Trong sinh hoạt chính trị ở các nước dân chủ, điều quan trọng nhất là sự tín nhiệm (trust). Sự tín nhiệm trở thành một thứ bảo chứng cho quyền lực: Quyền lực chỉ tồn tại và kéo dài nếu sự tín nhiệm vẫn còn cao. Mất tín nhiệm cũng đồng nghĩa với việc mất quyền lực (muộn nhất là trong kỳ bầu cử kế tiếp).
Đó là lý do tại sao trên báo chí Tây phương, người ta thường xuyên đặt vấn đề tín nhiệm đối với chính phủ hoặc người lãnh đạo cao nhất trong chính phủ. Gần đây, nhân danh sự tín nhiệm, ở Mỹ, nhiều người phê phán thái độ lưỡng lự và bất nhất của Tổng thống Barack Obama đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria; nhiều người khác phê phán thái độ cứng rắn của đảng Cộng hòa trong các yêu sách về ngân sách khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong vòng 16 ngày. Ở Úc, cũng vậy. Sau cuộc bầu cử vào đầu tháng 9 vừa qua, nhiều bình luận gia chính trị cũng thường xuyên đặt vấn đề tín nhiệm để nhắc nhở chính phủ phải thực hiện các lời hứa của họ.
Ở Việt Nam, giới lãnh đạo cũng thường đề cập đến chuyện tín nhiệm. Ông Nguyễn Phú Trọng, trong các buổi hội thảo, kêu gọi mọi người hãy tin vào chủ nghĩa xã hội; ông Nguyễn Tấn Dũng, trên diễn đàn quốc tế tại Singapore, kêu gọi lòng tin chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới; ông Trương Tấn Sang, trong các buổi gặp gỡ cử tri, kêu gọi mọi người hãy tin ông trong sạch và quyết tâm chống tham nhũng, nếu không làm được đó, ông sẽ từ chức, và nếu từ chức, ông sẽ trả dinh thự lại cho chính phủ để về sống trong căn nhà nhỏ bé của mình. Và cả ba đều, ở những thời điểm và khung cảnh khác nhau, kêu gọi mọi người hãy tin… đảng.
Trong cuốn Trust Me: Australians and their politicians mới xuất bản vào giữa năm nay, Tiến sĩ Jackie Dickenson, hiện dạy Chính trị học tại trường Đại học Melbourne, cho sự tín nhiệm chính trị không thể được hình thành bằng những lời nói suông hay những lời hứa hẹn hão. Nó chỉ có thể được xây dựng trên bốn nền tảng chính: năng lực (competence), sự công khai (openness), sự lương thiện (honesty) và sự khả tín (reliability).
Năng lực được đo lường ở việc đối phó với những vấn đề và những thách thức cụ thể mà cả nước phải đương đầu, từ lãnh vực quốc phòng đến các lãnh vực chính trị, kinh tế, y tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao, giáo dục, v.v...
Sự công khai thể hiện ở tính chất minh bạch trong chính sách cũng như trong quản lý, ở việc cho phép tự do báo chí cũng như tự do ngôn luận.
Sự lương thiện thể hiện ở sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, không có chuyện nói một đàng làm một nẻo.
Tính chất khả tín bao gồm nhiều khía cạnh, không phải chỉ ở việc chính phủ thực hiện các lời hứa mà còn ở chỗ dân chúng có thể tiên đoán được các chính sách của chính phủ dựa trên những nguyên tắc, cương lĩnh và niềm tin mà giới lãnh đạo đã đưa ra. Ở Mỹ, với Tổng thống George W. Bush trước đây, người ta có thể chê nhiều điểm (như nói dở, có tầm nhìn chiến lược nhưng không có khả năng hay sở thích đi sâu vào chi tiết, do đó, thường đơn giản hóa vấn đề), nhưng có một điểm phần lớn đều khen: người ta biết ông nghĩ gì và muốn gì, từ đó, biết cả các chiều hướng chiến lược mà nước Mỹ sẽ theo đuổi. Ở Úc, cũng vậy, đánh giá sự thành công của John Howard, vị Thủ tướng thứ 25 (từ 1996 đến 2007) và là vị Thủ tướng cầm quyền lâu thứ hai trong lịch sử nước Úc (chỉ sau Sir Robert Menzies, vị Thủ tướng thứ 12, cầm quyền tổng cộng 18 năm), nhiều nhà bình luận cho: Không phải lúc nào người ta cũng đồng ý với John Howard, nhưng bao giờ người ta cũng biết rõ là ông nghĩ gì và muốn gì: Người ta xem đó là tính chất khả tín.
Áp dụng bốn tiêu chuẩn ấy vào Việt Nam, chúng ta thấy thế nào?
Hai tiêu chuẩn giữa, sự công khai và lương thiện có lẽ không cần phải bàn: Hầu như ai cũng thấy. Dân chúng lại càng thấy rõ. Không phải ngẫu nhiên mà câu nói “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm” của ông Nguyễn Văn Thiệu trước kia càng ngày càng được nhiều người tán thành và nhắc nhở. Sau này, dân chúng thêm vào câu nói đã thành “danh ngôn” ấy một chuyện cười khá ý vị, đại khái:
“Cả thế giới đều sợ người Mỹ vì người Mỹ đã nói là làm. Nhưng người Mỹ lại sợ người Nhật vì người Nhật làm rồi mới nói. Còn người Nhật lại sợ người Trung Quốc vì Trung Quốc không nói mà làm. Thế còn Trung Quốc sợ ai? Câu trả lời: Trung Quốc sợ Việt Nam vì Việt Nam nói một đằng làm một nẻo.”
Không biết Trung Quốc có sợ Việt Nam vì chuyện đó hay không, nhưng chắc chắn là dân chúng Việt Nam sợ. Sợ và khinh. Khinh nên mới có một chuyện cười như thế.
Với tiêu chuẩn thứ tư, trong giới lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam, thành thực mà nói, người ta biết Nguyễn Phú Trọng nghĩ gì và muốn gì: Ông vẫn tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội và muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Với Nguyễn Tấn Dũng, người ta có thể biết, biết rõ những tham vọng cá nhân của ông, nhưng lại không ai có thể biết được ông nghĩ gì và muốn gì về tương lai của đất nước. Với Trương Tấn Sang, cũng vậy: Ông chỉ nói về những chuyện nhỏ, như chuyện chống tham nhũng và tranh giành quyền lực, nhưng một mô hình xã hội không tham nhũng mà ông mơ ước như thế nào, người ta tuyệt đối không biết.
Tất cả những cái biết và không biết ở trên đều chỉ có công dụng bào mòn sự tín nhiệm, nếu có, của dân chúng đối với giới cầm quyền.
Nhưng tiêu chuẩn quan trọng nhất của sự tín nhiệm chính là tiêu chuẩn thứ nhất: năng lực. Đối với Nguyễn Phú Trọng, câu trả lời của dân chúng đã rõ qua cái hỗn danh mà người miền Bắc đã đặt cho ông: “Trọng Lú”. Với Nguyễn Tấn Dũng, câu trả lời cũng tương đối rõ qua việc người ta hay nhắc nhở đến gốc gác y tá của ông. Thật ra, một lãnh tụ giỏi có thể xuất thân từ nhiều nghề nghiệp khác nhau, kể cả những nghề lao động bình thường nhất. Nhưng việc dân chúng cứ nhắc đi nhắc lại cái gốc y tá ấy chứng tỏ một điều: người ta coi thường ông. Vậy thôi. Trương Tấn Sang may mắn hơn, ít bị dân chúng dè bĩu về chuyện năng lực. Nhưng điều đó không chứng tỏ là ông giỏi. Có thể lý do chính là vì chức Chủ tịch nước của ông chỉ là một hư vị.
Tuy nhiên, gạt qua một bên chuyện cá nhân. Cứ nhìn giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay như một tập thể, điều dễ thấy nhất vẫn là sự bất lực của họ trong mọi phương diện. Nhìn đâu cũng thấy bế tắc. Nhìn ra biển đảo: bế tắc. Nhìn vào thị trường: bế tắc. Nhìn ra đường với cảnh ùn tắc triền miên và mức độ tai nạn giao thông khủng khiếp: bế tắc. Nhìn vào các bệnh viện và trường học, ở đâu cũng thấy suy đồi về đạo đức: bế tắc. Những bế tắc ấy là bằng chứng rõ nhất của sự bất lực từ hàng ngũ lãnh đạo.
Trước cả bốn tiêu chuẩn ấy, bạn có nghĩ là bạn nên tiếp tục tín nhiệm nhà cầm quyền hay không?
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Source : VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét