Số giờ lao động là 70 giờ/tuần ; tối đa 10 giờ/ngày trong công nghiệp.

1906 : Số giờ lao động là 60 giờ/tuần, và mỗi tuần được một ngày nghỉ.

1919 : Số giờ lao động là 8 giờ/ngày, nghĩa là 48 giờ/tuần, và 6 ngày trên 7 mỗi tuần.

1936 : Theo đạo Luật 20/6, mỗi năm người lao động được hưởng 2 tuần nghỉ vẫn hưởng lương (congés payés), và số giờ lao động là 40 giờ/tuần.

1956 : Theo đạo Luật 27/3, mỗi năm người lao động được hưởng 3 tuần nghỉ vẫn hưởng lương.

1962 trong các xưởng xe hơi Renault, 1965 ở một số xí nghiệp, và 2/5/1962 : mỗi năm người lao động được hưởng 4 tuần nghỉ vẫn hưởng lương.

1982 : Theo Luật, mỗi năm người lao động được hưởng 5 tuần nghỉ vẫn hưởng lương ; số giờ lao động là 39 giờ/tuần.

1998 : Theo Luật 14/5, số giờ lao động là 35 giờ/tuần.

Ở đây, tôi không luận việc số giờ lao động quá ít có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa, và đến sức mua (pouvoir d’achat) của người lao động. Tôi chỉ nói rằng ở mấy nước Tây Âu, tư bản không còn là hoang dã như ở thế kỉ 19, điều mà – trớ trêu – lại thấy xuất hiện ở vài nơi mà thể chế đang mệnh danh là « tiến bộ ».

Tôi muốn nói thêm vài lời về từ « Germinal », đầu đề của tác phẩm của Zola. Khởi thủy, nó là tên tháng thứ 7 trong « lịch cộng hòa » thời cách mạng Pháp, nó xấp xỉ trùng với khoảng thời gian từ 21/3 đến 19/4 của lịch grégorien, và được « định nghĩa » là tháng của « sự nảy mầm và phát triển của nhựa sống » (dịch thoát nghĩa của tháng « de la fermentation et du développement de la sève de mars en avril ») theo bản báo cáo của nhà thơ Philippe Fabre d'Églantine, nhân danh « Ban làm lịch» ( Commission chargée de la confection du calendrier ) ngày 24/10/1793 tại « Hội nghị quốc ước » (Convention nationale). Tôi có đọc đâu đó hình như Zola chọn tên tiểu thuyết này vì cái định nghĩa nói trên, và nhựa sống đây là sự đấu tranh đòi hỏi cho giới lao động quyền sống trong một xã hội sáng sủa, công bằng … (?).

Về « lịch cộng hòa » Pháp này, nó được sử dụng trong 13 năm, từ 1793 đến 1/1/1806 thì bỏ. Ngày đầu năm là ngày « thu phân » (équinoxe d’automne) – kể ngược lên từ 22/9/1792 thì coi là ngày đầu của năm thứ nhất của nền Cộng hòa Pháp ; mỗi năm chia làm 12 tháng, mỗi tháng chia làm 3 « tuần », mỗi tuần gồm 10 ngày, nghĩa mỗi tháng gồm là 30 ngày ; như vậy một năm gồm 360 ngày, bổ sung thêm bởi 5 hay 6 ngày, gọi là ngày lễ cộng hòa. Các tháng mang tên như sau : 3 tháng mùa thu là vendémiaire (xuất phát từ tiếng La-tinh vindemia nghĩa là gặt hái), brumaire (xuất phát từ tiếng Pháp brume, nghĩa là sương mù), frimaire (xuất phát từ tiếng Pháp frimas, nghĩa là sương mù dày đặc và đông lạnh khi rơi xuống) ; 3 tháng mùa đông là nivôse (xuất phát từ tiếng La-tinh nivosus, nghĩa là có tuyết), pluviôse (xuất phát từ tiếng La-tinh pluviosus, nghĩa là nhiều mưa), ventôse (xuất phát từ tiếng La-tinh ventosus, nghĩa là nhiều gió); 3 tháng mùa xuân là germinal (xuất phát từ tiếng La-tinh germen, nghĩa là mầm), floréal (xuất phát từ tiếng Pháp, nở hoa), prairial (xuất phát từ tiếng Pháp, đồng cỏ) ; 3 tháng mùa hè là messidor (xuất phát từ tiếng La-tinh messis, gặt hái, và tiếng Hy-lạp dôron, của được hưởng), thermidor (xuất phát từ tiếng Hy-lạp thermos, nóng), fructidor (xuất phát từ tiếng La-tinh fructus, quả, và tiếng Hy-lạp dôron, của được hưởng). Mười ngày trong « tuần » mang tên là primidi, duodi, tridi, quartidi, quintidi, sextidi, septidi, octidi, nonidi, décadi, đại khái nghĩa là ngày thứ nhất, ngày thứ hai, …, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười.

Có sách viết rằng Cách mạng Pháp lập lịch cộng hòa như trên (và ép phải dùng, đe ai trái lệnh thì đưa lên máy chém) để bỏ lịch grégorien dùng trong thời quân chủ, nhằm xóa bỏ tất cả dấu vết của giáo hội Thiên Chúa giáo, là quốc giáo thời còn vua. Lịch grégorien đầy dãy những ngày lễ thánh ; lịch cộng hòa cho thay bằng mấy ngày lễ cộng hòa (5 hay 6 ngày), bổ sung cho đủ năm. Mấy ngày lễ cộng hòa này còn được gọi là « sans-culottides », bởi vì thời cách mạng phân biệt giới quí phái mặc quần bó sang trọng (culotte) và giới bình dân không có culotte (sans-culotte) phải mặc quần thường – (thời tôi còn nhỏ xíu, nghe mấy người lớn hơn học sử Pháp, tôi nhầm tưởng đó là những nguời nghèo đến nỗi không có quần, phải cởi truồng như Chử Đồng Tử nhà ta trước khi gặp công chúa Tiên Dung !).

Nhắc lại là lịch grégorien vốn là lịch julien (lịch mà Julius Caesar phổ biến năm 46 trước Công nguyên, vì vậy mới mang tên « julien ») được giáo hoàng Gregorius XIII ra lịnh sửa năm 1582 (vì vậy mới mang tên « grégorien »). Sửa như vậy để năm « lịch » phù hợp hơn với với nhịp quay của trái đất so với mặt trời 1 năm là 365,2422 ngày.

Nói chi tiết hơn một chút : Năm 532, theo những tính toán của Denys le Petit, một tu sĩ ở La-mã, giáo hội Công giáo tính năm kể từ năm sinh của Chúa Ki-tô. Tu sĩ này cho rằng năm sinh của Chúa Ki-tô là năm 753 sau khi La-mã được thành lập ; (nhưng ngày nay có thuyết cho rằng ông ta nhầm mất 5 năm). Tuy vậy cách đề năm này cũng phải đợi nhiều thế kỉ mới được các nước theo đạo Công giáo chấp nhận. Thí dụ như vào thế kỉ thứ IX, thời hoàng đế Charlemagne, người ta còn đề năm theo năm lên ngôi của vua, đại khái theo kiểu Tàu, kiểu ta thuở xưa. Đến cuối thời Trung cổ, một số nhà thiên văn nhận xét rằng sự chênh lệch giữa mỗi « năm lịch julien » và « năm mặt trời » là 11 phút 14 giây. (Có thuyết cho rằng kỳ thật ra, nhà thiên văn Hy-lạp Hipparque, thế kỉ thứ II trước Công nguyên, đã biết « năm mặt trời » lâu bao nhiêu, trước khi Caesar định lịch Julien). Đến thế kỉ 16 thì tổng cộng sự chênh lệch giữa « lịch julien » và « lịch mặt trời » lên đến 10 ngày, cho nên năm 1582, giáo hoàng Gregorius XIII cho sửa lại cho hợp (và do đó được gọi là lịch Grégorien) : Trước hết là quyết định rằng sau ngày thứ năm mồng 4 tháng 10 năm 1582 là ngày thứ sáu 15 tháng 10 năm 1582 (nghĩa là nhảy cóc 10 ngày). Thứ nhì là bỏ đi một số năm nhuận (năm đầu của 3 thế kỉ trên 4 thế kỉ, chỉ có 365 ngày ; vì thế nên những năm 1700, 1800, 1900 không có ngày 29 tháng 2, nhưng năm 2000 thì lại có). Với sự hiệu chỉnh như vậy, ngày nay sự chênh lệch giữa « lịch Grégorien » và nhịp quay của trái đất chỉ khoảng là 1 ngày sau 3 nghìn năm. Thoạt đầu chỉ có hai nước Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha là áp dụng ngay lịch Grégorien ; nước Pháp thì 2 tháng sau ; nước Anh theo năm 1752 ; Nhật và Trung Quốc năm 1911, Nga năm 1918, Hy-lạp năm 1923, vv. Ngày nay hầu hết các nước, có lẽ trừ các nước Hồi giáo, đều theo lịch này. Nhưng vì các nước không áp dụng lịch này cùng một lúc, cho nên cần thận trọng việc « đọc » thời điểm các sự kiện lịch sử. Thí dụ cuộc « Cách mạng tháng Mười » của Nga, lúc đó đang dùng lịch julien, xảy ra vào tháng 11. Hoặc có người lưu ý rằng hai nhà văn hào Cervantes (Miguel de Cervantes Saavedra, người Tây-ban-nha, tác giả của Don Quijote de la Mancha, ...) và Shakespeare (William Shakespeare, người Anh, tác giả của « Othello », « Macbeth », « Romeo và Juliet », ...) cùng được ghi chết ngày 23 tháng 4 năm 1616, nhưng hóa ra lại chết cách nhau 11 ngày.

Napoléon Bonaparte, thuở trước là tướng, rồi Consul (có người dịch là « Tổng tài », có người dịch là « Chấp chính » như thời La-mã) thời cộng hòa, sau khi lên ngôi và trở thành hoàng đế Napoléon I, bỏ lịch cộng hòa năm 1806, và lập lại lịch grégorien. Lịch cộng hòa còn được « hồi sinh » trong thời gian ngắn ngủi thời Công xã Paris (La Commune de Paris : từ 6 đến 23/5/1871).

Nói thêm là hai tác giả của lịch cộng hòa, nhà toán học Gilbert Romme (1750-1795) và nhà thơ Philippe Fabre, tức Fabre d’Eglantine (1750-1794) đều bị lên máy chém dưới thời cộng hòa, không phải vì « lịch cộng hòa », mà vì lý do khác. Ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới đều dùng lịch grégorien, mặc dù không phải là nước theo Thiên Chúa giáo, cũng thản nhiên như một số người Việt Nam ăn lễ Giáng sinh mà cũng chẳng cần biết ngày đó (trên nguyên tắc) là sinh nhật của ai.

2 nhận xét:

  1. Con vào google để tìm hiểu mối quan hệ giữa César và Pompée thì gặp bài viết này của bác (con xưng hô theo hình ảnh đăng ở đầu trang ạ!)
    Con còn trẻ thôi, vốn sống chưa nhiều, kiến thức hạn hẹp, lại đang bập bẹ học tiếng Pháp nữa nên sau khi đọc bài này thì con thấy vô cùng choáng ngợp! Bài viết hay quá bác ạ! Con biết được rất nhiều điều mới mẻ từ văn học Pháp và hoàn cảnh phía sau những tác phẩm bất hủ. Quan điểm của bác rất khách quan và diễn giải dễ hiểu.
    Cám ơn bác vì bài viết hay này.

    (Con thấy còn nhiều bài viết được đăng trên trang này, con sẽ đọc dần khi có thơi gian vì nó thật sự bổ ích.)

    Trâm.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa