24/11/08

Chung quanh việc Học. Phần 2

Chung quanh việc Học.



Phần 2



Về sự học giỏi, trí thông minh và nhân tài



Kể từ ngày Cách mạng Tháng tám thành công, mặc dù phải trải qua hai cuộc kháng chiến, giáo dục đào tạo ở ta có lúc được coi là đã đạt được những thành quả lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thiết tưởng cũng nên cố gắng có một số nhận xét khách quan, để rồi có thể tiếp tục có những bước tiến vững chắc.

Về mặt trí tuệ, tương đối khó đo lường, tôi thiết tưởng, không phải là tự ti khi chủ trương, trong cách đánh giá, nên « nhìn lên » (tìm cái hay nơi người khác để vươn lên bằng hay hơn người ta) chứ đừng « nhìn xuống » (tìm cái dở nơi người khác để tự phụ rằng mình ít nhất cũng hơn được loại người đó). Vấn đề là ở chỗ khi mình đã có sẵn một số tiềm năng, không nên tự mãn, mà nên tìm cách tổ chức sao cho những tiềm năng đó được phát huy và đưa đến những kết quả thực sự.

1.- Một số người Việt Nam rất tự hào về tính hiếu học của người mình. Thậm chí, còn khẳng định rằng người mình « hơn người nơi khác » trên điểm đó, vì lẽ con em mình học hành ngoan ngoãn, chăm chỉ. Tôi không hoàn toàn chia sẻ thái độ ấy, vì việc học cần được phân tích trên nhiều khía cạnh và mức độ. Sự hiếu học được quan niệm là sự ham muốn trau dồi hiểu biết, hay là sự cặm cụi học mong thi đỗ để được hiển đạt ? Nêu thử xem thí dụ ở Paris, hiện có hai cơ sở dành cho sự trau dồi hiểu biết thêm : « Université inter-âges » (Đại học cho mọi tuổi), « Université de tous les savoirs » (Đại học của mọi sự hiểu biết), do các đại học chính thức tổ chức, có các lớp mở vào buổi tối, cho các ông bà cao tuổi, đã về hưu, cho những ai muốn học hỏi thêm cho biết, mà chẳng có thi cử, phát bằng cấp gì cả, mặc dù phải đóng học phí. Không biết đó có phải là dấu hiệu của sự thua kém của người nước này trong sự hiếu học không, nhưng không thấy người nơi đây tự ti hay khoe sự hiếu học của họ .

2.- Rồi những người [Việt Nam rất tự hào về tính hiếu học của người mình] đó - tất nhiên là có cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài - cũng rất tự hào về sự học giỏi của người mình. Theo họ, « học giỏi » có nghĩa là đứng đầu lớp, đi thi đua, thi quốc tế giật được giải nhất nhì, đi thi tuyển lọt được vào các trường lớn, vv., (hàm ý việc có « các thày ngồi trên » ra đầu bài cho mà tìm lời đáp: người thi muốn được xếp hạng cao cần một sự hiểu nhanh, đón được ý của người hỏi, thuộc sách và trả bài đúng); hoặc « học giỏi » là biết học dàn hàng ngang, môn này một chút môn kia một chút, nhiều bằng cấp khác nhau chừng nào thích chừng nấy ; hoặc cao siêu hơn nữa thì đánh giá nhau qua « sự thông thái qua sự thuộc sách, dẫn sách, dẫn tư tưởng của người khác » - doctus cum libro, như tôi đã có dịp viết. Họ đánh giá sự thành công của một số học sinh ta ra nước ngoài học đạt kết quả là « hơn cả người bản xứ ». Thậm chí họ còn muốn gắn quan niệm « học giỏi » này với một định nghĩa của « bản tính thông minh » của người mình. Theo tôi, hình như quan niệm này về sự « thông minh » đã có từ lâu đời ở ta, dựa trên sự cao thấp tương đối. Tôi không phủ nhận hoàn toàn quan niệm đó, vì mặt nào nó cũng dựa trên một số tiêu chuẩn tương đối khách quan và công bằng trong cách đánh giá ; nhưng theo tôi nó khiếm khuyết, nó cần được xem lại và được bổ sung. Thuở xưa, khi xã hội Việt Nam khép kín, cuộc thi đua lựa chọn, chẳng qua là « ở nhà, nhất mẹ nhì con ». Tưởng rằng trong một xã hội khép kín như vậy, chỉ có vấn đề « ngôi thứ, chiếu trên chiếu dưới » thôi; thế mà hậu quả cũng đã là xã hội Việt Nam chậm tiến so với nhiều xã hội khác, « ra đường còn lắm kẻ giòn hơn ta »; và vì vậy đã một thời mất độc lập tự chủ (như hồi thế kỉ 19).

Về vấn đề du học sinh Việt Nam, tạm bỏ sang một bên những trường hợp thất bại mà chỉ xét những trường hợp thành đạt thôi đã. Tất nhiên, tôi luôn luôn vui mừng trước sự thành đạt của con em người mình, nhưng ta cũng nên đánh giá cho đúng mức. Tôi xin nhắc câu chuyện « Quất chua », như một [phản]-thí dụ:

Án Tử nước Tề, đi sứ sang nước Sở. Vua Sở muốn làm nhục, sai lính giả trói người mang đến trước tiệc ; lính thưa rằng đó là người Tề ngụ cư ở Sở, vì ăn trộm nên bị bắt. Vua Sở bảo Án Tử: « Người Tề hay trộm cắp lắm nhỉ ». Án Tử đứng dậy thưa rằng: « Quất ở đất Hoài Nam là quất ngọt, đem sang giồng ở Hoài Bắc thì thành quất chua; người Tề ở Tề thì lương thiện, sang Sở thì thành trộm cắp, thế là tại thuỷ thổ mà biến ra ».

Vậy thì con em mình, khi ở trong nước, việc học không đạt, ra ngoài thì thành công, phải chăng cũng là do việc tổ chức giáo dục đào tạo của nước người ta tốt hơn, chứ đâu chỉ do tài học của con em mình !

Lại liên tưởng đến sự tự mãn về việc một số con em mình thi đua đạt giải « hơn » người nước ngoài, trong khi ta không nhìn thấy số còn lại học hành thất bại. Tôi nhớ đến câu chuyện cổ tích « đua ngựa » mà cả phương tây và phương đông đều có. Xin nhắc ở đây « bản » Trung quốc của chuyện « đua ngựa » này:

Thời Chiến quốc (trong chuyện Tôn Tẫn, Bàng Quyên), vua Tề và tướng Điền Kỵ đua ngựa, theo lệ đua ba « lượt ». Mỗi lượt thắng thì được cuộc ngàn vàng. Tôn Tẫn bày mưu cho Điền Kỵ: đem ngựa hạng 3 của mình đua với ngựa hạng nhất của vua; rồi đem ngựa hạng nhất của mình để thắng ngựa hạng 2 của vua; và đem ngựa hạng 2 của mình để thắng ngựa hạng 3 của vua; như vậy là tuy thua « lượt » đầu, nhưng thắng hai « lượt » sau.

Thế mới là mưu khôn. Còn nếu chỉ mới so sánh con em hạng nhất của mình với con em hạng thường của người ta, sao đã ngỡ là ta hơn người ? Có lẽ ta chỉ nên khiêm tốn nhận định rằng ta cũng có khả năng học như người nơi khác, họ có thể thành đạt thì ta cũng có thể thành đạt.

Ngày nay, trong khung cảnh toàn cầu hoá, lại càng cần thiết xem lại xem cái định nghĩa « thông minh » kiểu nói trên có phù hợp không.

3.- Trong một xã hội đang trên đà tiến triển, nhu cầu cần giải đáp các vấn đề nảy sinh, làm cho việc tìm tòi, nghiên cứu, trở nên quan trọng : phải biết đón trước những vấn đề cần được nêu ra, và biết mang lại lời giải cho những vấn đề đó hoặc những vấn đề còn bỏ ngỏ (tất nhiên hiểu theo nghĩa là mang lại những lời giải mới, trước đó chưa ai mang lại). Biết tìm ra giải đáp cho các loại vấn đề nêu trên - cũng như khả năng sáng tác - là một dạng « thông minh » khác. Nó nằm bên ngoài nhu cầu xếp ngôi thứ kiểu học trò; nó là dạng « thông minh » trưởng thành. Dùng danh « học giỏi » ở mức độ này, có thể không phù hợp nữa. Nó đã chuyển sang cái quan niệm « nhân tài » mà ngày nay thường hay nghe nói; thế mà « nhân tài » là gì thì dường như ở ta chưa thấy mấy ai định nghĩa. Nhưng qua một số người Việt Nam phát biểu, trong nước cũng như ngoài nước, cảm tưởng của tôi là họ quan niệm nhân tài là những người « học giỏi » theo nghĩa nói trên, và hơn thế nữa, là những người có bằng cấp và danh hiệu, (đồng thời lại có hiện tượng hiểu sai bằng cấp, danh hiệu, chức vụ của nơi khác trên thế giới). Tôi thì nghĩ khác. Tôi muốn thử không đặt vấn đề « nhân tài », mà đặt vấn đề người « biết việc », bởi vì theo tôi, ở mức độ cả nước, không nên đặt vấn đề danh hão, mà nên đặt vấn đề đào tạo sao cho có những người có khả năng thực sự để đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong mọi ngành nghề, trong mọi cấp bậc. Và cũng vì thế mà khi đặt vấn đề đào tạo người « biết việc », tôi không chỉ nghĩ đến học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh « giỏi » theo nghĩa thi đua với nhau, mà nghĩ cả đến đội ngũ những người nghiên cứu, các nhà giáo có khả năng phù hợp, và nghĩ đến quan niệm về giáo dục đào tạo, nghĩ đến cách tổ chức các trường, các ngành... nữa.

4.- Lại nói thêm về vấn đề « nhân tài ». Hiện nay, xem chừng như có sự tiếm xưng, tự tôn vinh hay tôn vinh quá đáng, gây ra một sự lẫn lộn không lành mạnh. Khởi thuỷ là một sự hiểu sai thông tin. Trong một khoảng thời gian mấy chục năm, tổ chức việc học đại học và cơ sở nghiên cứu của ta chịu ảnh hưởng của Liên Xô. Theo cách tổ chức đó, vai trò của Viện Hàn lâm rất lớn, bao gộp hầu hết các viện nghiên cứu, và do một số thành tựu khoa học thuở đó của Liên Xô, danh hiệu viện sĩ được một số người Việt Nam chiêm ngưỡng, nhất là khi danh hiệu này có trọng lượng trong lĩnh vực quản lý khoa học và có kèm theo những ưu đãi vật chất. Gần đây, khi nước nhà đổi mới, mở cửa ra quốc tế, một số nhà khoa học Việt Nam có dịp tiếp xúc với Mỹ và Tây Âu, đã gặp loáng thoáng loại danh từ tương tự, nên đã xảy ra một sự ngộ nhận. Academy (tiếng Mỹ), Académie (tiếng Pháp) bị một số người hiểu lầm là Viện Hàn lâm Quốc gia trong bất cứ trường hợp nào; trong khi đó từ này có thể là tên gọi của một hội khoa học tư, đóng một số tiền thì có thể gia nhập, như New York Academy of Sciences; hoặc có nghĩa là nơi mà người ta hành một thuật, một trò giải trí như Académie Equitation Western (cưỡi ngựa kiểu cao bồi), Académie de billard (trò chơi bi-a), tất nhiên người gia nhập không thể gọi là viện sĩ được. Từ sự ngộ nhận, nghe nói đã có trường hợp tiến tới sự nhập nhằng tiếm xưng và được tôn vinh. Trong một vài bài báo từ năm 1999, cũng như một số người khác, tôi có báo động việc này, nhưng có lẽ không mấy ai chú ý.



Năm 2000, gặp lúc nêu vấn đề có nên thành lập Viện Hàn lâm ở Việt Nam không, tôi cũng có viết thư kiến nghị và sau đó ít lâu, tôi có viết một bài báo đăng trong mục Nhịp cầu của báo Nông Nghiệp Việt Nam 29/11/2001, nguyên văn như sau :

Một viện Hàn lâm khoa học lúc này ở Việt Nam ?

Tôi nghe nói là có một dự án trong nước, muốn thành lập Viện Hàn lâm khoa học lúc này. Quyết định nên hay không nên, theo ý tôi , tuỳ thuộc 3 câu hỏi sau đây:

Lập Viện Hàn lâm để làm gì? Lập theo kiểu nào? Thời điểm có thuận lợi hay không?

- a/ Để có thể đề cập đến câu hỏi 1, trước hết phải đề cập đến câu hỏi 2. Có Viện Hàn lâm theo kiểu phương Tây, và có Viện Hàn lâm theo kiểu Liên Xô [nghĩa là kiểu phương Tây cộng thêm các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm trực thuộc].

- b/ Nói một cách tóm tắt, một Viện Hàn lâm [kiểu phương Tây] nếu có, đóng vai trò « kiểm định và tư vấn » : để định các chuẩn, để thẩm định các vấn đề khoa học kỹ thuật, phân biệt cái thực cái rởm, để có ý kiến khi nhà cầm quyền hỏi ý, để báo động trước dư luận trên các vấn đề lớn vv. [Nhưng khó có thể gán cho Viện Hàn lâm một vai trò « hướng đạo », bởi vì cái gì mới mẻ, thường mang tính chất « ngoại đạo », do đó khó có thể chờ đợi ở một cơ sở như Viện Hàn lâm một vai trò luôn luôn tiên phong được]. Trong khi đó thì một Viện Hàn lâm kiểu Liên Xô, với các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm trực thuộc, đương nhiên trở thành « vừa là người trọng tài, vừa là người đá bóng »: vì có sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm của mình, luôn luôn có nguy cơ kéo bè phái, giành giật ngân quĩ, gây ảnh hưởng ; nhất là khi quá phụ thuộc vào ngân quĩ nhà nước, Viện Hàn lâm sẽ mất tính độc lập về khoa học, và dễ bị sức ép lạc hướng [trường hợp của Lyssenko là một thí dụ].

- c/ Những lý luận kể trên, dù là tóm tắt, là những lý luận « bình thường » dựa trên lợi ích của xã hội. Trong một tình trạng khoa học kỹ thuật và một tình trạng xã hội chưa hoàn toàn bình thường, nguy cơ lý luận dựa trên lợi ích cá nhân tất nhiên tồn tại: tất có người cần danh hiệu [tuy ta đã có nhiều công cụ để tôn vinh: danh hiệu « anh hùng », « nhà giáo nhân dân », huân huy chương, giải thưởng Hồ Chí Minh, vv.], tất có người cần tiền [có cơ sở nghiên cứu, có phòng thí nghiệm thì mới có ngân quĩ], tất có người cần thế lực [có cơ sở thì mới có quân, có quân thì mới có thế lực...]. Không phải ai cũng lý luận theo lợi ích cá nhân, nhưng nguy cơ nói trên không thể coi nhẹ.

Ngoài ra, ở những nước đã phát triển mới có những trường hợp phát minh ra những vấn đề khoa học thật mới mẻ chưa ai hề biết, nên sự kiểm định mới đặt ra ở mức cao siêu. Còn tình hình của ta hiện nay, vấn đề mới mẻ về khoa học kỹ thuật chẳng qua mới chỉ là sự phù hợp hoá (dù là tinh vi) vào khung cảnh của mình những điều mà trên thế giới đã biết thực hư, cho nên chưa cần có một cơ sở như viện Hàn lâm. Thành lập một viện Hàn lâm đâu có phải chỉ để tôn vinh một số người « xứng đáng ». Vì vậy không nên vội vã.

Do đó, tôi thiết tưởng:

- Khoan khoan đợi cho tình hình giáo dục đào tạo, tình hình khoa học kỹ thuật được chấn chỉnh, tình hình xã hội nói chung được sáng sủa hơn đã, lúc đó sẽ nêu lại vấn đề thành lập một viện Hàn lâm. Đó là thượng kế.

- Thảng hoặc, nếu vì những lý do gì đó mà không cưỡng lại được việc thành lập một Viện Hàn lâm lúc này, thì nên lập theo kiểu phương Tây. Nó phù hợp hơn là một viện Hàn lâm kiểu khác. [Trong một khung cảnh toàn cầu hoá, ta cần một sự hội nhập, xin chớ viện cớ « độc đáo » của riêng ta, mà rồi thành lạc lõng so với sự phát triển khoa học toàn cầu]. Đó là trung kế.

- Còn lập một viện Hàn lâm kiểu Liên Xô, mà chính ở các nước đang có người ta cũng than phiền, thì là hạ kế.

Tôi là người định cư ở nước ngoài, lại không phải là viện sĩ. Có thể có người hồ nghi lời tôi nói. Vì vậy, nên tìm hỏi ý một vài nhà khoa học lão thành nào đó trong nước, vô tư, khách quan, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo và nền khoa học nước nhà, để có những quyết định tỉnh táo và chuẩn xác.

Nhưng cũng không chỉ có vấn đề danh hiệu viện sĩ. Thí dụ như có sự hiểu nhầm về Post-doctorate, (gọi tắt là Postdoc), do dịch nguyên văn là hậu tiến sĩ, bị vài người hiểu nhầm là một học vị siêu tiến sĩ ; thực ra đó không phải là một học vị, mà là một giai đoạn, đôi khi là một cách cho một số người có bằng tiến sĩ làm nghiên cứu thêm trong khi chờ đợi được chức vụ trong giáo giới hay được một công việc làm ăn gì ổn định (có những người tiến sĩ trội hơn hay may mắn hơn, trở thành giáo sư mà không cần phải qua Postdoc). Một thí dụ khác về sự ngộ nhận : một vài người Việt Nam khi được nhà xuất bản (ngoại quốc) loại tập « danh sách danh nhân » dụ dỗ nếu đóng một số tiền thì họ sẽ đăng tên trong danh sách này, đã ngỡ rằng thực mình đã thành danh nhân thế giới.


Có những người khắt khe, coi tất cả những trường hợp ngộ nhận là do trí trá. Nhưng tôi thì luôn luôn có ý muốn « giảm khinh » (nghĩa là « giảm nhẹ ») có lẽ vì tôi bị ảnh hưởng của câu chuyện ngụ ngôn thuở nhỏ học trong một cuốn giáo khoa thư, mang máng nhớ như sau :

Có một bác nông dân, ra tỉnh, vào một hàng kính, hỏi mua một cặp kính trắng. Chủ hiệu đưa cho bác một trang sách để bác thử đọc. Bác thử tất cả các cặp kính của hiệu mà vẫn không vừa lòng. Chủ hiệu đâm nghi hỏi: « Thế bác đã biết đọc chưa đã ? ». Bác ta nổi giận gắt lên : « Nếu tôi biết đọc rồi, thì tôi đi mua kính làm gì! ». Té ra bác ấy thấy mấy người già đọc sách thường đeo kính, nên ngỡ rằng cứ đeo kính lên thì đọc được chữ mà chẳng cần phải học.

Chỉ vì quá trọng cái vỏ bên ngoài nên mới hiểu sai, đánh giá sai.

5.- Bên cạnh sự hiểu sai thông tin, lại có hiện tượng dẫn bằng cấp để tôn vinh. Tôi xin được bày tỏ ý kiến của tôi như sau :

Đối với bằng cấp, có mấy thái độ cực đoan. Có người dẫn việc « học để biết, chứ không phải để lấy bằng » để chứng minh rằng chẳng cần bằng cấp làm gì. Thậm chí, có người còn dẫn cả thí dụ Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ nguyên Giáp [chưa từng học trường võ bị nào]. Tôi thiết tưởng, ai làm nên sự nghiệp lớn thì đó là vĩ nhân, độc lập với bằng cấp. Về trường hợp Hồ Chủ tịch, là sự tự học hỏi ở « trường đời ». Tôi còn nhớ học giả Hoàng Xuân Hãn, ở Pháp vào những năm cuối đời mình, đã mấy lần tâm sự với tôi: vào thời điểm 1945, nếu không phải là Hồ Chủ tịch, với sự hiểu biết lịch lãm về tình hình thế giới và việc đời, và với tài ba ứng xử, thì không biết nước mình đi vào đâu... Nhận xét này ở miệng một nhà trí thức, một sử gia, mang một ý nghĩa về chữ « Học ». Về trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xin cho tôi được nhắc lại hai câu đầu bài thơ tôi tặng ông (bài thơ đã được nhắc đến trong lúc mở đầu cuốn phim « Cây cao bóng cả » chiếu trên kênh vô tuyến truyền hình VTV3 vào dịp mừng thọ ông 90 tuổi):

Trời Nam đâu được mấy ai,

Thư sinh mà lại sẵn tài lược thao.

Đó là tôi cũng muốn nói đến việc người « thư sinh » này thuở còn trong trường đại học, có nghe bài giảng quân sự nào đâu. Trong trường hợp này, việc học là do sự tự tìm tòi hiểu biết và nghiền ngẫm.

Nhưng trong một xã hội, đâu có phải toàn vĩ nhân cả! Tôi thiết tưởng cái hay của một nền giáo dục đào tạo là : trong một xã hội « bình thường » (ở đây, « bình thường » không phải là « tầm thường », mà nghĩa là « lành mạnh »), giáo dục được những con người « bình thường » thành những công dân « bình thường », đào tạo họ thành những con ngưòi « biết việc », đảm nhiệm tốt những công việc « bình thường ». Đối với những người không có điều kiện đi học ở trường và đi thi, thì ai dám trách là không có bằng cấp? Còn những người có điều kiện đi học và có điều kiện đi thi, mà không có bằng cấp, thì nên an phận đừng viện cớ để tự biện minh.

Nay tôi muốn nói đến cái thái cực thứ hai, là sự tôn vinh quá đáng. Sự tôn vinh này có thể do ở sự ngay thật, không biết, mà ra. Xin nêu ở đây một thí dụ. Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441- ?) mà tài liệu xưa nói là tác giả sách Đại thành toán pháp, và (theo cuốn Từ điển văn hoá Việt Nam 1993): các thế hệ đời sau nói là ông đã lập chí hướng để trở thành « thần cơ diệu toán vạn niên sư ». Tôi không có khả năng để đọc cuốn Đại thành toán pháp (còn có một bản mang tên Toán pháp đại thành), nhưng cách đây hai năm trong một xê-mi-na ở Đại học Paris, một nhà nghiên cứu ngoại quốc về môn Sử Toán học có thuyết trình về cuốn sách này mà ông ta đã đọc cả 2 bản. Theo ông ta, con số « pi » [dùng để tính chu vi và diện tích vòng tròn] trong cuốn sách là con số 3. Tôi xin nhắc lại về con số « pi » này: với người xứ Babylone dùng bốn nghìn năm trước đây là khoảng 3,1 ; với nhà bác học Archimède (Ac-ki-mê-đét người Hy Lạp, thế kỉ thứ ba trước Tây lịch) là khoảng 3,14 ; với nhà toán học Ấn Độ Aryabhatta thế kỉ thứ năm, là khoảng 3,1416 ; cũng như với mấy nhà toán học Trung quốc thuở xưa... Dùng con số 3 ở thế kỉ 15, không thể gọi là chính xác lắm. Nhưng cũng phải nói rằng trước ông Lương Thế Vinh, khi nhà Minh xâm chiếm nước ta (1414-1427), họ áp dụng chính sách đồng hóa và ngu dân, bao nhiêu sách ở ta đều bị họ thu nhặt đem về Tàu hoặc đốt đi. Có lẽ là dưới triều vua Lê Thánh tông mới tìm thu thập lại sách cổ ; cuốn sách của Lương Thế Vinh ra đời trong khung cảnh đó, nên cũng đáng được trân trọng. Nhưng danh hiệu « thần cơ diệu toán » xét ra cũng chỉ là tương đối nội bộ, còn « vạn niên sư » thì người tôn xưng có lẽ không có ý khuyến khích kẻ hậu sinh tiến nhanh hơn bậc tiền bối.

Gần đây hơn, khi Cách mạng Tháng tám thành công, khi nền Dân chủ Cộng hoà thành lập, và tiếp theo đó là hai cuộc kháng chiến kéo dài ba mươi năm, đã phải xây dựng một nền giáo dục đào tạo, một nền khoa học, học thuật, hầu như « từ không cho đến có ». Trong đám người đảm nhiệm trọng trách này, trừ vài trường hợp hiếm hoi của vài vị thật sự đã có điều kiện học đỗ bậc đại khoa, còn lại các vị các vị thường là những người chưa thật sự đỗ được bằng cấp cao, ngay cả trong số người đã du học ở nước ngoài. Nhưng mấy vị đó thuộc loại người mà tôi xin mượn hai câu Lục Vân Tiên để tả:

Biết đâu chùa rách phật vàng,

Ai hay trong quán ẩn tàng kinh luân.

Đó là buổi « thời thế tạo anh hùng » mà làm nên sự nghiệp. Tất nhiên chúng ta phải trân trọng, và ghi nhớ công lao. Ở đây, ý tôi muốn phát biểu là nên đánh giá con người qua thành quả của công việc, chứ người viết tiểu sử đừng nên « đi thêm một bước » nữa là : vì có thành quả nên phải tạo ra một quá khứ vinh quang về học giỏi, về học vị lớn và chức vụ quan trọng trước đó để đề cao. Cũng có vài trường hợp tự tôn vinh, kiểu báo cáo thành tích, thực ít, hư nhiều, có lẽ vì xu thế của xã hội như vậy, phải là người có bản lĩnh lớn mới tránh được.


Còn ngày nay, đất nước đã an bình, mọi việc trên nguyên tắc đều đi vào chính qui. Thiết tưởng nền tảng của giáo dục đào tạo nên dựa trên những mục tiêu ích lợi chung, chứ đừng nên dựa trên những mục tiêu tôn vinh cá nhân. Bằng cấp đặt ra là để đánh giá mức học hành hiểu biết, không phải để khoe mẽ. Hoặc như muốn trọng vọng bằng cấp một cách thẳng thắn, thì nên bắt chước ông Phùng Khắc Khoan (1528-1613) : ông đã làm quan to rồi mà còn trở lại đi thi để rồi đỗ Hoàng giáp (năm 1580) mới thoả. [Ông được người đương thời trọng vọng, trong dân gian thường gọi ông là « Trạng Bùng », nhưng kỳ thật ra ông không đỗ Trạng nguyên mà chỉ đỗ nhị giáp tiến sĩ như vừa nói trên]. Một xã hội mà trong đó vài người « bình thường » đã được coi là « xuất chúng », thì đã không lành mạnh ; nếu người chưa đạt tới mức độ « bình thường » cũng coi là « xuất chúng » thì mối nguy đã ngấp nghé. Bởi vì đó là một cách vô tình góp phần tạo môi trường cho những bằng cấp rởm và danh hiệu rởm nẩy nở, nhất là ngày nay cũng không áp đặt được những biện pháp như thời Lê mạt : năm 1751, việc thi ở các trường nhiều gian lận, công nhiên nhờ cậy nhau lấy đỗ, dư luận xôn xao ; chúa Trịnh Doanh giận, bắt cống sĩ thi lại ở bãi sông, đánh trượt quá nửa.

Quá tôn vinh bằng cấp, đã là một việc không hay. Tôn vinh chức danh, lại càng không hay.

6.- Lại liên tưởng đến vấn đề « vai, vế » . Xưa kia, thời phong kiến, triều đình vua chúa ta đã có sự phân biệt rạch ròi giữa « chức, tước, phẩm, hàm ». Theo tôi hiểu thì: a) Phong « chức », có nghĩa là trao cho nhiệm vụ để làm việc (Tể tướng, Thượng thư, Thị lang vv. thuở xưa là những chức). b) Phong « tước » là để thưởng công, thí dụ như có công lao như dẹp giặc (công, hầu, bá, tử, nam, là 5 tước sau tước vương, vv.). Trên cụ thể, tuỳ theo tước cao hay thấp, người có tước được hưởng lộc, lấy thuế của một xã hay một vùng dân để tiêu dùng. c) « Phẩm » là để định thứ bậc cao thấp, không những vì lương nhiều hay ít, mà còn vấn đề « thứ tự lễ tân » nữa, thí dụ như khi đình đám, hội hè, ai đứng trước ai đứng sau (quan võ, quan văn, mà trong đám quan văn lại có quan bộ Lại, quan bộ Lễ, quan bộ Hình, vv...). d) Phong « hàm » là cho cái danh. Không những các quan lại ngày xưa có chức mà có thể có thêm hàm ; cũng có những người không có chức mà vẫn có hàm: thí dụ như trường hợp những người bỏ tiền ra để « mua » hàm, để có vai vế trong làng, khỏi phải đi phục dịch làm phu phen vv. Khi chính quyền phong hàm cho một số người, nhưng không trao chức cho họ, là vì biết họ không có khả năng làm việc. Sử còn khen Hưng Đạo vương về việc được vua Trần cho phép phong quan cho những nhà giàu góp tiền đánh giặc Nguyên, nhưng Hưng Đạo vương chỉ phong cho họ là « giả lang tướng » (nghĩa là ông tướng cho vay lương) thôi, chứ không trao cho chức thật. Thời nào mà để lẫn chức tước phẩm hàm với nhau, đem « chức » thưởng cho « người-có-công-nhưng-không-có-khả-năng-làm-việc » thì là loạn.

Còn « chiếu trên, chiếu dưới », ngoài nghĩa bóng còn có nghĩa đen. Thuở nhỏ tôi có thấy ở đình làng, hội họp ăn cỗ, thấy trải chiếu trên bục cao cho những người có vai vế, dần dần xuống thấp cho kẻ kém thế hơn. Đó cũng là một cách phô trương quyền lực. Lại liên tưởng tới chuyện Timur Leng (Tamerlan) tiếp sứ ở kinh đô Samarcande vào năm 1404. Năm đó, sứ thần của vua Henri III xứ Castille là Ruy Gonzales de Clavijo mang lễ vật đến cầu thân, được tiếp đón niềm nở. Cùng thời gian đó, một đoàn 800 lạc đà thồ hàng hoá từ Trung quốc tới, bị giam giữ ở Samarcande, và sứ thần Trung quốc An Chi Tao bị đối xử tệ. Sách kể rằng nghi lễ ở triều đình Samarcande cũng tương tự như ở các triều đình châu Âu lúc đó, nhưng trong các buổi tiệc, Timur Leng cho sứ thần Clavijo ngồi trên bục cao và bắt sứ thần An Chi Tao ngồi thấp hơn để làm nhục vua Vĩnh Lạc (Young Lo, nhà Minh), vì lúc đó Timur Leng đang dự tính thôn tính Trung quốc. Đây là thái độ ngoại giao, nó có lý do của nó. Còn nếu chỉ vì cái hư danh hão mà cài vào việc Học để toan tính cao thấp, thì không đáng.

7.- Vào một thời điểm mà sự ham muốn về danh vọng đang nở rộ, có lẽ cũng nên nhìn lại quá khứ xem tổ tiên ta thuở trước giải quyết vấn đề như thế nào. Vì thế nên tôi viết bài báo sau đây, đưa đăng trong mục Nhịp cầu, báo Nông Nghiệp Việt Nam, 15/4/2002, nguyên văn như sau :

Bán hàm

Một trong những vấn đề quan trọng nhất của giáo dục đào tạo là vấn đề « đúng tiêu chuẩn ». Nói một cách đơn giản, đó là vấn đề giữ sao cho bằng cấp đánh giá đúng được với khối lượng hiểu biết, danh hiệu đúng được với cấp bậc, chức vụ đúng được với khả năng làm việc. Thuở xưa ở nước ta, vào những thời thịnh, khi các tiêu chuẩn về việc học hành đào tạo giữ được đúng, thì dư luận tôn trọng kẻ sĩ ; vào thời suy vong, thì dư luận mỉa mai kẻ có hư danh mà không có thực học. Ngày nay, có lẽ là thời trước mắt đang thịnh về kinh tế, nhưng đồng thời dường như dư luận coi việc chấn chỉnh nền giáo dục đào tạo là việc bức xúc. Có những điều hiển nhiên dễ thấy như : nếu trao bằng y khoa bác sỹ cho người không đủ hiểu biết, thì chữa bệnh, giải phẫu, có thể chết người ; nếu trao bằng kỹ sư cho người không đủ hiểu biết, thì sụp cầu, vỡ đập, tai hoạ có thể xảy ra ... Nhưng cũng có những điều khó thấy hơn, tưởng như không quan hệ gì mấy, thật ra âm ỉ hơn, hậu quả lâu dài hơn, khó chữa hơn, mà duyên do cũng vẫn là vì không « đúng tiêu chuẩn ». Hiểu sai, lý luận sai, đạo lý sai, giải mã thông tin sai, chuyển giao hiểu biết sai ... rồi một ngày nào đó tất nhiên sẽ đưa đến những lựa chọn sai, quyết định sai, như đã từng thấy trong thế kỉ 19 ở ta.

Tôi không có ý định nói dông dài ; chỉ xin tập trung vào một khía cạnh của vấn đề : danh hiệu sai. Nếu danh hiệu chỉ là thứ áo mã, thì có lẽ không hại lắm. Nhưng trong một xã hội mà tiếng nói của người có « danh vọng trong nền học vấn » còn đang có trọng lượng lớn, « danh hiệu không đúng tiêu chuẩn » có tầm quan trọng của nó : chỉ phán « sai một li » là công việc có thể lệch « đi một dặm ». Thế mà « danh hiệu không đúng tiêu chuẩn » thì dường như đang nhởn nhơ đầy dãy, được coi như trò đùa trong thiên hạ. Nếu quả thật giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, nếu quả thật việc chấn chỉnh nền giáo dục đào tạo là việc bức xúc, thì song song với những khâu khác, thiết tưởng cũng nên có giải pháp giải quyết khâu này. Nhưng tìm ra được một giải pháp có hiệu quả, chắc là khó, vì hiện nay, đang nở rộ thời thượng tôn xưng, tiếm xưng, vinh phong... Nào là giáo sư viện sĩ, nào là giáo sư tiến sĩ, nào là danh nhân thế giới, danh hiệu thật, danh hiệu giả, vàng thau lẫn lộn.

Vì vậy tôi xin được luận một chút về kinh nghiệm người xưa.

Trong một bài viết trước đây, tôi có nhắc việc tổ tiên ta thuở xưa có kinh nghiệm phân biệt rõ ràng : chức, tước, phẩm, hàm. Nhưng đặc biệt chú trọng phân biệt chức và hàm : chức là để thực hiện công việc, cho nên rất quan trọng ; hàm là để cho có danh, cho nên phần nào coi là phù phiếm. Vì thế nên chính quyền thuở xưa có lệ cho phép mua « hàm » : người có tiền có thể trả một số tiền để được phong một [hư] « hàm » , (đó cũng là trường hợp của những ông « hàn », mà ta còn thấy ngay hồi trước Cách mạng Tháng tám 1945 : hàn lâm viện đãi chiếu, hàn lâm viện cung phụng, vv.). Ngoài cái danh, người mua được « hàm » còn có chút vai vế trong làng, ra đình được ngồi chiếu trên, được miễn sưu dịch đi phu cho nhà nước, cho nên danh cũng không phải hoàn toàn là hão. Số tiền mua thường là để xây trường, mở chợ, xây cầu, ..., cũng là việc ích chung. Đôi bên cùng có lợi, mà không phạm vào công việc hành chính nhà nước.

Ngày nay, nghe đồn có một vài người hám danh, dùng tiền của cơ quan để : trả niên liễm cho một vài hội khoa học tư ngoại quốc để tiếm xưng « viện sĩ », trả niên liễm cho mấy nhà xuất bản cái mà họ gọi là danh sách « danh nhân thế giới », để được đề cao, vv. Thay vì để việc này tiếp tục, vừa không đẹp cho hình ảnh nước nhà, vừa phạm vào việc « danh hiệu không đúng tiêu chuẩn » nói trên, có thể nào bắt chước tổ tiên ta trong cách giải quyết không ? Xin nêu hai thí dụ. Nước ta hiện nay chưa có [và chưa cần thiết có] Viện Hàn lâm, có thể nào qui định cho phép những ai muốn, bỏ tiền ra mua một hư hàm « Viện sĩ ». Như vậy, không những thoả mãn được ham muốn của họ, mà còn lấy tiền của họ để làm việc công ích như giúp học bổng cho sinh viên học sinh, tu sửa trường sở, bồi dưỡng cho những cán bộ giảng dạy chân chính, vv. ? Đồng thời lại giúp họ tránh được việc tiếm dụng công quĩ để trả niên liễm như kể trên : đã đành đó không phải là tham nhũng (vì theo từ điển, « tham nhũng » là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân để lấy của cải), nhưng dường như hành động đó không xa với định nghĩa của « tham ô » (« lợi dụng quyền hạn hoặc chức trách để dùng lạm của công ») ? Lại có thể nào cho phép mấy nhà xuất bản của một vài cơ quan nhà nước, trước đây đã bỏ của công ra đăng những cuốn sách tôn vinh một vài « danh nhân không đúng tiêu chuẩn », nay được phép « bán chỗ » trong các « danh sách danh nhân » địa phương cho những ai muốn có tên trên các danh sách đó, xen lẫn với vài tên danh nhân thế giới ? Tiền thu được vào công quĩ để làm những việc thực sự có ích cho nền giáo dục đào tạo nước nhà, phải chăng cũng là một việc tốt ?

Tôi ở xa, vì lòng thành mà phát biểu, nếu không phù hợp, xin thông cảm cho tôi. Nhưng vấn đề quá quan trọng để có thể coi nhẹ, đùa bỡn hay giễu cợt.


Nhân nói đến việc dùng công quĩ để giải quyết việc riêng, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện Pháp, xin kể thêm « bên lề » dưới đây :
Khi vua Louis XIV trưởng thành, ra nhiếp chính, có vụ bắt trị tội Nicolas Fouquet, một triều thần đang giữ chức vụ surintendant (một thứ tổng giám đốc tài chính), với lý do là ông này đã lẫn lộn công quĩ và của riêng. Cũng có thuyết cho rằng nhà vua sợ sự giàu sang của ông này gây ra một mối nguy cơ cho cho vương quyền. Việc xảy ra vào năm 1661. Ngày 17/8/1661, Fouquet mở một buổi hội ở lâu đài Vaux-le-Vicomte mà ông ta cho xây từ năm 1657 và hoàn thành năm 1661, và mời vua và triều thần đến dự. Sự giàu sang, sự xa xỉ vượt mức của buổi hội làm vua giận. Ba tuần sau, vua sai bắt giam, và năm 1664 xử và giam ông ta cho đến chết năm 1680 ở Pignerol. Năm 1679 một tù nhân bị đưa đến giam ở cùng nơi. Người tù nhân này được đối xử một cách tôn trọng nhưng buộc phải đeo vĩnh viễn một chiếc mặt nạ sắt (có thuyết cho là một chiếc mặt nạ bằng nhung có quai sắt), để không người nào có thể biết được ông ta là ai. Sau đó, người tù nhân này được chuyển đến giam ở ngục Bastille cho đến khi chết năm 1703. Vì sự trùng lặp với nơi giam ở Pignerol và sự trùng lặp với khoảng thời gian, có thuyết cho rằng đó là Fouquet. Nhưng sự đối xử đặc biệt trân trọng đối với người tù nhân này (viên quan coi ngục và thuộc hạ, khi xưng hô với người tù nhân này, phải gọi bằng « Đức ông » ), có thuyết lại cho rằng ắt phải là một người trong hoàng tộc. Theo nhà văn hào Voltaire [1694-1778] thì có thể đó là ngưòi anh sinh đôi của vua Louis XIV, và nhà văn Alexandre Dumas [1802-1870] trong cuốn tiểu thuyết dã sử Le Vicomte de Bragelonne cũng dựa trên thuyết này. Có đến hơn 60 giả thuyết về tông tích của ngưòi tù mang mặt nạ sắt. Dù sao, tới nay, vẫn không biết ngưòi tù này thực sự là ai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét