Cơ quan Năng lượng Quốc tế, IEA, cho biết đến năm 2015 Mỹ sẽ vượt qua Ả-rập Saudi và Nga trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới và đang trên đường trở thành nước tự túc về năng lượng trong hai thập niên tới.
Nhu cầu Năng lương năm 2035
IEA hôm thứ Ba cho biết trong 10 năm kế, thành công gần đây của Mỹ và Canada trong việc khai thác đá phiến dầu và hoạt động khoan dầu nước sâu của Brazil sẽ làm giảm vai trò của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do khu vực Trung Đông thống trị - nhóm nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Nhưng IEA nói vị thế nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới của Mỹ sẽ chấm dứt vào giữa những năm 2020 khi nguồn dầu giảm đi ở những cánh đồng hiện đang được khai thác tại các bang North Dakota và Texas. IEA cho biết sau đó các nước Trung Đông sẽ cung ứng cho hầu hết sự gia tăng nguồn cung dầu của toàn cầu.
Trong báo cáo Viễn kiến Năng lượng Thế giới hàng năm, IEA nói Mỹ đang từng bước "hướng tới việc đáp ứng tất cả nhu cầu năng lượng bằng nguồn dầu trong nước vào năm 2035." Tự túc về năng lượng từ lâu vẫn là mục tiêu của các nhà lãnh đạo Mỹ.
Trên khắp thế giới, IEA cho biết nhu cầu về năng lượng sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi các nền kinh tế mới nổi, và rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030. Báo cáo cho biết Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông sẽ đẩy nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng lên một phần ba.
Tuy nhiên IEA nói việc đảm bảo năng lượng trên toàn thế giới đang bị xói mòn vì giá cao, với giá dầu trung bình hơn 110 đô la một thùng kể từ năm 2011.
Giám đốc điều hành của IEA, bà Maria van der Hoeven, nói rằng "khoảng thời gian dài giá dầu tăng cao như vậy trước nay chưa từng có." Nhưng cơ quan này dự đoán giá dầu thậm chí sẽ còn cao hơn nữa, lên tới 128 đôla một thùng vào năm 2035.
IEA nói mặc dù giá dầu là "tương đối đồng đều" trên toàn thế giới, giá khí thiên nhiên lại rất chênh lệch. Với sản lượng khí đốt lớn ở Mỹ, IEA nói người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ trả ít hơn nhiều so với ở châu Âu và Nhật Bản, nơi mà phần nhiều nhiên liệu phải nhập khẩu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét