Chương 4
Thăm mấy nước Mỹ la-tinh
Tôi không được biết nhiều về châu Mỹ la-tinh. Thuở còn trẻ, bận nhiều việc, tâm trí còn tập trung cho Việt Nam, rồi việc gia đình, con cái lại còn nhỏ tuổi, không thể vợ chồng cùng đi ; nhiều lần được mấy đại học nơi đó mời sang dạy học, mà rồi cứ nấn ná ; nên ít đi ; cho đến lúc bắt đầu ốm yếu, không đi được nữa. Thành ra cũng tiếc, chỉ thăm được vài nơi.
Nói chung thì tôi cũng nhiều thiện cảm với châu Mỹ la-tinh, nhưng tôi hiểu biết khá lõm bõm về mấy nước này. Đại khái là chỉ biết chung chung mấy điều vặt vãnh, thí dụ như có : nền văn minh Maya, đế quốc Aztèque, đế quốc Inca, chuyện bọn Conquistadores, vv.
1. Thăm Venezuela
Đầu 1970, Đại học Universidad Central de Venezuela ở thủ đô Caracas mời tôi sang dạy học 6 tuần. Tôi rủ vợ cùng đi, vì vợ tôi biết nói tiếng Tây-ban-nha, tôi thì không ; nhưng vì gửi 2 con còn nhỏ trong gia đình, nên vợ tôi chỉ đi với tôi được có 2 tuần. Thôi thì được ngày nào hay ngày nấy. Đây là lần đầu mà chúng tôi tiếp xúc với châu Mỹ la-tinh. Tôi đi công vụ (của Pháp), nên xuống sân bay, có xe hơi của sứ quán Pháp đón, rồi đưa về một khách sạn, mà họ đã thuê phòng hộ tôi. Chắc họ tưởng tôi giàu nên chọn nơi sang trọng, tôi đọc bảng giá, mà hết hồn. Vốn là thuở ấy đại học Universidad Central de Venezuela này chưa quen mời khách từ Pháp sang kiểu như tôi (hoặc là khách chỉ ghé qua làm một buổi thuyết trình rồi đi, hoặc là người sang làm phụ giáo dạy học cả năm) tôi thì họ mời 6 tuần, nên họ không biết cách thu xếp trước, mà tôi viết thư hỏi trước khi đi, thì họ cứ luôn luôn trả lời trấn an : cứ sang đây, thu xếp được hết ; họ « thoải mái » như vậy.
Cái thủ đô này thật lạ lùng, thuở ấy nhà không có số, không quen thì dễ lạc ; ngay cả taxi, khi chở đến phố, thì cũng phải hỏi thăm láng giềng « góc đường này, cạnh hiệu kia, vv. », chả biết nay như thế nào. Nghe nói người nơi này thì có vẻ hiền lành chất phác, thích ở nhàn, nhưng thỉnh thoảng lại bất chợt nổi một cơn hung ; hai ngày trước khi vợ chồng tôi tới, tả hữu biểu tình gì đó, rồi bắn nhau chết hai người sinh viên trong trường đại học.
Đang bỡ ngỡ nên chưa biết tính sao, thì may có một bà phụ giáo của đại học, không phải là dân bản xứ mà là dân Argentina (Ac-hen-ti-na) đến tìm, rủ đến nhà bà ta dự buổi tiệc bà tiếp đãi. Vốn là lúc đó, Argentina thể chế lộn xộn, nên nhiều người phái tả phải bỏ sang các nước lân cận. Bà này nói tiếng Pháp, nghe tôi đến nên muốn làm quen. Ở bữa chiêu đãi nhà bà này, may lại gặp hai phụ giảng viên Pháp, cử nhân Toán, vốn là sinh viên cũ ở đại học Lille, nơi trước đây tôi dạy học, tuy tôi không phải là thày cũ của họ ; hai anh này đương thời gian làm nghĩa vụ quân sự nhưng được « thế mạng » bằng nhận đi dạy học nơi này một thời gian lâu hơn. Họ mới gà cho cho cách thuê nơi ở. (Một trong hai anh này, anh D. sau này nhập vào ngạch ngoại giao Pháp, cuối hè năm 1981 sang làm tùy viên khoa học ở sứ quán Pháp ở Hà Nội ; trước khi đi Việt Nam, có lại tìm tôi hỏi thăm ; hết nhiệm kỳ trở về bộ Ngoại giao Pháp, còn bảo tôi : Việt Nam là nơi làm việc … khó nhất). Trở lại chuyện ở Caracas, thế là sau một đêm « lo lắng về tiền nong » ở khách sạn, ngày hôm sau anh D. đưa xe đến đón, chở vợ chồng tôi đến nơi thuê nhà, tôi nhớ là một nhà cao tầng, tên gọi là Residencia Taormina, cho thuê những căn hộ trang bị đủ mọi tiện nghi sẵn sàng, kể cả TV, như ở khách sạn, mà lại có cả bếp núc tùy ý nấu ăn. Lại có thể thuê ngày, thuê tuần, thuê tháng, tùy ý. Tầng dưới cùng lại có hiệu bán bánh mì « kiểu Pháp » và thực phẩm đủ loại, rất tiện. (Loại căn hộ cho thuê như thế này, thuở đó, không thấy có ở Pháp). Có nơi ở rồi, mới tung tăng tính chuyện đi dạo chơi, vì chưa thấy ai bàn đến việc dạy học cả.
Tối hôm đó có buổi nhạc ở giảng đường trường đại học, vợ chồng tôi được rủ tới nghe : đó là buổi trình diễn nhạc cổ điển của nhạc sĩ ghi-ta cổ điển Diaz, được coi như là một thứ « nghệ sĩ công huân » của nước này. Tôi vốn đã nhiều lần nghe ông này đàn trên đài, nhưng tôi không thích cách đàn của ông ta, rất « kỹ thuật » nhưng hầu như không có tâm hồn, cách đàn vội vã như sợ người khác tranh chỗ đàn mất của mình, không thanh thản như Andres Segovia, chững chạc, tài hoa như John Williams hay Julian Bream. Nhưng buổi đó, người ta đứng dậy sau mỗi bài đàn, vỗ tay lâu có lẽ bằng thời gian đàn ; thế mới biết lòng tự hào dân tộc là khiếp lắm.
Hôm sau anh D. lại mang xe rủ đi chơi, dẫn đến một nơi được coi là một vùng lạ của xứ này. Tôi không nhớ là cách thủ đô mấy chục, hay cả trăm cây số, nhưng đúng là đặc biệt cho khách du lịch. Đó là một làng, mang tên Colonia Tova, toàn người gốc Đức, mắt xanh tóc vàng, đã nhiều thế hệ sống như người Đức ở Đức, nghe nói họ sống riêng biệt, không lấy lẫn người sở tại, giữ truyền thống cũ của họ từ trang phục, đến cách ăn uống, hàng quán rượu bia, bánh ngọt, vv. Không biết nay còn tồn tại hay không.
Thăm nơi nào mà mình không thạo tiếng nói, thì cũng bất tiện dù có « phiên dịch riêng ». Một buổi hai chồng tôi thủng thẳng đi dạo phố. Tuy là khu « bảnh » – khu nhà giàu thành phố này ở thung lũng, khu nghèo thì đẩy lên đồi cao chung quanh, suburbios/favelas – nhưng cũng có vấn đề, đặc biệt là vỉa hè thỉnh thoảng lại có lỗ hổng ; vợ tôi đang nghếch mắt ngắm cảnh, tụt một chân vào hố, trẹo chân đau ngất xỉu. Người hàng phố tử tế chạy đến đỡ, dìu lên, có vẻ như muốn gọi xe cấp cứu. Tôi sợ quá, vợ Âu chồng Á, người ta đâu có biết, họ mà chở đi đâu thì sao mà tìm thấy ; vội vã mở cuốn từ điển bỏ túi, ú ớ chỉ trỏ, nói được hai chữ « esposa, marido » (vợ, chồng), cũng may họ gật đầu hiểu. May mà vài phút sau, vợ tôi tỉnh lại, đợi một lát hết đau, rồi lại đi dạo tiếp.
Khí hậu thành phố Caracas rất thích, nhất là vào đầu năm, nhiệt độ chỉ quanh quẩn 20 độ vì ở trên cao (1000m) ; Maiquetia là ngoại ô nơi có sân bay ở ngay ven biển thì nóng, nhưng có mấy bãi tắm « tư » rất bảnh, có cây cối um tùm, bãi cát mịn ngay dưới bóng mát, nhưng phải trả tiền mới vào được.
Lợi dụng thời gian vợ tôi còn ở đó, cũng có người mời về nhà riêng của họ để ăn cơm « gia đình », gọi cả bà con họ hàng đến dự. Có điều lạ là bà chủ nhà không ngồi ăn mà chỉ lo nấu nướng, làm tôi nghĩ đến Việt Nam ta thuở xưa.
Thoải mái mấy ngày, rồi mới thấy bàn đến chuyện dạy học và học. Tôi không biết là trường đại học này lúc đó chưa mở ngành tôi dạy, nên tôi ngỡ là phải soạn bài giảng cho sinh viên Cao học, tôi dạy thử một buổi rồi phải hạ xuống một mức. Lại tưởng là dạy cho sinh viên, té ra người theo học lại là mươi phụ giảng viên, và một ông giáo sư già ngành đại số. Trước khi sang, viết thư hỏi dạy bằng tiếng gì, thì họ trả lời là muốn dạy bằng tiếng Pháp cũng được ; vào cuộc mới biết họ hiểu tiếng Pháp cũng chỉ bập bẹ, rốt cuộc phải dạy bằng tiếng Tây-ban-nha. Cũng may là tôi lo xa, đã sửa soạn sẵn bài giảng và nhờ vợ tôi dịch sẵn ra tiếng Tây-ban-nha, tiếng này lại dễ phát âm, nên dạy bằng tiếng Tây-ban-nha không khó. Chỉ khi có người đặt câu hỏi thì mới bất đắc dĩ dùng tiếng Pháp hay tiếng Anh. Đến khi ấy tôi mới hiểu ý định của trường này khi mời tôi sang : họ muốn tôi làm một cầu nối để gửi sang Pháp một số phụ giảng viên của họ để học Cao học rồi làm luận án tiến sĩ. Khóa học do đó là việc mở đầu, và tôi đã cố gắng thực hiện tốt cho họ. Sau này, tôi đã giúp đưa được vài người sang làm luận án ở Pháp, trong đám đó có anh O. bảo vệ luận án với sự hướng dẫn của tôi và trở về làm giáo sư ở một trường đại học khác ở Caracas. Thuở ấy, có lẽ chưa có nhà khoa học gốc Việt Nam nào dạy học nơi đây ; họ không quen tên Việt Nam mà họ cho là khó đọc, nên lúc đầu chưa quen tên tôi, họ đặt cho tôi một cái biệt danh, đó là … Ho Chi Minh (!), cái tên gọi quen thuộc duy nhất đối với họ ; điều này cũng chứng tỏ sự thiện cảm rất lớn của họ đối với Việt Nam đang đương đầu với đế quốc trong cuộc chiến tranh khốc liệt.
Từ nhà trọ đến trường không xa, có thể đi bộ khoảng hơn nửa giờ, nhưng tiện hơn vẫn là đi xe. Nhưng cái thành phố này kỳ lạ ở chỗ là ít phương tiện di chuyển công cộng « chính thức »; cách tiện nhất là ra đứng đợi ở vỉa hè phố chính, đợi những xe taxi « đi chung » : thấy xe chạy qua thì vẫy, còn chỗ thì họ cho lên, nếu xe chật rồi, thì phải đợi xe sau ; lúc nào muốn xuống thì ra dấu hiệu, họ đỗ cho mà xuống, tất nhiên phải có tiền lẻ để trả cho nhanh. Nhưng cũng có bữa không gặp may, phải đợi lâu mới có xe có chỗ, thành ra thường phải đi sớm một chút để khỏi trễ giờ.
Hai tuần sau khi đến, vợ tôi phải về Pháp, tôi phải xoay sở một mình. Nước này, so với lân cận, giàu hơn một chút, có lẽ vì dầu hỏa, nên thức ăn cũng sẵn. Có điều là nhiều món của họ dùng ngô, mà tôi ăn không tiêu. Món họ thường ăn và bán rong phổ biến nhất là « perro caliente », tức là « hot dog » gọi theo Mỹ (dịch nguyên văn ra tiếng Việt là « chó nóng »), xúc xích nóng bôi mù-tạc cay bỏng lưỡi kẹp trong miếng bánh mì. Tôi một mình, nên ngại làm bếp, ăn lộn xộn, uống coca-cola là thứ đồ uống rất thịnh nơi này, được vài ngày thì lên một cơn đau dạ dày khủng khiếp, đành lật từ điển tra được chữ carbon (lẽ ra về Y, hình như phải nói carbunco), vào hiệu thuốc chỉ trỏ, người dược sĩ cũng hiểu bán cho một lọ, mang về uống mới hoàn hồn. Mấy ngày chủ nhật còn lại, trường nghỉ, chả có gì làm, tôi đi dạo xem phố, thấy ở các công viên nhỏ, mấy ông già, nơi này vài ba người, nơi kia dăm bẩy người mang đàn sáo ra hòa nhạc với nhau, thường là có chiếc « đàn hạc » (harpe indienne), đàn ghi-ta, ghi-ta trầm, ukulele, vài cây sáo, chơi nhạc truyền thống dân gian ; cũng một thứ giải trí văn hóa lành mạnh. Tôi đứng nghe ké, cũng thấy vui, và phát hiện ra rằng nhạc xứ này có đặc điểm của nó, trái với thành kiến của tôi trước đó.
Còn lại thì dạo xem thành phố : nhiều nơi, quảng trường, đường phố, công viên thấy ghi tên ông Simon Bolivar (1783-1830). Vốn là năm 1498, Christophorus Colombus phát hiện ra xứ này, và xứ này trở thành thuộc địa của Tây-ban-nha. Vào khoảng năm 1819-1820, Simon Bolivar giải phóng đất đai, lập nên Cộng hòa Colombia, còn gọi là Gran Colombia (liên bang Venezuela, Colombia, Equador) cho nên được người nước này tôn sùng. Sau, Bolivar không nắm chức quyền, (1830), Venezuela tách ra khỏi liên bang, và tồn tại với lãnh thổ ngày nay…
Đến gần hết kỳ hạn giảng dạy, tôi nhận đựoc một bức thư của ông hiệu trưởng trường đại học, mời đến gặp ông, và báo có mời cả ông tham tán văn hóa của sứ quán của Pháp. Cả ông tham tán và tôi, đều không biết có việc gì, chỉ bảo nhau là nơi này họ « thoải mái », đến đâu hay đến đấy, vậy chúng ta cũng phải vậy. Đến ngày hẹn, tới nơi, ông hiệu trưởng tiếp, và trịnh trọng trao cho tôi một văn bản, hỏi ra mới biết là bản sao của tờ biên bản của Hội đồng khoa học của trường, với số phiếu 100% thuận, biểu dương khóa giảng dạy của tôi. Thật là bất ngờ và rất vui cho tôi, vì một bà giáo sư đồng nghiệp Pháp, dạy tiếp đợt bài giảng của tôi mấy tuần sau đó, không được hưởng vinh dự đó. Ông tham tán bảo : « Mừng ông, vậy là họ còn mời ông sang dạy nữa đấy, nhưng lúc đó tôi không còn ở đây để đi cùng với ông ». Rồi có một bữa tiệc chiêu đãi của khoa, trước khi tôi lên đường về Pháp.
Tôi bận công việc, bận chuyện hội đoàn, bận chuyện với Việt Nam, bận chuyện đi nơi khác, nên gần 6 năm sau, vào tháng chạp năm 1975, tôi mới có dịp trở lại nơi này, trong một tình huống khác. Đó là vào dịp Hội nghị Liên Mỹ về Giảng dạy Toán học được tổ chức tại Caracas (Conferencia Interamericana sobre Educacion Matematica). Người mà tôi hướng dẫn luận án tiến sĩ ở Pháp sau chuyến tôi dạy học ở Caracas đã kể trên, anh O. – nay đã mà giáo sư ở một đại học tại Caracas – và các người cộng sự của anh ta tổ chức Hội nghị này, nên bỗng nhiên tôi trở thành … thượng khách. Vợ tôi lúc ấy còn đang tại chức giảng dạy ở đại học Limoges, chưa chuyển về Paris, cũng được mời. Lại gửi con còn nhỏ, để cùng đi, nhưng lần này thì đi ngắn ngày. Lại thuê phòng ở Residencia Taormina như năm xưa ; lần này lại được báo chí địa phương đưa tên cùng với mấy « danh nhân » như nhà toán học Pháp J. Dieudonné (mà tôi sẽ nói tại sao dưới đây) ; có điều là tên Việt Nam thì họ vẫn chưa quen, nên « Liễu » đã trở thành « Luis » như tên người Tây-ban-nha hay người bản xứ vậy ! Nhưng có một lý do nữa để tôi được mời (chứ không phải chỉ vì là « người quen »). Vốn là các xứ này đang muốn tìm hiểu cách giảng dạy toán học, bởi vì họ phần nào đang bị lây cái nạn dạy « toán học mới », làm cho học sinh của họ bị khủng hoàng, có trẻ em học những ngôn ngữ toán học mới nhưng không biết làm nổi những phép tính thông thường, rồi lại thêm cái vụ tranh cãi về « toán học thuần túy » (tiếng Pháp là mathématiques pures) và « toán học ứng dụng » ((tiếng Pháp là mathématiques appliquées). Vì vậy mà trong đám khách được mời, có ông J. Dieudonné (1906-1992). Vài câu tóm tắt về ông này : ông là một nhà toán học nổi danh, là một trong những người sáng lập ra nhóm Bourbaki và là một trong những nhân vật chủ chốt của trường phái này. Ông cũng là người nổi tiếng về thái độ cực đoan, tuy những người quen biết ông thì coi ông là người bộc trực nhưng tốt bụng. Nhưng ông được mời là vì ông là người đã gợi ý và lập ra các IREM (Instituts de Recherche sur l’Enseignement des Mathématiques, Viện nghiên cứu về giảng dạy toán học). Còn tôi thì được mời là vì tôi là kẻ « đầu têu » ra cái đề án giảng dạy toán học trong các ngành khác với ngành Lý – (thuở ấy, ở đại học Pháp, 2 năm đầu đại học bị ép gắn liền giảng dạy Toán và Lý, và Toán cũng được dạy phụ vào khối Lý-Hóa, nhưng Toán không được coi như có khả năng áp dụng vào ngành khác!) – và lúc đó đề án « của tôi » này đang được hợp tác thí điểm chung ở trường tôi đại học Paris 5 và đại học Paris 7 cho các ngành khoa học xã hội theo nghĩa rộng, mở rộng cho cả kinh tế, tài chính vv. (Về thí điểm này, tôi có kể chi tiết trong bài báo tưởng niệm ông Tạ Quang Bửu, có in lại trong cuốn sách của tôi « Tự sự của người xa quê hương », nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004, cũng như trong cuốn « GS Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp », nxb Đại học Quốc gia 2000 ; và tôi có kể là năm 1977, tại Hội nghị Toán học toàn quốc Việt Nam tôi có trình bày kinh nghiệm này, nhưng người duy nhất chú ý là ông Bửu). Khi tôi trình bày quan điểm của tôi tại Hội nghị liên-Mỹ này , tôi cũng sửa soạn lý lẽ đề phòng trước phản ứng có thể xảy ra ở phía ông Dieudonné ; nhưng tôi khá ngạc nhiên khi ông phát biểu tỏ sự đồng tình của ông với quan điểm của tôi, và nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu của ông : Không có Toán thuần túy (Mathématiques pures) và Toán ứng dụng (Mathématiques appliquées), chỉ có « Toán có thể áp dụng » (Mathématiques applicables). Có lẽ cũng có thể là về già, ông có chút sám hối nào chăng về thái độ đôi khi cực đoan của nhóm Bourbaki, (như nhà L. Schwartz có thổ lộ trong cuốn hồi ký « Un mathématicien aux prises avec avec le siècle », Odile Jacob, 1997), bởi vì cũng trong buổi đó, ông « hành » một nhà toán học Bỉ (là bạn vong niên của tôi) bỏi vì ông này, một chuyên gia về Hình học vi phân, cố giảng giải về khả năng ứng dụng của mình vào Cơ học. (Tôi nhận thấy là, trong đời nghề nghiệp của tôi, đơn thương độc mã ở nước định cư, từ lỗ nẻ chuyên môn chui ra, mà xem ra quan hệ với với các « đại gia » Toán học cũng có vẻ êm ái lịch thiệp, trong khi tôi bị bọn tiểu yêu đồng nghiệp ganh tị, phá phách, làm hại sau lưng). Rồi Hội nghị chấm dứt với một buổi chiêu đãi linh đình ở bãi biển Maiquetia, với một dàn nhạc dân tộc.
Ngay sau đó vợ chồng tôi rời Venezuela để đi thăm Guatemala.
2. Guatemala
Đây là lợi dụng có vài ngày thanh thản để đi chơi, không có công việc gì phải làm, nên chủ ý là muốn đi thăm Tikal trong rừng Peten. Nhắc lại là có thuyết cho rằng nền văn minh Maya, ở khoảng vùng nam nuớc Mehico cho đến nước Guatemala ngày nay, gồm 3 thời kỳ : Tiền cổ (2000 năm trước Công nguyên đến 250 sau công nguyên) ; Cổ đại (250-950 sau công nguyên) khá huy hoàng với những đô thị (trong số đó có Tikal) với kiến trúc đền đài bằng đá, chữ viết và hệ 20 con số, lịch 365 ngày, vv. ; Hậu cổ (950-1500) dần dần suy thoái. Vợ chồng tôi tính chọn thăm thành phố Tikal, nay bỏ hoang, vì đây là một quần thể đến đài rộng lớn tập hợp tới khoảng 3 nghìn công trình kiến trúc bằng đá (kim tự tháp có bậc, đền thờ, có chiếc cao tới 70m, vv.), thời thịnh nhất có tới khoảng 45 ngàn dân vào khoảng từ thế kỉ thứ 4 đến thế kỉ thứ 9 sau Công nguyên, sau rơi vào hoang tàn không biết vì lẽ gì. Đây là ý định của vợ chồng tôi, nhưng khi xuống đến sân bay của thủ đô Guatemala mới biết rằng phải giữ chỗ hàng tuần trước, vì khách du lịch ghi tên sẵn quá đông, phương tiện đi (bằng máy bay du lịch nhỏ) lại hạn chế. Chán quá, nhưng chúng tôi quyết định không dùng cái phương tiện mà anh O. đã dặn trước khi rời Venezuela : gọi điện cho một người bạn thân của anh ta, đang là đại tá công an xứ này, để anh ta thu xếp « đặc biệt ». Chúng tôi không muốn chịu ơn, để rồi có thể phải trả ơn lại.
Đang lúc phân vân chưa biết làm gì, thì vợ tôi thấy hai ông bà người Pháp líu ríu sách hành lý để lấy máy bay. Vợ tôi hỏi thăm cách vào thủ đô Guatemala City ; ông bà này mới khuyên rằng : Guatemala City là thành phố mới, chả có gì đáng xem, nên đi Antigua, là hơn cả. Bùi tai, vợ chồng tôi gọi taxi đi Antigua. Nơi này, thuở xưa là thủ phủ, nơi đóng của viên trấn quan thời còn là thuộc địa của Tây-ban-nha, được xây dựng vào thế kỉ 16, ở vùng cao 1500 m so với mặt biển, hay bị động đất, đặc biệt là bị một trận động đất năm 1773 phá hủy nhiều công trình xây dựng. Nhưng nay vẫn còn quảng trường Plaza de Armas, ở đó lâu đài của viên trấn quan cũ, nhà thờ San Jose, Đại học cổ San Carlos nay là bảo tàng, nhà tu Santa Clara và nhà thờ Nuestra Señora de las Mercedes. Ở thành phố nhỏ này, nhà cửa không cao, nhưng vững chắc, di tích cũ được bảo quản rất tốt. Đường phố lát đá từ thuở xưa, nay vẫn giữ như cũ. Taxi đưa vợ chồng tôi tới một khách sạn, xưa là một trong những công trình cổ đó, phòng ngủ, phòng ăn của khách sạn đều quay vào phía sân trong, mát mẻ và yên tĩnh. Bữa trưa bữa tối đều có dàn nhạc dân tộc, nhưng món ăn thì là đặc sản, cơ bản dựa trên ngô, nên tôi ăn không được, đó là điều duy nhất mà tôi không hài lòng. Ở đó hai ngày, thủng thẳng xem hết thành phố rồi thuê xe đi thăm một thắng cảnh : hồ Atitlan, ở giữa mấy núi lửa cũ ; may trời tốt, xanh biếc, nước xanh, núi xanh, bờ hồ đầy phượng vĩ trổ hoa đỏ rực, rất đẹp mắt. Vợ tôi thấy mấy cháu người bản xứ rất nghèo theo mẹ đi ở hồ, nên rất thương, gọi chúng lại cho tiền mua kẹo. Chiều mới trở lại Antigua.
Rồi lấy máy bay đi Panama.
3. Panama và cái Kênh đào
Chủ ý của chúng tôi là đi Colombia, nhưng phải đổi máy bay ở sân bay Panama, và do một sự rủi ro, lỡ một chuyến máy bay ở đó. Đêm đã khuya, thay vì ngồi đợi từ giữa đêm đến sáng, mới nảy ra cái ý đi thăm kênh đào Panama cho biết. Do đó mới gọi thuê một xe taxi bảo họ chở đi xem cho biết. Nhưng lúc đó đã khuya, sợ đi tay đôi, cũng nguy hiểm ; nhìn quanh quẩn thấy một cặp trẻ cũng kẹt ở sân bay, tôi mới rủ họ, nếu muốn cùng đi thăm luôn thể. Hỏi ra đây là một cặp vợ chồng người Mỹ, người chồng là cựu quân nhân đã từng sang Việt Nam, nhưng chúng tôi tránh đề cập vấn đề này, chỉ cùng tính chuyện cũng đi thăm kênh đào (vả lại chiến tranh ở Việt Nam cũng đã chấm dứt). Đêm đó, vừa nóng vừa mưa lâm thâm, đêm tối mò mò, chiếc xe chở đi cũng xa, nên tôi chẳng thấy được gì, ngoài mấy chiếc tàu lớn có thắp đến sáng, và sự « mãn nguyện » sau đó của vợ tôi được bước vài bước trên bờ biển Thái Bình Dương – mà mấy năm sau khi thăm Việt Nam cũng không có thì giờ để tới. Nhưng dù sao, cũng là một dịp để tôi « tìm hiểu » về sự tích kênh đào này :
Năm 1879, một hội nghị nhóm họp ở Paris với sự tham dự của 135 đại biểu của 23 nước, xét 19 đề án. Rốt cục là, với sự ủng hộ của ông Ferdinand de Lesseps, người đã thành công trong việc đào kênh Suez 10 năm trước đó, đề án của ông Wyse được chấp nhận : kênh sẽ đào từ vịnh Limon (Đại Tây Dương) đến vịnh Panama (Thái Bình Dương), dài 80 km, không có hầm, nhưng có nhiều tầng. Năm 1881, công trình được khởi đầu dưới sự điều khiển của Ferdinand de Lesseps, nhưng đến năm 1888 thì bị khủng hoảng về tài chính. Sau phải nhường lại cho Hoa Kỳ vào đầu thế kỉ 20. Nhưng thuở ấy, đất này còn thuộc nước Colombia ; năm 1903 ký hiệp ước Hay-Herrán, theo đó Colombia nhận cho Hoa Kỳ tiếp tục đào kênh và nhường quyền sử dụng cho Hoa kỳ trong 100 năm, kể cả trên dải đất rộng 5km mỗi bên kênh đào. Thượng nghị viện của Mỹ chấp nhận, nhưng Quốc hội của Columbia rốt cục không thông qua, vì coi là xâm phạm vào chủ quyền của nước họ. Cuối 1903, với sự ủng hộ của Hoa kỳ, Panama tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Colombia ; Hoa Kỳ được hưởng điều kiện lợi hơn trước : dải đất nhường cho Hoa Kỳ, trước là 5 km mỗi bên kênh đào, nay trở thành 5 dặm mỗi bên, từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương ; trước là 100 năm, nay là vĩnh viễn (mãi đến năm 1999 mới đòi được trả lại cho Panama). Kênh đào này hoàn thành năm 1914. Và tiếp tục được mở rộng, hiện có khoảng rộng từ 152m đến 222m.
Sau khi « xem » mà chẳng thấy gì mấy, quay trở lại sân bay, đã 3 giờ sáng, ngủ gà ngủ gật vật vã cho đến sáng, mới có máy bay đi Bogota, thủ đô Colombia.
4. Ghé Bogota
Thuở ấy, khách du lịch còn ít, chúng tôi chẳng giữ chỗ trước, hỏi taxi xem có khách sạn nào « ở được », người lái xe bảo : với ông bà thì chỉ có một khách sạn ở được, đó là khách sạn Tequendama. Đến nơi mới biết là loại sang nhất, thôi thì cũng tin là vậy. Nghỉ ngơi một chút rồi ngó bản đồ đi dạo chơi. Bị một cơn hú vía : đi một quãng khá xa, thấy có một phòng trà sạch sẽ, vào giải khát, ăn kem uống nước xong, giở ví trả tiền mới phát hiện ra là bỏ quên tiền ở khách sạn. Tôi phải ngồi lại làm « con tin », để vợ tôi trở lại khách sạn lấy tiền, cũng may là không mất cắp. Thủ đô này của Colombia không có di tích cổ. Chỗ duy nhất đáng xem là cái « Bảo tàng Vàng », nơi tàng trữ hiện vật bằng vàng có từ thời trước khi Colombus phát hiện ra Châu Mỹ, tất cả có tới hàng ngàn hiện vật bằng vàng và ngọc, (có nguồn nói tới khoảng 3 vạn) mà bọn Conquistadores còn để sót không cướp hết thuở xưa. Thủng thẳng xem xong, thấy đã muộn giờ, khách thăm bảo tàng đã vắng, vợ chồng tôi ra cửa để về, bỗng thấy 4 nhân viên bảo vệ dang tay chặn cửa ra, mà xua vợ chồng tôi vào một cái phòng cạnh đó, đèn tù mù. Chúng tôi rất ngạc nhiên đang định lên tiếng phản đối thì thấy họ khép hai cánh cửa sắt lớn kiên cố như cánh tủ két lại sau lưng, rồi đèn mở sáng choang : Trời đất quỉ thần ! Toàn vàng là vàng, la liệt trên tường, trong tủ, cả đống cả mớ, lóe mắt, chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều vàng như vậy. Bấy giờ tôi mới nhớ lại lời dặn của anh D. hồi mới quen ở Caracas 5 năm về trước. Anh ta bảo : khi nào ông bà thăm « Bảo tàng Vàng » ở Bogota, thì sẽ có điều « bất ngờ », nhưng tôi không kể trước cho ông bà biết. Chính là điều « bất ngờ » này đây.
Lại nhớ đến câu chuyện « bạch kim » (dùng theo nghĩa platine/platinum, chứ không phải là vàng trắng): Theo một tài liệu in trong Figaro magazine số 19369 ngày 10/11/2006, giá bạch kim là 37500 USD/1kg. Đây là kim khí đắt nhất, sử dụng cho kỹ nghệ chất lượng cao và đồ trang sức. Bọn Conquistadores thuở xưa (thế kỉ 16) không biết giá trị của bạch kim. Khi tìm vàng ở châu Mỹ La-tinh, họ cho bạch kim là một thứ kim khí tạp nhạp, kém giá trị của bạc, nên họ gọi bạch kim là « platina » (bạc chất lượng thứ yếu, « argent mineur ») và bỏ qua. Chả biết có đúng vậy không.
Thế rồi rời Bogota về Pháp, với ý định còn trở lại châu Mỹ La-tinh nhiều lần nữa, không ngờ diễn biến nằm ngoài dự đoán. Lại nhớ lại năm 1973, vợ chồng được mời đi Chi-lê, và tính trên đường về sẽ ghé Mê-hi-cô. Thị thực công vụ đã có, giấy tờ hộ chiếu đã được bộ ngoại giao Pháp sửa soạn xong, có vé máy bay sẵn sàng, ngày đi đã được định sẵn ; nhưng lúc đó tình hình đã căng lắm giữa tổng thống Allende và các công đoàn. Vợ chồng tôi hỏi thăm một bà đồng nghiệp Pháp mới ở Santiago về Paris, bà ta bảo : ông bà đi thì mang theo sà phòng, vì ở khách sạn có bánh sừng bò (croissant) ăn sáng, nhưng sà phòng thì không có. Tôi do dự quá, người thì bảo đi được, người thì bảo không. Tôi gọi điện hỏi ý bộ ngoại giao Pháp, người ở đầu dây lúc đầu ngần ngại không muốn nói, sau mới dè dặt bảo : Hay là ông bà hoãn đi vài hôm xem sao. Hai ngày sau, Pinochet đảo chính, tổng thống Allende bị chết. Việc đi Chi-Lê của vợ chồng tôi do đó không thành. Ít lâu sau, nhân dịp nói chuyện với anh Verdier, giáo sư Toán ở Đại học Paris 6 và Ecole Normale Supérieure rue d’Ulm, anh ta kể với tôi là lúc đảo chính anh ta đang ở Santiago, bọn quân đảo chính vào khách sạn bắt anh ta, dí súng vào lưng, dẫn đi nhốt vào sân vận động 3 ngày mới thả ra. Tôi hú vía nghĩ, anh ta là tây trắng nên thoát nạn, chứ tôi là « tây vàng », chắc là chết mất xác. Từ đó tôi cứ đợi ngày Pinochet đền tội, thế rồi y cũng chết già tự do. Cũng thấy ức, nhưng nghĩ cho cùng, ngay trong sử cận đại ngày nay, thiếu quái gì kẻ độc tài, giết cả vạn cả triệu người, mà vẫn nhởn nhơ vô tội, có khi lại còn được tôn vinh !
Còn Mê-hi-cô, nơi có nhiều di tích cổ của các nền văn minh Maya, Olmèque …, thì vợ chồng tôi cũng tính đi vào năm 1981, giấy tờ, vé máy bay cũng đã sẵn, nhưng chẳng may ở Việt Nam về tôi bị ốm nặng, phải bỏ không đi. Rồi sức khỏe không cho phép đi nữa, ý định thăm với các nước Mỹ la-tinh khác không thực hiện được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét