VN vào Hội đồng nhân quyền để làm gì?
TS Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC từ London
Cập nhật: 11:32 GMT - thứ sáu, 15 tháng 11, 2013
Trong mấy ngày qua, dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm – và cũng phản ứng rất khác nhau – về việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền (HĐNQ) của Liên hiệp quốc. Trong khi Chính phủ và quan chức Việt Nam rất tự hào về sự kiện ấy, nhiều tổ chức và cá nhân đấu tranh cho nhân quyền lại thất vọng.
Giới lãnh đạo Việt Nam có lý do để vui mừng vì đây là lần đầu tiên kể từ khi Hội đồng nhân quyền được thành lập vào năm 2006, Việt Nam giành được một ghế trong tổ chức này và với một số phiếu tương đối cao (184 trên 192 phiếu bầu).
Với những ai hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, đặc biệt những người đã vận động để Việt Nam không được bầu vào Hội đồng trong thời gian qua, chuyện họ thất vọng cũng là điều dễ hiểu vì với một kết quả như vậy, có thể cộng đồng quốc tế sẽ ít quan tâm đến hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
Nhưng giới chức Việt Nam có nên hoàn toàn tự hào, hãnh diện – và giới đấu tranh cho nhân quyền có nên hoàn toàn thật vọng, bất ngờ – về việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc (LHQ)?
Nếu nhìn lại cơ cấu, thành viên, hoạt động và kết quả của cơ quan này ít hay nhiều chắc ai cũng có thể nhận ra rằng Việt Nam được bầu làm thành viên của một tổ chức quốc tế như vậy không phải là một điều gì đó thật đáng hãnh diện hay quá thất vọng hoặc quá bất ngờ.
Để tránh chỉ trích?
"Vì đây là một tổ chức nhân quyền của LHQ, nhiều quốc gia thiếu tôn trọng nhân quyền coi việc được bầu vào đây như là một cách để che dấu những yếu kém của mình"
Nhân quyền là một trong những ưu tiên hàng đầu của Liên hiệp quốc ngay từ khi tổ chức này được hình thành vào năm 1945 và cơ quan đặc trách việc cổ vũ, bảo vệ nhân quyền của LHQ là Ủy ban nhân quyền (UBNQ) – tiền thân của HĐNQ.
Được thành lập năm 1946, Ủy ban nhân quyền đã đạt được không ít thành tựu rất lớn trong thời gian đầu, trong đó có việc giúp soạn thảo Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền – một tuyên ngôn được Đại hội đồng LHQ thông qua vào năm 1948 và vẫn được coi là một trong những tuyên ngôn về nhân quyền quan trọng, có giá trị và ý nghĩa nhất ngày hôm nay.
Nhưng rồi vào những thập niên sau đó, đặc biệt là kể từ những năm 1990 và đầu 2000, tổ chức này không còn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, quảng bá nhân quyền và uy tín của nó cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Thay vì là một cơ quan hoạt động cho nhân quyền, nó lại trở thành diễn đàn để các nước vi phạm các quyền căn bản của con người che đậy hồ sơ nhân quyền kém cỏi của mình.
Một trong những lý do dẫn đến tình trạng đó là tổ chức này có quá nhiều thành viên. Khi thành lập, nó chỉ có 18 nước, trong đó đa số là các nước dân chủ. Nhưng vì muốn có tính đại diện cao, UBNQ đã mở rộng theo thời gian và tới năm 1992 có đến 53 thành viên. Vì vậy, nhiều quốc gia có cơ hội được bầu vào Ủy ban này, trong đó có những nước được bầu dù vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống.
Và vì đây là một tổ chức nhân quyền của LHQ, nhiều quốc gia thiếu tôn trọng nhân quyền coi việc được bầu vào đây như là một cách để che dấu những yếu kém của mình.
Trong bài viết có tựa đề ‘The United Nations Human Rights Council: Repeating Past’ Mistakes’ được The Heritage Foundation đăng năm 2006, Brett D. Schaefer nhận định rằng những quốc gia có hồ sơ nhân quyền không mấy tốt đẹp đã tranh cử vào UBNQ nhằm để ngăn cản những chỉ trích, nhòm ngó của dư luận về tình trạng nhân quyền của mình.
Trong số những quốc gia mà tác giả này cho rằng có hồ sơ nhân quyền đáng ngờ và thành công tìm được ghế trong UBNQ vào các năm trước đó có Trung Quốc, Cuba và Việt Nam. Thậm chí năm 2003, Libya – một quốc gia có chế độ độc tài dưới thời Đại tá Gaddafi – còn được bầu làm chủ tịch Ủy ban.
Tương tự, trong ‘Sins of Commission? Understanding Membership Patterns on the United Nations Human Rights Commission’, được đăng trên tạp chí Political Research Quarterly năm 2008, Martin S. Edwards lập luận rằng các quốc gia thiếu tôn trọng nhân quyền coi việc vào Ủy ban nhân quyền như là một hành động tự vệ, giúp mình tránh bị dòm ngó hay bị chỉ trích.
Tác giả này thậm chí cho rằng những nước có hồ sơ nhân quyền kém lại có cơ hội được bầu vào Ủy ban nhân quyền hơn những quốc gia tôn trọng nhân quyền.
'Đề xuất giải tán'
Có thể đúng như vậy vì vào năm 2001, Mỹ – một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập LHQ và Ủy ban nhân quyền nói riêng – đã không được bầu vào Ủy ban nhân quyền.
Một bài xã luận của tờ New York Times ngày 26/02/2006 cũng đã gọi Ủy ban nhân quyền là ‘một nỗi nhục của Liên hiệp quốc’.
Không chỉ giới học giả, quan sát mà ngay cả Tổng thư ký LHQ lúc ấy là Kofi Annan cũng đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém và giới hạn của Ủy ban nhân quyền LHQ.
Trong một báo cáo có tựa đề In Larger Freedom vào tháng Ba năm 2005, ông Annan đã khẳng đình rằng: ‘Các nước tìm cách trở thành thành viên của Ủy ban không phải để củng cố nhân quyền mà để bảo vệ mình khỏi bị chỉ trích hay nhằm chỉ trích nước khác’. Theo ông, điều đó không chỉ dẫn đến sự mất uy tín của UBNQ mà còn làm mất thanh danh của toàn hệ thống LHQ.
Vì vậy, ông Annan đã đề xuất giải tán Ủy ban nhân quyền và thành lập một Hội đồng nhân quyền mới. Đề nghị của ông được chấp thuận và trong nhiều tháng sau đó Đại hội đồng LHQ đã thảo luận về cơ cấu, mục đích của Hội đồng nhân quyền và bỏ phiếu thông qua việc thành lập Hội đồng này vào ngày 15/03/2006.
"Theo ông Annan, các quy định và điều kiện để trở thành thành viên của Hội phải khó, nghiêm và mạnh hơn. Chẳng hạn để giành một ghế trong Hội đồng nước ứng viên phải có hồ sơ nhân quyền tương đối tốt và phải nhận được 2/3 số phiếu của các nước thành viên LHQ"
Khi đề xuất giải tán UBNQ và thành lập HĐNQ, Tổng thư ký LHQ muốn có một tổ chức nhỏ hơn về số lượng thành viên nhưng có hiệu quả hơn để theo dõi tình trạng nhân quyền của tất cả các nước thành viên của LHQ.
Vì vậy, theo ông Annan, các quy định và điều kiện để trở thành thành viên của Hội phải khó, nghiêm và mạnh hơn. Chẳng hạn để giành một ghế trong Hội đồng nước ứng viên phải có hồ sơ nhân quyền tương đối tốt và phải nhận được 2/3 số phiếu của các nước thành viên LHQ.
Nhưng những đề nghị đó đã không được đa số các nước thành viên của LHQ chấp thuận. Cụ thể, ngoại trừ việc đại diện theo khu vực địa lý, không có một tiêu chuẩn cụ thể hay nghiêm ngặt nào để xem xét một quốc gia có đủ điều kiện để được bầu vào Hội đồng. Hơn nữa, cũng chỉ cần nhận được số phiếu quá bán tại Đại hội đồng LHQ, một quốc gia ứng viên sẽ được bầu vào HĐNQ.
Và quan trọng hơn, với 47 thành viên, HĐNQ cũng giảm không đáng kể về số lượng so với UBNQ cũ. Đây là một giới hạn lớn của Hội đồng vì với con số thành viên nhiều như vậy, cũng giống như trước đây, những nước không tôn trọng nhân quyền vẫn có cơ hội giành được ghế trong Hội đồng.
Chẳng hạn, nếu Hội đồng chỉ có khoảng 20 thành viên và mỗi nhóm, khu vực hay châu lục chỉ có ba hoặc bốn đại diện, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh cao và chỉ những nước có hồ sơ nhân quyền tốt mới có hy vọng tìm được một chỗ trong HĐNQ.
Nhưng với số lượng 47 thành viên và châu Á có đến 13 đại diện sớm hay muộn, những quốc gia được cho là có hồ sơ nhân quyền đáng nghi như Trung Quốc hay Việt Nam sẽ được bầu vào Hội đồng. Do đó, chuyện Việt Nam trở thành thành viên của HĐNQ năm nay cũng không có gì đáng ngạc nhiên hay đáng tự hào hoặc đáng thất vọng.
'Thất bại của Hội đồng'
Vì cũng không có những thay đổi căn bản, triệt để so với Ủy ban nhân quyền, theo giới quan sát, bình luận Hội đồng nhân quyền đã không đạt được thành quả đáng kể nào trong việc cổ võ và bảo vệ nhân quyền trên thế giới dù đây là hai nhiệm vụ chính của tổ chức này.
Trong bài viết có tựa đề ‘The United Nations Human Rights Council: A Disastrous First Year’, cũng được đăng trên trang web của The Heritage Foundation năm 2007, Brett D. Schaefer đã chỉ ra những yếu kém, thiếu hiệu quả của Hội đồng này trong năm đầu hoạt động.
Cụ thể trong năm 2007, HĐNQ đã có 12 nghị quyết về tình trạng nhân quyền tại chỉ hai quốc gia là Israel và Sudan, với việc có đến chín cái lên án Israel và ba nghị quyết chỉ trích nhẹ Sudan, và không thông qua một nghị quyết, tuyên bố nào lên án những vi phạm nhân quyền tại 19 trong số 20 nước được tổ chức Freedom House liệt kê là những quốc gia có tình trạng nhân quyền ‘tệ nhất trong các nước tệ nhất’ năm đó.
Cũng trong bài viết ấy, Brett D. Schaefer nhấn mạnh rằng giống như trước đây, các quốc gia không tôn trọng nhân quyền tranh cử vào Hội đồng nhân quyền chủ yếu nhằm để tránh bị chỉ trích về tình trạng nhân quyền của mình hơn là để cổ võ nhân quyền.
Phản ứng của một vài quan chức Việt Nam và Trung Quốc sau khi hai nước này được bầu vào Hội đồng ít hay nhiều minh chứng nhận định ấy.
Thay vì coi đây là một cơ hội để học hỏi thêm và giúp gia tăng nhân quyền tại nước mình cũng như trên thế giới, một quan chức Việt Nam đã nói với việc trở thành thành viên của Hội đồng, Việt Nam giờ có thể chứng minh cho thế giới thấy rõ quyền con người ở Việt Nam và hơn nữa việc được vào HĐNQ là ‘đòn đánh mạnh vào các đối tượng mà bấy lâu nay cố tình bôi nhọ, vu cáo’ Việt Nam.
"Vì những nước thành viên coi trọng việc bảo vệ ‘thành tích’ nhân quyền của mình, chuyện Hội đồng nhân quyền không giúp gì nhiều trong việc cổ vũ và bảo vệ nhân quyền trên thế giới cũng là điều dễ hiểu"
Vì những nước thành viên coi trọng việc bảo vệ ‘thành tích’ nhân quyền của mình, chuyện Hội đồng nhân quyền không giúp gì nhiều trong việc cổ vũ và bảo vệ nhân quyền trên thế giới cũng là điều dễ hiểu.
Một cuốn sách mới xuất bản năm nay (2013) của Rosa Freedman có tựa đề ‘The United Nations Human Rights Council: A Critique and Early Assessment’, đã kết luận rằng HĐNQ đã thất bại trong việc quảng bá và bảo vệ nhân quyền trên thế giới vì tổ chức này phớt lờ – hoặc bị ngăn ngừa xem xét – những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại nhiều nước.
Cũng theo tác giả này, vì có quá nhiều thành viên, các thành viên lại được bầu theo nhóm và hơn nữa đó là một tổ chức liên chính phủ, rất khó để Hội đồng nhân quyền thực sự thực hiện nhiệm vụ cổ vũ và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu của mình.
Đó cũng là lý do tại sao một bài viết mới đây, hôm 12/11/2013, với tựa đề ‘Human and religious rights at the UN: Theatre of the absurd’, trên tờ The Economist, nhận định rằng để một tổ chức thực sự hoạt động một cách minh bạch, đáng tin cậy cho nhân quyền trên phạm vi toàn cầu, tổ chức ấy cần phải độc lập với tất cả các chính phủ và như vậy cũng độc lập với những chính phủ vi phạm nhân quyền.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và và văn phong của tác giả, hiện là nghiên cứu viên tại Viện Chính sách Toàn cầu ở Anh.
Source : BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét