Trong bài “
Viện Khổng Tử và quyền lực mềm của Trung Quốc”, tôi có nhắc đến khái niệm quyền lực mềm. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, cũng có nhiều người bàn đến quyền lực mềm. Vậy, chúng ta thử tìm hiểu một chút về khái niệm này, đặc biệt trong hoàn cảnh chính trị đối nội Việt Nam, xem sao.
Nhưng trước khi tìm hiểu về quyền lực mềm, chúng ta cần tìm hiểu một khái niệm khác, rộng hơn và cũng căn bản hơn: quyền lực.
Quyền lực là gì?
Tò mò, tôi thử mở các cuốn từ điển tiếng Việt ra xem.
Từ điển của Thanh Nghị cho quyền lực là “quyền hành và thế lực”; tìm chữ “thế lực”, thấy định nghĩa là “quyền lực, quyền hành”: Như không. Nhìn ngược lên chữ “quyền hành”, thấy định nghĩa là “quyền có thể thi hành được nhiều việc”; tìm chữ “thi hành”, lại thấy giải thích là “đưa ra làm thực sự”. Tôi đâm ra hoang mang: Nếu trọng tâm của quyền lực nằm ở việc “thi hành” thì những kẻ bị sai khiến để làm một việc gì đó có khi lại có nhiều quyền lực hơn chính người ra lệnh chăng?
Trong từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, chữ “quyền lực” được xem là đồng nghĩa với chữ “quyền bính”; xem chữ “quyền bính”, lại thấy định nghĩa là: “Quyền định đoạt, sai sử mọi việc”. Quyền định đoạt và sai sử? – Được. Nhưng tại sao phải là “mọi việc”. Ở Mỹ, trong tháng 9 và tháng 10 vừa rồi, Tổng thống Barack Obama không thể “định đoạt” được về mức nợ trần cũng như mức chi tiêu của chính phủ và cũng không thể “sai sử” các nghị sĩ và dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa thông qua ngân sách do ông đề nghị. Vậy ông không có quyền lực ư?
Trong từ điển của Văn Tân, chữ quyền lực được giải thích là “sức mạnh mà mọi người phải tuân theo trong hành động”. Ồ, tại sao lại phải là “mọi người”? Ngay cả Obama cũng không thể có thứ sức mạnh mà “mọi người” phải tuân theo, ví dụ, các chánh án sẽ không thèm nghe lời ông khi xét xử một tội phạm nào đó; các nhà báo sẽ không thèm nghe lời ông khi tường thuật hay bình luận về một sự kiện nào đó; các thầy cô giáo sẽ không thèm nghe lời ông khi giảng dạy một vấn đề nào đó; các bác sĩ sẽ không thèm nghe lời ông khi định bệnh và cho toa cho một bệnh nhân nào đó; các chính trị gia thuộc đảng Cộng Hòa thường xuyên cãi vã và chống đối lại ông mọi chuyện, vậy ông không có quyền lực ư?
Hoàng Phê thì định nghĩa quyền lực là “quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền ấy”. Tại sao lại phải giới hạn “về mặt chính trị”? Một chánh án không có quyền lực sao? Một vị tướng khi điều binh ra trận không có quyền lực ư? Một tổng giám đốc một cơ sở kỹ thuật, thương mại và/hoặc truyền thông, ví dụ Bill Gates, chủ tịch của Microsoft hay Rupert Murdoch, chủ tịch News Corporation, không có quyền lực ư? Xin lưu ý là trong các bảng xếp hạng những người có quyền lực nhất trên thế giới trong năm, ngoài một số nguyên thủ các quốc gia lớn, người ta còn thấy tên của nhiều người thuộc các lãnh vực ngoài chính trị, ví dụ, Đức Giáo hoàng hay các chủ tịch và tổng giám đốc điều hành của các công ty thương mại tư nhân, từ Microsoft đến Wal-Mart Stores, Amazon.com, Google, Apple, Facebook, New Corp, New York Times Co., v.v.. Thậm chí, họ còn chiếm vị trí cao hơn hẳn nguyên thủ của nhiều quốc gia trên thế giới, ví dụ, hơn toàn bộ các nhân vật chóp bu trong guồng máy lãnh đạo đảng và nhà nước tại Việt Nam.
Bốn cuốn từ điển thuộc loại nổi tiếng nhất của Việt Nam: Không có định nghĩa nào đúng cả.
Cũng không lạ. Ở Việt Nam, ngày xưa, dường như người ta không có ý niệm về quyền lực. Tất cả các cuốn từ điển xuất hiện trước thế kỷ 20 đều không có chữ “quyền lực”. Trong
Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, xuất bản năm 1651, chỉ có chữ “quyền” với nghĩa là chức vị, chức quan. Trong
Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản năm 1895, chỉ có các chữ “quyền chức”, “quyền hành”, “quyền quý”, “quyền thế”, chứ không có chữ “quyền lực”: Dường như, với người xưa, quyền lực chỉ là thuộc tính của chức tước trong hệ thống chính trị phong kiến (do đó, có tính dòng dõi, từ đó, nảy ra ra các chữ “quyền thế” hay “thế lực”). Cách nhìn ấy, trong thời đại ngày nay, trở thành lạc hậu và quá đơn giản. Cái sai của những người làm từ điển xuất phát từ sự lạc hậu và đơn giản ấy.
Trong tiếng Anh, chữ “power” có hàng chục nghĩa khác nhau, nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu về chính trị học đều chọn định nghĩa này: đó là khả năng làm thay đổi cách hành xử của người khác để đạt được những gì mình muốn. Trong định nghĩa ấy, có hai yếu tố quan trọng: một, làm thay đổi cách hành xử của người khác; và hai, đạt được điều mình muốn. Không đạt được điều mình muốn, chỉ đạt được điều người khác muốn: Không phải là quyền lực. Chỉ thay đổi chính mình nhưng không làm thay đổi người khác: Không phải là quyền lực. Ai cũng tham sống sợ chết, nhưng một người chỉ huy, giữa trận địa, có thể bắt các người lính phải “thay đổi” tâm lý thường tình ấy để xông thẳng về phía quân thù, quyết giành được chiến thắng dù có khi phải hy sinh mạng sống của chính mình: người chỉ huy ấy có quyền lực. Ai cũng tham lam, làm được bao nhiêu muốn giữ và hưởng hết bấy nhiêu, một người lãnh tụ bắt họ phải “thay đổi” tâm lý ấy và đóng thuế, thậm chí, với một mức thuế thật cao: vị lãnh tụ ấy có quyền lực.
Từ cách hiểu chung ấy về khái niệm quyền lực, nhiều lý thuyết gia khai triển vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau.
Karl Marx nhìn quyền lực không phải từ cấp độ cá nhân mà từ cấp độ hệ thống chính trị, giai cấp xã hội và quan hệ sản xuất; ở đó, quyền lực chỉ đong đưa theo hai chiều: hoặc thống trị hoặc bị trị với một vùng giao thoa nhỏ và đầy bấp bênh của một số lực lượng được xem là “liên minh”.
Max Weber lại nhìn quyền lực từ cấp độ cá nhân: Đó là khả năng kiểm soát tài nguyên, biến cố và người khác để thực hiện hoài bão của mình, bất chấp những sự phản đối hay phản kháng của một số người nào đó.
Michel Foucault lại nhìn quyền lực ở góc độ khác: Theo ông, quyền lực không nằm ở cá nhân hay giai cấp mà chủ yếu ở kiến thức, diễn ngôn (discourse) và cái ông gọi là “các chế độ chân lý” (regimes of truth) được hiểu là hệ thống những niềm tin và những quy phạm được chấp nhận và được chia sẻ để mọi người, theo đó, phân biệt cái đúng và cái sai, cái thật và cái giả, đánh giá mọi việc và quyết định những gì mình nên làm, có thể làm hoặc phải làm. Theo ý nghĩa đó, quyền lực trở thành một thứ siêu quyền lực (metapower): Nó ở khắp nơi; nó đến từ khắp nơi; nó phân tán hơn là tập trung; nó nhập thân hơn là bị/được chiếm hữu; nó không giới hạn trong lãnh vực kinh tế (như Marx nói) hay chính trị (như Weber tin tưởng) mà còn ở hệ thống giáo dục, truyền thông, khoa học và đặc biệt, ý thức hệ; nó không phải chỉ có tính chất cưỡng chế hay tiêu cực mà còn là một sự cần thiết, một động lực năng sản và tích cực trong xã hội.
Về phương diện lý thuyết, khái niệm quyền lực có thể rất đa dạng, nhưng về phương diện thực tế, nó thường được chia, một cách đơn giản nhất, thành hai hướng chính: quyền lực tuyệt đối và quyền lực tương đối.
Trong thời hiện đại, đặc biệt trong thế kỷ 20 vừa qua, chỉ có hai chế độ công khai chủ trương và cổ vũ cho kiểu quyền lực tuyệt đối: chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít. Hai chế độ này tự xem là kẻ thù không đội trời chung của nhau: Với chủ nghĩa cộng sản, kẻ thù chính là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa phát xít; với chủ nghĩa phát xít, kẻ thù chính là người Do Thái và chủ nghĩa cộng sản. Thế nhưng, trên thực tế, giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít lại có rất nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều có tính chất toàn trị, đều muốn kiểm soát không những hoạt động mà còn cả trong cách suy nghĩ và tình cảm của con người. Cả hai đều siết chặt hệ thống kiểm duyệt trong mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Cả hai đều thích sử dụng bạo lực và khủng bố để uy hiếp tinh thần dân chúng và để triệt hạ mọi sự bất đồng chính kiến. Cả hai đều ưu tiên phát triển quân sự, dùng quân sự như một nguồn sức mạnh chính để duy trì chế độ. Cả hai đều giành quyền quản lý kinh tế vào trong tay nhà nước. Và cả hai, trên danh nghĩa, đề cao chủ nghĩa quốc tế, nhưng tự bản chất, đều mang tính chất dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Trong khi đó, hầu hết các chế độ dân chủ đều thừa nhận loại quyền lực tương đối và hầu hết các nhà nghiên cứu hiện nay đều cho quyền lực, ít nhất là ở thời hiện đại đều có tính chất tương đối.
Trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc có quyền lực đối với Việt Nam nhưng lại không có quyền lực đối với các nước Tây phương; Mỹ có quyền lực với rất nhiều nước Tây phương nhưng lại không có quyền lực để buộc Iran và Bắc Hàn từ bỏ tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Về phương diện đối nội, ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama chỉ có quyền lực trong thế giới công quyền: Đối với đời sống riêng tư của các công dân, ông hoàn toàn bất lực. Ngay trong thế giới công quyền, ông cũng không thể can thiệp vào các quyết định của ngành tư pháp hay một phần lập pháp, cái phần do đảng đối lập lãnh đạo; ông cũng không thể can thiệp được vào sinh hoạt chính trị hay guồng máy hành chính ở các tiểu bang hay thành phố.
Trong lãnh vực tín ngưỡng, trong giáo hội Công giáo, Đức Giáo Hoàng là người có quyền lực cao nhất, nhưng ông cũng chỉ có quyền lực trong nội bộ giáo hội Công giáo; và trong nội bộ giáo hội Công giáo, ông cũng chỉ có quyền lực trong các vấn đề thuộc tín lý, chính sách và tổ chức: Ông không hề có quyền lực trong lãnh vực nghề nghiệp hay đời sống riêng tư của các tín đồ, chẳng hạn.
Trong lãnh vực luật pháp, một vị chánh án, khi ngồi trước tòa, là người đầy quyền lực, nhưng khi phiên tòa chấm dứt, bước ra ngoài bãi đậu xe hay về nhà riêng, lại là một người bình thường như bao nhiêu người bình thường khác.
Tính tương đối dẫn đến một đặc điểm khác của quyền lực: tính tình thái (situational). Ở Úc, phần lớn người dân đều biết chuyện Thủ tướng Bob Hawke, lúc còn tại vị, nhận được giấy phạt từ cảnh sát về việc ông không thắt nịt an toàn khi ngồi trên xe hơi. Dĩ nhiên, ông phải nộp phạt. Bình thường, trong chính phủ, ông là người có nhiều quyền lực nhất, nhưng trong trường hợp này, viên cảnh sát, kẻ quyết định phạt ông, lại là người có nhiều quyền lực hơn ông.
Lúc bà Julia Gillard còn làm Thủ tướng (2010-2013), tôi gặp bà khá nhiều lần trong quán cà phê. Trong các cuộc họp Nội Các, bà là người đầy quyền lực, có thể nói là quyền lực nhất trong việc quyết định các chính sách của chính phủ, những chính sách có thể làm thay đổi cuộc sống của dân Úc và diện mạo của cả nước Úc. Đứng trước Quốc Hội, đối diện với phe đối lập, quyền lực của bà bị giảm xuống ít nhất là một nửa: Bà chỉ còn quyền lực của lý trí và của tài hùng biện để thuyết phục chứ không còn quyền lực hành chính để ra lệnh nữa. Còn trong quán cà phê, bà chỉ là một khách hàng. Như bao nhiêu khách hàng khác. Bà cũng phải xếp hàng. Bà cũng phải chờ đợi. Cuối cùng, bà phải trả tiền cho ly cà phê bà uống.
Ở Libya, Muammar Gaddafi, từ năm 1969 đến giữa năm 2011, là người có quyền lực gần như tuyệt đối, nhưng vào ngày 20 tháng 10 năm 2011, khi ông phải chui vào ống cống để trốn và sau đó, bị bắt, đối diện với những lực lượng chống đối, ông không còn chút quyền lực nào cả.
Ở Việt Nam, đảng Cộng sản, do thế độc quyền lãnh đạo được ghi nhận trong Hiến pháp, không những có quyền lực nhất mà còn là tổ chức duy nhất có quyền lực. Họ có quyền bắt bớ và bỏ tù bất cứ người nào họ không thích. Không có tội, họ vẽ ra tội, từ chuyện trốn thuế đến chuyện “hai cái bao cao su đã qua sử dụng”. Có vẻ như họ có quyền lực. Nhưng trong trường hợp Nguyễn Phương Uyên, người trước tòa, dõng dạc tuyên bố: “Tôi không cần xin giảm án”, họ lại không còn quyền lực, hoặc nếu còn, cái quyền lực ấy cũng trở thành vô nghĩa.
Đó là đảng, với tư cách một tập thể, nói chung. Trong đảng, với từng cá nhân, cũng vậy. Trước đây, thời chiến tranh, Võ Nguyên Giáp, với tư cách là Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh quân đội, ủy viên Bộ chính trị, được xem là một người đầy quyền lực. Nhưng theo các tiết lộ gần đây, đứng trước Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, ông lại là người chả có chút quyền lực, thậm chí, chút sĩ khí nào cả. Ông không những không có quyền quyết định những chiến lược hệ trọng mà còn thường xuyên bị Lê Duẩn sỉ nhục. Nhưng mới đây, khi Võ Nguyên Giáp mất, người ta lại thấy một khía cạnh khác: Với tư cách một huyền thoại, nhìn từ phía tâm lý quần chúng, thì Võ Nguyên Giáp lại có vẻ như có nhiều quyền lực hơn tất cả những người từng lấn át và sỉ nhục ông. Lê Đức Thọ hay Lê Duẩn chết: Chả ai buồn nhắc nữa. Võ Nguyên Giáp chết: Rất nhiều người thương tiếc.
Trong cuốn
The Future of Power (2011), Joseph S. Nye đưa ra một số ví dụ thú vị: Nếu bạn nợ 1000 đô la nhưng không có tiền trả, phải khai phá sản, bạn chẳng có chút quyền lực nào cả. Nhưng nếu bạn nợ ai đó một tỉ đô la thì bạn lại trở thành kẻ có quyền lực: Đó là trường hợp của Mỹ. Sự phá sản của một con nợ một tỉ đô la sẽ kéo theo sự phá sản, hoặc ít nhất, sự khủng hoảng của cả chủ nợ. Vì vậy, khi Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính, ai cũng lo lắng và tìm cách… giúp Mỹ! Về chính trị, trường hợp của Bắc Hàn cũng tương tự. Hầu như ai cũng nói giới lãnh đạo Bắc Hàn là khùng. Nhưng Bắc Hàn hầu như là nước duy nhất làm cho Trung Quốc tỏ ra là không có quyền lực: Không đồng ý với Bắc Hàn, thậm chí, biết dính líu đến Bắc Hàn chỉ có hại, nhưng Trung Quốc vẫn không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục bênh vực và viện trợ cho những kẻ bị tâm thần ở Bình Nhưỡng.
Có thể nói, tóm lại, quyền lực là một khái niệm có tính chất đa kích thước (multidimensional), tương đối và chỉ thực sự là quyền lực trong một tình thái nhất định: Nó thuộc về ai, với ai, về cái gì, ở đâu, khi nào và như thế nào.
Không có quyền lực nói chung.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét