6/12/08

Kundera, Milan : Một bài học lịch sử nho nhỏ

Kundera, Milan

Một bài học lịch sử nho nhỏ

(Diễm Châu dịch)



Họ có năm người: Vítezslav Nezval, Jaroslav Seifert, Konstantin Biebl, Frantisek Halas, và Vladimír Holan. Là những thi sĩ của thế hệ sinh cùng với thế kỷ, chòm sao lớn nhất của toàn bộ lịch sử thi ca Tiệp. Vladimír Holan là người đầu tiên bị hạ. Năm 1948, sau khi bị bọn người theo Stalin công kích dữ dội, ông tự giam mình trong căn nhà của ông ở Pra-ha như trong một tu viện, không bao giờ rời ra nữa. Jaroslav Seifert cũng bị công kích đồng thời với Holan và ông đã rút ra khỏi đời sống công cộng trong một thời gian dài. Thế rồi Frantisek Halas mất. Halas đã từng viết:
«Từ dưới đó ngươi sẽ ngửi thấy mùi hoa hồng
khi ngươi sống nốt cái chết của ngươi
và ở đó trong tăm tối ngươi sẽ trút bỏ
tình yêu, cái khiên của ngươi.»

Sau đám táng, còn lại như một thây ma không cả khiên che, ông đã trở thành đối tượng của một chiến dịch ý thức hệ dữ dằn nó biến tên ông thành một biểu tượng của mọi sự xấu xa. Kế đó, đến lượt Konstantin Biebl. Tôi rất yêu mến nhà thơ nhũn nhặn này, người yêu mến những phụ nữ,
«đẹp
và biếng lười như một đám táng.»

Bấy giờ tôi mới 21 tuổi. Họ mới treo cổ Zavis Kalandra, một nhà thơ siêu thực Tiệp. Biebl, với đôi mắt to hãi hùng, đã hỏi tôi, «anh có nghe nói về phản ứng của Eluard?» Ông giải thích: Trong một lá thư ngỏ, ở Paris, André Breton đã thúc giục người bạn siêu thực của mình là nhà thơ Paul Eluard, lúc đó là một khuôn mặt lớn của cộng sản thế giới, lên tiếng phản kháng những lời buộc tội mà người ta đã đưa ra ở Pra-ha để kết án người bạn chung của họ là Kalandra, và Eluard đã, công khai và long trọng, khước từ việc bảo vệ «một kẻ thù của nhân dân»*.Ấy là lần cuối cùng tôi gặp Biebl. Một vài tháng sau, Biebl lao mình qua cửa sổ. Trong lúc ấy, Vítezslav Nezval ra sức xoay trở một cách tuyệt vọng vai trò không thể được của một người con trung thành của đảng và của một người nghệ sĩ trung thành với nghệ thuật và các bạn nghệ sĩ của ông. Năm 1957, như ông đã viết, ông ra đi
«tìm kiếm những đôi mắt tím
với duy cái chết ở phía sau.»

Ông đã chết, nhưng không phải bằng cách lao mình từ một cửa sổ. Người làm điều đó lại chính là con trai ông (giống cha như đúc) 12 năm sau khi Nezval mất, năm 1969, khi sự ghê rợn của người Nga ập xuống xứ sở. Các nhà văn Tiệp - cái bia chính của kẻ chiếm đóng - liền bầu Seifert lên làm chủ tịch hiệp hội của họ. Bây giờ tôi còn có thể thấy ông. Lúc ấy ông đã đi đứng rất khó khăn, phải chống nạng. Và có lẽ vì thế - khi ngồi trên ghế ở đó trông ông tựa như một khối đá lớn: không suy chuyển, chắc chắn, vững chãi. Có ông cùng với chúng tôi quả là một điều an ủi. Cái quốc gia nhỏ bé, bị chà đạp và tàn hại này - làm sao nó còn có thể chứng tỏ sự hiện hữu của mình? Sự chứng tỏ ấy ở đó ngay trước mắt chúng tôi: đó là nhà thơ, biểu hiện rõ ràng của tinh thần một nước, vinh quang duy nhất của những kẻ không quyền lực. Tôi đã qua Pháp khi nghe tin Vladimír Holan qua đời trong căn nhà/tu viện của ông. Tôi sẽ không bao giờ quên những dòng thơ khủng khiếp của ông:
«Và sự xấu vẫn dâng lên
qua tủy sống của nhân loại
phủ đầy đờm rãi máu me
như thang lầu một nha sĩ.» **

Khi Holan mất, Seifert đã viết:
«Trong cái chuồng chim khốn khổ là xứ Bohemia ấy
anh đã vứt những bài thơ của mình ra chung quanh
với sự khinh bỉ
như những mẩu thịt sống.»

Bohemia, cái chuồng chim khốn khổ. Seifert là người duy nhất còn lại. Mười lăm năm sau, Giải Nobel đã tìm thấy ông trên chiếc giường bệnh viện.


Dịch từ bản Anh văn: "A Little History Lesson", trên The New York Review of Books, số đề ngày 22-11-1984.
-----------------------------
Ghi chú của người dịch:
* Xem thêm bài «In memoriam Paul Eluard» của Paul Celan trong Von Schwelle zu Schwelle. (đã đăng trên Tiền Vệ).
** Đoạn này trích trong Một đêm với Hamlet của Vladimír Holan.

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét