24/11/08

Chương 8 Nói về Giáo dục Đào tạo

Chương 8



Nói về Giáo dục Đào tạo



Chương này chủ yếu tập hợp các bài của tôi đã đăng trên báo mạng, tạp chí, hay kỷ yếu. Tôi chép lại nguyên văn, một trong những lý do là báo chí yêu cầu viết bài ngắn, để làm nổi ý phát biểu dù là trong khuôn khổ giới hạn của số trang số chữ. Tôi giữ « nguyên văn » để giữ tính trung thực ; do đó bài nọ bài kia có thể có một số câu trùng lặp. Tuy nhiên, những câu này, đặt trong khuôn khổ của từng bài, làm sáng tỏ những ý kiến phát biểu.




1. Nói về Giáo dục Đào tạo



(Trong cuốn “Trong ngần bóng gương” , mừng thọ GS Đặng Đình Áng 80 tuổi, năm 2006).


Bùi Trọng Liễu



Tôi đã phát biểu những ý kiến của tôi về Giáo dục Đào tạo, đã từ mấy chục năm nay, ngay trước ngày hòa bình trở lại trên đất nước ta, thoạt tiên là qua những thư hoặc lời phát biểu điều trần tới các nhà lãnh đạo ở cái thuở mà còn rất ít người có điều kiện hoặc có ý muốn làm việc này ; tiếp theo là những kiến nghị trên báo, trên sách và phương tiện truyền thông khác khi thời thế đã cho phép, và tôi còn « lải nhải » nói đi nói lại mãi đến tận ngày nay. Hơn ba mươi năm là một thời gian rất dài trong một đời người – giữa nàng Kiều và chàng Kim Trọng chỉ «mười lăm năm ấy » [mà đã] « biết bao nhiêu tình », huống hồ đây đã vượt quá hai lần « mười lăm năm » – tôi chẳng còn gì hoàn toàn mới mẻ để mà nói, trong đó có những ý khi mới được chớm thực hiện đã bị lái đi theo đường khác, có ý đã trở thành ý của người khác – một điều rất đáng mừng miễn là nó đừng bị lạc hướng trong thực hiện – có ý đã hòa đồng với ý của một tập thể, vv. Vậy ở đây, tôi xin được nhắc lại, với sự cập nhật ngôn ngữ và nội dung cho hợp với thời thượng, một số điều vẫn còn dang dở tuy đã nói đi nói lại nhiều lần.
I. Về mục tiêu của việc học :



Về mục tiêu của việc học, khởi thủy tôi đã điều trần nội bộ, với những ý cứ luôn luôn ám ảnh tôi : đừng « cấm học » như một hình phạt ; đừng dùng bằng cấp để thưởng công ; nếu cần nâng đỡ các thành phần cơ bản thì chỉ nên tạo điều kiện thuận lợi (vật chất và « phụ đạo ») cho việc học được dễ dàng, nhưng chớ nhân nhượng nếu không đủ trình độ ; đừng dùng lý lịch gia đình để quyết định việc « cho phép » học hành. Nghĩ thì như vậy, nhưng phát biểu được ra thành lời, dù là nói bóng gió, đâu có phải là chuyện dễ. Mãi đến thời đổi mới, vào tháng 4/1987, giáo sư Phan Đình Diệu và tôi mới có dịp có viết chung một bài báo, với đầu đề là « Góp ý kiến về việc học », đăng trên báo Tổ Quốc số tháng 11/1987, rồi báo Nhân Dân đăng ngày 27/12/1987 và báo Tuổi Trẻ đăng ngày 29/11/1987. Tôi muốn nhắc lại đây mấy ý về việc học trong bài báo đó:

1.- Mục tiêu thứ nhất là tạo lập một cơ sở tri thức, văn hoá cho con người và xã hội.

a/ « Học » là một đòi hỏi của xã hội, bởi vì một xã hội tiến bộ chỉ có thể là tập hợp của những con người có trình độ hiểu biết cao.

b/ « Học » là một nhu cầu tri thức của mỗi cá nhân: nhu cầu đó cần được đáp ứng vì nó dựa trên quyền được hiểu biết của mỗi người.

2.- Mục tiêu thứ nhì là việc đào tạo chuyên môn nghề nghiệp:

a/ Đào tạo chuyên môn nghề nghiệp để đáp ứng cho các khu vực sản xuất, kinh tế, hành chính và cho các hoạt động xã hội khác của đất nước.

b/ Cho mỗi cá nhân một (hay những) chuyên môn nghề nghiệp, để mưu cuộc sống (và để thực hiện vai trò của mình trong chỗ đứng của mình trong xã hội).

Hai mục tiêu đó tạm gọi tắt là mục tiêu « kiến thức » và mục tiêu « nghề nghiệp » quan hệ với nhau, nhưng phải được phân biệt, và không nên xem là đồng nhất.

Thuở ấy, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh :

1.- Trong sự phát triển của một nước, trình độ văn hoá, khả năng học hỏi và sự hiểu biết chung của quần chúng, cũng như của lãnh đạo, đóng một vai trò quan trọng, chứ vấn đề không chỉ phụ thuộc vào có bao nhiêu kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, vv. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, kỹ thuật, yêu cầu hiểu biết chung để trở thành một người « có văn hoá », một xã hội « có văn hoá » càng ngày càng cao.

2.- Không thể tách rời trình độ đào tạo nghề nghiệp trong một nước ra khỏi trình độ chung của thế giới: thời đại hiện nay là thời đại của trao đổi, phân công, cạnh tranh. Cần phân biệt tư tưởng « không ỷ lại » với tư tưởng sai lầm « tự cấp, tự túc » đưa đến việc đóng cửa và dàn đều ở một trình độ thấp, chất lượng kém. Trong đào tạo nghề nghiệp ngày nay, cũng như trong vấn đề sản xuất, cần có lựa chọn trọng điểm, trọng tâm và bảo đảm chất lượng cao.

3.- Phải phân biệt giữa ba vấn đề : học, học vị và vị trí nghề nghiệp trong xã hội. Mặc dù ba vấn đề đó liên quan mật thiết với nhau, không thể lẫn lộn hoặc để nhập nhằng rằng cứ học là sẽ có học vị, cứ có học vị là sẽ có vị trí nghề nghiệp. Nếu không thì học vị sẽ không đánh giá đúng trình độ hiểu biết, và vị trí nghề nghiệp sẽ không tương xứng với thực lực. Và từ đó sẽ xảy ra sự hỗn loạn trong phát triển và sử dụng trí tuệ. Sự hỗn loạn đó sẽ có những hậu quả rất lâu dài, kéo theo những hỗn loạn khác trong kinh tế, luân lý, xã hội, văn hoá, vv.

Ngày nay, đọc lại mấy dòng viết đó, tôi không thấy là thừa, và dường như vẫn còn mang tính thời sự. Vì vậy mà gần đây, tôi còn cố phát biểu tiếp về « Một nền giáo dục đào tạo lành mạnh » (Thời Báo Kinh tế Sài gòn đăng một phần ngày 16/2/2006, Tia Sáng đăng ngày 20/2/2006) như sau:

Một vế trong vấn đề phát triển bền vững là phải có một nền Giáo dục đào tạo (GDĐT) « lành mạnh ». Điều này đã đem ra bàn cãi nhiều rồi, và hầu như đã được sự đồng thuận, bởi vì trong thời đại xã hội tri thức và thông tin này, trong khung cảnh toàn cầu hóa mà sự cạnh tranh luôn luôn hiện diện, « trình độ biết việc » và « giá trị của tay nghề » càng ngày càng là những tiêu chuẩn phân định trong cuộc chạy đua kiếm khách mua hàng, và hơn thế nữa, bao trùm lên cả vấn đề kinh tế, sự cạnh tranh toàn cầu còn là sự tranh đua của bản thân các xã hội. Nhưng thế nào là « lành mạnh » ?

Theo tôi, nói tóm tắt, một nền GDĐT « lành mạnh » là : một nền GDĐT có sứ mạng rõ rệt, mang mục tiêu khả thi, trung thực, mang tính khoa học, phân minh, bảo đảm được hiệu quả ích lợi cho đất nước, bảo đảm được sự công bằng cho mọi thành viên trong xã hội, vv.

Vì giới hạn của câu chữ, tôi chỉ xin nêu vài nét chính với thí dụ minh họa tập trung vào nền Giáo dục đại học:

Sứ mạng của đại học là gì, và tại sao ở mức độ đó, giảng dạy lại phải gắn liền với nghiên cứu khoa học ? (Tôi dùng từ « đại học » theo nghĩa tôi vẫn dùng từ trước đến nay, nghĩa là bao trùm cả cái gọi là « sau đại học » nữa, như Luật giáo dục 1/1/2006 rốt cục đã công nhận trong điều 4.d/ chương I). Nói vắn tắt bằng một câu : sứ mạng của đại học là mở rộng biên thùy của sự hiểu biết, mang sự hiểu biết (đã, đang và sẽ có được) vào cuộc sống ; do đó từ nghiên cứu cơ bản, tìm cách chuyển sang nghiên cứu ứng dụng, rồi sau đó tìm cách đưa vào sử dụng đại trà (thí dụ như khâu công nghệ của một số ngành, có liên kết với các doanh nghiệp), song song với sự chuyển giao hiểu biết. Từ sứ mạng đó, mới định ra mục tiêu, qui chế, mới phân biệt phần kiến thức cơ bản và phần đào tạo nghề nghiệp, mới đưa những phương tiện tài chính và vật chất vào để thực hiện, mới tính toán sao cho cân đối ngành nghề hợp với nhu cầu, mới phân chia vai trò của công lập và tư lập, vv. Sức mạnh của các nước phát triển cao hiện nay chính nhờ ở quan niệm đại học như vậy, dựa trên cơ sở một niềm tin lành mạnh vào khoa học. Nó khác xa với một quan niệm về một nền đại học nào đó tồn tại trong một số người Việt Nam, kiểu : « đại học » là nơi nhắm đào tạo ra những «danh nhân », mà thời thịnh thì giúp vua trị dân, thời suy thì vinh thân phì gia ; thậm chí ngày nay còn có ý đòi hỏi nơi đó phải là nơi có những phương tiện đồ sộ, và tụ tập những nhân vật có chức danh cao quí (!), nhưng mục tiêu thì lu mờ. Nguy cơ vụng sử dụng sẽ là : để tự tồn tại, một số nhân vật phải bày ra những công trình nghiên cứu để chứng minh sự cần thiết của mình, và rồi chuyển giao sự hiểu biết về những phát minh vô bổ của mình cho những sinh viên chen đua vào học để có bằng cấp nhắm kiếm được một địa vị xã hội, và rồi cứ quay vòng như vậy… Một quan niệm sai lạc như vậy không thể tạo ra những con người « biết việc » và những « tay nghề có giá trị » cần thiết cho sự phát triển.



II. Về đào tạo người:



Gắn liền với mục tiêu của việc học là vấn đề đào tạo con người. Trong bài báo « Về ý muốn đào tạo nhân tài » đăng trên Tia Sáng số tháng 9/2004 – sau khi bày tỏ sự dè dặt của tôi đối với một định nghĩa nào đó về « nhân tài » khá thông dụng ở một số người : họ đánh đồng « nhân tài » với người có bằng cấp cao, thật hay giả – tôi có viết :

Tôi thiết tưởng một nền giáo dục đào tạo (GDĐT) « hay » cho một xã hội « bình thường » – ở đây, « bình thường » không phải là « tầm thường », mà nghĩa là « lành mạnh » – là giáo dục được những con người « bình thường » thành những công dân « bình thường », đào tạo họ thành những con ngưòi « biết việc », đảm nhiệm tốt những công việc « bình thường ». Trong một xã hội bình thường như vậy, lương đủ sống làm cho ai cũng đảm nhiệm công việc của mình, không phải làm thêm để kiếm của ; xã hội ổn định, nên con người không phải lo tích lũy riêng cho mình, rồi cho con mình, rồi cho cháu mình một cách vô tận; giàu nghèo không chênh lệch quá đáng cho nên tình người tồn tại, vv. Trong xã hội bình thường đó, bằng cấp đánh giá đúng được trình độ hiểu biết, chức danh phù hợp với nhiệm vụ, luật pháp cho phép và bảo đảm cho những người làm ăn lương thiện phát huy được tài năng của họ, và nhân tài từ đó mà có. Trong một xã hội bình thường đó, ngành nghề nào cần được tăng cường thì chỉ cần tăng số sinh viên, số người học nghề, số nghiên cứu sinh, và trang bị thêm phương tiện cho ngành đó, mà chẳng cần bàn luận dài dằng dặc về trình độ nào, hạch xát như thế nào, tính số năm dài ngắn như thế nào, để có được nhân tài. Ngược lại, một nền GDĐT «dở », là một nền GDĐT chỉ nhắm khuyến khích con người nuôi dưỡng ý tưởng trở thành những danh nhân bản xứ, danh nhân sở tại… Tôi thiết tưởng ngày nay, đất nước không thể thịnh vượng hơn nếu chỉ cứ nhắm tăng số anh hùng được bàu, tăng các kỳ thi đua (bởi vì cao thấp cũng chỉ là tương đối, « trong nhà nhất mẹ nhì con »), nếu chỉ qui định rằng đang ở chức vụ này thì phải có bằng cấp kia (bởi vì người ta sẽ tìm cách mua bán bằng cấp, giả mạo trong thi cử, dối trá trong việc làm luận văn, rồi sinh ra đạo văn, đạo ý, đạo ngôn, …), nếu chỉ nhắm những tiêu chí kiểu bao nhiêu trường, bao nhiêu thày, bao nhiêu trò, bao nhiêu năm (bởi vì sẽ rơi vào cái cảnh nói dối theo thống kê, chạy theo thành tích). Và người ta dùng mọi biện pháp, thường là bất chính, để có được mảnh bằng để rồi tranh giành nhau để lấy địa vị xã hội, để ăn trên ngồi trốc.

Từ một số năm trước, đã thấy manh nha xuất hiện một số hiện tượng không bình thường, và tôi đã có lời can, trước là bằng con đường nội bộ, sau là trên mặt báo như trong các bài báo : « Một Viện Hàn lâm khoa học lúc này ở Việt Nam? », Nông nghiệp Việt Nam 29/11/2001(để can hư danh); « Bán hàm», Nông nghiệp Việt Nam 15/4/2002, và « Vài phô trương không cần thiết », Nông nghiệp Việt Nam 16/5/2002 (để can đừng tôn vinh danh hiệu hão (1) ); « Trình tự đảo lộn », Tia Sáng số tháng 7/2002, (can cách làm phi lý: bổ nhiệm vào chức vụ trước rồi mới tổ chức cho « học » và « thi lấy bằng sau »; điều này cũng đã có người nói trước tôi: một nhà giáo dục có phát biểu trong một bài báo cái ý là ngày xưa « thi rồi mới cử » còn ngày nay thì « cử rồi mới thi »), « Vài điểm về tổ chức giáo dục đại học nhìn từ ngoài», Nhân Dân 1/12/1999 và Tia Sáng số 12/1999 (nhắc lại sự mong mỏi của tôi đựoc thấy giáo sư đại học là một « chức vụ » như các nước vẫn thường làm, chứ không phải là một « hàm » phong để vinh danh, nghĩa là tôi mong mỏi trở lại với cái ý mà tôi điều trần từ năm 1975 với Thủ tướng Chính phủ thuở đó). Nói, nhưng chắc gì đã có người nghe thấy.



III. Một lối ra:



Nhận xét tình hình rồi, mà không đề nghị biện pháp, thì e rằng chỉ hoàn toàn là phiếm luận. Vì thế nên một câu hỏi đáng được chú ý là : trong một xã hội đã « trót không bình thường » như ở ta, thì giải pháp trong cấp bách phải là gì?

Tôi thiết tưởng, nói gọn vài nét, cái « hướng » chung phải là : nghiêm phạt những sự gian lận (như cấm thi mươi năm đối với những học sinh quay cóp; có hình án đối với những người tổ chức gian mạo; cất chức những người bao che; truy tố kẻ mạo danh). Những việc ấy sẽ không làm xáo trộn xã hội, mà ngược lại sẽ góp phần mang lại ổn định. Tất nhiên, nói thì dễ, làm thì khó, nhất là trong một số xã hội nơi hạ giới này, thường có một giới thần tiên. Để cho rõ ý, tôi xin kể một giai thoại làm ví dụ: có lời đồn về ông Shah Mohammed Shah Aga Khan (1877-1957), imam (giáo chủ) thứ 48 của cộng đồng Hồi giáo Ismaeli – một cộng đồng một thời khá thịnh ở vùng Pakistan thuở xưa, sau tản mát ở nhiều nước. Nghe kể: Ông rất thích uống rượu sâm banh. Có người hỏi ông rằng : « Đạo Hồi cấm uống rượu, sao Ngài lại uống?». Ông trả lời : « Khi Ta bưng cốc rượu lên đến miệng, thì nó biến thành nước, nên Ta uống được không sao » ! Nếu thật vậy thì ông đúng là thần tiên linh thiêng nơi hạ giới, nên thoát khỏi những qui định. Trở lại lĩnh vực GDĐT, tôi thiết tưởng ít nhất nhà cầm quyền cũng có thể răn đe nghiêm cấm « người trần tục » để cho sự phạm pháp đừng trở thành nhởn nhơ đại trà.

Về cách tổ chức, trong tình hình hiện tại rất phức tạp, không đồng đều và đôi khi tự phát của ngành GDĐT của nước ta, một cuộc chấn hưng « toàn bộ » tất khó thực hiện được. Do đó, xin nhắc lại một trong những kiến nghị của tôi trong thời gian qua là lập ra một [vài] cơ sở đại học công lập hoàn toàn « mới », cỡ nhỏ, đa khoa, không cần đủ các ngành, nhưng đủ các « cấp » kể cả cấp đào tạo qua nghiên cứu (tiến sĩ), để có sức quản lý cho tốt để làm gương. Đồng thời cứ để cho các đại học khác tiếp tục tồn tại, dù là công lập, dân lập hay tư lập, kệ họ phát triển tốt, hoặc lay lắt, hoặc biến đi, miễn là đừng đi lệch hướng. Việc lập ra những cơ sở mới bên cạnh những cơ sở cũ (đang tồn tại nhưng không đáp ứng được hết những yêu cầu của thời đại) cũng là chuyện đã xảy ra từ thuở xưa đến nay ở nước khác. Do đó, không nên tiến hành cải cách bằng việc đổ ồ ạt những phương tiện vào những cơ sở cũ ghép lại cho có vẻ đồ sộ, (dù cho có cài một vài tính cách « cho là mới » vào đó), vì như vậy là vừa tốn kém vừa ít hiệu quả (như kinh nghiệm cách đây hơn mười năm đã cho thấy, điều mà tôi đã hết sức can thuở đó : rất tốn kém mà không mang lại hiệu quả mong đợi, cứ sai rồi sửa, rồi càng sửa càng sai). Việc lập ra một [vài] đại học nhỏ, nhưng hoàn toàn « mới» như kể trên, hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế « bình thường », mang tính cách «hoa tiêu » (« đại học hoa tiêu»), chính là cách tiến hành cuộc chấn hưng có hiệu quả, mà không làm cho các thành phần liên quan bị « hãi ». Theo tôi, đó là con đường nhanh nhất, rẻ nhất, thực tế nhất, dẫn tới chấn hưng GDĐT của đất nước. Ý này, nay hình như may mắn đã trở thành ý của một số người khác; nhưng về cách tiến hành thì sự khác biệt khá xa. Theo kinh nghiệm của bản thân, ở nước tôi định cư – và tôi có nhắc lại ý này trong bài báo Tiền Phong đăng ngày 14/10/2005 (2) – tôi nghĩ rằng lẽ ra nên trao việc thực hiện cho một người « đặc nhiệm » (tiếng Pháp gọi là « chargé de mission »), trong một thời gian có hạn, được toàn quyền lựa chọn thành viên hội đồng khoa học và đồng thời là ban trị sự: họ có nhiệm vụ thành lập cơ sở hành chính và vật chất, soạn thảo văn bản xác định sứ mạng mục tiêu của trường, tuyển chọn nhà giáo đợt đầu, thành lập các ban soạn lập chương trình giảng dạy, tuyển sinh đợt đầu, vv. Nhiệm vụ ngắn hạn của người « đặc nhiệm » và cộng tác viên làm tăng tính cách « vô tư » của họ. Sau đó, chính đội ngũ nhà giáo được tuyển sẽ tự bầu ra các hội đồng, các ban của trường cho các đợt tiếp theo. Lúc đầu thì tầm cỡ khiêm tốn, cứ lẳng lặng mà tiến hành (sau này sẽ khuếch trương), như vậy tránh được sự đố kị; đó là cách làm của « nhà nghèo » mà muốn được việc (ngay nước tôi định cư cũng không dám tự coi là tiền của vô hạn !). Cách làm kể trên khác với cách làm dự án đồ sộ, đất đai rộng, nhà cửa to, ngân quĩ lớn, dễ gây ganh tị, cản trở, « ném vỏ chuối », vì tiền bạc trên thực tế cũng có hạn, mà ai cũng muốn hưởng. Tiếc rằng khuynh hướng chính thức và của một số người thì lại khác: lập ban trù bị đầy đủ đại diện cả mọi cơ quan, thành phần, ai cũng được hỏi ý và góp ý, người trong nước rồi người ngoài nước – « [mới] ba người [mà đã] mười ý », e khó tránh được cảnh « đẽo cày giữa đường » : khúc gỗ để đẽo cày, trở thành mảnh gỗ gọt cái chìa vôi, rồi teo thành miếng gỗ vót cái tăm xỉa răng). Nhưng là một người đã nghỉ hưu, định cư ở xa, tôi chẳng có cách nào khác là chỉ bộc bạch ý nghĩ của mình mà thôi, kèm theo lời thành thực chúc thành công cho những dự án đồ sộ, nếu mà thực hiện được mà không lãng phí thì tôi mừng cho đất nước quá.



IV. Những điều khó hiểu về cách học cách dạy:



Từ một khoảng thời gian nay, tôi thấy nhiều thông tin về việc học và dạy quá tải ở mọi cấp trong nước, kể cả tiểu học, về cách học vẹt, về cách thày đọc trò ghi, vv. Thú thật là có những điều tôi không hiểu. Nếu có nơi nào ở hạ giới này mà còn một giới thần tiên, thì tất nơi ấy phải có Thánh kinh, mà người trần tục nơi đó phải học. Đã là Thánh kinh, thì không có chuyện lô-gíc, chỉ có chuyện tin (hay giả bộ tin), và phải học thuộc lòng, vẹt hay không, không có chuyện hiểu hay không hiểu, sáng tạo hay không sáng tạo. Vậy thì hãy tạm gác ra một bên câu chuyện học Thánh kinh, mà chỉ nói để những môn học « trần tục ».

Chữ viết của ta ngày nay là chữ viết theo kiểu chữ cái (alphabet) la-tinh; chữ viết chủ yếu lại theo âm đọc. Tôi nhớ thuở trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945 mấy năm, với phong trào « Truyền bá quốc ngữ » rồi « Bình dân học vụ », những người lớn tuổi mù chữ, đầu óc đã « cứng », cũng chỉ học ba bốn tháng là đọc được viết được. Có một thứ chữ quốc ngữ như ngày nay, là một ưu thế lớn, không phải như thứ chữ Nho mà tổ tiên ta học mượn viết nhờ trong gần một nghìn năm, cũng không phải như thứ chữ Nôm, vừa khó học vừa « bất nhất » (chưa thành lối chữ nhất định), như tôi có dịp tỏ ý trong bài « Thoáng nghĩ về chữ Nho», Nông nghiệp Việt Nam số Tết Nhâm Ngọ 2002 và Tia Sáng số Xuân tháng 2/2002.

Vì vậy, có lẽ phải tìm nguyên nhân những bất cập kể trên ở các môn học, các chương trình học, cách tổ chức học và cách dạy học như tôi đã có dịp viết trong bài « Kỹ thuật giết rồng », Tia Sáng tháng 2/2003 (3) – đó là câu chuyện ngụ ngôn cổ kể việc có người bỏ ngàn vàng đi học nhiều năm thông thạo kỹ thuật giết rồng, rồi không biết tìm đâu ra rồng để mà giết ; người xưa dùng chuyện đó để chê việc học những điều vô ích. Về cách học trọng sự bóng bảy bề ngoài trong khi nội dung rỗng tuếch, thì đã nhiều người nói tới, tôi xin bỏ không nhắc lại. Ở đây tôi muốn đặt « kỹ thuật giết rồng » trong khung cảnh tương quan giữa mục tiêu đào tạo và nội dung việc học, không chỉ bao gồm các môn học không cần thiết cho xã hội, mà còn bao gồm cả quan niệm sai lệch về mức độ hiểu biết cho từng loại tuổi, từng loại người, học thừa để bị hiểu thiếu, đánh giá cao thấp không đúng mức, vv. Ngày nay, nền kinh tế của nước ta là kinh tế thị trường (dù có định hướng) trong một khung cảnh toàn cầu hóa, GDĐT cần phù hợp với những mục tiêu « cao cả » đặt ra cho toàn xã hội. Mặt khác, trong sự đánh giá lợi hại, cũng nên tránh rơi vào sự cực đoan. Loài người tiến triển được, chính là ở sự biết chuyển giao kinh nghiệm, hiểu biết. Được hưởng những hiểu biết của các thế hệ trước, người thế hệ sau tự đó mới cải tiến và phát minh ra những cái mới và tiến lên thêm trong sự hiểu biết, để rồi truyền đạt lại cho các thế hệ sau nữa. Cho nên đặc biệt đối với tuổi niên thiếu, nên coi đó là tuổi còn phải học tập, chưa phải là lúc sáng kiến, phát minh. Chưa học xong cái mà người ta đã biết, mà đã đòi sáng chế ra cái mới, đó chỉ là cách nhìn của những người không biết. Tất nhiên là không nên học « thuộc mà không hiểu » ; nhưng « hiểu mà không thuộc » thì cái hiểu đó cũng chỉ thoáng trong chốc lát rồi bay đi, rồi chỉ để lại cái đầu rỗng tuếch. Cũng liên tưởng đến ví dụ cách đây một số năm, ở một số nước, vài nhà giáo viện lẽ chế biến ra một thứ phương pháp sư phạm « mới », ngăn chặn không cho trẻ em học thuộc lòng : mà một trong những hệ quả là trẻ em không thuộc bản(g) cửu chương ; rồi người ta ngạc nhiên là trẻ em không biết làm tính. Hoặc họ đem dạy trẻ em các phép tính cộng trừ nhân chia trong hệ 2,3,4,..., 9 vv., chứ không chỉ trong hệ 10. Cũng lạ. Cùng lắm thì dạy phép tính trong hệ 2 còn có lý do để nói rằng để hiểu phương pháp máy tính, chứ trẻ em học như thế kia để làm gì, khi chưa đến tuổi để hấp thụ được một cách có hiệu quả, mà chỉ có khả năng lặp lại một cách máy móc như những động vật làm xiếc? Mấy người đó giải thích là dạy như vậy để trẻ em sớm tập luyện có óc sáng kiến trở thành nhà nghiên cứu sau này. Nhưng có người vặn lại rằng : trong số học sinh đi học, cùng lắm là độ 1 phần 100 sau này sẽ đi vào nghiên cứu, vậy mà bắt 100 phần 100 học như vậy từ lúc còn thơ ; nếu lý luận theo kiểu đó thì : gần 100 phần 100 trẻ em sau này khi đến tuổi trưởng thành sẽ « làm ái tình », không lẽ đem trẻ sáu, bảy tuổi dạy cho chúng thực tập « làm ái tình » từ bây giờ sao? Nói tóm lại, là tôi rất hãi mục tiêu đồ sộ, nhắm thành tích hoàng tráng, mà rồi hóa ra đầu voi đuôi chuột. Thà cứ khiêm tốn, liệu cơm mà gắp mắm, có khi rốt cục cũng chẳng thua kém thiên hạ nhiều lắm.



V. Công lập và ngoài công lập:



Ở đây, tôi không có ý nhắc lại câu chuyện cũ – việc tôi gợi ý với năm nhà khoa học trong nước đứng ra xin thành lập Trung tâm đại học « dân lập » Thăng Long năm 1988, có kể trong (3) – tôi cũng không muốn nhắc lại những ý kiến của tôi về giáo dục công lập và giáo dục tư lập nói chung (vì tôi đã viết trong những bài như «Vài suy nghĩ về “công học” và “tư học” » đăng trên Tuần Tin Tức 10/4/1993 và Quê hương tháng 7/1993) (4) . Nay vì có vấn đề thời sự, tôi muốn gợi lại một đoạn đề cập đến trường công trường tư trong bài của tôi « Giáo dục đại học : Những vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng », cho Hội thảo Đà Nẵng : 28-30/7/2005, và đăng trên báo mạng « Thời Đại Mới » số tháng 11-2005 :

http://www.thoidai.info/ThoiDai6/200506_BTLieu.htm ,

nội dung tóm tắt như sau :

Hiện nay, một số người nêu những câu hỏi, loại « Có hay không có thị trường giáo dục? Có thể coi giáo dục như hàng hóa không ? Với kinh tế thị trường, các nước tiên tiến giải quyết vấn đề GDĐT như thế nào ? vv.». Tất nhiên câu trả lời rất phức tạp bởi vì các từ sử dụng phải được hiểu theo nghĩa nào? Thí dụ như : ở nước tiên tiến nào, kinh tế thị trường nào và mục tiêu GDĐT nào ? vv.

Rồi để diễn tả ý tưởng, tôi nêu trong bài đó hai « kiểu » tổ chức khá khác nhau, bởi phần nào chúng có thể « điển hình » cho hai « triết lý » về GDĐT trong một xã hội tư bản áp dụng kinh tế thị trường : Mỹ và Pháp. (Tôi không nêu thí dụ các nước khác, vì nói chung, chúng cũng na ná như một trong hai trường hợp dẫn trên). Nói tóm một cách sơ lược, một đằng là nước liên bang, mỗi bang rộng quyền cũng gần như một nước; một đằng là nước có chính quyền tập trung. Một đằng là kinh tế thị trường tự do, một đằng là kinh tế thị trường phần nào có điều khiển. Một đằng (Mỹ) có nhiều cơ sở giáo dục tư (theo nghĩa không chịu sự quản lý của chính quyền về mặt tài chính, trong khi công lập hưởng một phần sự tài trợ từ ngân sách của chính quyền địa phương hay trung ương, nhưng theo một nguồn, tỉ số công tư ở đại học cũng chỉ khoảng : công lập 77%, tư lập 23%) ; một đằng (Pháp) thì giáo dục chủ yếu là công lập, nhà nước trợ cấp tài chính nên người đi học trả học phí ít, vì lẽ dân chúng cho rằng tiền bạc của nhà nước là do của cải chung của nhân dân, người dân đóng góp trả thuế, cho nên nhà nước phải gánh GDĐT. Nhưng dù ở Mỹ hay ở Pháp, nói chung, công hay tư, các cơ sở giáo dục đều không có mục đích kinh doanh, chúng hoạt động « không vụ lợi », chúng không phải là những công ty với cổ đông hưởng lợi nhuận. Lợi nhuận nếu có – thí dụ như do những hợp đồng ký và thực hiện với các doanh nghiệp, hoặc các của cải, như bất động sản do những nhà hảo tâm biếu tặng có thể đầu tư sinh lời – đều được sử dụng vào việc trang trải các kinh phí và trang bị nghiên cứu hoặc phát triển trường. Trên mặt này, có thể nói là cả hai nơi đều không coi GDĐT là một thứ hàng hóa mua bán kiếm lời. Thêm vào đó, mục tiêu GDĐT của hai nước này không khác nhau mấy, thí dụ như trong Giáo dục đại học không đặt vấn đề « đào tạo nhân tài », mà nhằm trang bị cho người học những hiểu biết cơ bản nghiêm túc và, ngay từ đó hay sau đó, mang lại cho họ những kỹ thuật nghề nghiệp vững chãi để đi vào thị trường lao động. Tài năng được nảy nở hay không là ở lúc đã vào đời : tài năng cho phép cá nhân có đường tiến thân, đồng thời tài năng được phát huy cũng góp phần làm cho xã hội phồn vinh. Nó khác xa với việc kinh doanh giáo dục, « thuận mua vừa bán » bằng cấp và danh hiệu (hậu quả đương nhiên của việc mở trường vung vãi mà không có đủ một đội ngũ nhà giáo đủ tiêu chuẩn, dựa trên việc tính số lượng mà không tính chất lượng, với những lý luận kỳ dị là cứ có cầu thì phải có cung), vv. Nhắc lại tóm tắt như vậy, chứ ở đây, tôi không nhắc lại chi tiết những điều đã viết trong bài đã dẫn.

Tôi chỉ muốn nói thêm : Cụm từ « xã hội hóa » giáo dục hiện đang dùng ở ta là một cụm từ khó hiểu đối với tôi. Ở những nước khác, khi các thành phần của xã hội ngoài chính quyền (phụ huynh học sinh, giới doanh nghiệp, công đoàn,…) « tham gia » vào vấn đề GDĐT, thì là để nói lên những yêu cầu làm lợi ích chung cho xã hội – thí dụ như nhu cầu của doanh nghiệp là như thế nào ; chương trình học nên như thế nào để phù hợp với đòi hỏi của xã hội ; những giải pháp nào là hợp lý hay những giải pháp nào là phi lý để bảo vệ trình độ giảng dạy và để có được những bảo đảm tối thiểu về vật chất trường sở, vv. – chứ không phải là chỉ để chuyển gánh nặng tài chính mà Nhà nước « nhường » lên vai người công dân (phải trả học phí nặng, phải cung đốn đủ thứ nhu cầu, từ trường sở cho đến trang thiết bị, sách giáo khoa, vv.). Người công dân đóng thuế cho ngân quĩ nhà nước, vậy ngân quĩ đó dùng để làm gì, nếu mọi chi phí trong cuộc sống, đặc biệt là trong GDĐT, người công dân phải tự cáng hết? Và hình thức giáo dục nào, công lập (nghiêm chỉnh) hay « ngoài công lập » công bằng hơn, và có hiệu quả để giải quyết đối với vấn đề giàu nghèo?

Để kết luận, về GDĐT, nếu không mau chóng chấn hưng thực sự, tôi e rằng đang và sẽ tồn tại trong xã hội ta, một loại người có điều kiện thuận lợi thì « các thủ sở nhu » (được hưởng hết thảy những thức mình cần dùng), trong khi những tầng lớp khác thì « các tận sở năng » (làm cho hết những việc mà tài sức mình làm được).



2. Giáo dục Đào tạo :

Những câu hỏi còn tồn tại



Tiền Phong đăng ngày thứ Năm, 09/11/2006, Hà Nội Mới đăng lại cùng ngày.



Bùi Trọng Liễu



Gần đây, một số bất cập về Giáo dục Đào tạo (GDĐT) đã được báo chí nêu ra, ông tân bộ trưởng đã lên tiếng, dư luận chú ý, vv. Nhưng vẫn còn tồn tại một số câu hỏi, chưa có lời giải đáp thích đáng :

- 1/ Tại sao những người có trách nhiệm, phạm lỗi, chưa được xử lý thích đáng ? Tôi không hiểu cái lô-gíc của luật pháp và cách xử lý hiện hành, khi GDĐT được coi là quốc sách hàng đầu : luật pháp thì rất nghiêm đối với những người buôn bán ma túy, có khi bị án tử hình hoặc chung thân, mà sự xử phạt về những sự bê bối gian lận về GDĐT thì so ra nhẹ nhàng hơn nhiều, trong khi hậu quả của ma túy « chỉ » gây tác hại đến một phần thành viên xã hội, còn những tác hại về GDĐT thì ở mức đại trà và có hậu quả cho nhiều thế hệ (thí dụ như : người « học giả bằng thật », ở mức giảng dạy thì lại đào tạo ra những « người phế phẩm » đồng loại, để rồi những người đó lại tiếp tục đào tạo ra những đồng loại nối tiếp ; người « học giả bằng thật » ở địa vị chỉ huy, thì có thể có những quyết định ngớ ngẩn, có thể tai hại cho cả nước vv.). Quốc hội là cơ quan làm luật pháp ; tôi không hiểu những đại biểu Quốc hội khi chất vấn các quan chức của Bộ GDĐT, có nghĩ tới « hành trang » pháp lý được trang bị cho ngành này không ? Ông bộ trưởng GDĐT, dù có thiện chí đến đâu, phải chăng cũng khó tự mình giải quyết những bất cập của ngành mình được, nếu như không có sẵn những qui định pháp lý phù hợp ?

- 2/ Nền GDĐT của một nước, không thể tách rời với thể chế và với mô hình của xã hội của nước đó. Việc tư hóa các trường học, dự tính cao hơn cả tỉ số các trường tư lập ở một nước tư bản có nền kinh tế thị trường tự do như nước Mỹ, có thực sự phù hợp với thể chế mà mình tuyên bố mong muốn cho nước mình không ?

- 3/ Việc sử dụng những mỹ từ như « xã hội hóa », « có cầu thì phải có cung » vv. không thể là giải pháp cho những bất cập. Một loại hàng hóa như lương thực, khi có « cầu » thì cũng không thể « cung » bằng của ôi. Đối phó với bệnh tật, khi có « cầu » thì cũng không thể « cung » bằng thuốc dỏm. Vậy thì trong GDĐT, khi không có đội ngũ nhà giáo tương xứng, phải chăng không nên cho phép mở trường vung vãi, dù là ở hệ thống « ngoài công lập »? Khi trong một đội ngũ nhà giáo của một đại học mà chỉ lèo tèo có được vài tiến sĩ, thì mức đại học sẽ thực còn là đại học, hay là phổ thông cấp 4 ?

- 4/ Vẫn lấy thí dụ các trường đại học hiện nay, (tôi vốn không mặn mà với việc mở vung vãi đại học « ngoài công lập »), đã trót có công lập và có nhiều tư lập, phải chăng nên có sự phân biệt cho rành rọt trong việc xét tuyển giáo sư (GS, mà hầu hết các nước trên thế giới coi là một chức vụ gắn liền với chỗ làm trong một đại học, chứ không phải là một « hàm » để tôn vinh như ở ta) ? Thiết tưởng, trong hệ công lập, nên làm như ở các nước có chính quyền tập trung như Pháp với hai khâu : khâu 1 là khâu mà Hội đồng Khoa học chuyên ngành ở mức toàn quốc, chỉ xét hồ sơ để kết luận rằng cá nhân nộp hồ sơ có đủ tiêu chuẩn để thành ứng viên GS đại học hay không, và giai đoạn 2 là giai đoạn Hội đồng Khoa học chuyên ngành nhà trường tuyển hay không tuyển ứng viên đã qua giai đoạn 1. Như vậy để giữ được mức đồng đều của cả nước, và vì GS hệ đại học công lập là công chức nhà nước, cần được nhà nước bảo vệ và nâng đỡ, như những « món hàng chiến lược ». Trong hệ tư lập, phải chăng cứ để cho tiến hành theo kiểu Mỹ, nghĩa là Hội đồng khoa học nhà trường (đại học tư) đảm nhiệm cả 2 khâu, Bộ GDĐT chỉ hậu kiểm, thí dụ như nếu có sự bê bối trong việc tuyển chọn đội ngũ nhà giáo của nhà trường (đại học tư), thì thu bằng cấp của họ cấp phát, cấm người có bằng cấp của đại học tư thành viên chức cơ quan nhà nước nếu bằng cấp họ không được Bộ công nhận, và nặng hơn nữa là đóng cửa trường. Việc Bộ GDĐT lấy quyết định cho phép mở đại học tư, trên nguyên tắc dựa trên một số tiểu chuẩn như một tỉ số tối thiểu đội ngũ nhà giáo phải có bằng tiến sĩ, thì trách nhiệm đã thuộc về Bộ rồi. Những khâu khác trong việc tuyển chọn giáo sư, như cở sở đề nghị ứng viên, vv., đều là phù phiếm, thiết tưởng cần phải bỏ.







3. Giáo dục Đào tạo : Khiêm tốn thì dễ thành công



VietNamNet đăng ngày 9/12/2006 : http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2006/12/642381/

Bùi Trọng Liễu





Về Giáo dục Đào tạo (GDĐT), khi những nhà quản lý đưa ra đề án hoành tráng, thì hẳn cũng có lý do riêng. Tuy nhiên, đối với nhà giáo chúng tôi ở nơi nào cũng vậy, cũng như đối với một phần công luận, khi đi vào thực hiện, thì mục tiêu có khiêm tốn mới có khả năng thành công. « Khiêm tốn » đây có nghĩa là mục tiêu hợp với khả năng, cân nhắc tiến từng bước, đạt được bước này rồi mới tiến tới giải quyết bước kia, và có khi như vậy mới thực sự có tiến bộ. Phát biểu chung chung thì khó hiểu, vậy tôi xin nêu vài thí dụ minh họa dưới dạng « Ôn cố tri tân »:

« Ôn cố » : Mới đây có ý kiến đánh giá việc thành lập hai Đại học quốc gia cách đây hơn 10 năm là một quyết định sáng suốt, cải tiến một bước lớn Giáo dục đại học. Thuở ấy, không ít nhà giáo chúng tôi, trong hay ngoài nước, (dù rất đồng tình với việc thành lập hai Đại học Quốc gia này), đã kiến nghị nên nhân dịp đó « thanh lọc » để có một đội ngũ nhà giáo có trình độ cao để đưa vào hai cơ sở này, đồng thời nên lựa chọn những ngành trọng điểm, và tập trung trang bị cho thật tốt. Kiến nghị cũng dẫn cái ý của người xưa : Năm 1287, quân Nguyên lại sang xâm chiếm nước ta. Các quan xin tuyển thêm binh. Trần Hưng Đạo nói : « Binh cốt giỏi, không cốt nhiều ; nếu nhiều mà không giỏi, thì như Bồ Kiên có trăm vạn quân cũng không ích gì ». (Bồ Kiên đây là vua Tiền Tần (chú ý : Tần, với dấu huyền) bên Tàu, có trăm vạn quân mà bị thua nhà Tấn (chú ý : Tấn với dấu sắc). Nhưng lúc ấy, hai Đại học Quốc gia được thành lập rất đồ sộ, theo nghĩa gộp nhiều trường sẵn có mà không có sự thanh lọc. Thành quả nay đã được công nhận công khai. Tuy nhiên nếu lời kiến nghị thuở ấy được nghe, thì thành quả có lẽ đã gấp bội, và không chừng đã đạt đẳng cấp cao ! Tôi nghĩ rằng các nhà giáo được trao nhiệm vụ lãnh đạo hai cơ sở này, tuy không nói ra, có lẽ cũng không nghĩ khác.

« Tri tân » : Vừa qua, có ý kiến nên thành lập một đại học « mới », thế rồi nghe đồn là dự án này có khả năng không thành, và các phương tiện nhà nước sẽ lại được chia ra để nâng cấp các cơ sở sẵn có. Rồi lại có đề án đào tạo 2 vạn tiến sĩ trong 10 năm tới. Ông Bộ trưởng GDĐT hoàn toàn có lý khi ông nhắc nhở là ở các nước đã phát triển, phải có bằng tiến sĩ mới được là nhà giáo đứng trên bục giảng đại học. (Cần nói kỹ thêm là đó là những nhà giáo cơ hữu, không kể những thỉnh giảng thí dụ như những nhà doanh nhân có kinh nghiệm để truyền đạt lại cho sinh viên trong những hệ đào tạo nghề, vv.). Tuy nhiên, đào tạo hàng mấy vạn kỹ sư là chuyện có thể thực hiện được trong 10 năm, nhưng đào tạo tiến sĩ thì khác : nghiên cứu sinh, dù là người học trò giỏi trong quá khứ, « tìm » (tiếng Pháp là chercher) không có nghĩa là « tìm thấy » (trouver) cái mới. Như vậy, trừ phi châm chước, cho bảo vệ những phiếm luận vô bổ thành luận án tiến sĩ, lấy gì bảo đảm để có được 2 vạn tiến sĩ để phân phối cho mấy trăm trường « đại học » dự định được mở trong 10 năm tới ? Sao con cháu Trần Hưng Đạo không khoan khoan tạm đừng tính mở vung vãi mấy trăm trường đại học, mà tập trung đào tạo tiến sĩ giỏi, trang bị cho một số cơ sở thành đại học thực sự đúng nghĩa của nó đã ? Thiếu gì thí dụ lịch sử, ở những nước láng giềng hay xa hơn, có những đợt « cách mạng » đập phá tan hoang, nhưng vẫn giữ được những « biệt khu tri thức cao ». Không cứ phải giải quyết đồng bộ theo kiểu đại trà mới là thượng sách.

Tất nhiên, quyết định thuộc về nhà cầm quyền chính trị. Nhưng bổn phận của người trí thức nhà giáo chúng tôi, là phát biểu ý kiến mà mình cho là phù hợp nhất với lợi ích chung.









4. Mong ông Bộ trưởng “nói không” với tiến sĩ rỏm

VietNamNet đăng ngày 8/1/2007: http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/651465/



Bùi Trọng Liễu



Ít có ai năng nổ tận tụy như ông Bộ trưởng GDĐT hiện nay; ông đã liên tiếp có mặt ở nhiều địa bàn để giải quyết những việc cấp bách, khen thưởng, úy lạo (thí dụ như chính ông kể trong bức thư gửi cho báo Thanh Niên trên mạng ngày 29/12/2006). Với một nhịp độ làm việc như vậy, dù là « mình đồng da sắt », tôi không biết ông sẽ chịu đựng được bao lâu ở vị thế « vừa là tư lệnh vừa là xung kích » như thế. Vì vậy, tôi thiết tha mong các cấp lãnh đạo cao hơn ông, dư luận cả nước và các phương tiện truyền thông, hỗ trợ ông để ông có thể thực hiện được nhiệm vụ của người tư lệnh trong ngành Giáo dục Đào tạo, bởi vì các vấn đề tầm cỡ vĩ mô, chiến lược, cũng cần rất nhiều thì giờ tập trung suy nghĩ trước khi được đưa ra giải quyết. Trong các vấn đề tầm cỡ vĩ mô đó, có vấn đề quản lý đào tạo tiến sĩ, một trong những khâu chủ chốt của việc chấn hưng Giáo dục đại học.

Tôi mong ông Bộ trưởng có phương tiện « nói không » với tiến sĩ rỏm.

Thật vậy, trong một môi trường không lành mạnh, sự trí trá tất nhiên phát triển, và đã có những người gian lận bằng cấp để có địa vị xã hội. Mới đây, đã xuất hiện một số bài báo, có cả văn tế, thơ phú, chê bai những « tiến sĩ giấy », cụm từ mà các tác giả, với thiện chí, dùng để chỉ những tiến sĩ bằng thật học giả. Nhưng tôi nghĩ là hơi oan cho « tiến sĩ giấy thật », nghĩa là oan cho những hình nộm bày làm đồ chơi ngày tết trung thu thuở xưa như câu thơ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến tả: « Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi ! ». Oan, bởi vì « tiến sĩ giấy thật » mang lại giải trí chốc lát, nhưng không có khả năng để lại những hậu quả tai hại : không vì chức vụ mà lấy những quyết định ngớ ngẩn, không vì nghiệp vụ mà chuyển giao những hiểu biết sai, không có khả năng sản xuất ra những đồng loại mà hậu quả xấu có thể kéo dài nhiều thế hệ.

Thuở xưa, các ông tiến sĩ có được danh hiệu này là do mấy bài văn sách trong trường thi do quan trường theo lịnh nhà vua ra đầu bài và chấm đỗ, nghĩa là thuở ấy đặt trọng tâm vào sự học nhiều, hiểu nhanh, thuộc sách, trả bài đúng ý người ra đầu bài, .... So với ngày nay, có giống nhau chỉ là cái tên gọi tiến sĩ, còn quan niệm thì hoàn toàn khác. Trong một xã hội đang trên đà phát triển – nhất là trong môi trường toàn cầu hóa mà sự cạnh tranh luôn luôn hiện diện – nhu cầu giải đáp các vấn đề mới nảy sinh, làm cho vấn đề « đào tạo qua nghiên cứu » trở nên quan trọng. Để đáp ứng được những nhu cầu đó, cho nên mới cần có luận án tiến sĩ. Tôi nhắc lại câu của người xưa : « Ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm », để nói rằng : đào tạo ra người đi làm thuê dưới quyền điều khiển của người nước ngoài thì không khó ; đào tạo ra người góp phần cho nước mình tự chủ thì khó. Cho nên mới cần thận trọng, cần đổ công sức vào như thế nào cho phù hợp, và không chạy theo chỉ tiêu số lượng.

Về những tiêu chuẩn cần thiết để có những luận án tiến sĩ thật sự, các nhà khoa học, các nhà giáo đại học « chân chính » đều biết, tôi không cần nói lại.

Kính chúc ông Bộ trưởng đủ sức « đề kháng » đối với những khuynh hướng đã ô nhiễm Giáo dục Đại học từ hơn 20 năm nay, để thẳng tiến trên đường chấn hưng.





5. Giáo dục Đại học :

Mong Bộ trưởng quan tâm đến

“cầu” và “cung”



VietNamNet đăng ngày 30/1/2007 : http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/659380/ dưới đầu đề : Không « cung » với « cầu rởm ».

Hà Nội Mới đăng lại ngày 31/1/2007 : http://www.hanoimoi.com.vn/vn/47/118003/



Bùi Trọng Liễu



Từ một số năm nay, một số người đề cập đến « cầu » và « cung » để dẫn chứng cho sự đòi hỏi tăng số lượng trường đại học, tăng số sinh viên, tăng học phí, vv. Tôi không dám khẳng định rằng có một động cơ để thương mại hóa Giáo dục Đại học kiếm lời. Nhưng tôi thấy nên đặt lại một số câu hỏi để cho vấn đề thật sáng tỏ về « cầu » và « cung », và mong được ông Bộ trưởng quan tâm.

« Cầu » đây là cầu nào ? Nếu « cầu » là nhu cầu của xã hội, bao gồm mọi lĩnh vực, để đất nước tồn tại và tiến triển trong một khung cảnh toàn cầu hóa mà sự cạnh tranh luôn luôn hiện diện, (thí dụ như cần bao nhiêu kỹ sư, bao nhiêu chuyên viên trong ngành này ngành nọ, CNTT, canh nông, thủy sản, giao thông, vv. để doanh nghiệp phát triển, cần bao nhiêu giáo viên để bảo đảm sự học hành cho con em cả nước, cần bao nhiêu bác sỹ y tá để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, vv.) thì đây là « cầu chính đáng », cần được kiểm kê và có kế hoạch đáp ứng. Bộ GDĐT chính là Tư lệnh, hoặc – trong trường hợp không phải là bộ chủ quản của một số ngành – là « đồng Tư lệnh » như thường thấy ở một số nước đã phát triển, hay ít ra cũng có tiếng nói của mình trong vai trò tham mưu.

Còn « cầu » theo nghĩa là quan hay dân hiện đang đòi hỏi có bằng cấp ở mức này mức nọ để có địa vị trong xã hội, các địa phương này nọ đang cần một số đại học để « làm cảnh », vv. thì « cầu » này là loại « cầu không chính đáng », xin tạm gọi là « cầu rởm ». Tất nhiên có sự khác biệt giữa sự mong mỏi tiến thân của người dân và sự mong muốn có bằng cấp để được thăng quan tiến chức của một số cán bộ : con đường tiến thân bình thường phải nằm trong khuôn khổ của sự học hành chính đáng, còn nhu cầu thăng quan tiến chức với kiểu học tại chức được cấp phát bằng cấp không phải là con đường lành mạnh ; nó rất khác với việc học bổ túc để trau dồi nghiệp vụ không bằng cấp. Tại sao « cử rồi mới thi » thay vì « thi rồi mới cử » ? Nếu người chưa đủ hiểu biết, thì sao đã vội trao cho chức vụ ? Còn nếu muốn trao cho chức vụ cao hơn, thì đánh giá theo khả năng ; còn nếu đánh giá theo bằng cấp thì bằng cấp đó phải được bảo đảm từ hệ chính qui mà ra.

« Cung » đây là cung gì ? Đối với « cầu chính đáng » thì Nhà nước, qua Bộ GDĐT, mới có bổn phận phải « cung ». Ngược lại, đối với « cầu rởm » thì có bổn phận « không cung ». Chỉ riêng việc « không cung » cho « cầu rởm », cũng đã gỡ được một phần mớ bòng bong, và làm cho phương tiện và khả năng sát với thực tế hơn. Thí dụ như vấn đề tỉ số tiến sĩ trong đội ngũ nhà giáo đại học. Ông bộ trưởng có lý khi phát biểu muốn nâng một cách đáng kể tỉ số tiến sĩ này. Nhưng nếu số trường đại học có hạn thì dễ thực hiện hơn, còn nếu mở vung vãi quá nhiều đại học thì đề án trở thành bất khả thi. Bởi vì đào tạo tiến sĩ không dễ : đào tạo trong nước đã khó ; gửi ra ngoài đào tạo cũng khó, vì các trường đại học nghiêm chỉnh nước ngoài cũng tuyển một cách chặt chẽ ; không phải nghiên cứu sinh Việt Nam nào được phép đi du học cũng có thể ghi tên soạn luận án được, và ghi tên soạn luận án tiến sĩ rồi không có nghĩa là sẽ hoàn thành nổi một luận án. Đã có những trường hợp phải bỏ cuộc. Đó cũng là một thí dụ chứng tỏ rằng ngay với « cầu chính đáng », chắc gì đã có được « cung ». Huống hồ với « cầu rởm » !

Từ nhiều năm, cũng như một số đồng nghiệp, tôi đã cố điều trần với các vị lãnh đạo về việc kết hợp giảng dạy và nghiên cứu trong Giáo dục đại học. Với tàn dư của mô hình Liên Xô cũ, giải pháp nhanh chóng và tiết kiệm nhất để góp phần nâng chất lượng và số lượng nhà giáo đại học trẻ có bằng tiến sĩ là : hoặc đưa các viện nghiên cứu về trường đại học, hoặc là lập trường đại học từ các Viện Khoa học và Công nghệ, và Viện Khoa học Xã hội và Nhân Văn. Đó là hai khả năng giải pháp cụ thể để thực hiện « đại học hoa tiêu » đã nhiều lần được kiến nghị. Trong khi giải pháp thứ nhất xem ra có vẻ quá phức tạp, thì giải pháp thứ nhì có vẻ như dễ thực hiện hơn, vì cơ sở vật chất và nhân sự đã có sẵn. Bước đầu không cứ phải đủ ngành, đủ cấp. Tuy nhiên có hai điểm đáng được chú ý : dần dần tiến tới xóa bỏ sự ngăn cách giữa Khoa học-Kỹ thuật-Công nghệ, và Khoa học Xã hội-Nhân Văn-Kinh tế (vì đó là xu hương hướng chung của thế giới), và dần dần mở rộng đủ các cấp học, chứ không chỉ khoanh vào cấp đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ (vì đầu vào có tốt thì đầu ra mới tốt). Đây là một giải pháp « cung » cho « cầu chính đáng ». Càng chóng được thực hiện càng tốt cho nền Giáo dục đại học nước nhà.







6. Vấn đề “người”

trong Giáo dục Đào tạo hiện nay



(Đăng trong Hồn Việt 1/7/2007)

Bùi Trọng Liễu



Vấn đề Giáo dục Đào tạo đã được nói đi nói lại đã quá nhiều, sao lại vẫn tiếp tục nói ? Bởi vì chừng nào chưa ra lẽ, chừng nào những vấn đề bức xúc còn tồn tại, thì vẫn phải nhắc đi nhắc lại.

Mới đây, thấy nở rộ việc mở truờng, công, tư, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học, kèm theo những dự án xây cất nhà cửa, ngân quĩ, sắm sửa trang thiết bị vật chất, đủ thứ. Trong khi đó thì vấn đề liên quan đến « con người », có vẻ rất lu mờ, hoặc khi được đề cập đến thì có vẻ giống như những khẩu hiệu hoặc những ước mơ. Khi nói đến « người » tôi muốn nói đến 3 loại : người học (học sinh, sinh viên, học tại chức, vv.), nhà giáo, và những người phụ trách chiến lược và quản lý.



I.- Vấn đề người học :

Nhắc lại là cách đây 20 năm, GS Phan Đình Diệu và tôi có viết chung một bài báo, với đầu đề là « Góp ý kiến về việc học », đăng trên báo Nhân Dân đăng ngày 27/12/1987 và báo Tuổi Trẻ đăng ngày 29/11/1987. Trong bài đó chúng tôi có nêu mấy mục tiêu của việc học (đã điều trần nội bộ trong nhiều năm trước):

Mục tiêu thứ nhất là tạo lập một cơ sở tri thức, văn hoá cho con người và xã hội : « Học » là một đòi hỏi của xã hội, bởi vì một xã hội tiến bộ chỉ có thể là tập hợp của những con người có trình độ hiểu biết cao. « Học » là một nhu cầu tri thức của mỗi cá nhân : nhu cầu đó cần được đáp ứng vì nó dựa trên quyền được hiểu biết của mỗi người.

Mục tiêu thứ nhì là việc đào tạo chuyên môn nghề nghiệp: Đào tạo chuyên môn nghề nghiệp để đáp ứng cho các khu vực sản xuất, kinh tế, hành chính và cho các hoạt động xã hội khác của đất nước. Cho mỗi cá nhân một (hay những) chuyên môn nghề nghiệp, để mưu cuộc sống (và để thực hiện vai trò của mình trong chỗ đứng của mình trong xã hội).

Hai mục tiêu đó tạm gọi tắt là mục tiêu « kiến thức » và mục tiêu « nghề nghiệp » quan hệ với nhau, nhưng phải được phân biệt, và không nên xem là đồng nhất.

Trong khung cảnh các mục tiêu này, nguyên tắc là người học được đánh giá theo sự hiểu biết đã tiếp thu được, và bằng cấp được đặt ra là để chứng nhận sự đã đạt được các mức hiểu biết đó. Theo tôi, không có chỗ cho những cá nhân gian lận để có bằng cấp để được « ăn trên ngồi trốc », lại càng không có chỗ cho một tập thể nào đó tổ chức gian lận để « có thành tích ». Chính quyền nhà nước và xã hội bảo đảm để người đi học, bất cứ ở cấp bậc nào, bất cứ thuộc thành phần nào, không được vượt ra ngoài nguyên tắc đó. Nếu không thì là loạn (thí dụ như việc học sinh « ngồi nhầm lớp », hoặc như người dùng bằng giả để có địa vị xã hội, vv.).



II.- Vấn đề nhà giáo :

Ở đây, tôi không đề cập đến những nhà giáo có trình độ nghiệp vụ cao và có lương tâm nhà nghề, tận tụy với công việc. Tôi hy vọng đó là đa số, mà tôi rất trân trọng, và do đó chẳng cần nhắc đến dài dòng, trừ cái mong muốn là lương bổng và điều kiện vật chất hành nghề được nâng tới mức tương xứng để các vị này có thể toàn tâm toàn ý đảm nhiệm được công việc của mình. Ở đây, tôi cũng tạm bỏ ra ngoài những trường hợp cá biệt gây ra những vụ « bạo hành » đối với học sinh (như cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến phải đi viện, bỏ thuốc chuột vào thức ăn trẻ em mẫu giáo, vv ...), mà báo chí hàng ngày đã và đang đăng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến những trường hợp bất cập, do trình độ hiểu biết chưa đạt mà vẫn có bằng cấp để đi dạy và để rồi dạy sai, bởi vì những « phế phẩm » loại này lại này lại tiếp tục sinh ra những « phế phẩm » tiếp theo, có thể kéo dài trong nhiều thế hệ. Tuy những bất cập này xảy ra ở khắp cấp bậc (mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học), do một thời có một thứ bệnh thành tích, một thứ tính toán thô thiển, ưu tiên số lượng chứ không chú trọng chất lượng – một thứ « ăn xổi ở thì » – tôi chỉ muốn tập trung nói tới nhà giáo đại học, bởi vì nhà giáo đại học phần nào là đầu mối « sản xuất » ra nhà giáo trung học và tiểu học (không kể việc « sản xuất » ra những chuyên gia cho những hoạt động khác của xã hội).

Trong bài « Đứng nhầm lớp » còn hại hơn « Ngồi nhầm lớp », (mà Vietnamnet và Hà Nội mới đăng một phần ngày 14/5/2007)

http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/05/694528/

http://www.hanoimoi.com.vn/vn/47/129980/

tôi có phát biểu một số ý như sau :

Từ dăm tháng nay, báo chí truyền thông đưa rất nhiều thông tin về việc học sinh « ngồi nhầm lớp » và dư luận cho rằng đây là một tai hại lớn cho ngành Giáo dục. Nhưng « đứng nhầm lớp » còn tai hại hơn. Tôi muốn nói đến sự việc có những nhà giáo không có khả năng và trình độ phù hợp, mà vẫn được trao trách nhiệm giảng dạy. Tai hại hơn, vì mặt nào, đó là sự góp phần biến những học sinh, sinh viên thành những người « ngồi nhầm lớp ». Chẳng cần nói quanh co : hiện nay không ít nhà giáo đại học không có bằng cấp tương xứng – và dù cho có bằng cấp, thì chưa chắc đã có hiểu biết tương xứng – để giảng dạy đại học. Vậy mà vẫn dạy. Và lại có sự ồ ạt mở thêm nhiều đại học, và nhiều đại học lại được mở thêm nhiều ngành. Lớp thì mở nhiều, nhà giáo có trình độ tương xứng thì ít. Rồi sinh viên tốt nghiệp sẽ có trình độ nào để vào đời đáp ứng được nghiệp vụ, trong một khung cảnh toàn cầu hóa ? Không quyết tâm giải quyết nạn « đứng nhầm lớp », thì e rằng những lời phát biểu về chấn hưng giáo dục đại học chỉ là những khẩu hiệu rỗng, những chỉ tiêu nêu ra sẽ chỉ là bảng kê những thành tích ảo tương lai.

Lấy thí dụ con số 2 vạn tiến sĩ dự kiến sẽ được đào tạo trong non 10 năm. Trước hết là về số lượng nghiên cứu sinh, tuyển họ ở đâu ra ? Bao nhiêu người mỗi năm ? Giả thử như có đủ ngân quĩ để « nuôi » họ một cách tương xứng, họ sẽ được đào tạo ở cơ sở nào, ai hướng dẫn họ, ngành này bao nhiêu, ngành kia bao nhiêu, đề tài nghiên cứu gì, trong nước ? Câu hỏi cũng tương tự, nếu như đủ ngân quĩ để gửi họ ra để được đào tạo ở nước ngoài. Hình như một số nhà quản lý khi nêu chỉ tiêu đã « quên » rằng các đại học nghiêm chỉnh nước ngoài không dễ gì nhận nghiên cứu sinh nếu như quá trình học tập cơ bản không chứng tỏ được là họ đã là những sinh viên xuất sắc tốt nghiệp từ những đại học có trình độ. Tiếp theo đó, soạn một luận án, không phải là cứ học chăm, tiếp thu nhanh bài giảng của thày, trả bài đúng ý ban giám khảo, là có « bằng tiến sĩ », na ná như kiểu ông cha ta ngày xưa đi thi Hội thi Đình. Nói một cách tóm tắt cho dễ hiểu, luận án tiến sĩ ngày nay mặt nào có thể ví như những « bằng sáng chế » nhưng mang tính hàn lâm, có thể có ứng dụng ngay hay không. « Tìm ra cái mới » là theo nghĩa đó, chứ hoàn thành một luận án tiến sĩ không phải là ngồi viết ra một cái gì « không giống người khác ». Thêm vào đấy là đâu đó có lúc nêu ra tiêu chí kiểu : muốn được bảo vệ luận án tiến sĩ, phải có vài bài báo đã đăng ở « tập san có giá trị » ở nước ngoài, thậm chí còn đòi hỏi người muốn dự thi làm nghiên cứu sinh phải có 2 « công trình khoa học » đã công bố. Hình như tác giả của những chủ trương này không muốn biết rằng thời gian chờ đợi để một bài báo được thẩm định xong và được đăng lên một tập san nghiêm chỉnh có khi mất hàng hai, ba năm hay hơn nữa. (Ở đây tôi nói thời gian trung bình, xảy ra ngay ở một số nước đã phát triển với nhiều truờng hợp khác nhau : có trường hợp bị phản biện sai, oan phải cãi lại ; cũng có trường hợp đặc biệt « có tay trong », hay cả thày và trò đều xuất chúng nên nhanh hơn ; cũng có những luận án có nội dung tế nhị đụng tới an ninh quốc phòng, kết quả không bao giờ được công bố). Như vậy thì cần bao nhiêu năm để có được 2 vạn tiến sĩ, và bao nhiêu trong đám tiến sĩ này sẽ là nhà giáo cho các đại học đã thành lập hiện nay ở Việt Nam ? Vì con số này và thời gian dự đoán để thực hiện, không có sức thuyết phục, nên có lẽ phải hiểu theo cách khác : Có lẽ lời tuyên bố về con số 2 vạn tiến sĩ đào tạo trong vòng non 10 năm tới được nêu ra, chỉ nhằm mục đích « báo động » một tình trạng bất cập của giáo dục đại học hiện thời ?

Cho nên, giải quyết vấn đề « đứng nhầm lớp » (liên quan trực tiếp đến việc chấn hưng giáo dục đại học và đào tạo người) rất là khó, và ta nên có cái nhìn thiết thực hơn. 40 năm làm giáo sư đại học ở nước định cư – nước Pháp cũng thuộc loại đã phát triển cao và có một chiều dày trong truyền thống giáo dục – tôi cũng có chút kinh nghiệm để nhận thấy là cải cách theo kiểu đại trà là khó lắm, bởi vì nó liên quan tới việc chuyển đổi đồng loạt cả một hệ thống sẵn có, với những khuyết tật của nó, với phương tiện vật chất cần có, với sức ì, với sự cầu an của một phần nhân viên. Ở nước ta thì những khó khăn này lại gấp bội, do bối cảnh lịch sử để lại, thí dụ như một thời đã trót tuyển một số nhà giáo có trình độ yếu kém mà nay lại không thể sa thải, cộng với sự tế nhị trong việc nâng lương bổng nhà giáo sao cho đủ sống để họ có thể toàn tâm toàn ý trong việc thực hiện nhiệm vụ, cộng với khả năng trang bị trường sở, cộng với việc phải nâng đỡ sinh viên về điều kiện sinh sống và học tập như thế nào, để đạt được một trình độ « bình thường » – khoan nói tới đẳng cấp cao làm gì – của một nền giáo dục đại học. Đối với ai có cái nhìn khách quan, không bị ràng buộc về mặt này mặt nọ, rõ ràng là giải pháp nâng cấp các đại học đã có là một giải pháp đắt hơn, lâu hơn và khó thực hiện hơn gấp bội ; có chăng là nâng cấp một vài ngành trọng điểm trong một vài đại học sẵn có, nhưng như vậy thì vấn đề quản lý vẫn bị mắc những ràng buộc chung.

Do đó, đã từ nhiều năm, tôi cố kiến nghị cho giải pháp thành lập « mới » một đại học công lập, bước đầu cỡ nhỏ, để làm « mẫu » – cho nên mới dùng tên gọi « hoa tiêu» – để giải quyết cấp bách, song song với việc dần dần nâng cấp những cơ sở còn lại nếu có thể, và kệ cho những cơ sở khác sụp đi nếu chúng không có sức để tồn tại. Tôi chỉ nói đến đại học « công lập », vì đây thuộc trách nhiệm của Nhà nước, không thể dễ dàng phủi tay. Cũng cần nói thêm rằng, theo ý tôi, «thành lập mới » không có nghĩa là phải « xây cất mới » nhà cửa – có người hiểu lẫn « xây dựng » với « xây cất » – mà trong ý tưởng « hoa tiêu » này, dù cho có gọi nó là đẳng cấp quốc tế, hay đẳng cấp cao, hay có tiêu chuẩn quốc tế, hay gì gì đi nữa, chữ « mới » cần hiểu theo nghĩa là : phải tuyển chọn nhà giáo có trình độ, bổ nhiệm theo chức vụ, chứ không phải theo quan niệm phong hàm, tập trung lại để có một khối lượng tối thiểu nhân sự, kết hợp giảng dạy và nghiên cứu, tổ chức phương cách quản lý, trang bị và giảng dạy theo chương trình phù hợp, tuyển sinh có trình độ, học tập và kiểm tra nghiêm túc, đa khoa kết hợp, nhưng bước đầu chỉ mở những ngành có phương tiện, vv.

Trong nhiều năm trước đây, tôi đã kiến nghị sát nhập các viện nghiên cứu vào các trường đại học, nhưng nay nhận thấy có những đại học quá yếu để vực lên được khâu nghiên cứu khoa học. Do đó tôi chia sẻ cái ý là nên thành lập một đại học « mới » từ các viện nghiên cứu, nơi có nhiều nhân viên có khả năng và đã có chức danh giáo sư, với điều kiện là nhân viên cũng phải được tuyển chọn lại. Cơ sở vật chất lại đã có sẵn. Một đại học đa ngành thành lập từ các viện nghiên cứu, đã có sẵn khả năng để đào tạo tiến sĩ, và dần dần mở thêm những cấp đào tạo từ dưới lên (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ) để bảo đảm « đầu vào » thật nghiêm túc, và dần dần kết hợp được khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và các ngành khoa học kinh tế, nhân văn , … là một giải pháp nhanh chóng nhất mở ra triển vọng cho tương lai, trong đó có khâu giải quyết một phần vấn đề « đứng nhầm lớp ».

Muốn thực hiện hay không, đó là câu hỏi đang tồn tại.



III.- Vấn đề những người phụ trách chiến lược và quản lý :

Về các vị này, tôi chỉ có vài lời ngắn gọn thôi. Các vị đương nhiệm phải thừa hưởng một tình trạng phức tạp do quá khứ để lại. Với một « kho tàng » bất cập khổng lồ, cộng thêm với một sự tự do phát biểu nào đó về lĩnh vực Giáo dục Đào tạo của những người có kinh nghiệm cũng như của người không có kinh nghiệm, người nghe cũng như trong tình trạng kẻ « đẽo cày giữa đường », đâm ra phân vân, trong khi sự phát triển không thể chờ đợi. Nếu không hẳn là « tư lệnh », thì các vị cũng là « tham mưu », để đề ra được những giải pháp để các nhà lãnh đạo đất nước lấy được những quyết định phù hợp cho quyền lợi của dân tộc, của nước nhà. Bởi vì có những vấn đề mà lĩnh vực giáo dục đào tạo tự nó không thể giải quyết được, chỉ xin nêu vài thí dụ :

Thí dụ như trong việc học sinh đi thi quay cóp, đã có những giáo viên tỏ ra hết sức lo lắng khi làm cán bộ coi thi : « Nếu mình làm nghiêm thì sợ bị trả thù. Còn làm không nghiêm thì sợ thanh tra kỷ luật » (theo

http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/05/699402/). Giải pháp là gì để che chở họ khi làm nhiệm vụ, tránh tình trạng « sống chết mặc bay » ?

Thí dụ như Bộ Giáo dục muốn cải tiến trình độ nhà giáo đại học, trong khi địa phương muốn mở đại học tuy thiếu thày – lấy thành tích, hay vì sức ép nào khác loại « làm quan, làm cảnh » ?

Thí dụ có những vụ hiển nhiên gian lận bằng cấp để có chức có quyền – ở nước khác thì có thể « tù mọt gông », ở ta có thật là cứ vẫn « trơ như đá vững như đồng » ?

Thí dụ như vấn đề mở trường « ngoài công lập » để kinh doanh có lợi nhuận, có còn nằm trong nền « kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa » không ? (Việc tồn tại một hệ trường tư lập nghiêm chỉnh không thể đánh đồng với việc tự do kinh doanh giáo dục kiếm lợi nhuận).

Kính chúc các vị có được sự tỉnh táo, sáng suốt, gạt được cái đục, lọc được cái thanh, tránh được những lắt léo làm nặng thêm cái « kho tàng » bất cập, và chọn được một con đường chấn hưng phù hợp.





7. Những kỳ dị đằng sau cụm từ

« Xã hội hóa » giáo dục


Đăng trên Vietnamnet

http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/721181/



Bùi Trọng Liễu



Ở các nước phương Tây, dù là người cộng sản hay không, cụm từ « xã hội hóa » (tiếng Pháp là socialisation, từ ngữ mà tôi quen thuộc) từ trước tới nay, vẫn thường được dùng theo nghĩa « tập thể hóa », « đặt dưới chế độ cộng đồng », « quản lý hay điều khiển [của nhà nước] nhân danh xã hội », vv. Tôi nghĩ rằng các ngôn ngữ nước khác, qua từ điển, thấy cũng có nghĩa tương đương.



Cho nên tôi ngạc nhiên khi thấy xuất hiện cụm từ « xã hội hóa » ở Việt Nam ta – có lẽ là xuất hiện từ khoảng mươi năm nay, và càng ngày càng bị sử dụng một cách thản nhiên theo nghĩa ngược lại – theo nghĩa đẩy gánh nặng tài chính lên vai người công dân, và trao cho tư nhân đảm nhiệm một số lĩnh vực thuộc bổn phận nhà nước phải quản lý, đặc biệt là giáo dục đào tạo. Theo tôi biết, ở các nước tiên tiến hay không, sự tham gia của người công dân vào lĩnh vực giáo dục đào tạo này được thể hiện qua sự hiện diện trong các hội đồng quản trị hay tư vấn, của các phụ huynh học sinh, của các công đoàn, của đại diện xã hội dân sự, vv. và nói chung qua tiếng nói của dư luận, chủ yếu là để góp ý về chiến lược, về hướng phát triển, đề nghị những giải pháp phù hợp cũng như để tố cáo những bất cập. Ở những nước đó, tôi không hề thấy có sự cưỡng bức nào ghi trong hiến pháp (thí dụ như cuỡng bức học hết tiểu học, hay học đến tuổi 16, vv.) mà lại gắn liền với sự cưỡng bức gia đình người học phải đóng học phí, nhất là học phí cao. Nếu có, thì thật là một sự kỳ dị, vì người dân phải đóng thuế, vậy thì thuế đó dùng để làm gì? Nếu quả là mức thu nhập của người dân đất nước đó chưa đủ cho phép có phương tiện vật chất để bảo đảm những mục tiêu « cao » trong việc học hành, vv. thì họ cũng đủ lương thiện để « liệu cơm mà gắp mắm », và không đưa vào hiến pháp những điều mà rốt cục nhà nước của họ không thực hiện được.



Ai cũng ước mơ có một nền giáo dục đào tạo với chất lượng tốt. Và tất nhiên, chất lượng tốt đòi hỏi những phương tiện về nhân sự và về vật chất, với một giá phải trả. Nhà nước thay mặt xã hội để điều hành, quản lý công việc của đất nước, bảo đảm cuộc sống của toàn dân. « Công bằng », « bình đẳng » trong việc học hành, không có nghĩa là ai ai cũng phải có bằng cấp cao, mà có nghĩa là : giàu nghèo sang hèn, ai có trình độ thì học cao, ai không có trình độ thì học vừa đủ, theo số chỗ mà phương tiện của đất nước có thể bảo đảm nổi. Thi tuyển để lấy người vào học trong các trường công lập mang ý nghĩa đó, cho nên không thể tăng học phí vô tội vạ ở các trường thuộc hệ thống đó, gây ra sự kỳ thị giàu nghèo. Nếu không đủ ngân quĩ để bảo đảm mức độ của trường công lập, thì đừng mở tràn lan. Đó là trách nhiệm quản lý của nhà nước. Tất nhiên, có thể có những đóng góp của những nhà hảo tâm cho các trường, nhưng đó là tự nguyện. Thiết tưởng đừng dùng cụm từ « xã hội hóa » để nhập nhằng che đậy việc ép buộc đóng học phí cao hay những chi phí nhì nhằng gì khác trong hệ thống công lập. Còn các trường tư thì tùy mức độ ; tuy nhiên tư bản hoang dã kiểu thế kỉ 19, và kinh doanh giáo dục tàn nhẫn, ngày nay không còn tồn tại ở đa số các nước trên thế giới nữa.







8. Xã hội hóa: vài lời thanh minh



(Đăng trên Vietnamnet

http://vietnamnet.vn/bandocviet/2007/07/724433/
http://www.vietnamnet.vn/service/show_forum.vnn?forumid=151103)



Bùi Trọng Liễu



Sau khi tôi đăng bài Những kỳ dị đằng sau cụm từ « Xã hội hóa » giáo dục http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/721181/ ,

có một số phản ứng. Trước hết, tôi xin có lời cảm ơn những bạn đọc tỏ lời thông cảm đồng tình. Đối với vài độc giả có ý kiến ngược lại – có thể là do hiểu lầm, đôi khi hiểu ngược lại ý tôi phát biểu – tôi xin được trả lời cho thật rõ:

1/ Tôi không hề « đổ hết trách nhiệm lên người thầy khi mà thu nhập của người thầy quá thấp vì ngân sách không có để chi, học phí thì quá thấp». Tôi trân trọng với nghề dạy học, vì đó cũng chính là nghề của tôi. Và cũng như mọi người, tôi mong mỏi nhà giáo có lương đủ sống để có thể hành nghề một cách tương xứng. Nhưng lương đó ai phải trả ? Tạm nói đến nhà giáo trong hệ công lập đã, (hệ tư lập tôi sẽ nói sau): nhà nước trả hay gia đình người đi học phải trả ? Trong bài

http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2007/7/43566.laodong

GS Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) viết như sau: « Giảm biên chế hành chính, đồng thời tăng lương gấp hai lần mức lương hiện nay. Liệu giải pháp này có khả thi? Chỉ xin kể kinh phí Nhà nước cấp năm 2007 đã là 4 tỉ USD, trong khi đó lương cho cán bộ GV trong toàn bộ hệ thống khoảng 1 tỉ USD/năm, vậy số còn lại đi đâu?», để khẳng định rằng việc này khả thi. Một số đồng nghiệp trong nước cũng có ý tương tự như ý GS Hãn. Nếu ai thắc mắc không tin, cần hỏi, thì có lẽ nên hỏi nơi quản lý.

2/ Tôi không hề chủ trương « không mở các trường công lập [để phổ cập giáo dục] ». Tôi đồng tình với GS Hãn khi ông viết: « Cấp phổ cập giáo dục không thu học phí được coi là một nguyên tắc cho mọi thể chế », cũng như tôi đồng tình với GS Trần Văn Thọ (Tokyo) trong bài

http://www.thanhnien.com.vn/Giaoduc/2007/7/26/202504.tno

khi ông cũng phát biểu ý tương tự.

Tóm tắt vài con số ở Pháp : Tất cả các trường tiểu học và trung học công lập đều miễn phí ; bất cứ học sinh nào muốn học trường công lập đều được nhận. Tuổi cưỡng bức học là tới 16 tuổi. 91% học sinh tiểu học (vì phụ thuộc các thị xã) và 100% học sinh trung học cơ sở (vì phụ thuộc tỉnh) được cho mượn sách giáo khoa. Tùy gia cảnh, mỗi lần khai trường, mỗi học sinh cho đến 18 tuổi, được hưởng một « phụ cấp khai trường » (năm nay 2007 là khoảng 272 euros) ; 5 triệu 4 trăm nghìn học sinh được hưởng phụ cấp này. Luơng của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở (sau 2 năm hành nghề) là 1550 euros/tháng.

Khi tôi viết câu: « giàu nghèo sang hèn, ai có trình độ thì học cao, ai không có trình độ thì học vừa đủ, theo số chỗ mà phương tiện của đất nước có thể bảo đảm nổi » là có ý nói đừng có mở vung vãi những trường đại học «làm cảnh », và đừng cho phép các đại học mở vung vãi nhiều ngành, khi số nhà giáo chưa đủ, khi ngân quĩ nhà nước chưa bảo đảm cho lương nhà giáo đủ sống, trang thiết bị dụng cụ chưa tương xứng, như tôi đã viết trong bài « Giáo dục ĐH: Không cung với cầu rởm» trong http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/659380/

3/ Nhưng tôi cũng đã phát biểu ý là cần có một hệ giáo dục dân lập tư lập bổ sung cho hệ công lập. Điều lạ là cũng có ý trách tôi chống việc mở trường « ngoài công lập ». Tôi xin được kể câu chuyện sau đây làm bằng chứng cho thật rõ: Ngày 2/4/1988, tôi có viết một thư gửi cho 5 nhà khoa học trong nuớc, đề nghị các anh chị này đứng ra xin phép chính quyền cho mở « Trung tâm đại học dân lập Thăng Long». Từ « dân lập » xuất hiện đầu tiên trong dịp này. Và khi chính quyền đã cởi mở cho phép, trong vòng 4 năm (1988-1992) vợ chồng tôi cùng một số bạn bè đã vận động đóng góp tiền bạc cho cơ sở này tồn tại với mức học phí thấp nhất hoặc miễn phí cho sinh viên, và với mức lương đủ sống cho nhà giáo khỏi phải làm một nghề tay trái kiếm sống trong thời buổi rất khó khăn đó. Nếu ai muốn kiểm chứng, có thể tạm mở đọc bài

http://vietnamnet.vn/psks/200601/536437/,

hoặc tìm hỏi những nhân chứng, như 3 vị trong đám 5 người sáng lập ra Trung tâm đại học dân lập Thăng Long này : GS Phan Đình Diệu (Đại học Quốc gia Hà Nội); GS Nguyễn Đình Trí (Đại học Bách khoa Hà Nội) ; GS Hoàng Tụy (Viện Toán). Và cao hơn nữa, nếu các vị cho phép, có thể hỏi nơi Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, lúc đó đang là Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, người đã ký giấy cho phép mở trường, và nơi Tướng Đặng Quốc Bảo, lúc đó là trưởng ban Khoa giáo Trung ương, người đã chuyển đạt lệnh cho phép của Tổng bí thư thuở đó. Đừng quên là thuở ấy, Liên Xô và Khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu còn đang tồn tại, Giáo dục là độc quyền của Nhà nước, ai dám nói tới dân lập, tư lập?

Nhưng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước, không tán thành việc mở vung vãi trường tư thục vị lợi, và tôi chống việc dùng Giáo dục như một thứ hàng hóa để kinh doanh kiếm lời, và tôi đã tỏ ý lo ngại về việc Việt Nam muốn nâng tỉ số sinh viên hệ « ngoài công lập » lên 40% , thậm chí 50%, trong khi chính ở Mỹ, tỉ số sinh viên công lập là 77%, tư lập là 23% (bài của tôi tại Hội thảo Đà Nẵng tháng 7/2005, đăng trên

http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai6/200506_BTLieu.htm).



4/ Một độc giả khác chất vấn tôi (nhưng lại cắt đi một mẩu) đã viết câu : « tuy nhiên tư bản hoang dã kiểu thế kỉ 19, và kinh doanh giáo dục tàn nhẫn, ngày nay không còn tồn tại ở đa số các nước trên thế giới nữa ». Tôi trả lời : Thế kỉ 19, tư bản kinh doanh không bị kiềm chế, và tha hồ mặc sức sử dụng nhân công với tiền trả tùy tiện, số giờ lao động tùy tiện; người lao động không có ngày nghỉ và « tự do mất việc ». Mới đây, có xảy ra ở một nước lớn, vụ việc chủ một lò gạch bắt cóc, giam cầm làm nô lệ và cưỡng bức trẻ em lao động không công 18g /ngày. May là vụ việc được phát hiện ra, và có án xử tử và án chung thân đối với đám chủ lò, nhưng còn bao nhiêu vụ chưa phát hiện ra ? (nguồn Assiated Press 17/7/2007). Nếu không phải là hoang dã thì là gì ? Ở các nước tư bản phương Tây, trong hơn 150 năm, có những cuộc đấu tranh đổ máu của công nhân. Dần dần mới có những luật lao động ra đời, cải thiện đời sống của người lao động như ngày nay.

Trong bài http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/718033/ tiến sĩ Vũ Quang Việt (chuyên gia cao cấp của Liên hợp quốc), ước tính (trích tóm tắt một trường hợp trong bảng tính) : nếu mức học phí là 200.000 đồng/tháng, ở vùng Đông Nam Bộ, khoảng 60% học sinh có khả năng bỏ học. Tôi chưa thấy ai phản đối bảng tính của ông Việt. Nếu đúng vậy, thì không phải là tàn nhẫn thì là gì ?

5/ Vị độc giả chất vấn tôi kể trên, còn viết : « Tôi thấy mọi người nói nhiều về cái gọi là « xã hội hoá » giáo dục mà không thấy ông Bùi Trọng Liễu còn nói những điều chưa đúng về gd Việt Nam ». Tôi xin thưa rằng tôi có nói đấy, nhưng có thể tôi nói mà không được nghe thấy. Tự tôi biện minh thì cũng khó tin, vậy tôi chép lại một lời chứng của (cố) GS VS Nguyễn Văn Đạo, nguyên giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khi ông viết lời tựa cho một cuốn sách của tôi : « Đóng góp ý kiến nhằm xây dựng đất nước tốt hơn thì nhiều kiều bào ta đã thực hiện được. Song kiên trì góp ý kiến nhiều lần, nhiều năm như Giáo sư Liễu cũng là một hiện tượng hiếm thấy ». Tôi chép lại câu này để cảm ơn lời tri âm của GS Đạo chứ không phải để khoe, vì định cư ở nước ngoài, tôi không cần đến điều này.

6/ Tôi không biết khi học tập Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, điều 15 của Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1946 : « [...] Cấp học phổ cập là miễn phí », và lời Hồ Chủ tịch mong muốn : «...ai cũng có cơm ăn áo mặc ; ai cũng được học hành... », có được nhắc đến như GS Hãn đã nhắc trong bài của ông không ? Trở lại cụm từ « xã hội hóa », tất nhiên không chỉ có vấn đề từ ngữ, dù cho không muốn giữ gìn tiếng Việt trong sáng, như lời nhắc nhở của (cố) Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời. Tôi không chống việc « tư nhân hóa », « cổ phần hóa » một số lĩnh vực, khi cần thiết đi vào nền kinh tế thị trường trong khung cảnh toàn cầu hóa. Tôi chỉ chống việc dùng từ ngữ để biện bạch cho một số hành động kỳ dị.





9. Về một bài phỏng vấn

không đăng toàn bộ



Ngày 6-8-2007, tôi nhận được thư của một biên tập viên trẻ của một tạp chí trong nước, thay mặt Ban biên tập, yêu cầu được phỏng vấn tôi, với lời lẽ mà tôi cho là thành thật, và bày tỏ mong được câu trả lời càng thẳng thắn bao nhiêu, càng có lợi cho tình hình nước nhà bấy nhiêu. Tôi nghĩ rằng người biên tập viên này cầu thị, nên tuy những câu hỏi tế nhị, tôi đã cố gắng trả lời. Bài gửi về trong nước, thì được hứa hẹn sẽ đăng toàn bộ. Nhưng rốt cục, chỉ có đoạn tôi trả lời một câu hỏi (câu hỏi số 2 trong số 6 câu hỏi) được tạp chí này trích ra, đăng thành bài mang tên tôi là tác giả, nhưng dưới một đầu đề của họ: « Khởi đầu chấn hưng đại học bằng tinh hoa » (Tia Sáng ngày 5-9-2007). Tôi viết thư hỏi họ sẽ làm gì với phần còn lại của những câu trả lời của tôi, thì người phụ trách Ban biên tập trả lời là « thành thật xin lỗi về việc đã trả lời là sẽ đăng nguyên văn bài trả lời phỏng vấn, nhưng vì một số lý do riêng, trong số báo vừa ra lại chỉ trích đăng một phần (dù đó là phần quan trọng nhất) ». Tôi không nghĩ rằng trách nhiệm là do người biên tập viên trẻ. Tôi cũng không biết những « lý do riêng » mà người phụ trách Ban biên tập của họ nêu ra là lý do gì, và họ sẽ làm gì với những câu trả lời còn lại của tôi. Tuy nhiên, tôi đã mất công và lộng hiểm trả lời những câu hỏi tế nhị này, thì tôi cần ghi lại toàn bộ những lời hỏi-đáp ra đây.



1. Hỏi: Giáo sư suy nghĩ như thế nào về thực trạng khoa học của đất nước hiện nay trên cơ sở những gì mà giáo sư thu lượm được?

Bùi Trọng Liễu trả lời:

Tôi định cư ở nước ngoài, từ nhiều năm nay không về nước, lại không được thông tin về các văn bản tài liệu chính thức, nên không thể đánh giá trực tiếp được thực trạng của khoa học đất nước hiện nay. Tôi chỉ có thể có cái nhìn « toàn cảnh », qua những nhận xét gián tiếp. Nói kỹ hơn, tôi nghĩ rằng hẳn có những thành công nhất định nào đó, trong một số lĩnh vực nào đó, nhưng nói chung thì chưa thấy chứng cớ gì để có một cái nhìn lạc quan về nền khoa học Việt Nam hiện nay. Những nhận xét gián tiếp của tôi là những nhận xét về cách đánh giá về sự thành đạt của những nhà khoa học – xin nói kỹ để tránh hiểu lầm : ở đây tôi dùng chữ « những », chứ không dùng chữ « các = tất cả ». Mà khi con người đã bị đánh giá sai, thì ít có khả năng là công trình của họ được đánh giá đúng.

Một thí dụ là từ một số năm nay, thấy nở rộ những danh hiệu dởm do người tôn vinh hiểu sai hay do đương sự tiếm nhận, thí dụ như « viện sĩ » (kỳ thật ra là hội viên đóng tiền của những hội tư mang tên Academy gì đó), nhà khoa học xuất sắc của thế kỷ (do đương sự tự đánh giá những « phát minh » của mình, hay do bị một số bọn kinh doanh tiểu sử quốc tế lừa mua đồ của họ xuất bản). Hoặc như có sự ngộ nhận về ý nghĩa ẩn sau một số từ ngữ, như ngỡ giáo sư emeritus là « siêu giáo sư » tại chức, trong khi thực ra ở Pháp theo đạo luật 6/6/1984, đó là giáo sư đại học (professeurs des universités) nghỉ hưu có thể xin được quyền (nhưng phải được hội đồng khoa học trường đại học bỏ phiếu thuận) tiếp tục một thời gian có hạn để tham gia tự kết thúc hay kết thúc hướng dẫn một số công trình nghiên cứu, vv. và đạo luật 12/7/1999 mở rộng emeritus, vẫn theo nghĩa kể trên, ra cho các nhà khoa học có cương vị tương đương với giáo sư đại học, như các giám đốc nghiên cứu (directeurs de recherche) trong các viện nghiên cứu (đừng lầm chức danh này với giám đốc của viện nghiên cứu, là một chức vụ quản lý và hành chính). Ở Mỹ, theo tôi hiểu, tùy trường đại học, nhưng nói chung, emeritus vẫn hàm nghĩa giáo sư nghỉ hưu [một phần]. Hoặc như có sự ngộ nhận « postdoc » (chercheur post-doctoral) là « siêu tiến sĩ » trong khi đó chỉ là vị trí công việc tạm thời (học bổng, hợp đồng lâm thời) cho những tiến sĩ chưa tìm được việc làm trong chính ngạch, vv. Rồi lại từ những ngộ nhận đó, luận ra giá trị cao thấp của công trình các đương sự, thì sự đánh giá của mấy vị trong nuớc về khoa học (có nhiệm vụ quản lý làm việc này) không có thể gọi là chính xác được.
Vẫn về vấn đề người, cách đánh giá các công trình khoa học theo số liệu, chấm điểm, ngay cả khi xếp hạng theo « chuẩn » các tập san quốc tế cũng chỉ là tương đối, vv. không phải là cách tiến hành thông thường mà tôi được biết. Đã đành là cần thiết có một số tiêu chuẩn cụ thể tương đối khách quan để đánh giá, nhưng đó là nói cho tổng thể của một nước, chứ không phải là nói cho một nhà khoa học riêng lẻ. Ai đã thực sự làm khoa học, và đã từng tham gia các hội đồng khoa học thẩm định các công trình nghiên cứu, hẳn biết rằng có nhà khoa học chỉ công bố vài công trình mà đã nổi trội, trong khi có người rặn ra cả trăm ấn phẩm trên tập san mà chẳng mấy ai chú ý. Nhà khoa học biết cách đánh giá khi xét hồ sơ, chứ không áp dụng một cách máy móc tiêu chuẩn mà cơ quan quản lý hành chính xếp sẵn, khi tuyển lựa ứng viên. Họ cũng không lẫn lộn chức danh, chức vụ hành chính, hư hàm.

Tôi cũng thấy một số người trong nước đánh giá những nhà khoa học Việt kiều thành đạt như là những sản phẩm của Việt Nam, trong khi thực ra họ lại chủ yếu là sản phẩm của nơi họ định cư, mà ở đó họ cũng chỉ là một mắt xích của cả một hệ thống.

Về các đề án và đề tài khoa học, tôi thú thật không hiểu cách tổ chức đấu thầu và nghiệm thu các đề tài khoa học (hay là tại ngôn ngữ bất đồng?) trong nước. Đấu thầu một công trình xây dựng, đấu thầu một đề án chắc chắn thực hiện được, thì tôi hiểu tiêu chuẩn (chẳng hạn như chọn chủ thầu nào có kinh nghiệm xây dựng, giá rẻ, trình bày thời gian thực hiện, nguyên vật liệu thích hợp, vv.), rồi khi chấm dứt thời gian thực hiện, có thể nghiệm thu theo nghĩa đánh giá công trình này đã được thực hiện tới đích. Đấu thầu một đề tài nghiên cứu, khi mà những nhà nghiên cứu không thể biết trước được kết quả của nó – ai mà biết trước được kết quả của một nghiên cứu ? – thì dựa trên những tiêu chuẩn gì để trao trọn gói kinh phí ? Tôi chỉ thường thấy, khi khuyến khích phát triển một hướng nghiên cứu nào đó, thì các nhóm nghiên cứu trình bày đề án tiến hành của mình và qua đó, tùy theo tính chất cam kết nghiêm chỉnh của đề án (ước mong đạt tới kết quả chờ đợi), mà được hưởng sự tài trợ, và sẽ phải báo cáo và bị kiểm tra tính nghiêm túc trong việc tiến hành. Cách quản lý nghiên cứu khoa học kiểu đấu thầu như vậy, xem ra là bất bình thường.
Tóm lại, qua những nhận xét kiểu kể trên, tôi chưa có cái nhìn lạc quan về thực trạng khoa học của Việt Nam.



2. Hỏi : Trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có phát biểu: đến 2020 Việt Nam sẽ xây dựng được một trường đại học lọt vào top 200 trường đại học thế giới Theo ý kiến cá nhân của giáo sư, để đạt được mục tiêu trên chúng ta phải làm gì?

Bùi Trọng Liễu trả lời:

Trước hết, tôi xin được nói vài lời về sự xếp hạng cao thấp, mà một số người Việt Nam rất ưa chuộng, có lẽ do một thứ truyền thống « chiếu trên chiếu dưới » gì đó từ cổ xưa. Gần đây, một số báo chí hay phát biểu của một số người Việt Nam thường nhắc đến bảng xếp thứ tự các trường « đại học », thí dụ như bảng xếp của Jiao Tong University (nếu tôi không lầm chữ Hán, thì nghĩa là Đại học giao thông) ở Thượng Hải.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học nước ngoài cho rằng không thể coi đó như là một thứ « khuôn vàng thước ngọc ». Xin nêu vài nhận xét sau đây của họ, mà phần nào tôi chia sẻ. Tôi nêu 3 thí dụ:

1/ «Người» đánh giá xếp hạng (Đại học giao thông Thượng Hải), xếp chung các « trường » mà hình như họ cũng không phân biệt được định nghĩa. Thí dụ như với Pháp họ xếp lẫn các Universités (bao gồm nhiều ngành, nhiều khoa) với các « Grandes Ecoles » (thường chỉ có một ngành, và tầm cỡ khối lượng có khi chỉ tương đương với một khoa). Nói chi tiết một chút cho rõ. Bằng tú tài Pháp (baccalauréat) ra đời năm 1808, có đặc điểm sau đây : theo luật, nó vừa là bằng kết thúc Trung học (định nghĩa thứ nhất), đồng thời là « bằng cấp đầu tiên của đại học », (« premier grade universitaire», định nghĩa thứ nhì). Vì cái định nghĩa thứ nhì là như thế nên từ thuở nó được khai sinh đến nay đã 200 năm, người có bằng tú tài Pháp được đương nhiên ghi tên vào học Université (« đại học » Pháp, tôi dùng tiếng Pháp cho khỏi lẫn lộn dưới đây) mà không phải thi tuyển gì hết : bằng tú tài Pháp là kết quả của một sự « gộp thi », một thứ bằng « hai trong một », một tai họa mà từ mấy chục năm nay, các chính quyền tả hay hữu cố sửa mà không sửa được. Và vì thế mà « kẹt » : các Universités không được phép tuyển sinh, nghĩa là không lọc được « đầu vào » ; bất cứ ai có bằng tú tài cũng được phép ghi tên vào học dù không học được. Với một số lượng sinh viên rất lớn, với trình độ linh tinh, không ngân sách nào có thể chịu đựng nổi ; số sinh viên phải rời trường sau 3 năm, không được phép học tiếp, không có một mảnh bằng nào trong tay, là một con số khổng lồ. Do đó sự lãng phí thật khủng khiếp về thời gian, về nhân lực, về ngân quĩ, khuynh gia bại sản các Universités. Trong khi đó, cũng do lý do lịch sử để lại, có sự hiện diện song song của một số cơ sở giáo dục mà Pháp gọi là những « Grandes Ecoles » – (« Trường lớn », tôi dùng tiếng Pháp cho khỏi lẫn lộn dưới đây, tóm tắt là những trường kỹ sư, những trường thương mại quản lý, chủ yếu là những trường cao cấp dạy nghề) – đã được mở bên ngoài các Universités. May cho các cơ sở này, và may cho nền giáo dục của Pháp : nhờ được mở bên ngoài các Universités mà các cơ sở này không bị « kẹt » vào cái định nghĩa thứ hai của cái bằng tú tài kể trên. Do đó, các « Grandes Ecoles » tuyển sinh theo kiểu thi tuyển ở mức tú tài +2. « Đầu vào » nghiêm chỉnh, nên không lãng phí, và có phương tiện học hành đầy đủ hơn. Nhưng đây chỉ là một thiểu số . Các Universités thực sự chỉ « bảnh bao » ở cấp đào tạo tiến sĩ vì trừ một số trường hợp đặc biệt, đa số « Grandes Ecoles » không đảm nhiệm cấp này. Nói rất tóm tắt, có ý nghĩa gì khi đem so sánh (cùng có trên bảng danh sách xếp hạng), Université Paris XI (27000 sinh viên « đầu vào » không thi tuyển trong nhiều ngành như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Luật, Kinh tế, vv. trong đó có 7000 sinh viên Y-Dược, 4500 sinh viên cấp thạc sĩ, 2600 sinh viên cấp tiến sĩ) với Ecole Nationale Supérieure des Mines (Trường kỹ sư Hầm Mỏ, nghĩa là một ngành, với non 1300 sinh viên, mà « đầu vào » đã thi tuyển ở mức tú tài+2, con số sinh viên vừa kể gồm cả 200 sinh viên cấp thạc sĩ, 470 sinh viên cấp tiến sĩ) ?

2/ Nghe nói một trong những tiêu chuẩn để đánh giá xếp hạng cao thấp các trường là đếm số ấn phẩm. Nhưng « người » đánh giá xếp hạng lại không kể những ấn phẩm viết bằng tiếng Pháp !

3/ Một số lớn nghiên cứu khoa học ở Pháp được thực hiện ở trong các phòng thí nghiệm của Universités, nơi chứa nhiều ê-kíp nghiên cứu và nghiên cứu viên của nơi khác, kể cả của CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học) và của Grandes Ecoles. Nhưng vì lý do nghề nghiệp, khi đăng công trình, nhiều nghiên cứu viên lại không ghi là nghiên cứu đã thực hiện trong Universités ! Con số ấn phẩm do đó bị đếm sai.

Nhưng đừng ngạc nhiên khi chính một số người quản lý Universités Pháp cũng dẫn bảng xếp hạng kể trên, tuy biết rằng có sự sai lệch : đó là cách họ than vãn để đòi thêm ngân quĩ, cũng như để đòi quyền tự chủ để tiến hành cải cách. Do đó, theo tôi, ta không nên bị ám ảnh bởi sự xếp hạng.

Về việc thành lập một đại học có trình độ nghiêm chỉnh, đàng hoàng – tôi chủ ý tránh dùng những cụm từ như đẳng cấp cao, đẳng cấp quốc tế, vv. – tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị (kể cả qua các bài báo) việc thành lập mới một đại học « hoa tiêu » công lập, bước đầu cỡ nhỏ dần dần khuếch trương ra, theo khả năng, nhưng luôn luôn giữ được chất lượng để làm gương. Ý này tôi cũng đã được nhiều đồng nghiệp trong nước chia sẻ và kiến nghị nhiều lần từ một số năm nay (thí dụ như trước cả khi tôi tham gia Bản Kiến nghị chung của 23 nhà khoa học tham dự xê-mi-na « Chấn hưng giáo dục » trình bày với chính quyền vào tháng 5-2004). Nhà cầm quyền đã ưu tiên giải pháp gộp nhiều trường lại với nhau cho đồ sộ mà không có thanh lọc, và chủ trương nâng cấp những cơ sở sẵn có, với những kết quả mà cả nước đều biết. Nếu cần nói một cách cụ thể cho ngày hôm nay, thì tôi xin phát biểu như sau. Giải pháp nhanh nhất, rẻ rất, hợp lý nhất, tốt nhất, là việc thành lập một đại học từ các cơ sở sẵn có của Viện Khoa học và Công nghệ : tuyển nghiêm chỉnh giáo sư từ đội ngũ sẵn có của viện hoặc từ các đại học khác, sử dụng các phòng ốc của viện, sử dụng các phòng thí nghiệm sẵn có của viện, chỉ mở một số ngành « mạnh » theo nghĩa đủ nhân sự và phương tiện trang bị, tuyển sinh « đầu vào » chặt chẽ trong đám các học sinh giỏi, chuyển các nghiên cứu sinh nghiêm chỉnh sẵn có sang trường này, vv. Đại học này có thể đặt dưới sự đồng chủ quản của Bộ Đại học và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường. Bước đầu như vậy, rồi dần dần sẽ khuếch trương. Như vậy, chẳng cần phải đợi đến 2020 để mơ lọt vào cái bảng xếp top 200 trường đại học nào đó, bởi vì đại học « hoa tiêu » này ngay từ bước đầu có thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng, trừ tiêu chuẩn khối lượng. Về tiêu chuẩn khối lượng này, tôi muốn nhắc lại câu của Trần Hưng Đạo trả lời khi các quan nhà Trần xin tuyển thêm binh để chống giặc Nguyên thời thế kỉ 13 : « Binh cốt giỏi, chứ không cốt nhiều, nếu nhiều mà không giỏi thì như Bồ Kiên có trăm vạn quân cũng không ích gì ! ». Bồ Kiên đây là vua Tiền Tần thời cổ bên Tàu, có đến 100 vạn quân mà bị thua nhà Tấn.

Ngày nay, nước ta cần chấn hưng giáo dục, nghĩa là cần đánh giặc dốt, nếu cứ nhắm tuyển tướng không giỏi, quân không giỏi, thì thắng sao được ? Tôi không nói vu vơ : đọc các bản tin, tôi thấy ở ta nhắc nhiều đến sự so sánh rằng nước này cứ 1 vạn dân thì có bao nhiêu sinh viên, rằng nước kia cứ 1 trăm sinh viên có bao nhiêu thầy, nhưng đồng thời không thấy nhấn mạnh đến việc nước họ không có chuyện « ngồi nhầm lớp », « đứng nhầm lớp » tràn lan. Dự báo, thì cứ dự báo, nhưng tôi nghĩ rằng phải khởi đầu sự chấn hưng bằng « tinh hoa » đã, « đại trà » là bước sau.

3. Hỏi : Vừa rồi Bộ KHCN có bàn về vấn đề nghiệm thu các đề tài khoa học và có nhiều ý kiến khác nhau. Ý kiến của GS Hoàng Tụy cho rằng, đã nghiên cứu khoa học cơ bản thì phải có công bố quốc tế. Nhưng cũng có nhiều ý kiến khác lại nói, trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt Nam chưa thể làm như thế được. Ý kiến nào giáo sư cho là đúng?

Bùi Trọng Liễu trả lời :

Trong phần trả lời câu hỏi 1, tôi đã phần nào đề cập đến vấn đề nghiệm thu đề tài khoa học, và đã nói lên ý của tôi về sự khác biệt của nó với nghiệm thu một công trình xây dựng. Sự khác biệt là ở chỗ, trong nghiên cứu, không thể khẳng định rằng hễ « tìm » là sẽ « thấy ». Nhưng các nhóm nghiên cứu phải báo cáo và bị kiểm tra tính nghiêm túc trong việc tiến hành, chứ không phải là nhận tài trợ rồi muốn làm gì thì làm. Có câu chuyện cổ tích : Người hầu già của một ông vua già xin vua trao vàng cho mình để cất công dạy cho một con khỉ lớn tập nói và cả quyết rằng sẽ dạy được khỉ biết nói. Vua hỏi bao lâu thì khỉ nói được, người hầu nói phải mươi năm. Vua trao vàng cho y , để đài thọ y dạy khỉ. Câu chuyện không kết luận, nhưng người nghe chuyện, tất nhiên hiểu khỉ sẽ không bao giờ biết nói, và người khờ không phải là người hầu, y hẳn ước đoán rằng mươi năm thì khỉ và người đều đã chết. Chuyện cũng không kể là có một cận thần nào đó xúi vua trao vàng, cho nên không có việc đồng lõa tham nhũng. Có lẽ chỉ ngụ ý rằng nhà vua lẽ ra phải biết mục tiêu có khả thi hay không.



4. Hỏi : Đối với những ngành mà hoạt động nghiên cứu cơ bản còn thấp như vật lý địa cầu, môi trường,…rất khó có thể có công bố quốc tế. Như vậy, có nên tiến hành nghiên cứu cơ bản không?

Bùi Trọng Liễu trả lời :

Tôi không hiểu rõ ý nghĩa câu hỏi về « nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế », cũng như câu về « những ngành hoạt động nghiên cứu còn thấp nên khó có thể có công bố quốc tế », nên tôi e rằng sẽ nói lạc đề. Tuy vậy tôi cũng cố gắng phát biểu như sau : phải chăng câu hỏi hàm ý việc kết quả nghiên cứu phải được đăng trên tập san quốc tế ? Nếu nghiên cứu có kết quả, thì tại sao không « thử » gửi đăng trên tập san quốc tế ? Đó cũng là một cách được thẩm định độc lập. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý là việc gửi bài đăng trên một tập san quốc tế cũng có cái phức tạp của nó : có những « thẩm định viên » tập san quốc tế thẩm định sai, hiểu nhầm, làm cho tác giả bài báo phải cãi, nêu ra sự sai, và yêu cầu thẩm định lại, hoặc gửi cho một tập san quốc tế khác. Do đó, thời gian đăng bài trong một tập san quốc tế có giá trị thường đòi hỏi có thời gian. (Ai khẳng định rằng thời gian đăng bài là ngắn, thì hoặc là họ có tay trong (!) hoặc là họ không có kinh nghiệm). Mặt khác cũng không nên ám ảnh bởi bảng xếp hạng cao thấp của các tập san quốc tế, nó cũng tương đối như bảng xếp hạng các trường đại học nói trong phần 1. Còn nếu như nghiên cứu, sau một thời gian qui định nào đó, mà không có nổi được kết quả để viết thành một vài bài báo để « thử » đưa đăng, thì cần xem lại tình hình ê-kíp nghiên cứu, có phải thay đổi hay không, ngân quĩ tài trợ có sử dụng đúng hay không, vv., thậm chí, đề tài và lĩnh vực nghiên cứu có thực đáng được tiếp tục hay không. Tất nhiên, ở đây, tôi không nói tới các đề tài tế nhị thuộc bí mật quốc gia, quốc phòng, có sự thẩm định nào đó mà kết quả không được công bố.



5. Hỏi : Giáo sư có thể cho biết cụ thể ranh giới giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trên thế giới hiện nay như thế nào?

6. Hỏi : Theo đánh giá chủ quan của giáo sư thì mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam ra sao? Nhà nước nên ưu tiên chú trọng đầu tư cho lĩnh vực trọng điểm nào cho tương lai?

Bùi Trọng Liễu trả lời :

Tôi xin trả lời gộp hai câu hỏi 5 và 6, vì tôi không chắc đã hiểu rõ ý câu hỏi. Thường thì, nếu không có hiểu biết sâu sắc về khoa học cơ bản, thì không thể có nghiên cứu ứng dụng. Cho nên phải chú trọng tạo điều kiện để bảo đảm được sự hiểu biết về khoa học cơ bản. Nói như vậy không có nghĩa là cứ bó buộc phải đầu tư nghiên cứu cơ bản, cũng không có nghĩa là đừng nghiên cứu cơ bản. Theo cách nhìn của tôi, nước ta còn nghèo, cho nên trừ những trường hợp rất đặc biệt, nhà nghiên cứu cũng nên là những nhà giáo giảng dạy (giáo sư đại học theo nghĩa ấy). Vì những GS giảng dạy và nghiên cứu này (người Pháp gọi là « enseignant-chercheur »), đã có nhiệm vụ giảng dạy đào tạo sinh viên và hướng dẫn nghiên cứu sinh rồi, việc họ được hưởng lương tương xứng cũng đã là chính đáng. Còn về lĩnh vực nghiên cứu của họ, nếu là lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết cơ bản (thí dụ như về toán học, hay vật lý lý thuyết, hay một lĩnh vực nào đó chưa có ứng dụng ngay), thì chẳng có lý do gì mà ngăn cản công việc của họ. Vấn đề chỉ đặt ra khi Nhà nước đầu tư, với ngân quĩ lớn, cho một lĩnh vực dù gọi là cơ bản hay ứng dụng, với những nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu mà không biết có tìm ra được cái gì không. Đây là thuộc trách nhiệm của chính quyền, với sự tham mưu của các hội đồng khoa học.

Còn câu hỏi về việc « Nhà nước nên ưu tiên chú trọng đầu tư cho lĩnh vực trọng điểm nào cho tương lai? » thì tôi ở xa, không nắm rõ thực trạng, không thể trả lời được. Chỉ có một điều mà tôi dám khẳng định, là : trong tình trạng hiện nay của đất nước, nhà nước không nên tham gia đầu tư vào các đề án loại « big science », loại đề án cần những ngân quĩ khổng lồ, đội ngũ khổng lồ, xây cất khổng lồ, như ITER, CERN, thám hiểm vũ trụ, vv. (Xin đừng hiểu lầm : tôi nói đầu tư nhà nước, chứ tôi không nói sự hiện diện cá nhân của một vài nhà khoa học).



7. Hỏi : Tầm nhìn phát triển khoa học công nghệ ở nước ta trong tương lai, chúng ta có nên đi theo mô hình của một số nước đi trước như Nhật, Hàn Quốc, Singapore,…hay chúng ta phải vạch ra con đường riêng?

Bùi Trọng Liễu trả lời :

Sự tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, nước đi trước cũng như nuớc đang cùng trình độ phát triển, là sự cần thiết. Nhưng mỗi nước có thực trạng của mình : tình hình kinh tế, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ dân trí, vv. Không thể rập khuôn mô hình của người ta rồi bưng nguyên si vào áp dụng cho nước mình. Cũng đã có những kinh nghiệm cay đắng rồi. Nhưng cũng đừng nên tưởng rằng mình khôn hơn thiên hạ. Tôi phát biểu như vậy là đủ, xin miễn nói thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét