Chung quanh việc Học.
Phần 3
Về cách học của người xưa
Trước khi bàn về việc học ngày nay, có lẽ nên thử điểm qua cách học của người xưa ở ta. Đó cũng là một cách « ôn cố tri tân » (mà tôi hiểu là: xem lại cái cũ để mà hiểu biết cái mới).
Kể từ triều Lý, cho đến hết triều Nguyễn, việc học chính thức của tổ tiên ta chỉ nhắm mục tiêu chính là đào tạo ra một đội ngũ người có khả năng đảm nhận các nhiệm vụ hành chính mà chính quyền trao cho. Những con người được rèn luyện kiểu ấy là cái kho dự trữ quan lại của triều đình.
Về cách thi, thì không quan niệm bằng cấp là để đánh giá việc đã đạt được đủ khối lượng hiểu biết chưa (tiếng Pháp gọi là examen), mà quan niệm việc thi chủ yếu là để đánh giá cao thấp trong mục đích tuyển lựa (tiếng Pháp gọi là concours). Ngoài việc sử dụng chữ Nho (mượn của Trung quốc nhưng cách phát âm thì người Tàu cũng không hiểu, dân ta cũng không hiểu, chỉ dành riêng cho Nho sĩ của ta), các môn thi, nói chung, gồm các bài kinh nghĩa (giải thích ý nghĩa của một vài đoạn trích từ Tứ thư hay Ngũ kinh của Trung quốc), văn sách (trả lời những câu hỏi trong đầu bài về chính trị, thời cuộc, để trình bày mưu kế, sách lược), chiếu (văn bản của nhà vua công bố về một vấn đề nào đó của nhà nước), biểu (bài văn tâu lên vua về một sự việc gì đó), chế (lời phong thưởng của vua), thi (thơ), phú (bài văn vần, đôi khi xen lẫn văn xuôi, dùng biền văn). Cách học cách thi như vậy không đáp ứng được nhu cầu phát triển mọi mặt của xã hội.
Vì thế, phải chăng cái giỏi của các người thi đỗ thuở xưa cũng chỉ là tương đối trong giới hạn và khuôn khổ của quan niệm về việc học việc thi của thời đó? Nhưng sự tôn vinh các ông trạng ông nghè đã đè quá nặng quá lâu trong tâm trí của nhiều người, làm cho đến ngày nay cái mã của học vị tiếp tục được ham muốn, trong khi thực chất của sự hiểu biết không được chú trọng đúng mức. Ngoài ra, bên cạnh các ông nghè « thật » , thuở xưa cũng có những ông nghè « rởm ». Người xưa không phải chỉ để lại những gương tốt.
Nói vậy, không phải tôi cấc lấc với tổ tiên (tôi cũng có một cụ tổ bên ngoại, bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, tên thứ hai trên bia tiến sĩ thứ nhất trong Văn miếu), nhưng thiết tưởng nên theo những cái hay mà tránh những cái dở.
Dưới đây là một số bài tôi đã viết đăng trong sách hay trên mặt báo.
************
Tài liệu 3.1
Nhân đọc 2 lời bình về việc học của người xưa
(Bài Bùi Trọng Liễu của đăng trong
tạp chí Thời Đại số 4/1999)
I.- Lúc này, thường được nghe câu khẳng định « người Việt Nam có truyền thống hiếu học » như một niềm tự hào. Thậm chí, một số người Việt Nam hoặc gốc Việt ở nước ngoài, cũng mang khẳng định này nhập vào cái mà họ gọi là bản sắc dân tộc. « Hiếu học » là điều quí, nên tôi muốn nhân đây, tìm hiểu xem « bản sắc » này có đặc điểm gì khác với người khác để cho ta thật đáng tự hào chăng? Có ý cho rằng người Trung Quốc nói chung hay ưa nhắc đến sự thành công trong suốt chiều dài của lịch sử lâu đời của họ, còn người Nhật nói chung thì hay ưa hỏi người ngoài về những cái chưa đạt của mình để học hỏi thêm. Nhưng có lẽ sự thật chưa hẳn như vậy, và tôi chẳng có lý do gì vơ đũa cả nắm để rơi vào một thứ kỳ thị. « Hiếu học », nhưng học cái gì, học để làm gì, và học làm sao? Đề tài « học » này quá rộng, tôi xin tạm khu lại trong một vài điểm, trong đó có điểm: rút hay không rút kinh nghiệm việc tổ chức việc học của nước khác, để tổ chức việc học cho mình tốt đẹp nhất. Trên điểm này, tôi xin nhắc đến hai lời bình về việc học của người xưa : đó là lời của các ông Nguyễn Trường Tộ (1) và Dương Bá Trạc (2).
II.- Trong Tiếng gọi đàn (Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội 1925) ông Dương Bá Trạc viết:
Người ta ai là khỏi có cái phải bắt chước người, nhưng bắt chước người mà cũng cần phải có cái trí khôn quyết trạch của mình, bắt chước cái hay mà biết bỏ cái dở [...].Vả mô-phỏng của người mà lại cần phải có tự ý mình suy nghĩ ra: như người Pháp học văn-chương La-mã mà lập ra được hẳn một nền văn-học riêng; người Nhật học chữ Hán mà chế ra được thứ chữ bình-gỉa, phiến-gỉa, làm một lối chữ hòa-văn riêng của mình [...]. Bắt chước người mà [bắt chước] khôn thì là sự tiện lợi thứ nhất, không gì chóng hay chóng khá bằng...[...]. Người mình có cái thiên-tính hay bắt chước: cái gì cũng nhất-vị chỉ bắt chước người, nên bắt chước dại thì nhiều mà bắt chước khôn thì ít lắm. Bắt chước người Tàu học chữ Hán mà trong khoảng mấy ngàn năm chỉ học nhờ viết mướn, không hề nghĩ ra được một thứ chữ quốc-văn nào - trừ ra có một thứ chữ nôm cũng viết bằng chữ Hán mà ai muốn viết thế nào thì viết, chưa thành lối chữ nhất định - [...].
Người Tàu thờ ông thánh Quan, bà Thiên-hậu, kỷ niệm ông Khuất Bình, ông Giới Tử-Thôi, người mình cũng bắt chước thờ ông thánh Quan, bà Thiên-hậu, kỷ niệm ông Khuất Bình, ông Giới Tử-Thôi (3). Trong cái lúc thâu-thái được chút đỉnh luân-lý, học-vấn, văn-chưng, kỹ-nghệ [...] thì bao nhiêu cái dại cái dở [...] , mình cũng nhắm mắt theo cho kỳ hết. Nhân thế mà bao nhiêu cái tinh-thần tự-lập, cái năng-lực sáng-tạo mất dần đi cả.
Gần sáu chục năm trước đó, ý của ông Nguyễn Trường Tộ cũng trong Tế cấp bát điều (Tám điều cứu vớt, viết năm 1867, bản dịch của Trần Lê Hữu trong Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỉ XIX - Đăng Huy Vận, Chương Thâu - nxb Giáo dục 1961) cũng không khác mấy:
[...] Sự học của ta hiện nay, những cái thày dạy, những cái học trò học đều là những việc đời xưa cả. Mặc dầu trong sách có chép vài việc thực tế nhưng mấy việc thực tế ấy không nói chi tiết rõ ràng và nó cũng chôn nốt theo với người xưa rồi, đâu có thể quật mả lên mà hỏi. [...] Nước ta trên cũng có trời che, dưới cũng có đất chở [...]. Nước ta cũng có tổ tiên mà sự tích còn lưu truyền lại [...]. Các vị danh thần trong các triều đại trước của nước ta còn lưu lại biết bao công lao thành tích [...], cũng có việc đáng nêu lên, sao không truyền tụng những gương tốt đó cho người ta phấn khởi bắt chước vùng lên [...] mà cứ không kể đêm ngày luôn miệng kêu réo Hàn Tín, Tiêu Hà (4) của Trung quốc, là những người đã chết từ mấy ngàn năm nay? Phải chăng hôm nay chúng ta còn mang ơn họ? Phải chăng người đời nay không bằng người đời xưa? Hay là mưốn kêu gào họ sống lại? Học như vậy mà học đến bạc đầu, thật là một chuyện quái lạ!... Hiện nay trong nhân dân ta ít có ai để ý, thế mà từ già đến trẻ, từ trường công đến trường tư, ai nấy cứ tranh hơn thua nhau từng câu từng chữ, thật là một chuyện lạ đời! [...] Vì học thuật chưa thuần, cho nên gặp việc gì cũng đặt cái tư lợi của mình lên trên hết thảy, mà ít khi thực tâm làm việc để góp phần vào lợi ích chung. Sở dĩ làm hại cho mình, làm hại cho người là ở chỗ đó. Nói chung, sở dĩ học thuật không được sáng tỏ, một nửa là vì sách vở, một nửa là vì triều đình, nhưng tôi cũng chưa muốn đi sâu vào điều đó, vì sợ có quan ngại...
Sống vào những thời điểm mà việc học của nước nhà cần một sự cải cách, hai ông có lý khi phê bình cách học của ta, và nếu bình tĩnh mà xét, không thể chê rằng hai ông ghẻ lạnh với nền học vấn của nước nhà. Vả lại hai ông chủ trương không nên bắt chước mù quáng, nhưng các ông không hề chủ trương đừng rút kinh nghiệm nơi khác. Tôi nghĩ những sáng kiến vô lý cũng mang lại những tai hại không kém việc bắt chước mù quáng.
III.- Trong Tế cấp bát điều (đã dẫn) ông Nguyễn Trường Tộ còn viết:
... Học là gì? Học tức là học cái chưa biết để mà biết, biết để mà làm. Mà làm việc gì, và làm ở đâu? Làm tức là làm những công việc thực tế trong nước hiện nay và để lại việc làm hữu dụng đó cho đời sau nữa [...].
Ông viết vậy có lẽ vì ông thấy cái mục tiêu của việc học nguời thời đó có điều không ổn. Mà cái không ổn lớn nhất chính là cái khía cạnh « ngôi thứ » trong mục tiêu của việc học. Và phải chăng vì vấn đề ngôi thứ có một trọng lượng lớn, cho nên hình thức học thì rất nặng để ganh đua với nhau, còn nội dung thì bị coi nhẹ, nên bị lạc hướng? Tôi nhớ tới « Ấu học ngũ ngôn thi » (thơ năm chữ dạy trẻ):
Vạn ban giai thử hạ,
Duy hữu độc thư cao.
(nghĩa là: mọi nghề đều ở dưới; chỉ có nghề đọc sách là cao). Như vậy chuyện khuyến học có nghiã là khuyến khích học để có địa vị trong xã hội, kiểu « một người làm quan, cả họ được nhờ », chứ không phải học để biết.
Quan niệm việc học trong sách Tam tự kinh, xem ra có phần nghiêm chỉnh hơn:
Ngọc bất trác, bất thành khí.
Nhân bất học, bất tri lý.
(nghĩa là: Ngọc không mài dũa thì không thành đồ quí; người không học thì không biết lẽ phải). Nhưng chế biến theo kiểu cuốn Giáo khoa thư (lớp đồng ấu):
Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,
Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi,
Con người ta có khác gì,
Học hành dốt nát ngu si hư đời,
Những anh mít đặc thôi thời
Còn ai mua chuộc đón mời làm chi !
thì mục tiêu của việc học vẫn là sự mong được trọng vọng trong xã hội (« mua chuộc, đón mời »). Dường như vấn đề ngôi thứ còn đè nặng trong suy nghĩ của một số người Việt Nam hay gốc Việt Nam cho đến tận nay: thích thi đua cao thấp, lập luận cơ sở về bằng cấp dựa trên cao thấp (5), ngay cả vấn đề quan niệm đội ngũ nhà giáo giảng dạy cũng chưa thoát khỏi lập luận ngôi thứ này (6).
IV.- Để diễn tả thêm một ý, tôi xin trích vài câu tôi viết trong bài « Vài câu hỏi về chức danh giáo sư đại học » đăng trong tạp chí Tia Sáng số tháng 2/1999:
[...] Diện tích nước Việt Nam bằng 0,6 lần diện tích nước Pháp; dân số Việt Nam khoảng 1,3 lần dân số Pháp; cả hai nước đều có chính quyền tập trung (không phải là nước liên bang), như vậy là không khác lắm về các mặt vừa kể. Nhưng hiện nay, số luận án tiến sĩ bảo vệ ở Pháp hàng năm là khoảng trên 1 vạn [chưa kể số tiến sĩ tích lũy có từ trước]; còn ở Việt Nam, thì chưa có mức đó. Nhưng vấn đề « ngôi thứ » ở Việt Nam còn đè quá nặng nên việc lựa chọn mặt nào lên tới mức khắt khe quá đáng hơn cả nước ngoài. Làm cho một số nhà khoa học trẻ Việt Nam, ở trong nước thì chưa được phong chức danh giáo sư, ra nước ngoài thì được người ta tuyển dụng làm giáo sư đại học. Với tình trạng như vậy, chưa thể nói rằng ở ta có tinh thần chiêu hiền đãi sĩ, cũng chưa thể nói rằng vấn đề đào tạo và sử dụng người ở Việt Nam là có hiệu suất.
[...] Tôi cũng xin kể một câu chuyện. Khoảng 25 năm trước đây, một nhân vật cao cấp trong nước hỏi tôi nghĩ gì về khả năng có thể có một người Việt Nam sẽ được giải thưởng Nobel khoa học, và nếu có, thì sự việc đó ảnh hưởng như thế nào đến sự tiến triển của khoa học ở Việt Nam. Tôi trả lời rằng: « Nước người ta phát triển khoa học và công nghệ, có đội ngũ khoa học và kỹ thuật đông đảo, có trình độ văn hóa tương xứng; lúc đó sẽ nảy ra những nhà khoa học có khả năng được giải thưởng này. Còn giả thử như đem một nhà khoa học đã có giải thưởng này rồi, đặt vào một nước chưa phát triển, trong một môi trường không phù hợp, thì rốt cục người đó cũng chẳng làm được gì cho ai, mà lại trở thành vô hiệu cho chính bản thân mình ». Ngày nay, ý tôi muốn phát biểu là: không phải cứ ngồi đánh giá cao thấp, mà có thể nâng được trình độ khoa học của nước nhà lên. Phải chăng nếu việc tổ chức giáo dục đào tạo (trong đó có việc sử dụng nhà giáo đại học) được tiến hành sao cho hợp lý - và thoáng - thì nền khoa học của nước nhà sẽ tự nó được nâng cao?
V.- Hiện nay, mục tiêu chính thức của việc học, ghi trong Luật giáo dục (vừa được Quốc hội khóa X thông qua ngày 2/12/1998) là: « đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ». Đó là mục tiêu chính thức trên văn bản ...
Nhưng ở thời này, đa số còn ưu tiên nghĩ đến kinh tế, thương mại, mấy ai thực sự nghĩ đến cốt lõi của việc học (7)?
________
Chú thích:
(1) Hầu hết người Việt Nam ai cũng biết ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871); nhưng tôi cũng xin nhắc tóm tắt tiểu sử của ông để khỏi quên. (Theo Từ điển Văn hóa Việt Nam, nxb Văn hóa-Thông tin 1993): Ông là người công giáo, có dịp qua Pháp một thời gian, tiếp thu được nhiều hiểu biết mới, lại có dịp ghé qua nhiều nơi như Singapour, HongKong, La Mã. Từ 1863 đến 1871, ông liên tiếp gửi 14 điều trần lên vua Tự Đức và triều đình, nhằm đổi mới nước nhà về mọi mặt: ngoại giao, thương mại, tôn giáo, võ bị, nông chính, khai mỏ, giáo dục, đào tạo nhân tài,... Nhưng triều đình đã bỏ qua hoặc không thực hiện được.
(2) Dương Bá Trạc (1884-1944) (tiểu sử, theo cuốn Từ điển Văn hóa Việt Nam, đã dẫn trên): Ông đỗ cử nhân Hán học năm 1900 , là một trong những nhân vật chính của Đông Kinh nghiã thục. Bị chính quyền bảo hộ Pháp bắt giam và đầy đi Côn Đảo, đến 1911 mới được về... Ông viết sách và báo đăng trong các tạp chí Nam Phong, Trung Bắc tân văn. Những tác phẩm đáng chú ý của ông là những thơ văn phục vụ phong trào duy tân hồi đầu thế kỉ. Ông mất ở Singapour năm 1944.
(3) Về bốn nhân vật nói trong bài:
a/ Bà Thiên hậu đây là bà Dương Thái hậu nhà Tống bên Tàu (thế kỉ 13), khi Mông Cổ đánh nhà Tống, bà nhảy xuống bể tự tử. Nếu chỉ là chuyện người đàn bà chung thủy với cơ nghiệp nhà chồng, thì nước ta cũng có, nhưng có đáng để tôn thờ không thì lại một vấn đề khác. Thí dụ như chuyện bà hoàng phi Nguyễn Thị Kim nước ta: bà vốn là vợ vua Lê Chiêu Thống. Khi vua Quang Trung đánh bại quân nhà Thanh (1789), Chiêu Thống chạy sang Tàu; bà hoàng phi lạc không kịp theo, phải ẩn náu ở Kinh Bắc. Trong đám người cùng chạy theo Chiêu Thống, có con trai cả là con bà hoàng phi, và mẹ Chiêu Thống là Lê Thái hậu. Khi vua Càn Long nhà Thanh công nhận nhà Tây Sơn, thì buộc gia đình Chiêu Thống phải lên ở Yên kinh quản thúc ở đó. Ba năm sau, thì người con trai lên đậu rồi chết. Năm sau nữa thì đến lượt Chiêu Thống lo buồn mà chết, rồi năm năm sau nữa Lê Thái hậu cũng chết. Đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước, các cựu thần nhà Lê dâng biểu xin được đem thi hài Chiêu Thống (và mẹ và con) về nước, để táng ở quê nhà. Mùa thu năm 1804, di hài về bên biên giới, bà hoàng phi ở Kinh Bắc lên đón linh cữu về Thăng Long. Tương truyền rằng khi mở quan tài Chiêu Thống, thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ còn trái tim vẫn còn đỏ tươi. Bà hoàng phi khóc lóc, nhịn ăn, rồi uống thuốc độc tự tử. (Theo Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái).
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) có một bài thơ (thể ca trù) vịnh bà ta, như sau:
Triều Lê quí có nàng tiết liệt,
Hai mươi thu khăng khít thù Tây,
Đem tàn dung nương chốn am mây,
Đạo thần tử tình trong phu phụ.
Vạn cổ di luân chiêu vũ trụ,
Nhất xoang trung nghĩa đáp quân vương.
Nặng hai vai một gánh cương thường,
Chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí,
Đã nên đấng trung thần bất nhị,
Lại nên tài liệt nữ bất canh.
Rõ ràng hai chữ trung trinh!
(trong Văn Đàn Bảo Giám , quyển 2 (1932) của Trần Trung Viên. Xin cảm ơn vài bạn quen biết đã cất công tìm giúp lại xuất xứ bài này) . « Thù Tây » đây nghĩa là thù Tây Sơn. « Lê quí » là chỉ cuối triều Lê (thí dụ như tên cuốn Lê quí kỷ sự của Nguyễn Thu (1799-1855) ). Ở đây, tạm bỏ ra ngoài vấn đề nhân cách và hành động của Chiêu Thống (kể cả việc dâng bảy cây ngọc như ý cho vua Càn Long để cầu viện, bảy cây ngọc mà Vương Hồng Sển kể trong cuốn « Hơn nửa đời hư », nxb Tổng hợp TPHCM 1992, đã được thấy ở bảo tàng Đài Loan). Nếu chỉ xét tình cảnh của bà hoàng phi này, thì thấy rất đáng thương.
b/ Khuất Bình, tức là Khuất Nguyên, thời Chiến quốc (khoảng 400 năm trước Công nguyên) được vua nước Sở tin dùng, sau bị dèm pha, vua Sở đày đi xa, ông nhảy xuống sông tự tử chết; ngày ông chết là ngày « tết » mồng 5 tháng 5, một ngày lễ kỷ niệm của người Tàu. Nếu bị vua nghi oan, thì thiếu gì chuyện đáng kể trong sử Việt Nam. Vả lại Khuất Nguyên còn được người ta biết đến là oan. Chứ chuyện Lê Văn Thịnh ở nước ta, thì tới ngày nay, cũng chẳng được mấy ai tìm hiểu xem là có oan không. Câu chuyện Lê Văn Thịnh như sau: Ông này vốn là người Nho học xuất thân đầu tiên ở nước ta, vì là đỗ đầu khoa thi Nho đầu tiên (1075), dạy vua Lý Nhân Tông học, làm Tể tướng trong 12 năm. Năm 1096 bị cách chức và bị đày đi nơi nước độc. Lý do là vì bị ghép vào tội mưu phản định giết vua. Đồn rằng ông ta có học được phép thả hơi mù và biến thân thành hổ. Một bữa, vua Lý Nhân Tông dạo chơi Hồ Tây (lúc đó còn gọi là hồ Dâm Đàm) xem đánh cá. Lúc thuyền ra đến giữa hồ thì sương mù chợt nổi lên đen tối. Chợt thấy một thuyền vùn vụt vượt mù lướt tới thuyền vua, trong thuyền ấy có một con hổ nhe răng như muốn cắn. Vua sợ. Trong thuyền vua, có người chài là Mục Thận sẵn lưới ở tay, ném vào thuyền kia, chụp vào con hổ, thì lại hóa ra Lê Văn Thịnh. Vua sai lấy dây sắt trói vào cũi giam. Nhưng nghĩ rằng ông ta từng có công to, vua không nỡ giết, chỉ đày lên nơi nước độc. Sử gia Hoàng Xuân Hãn, trong cuốn Lý Thường Kiệt, nxb Sông Nhị 1950, cho rằng có thể là do mê tín dị đoan, sương mù chợt nổi là sự thường xảy vào mùa thu; có thể là Văn Thịnh thấy sương mù, vội vã sai chèo thuyền ra đón vua về, còn vua thì tâm thần hoảng hốt, lòng lại nghi ngại, thuyền tròng trành, nhìn Văn Thịnh ngồi khom mình giống như dáng như con hổ, nên mới sinh chuyện chăng. Bác Hãn lại cho rằng tuy vua dị đoan, nhưng vì đạo Phật đã gieo mối từ tâm, nên Văn Thịnh không bị giết, cũng là may.
Lời bổ sung : Trong tạp chí Xưa và Nay số 80, tháng 10/2000, trong bài « Bậc khai khoa Lê Văn Thịnh và tượng rồng đá cắn vào thân mình », tác giả Đặng Minh Phương kể là năm 1993 người ta có đào được trước cổng nhà cũ của Lê Văn Thịnh ở quê ông, làng Đông Cứu, huyên Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh một tượng con rồng đá, niên đại không xác định, rồng cuộn mình lại, đầu cúi xuống, hai hàm răng cắn vào chính thân mình, một bên tai không có lỗ tai. Tác giả cho rằng rồng (5 móng) là biểu tượng của vua, một tai không lỗ biểu hiện sự chỉ nghe một tai, thiên lệch nghe sàm tấu, trù dập nhân tài là tự cắn vào mình, và kết luận rằng « tượng không ghi năm tạc, nhưng dù được làm ở thời nào, nó cũng phản ánh một cách đánh giá dân gian với sự việc [Lê Văn Thịnh bị tội] trên ».
[Nhân nói đến dị đoan, thời đó cũng có nhiều chuyện thấy khó hiểu. Tôi có lần hỏi ý bác Hãn về « chuyện Nguyễn Bông » và gốc sinh của vua Lý Nhân Tông này: (1063) vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con. Vua sai Nguyễn Bông đi cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Sư chùa này là Đại Điên bảo Bông về nấp trong buồng tắm của Ỷ Lan phu nhân. Một hôm Ỷ Lan tắm, thì bắt được Bông còn ẩn trong buống tắm, vua sai đem chém. Khi đưa đi chém, qua chùa Thánh Chúa, Bông xin vào chùa để trách sư, thì sư cười trả lời: « Nếu không hủy thân này, thì sao đầu thai được ». Bông bèn hiểu mưu sâu (?) của sư, và chịu chết. Sau Ỷ Lan có mang, sinh ra Lý Nhân Tông. Về chuyện này, tôi muốn lựa lời sao cho thanh để hỏi bác Hãn. Tôi hỏi: « Vua Lý Thánh Tông có vẻ như không thể có con, chuyện Nguyễn Bông này dường như một thứ « thụ tinh nhân tạo » (insémination artificielle) trước thời đại, bác nghĩ sao? ». Nhưng bác Hãn ngay thật, không hiểu ý tôi, bác trả lời: « Thời đó đâu đã có khoa học như ngày nay ! », nên câu chuyện ngưng ở đó. Rồi chuyện Từ Đạo Hạnh đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, để phu nhân sinh ra vua Lý Thần Tông cũng tương tự như vậy].
c/ Giới Tử Thôi là bề tôi theo hầu công tử Trùng Nhĩ nhà Tấn (thời Xuân Thu, khoảng 700 năm trước Công nguyên) chạy loạn; lúc đói hết lương thực, ông tự cắt thịt đùi mình nấu cho Trùng Nhĩ ăn; sau khi dẹp loạn xong, Trùng Nhĩ lên ngôi vua (tức là Tấn Văn Công) phong thưởng cho công thần, nhưng quên mất Giới Tử Thôi. Ông ta bèn bỏ vào ẩn trong rừng núi; khi vua nhớ ra, cho đòi, ông không chịu đến; vua sai đốt rừng để buộc ông phải ra, nhưng ông nhất định không ra, cứ ở trong đám cháy chịu chết. Ngày đó là ngày mồng 3 tháng 3, người Tàu coi đó là một ngày kỷ niệm, kiêng không đốt lửa làm bếp, chỉ ăn đồ lạnh, gọi là « tết hàn thực » (ngày lễ ăn đồ lạnh); ở ta cũng bắt chước, ăn bánh trôi bánh chay. « Bánh chay » ngày nay ở ngoài Bắc là « bánh hình tròn, dẹt, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, [có rắc thêm vừng], luộc chín rồi thả vào nước đường sánh » (Từ điển tiếng Việt, nxb Giáo dục, Hà Nội 1994), còn theo kiểu trong Nam, hay là theo kiểu Việt kiều ở Pháp, ăn nóng, và được gọi là « bánh trôi nưóc ». Nhưng « bánh trôi » gọi theo ngoài Bắc (không có chữ nước), là « bánh làm bằng bột gạo nếp, viên tròn [nhỏ], có nhân đường [nâu], bỏ vào nước sôi, chín thì nổi lên », (cũng theo Từ điển tiếng Việt kể trên). Theo nhà dân tộc học Nguyễn Tùng chỉ cho tôi: Lê Quí Đôn, trong sách Vân Đài loại ngữ có cho biết tên Trung quốc của bánh là « thủy đoàn bính », còn tên Hán Nôm của bánh là « phù thủy bính », dịch sát nghĩa thì đúng là « bánh trôi nước ». Nhưng tôi không biết như vậy đó là bánh nào (« bánh chay-bánh trôi nuớc trong Nam », hay là « bánh trôi » ngoài Bắc)? Bài thơ « Bánh trôi nước » của Hồ Xuân Hương (theo Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm, Kim-Khuê ấn quán xuất bản 1928) cũng không cho tôi được câu trả lời:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non,
Lớn nhỏ mặc dầu tay kẻ nặn,
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
« Lòng son » đây là cái nhân gì? Còn việc kỷ niệm ông Giới Tử Thôi thì nếu vì ông mà được ăn bánh, thì tôi cũng chấp nhận, không sao. Có vấn đề là trường hợp thứ tư dưới đây.
d/ Thánh Quan, là Quan Vũ, đời Tam quốc bên Tàu (Ngụy, Thục, Ngô, thế kỉ thứ 3). Tôi xin nói dài hơn một chút về nhân vật này (tôi đã có dịp luận một chút về ông ta, trong bài « Hà khắc và trả đầu » tôi đăng dưới bút hiệu H.B. trên báo Đoàn Kết số 399, 1988): Ông này vốn là em kết nghĩa của Lưu Bị (sau là vua Chiêu Liệt nhà Thục), theo anh lập nên cơ đồ nhà Thục, sau bị Tôn Quyền (vua nhà Ngô) giết. Người Tàu trọng ông ta là người trung nghĩa, thờ làm thánh; người nước ta cũng bắt chước. Nhưng xét kỹ ra, thì nhân cách của ông ta cũng chả có gì là hay lắm. Tôi xin nêu vài thí dụ: Một lần trong chiến trận, Quan Vũ lạc Lưu Bị, nên phải đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo đãi rất hậu. Đến khi Quan Vũ nghe tin Lưu Bị còn sống, bèn bỏ Tào Tháo để đi theo. Qua năm cửa ải, sáu tướng của Tào Tháo cản không cho đi vì chưa được lệnh thả, Quan Vũ đều chém họ chết. Như vậy là thủy chung cũng bất nhất, dù viện cớ này cớ nọ. Khi Lưu Bị lên ngôi vua, phong cho ông ta đứng đầu Ngũ hổ đại tướng, thì ông ta giận không chịu nhận ấn tín, vì lẽ rằng trong đám 5 hổ tướng đó, có tướng Hoàng Trung mà ông ta khinh là một anh lính già xuất thân. Sau sứ giả phải can ông ta mới chịu nhận ấn. Thế là kiêu ngạo. Một lần ra trận, ông ta bị trúng một phát tên độc ở cánh tay; danh y là Hoa Đà mổ, thì ông ta không chịu để buộc tay, giả bộ không đau cứ ngồi uống rượu đánh cờ, chìa cánh tay cho Hoa Đà cạo vết thương đến tận xương, được nhận lời khen của Hoa Đà là « Tướng quân là người nhà trời ». Thế là ưa « lên gân » để làm oai. Vua Thục sai ông ta giữ thành Kinh Châu; vua Ngô (là Tôn Quyền) muốn cầu thân, sai sứ giả sang hỏi con gái ông ta cho con trai mình, thì ông ta nổi giận cự tuyệt trả lời rằng « Con (của) hổ không thể gả cho con (của) chó ». Thế là hách xằng. Và cũng vì hách xằng mà làm lỡ việc nước, vì vua Ngô giận sai tướng đánh chiếm thành Kinh Châu; ông ta bị bắt không chịu hàng nên bị chém đầu. Người Tàu thương, cho là trung nghĩa thờ làm thánh. Chả biết người viết truyện Tam quốc có hóm hỉnh không, khen đấy mà cũng chê đấy , vì kể rằng: sau khi ông ta bị chém chết rồi, hồn lang thang, đêm thường hiện làm ma, đòi « trả đầu ». Một hôm, hồn tình cờ gặp nhà sư Phổ Tịnh, ân nhân cũ; nhà sư bèn hỏi: « Tướng quân đánh nhau với quân Ngô, bị họ chém đầu, nay lại hiện lên mà đòi người khác trả đầu. Lúc tướng quân còn sống, qua năm cửa ải, chém sáu tướng, vậy thì đầu của sáu tướng ấy, đòi ai trả ? ». Theo chuyện, hồn Quan Vũ liền tỉnh ngộ, tạ và biến đi. Nếu so ông thánh Quan này với những danh tướng cổ kim và những trung thần dũng cảm tử tiết vì nước của ta thì ông ta đâu có đặc sắc gì hơn, mà đem thờ ở ngôi cao?
(4) Về những nhân vật nói trong bài:
Hàn Tín, Tiêu Hà là người của thời Hán Sở tranh hùng ở Trung quốc. Thuở ấy (khoảng 2 thế kỉ trước Công nguyên), chính sự nhà Tần khắc nghiệt, sau khi Tần Thủy hoàng chết, Tần Nhị thế nối ngôi, Lưu Bang (sau là Hán vương, rồi là Hán Cao tổ) và Hạng Tịch (sau là Sở vương) dấy binh diệt được nhà Tần, rồi đôi bên tranh nhau. Hán vương dùng Trương Lương làm mưu thần, Tiêu Hà coi việc chính trị, đặc biệt là coi việc hậu cần trong thời chiến, Hàn Tín cầm quân; người đời gọi là tam kiệt; giúp Hán vương diệt được Sở vương, thống nhất nước Tàu, lập nên nhà Tiền Hán. Đặc biệt, Hàn Tín là tướng tài, chỉ huy binh lính rất đông, tương truyền là binh đông tới mức không đếm được, nên có bài toán « Hàn Tín điểm binh » để tính số lính, bằng một bài thơ 4 câu bảy chữ, thuở nhỏ tôi có biết, nay quên mất. (Bài toán này, ngày nay dưới dạng tổng quát và trừu tượng, được gọi là « bổ đề Tàu »- le lemme chinois). Có điều lạ là Hàn Tín có lẽ ít được nhà quân sự phương Tây biết đến (thí dụ trong The Times of London, 15/09/97, có một tài liệu xếp hạng 100 danh tướng cổ kim trên thế giới, trong đó có Tôn Tử, có Thành Cát Tư Hãn, có Võ Nguyên Giáp,..., nhưng không có Hàn Tín). Có lẽ người sử gia quân sự xếp hạng này cho rằng ông ta không thuộc loại những nhà quân sự phát minh ra một trong những cách dùng binh độc đáo nhất chăng?
(5) Tôi đã có dịp đề cập đến lập luận cơ sở về bằng cấp dựa trên cao thấp này (như vấn đề một bằng hay hai bằng tiến sĩ) trong bài « Suy nghĩ tản mạn chung quanh vấn đề đào tạo qua nghiên cứu » viết vào tháng 9/1998 (tạp chí Tia Sáng trích đăng một đoạn trong số tháng 11/1998, và gửi tặng các đại biểu trước khi Quốc hội khóa X họp thông qua Luật Giáo dục ngày 2/12/1998 ; còn toàn bài đăng trong Thời Đại số 3). Ngày nay, Luật Giáo dục qui định chỉ có một bằng tiến sĩ.
(6) Xin nêu một thí dụ liên quan: vấn đề chức danh giáo sư đại học. (Xem bài « Vài câu hỏi về chức danh giáo sư đại học »).
(7) Trong khi đó, người ta lại rất trọng hình thức bề ngoài : nhiều tờ báo, khi đề cập đến việc học, thường trưng những tấm ảnh các cô cậu học sinh, sinh viên mặc áo thụng đội mũ, lĩnh bằng cấp . Lẽ ra nên tập trung vào nội dung việc học nhiều hơn.
**********
Tài liệu 3.2 :
Thoáng nghĩ về chữ Nho
(Bài của Bùi Trọng Liễu, một phần đã đăng trong mục Nhịp cầu báo Nông Nghiệp Việt Nam, số Tết Nhâm Ngọ 2002, và một phần trong báo Tia Sáng số xuân, tháng 2/2002)
Mỗi kỳ Tết đến, lại hiện lên hình ảnh của ông đồ khom lưng viết câu đối mừng Xuân, câu đối chữ Nho. Thuở nhỏ, tôi cũng lõm bõm học được vài chữ, (học chữ Nho chứ không phải là học Trung văn). Rồi trong nhiều năm ở Pháp, tôi thấy học giả Hoàng Xuân Hãn làm thơ tiễn tặng, thường viết bằng quốc ngữ và chữ Nôm, và bác ấy thường nói nên học chơi [chữ Nôm] cho biết và cũng để giữ hình ảnh của thứ chữ của tổ tiên mình đã dùng một thuở. Tôi không có thì giờ và khả năng để học, nhưng vì thích « thư hoạ » (nghĩa là viết-vẽ), nên trong vài buổi thư nhàn hiếm hoi vẽ tranh lụa, tôi cũng tra sách lẩy vài câu thơ Nôm để đề thêm vào cho thoả. Nhưng xin nói lại cho rõ : tôi viết chữ Nôm.
Còn đối với chữ Nho, thì tôi có điều thắc mắc. Không phải tại mấy câu thơ của Tú Xương (1870-1907):
Nào có ra gì cái chữ Nho,
Ông nghè ông cống cũng nằm co,
vì tôi không có cái ước mong mà Tú Xương mỉa mai hồi đầu thế kỉ 20 :
Chi bằng đi học làm thày phán,
Tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò.
Tôi thắc mắc với cái chữ Nho, vì phần bào đồng ý với nhận xét của ông Dương Bá Trạc (1884-1944).
Nhắc lại là trong Tiếng gọi đàn (Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội 1925) ông viết :
[…]. Vả mô-phỏng của người mà lại cần phải có tự ý mình suy nghĩ ra : như người Pháp học văn-chương La-mã mà lập ra được hẳn một nền văn-học riêng; người Nhật học chữ Hán mà chế ra được thứ chữ bình-giả , phiến-giả, làm một lối chữ hòa-văn riêng của mình [...]. [Người mình] Bắt chước người Tàu học chữ Hán mà trong khoảng mấy ngàn năm chỉ học nhờ viết mướn, không hề nghĩ ra được một thứ chữ quốc-văn nào, trừ ra có một thứ chữ nôm cũng viết bằng chữ Hán mà ai muốn viết thế nào thì viết, chưa thành lối chữ nhất định [...]
Cũng lạ là từ thời tự chủ (kể từ Ngô Quyền), có thể lúc đầu chưa nghĩ ra thứ chữ Nôm, nhưng từ đời Trần trở về sau, sao cứ tiếp tục dùng một thứ chữ mà đọc ra người Tàu không hiểu mà người Việt Nam nói chung cũng không hiểu? Phải chăng đây là một sự chủ ý của nhóm người (vua, quan, nho sĩ) muốn giữ đặc quyền cho giới của mình, cho đến tận cuối thế kỉ 19, kéo dài khoảng một nghìn năm? Lẽ ra khi có chữ Nôm rồi, nên cải tiến nó, tự dạng tuy khó, nhưng rõ ràng là quốc âm, đọc lên người mình ai cũng hiểu. Còn cái chữ Nho, đọc lên giữa người mình với nhau cũng phải dịch. Thời Pháp thuộc, ngưòi ta chế giễu tiếng Tây bồi (thí dụ câu: « luỷ gố cờ bớp, luỷ gá cờ bớp, luỷ vén mông tang, luỷ măng giê bớp » của anh làm công tả con hổ với chủ Pháp), nhưng đọc lên người Pháp còn mang máng hiểu được, chứ chữ Nho đọc lên, người Trung quốc bất cứ địa phương nào cũng không hiểu được; ta giao dịch với họ phải « bút đàm ». Học hành, thi cử, sách vở, văn bản, pháp lệnh, vv. đều dùng thứ chữ Nho như vậy, làm sao mà nền học thuật nước nhà phát triển và tiến triển được cao? Nói thêm là tôi trân trọng đối với các tác phẩm chữ Hán của tổ tiên ta, cũng như tôi trân trọng đối với những tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài của người Việt Nam. Tôi chỉ thắc mắc về việc dùng chữ Nho làm thứ chữ chính thức của Nhà nước độc lập trong gần mười thế kỉ.
Sau một thời gian quá độ (giấy khai sinh của tôi còn mang cả chữ quốc ngữ và chữ Nôm, may mà không còn là chữ Nho), phải đến 1945 với nền Dân chủ Cộng hoà, thì chữ quốc ngữ mới chính thức là thứ chữ của nước nhà, và tinh thần độc lập có lẽ mới thật hoàn chỉnh. Nhưng « hiện tượng chữ Nho » dường như còn ngấp nghé. Không phải là tôi muốn nói tới cái thiện ý của một vài nhà giáo dục muốn lập lại việc dạy chữ Nho (chứ không phải là dạy Trung văn) trong trường Trung học với lý do là để việc học Việt văn được vững, mặc dù theo ý tôi việc đó vô ích vì khi học Việt văn, nếu cần chỉ nên giải thích nghĩa gốc mà không cần học tự dạng (thí dụ giải thích chữ « đại » có nghĩa là « to » mà cũng có thể có nghĩa là « thay thế » vv. là đủ, không cần phải biết cách viết của các chữ đó như thế nào); việc học chữ Nho nên để dành cho những người học chuyên môn cao trong ngành Hán học. Điều tôi muốn nói là: nên tránh những môn học mà nội dung vô ích, chỉ tồn tại dường như để bảo vệ quyền lợi của một thiểu số, phần nào giống như việc dùng chữ Nho thuở trước, mà tác dụng lại không bằng. Vì như vậy không thuận lợi cho nền học thuật nước nhà. Đó là điều tôi liên tưởng, khi thoáng nghĩ tới chữ Nho.
Nhân dịp Tết, thay vì « cung chúc tân niên », tôi xin « chúc mừng năm mới ».
***********
Tài liệu 3.3
[Trích mấy đoạn trong cuốn sách « Chuyện gia đình và ngoài đời » của Bùi Trọng Liễu.] :
Nhắc lại cách sấp xếp trong thi cử thuở xưa, (nói chung qua các triều đại, tuy có thay đổi ít nhiều) thì các tiến sĩ khi đỗ được xếp hạng như sau :
- Nhất giáp tiến sĩ : đệ nhất danh (tên thứ nhất) là Trạng nguyên, đệ nhị danh (tên thứ hai) là Bảng nhãn, đệ tam danh (tên thứ ba) là Thám hoa.
- Nhị giáp tiến sĩ : xưa, tên thứ nhất là Hoàng giáp. Nhưng hình như sau này có lúc gọi chung (hay gọi lạm) tất cả những người đỗ nhị giáp.
- Tam giáp tiến sĩ : chỉ gọi là Tiến sĩ. Trong dân gian gọi chung là ông nghè. (Có thuyết cho rằng điện nhà vua có mái dài che hẳn ra quá sân, cái mái ấy gọi là « nghè ». Các tiến sĩ vào thi Đình, phải đứng ở đấy, đợi được tiến lên vua, nên gọi là ông nghè).
Có khoa thi, không ai đỗ nhất giáp, cũng có khoa không ai đỗ nhị giáp. Số người lấy đỗ cũng tuỳ khoa. Nhưng bất luận người đỗ « đầu khoa », dù được xếp ở « giáp » nào, cũng được gọi chung là « ... nguyên ». Cho nên đỗ đầu kỳ thi Hương (thi cử nhân) thì gọi là Giải nguyên, đỗ đầu kỳ thi Hội thì gọi là Hội nguyên (trường hợp của Nguyễn Như Đổ), đỗ đầu kỳ thi Đình thì gọi là Đình nguyên (trường hợp của Nguyễn Trực, hay của Lương Thế Vinh) . Nhưng cũng có khoa không có người đỗ nhất giáp, cũng không có người đỗ nhị giáp, cho nên Đình nguyên có thể là tam giáp tiến sĩ (trường hợp của Phan Đình Phùng; hay của tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến: tam nguyên bởi vì đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình). Thời triều Nguyễn, còn có thêm cả xếp hạng phó Bảng, nghĩa là những người đỗ thi Hội, nhưng không đủ điểm để vào thi Đình để đỗ tiến sĩ. Thế rồi thói thường hay gọi lạm: bỏ chữ « phó » đi mà chỉ gọi là ông Bảng, nhập nhằng để người khác có thể hiểu lầm với Bảng nhãn. Năm 1484, đổi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa làm Tiến sĩ cập đệ, chính bảng làm Tiến sĩ xuất thân, phụ bảng làm Đồng tiến sĩ xuất thân. Triều Nguyễn không đặt Trạng nguyên.
[...]
Những lời xấu về vài ông nghè thuở xưa thì cũng đủ loại:
Phạm Đình Hổ (1768-1839) kể trong cuốn Vũ Trung tuỳ bút của ông (có bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến) mấy câu chuyện về thi cử, với sự nghi ngờ là có người đỗ không xứng đáng. Tôi xin tóm tắt vài đoạn ông kể:
Thời đó, người ta đồn là ông Nguyễn Hoãn, khi đi thi tiến sĩ, bài văn sách là do bài của sáu văn sĩ làm giúp cho trước. Lời đồn kể rằng vì thuở ấy bố ông Nguyễn Hoãn, là Phong quận công Hiệu đang làm Tham tụng (nghiã là Tể tướng), quyền to, các quan khác đều sợ. Khi ấy có một ông quan bị khiển trách, phải bãi chức. Một hôm, ông này được triệu vào tướng phủ, nhưng ngồi đợi lâu ở nhà trong mà không được yết kiến. Ngồi mãi, không có gì làm, ông ta chợt thấy trên kỷ có một đầu đề văn sách, mở ra xem đọc đi đọc lại thuộc hết cả. Suốt ngày được kẻ hầu người hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều ra về mà vẫn không thấy quan Tham tụng hỏi đến, không hiểu ra sao. Đến khi phủ chúa (chúa Trịnh) triệu tập các quan văn thần vào soạn đề thi, thì ông quan ấy cũng được triệu vào, ông ta liền đề nghị cái đầu đề văn sách đọc được bữa trước trong tướng phủ. Khoa ấy, ông Nguyễn Hoãn đỗ Hội nguyên.
Phạm Đình Hổ vốn là người đi thi nhiều lần không đỗ, có lẽ ông ta sợ người ta cho là ganh tị, nên ông ta cũng phần nào dè dặt một chút trong lời phê bình, vì thế nên khi kể chuyện trên, ông ta thận trọng viết thêm rằng chuyện này cũng giống một chuyện tương tự xảy ra ở bên Tàu thưở trước, « ý chừng là có kẻ hiếu sự bày đặt ra mà thôi ». Nhưng có lẽ ông không nín được, nên lại kể:
Vào khoảng năm Giáp Thìn (1784-85) đời Cảnh Hưng, ông ra học ở kinh thành. Thuở ấy, cứ mỗi tháng thì có một buổi bình văn ở nhà Quốc học (nhà Giám) cho học trò . Ông theo các bậc cha anh vào xem. Các buổi bình văn này rất long trọng, có sự tham dự của nhiều quan to, xưa thi đỗ cao, hiện đang giữ những chức vụ quan trọng như Thái phó quận công Nguyễn Hoãn, hành Tham tụng Bùi Huy Bích (1744-1818, đậu hoàng giáp năm 1769), và nhiều vị tiến sĩ khác. Khi bình các quyển văn, hay hay dở, được hay bỏ, thì chỉ thấy Bùi Huy Bích quyết định, và các người khác bàn bạc cân nhắc, còn Nguyễn Hoãn thì nín lặng chẳng nói câu nào, chỉ thỉnh thoảng cười hi hi. Hỏi thầm người quen, thì ai cũng cười không nói, sau hỏi mãi mới có người bảo rằng: ông ta (chỉ Nguyễn Hoãn) khi tuổi trẻ, vì là con quan tể tướng, khi đỗ hương nguyên và đỗ hội nguyên, văn hai kỳ thi ấy đều không phải tự ông ta làm ra.
Phạm Đình Hổ lại kể chuyện ông nghè Võ Huy Dĩnh:
Bà chính phi chúa Trịnh có người em trai tên là Mậu Dĩnh, học hành tầm thường, nhưng bà ta muốn cho thi đỗ. Đến kỳ thi Hội, bà ta dặn kín người lại phòng đánh dấu quyển thi của Mậu Dĩnh, rồi lại dặn kín quan chấm thi là phải để ý tâng bốc cho quyển đó, còn nếu kém quá không xếp vào hạng đỗ được ngay thì đợi khi có chỉ của chúa mở rộng đường cầu hiền, thì đem quyển ấy dâng trình. Đến khi chấm thi xong, Mậu Dĩnh không trong đám người được lấy đỗ, bà phi mới xin với chúa rằng : Nếu việc thi cử mà cứ lấy mực thước làm hạn, sợ không được rộng; xin chúa cho đem những quyển văn chương uẩn súc đem tiến trình cả, để bà ta rút lấy một quyển cho rộng đường cầu lấy nhân tài. Chúa nể bà phi, nên bảo đem quyển lên trình cho bà phi rút; bà ta nhắm quyển đã đánh dấu mà rút. Đến khi yết bảng người đỗ, thì té ra là Võ Huy Dĩnh được đỗ. Bà phi lấy làm lạ, mới hỏi người lại phòng, thì người này thưa rằng : khi được bà ta dặn, người ấy tâm thần hoang mang, chỉ nhớ tên dặn là Dĩnh, không ngờ lại hoá ra lầm lẫn.
Chuyện đồn có đáng tin hay không?
Và tệ hơn cả là câu chuyện « Mẹo lừa » mà Phạm Đình Hổ cũng kể trong cuốn Vũ Trung tuỳ bút của ông : Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn, đời Cảnh Hưng (1772), kỳ thi đã xong, nhưng chưa yết bảng. Khi ấy có một mụ già vào chi một nhà giàu ở phố Hàng Chiếu. Nhân nói chuyện đến khoa thi hội năm nay, mụ nói có quen một ông được lấy đỗ, nay mai sẽ là một quan tiến sỹ tân khoa. Chủ nhân mới hỏi quan tân khoa chừng bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu. Mụ nói rõ cả, và cho biết quan tân khoa nghèo, chưa có vợ. Chủ nhân có ý ham, nói với mụ rằng y có một đứa con gái, xin mụ đứng ra làm mối, thì bao nhiêu tiền phí tổn lúc vinh qui, quan nghè tân khoa không phải lo gì cả, y sẽ cáng thay. Mụ làm ra bộ khó khăn, đi lại nhiều lần, cuối cùng mới mời quan tân khoa đến chơi nhà giàu ấy để xem mặt người con gái. Chủ nhân liền mời quan tân khoa nghỉ lại một đêm, và cho con gái ra yết kiến. Mụ mối xui giục chủ nhân cho cô ta tiếp quan tân khoa « cùng ngủ », hẹn rằng sau khi yết bảng đỗ rồi thì sẽ làm lễ cưới. Sáng hôm sau, quan tân khoa xin cáo từ, chủ nhân tặng cho rất hậu. Từ đó, chủ nhân chỉ trang sức cho con gái, đợi ngày nghênh hôn. Đến khi yết bảng xong rồi, thì mất tăm chẳng thấy mụ già đến nữa. Chủ nhân liền sai người đi dò các quan tân khoa tiến sĩ; không có người nào là anh chàng ngủ đêm hôm trước cả. Lúc ấy mới biết mình bị lừa ...
Tôi cũng nhớ thuở nhỏ có đọc được bài thơ này (không rõ xuất xứ) :
Em là con gái đồng trinh,
Em đi bán rượu qua dinh quan nghè,
Quan nghè cho lính ra ve,
Em lạy quan nghè em đã có con,
Có con thì mặc có con,
Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan!
Rồi ngày nay, tôi đôi khi không khỏi liên tưởng đến mấy câu thơ (vịnh tiến sĩ giấy, tức là hình ông nghè bằng giấy để bày chơi ngày tết Trung thu) của Nguyễn Khuyến :
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai !
[...]
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi !
Phần 3
Về cách học của người xưa
Trước khi bàn về việc học ngày nay, có lẽ nên thử điểm qua cách học của người xưa ở ta. Đó cũng là một cách « ôn cố tri tân » (mà tôi hiểu là: xem lại cái cũ để mà hiểu biết cái mới).
Kể từ triều Lý, cho đến hết triều Nguyễn, việc học chính thức của tổ tiên ta chỉ nhắm mục tiêu chính là đào tạo ra một đội ngũ người có khả năng đảm nhận các nhiệm vụ hành chính mà chính quyền trao cho. Những con người được rèn luyện kiểu ấy là cái kho dự trữ quan lại của triều đình.
Về cách thi, thì không quan niệm bằng cấp là để đánh giá việc đã đạt được đủ khối lượng hiểu biết chưa (tiếng Pháp gọi là examen), mà quan niệm việc thi chủ yếu là để đánh giá cao thấp trong mục đích tuyển lựa (tiếng Pháp gọi là concours). Ngoài việc sử dụng chữ Nho (mượn của Trung quốc nhưng cách phát âm thì người Tàu cũng không hiểu, dân ta cũng không hiểu, chỉ dành riêng cho Nho sĩ của ta), các môn thi, nói chung, gồm các bài kinh nghĩa (giải thích ý nghĩa của một vài đoạn trích từ Tứ thư hay Ngũ kinh của Trung quốc), văn sách (trả lời những câu hỏi trong đầu bài về chính trị, thời cuộc, để trình bày mưu kế, sách lược), chiếu (văn bản của nhà vua công bố về một vấn đề nào đó của nhà nước), biểu (bài văn tâu lên vua về một sự việc gì đó), chế (lời phong thưởng của vua), thi (thơ), phú (bài văn vần, đôi khi xen lẫn văn xuôi, dùng biền văn). Cách học cách thi như vậy không đáp ứng được nhu cầu phát triển mọi mặt của xã hội.
Vì thế, phải chăng cái giỏi của các người thi đỗ thuở xưa cũng chỉ là tương đối trong giới hạn và khuôn khổ của quan niệm về việc học việc thi của thời đó? Nhưng sự tôn vinh các ông trạng ông nghè đã đè quá nặng quá lâu trong tâm trí của nhiều người, làm cho đến ngày nay cái mã của học vị tiếp tục được ham muốn, trong khi thực chất của sự hiểu biết không được chú trọng đúng mức. Ngoài ra, bên cạnh các ông nghè « thật » , thuở xưa cũng có những ông nghè « rởm ». Người xưa không phải chỉ để lại những gương tốt.
Nói vậy, không phải tôi cấc lấc với tổ tiên (tôi cũng có một cụ tổ bên ngoại, bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, tên thứ hai trên bia tiến sĩ thứ nhất trong Văn miếu), nhưng thiết tưởng nên theo những cái hay mà tránh những cái dở.
Dưới đây là một số bài tôi đã viết đăng trong sách hay trên mặt báo.
************
Tài liệu 3.1
Nhân đọc 2 lời bình về việc học của người xưa
(Bài Bùi Trọng Liễu của đăng trong
tạp chí Thời Đại số 4/1999)
I.- Lúc này, thường được nghe câu khẳng định « người Việt Nam có truyền thống hiếu học » như một niềm tự hào. Thậm chí, một số người Việt Nam hoặc gốc Việt ở nước ngoài, cũng mang khẳng định này nhập vào cái mà họ gọi là bản sắc dân tộc. « Hiếu học » là điều quí, nên tôi muốn nhân đây, tìm hiểu xem « bản sắc » này có đặc điểm gì khác với người khác để cho ta thật đáng tự hào chăng? Có ý cho rằng người Trung Quốc nói chung hay ưa nhắc đến sự thành công trong suốt chiều dài của lịch sử lâu đời của họ, còn người Nhật nói chung thì hay ưa hỏi người ngoài về những cái chưa đạt của mình để học hỏi thêm. Nhưng có lẽ sự thật chưa hẳn như vậy, và tôi chẳng có lý do gì vơ đũa cả nắm để rơi vào một thứ kỳ thị. « Hiếu học », nhưng học cái gì, học để làm gì, và học làm sao? Đề tài « học » này quá rộng, tôi xin tạm khu lại trong một vài điểm, trong đó có điểm: rút hay không rút kinh nghiệm việc tổ chức việc học của nước khác, để tổ chức việc học cho mình tốt đẹp nhất. Trên điểm này, tôi xin nhắc đến hai lời bình về việc học của người xưa : đó là lời của các ông Nguyễn Trường Tộ (1) và Dương Bá Trạc (2).
II.- Trong Tiếng gọi đàn (Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội 1925) ông Dương Bá Trạc viết:
Người ta ai là khỏi có cái phải bắt chước người, nhưng bắt chước người mà cũng cần phải có cái trí khôn quyết trạch của mình, bắt chước cái hay mà biết bỏ cái dở [...].Vả mô-phỏng của người mà lại cần phải có tự ý mình suy nghĩ ra: như người Pháp học văn-chương La-mã mà lập ra được hẳn một nền văn-học riêng; người Nhật học chữ Hán mà chế ra được thứ chữ bình-gỉa, phiến-gỉa, làm một lối chữ hòa-văn riêng của mình [...]. Bắt chước người mà [bắt chước] khôn thì là sự tiện lợi thứ nhất, không gì chóng hay chóng khá bằng...[...]. Người mình có cái thiên-tính hay bắt chước: cái gì cũng nhất-vị chỉ bắt chước người, nên bắt chước dại thì nhiều mà bắt chước khôn thì ít lắm. Bắt chước người Tàu học chữ Hán mà trong khoảng mấy ngàn năm chỉ học nhờ viết mướn, không hề nghĩ ra được một thứ chữ quốc-văn nào - trừ ra có một thứ chữ nôm cũng viết bằng chữ Hán mà ai muốn viết thế nào thì viết, chưa thành lối chữ nhất định - [...].
Người Tàu thờ ông thánh Quan, bà Thiên-hậu, kỷ niệm ông Khuất Bình, ông Giới Tử-Thôi, người mình cũng bắt chước thờ ông thánh Quan, bà Thiên-hậu, kỷ niệm ông Khuất Bình, ông Giới Tử-Thôi (3). Trong cái lúc thâu-thái được chút đỉnh luân-lý, học-vấn, văn-chưng, kỹ-nghệ [...] thì bao nhiêu cái dại cái dở [...] , mình cũng nhắm mắt theo cho kỳ hết. Nhân thế mà bao nhiêu cái tinh-thần tự-lập, cái năng-lực sáng-tạo mất dần đi cả.
Gần sáu chục năm trước đó, ý của ông Nguyễn Trường Tộ cũng trong Tế cấp bát điều (Tám điều cứu vớt, viết năm 1867, bản dịch của Trần Lê Hữu trong Những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cuối thế kỉ XIX - Đăng Huy Vận, Chương Thâu - nxb Giáo dục 1961) cũng không khác mấy:
[...] Sự học của ta hiện nay, những cái thày dạy, những cái học trò học đều là những việc đời xưa cả. Mặc dầu trong sách có chép vài việc thực tế nhưng mấy việc thực tế ấy không nói chi tiết rõ ràng và nó cũng chôn nốt theo với người xưa rồi, đâu có thể quật mả lên mà hỏi. [...] Nước ta trên cũng có trời che, dưới cũng có đất chở [...]. Nước ta cũng có tổ tiên mà sự tích còn lưu truyền lại [...]. Các vị danh thần trong các triều đại trước của nước ta còn lưu lại biết bao công lao thành tích [...], cũng có việc đáng nêu lên, sao không truyền tụng những gương tốt đó cho người ta phấn khởi bắt chước vùng lên [...] mà cứ không kể đêm ngày luôn miệng kêu réo Hàn Tín, Tiêu Hà (4) của Trung quốc, là những người đã chết từ mấy ngàn năm nay? Phải chăng hôm nay chúng ta còn mang ơn họ? Phải chăng người đời nay không bằng người đời xưa? Hay là mưốn kêu gào họ sống lại? Học như vậy mà học đến bạc đầu, thật là một chuyện quái lạ!... Hiện nay trong nhân dân ta ít có ai để ý, thế mà từ già đến trẻ, từ trường công đến trường tư, ai nấy cứ tranh hơn thua nhau từng câu từng chữ, thật là một chuyện lạ đời! [...] Vì học thuật chưa thuần, cho nên gặp việc gì cũng đặt cái tư lợi của mình lên trên hết thảy, mà ít khi thực tâm làm việc để góp phần vào lợi ích chung. Sở dĩ làm hại cho mình, làm hại cho người là ở chỗ đó. Nói chung, sở dĩ học thuật không được sáng tỏ, một nửa là vì sách vở, một nửa là vì triều đình, nhưng tôi cũng chưa muốn đi sâu vào điều đó, vì sợ có quan ngại...
Sống vào những thời điểm mà việc học của nước nhà cần một sự cải cách, hai ông có lý khi phê bình cách học của ta, và nếu bình tĩnh mà xét, không thể chê rằng hai ông ghẻ lạnh với nền học vấn của nước nhà. Vả lại hai ông chủ trương không nên bắt chước mù quáng, nhưng các ông không hề chủ trương đừng rút kinh nghiệm nơi khác. Tôi nghĩ những sáng kiến vô lý cũng mang lại những tai hại không kém việc bắt chước mù quáng.
III.- Trong Tế cấp bát điều (đã dẫn) ông Nguyễn Trường Tộ còn viết:
... Học là gì? Học tức là học cái chưa biết để mà biết, biết để mà làm. Mà làm việc gì, và làm ở đâu? Làm tức là làm những công việc thực tế trong nước hiện nay và để lại việc làm hữu dụng đó cho đời sau nữa [...].
Ông viết vậy có lẽ vì ông thấy cái mục tiêu của việc học nguời thời đó có điều không ổn. Mà cái không ổn lớn nhất chính là cái khía cạnh « ngôi thứ » trong mục tiêu của việc học. Và phải chăng vì vấn đề ngôi thứ có một trọng lượng lớn, cho nên hình thức học thì rất nặng để ganh đua với nhau, còn nội dung thì bị coi nhẹ, nên bị lạc hướng? Tôi nhớ tới « Ấu học ngũ ngôn thi » (thơ năm chữ dạy trẻ):
Vạn ban giai thử hạ,
Duy hữu độc thư cao.
(nghĩa là: mọi nghề đều ở dưới; chỉ có nghề đọc sách là cao). Như vậy chuyện khuyến học có nghiã là khuyến khích học để có địa vị trong xã hội, kiểu « một người làm quan, cả họ được nhờ », chứ không phải học để biết.
Quan niệm việc học trong sách Tam tự kinh, xem ra có phần nghiêm chỉnh hơn:
Ngọc bất trác, bất thành khí.
Nhân bất học, bất tri lý.
(nghĩa là: Ngọc không mài dũa thì không thành đồ quí; người không học thì không biết lẽ phải). Nhưng chế biến theo kiểu cuốn Giáo khoa thư (lớp đồng ấu):
Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,
Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi,
Con người ta có khác gì,
Học hành dốt nát ngu si hư đời,
Những anh mít đặc thôi thời
Còn ai mua chuộc đón mời làm chi !
thì mục tiêu của việc học vẫn là sự mong được trọng vọng trong xã hội (« mua chuộc, đón mời »). Dường như vấn đề ngôi thứ còn đè nặng trong suy nghĩ của một số người Việt Nam hay gốc Việt Nam cho đến tận nay: thích thi đua cao thấp, lập luận cơ sở về bằng cấp dựa trên cao thấp (5), ngay cả vấn đề quan niệm đội ngũ nhà giáo giảng dạy cũng chưa thoát khỏi lập luận ngôi thứ này (6).
IV.- Để diễn tả thêm một ý, tôi xin trích vài câu tôi viết trong bài « Vài câu hỏi về chức danh giáo sư đại học » đăng trong tạp chí Tia Sáng số tháng 2/1999:
[...] Diện tích nước Việt Nam bằng 0,6 lần diện tích nước Pháp; dân số Việt Nam khoảng 1,3 lần dân số Pháp; cả hai nước đều có chính quyền tập trung (không phải là nước liên bang), như vậy là không khác lắm về các mặt vừa kể. Nhưng hiện nay, số luận án tiến sĩ bảo vệ ở Pháp hàng năm là khoảng trên 1 vạn [chưa kể số tiến sĩ tích lũy có từ trước]; còn ở Việt Nam, thì chưa có mức đó. Nhưng vấn đề « ngôi thứ » ở Việt Nam còn đè quá nặng nên việc lựa chọn mặt nào lên tới mức khắt khe quá đáng hơn cả nước ngoài. Làm cho một số nhà khoa học trẻ Việt Nam, ở trong nước thì chưa được phong chức danh giáo sư, ra nước ngoài thì được người ta tuyển dụng làm giáo sư đại học. Với tình trạng như vậy, chưa thể nói rằng ở ta có tinh thần chiêu hiền đãi sĩ, cũng chưa thể nói rằng vấn đề đào tạo và sử dụng người ở Việt Nam là có hiệu suất.
[...] Tôi cũng xin kể một câu chuyện. Khoảng 25 năm trước đây, một nhân vật cao cấp trong nước hỏi tôi nghĩ gì về khả năng có thể có một người Việt Nam sẽ được giải thưởng Nobel khoa học, và nếu có, thì sự việc đó ảnh hưởng như thế nào đến sự tiến triển của khoa học ở Việt Nam. Tôi trả lời rằng: « Nước người ta phát triển khoa học và công nghệ, có đội ngũ khoa học và kỹ thuật đông đảo, có trình độ văn hóa tương xứng; lúc đó sẽ nảy ra những nhà khoa học có khả năng được giải thưởng này. Còn giả thử như đem một nhà khoa học đã có giải thưởng này rồi, đặt vào một nước chưa phát triển, trong một môi trường không phù hợp, thì rốt cục người đó cũng chẳng làm được gì cho ai, mà lại trở thành vô hiệu cho chính bản thân mình ». Ngày nay, ý tôi muốn phát biểu là: không phải cứ ngồi đánh giá cao thấp, mà có thể nâng được trình độ khoa học của nước nhà lên. Phải chăng nếu việc tổ chức giáo dục đào tạo (trong đó có việc sử dụng nhà giáo đại học) được tiến hành sao cho hợp lý - và thoáng - thì nền khoa học của nước nhà sẽ tự nó được nâng cao?
V.- Hiện nay, mục tiêu chính thức của việc học, ghi trong Luật giáo dục (vừa được Quốc hội khóa X thông qua ngày 2/12/1998) là: « đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ». Đó là mục tiêu chính thức trên văn bản ...
Nhưng ở thời này, đa số còn ưu tiên nghĩ đến kinh tế, thương mại, mấy ai thực sự nghĩ đến cốt lõi của việc học (7)?
________
Chú thích:
(1) Hầu hết người Việt Nam ai cũng biết ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871); nhưng tôi cũng xin nhắc tóm tắt tiểu sử của ông để khỏi quên. (Theo Từ điển Văn hóa Việt Nam, nxb Văn hóa-Thông tin 1993): Ông là người công giáo, có dịp qua Pháp một thời gian, tiếp thu được nhiều hiểu biết mới, lại có dịp ghé qua nhiều nơi như Singapour, HongKong, La Mã. Từ 1863 đến 1871, ông liên tiếp gửi 14 điều trần lên vua Tự Đức và triều đình, nhằm đổi mới nước nhà về mọi mặt: ngoại giao, thương mại, tôn giáo, võ bị, nông chính, khai mỏ, giáo dục, đào tạo nhân tài,... Nhưng triều đình đã bỏ qua hoặc không thực hiện được.
(2) Dương Bá Trạc (1884-1944) (tiểu sử, theo cuốn Từ điển Văn hóa Việt Nam, đã dẫn trên): Ông đỗ cử nhân Hán học năm 1900 , là một trong những nhân vật chính của Đông Kinh nghiã thục. Bị chính quyền bảo hộ Pháp bắt giam và đầy đi Côn Đảo, đến 1911 mới được về... Ông viết sách và báo đăng trong các tạp chí Nam Phong, Trung Bắc tân văn. Những tác phẩm đáng chú ý của ông là những thơ văn phục vụ phong trào duy tân hồi đầu thế kỉ. Ông mất ở Singapour năm 1944.
(3) Về bốn nhân vật nói trong bài:
a/ Bà Thiên hậu đây là bà Dương Thái hậu nhà Tống bên Tàu (thế kỉ 13), khi Mông Cổ đánh nhà Tống, bà nhảy xuống bể tự tử. Nếu chỉ là chuyện người đàn bà chung thủy với cơ nghiệp nhà chồng, thì nước ta cũng có, nhưng có đáng để tôn thờ không thì lại một vấn đề khác. Thí dụ như chuyện bà hoàng phi Nguyễn Thị Kim nước ta: bà vốn là vợ vua Lê Chiêu Thống. Khi vua Quang Trung đánh bại quân nhà Thanh (1789), Chiêu Thống chạy sang Tàu; bà hoàng phi lạc không kịp theo, phải ẩn náu ở Kinh Bắc. Trong đám người cùng chạy theo Chiêu Thống, có con trai cả là con bà hoàng phi, và mẹ Chiêu Thống là Lê Thái hậu. Khi vua Càn Long nhà Thanh công nhận nhà Tây Sơn, thì buộc gia đình Chiêu Thống phải lên ở Yên kinh quản thúc ở đó. Ba năm sau, thì người con trai lên đậu rồi chết. Năm sau nữa thì đến lượt Chiêu Thống lo buồn mà chết, rồi năm năm sau nữa Lê Thái hậu cũng chết. Đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước, các cựu thần nhà Lê dâng biểu xin được đem thi hài Chiêu Thống (và mẹ và con) về nước, để táng ở quê nhà. Mùa thu năm 1804, di hài về bên biên giới, bà hoàng phi ở Kinh Bắc lên đón linh cữu về Thăng Long. Tương truyền rằng khi mở quan tài Chiêu Thống, thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ còn trái tim vẫn còn đỏ tươi. Bà hoàng phi khóc lóc, nhịn ăn, rồi uống thuốc độc tự tử. (Theo Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái).
Nguyễn Công Trứ (1778-1858) có một bài thơ (thể ca trù) vịnh bà ta, như sau:
Triều Lê quí có nàng tiết liệt,
Hai mươi thu khăng khít thù Tây,
Đem tàn dung nương chốn am mây,
Đạo thần tử tình trong phu phụ.
Vạn cổ di luân chiêu vũ trụ,
Nhất xoang trung nghĩa đáp quân vương.
Nặng hai vai một gánh cương thường,
Chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí,
Đã nên đấng trung thần bất nhị,
Lại nên tài liệt nữ bất canh.
Rõ ràng hai chữ trung trinh!
(trong Văn Đàn Bảo Giám , quyển 2 (1932) của Trần Trung Viên. Xin cảm ơn vài bạn quen biết đã cất công tìm giúp lại xuất xứ bài này) . « Thù Tây » đây nghĩa là thù Tây Sơn. « Lê quí » là chỉ cuối triều Lê (thí dụ như tên cuốn Lê quí kỷ sự của Nguyễn Thu (1799-1855) ). Ở đây, tạm bỏ ra ngoài vấn đề nhân cách và hành động của Chiêu Thống (kể cả việc dâng bảy cây ngọc như ý cho vua Càn Long để cầu viện, bảy cây ngọc mà Vương Hồng Sển kể trong cuốn « Hơn nửa đời hư », nxb Tổng hợp TPHCM 1992, đã được thấy ở bảo tàng Đài Loan). Nếu chỉ xét tình cảnh của bà hoàng phi này, thì thấy rất đáng thương.
b/ Khuất Bình, tức là Khuất Nguyên, thời Chiến quốc (khoảng 400 năm trước Công nguyên) được vua nước Sở tin dùng, sau bị dèm pha, vua Sở đày đi xa, ông nhảy xuống sông tự tử chết; ngày ông chết là ngày « tết » mồng 5 tháng 5, một ngày lễ kỷ niệm của người Tàu. Nếu bị vua nghi oan, thì thiếu gì chuyện đáng kể trong sử Việt Nam. Vả lại Khuất Nguyên còn được người ta biết đến là oan. Chứ chuyện Lê Văn Thịnh ở nước ta, thì tới ngày nay, cũng chẳng được mấy ai tìm hiểu xem là có oan không. Câu chuyện Lê Văn Thịnh như sau: Ông này vốn là người Nho học xuất thân đầu tiên ở nước ta, vì là đỗ đầu khoa thi Nho đầu tiên (1075), dạy vua Lý Nhân Tông học, làm Tể tướng trong 12 năm. Năm 1096 bị cách chức và bị đày đi nơi nước độc. Lý do là vì bị ghép vào tội mưu phản định giết vua. Đồn rằng ông ta có học được phép thả hơi mù và biến thân thành hổ. Một bữa, vua Lý Nhân Tông dạo chơi Hồ Tây (lúc đó còn gọi là hồ Dâm Đàm) xem đánh cá. Lúc thuyền ra đến giữa hồ thì sương mù chợt nổi lên đen tối. Chợt thấy một thuyền vùn vụt vượt mù lướt tới thuyền vua, trong thuyền ấy có một con hổ nhe răng như muốn cắn. Vua sợ. Trong thuyền vua, có người chài là Mục Thận sẵn lưới ở tay, ném vào thuyền kia, chụp vào con hổ, thì lại hóa ra Lê Văn Thịnh. Vua sai lấy dây sắt trói vào cũi giam. Nhưng nghĩ rằng ông ta từng có công to, vua không nỡ giết, chỉ đày lên nơi nước độc. Sử gia Hoàng Xuân Hãn, trong cuốn Lý Thường Kiệt, nxb Sông Nhị 1950, cho rằng có thể là do mê tín dị đoan, sương mù chợt nổi là sự thường xảy vào mùa thu; có thể là Văn Thịnh thấy sương mù, vội vã sai chèo thuyền ra đón vua về, còn vua thì tâm thần hoảng hốt, lòng lại nghi ngại, thuyền tròng trành, nhìn Văn Thịnh ngồi khom mình giống như dáng như con hổ, nên mới sinh chuyện chăng. Bác Hãn lại cho rằng tuy vua dị đoan, nhưng vì đạo Phật đã gieo mối từ tâm, nên Văn Thịnh không bị giết, cũng là may.
Lời bổ sung : Trong tạp chí Xưa và Nay số 80, tháng 10/2000, trong bài « Bậc khai khoa Lê Văn Thịnh và tượng rồng đá cắn vào thân mình », tác giả Đặng Minh Phương kể là năm 1993 người ta có đào được trước cổng nhà cũ của Lê Văn Thịnh ở quê ông, làng Đông Cứu, huyên Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh một tượng con rồng đá, niên đại không xác định, rồng cuộn mình lại, đầu cúi xuống, hai hàm răng cắn vào chính thân mình, một bên tai không có lỗ tai. Tác giả cho rằng rồng (5 móng) là biểu tượng của vua, một tai không lỗ biểu hiện sự chỉ nghe một tai, thiên lệch nghe sàm tấu, trù dập nhân tài là tự cắn vào mình, và kết luận rằng « tượng không ghi năm tạc, nhưng dù được làm ở thời nào, nó cũng phản ánh một cách đánh giá dân gian với sự việc [Lê Văn Thịnh bị tội] trên ».
[Nhân nói đến dị đoan, thời đó cũng có nhiều chuyện thấy khó hiểu. Tôi có lần hỏi ý bác Hãn về « chuyện Nguyễn Bông » và gốc sinh của vua Lý Nhân Tông này: (1063) vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con. Vua sai Nguyễn Bông đi cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Sư chùa này là Đại Điên bảo Bông về nấp trong buồng tắm của Ỷ Lan phu nhân. Một hôm Ỷ Lan tắm, thì bắt được Bông còn ẩn trong buống tắm, vua sai đem chém. Khi đưa đi chém, qua chùa Thánh Chúa, Bông xin vào chùa để trách sư, thì sư cười trả lời: « Nếu không hủy thân này, thì sao đầu thai được ». Bông bèn hiểu mưu sâu (?) của sư, và chịu chết. Sau Ỷ Lan có mang, sinh ra Lý Nhân Tông. Về chuyện này, tôi muốn lựa lời sao cho thanh để hỏi bác Hãn. Tôi hỏi: « Vua Lý Thánh Tông có vẻ như không thể có con, chuyện Nguyễn Bông này dường như một thứ « thụ tinh nhân tạo » (insémination artificielle) trước thời đại, bác nghĩ sao? ». Nhưng bác Hãn ngay thật, không hiểu ý tôi, bác trả lời: « Thời đó đâu đã có khoa học như ngày nay ! », nên câu chuyện ngưng ở đó. Rồi chuyện Từ Đạo Hạnh đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, để phu nhân sinh ra vua Lý Thần Tông cũng tương tự như vậy].
c/ Giới Tử Thôi là bề tôi theo hầu công tử Trùng Nhĩ nhà Tấn (thời Xuân Thu, khoảng 700 năm trước Công nguyên) chạy loạn; lúc đói hết lương thực, ông tự cắt thịt đùi mình nấu cho Trùng Nhĩ ăn; sau khi dẹp loạn xong, Trùng Nhĩ lên ngôi vua (tức là Tấn Văn Công) phong thưởng cho công thần, nhưng quên mất Giới Tử Thôi. Ông ta bèn bỏ vào ẩn trong rừng núi; khi vua nhớ ra, cho đòi, ông không chịu đến; vua sai đốt rừng để buộc ông phải ra, nhưng ông nhất định không ra, cứ ở trong đám cháy chịu chết. Ngày đó là ngày mồng 3 tháng 3, người Tàu coi đó là một ngày kỷ niệm, kiêng không đốt lửa làm bếp, chỉ ăn đồ lạnh, gọi là « tết hàn thực » (ngày lễ ăn đồ lạnh); ở ta cũng bắt chước, ăn bánh trôi bánh chay. « Bánh chay » ngày nay ở ngoài Bắc là « bánh hình tròn, dẹt, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, [có rắc thêm vừng], luộc chín rồi thả vào nước đường sánh » (Từ điển tiếng Việt, nxb Giáo dục, Hà Nội 1994), còn theo kiểu trong Nam, hay là theo kiểu Việt kiều ở Pháp, ăn nóng, và được gọi là « bánh trôi nưóc ». Nhưng « bánh trôi » gọi theo ngoài Bắc (không có chữ nước), là « bánh làm bằng bột gạo nếp, viên tròn [nhỏ], có nhân đường [nâu], bỏ vào nước sôi, chín thì nổi lên », (cũng theo Từ điển tiếng Việt kể trên). Theo nhà dân tộc học Nguyễn Tùng chỉ cho tôi: Lê Quí Đôn, trong sách Vân Đài loại ngữ có cho biết tên Trung quốc của bánh là « thủy đoàn bính », còn tên Hán Nôm của bánh là « phù thủy bính », dịch sát nghĩa thì đúng là « bánh trôi nước ». Nhưng tôi không biết như vậy đó là bánh nào (« bánh chay-bánh trôi nuớc trong Nam », hay là « bánh trôi » ngoài Bắc)? Bài thơ « Bánh trôi nước » của Hồ Xuân Hương (theo Quốc văn trích diễm của Dương Quảng Hàm, Kim-Khuê ấn quán xuất bản 1928) cũng không cho tôi được câu trả lời:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non,
Lớn nhỏ mặc dầu tay kẻ nặn,
Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
« Lòng son » đây là cái nhân gì? Còn việc kỷ niệm ông Giới Tử Thôi thì nếu vì ông mà được ăn bánh, thì tôi cũng chấp nhận, không sao. Có vấn đề là trường hợp thứ tư dưới đây.
d/ Thánh Quan, là Quan Vũ, đời Tam quốc bên Tàu (Ngụy, Thục, Ngô, thế kỉ thứ 3). Tôi xin nói dài hơn một chút về nhân vật này (tôi đã có dịp luận một chút về ông ta, trong bài « Hà khắc và trả đầu » tôi đăng dưới bút hiệu H.B. trên báo Đoàn Kết số 399, 1988): Ông này vốn là em kết nghĩa của Lưu Bị (sau là vua Chiêu Liệt nhà Thục), theo anh lập nên cơ đồ nhà Thục, sau bị Tôn Quyền (vua nhà Ngô) giết. Người Tàu trọng ông ta là người trung nghĩa, thờ làm thánh; người nước ta cũng bắt chước. Nhưng xét kỹ ra, thì nhân cách của ông ta cũng chả có gì là hay lắm. Tôi xin nêu vài thí dụ: Một lần trong chiến trận, Quan Vũ lạc Lưu Bị, nên phải đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo đãi rất hậu. Đến khi Quan Vũ nghe tin Lưu Bị còn sống, bèn bỏ Tào Tháo để đi theo. Qua năm cửa ải, sáu tướng của Tào Tháo cản không cho đi vì chưa được lệnh thả, Quan Vũ đều chém họ chết. Như vậy là thủy chung cũng bất nhất, dù viện cớ này cớ nọ. Khi Lưu Bị lên ngôi vua, phong cho ông ta đứng đầu Ngũ hổ đại tướng, thì ông ta giận không chịu nhận ấn tín, vì lẽ rằng trong đám 5 hổ tướng đó, có tướng Hoàng Trung mà ông ta khinh là một anh lính già xuất thân. Sau sứ giả phải can ông ta mới chịu nhận ấn. Thế là kiêu ngạo. Một lần ra trận, ông ta bị trúng một phát tên độc ở cánh tay; danh y là Hoa Đà mổ, thì ông ta không chịu để buộc tay, giả bộ không đau cứ ngồi uống rượu đánh cờ, chìa cánh tay cho Hoa Đà cạo vết thương đến tận xương, được nhận lời khen của Hoa Đà là « Tướng quân là người nhà trời ». Thế là ưa « lên gân » để làm oai. Vua Thục sai ông ta giữ thành Kinh Châu; vua Ngô (là Tôn Quyền) muốn cầu thân, sai sứ giả sang hỏi con gái ông ta cho con trai mình, thì ông ta nổi giận cự tuyệt trả lời rằng « Con (của) hổ không thể gả cho con (của) chó ». Thế là hách xằng. Và cũng vì hách xằng mà làm lỡ việc nước, vì vua Ngô giận sai tướng đánh chiếm thành Kinh Châu; ông ta bị bắt không chịu hàng nên bị chém đầu. Người Tàu thương, cho là trung nghĩa thờ làm thánh. Chả biết người viết truyện Tam quốc có hóm hỉnh không, khen đấy mà cũng chê đấy , vì kể rằng: sau khi ông ta bị chém chết rồi, hồn lang thang, đêm thường hiện làm ma, đòi « trả đầu ». Một hôm, hồn tình cờ gặp nhà sư Phổ Tịnh, ân nhân cũ; nhà sư bèn hỏi: « Tướng quân đánh nhau với quân Ngô, bị họ chém đầu, nay lại hiện lên mà đòi người khác trả đầu. Lúc tướng quân còn sống, qua năm cửa ải, chém sáu tướng, vậy thì đầu của sáu tướng ấy, đòi ai trả ? ». Theo chuyện, hồn Quan Vũ liền tỉnh ngộ, tạ và biến đi. Nếu so ông thánh Quan này với những danh tướng cổ kim và những trung thần dũng cảm tử tiết vì nước của ta thì ông ta đâu có đặc sắc gì hơn, mà đem thờ ở ngôi cao?
(4) Về những nhân vật nói trong bài:
Hàn Tín, Tiêu Hà là người của thời Hán Sở tranh hùng ở Trung quốc. Thuở ấy (khoảng 2 thế kỉ trước Công nguyên), chính sự nhà Tần khắc nghiệt, sau khi Tần Thủy hoàng chết, Tần Nhị thế nối ngôi, Lưu Bang (sau là Hán vương, rồi là Hán Cao tổ) và Hạng Tịch (sau là Sở vương) dấy binh diệt được nhà Tần, rồi đôi bên tranh nhau. Hán vương dùng Trương Lương làm mưu thần, Tiêu Hà coi việc chính trị, đặc biệt là coi việc hậu cần trong thời chiến, Hàn Tín cầm quân; người đời gọi là tam kiệt; giúp Hán vương diệt được Sở vương, thống nhất nước Tàu, lập nên nhà Tiền Hán. Đặc biệt, Hàn Tín là tướng tài, chỉ huy binh lính rất đông, tương truyền là binh đông tới mức không đếm được, nên có bài toán « Hàn Tín điểm binh » để tính số lính, bằng một bài thơ 4 câu bảy chữ, thuở nhỏ tôi có biết, nay quên mất. (Bài toán này, ngày nay dưới dạng tổng quát và trừu tượng, được gọi là « bổ đề Tàu »- le lemme chinois). Có điều lạ là Hàn Tín có lẽ ít được nhà quân sự phương Tây biết đến (thí dụ trong The Times of London, 15/09/97, có một tài liệu xếp hạng 100 danh tướng cổ kim trên thế giới, trong đó có Tôn Tử, có Thành Cát Tư Hãn, có Võ Nguyên Giáp,..., nhưng không có Hàn Tín). Có lẽ người sử gia quân sự xếp hạng này cho rằng ông ta không thuộc loại những nhà quân sự phát minh ra một trong những cách dùng binh độc đáo nhất chăng?
(5) Tôi đã có dịp đề cập đến lập luận cơ sở về bằng cấp dựa trên cao thấp này (như vấn đề một bằng hay hai bằng tiến sĩ) trong bài « Suy nghĩ tản mạn chung quanh vấn đề đào tạo qua nghiên cứu » viết vào tháng 9/1998 (tạp chí Tia Sáng trích đăng một đoạn trong số tháng 11/1998, và gửi tặng các đại biểu trước khi Quốc hội khóa X họp thông qua Luật Giáo dục ngày 2/12/1998 ; còn toàn bài đăng trong Thời Đại số 3). Ngày nay, Luật Giáo dục qui định chỉ có một bằng tiến sĩ.
(6) Xin nêu một thí dụ liên quan: vấn đề chức danh giáo sư đại học. (Xem bài « Vài câu hỏi về chức danh giáo sư đại học »).
(7) Trong khi đó, người ta lại rất trọng hình thức bề ngoài : nhiều tờ báo, khi đề cập đến việc học, thường trưng những tấm ảnh các cô cậu học sinh, sinh viên mặc áo thụng đội mũ, lĩnh bằng cấp . Lẽ ra nên tập trung vào nội dung việc học nhiều hơn.
**********
Tài liệu 3.2 :
Thoáng nghĩ về chữ Nho
(Bài của Bùi Trọng Liễu, một phần đã đăng trong mục Nhịp cầu báo Nông Nghiệp Việt Nam, số Tết Nhâm Ngọ 2002, và một phần trong báo Tia Sáng số xuân, tháng 2/2002)
Mỗi kỳ Tết đến, lại hiện lên hình ảnh của ông đồ khom lưng viết câu đối mừng Xuân, câu đối chữ Nho. Thuở nhỏ, tôi cũng lõm bõm học được vài chữ, (học chữ Nho chứ không phải là học Trung văn). Rồi trong nhiều năm ở Pháp, tôi thấy học giả Hoàng Xuân Hãn làm thơ tiễn tặng, thường viết bằng quốc ngữ và chữ Nôm, và bác ấy thường nói nên học chơi [chữ Nôm] cho biết và cũng để giữ hình ảnh của thứ chữ của tổ tiên mình đã dùng một thuở. Tôi không có thì giờ và khả năng để học, nhưng vì thích « thư hoạ » (nghĩa là viết-vẽ), nên trong vài buổi thư nhàn hiếm hoi vẽ tranh lụa, tôi cũng tra sách lẩy vài câu thơ Nôm để đề thêm vào cho thoả. Nhưng xin nói lại cho rõ : tôi viết chữ Nôm.
Còn đối với chữ Nho, thì tôi có điều thắc mắc. Không phải tại mấy câu thơ của Tú Xương (1870-1907):
Nào có ra gì cái chữ Nho,
Ông nghè ông cống cũng nằm co,
vì tôi không có cái ước mong mà Tú Xương mỉa mai hồi đầu thế kỉ 20 :
Chi bằng đi học làm thày phán,
Tối rượu sâm-banh, sáng sữa bò.
Tôi thắc mắc với cái chữ Nho, vì phần bào đồng ý với nhận xét của ông Dương Bá Trạc (1884-1944).
Nhắc lại là trong Tiếng gọi đàn (Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội 1925) ông viết :
[…]. Vả mô-phỏng của người mà lại cần phải có tự ý mình suy nghĩ ra : như người Pháp học văn-chương La-mã mà lập ra được hẳn một nền văn-học riêng; người Nhật học chữ Hán mà chế ra được thứ chữ bình-giả , phiến-giả, làm một lối chữ hòa-văn riêng của mình [...]. [Người mình] Bắt chước người Tàu học chữ Hán mà trong khoảng mấy ngàn năm chỉ học nhờ viết mướn, không hề nghĩ ra được một thứ chữ quốc-văn nào, trừ ra có một thứ chữ nôm cũng viết bằng chữ Hán mà ai muốn viết thế nào thì viết, chưa thành lối chữ nhất định [...]
Cũng lạ là từ thời tự chủ (kể từ Ngô Quyền), có thể lúc đầu chưa nghĩ ra thứ chữ Nôm, nhưng từ đời Trần trở về sau, sao cứ tiếp tục dùng một thứ chữ mà đọc ra người Tàu không hiểu mà người Việt Nam nói chung cũng không hiểu? Phải chăng đây là một sự chủ ý của nhóm người (vua, quan, nho sĩ) muốn giữ đặc quyền cho giới của mình, cho đến tận cuối thế kỉ 19, kéo dài khoảng một nghìn năm? Lẽ ra khi có chữ Nôm rồi, nên cải tiến nó, tự dạng tuy khó, nhưng rõ ràng là quốc âm, đọc lên người mình ai cũng hiểu. Còn cái chữ Nho, đọc lên giữa người mình với nhau cũng phải dịch. Thời Pháp thuộc, ngưòi ta chế giễu tiếng Tây bồi (thí dụ câu: « luỷ gố cờ bớp, luỷ gá cờ bớp, luỷ vén mông tang, luỷ măng giê bớp » của anh làm công tả con hổ với chủ Pháp), nhưng đọc lên người Pháp còn mang máng hiểu được, chứ chữ Nho đọc lên, người Trung quốc bất cứ địa phương nào cũng không hiểu được; ta giao dịch với họ phải « bút đàm ». Học hành, thi cử, sách vở, văn bản, pháp lệnh, vv. đều dùng thứ chữ Nho như vậy, làm sao mà nền học thuật nước nhà phát triển và tiến triển được cao? Nói thêm là tôi trân trọng đối với các tác phẩm chữ Hán của tổ tiên ta, cũng như tôi trân trọng đối với những tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài của người Việt Nam. Tôi chỉ thắc mắc về việc dùng chữ Nho làm thứ chữ chính thức của Nhà nước độc lập trong gần mười thế kỉ.
Sau một thời gian quá độ (giấy khai sinh của tôi còn mang cả chữ quốc ngữ và chữ Nôm, may mà không còn là chữ Nho), phải đến 1945 với nền Dân chủ Cộng hoà, thì chữ quốc ngữ mới chính thức là thứ chữ của nước nhà, và tinh thần độc lập có lẽ mới thật hoàn chỉnh. Nhưng « hiện tượng chữ Nho » dường như còn ngấp nghé. Không phải là tôi muốn nói tới cái thiện ý của một vài nhà giáo dục muốn lập lại việc dạy chữ Nho (chứ không phải là dạy Trung văn) trong trường Trung học với lý do là để việc học Việt văn được vững, mặc dù theo ý tôi việc đó vô ích vì khi học Việt văn, nếu cần chỉ nên giải thích nghĩa gốc mà không cần học tự dạng (thí dụ giải thích chữ « đại » có nghĩa là « to » mà cũng có thể có nghĩa là « thay thế » vv. là đủ, không cần phải biết cách viết của các chữ đó như thế nào); việc học chữ Nho nên để dành cho những người học chuyên môn cao trong ngành Hán học. Điều tôi muốn nói là: nên tránh những môn học mà nội dung vô ích, chỉ tồn tại dường như để bảo vệ quyền lợi của một thiểu số, phần nào giống như việc dùng chữ Nho thuở trước, mà tác dụng lại không bằng. Vì như vậy không thuận lợi cho nền học thuật nước nhà. Đó là điều tôi liên tưởng, khi thoáng nghĩ tới chữ Nho.
Nhân dịp Tết, thay vì « cung chúc tân niên », tôi xin « chúc mừng năm mới ».
***********
Tài liệu 3.3
[Trích mấy đoạn trong cuốn sách « Chuyện gia đình và ngoài đời » của Bùi Trọng Liễu.] :
Nhắc lại cách sấp xếp trong thi cử thuở xưa, (nói chung qua các triều đại, tuy có thay đổi ít nhiều) thì các tiến sĩ khi đỗ được xếp hạng như sau :
- Nhất giáp tiến sĩ : đệ nhất danh (tên thứ nhất) là Trạng nguyên, đệ nhị danh (tên thứ hai) là Bảng nhãn, đệ tam danh (tên thứ ba) là Thám hoa.
- Nhị giáp tiến sĩ : xưa, tên thứ nhất là Hoàng giáp. Nhưng hình như sau này có lúc gọi chung (hay gọi lạm) tất cả những người đỗ nhị giáp.
- Tam giáp tiến sĩ : chỉ gọi là Tiến sĩ. Trong dân gian gọi chung là ông nghè. (Có thuyết cho rằng điện nhà vua có mái dài che hẳn ra quá sân, cái mái ấy gọi là « nghè ». Các tiến sĩ vào thi Đình, phải đứng ở đấy, đợi được tiến lên vua, nên gọi là ông nghè).
Có khoa thi, không ai đỗ nhất giáp, cũng có khoa không ai đỗ nhị giáp. Số người lấy đỗ cũng tuỳ khoa. Nhưng bất luận người đỗ « đầu khoa », dù được xếp ở « giáp » nào, cũng được gọi chung là « ... nguyên ». Cho nên đỗ đầu kỳ thi Hương (thi cử nhân) thì gọi là Giải nguyên, đỗ đầu kỳ thi Hội thì gọi là Hội nguyên (trường hợp của Nguyễn Như Đổ), đỗ đầu kỳ thi Đình thì gọi là Đình nguyên (trường hợp của Nguyễn Trực, hay của Lương Thế Vinh) . Nhưng cũng có khoa không có người đỗ nhất giáp, cũng không có người đỗ nhị giáp, cho nên Đình nguyên có thể là tam giáp tiến sĩ (trường hợp của Phan Đình Phùng; hay của tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến: tam nguyên bởi vì đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình). Thời triều Nguyễn, còn có thêm cả xếp hạng phó Bảng, nghĩa là những người đỗ thi Hội, nhưng không đủ điểm để vào thi Đình để đỗ tiến sĩ. Thế rồi thói thường hay gọi lạm: bỏ chữ « phó » đi mà chỉ gọi là ông Bảng, nhập nhằng để người khác có thể hiểu lầm với Bảng nhãn. Năm 1484, đổi Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa làm Tiến sĩ cập đệ, chính bảng làm Tiến sĩ xuất thân, phụ bảng làm Đồng tiến sĩ xuất thân. Triều Nguyễn không đặt Trạng nguyên.
[...]
Những lời xấu về vài ông nghè thuở xưa thì cũng đủ loại:
Phạm Đình Hổ (1768-1839) kể trong cuốn Vũ Trung tuỳ bút của ông (có bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến) mấy câu chuyện về thi cử, với sự nghi ngờ là có người đỗ không xứng đáng. Tôi xin tóm tắt vài đoạn ông kể:
Thời đó, người ta đồn là ông Nguyễn Hoãn, khi đi thi tiến sĩ, bài văn sách là do bài của sáu văn sĩ làm giúp cho trước. Lời đồn kể rằng vì thuở ấy bố ông Nguyễn Hoãn, là Phong quận công Hiệu đang làm Tham tụng (nghiã là Tể tướng), quyền to, các quan khác đều sợ. Khi ấy có một ông quan bị khiển trách, phải bãi chức. Một hôm, ông này được triệu vào tướng phủ, nhưng ngồi đợi lâu ở nhà trong mà không được yết kiến. Ngồi mãi, không có gì làm, ông ta chợt thấy trên kỷ có một đầu đề văn sách, mở ra xem đọc đi đọc lại thuộc hết cả. Suốt ngày được kẻ hầu người hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều ra về mà vẫn không thấy quan Tham tụng hỏi đến, không hiểu ra sao. Đến khi phủ chúa (chúa Trịnh) triệu tập các quan văn thần vào soạn đề thi, thì ông quan ấy cũng được triệu vào, ông ta liền đề nghị cái đầu đề văn sách đọc được bữa trước trong tướng phủ. Khoa ấy, ông Nguyễn Hoãn đỗ Hội nguyên.
Phạm Đình Hổ vốn là người đi thi nhiều lần không đỗ, có lẽ ông ta sợ người ta cho là ganh tị, nên ông ta cũng phần nào dè dặt một chút trong lời phê bình, vì thế nên khi kể chuyện trên, ông ta thận trọng viết thêm rằng chuyện này cũng giống một chuyện tương tự xảy ra ở bên Tàu thưở trước, « ý chừng là có kẻ hiếu sự bày đặt ra mà thôi ». Nhưng có lẽ ông không nín được, nên lại kể:
Vào khoảng năm Giáp Thìn (1784-85) đời Cảnh Hưng, ông ra học ở kinh thành. Thuở ấy, cứ mỗi tháng thì có một buổi bình văn ở nhà Quốc học (nhà Giám) cho học trò . Ông theo các bậc cha anh vào xem. Các buổi bình văn này rất long trọng, có sự tham dự của nhiều quan to, xưa thi đỗ cao, hiện đang giữ những chức vụ quan trọng như Thái phó quận công Nguyễn Hoãn, hành Tham tụng Bùi Huy Bích (1744-1818, đậu hoàng giáp năm 1769), và nhiều vị tiến sĩ khác. Khi bình các quyển văn, hay hay dở, được hay bỏ, thì chỉ thấy Bùi Huy Bích quyết định, và các người khác bàn bạc cân nhắc, còn Nguyễn Hoãn thì nín lặng chẳng nói câu nào, chỉ thỉnh thoảng cười hi hi. Hỏi thầm người quen, thì ai cũng cười không nói, sau hỏi mãi mới có người bảo rằng: ông ta (chỉ Nguyễn Hoãn) khi tuổi trẻ, vì là con quan tể tướng, khi đỗ hương nguyên và đỗ hội nguyên, văn hai kỳ thi ấy đều không phải tự ông ta làm ra.
Phạm Đình Hổ lại kể chuyện ông nghè Võ Huy Dĩnh:
Bà chính phi chúa Trịnh có người em trai tên là Mậu Dĩnh, học hành tầm thường, nhưng bà ta muốn cho thi đỗ. Đến kỳ thi Hội, bà ta dặn kín người lại phòng đánh dấu quyển thi của Mậu Dĩnh, rồi lại dặn kín quan chấm thi là phải để ý tâng bốc cho quyển đó, còn nếu kém quá không xếp vào hạng đỗ được ngay thì đợi khi có chỉ của chúa mở rộng đường cầu hiền, thì đem quyển ấy dâng trình. Đến khi chấm thi xong, Mậu Dĩnh không trong đám người được lấy đỗ, bà phi mới xin với chúa rằng : Nếu việc thi cử mà cứ lấy mực thước làm hạn, sợ không được rộng; xin chúa cho đem những quyển văn chương uẩn súc đem tiến trình cả, để bà ta rút lấy một quyển cho rộng đường cầu lấy nhân tài. Chúa nể bà phi, nên bảo đem quyển lên trình cho bà phi rút; bà ta nhắm quyển đã đánh dấu mà rút. Đến khi yết bảng người đỗ, thì té ra là Võ Huy Dĩnh được đỗ. Bà phi lấy làm lạ, mới hỏi người lại phòng, thì người này thưa rằng : khi được bà ta dặn, người ấy tâm thần hoang mang, chỉ nhớ tên dặn là Dĩnh, không ngờ lại hoá ra lầm lẫn.
Chuyện đồn có đáng tin hay không?
Và tệ hơn cả là câu chuyện « Mẹo lừa » mà Phạm Đình Hổ cũng kể trong cuốn Vũ Trung tuỳ bút của ông : Khoa thi Hội năm Nhâm Thìn, đời Cảnh Hưng (1772), kỳ thi đã xong, nhưng chưa yết bảng. Khi ấy có một mụ già vào chi một nhà giàu ở phố Hàng Chiếu. Nhân nói chuyện đến khoa thi hội năm nay, mụ nói có quen một ông được lấy đỗ, nay mai sẽ là một quan tiến sỹ tân khoa. Chủ nhân mới hỏi quan tân khoa chừng bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu. Mụ nói rõ cả, và cho biết quan tân khoa nghèo, chưa có vợ. Chủ nhân có ý ham, nói với mụ rằng y có một đứa con gái, xin mụ đứng ra làm mối, thì bao nhiêu tiền phí tổn lúc vinh qui, quan nghè tân khoa không phải lo gì cả, y sẽ cáng thay. Mụ làm ra bộ khó khăn, đi lại nhiều lần, cuối cùng mới mời quan tân khoa đến chơi nhà giàu ấy để xem mặt người con gái. Chủ nhân liền mời quan tân khoa nghỉ lại một đêm, và cho con gái ra yết kiến. Mụ mối xui giục chủ nhân cho cô ta tiếp quan tân khoa « cùng ngủ », hẹn rằng sau khi yết bảng đỗ rồi thì sẽ làm lễ cưới. Sáng hôm sau, quan tân khoa xin cáo từ, chủ nhân tặng cho rất hậu. Từ đó, chủ nhân chỉ trang sức cho con gái, đợi ngày nghênh hôn. Đến khi yết bảng xong rồi, thì mất tăm chẳng thấy mụ già đến nữa. Chủ nhân liền sai người đi dò các quan tân khoa tiến sĩ; không có người nào là anh chàng ngủ đêm hôm trước cả. Lúc ấy mới biết mình bị lừa ...
Tôi cũng nhớ thuở nhỏ có đọc được bài thơ này (không rõ xuất xứ) :
Em là con gái đồng trinh,
Em đi bán rượu qua dinh quan nghè,
Quan nghè cho lính ra ve,
Em lạy quan nghè em đã có con,
Có con thì mặc có con,
Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan!
Rồi ngày nay, tôi đôi khi không khỏi liên tưởng đến mấy câu thơ (vịnh tiến sĩ giấy, tức là hình ông nghè bằng giấy để bày chơi ngày tết Trung thu) của Nguyễn Khuyến :
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai !
[...]
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét