BBC
Ý kiến: Nên 'giải tán Quốc hội'
Cập nhật: 14:36 GMT - thứ sáu, 29 tháng 11, 2013
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nói Quốc hội nên "giải tán" sau khi thông qua Hiến pháp sửa đổi giữ nguyên sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhưng lại không cho người dân tư hữu đất đai và Quân đội Nhân dân lại trung thành với Đảng thay vì với nhân dân.
"Quốc hội này không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của tôi nữa nên cá nhân tôi là tôi muốn giải tán Quốc hội này.Nói chuyện với BBC hôm 29/11, một ngày sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua với hơn 97% số phiếu, ông Thắng nói:
"Tôi đang muốn làm thế nào để có một Quốc hội khác, đại diện cho ý chí của nhân dân."
Mặc dù vậy ông Thắng thừa nhận rằng có thể những người phản đổi Hiến pháp mới thông qua chỉ là thiểu số trong một đất nước mà Đảng Cộng sản kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông.
Ông cũng nói thêm: "Hoàn toàn chưa có cách nào [để giải tán Quốc hội].
"Nhưng trong thực tiễn thì tất cả mọi chuyển đổi...đều bắt đầu từ thiểu số."
Không đồng tình
Nói về bản Hiến pháp sửa đổi, ông Thắng cho biết:
"Có mấy điểm tôi không đồng tình.
"Điểm thứ nhất là Điều 4 của Hiến pháp [giữ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản].
"Điểm thứ hai là quy định về quyền sở hữu, không tôn trọng cái quyền sở hữu tư nhân về đất đai.
"Và một điều nữa liên quan tới quân đội. Tôi không chấp nhận cái chuyện quân đội phải trung thành với Đảng.
"Quân đội theo tôi phải trung thành với nhân dân."
Một điểm khác gây tranh cãi là chuyện kinh tế nhà nước vẫn được xác định đóng vai trò chủ đạo cho dù điều này không có trong dự thảo Hiến pháp hồi đầu năm nay.
Với các vụ bê bối Vinalines và Vinashin bên cạnh xung đột ở Tiên Lãng và Văn Giang, sở hữu nhà nước đối với các công ty và đất đai gây nhiều tranh luận.
Thêm vào đó sự bao trùm không gian xã hội của Đảng Cộng sản cũng bị chỉ trích.
Hội phản đối
Ông Thắng cũng là một trong những người sáng lập BấmHội những người không đồng ý Hiến Pháp mới được quốc hội thông qua trên mạng Facebook.
Tính tới tối 29/11, Hội đã thu hút được 1.500 thành viên sau 24 giờ xuất hiện trên mạng xã hội Facebook.
Ông Thắng nói mục tiêu của Hội là thăm dò ý kiến của công dân mạng, tăng cường nhận thức của người dân và nói thêm:
"Cái việc hành động thế nào tiếp phụ thuộc vào ý chí của nhóm này... nó đòi hỏi những người hoạt động thực tế bởi vì những người tham gia hội nhóm trên mạng nó cũng rất là ảo, nó chưa biến được thành chuyển biến trên thực tiễn cuộc sống.
"...Điều này là sự phát huy trí tuệ tập thể bởi vì khi tham gia một nhóm sẽ có rất nhiều ý kiến. Khi người ta cùng chung lý tưởng, cùng chia sẻ giá trị thì người ta sẽ đưa ra những sáng kiến.
"Khi một sáng kiến của một cá nhân trong nhóm mà hay thì chắc chắn những người khác nếu người ta nhận thấy nó hợp lý thì nó sẽ được đưa vào hành động thực tiễn."
Ông Thắng nói Hội hy vọng sẽ nâng cao sự hiểu biết của người dân và dẫn tới phong trào "bất tuân dân sự và tẩy chay Hiến pháp."
Nhà hoạt động này cho rằng các hoạt động của những người ủng hộ dân chủ ở Việt Nam sẽ giúp thay đổi nhận thức nhưng sẽ khó tạo ra thay đổi "ngay lập tức" mà cần có "điều kiện xã hội thuận lợi".
Ông cũng nói ông và nhiều nhà hoạt động khác đã sẵn sàng trả giá cao hơn so với mức phạt 100 triệu đồng mà Việt Nam vừa quy định trong Nghị định 174 được ban hành hôm 13/11 về phạt hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước ...; phá hoại khối đoàn kết dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".
Mới đây ông Thắng đã bị lực lượng công an Việt Nam Bấmgiam qua đêm khi về tới sân bay Nội Bài sau một thời gian tham gia những hoạt động vì dân chủ ở nước ngoài.
SOURCE : BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét