4/11/13

Nguyễn-Xuân Nghĩa - Chứng Bệnh Kinh Niên Của Hoa Kỳ


Tuesday, November 5, 2013

Chứng Bệnh Kinh Niên Của Hoa Kỳ



Nguyễn-Xuân Nghĩa - Người Việt Ngày 131104

"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"




Lâu lâu người Mỹ lại mắc cơn hoài nghi về nước Mỹ


 * Bệnh quỷ thì đã có thuốc tiên... khồng *






Có những ngày mà người lãnh đạo Hoa Kỳ thấy rằng mọi việc đều nát như tương!



Đứa con thai nghén từ bốn năm nay - kế hoạch mang tên mình, là ObamaCare - chưa kịp thôi nôi thì đã quặt quẹo. Bà mụ Kathleen Sebelius phải tả xung hữu đột chống đỡ mà không xong vì các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ phải tranh cử năm tới trong vùng xôi đậu đều bắt được ý dân, là sự thất vọng. Họ đề nghị đưa cháu... vào nhà thương khám lại. Vì coi vậy mà chẳng phải vậy.



Phe Cộng Hoà thất thế từ tháng trước bèn thừa dịp phản công! Họ mở bát quái trận đồ và chấm vào thất khiếu, mỗi giờ lại điểm một huyệt làm báo chí phe ta chẳng ngăn nổi:



1) Vì sao siêu cường số một về khoa học kỹ thuật lại không lập nổi hệ điện tử phục vụ người dân khi thực hiện kế hoạch ObamaCare được trù tính từ nhiều năm trước? 2) Trách nhiệm thuộc về Bộ Gia Cư và Công Dân Vụ của bà Sebelius hay về các doanh nghiệp thi hành? 3) Ai chọn các doanh nghiệp đó, theo tiêu chuẩn và thủ tục nào, để gây tốn kém hàng tỷ cho công quỹ mà chẳng xong? 4) Những hứa hẹn tốt đẹp ban đầu của kế hoạch này chỉ là chuyện hão huyền vì chính quyền không biết hay có gian ý?



Từ đó, họ hâm nóng nhiều điều bị lãng quên: 5) Vì sao giấu diếm sự thật nhiệm về vụ Benghazi xảy ra ngày 9-11 năm kia khiến bốn người Mỹ bị hạ sát, kể cả Đại sứ Hoa Kỳ tại Libya? 6) Ai là người có tách nhiệm? 7) Vì sao cơ quan thuế vụ liên bang IRS lại điều tra, hạch sách và còn tiết lộ chi tiết riêng tư của những người thuộc phe bảo thủ?



Duy nhất có một điều mà phe Cộng Hoà bỏ qua, thì lại bị phe Dân Chủ nêu thành chuyện là việc cơ quan tình báo điện tử NSA nghe lén các nước đồng minh của Mỹ! Chuyện ấy khiến lãnh đạo Hoa Kỳ phải nhìn ra ngoài.



Cũng lại nát như tương!



Lãnh đạo các nước đồng minh như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, hay đối tác Nam Mỹ như Brazil, đều gọi Đại sứ Mỹ lên để phàn nàn về chuyện họ bị nghe lén. Việc các nước đều kín đáo theo dõi lẫn nhau là chuyện xưa như nghề nọ, nhưng vì sao một nhân viên ngoại ngạch là Edward Snowden lại ngồi yên lành bên Nga để mỗi tuần nhả thêm một chuyện làm nước Mỹ mang tiếng thất thố với các đồng minh?



Mà nào chỉ có chuyện vểnh tai nghe lén trên trời?



Hoa Kỳ đang lúng túng vì hai hồ sơ Syria và Iran, gây bất mãn cho các đồng minh chiến lược là Israel, Egypt, Saudi Arabia và Turkey khiến họ tính riêng việc khác mà khỏi tham khảo ý kiến.



Lãnh đạo Mỹ nhất quyết triệt thoái khỏi Iraq từ năm kia và Afghanistan vào năm tới. Bây giờ, tình hình Iraq bỗng dưng suy đồi với ảnh hưởng quá mạnh của Iran và sự tái xuất hiện của khủng bố Al-Qaeda. Sau câu hỏi năm xưa "vì sao vào Iraq", một câu hỏi mới đang được đặt ra: "ai làm mất Iraq"? Hậu quả sẽ ra sao nếu bệnh ung thư của khủng bố sẽ phát tác từ một xứ láng giềng của Iraq là Syria....



Đã vậy, và đây là một trào lưu lâu đời mà sẽ bị đánh giá là "di sản Obama": nước Mỹ đang tiết giảm đầu tư quốc phòng.



Sau nửa thế kỷ tăng cường sức mạnh quân sự kể từ khi bị đánh tại Trân Châu Cảng vào cuối năm 1941, rồi trải qua Thế chiến II cùng Chiến tranh lạnh, thì từ năm 1991, Hoa Kỳ hưởng "cổ tức hòa bình" và thu hẹp khả năng quốc phòng. Chỉ được 10 năm thì vụ khủng bố 9-11 khiến nước Mỹ mở ra cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Và đi vay để bước vào chiến tranh.



Mười năm sau thì cả nước đều mệt mỏi và chính người dân, chứ chẳng phải là ai khác, mới tự hỏi là vì sao cần một quân lực vĩ đại có khả năng tham chiến toàn cầu để cứu người khác? Câu hỏi đó góp phần cho Barack Obama thắng cử.



Quả nhiên là ông thu dọn chiến trường, triệt thoái và giải kết - với hậu thuẫn của cánh tả phản chiến lẫn cánh hữu tự cô lập. Ông thành "người vái tứ phương" để ưu tiên tập trung vào chuyện cải tạo nước Mỹ. Và trận chiến về ngân sách kéo dài từ năm 2011 dẫn đến một kết quả cụ thể là ngân sách quốc phòng sẽ giảm một ngàn ba trăm tỷ trong 10 năm tới.



Nhưng cũng quần chúng biết điều ấy lại nêu vấn đề là vì sao không can thiệp vào Syria để cứu lấy thường dân vô tội, theo lập luận của cánh tả lý tưởng lẫn phe tân bảo thủ bên cánh hữu....? Thề còn Iran, Liên bang Nga và Trung Quốc, những mối nguy tiềm thế khác.



Nhìn từ bên ngoài, người ta thấy có gì đó không ổn.



Quả nhiên, tờ Forbes đánh giá Tổng thống Vladimir Putin là kẻ quyền thế nhất địa cầu năm nay, chứ không còn là Tổng thống Mỹ như mọi năm. Còn viện Gallup vừa cho biết mức tin tưởng vào Obama đã sụt tới 40%, vô tiền khoáng hậu! Cùng ngày mùng bốn, tờ Wall Street Journal cho biết kết quả khảo sát mới nhất: "Trong năm bảy năm tới, nước nào sẽ là cường quốc kinh tế số một?"



Hiện nay, chỉ có 28% dân Mỹ cho rằng Trung Quốc là đệ nhất cường quốc kinh tế thế giới. Nhưng nói về viễn ảnh 2018 đến 2020, tỷ lệ nghiêng về Trung Quốc lại là 36%. Và trong các thành phần, dân càng giàu hay càng trẻ lại càng lạc quan về Trung Quốc và bi quan về nước Mỹ!



Thật ra, nhìn từ bên ngoài và trong trường kỳ thì đây là chuyện nhàm!



Từ thời lập quốc rồi, cứ mươi năm lại có người thở dài về sự suy bại của nước Mỹ.... Trước hết là bậc thức giả Âu Châu. Khi nước Mỹ chưa thành hình thì nhiều người đã nói đến tình trạng còm cõi của các sinh vật sống trên đất Mỹ! Trong các con vật có cả con người, vì địa dư hình thể, thổ ngơi hay thổ nhưỡng gì đó....



Chuyện ấy quá xưa, xin vèo đến thế kỷ 20 và các bậc thức giả Hoa Kỳ. Ít ai trong chúng ta lại biết hay nhớ đến vụ khủng hoảng tâm thần của dân Mỹ khi Liên Xô bắn vệ tinh Sputnik lên trời vào năm 1957. Một chấn động gây bàng hoàng như vụ Trân Châu Cảng năm 1941.



Ba tuần sau thì Sputnik bặt tin nhưng dân Mỹ đã nói đến nguy cơ bị Liên Xô qua mặt! Tờ Life cảnh báo về khủng hoảng giáo dục khiến dân Mỹ sẽ thua dân Nga về khoa học kỹ thuật. Lời hăm của Nikita Krushev là "sẽ chôn nước Mỹ" càng gây hốt hoảng, được John Kennedy khai thác với số liệu đáng ngờ về khả năng nguyên tử của Nga. Khi ấy một bậc thức giả trẻ tuổi là Henry Kissinger xác nhận rằng Hoa Kỳ đang lụn bại!



Phản ứng quật khởi đầy dại dột thời đó có góp phần dẫn đến... chiến tranh Việt Nam. Mà dân ta không biết!



Đến thời Lyndon Johnson thì quả tình là nước Mỹ lụn bại khi vừa muốn cải tạo xã hội vừa bảo vệ tiền đồn của thế giới tự do. Trong khi các lãnh tụ bị ám sát. Qua thời Richard Nixon thì nước Mỹ tin chắc là sẽ bị Âu Châu qua mặt và trôi vào trạng thái bất an – malaise - của thời Jimmy Carter. Qua thời Ronald Reagan thì Hoa Kỳ lụn bại trước sự lớn mạnh của Nhật. Ngày nay thì có con ngáo ộp Trung Quốc và sự tàn tạ của "Giấc mơ Hoa Kỳ"....



Có mỗi chuyện y tế toàn dân như Âu Châu đã có từ thế kỷ trước mà còn làm không xong!



Nhưng mà nhìn từ bên ngoài, chúng ta đừng tưởng thật! Sau Obama, nước Mỹ sẽ lại nổi điên bày ra chuyện khác. Rồi bị các đại cường thất thế đả kích là bày gian kế mắc bệnh để lừa thiên hạ!



___________________________________



Chỉ có tại nước Mỹ



Một Câu lạc bộ Săn bắn Texas có sáng kiến gây quỹ để cứu loài tê giác đen đang bị tuyệt chủng tại Châu Phi. Hội này muốn thu được nửa triệu đô bằng cách bán đấu giá giấy phép cho đi bắn tê giác đen ở Namibia. Theo Giám đốc Ben Carter của hội Dallas Safari Club, đấy là cách người ta chứng minh sự thiết tha quan tâm đến việc bảo tồn súc vật. Ông ta nói mà không cười.

Nguyen Xuan Nghia

Source : Viet Bao / Dainamax Tribune

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét