Thứ ba, 26/11/2013Xem

VOA     

Trung Quốc ‘có âm mưu mới’ về biển Đông?

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc
Chính sách của Trung Quốc như tôi đã nói nhiều lần là lúc đấm, lúc xoa, lúc tiến, lúc lùi. Khi mà gặp sự phản đối mạnh mẽ của các nước lớn trong khu vực thì họ lùi lại còn khi thấy thời cơ thì họ lại thò ra.
Một đội tàu chiến của Trung Quốc với sự dẫn đầu của tàu sân bay Liêu Ninh hôm nay đã khởi hành đến biển Đông để diễn tập tại đây. Trước đó, có tin Bắc Kinh cân nhắc khả năng thiết lập vùng phòng không trên vùng biển tranh chấp giữa nhiều quốc gia này. VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, ông Dương Danh Dy, để tìm hiểu xem các động thái mới nhất của Trung Quốc có ý nghĩa như thế nào với Việt Nam.

VOA: Thưa ông, báo chí Trung Quốc mới đây trích lời ông Doãn Trác, một thiếu tướng hải quân của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh có kế hoạch lập vùng phòng không trên biển Đông. Ông nghĩ sao về tuyên bố này?

Ông Dương Danh Dy: Trung Quốc gần đây có sự điều chỉnh sách lược về biển Đông. Chính sách của Trung Quốc như tôi đã nói nhiều lần là lúc đấm, lúc xoa, lúc tiến, lúc lùi. Khi mà gặp sự phản đối mạnh mẽ của các nước lớn trong khu vực thì họ lùi lại còn khi thấy thời cơ thì họ lại thò ra. Cho nên tôi thấy chuyện này nó cũng là một trong những bước đi tất nhiên, những thủ đoạn, những bước đi tất nhiên của Trung Quốc thôi, cũng giống như vùng biên giới trên không với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Cái chính là âm mưu bá chiếm biển Đông của Trung Quốc thì bất biến.

VOA: Hôm nay, Trung Quốc đã đưa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tới biển Đông để theo lời họ nói là để tiến hành nghiên cứu và diễn tập. Liệu hành động đó có phải là nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc ở biển Đông không?

Ông Dương Danh Dy: Nó vẫn nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Bây giờ theo tôi, sau  một thời gian họ xoa rồi họ lùi thì giờ họ lại [thực hiện] một âm mưu mới ở biển Đông. Cái đó là cái tất nhiên. Nếu họ không làm thì mới là điều ngạc nhiên. Còn khi mà họ có các bước đi như vậy thì rõ ràng là Trung Quốc muốn dần dần thực hiện sự hiện diện của họ tại biển Đông một ngày một mạnh lên. Họ muốn chứng tỏ rằng họ muốn bá chiếm biển Đông, chiếm 80% vùng biển Đông của họ, và muốn biến điều đó thành hiện thực. Chắc chắn là những âm mưu rồi những hành động này, hành động kia của Trung Quốc là nhằm thể hiện chủ quyền của Trung Quốc. Làm ở Hoa Đông rồi thì phải làm ở biển Đông thôi.  

VOA: Trước các diễn biến dồn dập như vậy tại biển Đông, ông nhận định ra sao về tình hình tại vùng biển này trong thời gian tới?

Ông Dương Danh Dy: Tôi nghĩ rằng là Trung Quốc họ làm thế thôi, còn giờ nếu xảy ra xung đột, theo tôi nghĩ, có lẽ chưa phải lúc. Các nước trong khu vực rất cảnh giác, chăm chú theo dõi mọi động thái của Trung Quốc và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hiện nay chưa phải là lúc Trung Quốc dám gây ra những thay đổi lớn ở biển Đông. Nội bộ Trung Quốc nhiều chuyện lắm. Họ vừa họp Hội nghị Trung ương 3 xong nhưng mà qua hội nghị này ta cũng thấy là nhiều vấn đề lắm, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường rồi bất mãn của dân chúng rồi vụ nổ ở Quảng trường Thiên An Môn hay Tân Cương vân vân. Cho nên là, tôi nghĩ rằng họ làm gì thì làm nhưng trong lúc này họ chưa thể gây chuyện lớn được.

VOA: Ông đánh giá ra sao về phản ứng của Việt Nam thời gian qua và ông nghĩ sao về hành động của Việt Nam trong thời gian sắp tới?

Ông Dương Danh Dy: Tôi thấy rằng thái độ của Việt Nam hiện nay như thế là đúng mức. Một mặt thì không muốn to tiếng, không muốn gây chuyện với Trung Quốc về vấn đề này để làm cho vấn đề nó trở nên sâu sắc và nghiêm trọng hơn. Một mặt thì Việt Nam vẫn lặng lẽ chuẩn bị và cảnh giác trước mọi hành động có thể có của Trung Quốc. Nếu mà đòi hỏi Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ như Nhật Bản và Philippines thì tôi nghĩ rằng là hơi khó. Nhật Bản và Philippines cách Trung Quốc vùng biển rất xa. Sau lưng Nhật Bản còn có Mỹ và sau lưng Philippines còn có Mỹ. Chứ còn Việt Nam có hơn một nghìn cây số trên đất liền với Trung Quốc. Tôi là người đã từng trải qua những cuộc đấu tranh với Trung Quốc trên biên giới trên bộ thì xin nói thật rằng làm láng giềng với anh láng giềng lớn này thì khó chịu và vất vả lắm. 

Nguồn: VOA