24/11/08

Long mạch: Trả lời những câu hỏi

Long mạch: Trả lời những câu hỏi



Bùi Trọng Liễu





Đúng là “bút sa gà chết”, đã trót viết ra thì “đâm lao phải theo lao”. Sau khi đăng bài “Long mạch và văn hóa Việt Nam ở thời toàn cầu hóa”, tôi nhận được một số câu hỏi của một số bạn đọc. Tuy câu hỏi của những người đó gửi riêng cho tôi, nhưng đại loại nó cũng tương tự như nhau, nghiêm chỉnh và vui, vả lại chẳng có gì là “mật”, nên nghĩ rằng tôi có thể trả lời chung trên mạng. Tóm tắt những câu hỏi đó là như sau:

Khi anh (nghĩa là tôi, tác giả bài đã dẫn) nói long mạch di chuyển, như vậy có phải anh gián tiếp thừa nhận có long mạch không? Nếu vậy, nhờ anh mách giùm long mạch ai đó đang tin, nó chạy về đâu? Có công cụ hay phương pháp nào định vị và cố định nó vào một chỗ được không? Chẳng lẽ nó di chuyển đi đâu thì lại cứ phải di dời theo nó sao? Như thế mệt lắm! Anh viết một câu về doanh nhân, cho rằng họ là những người lo xây cất kiếm lời, làm giàu, họ đâu có ảnh hưởng được đến đại sự vì dân vì nước. Anh có ý chê bai họ không? Anh viết rằng triều Lê đóng đô nơi đó (khu hoàng thành) cũng đã bị suy. Anh có thể nói kỹ hơn là long mạch lúc đó nằm đâu?

Bây giờ tôi xin cố trả lời những câu hỏi hóc búa này.

Trước hết, tất nhiên là tôi không “tin” gì hết; như tôi đã viết, tôi cố tin thần thánh mà còn chẳng tin được thì sao mà tin được long mạch. Tuy nhiên, tôi “ghi nhận” lòng tin của người khác, đặc biệt là của “mấy” người có quyền thế. Và từ đó mà tôi luận. Rằng long mạch nó chạy về chỗ nào mà phù hợp với lòng dân. Nếu toàn dân không phát biểu được thì đã có những thức giả, nhà khoa học, chuyên gia, trí thức, vv. có tâm có tầm, nói lên. Đấy là một phương pháp, phần nào nó cũng xác định được là long mạch nó chạy về hướng nào. Định vị nó ở chỗ nào, ở khu đất nào ở Hà Nội ngoài khu hoàng thành, thì theo tôi không phải là vấn đề chính, thiếu gì khu! Còn chuyện mỗi lần nó di dời đi đâu, thì có phải di dời theo nó không, theo tôi không có vấn đề: ở thế kỉ 21 này, nó cũng như cái điện thoại di động hay cái máy tính sách tay, đi đâu sách nó theo cũng được mà! Hồi kháng chiến chống Pháp, nó di động trong ATK (An Toàn Khu, nơi đóng của Chính phủ kháng chiến) có ai hỏi nó cố định chỗ nào đâu, vì thế mà có chiến thắng Điện Biên, vv. Còn cái thời gian CCRĐ, thì nó đi nghỉ ở nước ngoài, nên vắng mặt.

Tôi không hề có ý chê bai “các” doanh nhân, trong đó không ít người làm ăn lương thiện; họ là những người góp phần làm ra của cải cho đất nước. Tôi chỉ viết rằng về “mấy” doanh nhân – tôi quên viết thêm: trong đề án xây cất nhà Quốc hội ở khu hoàng thành – tôi đoán rằng không vì chuyện lo kiếm lời của họ mà long mạch nó nằm ở đó. Như vậy tôi cũng không có lời chê họ.

Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi về triều Lê. Mà cũng chỉ xin nói tóm tắt thôi vì dài dòng lắm. Đúng là tôi đã sơ suất không nói kỹ Lê nào. Thời Lê Thái tổ, Thánh tông, thì chắc long mạch nó nằm ở khu hoàng thành. Còn sau đó, khi họ Trịnh, đặc biệt là Trịnh Tùng chiếm lại được Đông Đô (1592), thì long mạch nó nằm ở phủ Chúa (nếu tôi không nhầm thì nó nằm đâu ở cái khu Thư viện Trung ương ngày nay) chứ nó có còn ở trong hoàng thành nữa đâu. Vua Lê chỉ là cái bù nhìn, chúa Trịnh cho sống thì mới được sống, bắt chết thì phải chết như vua Lê Kính tông, phải tự thắt cổ (1619). Không ít vua Lê là cháu chúa Trịnh do mẹ họ Trịnh đẻ ra, có khi nuôi dạy ngay trong phủ Chúa. Vua Lê thuở đó bị đối xử xem ra cũng không được bằng mấy vua nhà Nguyễn sau này dưới thời Pháp thuộc. Ngay cả cái ông vua Lê Hiển Tông, đã nhịn nhục đủ điều khi bị chúa Trịnh Sâm bắt nạt, vậy mà cũng không cứu nổi con trai là thái tử Duy Vỹ bị chết (Duy Vỹ là bố của vua Lê Chiêu Thống). Câu chuyện như thế này, theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC, bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, nxb Văn học, Hà Nội 1970): Chính phi (vợ cả) của chúa Trịnh Doanh (bố Trịnh Sâm, lúc ấy còn là thế tử – nhắc lại “thái tử” là con sẽ nối ngôi vua, còn “thế tử” là con sẽ nối ngôi chúa –) không có con trai, nhưng có người con gái là công chúa Tiên Dung (có lẽ phải gọi là “quận chúa” mới đúng?), được bố rất yêu chiều. Chính phi xin với chúa Trịnh Doanh gả cho thái tử Duy Vỹ, để sau này được làm hoàng hậu. Một hôm, thái tử và thế tử cùng vào thăm chúa Trịnh Doanh, chúa mời ăn cơm và để con rể và con trai cùng ngồi một mâm. Chính phi thấy vậy, liền nói rằng: “Sao chúa lại được cùng ăn với vua?”. Rồi bà ta bắt ngồi riêng mỗi người một mâm. Thế tử giận, nhưng không dám cãi. Lúc tan tiệc ra, thế tử mới bảo thái tử: “Hai chúng ta sẽ phải một sống, một chết. Vua ấy không nên đứng với chúa này”. Khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa, đổ vu cho Duy Vỹ tội thông dâm với cung nữ của chúa Trịnh Doanh; thái tử Duy Vỹ trốn trong cung vua, nhưng cũng bị bắt, giam vào ngục, sau bị qui tội phản nghịch (1771), ghép vào tội thất cố chết (1). Như vậy là long mạch đâu có ở hoàng thành nữa.

Nhưng trước và sau câu chuyện kể trên, cũng lắm việc lôi thôi ở phủ Chúa thuở ấy rồi, có lẽ long mạch cũng lăm le di cư đi nơi khác rồi. Ở đây, tôi xin “múa rìu qua mắt thợ” một chút – hay đúng hơn “múa bút qua mắt mấy sử gia”: Mới rồi, ngày 25/10/2007, Vietnamnet có đăng bài Hai người đàn bà "ghê gớm" chốn thâm cung (nếu ai không mở xem trực tiếp được bài này, thì mở xem trong trang http://www.viet-studies.info). Tác giả Nhi Anh của bài, kể là đã căn cứ những tư liệu của Nguyễn phả Linh Đường. Trong bài có nói tới đôi ang đựng nước thờ trong đền làng Phù Đổng do bà chúa Chè Đặng Thị Huệ, ái phi của chúa Trịnh Sâm,cung tiến, và kể chuyện hai bà "ghê gớm" trong phủ chúa là bà Nguyễn Thị Hoa Dung, thuộc dòng họ Nguyễn ở Linh Đường trong cuốn gia phả nói trên, mẹ chúa Trịnh Sâm, và bà Đặng Thị Huệ. Tìm được sử liệu mới, thì là việc quí. Tuy nhiên tôi không phải là sử gia, lại không được đọc cuốn phả nói trên, nên không dám đánh giá. Tôi chỉ xin nói là một số điều kể trong bài không hoàn toàn “khớp” với những gì viết trong HLNTC. Vì vậy tôi xin nhân cái long mạch mà kể những chuyện lê la một chút, nó liên quan đến tất cả 7 bà (2 bà vừa nói, và 1 bà “ghê gớm” nữa, cộng thêm với 4 bà “phụ”) trong cái đoạn sử này.

Tất nhiên, Đặng Thị Huệ nhân vật chính. Bà ta được chúa Trịnh Sâm để ý đến là vì một hôm, “tiệp dư” Trần Thị Vịnh sai bà ta (lúc ấy là nữ tỳ của mình) bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Chúa nom thấy, rất bằng lòng, trở nên mê mẩn, nên…. Sách không nói bà Trần Thị Vịnh là “tiệp dư” của ai, nhưng thường thì các cung nữ của các triều vua chúa trước, không can dự gì đến các vua chúa sau, cho nên có lẽ bà ta là tiệp dư của chính chúa Trịnh Sâm chứ không phải của chúa Trịnh Doanh. Dù sao bà ta cũng chỉ xuất hiện một lần này thôi trong đoạn sử (dù là sự tình cờ này của bà ta gây nên sóng gió), nên tôi coi bà ta là “phụ”. Trong đoạn tôi đã kể trên, chính phi của chúa Trịnh Doanh không phải là mẹ đẻ ra Trịnh Sâm, HLNTC viết là bà không có con trai chỉ đẻ ra ra con gái là công chúa Tiên Dung gả cho thái tử Duy Vỹ. Bà vì cái câu lỡ miệng về việc mâm cơm, mà “góp phần” làm chết con rể; nhưng sau đó không thấy nói gì đến bà nữa, nên tôi cũng coi bà là “phụ”. Một bà ái phi khác của chúa Trịnh Doanh là chị ruột của bà Dương Ngọc Hoan (cái bà mẹ của chúa Trịnh Tông – còn gọi là Trịnh Khải – sau này, mà tôi đã kể trong bài “Long mạch và văn hóa Việt Nam ở thời toàn cầu hóa”, mơ được ông thần cho tấm đoạn đầu rồng ấy mà). Bà ái phi này cũng không phải là mẹ của Trịnh Sâm, cho nên mới tiến cử em gái là Ngọc Hoan làm cung nữ cho Trịnh Sâm (nếu không thì là quá loạn luân, nhà Trịnh không đến nỗi như nhà Trần!). Bà chỉ vô tình muốn giúp em gái mà thành ra việc lòi ra cái ông Trịnh Tông; cho nên tôi cũng xếp bà là “phụ”. Một bà “phụ” thứ tư nữa đáng thương hơn cả, là công chúa Ngọc Lan, con gái yêu của chúa Trịnh Sâm. Vẫn theo HLNTC, vì Đặng Thị Huệ ép chúa Trịnh Sâm gả cho em trai mình là Đặng Mậu Lân; chúa nể nên đành nhận, tuy biết tay Đặng Mậu Lân này là hung bạo, ỷ vào thế của chị để làm những việc càn rỡ; chúa cũng đành làm lơ (té ra ngày xưa con cái nhà quyền thế cũng đã vậy rồi!). Tuy nhiên, trót gả rồi, nhưng lại thương tiếc rằng con gái mình mảnh khảnh, không chịu nổi một tên đàn ông cường bạo như vậy, nên mới sai quan a bảo, nhiều thị nữ và viên nội sai Sử Trung hầu đi theo giám chế, không cho Lân xâm phạm tới công chúa. (Chao ôi, đã trao mỡ cho mèo, mà lại cấm nó liếm! Kỳ lạ thật). Như vậy, Lân tuy lấy được công chúa Ngọc Lan, nhưng mỗi lần tính mò vào với công chúa thì lại bị Sử Trung hầu ngăn cản. Y nổi giận, bảo Sử Trung hầu rằng: “Chúa bảo con gái chúa là tiên dưới trần, nhưng ta coi ra, thật không bằng con bé xách giày nhà ta, có quý hóa gì? Đây ta không phải ham gì nhan sắc của nó; nhưng tốn kém bao nhiêu tiền của mới lấy được một con vợ, nếu không ra hồn thì cũng phải vần một trận cho nẫu nhừ ra như bùn, để đền đáp lại sự phí tổn, rồi bấy giờ sẽ tống cổ nó đi. […]”. Sử Trung hầu cưỡng lại, bị Lân chém chết. Việc lộ ra, chúa sai quân đến bắt Lân, triều thần đều nói đáng xử tội chết bêu đầu, nhưng Đặng Thị Huệ khóc lóc xin chết thay em; chúa bắt đắc dĩ phải giảm tội chết thành tội đày đi xa.

Trở lại chuyện tranh quyền bính. Huy quận công Hoàng Tố Lý (trước tên là Hoàng Đăng Bảo), gọi tắt là quận Huy, con rể chúa Trịnh Doanh, trấn thủ Nghệ An, rất được lòng dân địa hạt. Chúa Trịnh Sâm nghi ngờ, sợ ông ta làm phản, thường bí mật bàn cách giết. Quận Huy, lòng không yên, mới xin thôi chức trấn thủ để về triều, và được chấp thuận. Quận Huy tính rằng Đặng Thị Huệ tuy được chúa yêu, nhưng Cán còn nhỏ, hùa theo cánh này thì không phải là kế lâu dài. Nên mới đút lót cho kẻ chân tay của thế tử Tông, lại đem trăm lạng vàng và mười tấm đoạn làm lễ yết kiến, xin vào ra mắt thế tử. Nhưng thế tử không nhận, lại còn đe sau này lên ngôi sẽ tịch thu gia sản nhà quận Huy, cần gì đồ lễ bây giờ. Quận Huy như “chuột chạy cùng sào”, đành quyết ý hùa theo Đặng Thị Huệ. Trở lại chuyện Tông, từ ngày có Cán, thì rất lo mình sau này không được làm chúa, nên cùng bọn gia thần bàn mưu kế. Gặp lúc chúa Trịnh Sâm bị bệnh nặng, Tông mới lo sắm khi giới, liên kết với 2 viên trấn thủ bên ngoài, phòng việc đảo chính, nếu Sâm chết. Nhưng rồi Sâm khỏi bệnh, và có kẻ tố giác, Sâm mới sai tra xét, một số quan lại bị tội chết (2). Còn Tông thì vì “tình nghĩa cha con”, chỉ bị “truất xuống làm con út, trọn đời giữ đạo làm tôi”. (Đó là vào năm 1780). Vẫn theo HLNTC, khi Tông đã bị giáng, nhiều người khuyên chúa nên lập Cán làm thế tử. Lúc ấy Nguyễn thái phi mẹ chúa Trịnh Sâm mới khuyên chúa rằng: Tông đã lớn lại khỏe mạnh, còn Cán nhỏ lại hay đau yếu, nên nghĩ đến tôn miễu xã tắc, tạm dành ngôi đông cung thế tử lại đó, may ra Tông biết hối lỗi thì hay, bằng không thì đợi lúc Cán khôn lớn hãy lập cũng chưa muộn. Sâm trả lời sẵng rằng: “Nếu đã coi tôn xã làm trọng, thì dẫu con đẻ ra cũng không được tư túi. Nếu cuối cùng bệnh Cán không khỏi thì thà lập Côn quận công (3), trả lại ngôi chúa cho dòng chính cho nhà bác, chứ không thể giao cho thằng con bất hiếu (Tông) để làm hỏng cơ nghiệp tổ tiên”. Nguyễn thái phi không dám nói gì nữa. Ít lâu sau, Sâm ốm nặng, bệnh nguy kịch, chỉ có Đặng Thị Huệ và quận Huy bên cạnh; họ khuyên chúa làm tờ cố mệnh truyền ngôi cho Cán làm chúa, phong Đặng Thị Huệ làm Tuyên Phi, và ủy cho quận Huy làm phụ chính. Quận Huy cũng khôn, xin cho 6 đại thần khác cũng nhận cố mệnh với mình. Nguyễn thái phi mẹ Sâm vào, khóc hỏi thăm, ngập ngừng có ý muốn đặt lại vấn đề ngôi chúa, nhưng có Đặng Thị Huệ ở đó nên không nói được, dùng dằng không muốn ra. Sâm phải đuổi khéo, mà nói: “Mẹ quá thương con, không nỡ dứt tình mà đi. Con trông thấy mẹ cũng đau lòng không thể nhắm mắt. Vậy cúi xin mẹ hãy ngự giá về cung”. Nguyễn thái phi đành trở ra. Khi tờ cố mệnh thảo xong, quận Huy dâng trình, chỉ còn thiếu đề tên vào những chỗ để trống, thì Sâm không còn viết được nữa, chỉ lấy tay xua đi. Quận Huy thưa với chúa, xin cho quận Khanh (chú của Sâm) viết thay. Chúa không nói được nữa, chỉ gật đầu. Rồi mất (1782).

Cán lên ngôi chúa (Điện Đô vương), còn nhỏ mà bệnh tật, Quận Huy uy quyền lớn quá, ở phố phường mới đồn đại linh tinh, có câu ca dao: “Trăm quan có mắt như mờ. Để cho Huy quận vào rờ Chính cung”, Chính cung đây là chỉ Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Đây cũng là lời đồn, không có bằng chứng lịch sử. Khi Cán lên ngôi rồi, Đặng Thị Huệ vẫn muốn ngầm hại Tông, nhưng vì Thùy Trung hầu, một trong 7 viên cố mệnh đại thần, khôn khéo che chở nên Tông chưa bị hại, chỉ bị giam ở nhà Tả-xuyên, quân lính canh giữ rất ngặt, tính mệnh như treo sợi tóc. Lúc ấy bà Dương Ngọc Hoan mẹ Tông (bà “ghê gớm” thứ ba), mới nhờ chị là Dương phu nhân(người ái phi cũ của chúa Trịnh Doanh) lại kêu van với quận Huy; quận Huy nể – một sai lầm lớn khi làm chính trị, “bất độc bất anh hùng” như có người nói! – mới bí mật sai quân canh lỏng lẻo bớt trong việc canh giữ, từ đó các gia thần và người thân mới được ra vào gặp gỡ, không ai xét hỏi. Do đó Trịnh Tông và bà Dương Ngọc Hoan cùng đồng đảng mới mưu mô đem tiền bạc mua chuộc xúi giục quân lính nổi loạn. Việc đã sắp đặt xong, nhưng có người muốn có “chỉ” của “thánh mẫu thái tôn” – mẹ của Trịnh Sâm, trước là thái phi vì là mẹ chúa, nay có chúa mới, mẹ chúa mới là thái phi, thì bà nội của chúa mới được tôn gọi là “thánh mẫu thái tôn”, (theo HLNTC) – bà này mới sai người khuyên quận Huy để Tông tạm làm chúa cho yên lòng người, xin Tuyên phi (Đặng Thị Huệ) nhận Tông là con nuôi, quận Huy phụ chính, đợi khi Cán trưởng thành thì Tông sẽ trao trả quyền chính và lui về giữ đạo làm tôi. Quận Huy tất nhiên không đồng ý, dùng lý lẽ ngược lại mà trả lời rằng: tiên vương (Sâm) đã có di chúc, tiên chúa chỉ có hai con, vậy thì khi nào tân chúa không gánh vác nổi công việc, thì sẽ đến lượt vương tử Tông đàng hoàng thay thế, cần gì phải vội vã. Như vậy là thái độ mọi người đều rõ rệt. Có điều lạ là quân lính đã lăm le nổi loạn, lại đã có bài hịch “Ba quân phò chinh” dán khắp ở phố, vậy mà quận Huy vẫn chủ quan, không lo phòng bị, để đến nỗi khi họ hành sự, bị giết. Quân lính phò Tông lên ngôi chúa, tức là Đoan Nam vương. Lúc ấy Đặng Thị Huệ khiếp sợ, phải thay đổi quần áo nấp ở hậu cung, các gia thần và cận vệ của Cán đều bỏ trốn, chỉ có a bảo là quận Diễm bế lánh đi một nơi khác, cả ngày không được một miếng ăn, khóc nheo nhéo. Đến đêm, thánh mẫu mới sai người đi tìm được Đặng Thị Huệ và Cán đưa về cung cho thay quần áo và ăn uống. Bà ta là bà nội của Tông và của Cán, chẳng có lý do gì lại hại cháu mình (sao có người lại viết là “không trả thù”?). Tông đối với em cũng tử tế, treo giải thưởng, hẹn ai chữa khỏi bệnh cho Cán thì thưởng cho trăm lạng vàng và phong tước hầu; nhưng bệnh Cán không chữa được, ít lâu thì chết. Lúc kiêu binh giết quận Huy, lật Trịnh Cán rồi, thì bà thánh mẫu mới phê vào tờ cố mệnh rằng “không phải là bút rồng của tiên vương (Trịnh Sâm), không đủ làm bằng chứng”, do đó mà những người liên quan đến tờ cố mệnh đều bị tội, và ngôi Tuyên phi của Đặng Thị Huệ bị truất.

Tông lên ngôi chúa thì bà Dương Ngọc Hoan trở thành Dương thái phi. Bà “ghê gớm” thứ ba này cũng lắm mưu mô: đã “mơ” ông thần cho tấm đoạn vẽ đầu rồng, rồi lại nhờ chị van xin quận Huy cho con mình sống, lại đút lót tiền bạc cho quân lính nổi loạn. Khi Trịnh Tông lên làm chúa rồi, thì bà ta và em trai là Khuông giật dây trong phủ chúa. Sau này, khi kiêu binh tiếp tục làm loạn, tính lật chúa Trịnh Tông để phò vua Lê, thì bà lại biết đút lót, đồng thời ra khóc lóc kêu van, để cứu vãn được tình thế. Vẫn theo HLNTC, khi con lên làm chúa rồi thì bà ta trả thù, sai người bắt Đặng Thị Huệ đến trước mặt mình, kể tội, bắt bà này phải lạy tạ. Bà này không chịu lạy, Dương thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên nắm tóc rập đầu xuống đất, nhưng bà Huệ nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa nhời. Dương thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam ở vườn sau, hành hạ đủ đường. Năm sau trong nhà tẩm miếu ở lăng Thịnh Phúc, “tự dưng” đồ thờ bằng gỗ bằng vàng hễ động tay vào là nát như bùn (!). Dương thái phi cho đòi cô đồng vào hỏi. Cô đồng, nhập đồng, phán: chúa (Tông) bất hiếu, Đặng thị (Huệ) là người tiên vương (Sâm) yêu, mà nay bị hành hạ đủ đường, nên vong linh của tiên vương không yên, nếu không hối lỗi, tai biến sẽ còn nhiều nữa. Mẹ con chúa sợ hãi, sai quan tế lễ tạ tội, rồi cho bà Huệ được trở lại làm cung tần nội thị, vào thờ phụng ở tẩm miếu. Bà ta ngày đêm khóc lóc. Đến ngày giỗ “đại tường”, bà ta uống thuốc độc tự tử. (Như vậy xem ra, bà này cũng can trường, không phải là con người quê mùa thô lỗ gì đâu). Còn gia đình quận Huy, thì sau khi ông ta bị giết, vợ là vốn là công chúa con gái chúa Trịnh Doanh, nghĩa là chị em của chúa Trịnh Sâm, bị Dương thái phi trả thù, bắt giam vào hậu cung, hành hạ. Hai người con trai chạy sang vùng Kinh Bắc dấy binh, bị thua, đóng cũi giải về kinh. Các quan bàn nên kết vào tội chết, chúa Trịnh Tông nghĩ tình anh em cô cậu tha tội chết. Nhưng Dương thái phi ngầm sai người đến bắt uống thuốc độc. Có người báo với chúa, ông ta sai trung sứ đến ngăn lại, nhưng đến nơi thì người con cả (4) đã bị trúng độc chết rồi, còn người con thứ thì bị giam trong ngục. Sau đó không thấy nói đến số phận. So Dương thái phi với Đặng Tuyên phi, thì cũng “kẻ kia tám lạng, người này nửa cân”, (tất nhiên, cân đây là cân ta, bằng 16 lạng), khác nhau có lẽ là ở cái “nhan” và thời gian cầm quyền (?). “Đàn bà dễ có mấy tay, Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!”.

Khi Án Đô vương Trịnh Bồng thua Nguyễn Hữu Chỉnh, bỏ trốn, vua Lê Chiêu Thống sợ hậu hoạn, sai người đốt phủ chúa. Theo Đại Việt Sử ký tục biên và HLNTC, khói lửa bốc ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt. Hai trăm năm lâu đài cung khuyết huy hoàng đều cháy hết. “Xa gần nghe tin đó, ai cũng trách vua làm quá đáng”. Chắc là họ oán vua không biết giữ gìn di tích. Đó là vào ngày mồng tám tháng chạp năm Bính Ngọ (1786). Long mạch có lẽ lại dời đi nơi khác!



Chú thích:

(1) Sau này, khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ra Bắc lần đầu, “phò Lê diệt Trịnh”, chúa Đoan Nam vương Trịnh Tông đi trốn, bị Nguyễn Trang lừa bắt giải nộp cho quân Tây Sơn, nửa đường tự tử chết. Lê Chiêu Thống lúc ấy còn đang là hoàng tự tôn, chưa nối ngôi vua, có lời cảm ơn Nguyễn Huệ rằng: “Tôi có thù cha chưa trả, nay ông trả thù thay cho tôi, đời tôi không còn mong gì hơn thế. Nếu thân này có phải chết ở quý quốc, tôi cũng không hề phàn nàn. Huống chi ông lại còn phò dựng họ Lê, khiến cho được thờ phụng tôn xã lâu dài, công đức ấy thật không nói sao cho xiết”. Lời nói dễ bay. 1786, thời Lê Chiêu Thống, bắt được Trang, vua sai chém Nguyễn Trang ở trước mả Trịnh Tông, cắt đầu làm lễ tế. Chả hiểu được ân oán là thế nào.

(2) Theo Việt sử Thông giám Cương mục (bản dịch của Tổ biên dịch của Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, nxb Văn Sử Địa, Hà Nội 1957), Ngô Thì Nhậm cũng ít nhiều liên quan đến việc tố giác, (tuy HLNTC có bào chữa ) nên được thăng chức thị lang bộ Hộ, cha là Ngô Thì Sĩ can không được nên uống thuốc độc tự tử; thời đó một phần dư luận có câu chê: “Sát tứ phụ nhi thị lang”, nghĩa là giết 4 cha để mà làm thị lang, 4 cha đây là: Sĩ là thân phụ, Tông là quân phụ, hai người nữa là phụ chấp (bạn của cha). Cũng vì thế và sau này, khi Tông được kiêu binh giúp lên ngôi Chúa, Nhậm phải lẩn tránh. (Cái giai đoạn vừa kể là giai đoạn thắng thế của Đặng Thị Huệ, và liền đó mới ép chúa Trịnh Sâm gả con gái cho Đặng Mậu Lân em trai mình như vừa kể trong bài). Khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai (giết Võ Văn Nhậm), Ngô Thì Nhậm nhờ Trần Văn Kỷ đưa tới yết kiến, Bắc Bình vương nói: “Ngày trước, chúa Trịnh không dung,ngươi phải bỏ nước mà đi.[…]. Có nhẽ đó là ý trời muốn để dành người tài để ta dùng. […]”vv.

(3) Côn quận công là Trịnh Bồng, con chúa Trinh Giang. Theo Đại Việt Sử ký tục biên (ĐVSKTB, bản dịch của Ngô Thế Long – Nguyễn Kim Hùng, và Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, nxb KHXH, Hà Nội 1991), năm 1730, chúa Trịnh Giang (nối ngôi cha là chúa Trịnh Cương) lên cầm quyền, là người tàn ác, ham chơi, tiêu dùng xa xỉ, thuế má nhiều, sưu dịch nặng, lại “dâm loạn”, thông gian với vợ lẽ của bố là Kỳ viên phi họ Đặng ; Thái phi mẹ của Trịnh Giang (và của Trịnh Doanh) biết được, nên bắt ép Kỳ viên phi phải tự tử. Rồi một hôm, Giang bị sét đánh, gần chết, nên mắc bệnh sợ sấm, hễ nghe thấy tiếng sấm là mất cả hồn vía. Bọn hoạn quan mới bảo rằng vì dâm dục nên ác báo, phải đào hầm làm nhà dưới đất mà ở để tránh sấm sét. Giang bèn dựng cung Thưởng Trì để ở, không dám ra ngoài nữa. Quyền hành thì vào tay hoạn quan Hoàng Công Phụ và đồng đảng. Dân tình đói khổ, giặc dã nổi lên khắp mọi nơi. Sau các quan ở phủ liêu, với sự đồng ý của Thái phi, mới truất Giang, và lập em Giang là Trịnh Doanh lên làm chúa (1740). Trịnh Giang có con trai là Trịnh Bồng. Vì Trịnh Doanh truyền ngôi cho con là Trịnh Sâm, nên Trịnh Bồng tuy thuộc dòng chính, nhưng không được làm chúa. Cái bà thái phi mẹ Trịnh Giang và Trịnh Doanh cũng là một là một bà “ghê gớm” trong phủ chúa Trịnh đấy chứ, nhưng không ở đúng giai đoạn kể trong bài, mà ở giai đoạn trước đó một chút và có hậu quả sau đó một chút: vì sau này, khi Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ra Bắc lần đầu, “phò Lê diệt Trịnh” rồi về Nam, vua Lê Chiêu Thống bơ vơ, thì Trịnh Bồng mới về làm chúa (Án Đô vương) được ít lâu. Năm 1786, vua Lê Chiêu Thống kèn cựa với Án Đô vương Trịnh Bồng; vua vời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân từ Nghệ An ra giúp. Bồng thua bỏ trốn, sau không biết chết ở nơi nào.

(4) Trong cuốn Thượng Kinh Ký Sự (“Ký sự lên kinh”, bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn, nxb Hà Nội, 1977), Hải thượng Lãn ông (Lê Hữu Trác) kể rằng trong thời gian ông ta bị gọi lên kinh chữa bệnh cho Cán, lúc đầu, ông ta cho rằng còn có thể chữa được, nhưng không được nghe, vì bọn lang băm không chữa được bệnh mà dùng bậy nhiều thuốc làm bệnh nặng thêm. Ai đó (không phải tôi đâu!) gần đây có đem tích này ví với nền giáo dục ngày nay chưa cải cách được mà cứ đổ thêm ngân quĩ. Hải thượng Lãn ông cũng kể là khi ông ta thấy bệnh của Cán không chữa được nữa (lúc ấy Trịnh Sâm còn sống), ông ta có nói thật cho quận Huy biết; ông này nghe xong, nằm vật ra giường thở dài […]. Hải thượng Lãn ông cũng kể về người con trai cả của quận Huy với nhiều thiện cảm: tuy còn trẻ tuổi, mà học vấn uyên bác, y như một người đã từng trải nhân tình thế thái, mà tính tình khiêm tốn, không chút kiêu hợm, không như những kiểu công tử vương tôn, chỉ quen thói phồn hoa ăn chơi dông dài mà thôi.





4-11-07

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét