Tự do ngôn luận trong xã hội dân sự
(Qua cách hiểu về khái niệm chính trị của Hannah Arendt)
Trần Đình Sử
Trong đời sống của chúng ta hôm nay khái niệm chính trị trở thành một từ cửa miệng và rất hệ trọng. Nào là chính trị thống soái, nào là văn nghệ phục tùng chính trị, văn nghệ phục vụ chính trị, làm việc gì cũng coi là thực hiện nhiệm vụ chính trị, khi phạm sai lầm thì chịu trách nhiệm chính trị, đảng chính trị cầm quyền…Nhưng chính trị là gì? Câu chuyện tưởng đã hiển nhiên, mà hóa ra vẫn còn nhiều điều chưa rõ, thậm chí ngộ nhận.
Nhân loại hàng nghìn năm nay, khải niệm chính trị được hiểu khá khác nhau. Từ thời cổ đại, tại các thành bang Hy Lạp đã có truyền thống dân chủ, đối thoại, tạo nên một đời sống chính trị đặc biệt. Aristote đã cói đó là bản chất của con người. Ông gọi con người là một “động vật chính trị”, tức là loại động vật biết trao đổi ý kiến với nhau về các sự kiện trong đời sống chung, điều mà các động vật khác không có được. Sau vụ án Socrate bị tuyên án tử hình bằng thuốc độc vì hai tội: bất kính với thần linh và làm hư hỏng lớp trẻ, Platon bắt đầu nhìn chính trị một cách khác. Ông hiểu chính trị là sự áp đặt quyền lực lên người khác, là các thủ đoạn để thống trị người khác. Từ đó, khái niệm chính trị được hiểu theo nghĩa xấu. Hoặc là thủ đoạn thao túng quyền lực, hoặc là cách sử dụng bạo lực xã hội. Tất nhiên là nghĩa này cũng phản ánh một thực chất xã hội, nhưng không phải nghĩa tốt đẹp.
Trong chữ Hán, trị có nghĩa là quản lí (trị gia, trị quốc, thống trị, cai trị, trị an), xử lí, trừng trị (trị tội, trị bệnh). Nhưngchính trị thì nghĩa thế nào? Chữ chính thông với chữ chinh, có nghĩa là chinh phạt, dụng binh, trưng thu thuế khóa, trưng dụng của cải. Như vậy chính trị có nghĩa là quản lí, chinh phạt, thu thuế. Đó là một khái niệm thực dụng về chính trị, thiếu hẳn nội dung triết học của chính trị.
Max Weiber theo truyền thống Platon, xem chính trị là hành vi áp đặt cho người khác (đặt ra quyết sách, ra mệnh lệnh, ra nghị quyết…), tương tự như A. Smithe xem chính trị là hành vi đấu tranh với kẻ thù, tất nhiên không phải giữa cá nhân người với người, mà giữa phe phái, chính quyền, nước này nước nọ. Marx, Lenin xem chính trị là đấu tranh giai cấp, giai cấp này giành chính quyền từ tay giai cấp kia và xác lập sự thống trị. Chính trị là vấn đề chính quyền, nhà nước, chuyên chính của tập đoàn thống trị. Lenin nói chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế là với ý nắm quyền cai trị về kinh tế, xã hội. Nắm chính quyền để chi phối kinh tế. Mao Trạch Đông nói vấn đề chính trị là vấn đề làm sao để phe ta ngày càng đông, càng mạnh, còn phe địch ngày cáng yếu để đi tới tiêu diệt chúng. Chính quyền là từ họng súng mà ra. Chính trị tức là dùng bạo lực để giành quyền thống trị. Mao nói chính quyền đẻ ra từ họng súng. Như thế toàn bộ chính trị là vấn đề quyền lực và bạo lực. Các tổ chức, đoàn thể xã hội, nói rộng ra là cả hệ thống chính trị chẳng qua là các phương tiện tổ chức lực lượng, lập mặt trận để chọi nhau, giữ chặt quyền lợi. Thực chất của các tổ chức, đoàn thể ấy là nhằm khiến cho người dân đem quyền của mình giao phó cho một nhóm người sử dụng, vì lợi ích chung. Nhưng khi đã nắm được quyền rồi thì nhóm người kia có thực hiện ý chí, nguyện vọng của dân chúng hay không lại là chuyện khác. Để bảo về lợi ích của mình, nhóm chính quyền bèn sử dụng bạo lực, quyền lực trói buộc dân chúng. Như thế, theo Arendt, khái niệm chính trị lưu hành chỉ là một nội dung thực dụng của chính trị chứ chưa phải khái niệm chính trị đích thực. Chính trị đích thực không phải là quyền lực, bạo lực, mà là khái niệm đảm bảo quyền làm chủ của mọi người dân trong xã hội. Ở nước ta các chính khách cộng sản cũng nhiều lần nêu lí tưởng nhân dân làm chủ, làm chủ tập thể, nói mọi việc phải để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng vì thiếu khái niệm chính trị đích thực cho nên lí tưởng ấy cho đến nay vẫn chỉ là nói suông, chưa hề được thực hiện, còn cái được thực hiện thì chỉ là quyền lực duy ý chí của một nhóm người.
Bà Hannah Arendt, người Mĩ gốc Do Thái, từng trốn thoát khỏi nước Đức phát xít, sang Mĩ, từ nghiên cứu Nguồn gốc của chế độ toàn trị, nghiên cứu bạo lực, quyền lực, trong tác phẩm Điều kiện của con người (Human Condition) bà đã nêu ra khái niệm mới về chính trị, khái niệm chính trị đích thực. Theo bà cái mà chúng ta vẫn thường nói là chính trị ”(politics) trên đây chỉ là một bộ phận của chính trị đích thực ”(authentically political), hơn thế , là khái niệm ưu tiên so với mọi hoạt động khác của nhân loại.
Khác với tất cả các khái niệm chính trị vừa nêu ở trên, theo bà, chính trị là là một hành động, mà nội dung hành động đó là công khai phát ngôn về sự vụ công cộng của xã hội. Cái lĩnh vực mà mọi người đều được công khai, bình đẳng bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ công cộng của xã hội, đó là chính trị đích thực. Theo nội dung này thì bạo lực không phải là chính trị, mà chỉ là đối lập với chính trị, phi chính trị, phủ nhận chính trị. Thống trị cũng không phải là chính trị mà là cái đối lập với chính trị. Chính trị nảy sinh từ giữa sự công sinh, cùng tồn tại giữa người với người, chứ không phải giữa ta với kẻ thù. Arendt cho rằng bản chất của hành động chính trị là phi bạo lực, phi áp đặt, do đó nó phải được tiến hành thông qua sự trao đổi, bàn bạc. Hành động chính trị đích thực là phát ngôn, thông qua phương thức thảo luận và thuyết phục để trao đổi quan điểm về xã hội.
Trong bài Bàn về bạo lực Arendt chi ra, một cái nọc độc mà nhiều sách báo chính trị nêu ra là, cho rằng quyền lực bắt nguồn từ bản năng thống trị, từ niềm khoái cảm được đè đầu cưỡi cổ người khác. Theo đó quyền lực tức là cưỡng bức người khác làm theo ý chí của mình, hoặc là bất chấp sự phản kháng của người khác, bắt người khác làm theo mệnh lệnh của mình. Hiểu như thế thì chính trị chỉ có nghĩa là sự chi phối, sự cưỡng bức, sự đàn áp, đó là một ngộ nhận về bản chất của chính trị, là đem bạo lực”(violence) đánh đồng với quyền lực (power). Xem bạo lực là thể hiện của quyền lực, biến chính trị thành sự tranh giành bằng bạo lực, xem bạo lực là quyền lực rốt ráo của con người. Những cách hiểu đó khiến cho khái niệm chính trị mất đi ý nghĩa đích thực của nó. Bà chế giễu nói: Nếu bản chất của sức mạnh quyền lực là sự chi phối thì, có quyền lực nào mạnh hơn họng súng? Khi đó, cái mệnh lệnh của viên cảnh sát và mệnh lệnh của một tên cướp có gì khác nhau?” Vì thế bà không xem cái sức mạnh xây dựng trên bạo lực và quyền lực là chính trị. và cũng không xem cuộc đấu tranh giành quyền lực đó là chính trị. Làm như thế để khẳng định tính chất phi bạo lực của chính trị và của quyền lực. Đối với bà chính trị và quyền lực đều chỉ có ý nghĩa tốt, không mang nghĩa xấu. Chính trị là một hành động hiệp thương bình đẳng giữa người và người về công vụ của xã hội, và từ trong hiệp thương đó mà nảy sinh ra quyền lực, một sức mạnh được mọi người tôn trọng, tự nguyện tuân theo. Một chính trị xây dựng trên nền tảng các ý kiến bất bình đẳng của một số ít người, đa sô người khác không được bày tỏ ý kiến, buộc phải duy trì bằng bạo lực, là thứ chính trị bất hợp pháp. Lức đó quyền lực kia chỉ còn thuần túy là bạo lực mà không có chút chính trị nào. Sự tham dự của công dân là bản chất của quyên lực (trong điều kiện không tham dự trực tiếp công dân có thể dùng phương thức ủy quyền để thực hiện quyền lực).
Trong tác phẩm Điều kiện của con người, bà phân biệt lao động (labor), làm việc, công tác(work), và hành động (action), Ba loại hoạt động này ứng với ba điều kiện tồn tại của con người. Lao động là các hoạt động đáp ứng nhu cầu cuộc sống, bao gồm nhu cầu sinh lí tự nhiên của con người từ khi sinh ra cho đến khi chết, như ăn uống, bài tiết, tắm rửa…Làm việc là thực hiện các việc làm ra các sản phẩm phi tự nhiên, như sản xuất, làm các việc trong các cơ quan, quân đội…Nó ứng với cái phần phi tự nhiên của tồn tại con người. Công tác “sáng tạo ra một thế giới nhân tạo hoàn toàn khác với hoàn cảnh tự nhiên. Các công việc này đều vượt qua nhu cầu tồn tại của cá thể. Vậy hoạt động là gì? Theo Arendt hoạt động là từ đồng nghĩa với chính trị và thực tiễn chính trị. Hành động là hoạt động khác hẳn với lao động hay làm việc, bởi lao động hay làm việc đều lấy nhu cầu kinh tế vật chất làm hạt nhân. Các hoạt động đó không tạo thành điều kiện cho hoạt động chính trị. Tương ứng với điều đó, cái không gian mà thực tiễn chính trị triển khai, tức là không gian công cộng, nhất định phải phân biệt với không gian hoạt động kinh tế. Công việc kinh tế mà chính trị hóa, hoặc là xóa bỏ ranh giới giữa lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực hoạt động công cộng thì sẽ hủy hoại hoạt động chính trị và không gian công cộng. Vậy thực chất hoạt động chính trị là gì? Đó là hoạt động nói năng, bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ chung của xã hội, nhằm tạo ra một cuộc sống hợp lí tốt đẹp cho mọi người. Nội dung của hành động chính trị tức là bản thân chính trị. Hoạt động chính trị tức là dùng lời nói để bày tỏ chính kiến. Nội dung của hoạt động chính trị đó tức là thảo luận và bàn bạc, dùng cách gì để bảo hộ một tổ chức chính trị. Lí do tồn tại của tổ chức chính trị đó là thông qua thảo luận, bàn bạc tự do nhằm thực hiện các công vụ xã hội. Trong tình hình nguy cấp, nó có thể thảo luận nhằm sáng tạo một chính phủ như thế nào để thể chế hóa các cuộc thảo luận tự phát. Các vấn đề liên quan đến hiến pháp, tinh thần pháp luật và giải thích pháp luật đều là các vấn đề chính trị cần được thảo luận công khai tự do.
Bàn đến chính trị với tư cách là chính trị, hay là bàn đến chính trị như là sự phát ngôn, – cái mà chính trị này đề cập tới là sáng tạo và duy trì các điều kiện tiền đề cho các phát ngôn, bàn bạc này được thực hiện. Như thế có nghĩa là chính trị là mục đích tự thân của chính trị. Chính trị chỉ tồn tại khi bày tỏ ý kiến về công việc công cộng, chính trị không vụ lợi và luôn nghiêm túc.
Arendt cho rằng chỉ khi tuyệt đại bộ phận nhân dân tham gia vào đời sống chính trị như thế thì chính trị đích thực mới xuất hiện. Phẩm chất quan trong để tham gia đời sống chính trị là dũng cảm, theo đòi phúc lợi công cộng, thích thú với tự do công cộng, khát khao mong công dân bày tỏ các chính kiến khác biệt của họ, bất kể địa vị xã hội của người ấy như thế nào, hơn nữa không liên quan gì đến niềm vui sau khi thắng lợi. Trong các phẩm chất ấy duy nhất không có quyền lực. Khác với Nietzsche, Arendt cho rằng “nhiệt tình chính trị” không có tác dụng gì trong chính trị.
Khái niệm chính trị của Arendt có nội hàm rất phong phú và độc đáo. Chúng tôi không có tham vọng trong bài viết ngắn trình bày nó. Chỉ riêng phần chính trị là lĩnh vực mà mọi người đều được công khai, bình đẳng bày tỏ ý kiến của mình về các sự vụ công cộng của xã hội, đó là chính trị đích thực thuộc xã hội dân sự. Nó đối lập với bạo lực, quản lí. Nếu tước bỏ nó, hay giới hạn nó, hay nhà nước hóa nó đều là thủ tiêu xã hội dân sự. Chỉ có hiểu chính trị như là lĩnh vực của xã hội dân sự thì mới xử lí đúng vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chỉ có tự do ngôn luận thì người dân mới góp phần kiểm soát, bày tỏ ý kiến đối với các quyết sách, chủ trương của nhà quản lí, một khi họ đi ngược lại nguyện vọng của người dân. Tự do ngôn luận là một cơ chế liên hệ ngược của xã hội. Nếu không, thì sau khi bỏ lá phiều bầu các vị quản lí, cũng đồng nghĩa với việc bỏ phiếu cho sự phụ thuộc, nô lệ của chính mình. Còn đâu là tính chất chủ nhân của người dân trong một nước dân chủ?
Nguồn: Blog Trần Đình Sử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét