nhà
Dạo Khúc
của Nguyễn Quang Tấn
tãn mạn về một ấn tượng
Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng xuất bản, tháng 6, 1999
Ở chỗ mà chúng ta buông tay rơi vỡ chiếc bình
Long lanh giọt nước tình duyên
Nơi này thành sông thành biển...
Nơi này anh đã yêu em.
- Nguyễn Quang Tấn -
MỞ
Thói quen của tôi khi vừa nhận được một cuốn sách mới là để nó vào tủ sách. Không đọc ngay. Với tôi, ấn tượng đầu tiên về một tác phẩm là ấn tượng sâu đậm và bền lâu nhất. Tôi vẫn thường chờ đến khi tập thơ trên tủ sách đó trở thành một mời gọi từ tốn, không náo nức, không vội vàng.
Tập thơ Dạo Khúc của Nguyễn Quang Tấn cũng thế. Nhận được, tôi để qua một bên. Một đêm khi chỉ còn mình tôi thức giấc, tôi mở Dạo Khúc ra. Và hòa mình vào từng giòng thơ trong đó. Đọc xong, đi ngủ. Không suy nghiệm. Không kết luận.
Đêm sau, tôi đọc Dạo Khúc lần thứ nhì. Đọc xong, tôi gấp sách lại, và lặng tim nghe cảm nhận mình. Tôi buông hồn lao theo những xúc động kéo tôi lên cao, những trầm niệm dìu tôi xuống thấp. Và sau đó là lắng đọng. Từ lắng đọng đó, tôi viết những giòng chữ này, như là một sẻ chia.
I.
Nguyễn Quang Tấn đang ở Việt Nam. Anh làm thơ, làm nhạc. Chỉ chia sẻ với bạn bè. Tập thơ thành hình do sự đóng góp của bạn bè và những người yêu thơ văn nghệ thuật. Thơ từ trái tim anh thoát ra, đi vào những trái tim khác, và được săn sóc cho nên hình nên vóc từ sự đón nhận đó.
Ở thời buổi vàng thau lẫn lộn này, nghệ thuật được phân phối và thưởng thức bằng lý trí và trực giác nhiều hơn là linh hồn và trái tim.
Đây là nét đẹp đầu tiên của Dạo Khúc. Không phải tại Nguyễn Quang Tấn mà có. Nét đẹp này, từ Nguyễn Quang Tấn trao tim cho thơ, trao thơ vào người. Và người, dù chỉ là một vài, đã cửa hồn rộng mở.
II.
Cuộc đời mỗi chúng đều trải qua nhiều thăng trầm khác nhau. Không thể nói ai thăng trầm hơn ai, ai kinh nghiệm hơn ai.
Thi sĩ, ở một góc nhìn nào đó, vả chăng chỉ là kẻ chọn ngôn ngữ để ghi lại, để phản ảnh những rung động của mình khi đi qua những thăng trầm đó. Của nổi sôi hiện tại. Của bất ngờ tương lai. Hay tịnh mặc quá khứ.
Cái khác của mỗi nhà thơ là phương cách họ chọn để ghi nhận những cảm xúc của mình. Đó là phần kỷ thuật. Nhà thơ đã sống thật trọn vẹn với xúc động của mình khi sáng tạo bài thơ hay không, là phần tâm huyết.
Có khi, ngay sau đọc xong một tập thơ, tất cả đã được xóa nhòa - kỷ thuật, tâm huyết. Và chính cả tác giả, cũng chân diện xóa nhòa. Bởi tất cả phải nhường lại ánh sáng cho vỡ òa mặc tưởng, cho ngây ngất trầm tư.
Dạo Khúc của Nguyễn Quang Tấn là một tập thơ như thế. Ít ra, với tôi. Trong đó, Nguyễn Quang Tấn đã sống trọn vẹn từng cảm nhận mình về tình yêu, về cuộc sống, về nhân sinh, về chiến tranh, về hy vọng. Và về chính trái tim anh, trong từng ngăn đời đó. Có khi là cao đỉnh. Có lúc rất vực sâu.
Và tôi đã là người đồng hành một cách thật vô hình chung. Thật tự nhiên. Thật miệt mài. Ngay cả sau khi tập thơ được khép lại.
III.
62 Dạo Khúc. Dài, ngắn khác nhau.
Có làm nên một nhà thơ?
Có làm nên một tác phẩm nghệ thuật?
Có được ồn ào đón nhận hôm nay?
Có được nhịp đều nhắc đến mai sau?
Điều nay, tôi nghĩ, với Nguyễn Quang Tấn, không thành vấn đề.
Bởi chắc chắn, không phải vì thế mà anh đến với thơ.
Không phải vì thế mà bạn bè anh, và những người yêu nghệ thuật, góp sức lại để in thành sách.
Bởi Nguyễn Quang Tấn là thơ, nên Dạo Khúc mới thành thơ.
Sự thành hình của nó,
từ khi Nguyễn Quang Tấn chép thơ bằng tay trên giấy trắng,
gửi đi cho bạn bè,
cho đến hình vóc bây giờ,
là một bài thơ khác.
Bài thơ rất đẹp.
Mà hương thơm, tôi vẫn còn đang say.
KẾT.
Tôi biết nếu có người đọc những giòng chữ này, sẽ cho rằng tôi thiếu thốn khi viết về một tập thơ mà không trích ra thật nhiều những đoạn thơ tiêu biểu của tác giả.
Tôi cho rằng điều này không cần thiết. Bởi nếu những ấn tượng tôi chia sẻ nơi đây về Dạo Khúc của Nguyễn Quang Tấn có trở thành một một động lực để bạn tìm đọc tập thơ này, thì tôi tin bạn sẽ không thất vọng.
Khi tim đã sẵn, thì thơ sẽ sẵn.
Tôi mở đầu bài viết này bằng một đoạn thơ của Nguyễn Quang Tấn. Tôi muốn kết bằng một đoạn thơ của anh. Tất cả những gì bạn đọc chính giữa, chỉ là những gì ở lại trong tim tôi, sau khi tập thơ đã được hai lần khép lại.
Vẫn biết rằng sầu kia chẳng thể nói cùng ai
Giữa ngựa xe phố xá đông người
Nhưng từng đêm trong vườn khuya vắng lặng
Nỗi buồn này ta kể với hàng cây
Nguyễn Quang Tấn
(trích Dạo Khúc 62)
npn
thơ Nguyễn Quang Tấn
trích tập thơ Dạo Khúc
lâu rồi - từ khi một xác chim khô
vẫn còn là chiếc trứng xinh xinh nằm trong tổ nhỏ
mùa đông giăng mưa đầu ngõ
và tình yêu là trò chơi mê hồn của những trẻ thơ...
ta đốt cành hương ngày cũ
gọi hồn một xác chim khô
trong chiếc trứng xinh xinh một khung trời tưởng nhớ
đêm nay đông về đầu ngõ
và tình yêu là giây phút đau lòng những kẻ nằm mơ...
.........
vinh dự của lưỡi gươm có phải chăng là thấm máu người
hoang vu dấu hỏi
đất đá trả lời
chuyến xe thổ mộ
đường về xương trắng phơi phơi...
..........
khi sương chưa tan
cô gái môi đỏ đã hái những trái chín vàng
đặt nhẹ nhàng lên thảm cỏ xanh
nhưng chỉ mình em hái được
một nỗi buồn chín giữa hồn anh
..........
tấm áo bao ngày qua rách rưới
ai xé lụa đào cho khắp nơi
anh đứng mình trần cơn gió thổi
em trải gấm vàng trong nắng phơi...
..........
khắp nơi gió đưa về hương vị máu tanh
nhưng không ai biết nơi đâu hãi hùng trận đánh
trong đám người dị hình bôi mặt
anh tìm em và em vẫn tìm anh
nếu không tìm thấy nhau giữa phố xương khô đi lại từng bầy
nụ cười ơi xin em đẹp mãi
ở phương nào - phương ấy chân mây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét