20/11/08

Nguyễn Hưng Quốc Nhà văn... không là ai?

tiểu luận / nhận định

Nguyễn Hưng Quốc

Nhà văn... không là ai?




Liên quan đến chuyện “viết cho ai?”,[1] tôi nghĩ, có một vấn đề khác cũng cần được đặt ra: Nhà văn là ai?

Câu trả lời chắc chắn không đơn giản. Khái niệm nhà văn thay đổi theo thời gian: ngày xưa, ở Việt Nam, bất kể ở những tài năng lớn hay nhỏ, tư cách nhà văn đều bị chìm khuất, thật mờ nhạt, đằng sau tư cách của những ông quan, ông đồ, ông cử hay ông tú.[2] Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo thể loại: trong ý nghĩa này, nhà văn chỉ là tên gọi chung cho nhiều loại người khác nhau, từ một nhà thơ đến một nhà tiểu thuyết, một nhà tuỳ bút, một nhà viết kịch hoặc một nhà phê bình và lý luận văn học. Khái niệm nhà văn còn thay đổi theo phương pháp sáng tác người ta sử dụng: một nhà cổ điển, một nhà lãng mạn, một nhà hiện thực, một nhà siêu thực, một nhà hiện đại chủ nghĩa hoặc một nhà hậu hiện đại chủ nghĩa... Khái niệm nhà văn cũng thay đổi theo những mục tiêu mà người ta, qua động tác viết, nhắm tới: có người viết để độc giả tiêu khiển, có người viết để tuyên truyền cho một quan điểm và để kích động tâm lý của quần chúng, có người viết để thoả mãn lòng say mê đối với chữ nghĩa, cũng có người viết để chỉ gửi lòng mình vào thiên cổ, với hy vọng, may ra...

Lặn sâu vào những sự đa dạng và phức tạp ấy để tìm hiểu vấn đề “nhà văn là ai?” hẳn là một điều vô cùng thú vị.[3] Tuy nhiên, trong bài này, tôi chọn một góc độ khác không kém thú vị nhưng lại thực tế hơn: nhà văn không là ai?

Cái không là cái vô hạn. Ở đây, tôi chỉ dừng lại ở một số nét chính.

Như, nhà văn không phải là nhà báo, chẳng hạn.

Về phương diện lý thuyết, sự phân biệt giữa nhà văn và nhà báo thật vô cùng đơn giản. Nhà báo trước hết là tình nhân của các vấn đề thời sự, trong khi nhà văn, trước hết, là tình nhân của nghệ thuật. Nhà báo đuổi theo các sự kiện, trong khi nhà văn đuổi theo cái đẹp. Với nhà báo, chữ nghĩa là phương tiện; với nhà văn, chữ nghĩa là cứu cánh. Tiêu chuẩn để đánh giá các nhà báo là tính chính xác và tính kịp thời, trong khi tiêu chuẩn chủ yếu để đánh giá một nhà văn là sự nhạy cảm và sự độc đáo. Đại khái thế. Sự khác biệt khá rõ ràng. Ít ai có thể lẫn lộn được. Có điều, ở Việt Nam thì khác. Ranh giới giữa nhà văn và nhà báo, cho đến nay, vẫn rất nhập nhằng. Đầu tiên là nhập nhằng về phương diện sinh hoạt: cả nhà văn lẫn nhà báo đều sử dụng một sân chơi chung: các tờ báo. Hầu hết các nhà văn chuyên nghiệp đều ít nhiều là các nhà báo chuyên nghiệp. Nguồn thu nhập chính của họ không đến từ sách mà là từ báo. Đăng trên báo thì gọi là bài báo; in lại dưới hình thức sách thì thành ra chương sách. Tính chất thông tin và giải trí vốn là đặc trưng của báo chí dần dần trở thành đặc trưng nổi bật của vô số các tác phẩm được gọi là văn học, đặc biệt dưới nhãn phê bình và tiểu luận. Hậu quả của điều này là sự nhập nhằng trong phong cách viết lách của nhà văn và của nhà báo: khi viết báo, người ta vẫn thích chút văn vẻ sang cả của văn chương, và khi làm văn chương thật, người ta lại không dứt bỏ được thói vội vàng đến cẩu thả của những người đưa tin. Từ hai sự nhập nhằng trên dẫn đến sự nhập nhằng khác, nhập nhằng trong danh xưng: không hiếm người làm báo, hoàn toàn làm báo, thích mạo nhận là nhà văn và hay lẩn quẩn vào sân chơi văn chương để giành ghế của người này và đòi cụng ly với người khác. Tính chất xô bồ và nhếch nhác trong sinh hoạt văn học Việt Nam lâu nay, trong cũng như ngoài nước, theo tôi, phần lớn xuất phát từ đám người mạo danh ấy.

Trong ba sự nhập nhằng trên, sự nhập nhằng đầu tiên hầu như không thể giải quyết được trong tình hình kinh tế và xã hội hiện nay khi số người đọc sách quá ít và, hơn nữa, quá thấp; sự nhập nhằng thứ ba rất khó giải quyết một phần vì không thể có cá nhân hay tổ chức nào đủ quyền lực để ngăn chận tình trạng mạo danh; phần khác, quan trọng hơn, vì chính giới nhà văn cũng chưa đủ sức để tạo hẳn cho mình một diện mạo và một thế giá riêng, nhờ đó, có thể tự phân biệt mình và những kẻ ăn theo. Nói cách khác, nguyên nhân chính của tình trạng xô bồ và nhếch nhác trong sinh hoạt văn học Việt Nam lâu nay không phải chỉ do sự hiện diện của những kẻ mạo danh mà còn vì, nếu không muốn nói chủ yếu là vì sự bất tài của những kẻ được xem là nhà văn.

Chỉ có sự nhập nhằng thứ hai là có thể giải quyết được. Chỉ cần chút nỗ lực và nhất là, chút tự giác. Nỗ lực giữ ngòi bút của mình không bị trượt vào sự dễ dãi, không bị cuốn theo thói quen, và nhất là, không bị biến thành thứ phương tiện chỉ xài một lần rồi bị vứt bỏ; nỗ lực biến mỗi bài viết thành một công trình kiến trúc hoàn chỉnh bằng ngôn ngữ. Nhưng muốn thế, người ta cần phải, trước hết, tự giác về những đặc điểm và những chuẩn mực của văn chương để có thể, ít nhất, biết được khi nào mình còn ở trong lãnh thổ của văn chương và khi nào thì không; khi nào mình đang làm văn chương và khi nào mình chỉ thải ra chữ.

Cái ý thức tự giác ấy thật ra là một tài năng: đó là sự nhạy cảm về độ, về ngưỡng, về giới hạn, về sợi chỉ mong manh căng qua ranh giới giữa cái đẹp và cái đèm đẹp. Cái ý thức tự giác ấy cũng là một biểu hiện của văn hoá: đó chính là ý thức về giá trị và kỷ luật, ở đây chủ yếu là giá trị văn chương và kỷ luật của nghề làm văn chương. Hai khía cạnh này có quan hệ chặt chẽ với nhau: ý niệm về độ hay ngưỡng bao giờ cũng gắn liền với ý niệm về giá trị và kỷ luật. Bởi vậy, tôi cho điều quan trọng nhất trong việc tách nhà văn ra khỏi nhà báo là các nhà văn, chính các nhà văn, phải xây dựng và phải tôn trọng bảng giá trị và kỷ luật của văn chương: họ có thể sống như một nhà báo và viết như một nhà báo, nhưng khi đã có ý định làm văn chương thì phải quyết tâm làm văn chương thực sự, phải chấp hành những kỷ luật của văn chương và phải nhắm tới những giá trị văn chương chứ không phải bất cứ một thứ giá trị gì khác; nghĩa là, nói cách khác, phải tích cực đẩy mạnh quá trình chuyên nghiệp hoá văn học.

Biện pháp này, nghĩ cho cùng, cũng có thể áp dụng cho sự nhầm lẫn giữa tư cách nhà văn và tư cách cán bộ.

Đúng ra, đó không phải là một sự nhầm lẫn. Đó là một sự cố tình đồng nhất tư cách nhà văn và tư cách cán bộ để tạo thành một thứ nhà-văn-cán-bộ như cái điều vẫn phổ biến tại Việt Nam từ năm 1945 đến nay.[4] Sự đồng nhất này nằm trong âm mưu hành chính hoá và chính trị hoá văn học, biến văn học thành một bộ phận trong guồng máy nhà nước, ở đó, mỗi người cầm bút là một viên chức được trả lương và phải có nhiệm vụ chấp hành mọi mệnh lệnh từ giới lãnh đạo.

Khi văn hoá văn học bị khống chế bởi văn hoá hành chính, những cái được xem là giá trị không phải là tinh thần sáng tạo mà là sự vâng phục; không phải sự độc đáo mà là sự bình thường; không phải cá tính mà là ý thức tập thể; không phải cái riêng mà là cái chung. Từ văn hoá hành chính, nhà văn xem việc thực hiện trách nhiệm đối với tổ chức quan trọng hơn trách nhiệm đối với văn học, xem cái đẹp không bằng cái có ích, xem việc trung thành đối với các quan điểm và chính sách của đảng là một yêu cầu đạo đức cũng như xem tính hiệu quả trong việc phục vụ cho các quan điểm và các chính sách ấy là thước đo tài năng. Nói cách khác, khi văn hoá văn học bị khống chế bởi văn hoá hành chính, bảng giá trị văn học cũng bị khuynh loát bởi những yếu tố ngoài văn học. Theo bảng giá trị đó, địa vị, học vị hoặc tuổi tác của người cầm bút có tầm quan trọng cao hơn hẳn sáng tác của hắn. Cứ nhìn vào thứ tự bài vở trong các tạp chí hay các tuyển tập văn học thì rõ: những người thuộc giới lãnh đạo, từ lãnh đạo đảng, nhà nước đến lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, bao giờ cũng đứng đầu, bất kể tài năng của họ lớn hay nhỏ, tác phẩm của họ hay hay dở. Hậu quả là về phương diện phê bình, những người được tôn vinh nhất, những người hầu như luôn luôn đứng ở hàng đầu trong mọi danh sách được phong thần, lại là những người ít có tinh thần sáng tạo nhất, những người mà tác phẩm không những không có chút xíu gì là độc đáo mà thậm chí còn không có cả những phẩm chất tối thiểu để được gọi là văn chương: đó là những người được xem là có công lãnh đạo giới cầm bút hoặc những cán bộ cầm bút trung thành và tận tuỵ đối với chế độ.[5] Có lẽ những người còn thiết tha với văn học và còn giữ ít nhiều sự độc lập trong cách suy nghĩ cũng thấy được cách đánh giá như thế là phi lý và lố bịch, tuy nhiên, không ai dám công khai phản đối: trong văn hoá hành chính, bởi vì uy tín văn học thường gắn liền với quyền lực nhà nước, một sự phản đối như thế không được xem là một sự chống đối thuộc phạm vi văn học mà là một sự chống đối thuộc phạm vi chính trị.

Điều đáng lưu ý là khi văn hoá văn học bị khống chế bởi văn hoá hành chính, không phải chỉ có nhà-văn-cán-bộ mà còn có cả những độc-giả-cán-bộ. Độc-giả-cán-bộ ở đây không phải là những cán bộ đóng vai độc giả mà là những độc giả đóng vai cán bộ, đọc trong tinh thần của một cán bộ, dù độc giả ấy, trên thực tế, không phải là cán bộ và cũng không phải là người ăn lương của nhà nước, thậm chí, có khi đã di tản hẳn ra nước ngoài. Đọc trong tinh thần cán bộ là đọc với tâm thế tự nguyện chấp hành kỷ luật và với ý thức bảo vệ những tôn ti trật tự đang có. Một độc-giả-cán-bộ đánh giá tác phẩm trước hết dựa theo cái tên của tác giả: nếu đó là tác phẩm của một người thuộc giới lãnh đạo, họ sẽ đọc với thái độ cung kính của một thuộc hạ; nếu đó là tác phẩm của một người được xã hội xếp vào bậc thầy, họ sẽ đọc với thái độ ngoan ngoãn của một tên học trò; nếu đó là tác phẩm của một người không có chức vị gì đáng kể, họ sẽ đọc với thái độ phê phán có khi khắc nghiệt, có khi suồng sã của một kẻ bề trên hoặc ngang hàng; nếu đó là tác phẩm của một người bị xem là thù nghịch, họ sẽ đọc với thái độ hoàn toàn phủ định và đầy ác ý. Hơn nữa, khi đọc, điều một độc-giả-cán-bộ cần tìm kiếm nhất bao giờ cũng sự tái khẳng định những điều vốn đã được xem là chân lý bất biến. Họ không bao giờ cảm thấy chán khi đọc đi đọc lại những trích dẫn trùng lặp từ các tác phẩm được gọi là kinh điển hoặc từ các loại sách báo phổ thông. Ngược lại, điều làm họ dị ứng nhất chính là những cái mới lạ: trong tâm lý của một cán bộ, cái mới lạ bao giờ cũng hàm chứa một nguy cơ gây đảo lộn cái trật tự hiện có và cũng chính là cái trật tự họ muốn bảo vệ.

Nếu sự áp đảo của văn hoá hành chính gắn liền với chủ nghĩa xã hội và tồn tại chủ yếu ở miền Bắc trước năm 1975 cũng như trong cả nước sau năm 1975[6] thì sự áp đảo của văn hoá chính trị lại là hiện tượng phổ biến trong sinh hoạt văn học Việt Nam từ trước đến nay, ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, ở trong nước lẫn ở hải ngoại. Theo văn hoá ấy, nhà văn đồng nghĩa với một nhà chính trị, dù hầu hết chỉ là thứ chính trị gia theo đuôi.

Được hay tự đồng nhất với nhà chính trị, nhà văn nhìn mọi hiện tượng không phải từ góc độ thẩm mỹ mà trước hết, từ góc độ quyền lực, theo đó, viết là tham gia vào một cuộc đấu tranh, và một tác phẩm hay là tác phẩm góp phần đắc lực vào công cuộc đấu tranh ấy. Trong văn hoá chính trị, chỉ được xem là đẹp những gì có chức năng của một thứ vũ khí. Ngược lại là phù phiếm. Điều này giải thích tại sao bao nhiêu nhà văn say mê viết cáo trạng hay luận chiến, và cũng giải thích tại sao người ta lại làm ầm ĩ chung quanh những tác phẩm được xem là phản kháng đến như thế. Ở hải ngoại, hình như những tác phẩm làm sôi động dư luận nhất đều xuất phát từ trong nước và đều có một đặc điểm giống nhau: tố cáo một tội ác nào đó của chế độ cộng sản.

Xuất phát từ văn hoá chính trị, sáng tác là để tập hợp lực lượng, hay nói như ai đó, một cách “gọi đàn”. Điều người cầm bút quan tâm nhất là được đồng tình, đồng ý và được chấp nhận. Muốn thế, người ta thường tránh xa mọi sự thách đố. Người ta phải tự mài mòn cá tính của mình, tự bóp chết những giấc mơ tìm tòi và thử nghiệm. Văn hoá chính trị bao giờ cũng là văn hoá của đại chúng: nó đề cao những cái chung chung và những cái tầm tầm. Nó xem phản ứng của quần chúng như một thứ nhiệt kế văn học: tác phẩm được quần chúng hiểu, thích và nhớ là thành công; ngược lại, là thất bại, hoặc thất bại về nghệ thuật (chưa đủ trình độ để chinh phục người đọc), hoặc thất bại về đạo đức (cố tình làm ra vẻ cao vĩ để dối gạt hay hù doạ quần chúng).

Tự bản chất, một thứ văn hoá như thế rất xa lạ với văn hoá văn học. Khác với các lãnh vực khác, văn học là thế giới của sự riêng tây. Văn học không làm người ta tụ lại với nhau mà làm cho mỗi người tách ra một cõi riêng. Từ cả việc viết lẫn việc đọc, người ta đều một mình. Chức năng cao cả nhất của văn học, theo tôi, là nuôi dưỡng cái “một mình” ấy: một mình mình đối diện với chính mình; một mình mình lắng nghe những tiếng thì thầm của ngôn ngữ; một mình mình đi vào thế giới mênh mông vô cùng vô tận của sự sáng tạo. Trong những cuộc hành trình một mình đi vào cõi riêng tây như thế, chỉ có những khám phá mới mẻ hoặc những cách thể hiện mới mẻ mới thực sự có ích: chúng làm cuộc hành trình đẹp hơn và làm cõi riêng giàu có hơn. Chính vì vậy, với tư cách là một công việc sáng tạo, mọi cái viết chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó thách đố lại với thói quen và định kiến, khi nó gây hấn với mọi lối mòn và mọi quy ước. Một nhà văn lớn là người, bằng tác phẩm của mình, góp phần mở ra những biên giới mới hoặc đưa ra định nghĩa mới cho các khái niệm văn học hoặc thể loại văn học. Cũng chính vì vậy, văn học có thể đi liền với cách mạng nhưng lại rất khó song hành với chính trị: khi các lực lượng cách mạng đã giành được chính quyền thì cũng là lúc văn học bị lâm nguy.

Nói cách khác, một nhà văn có thể là một nhà chính trị nhưng không thể viết như một nhà chính trị: viết như một nhà chính trị là sự phản bội đối với tinh thần sáng tạo.

Và nhà văn cũng không thể viết như một nhà giáo.

Ở đâu nhà văn và nhà giáo cũng có quan hệ khá chặt chẽ với nhau. Cả hai loại người này đều sinh hoạt chủ yếu trong thế giới sách vở. Nghề giáo lại tương đối có nhiều thì giờ, một điều kiện khá thuận lợi cho sáng tác. Cho nên, nhìn chung, những nhà văn xuất thân từ hoặc kiêm nhiệm nghề dạy học chiếm tỉ lệ khá cao trong giới cầm bút. Riêng ở Việt Nam, quan hệ giữa nhà văn và nhà giáo lại càng sâu đậm. Ngày xưa, trong suốt thời kỳ Trung đại, nghĩa là từ cuối thế kỷ 19 trở về trước, sinh hoạt văn học Việt Nam gắn chặt với học đường và thi cử: chính trong môi trường giáo dục, người ta được sống với văn chương nhiều nhất. Học, chủ yếu là học văn chương. Thi, chủ yếu là thi văn chương. Không phải ngẫu nhiên mà chữ “văn nhân”, trước khi có nghĩa là nhà văn như hiện nay, đã từng mang ý nghĩa là một người học trò.[7]

Mối quan hệ lâu đời giữa văn học và giáo dục đã để lại một số dấu ấn trên văn học: văn hoá giáo dục nếu không bao trùm thì cũng bàng bạc trong văn hoá văn học, theo đó, tính chất giáo huấn được xem là một trong những chức năng chính của văn học. Hậu quả là phần lớn các nhà văn Việt Nam đều có khuynh hướng viết văn như một nhà giáo, hoặc là một nhà giáo tích cực: viết để truyền bá đạo lý; hoặc là một nhà giáo tiêu cực: tránh né việc mô tả những điều có thể có ảnh hưởng xấu đến phong hoá. Cả hai đều có vẻ như một thứ nhân viên xã hội, lúc nào cũng băn khoăn về tình trạng sức khoẻ tinh thần của cộng đồng. Cả hai đều đặc biệt thích những câu chuyện có hậu. Và cả hai đều căm ghét những sự xáo trộn, kể cả những xáo trộn cần thiết về phương diện văn chương và thẩm mỹ. Một biểu hiện khác của việc viết văn như một nhà giáo là khuynh hướng diễn giải. Đối với nghề dạy học, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải làm sao cho học trò hiểu vấn đề. Muốn thế, thầy/cô giáo phải giảng. Giảng là phân tích, là quảng diễn, là nêu ví dụ. Giảng từ tên bài học đến các khái niệm căn bản trong bài học ấy. Giảng như là tất cả học trò của mình đều là những kẻ hoàn toàn nhập môn, chưa từng biết gì về nội dung bài học cả. Cứ thế, nhà giáo phải giảng đi giảng lại những điều cực kỳ căn bản. Rất tiếc, không ít người đem cả thói quen diễn giảng ấy vào văn chương. Trong bài viết của họ, mỗi câu văn phải cõng trên lưng nó năm bảy câu giải thích. Chuyện mới, giải thích đã đành. Ngay cả những chuyện xưa như trái đất cũng vẫn giải thích. Lặp lại những kiến thức sơ đẳng và cũ rích, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến sự hiểu biết của người đọc. Giọng văn làm nhàm và lảm nhảm, cách viết như thế là một sự xúc phạm đến tính chất thẩm mỹ của văn chương.

Theo tôi, để văn chương hàm súc và ý vị, nhà văn phải viết trong giả thiết là người đọc của mình là những người cực kỳ thông minh và uyên bác: hắn không cần phải viết những gì, thứ nhất, độc giả có thể đã biết rồi; thứ hai, độc giả có thể chưa biết nhưng có thể tìm hiểu ở những nguồn tài liệu khác. Với những người đọc thông minh và uyên bác ấy, hắn phải viết những điều thông minh và uyên bác tương xứng, nghĩa là, ít nhất phải thông minh và uyên bác hơn chính bản thân hắn. Lâu nay, trong những cách nghĩ thông thường, chúng ta có khuynh hướng xem tác phẩm chỉ là một phần của tác giả: nếu tác phẩm ấy có điều gì thông minh và uyên bác thì đó chỉ là một phần trong sự thông minh và uyên bác của tác giả. Sự thật ngược lại. Những tác phẩm thành công nhất của một tác giả bao giờ cũng thông minh hơn, uyên bác hơn, do đó, giàu có hơn và cũng cao hơn hẳn tác giả ấy. Những tác phẩm ấy trở thành một thách thức đối với chính cái kẻ đã tạo ra chúng. Đối diện với thách thức ấy, nhiều người đã đầu hàng: họ buông bút, không viết nữa.

Những tác phẩm tồn tại như một thách thức đối với chính tác giả của chúng hoàn toàn có quyền tồn tại như một thách thức đối với độc giả: để tiếp cận chúng, người ta bị đòi hỏi phải có một sự cố gắng nhất định. Dĩ nhiên không phải ai cũng làm được điều đó. Nhưng đó không phải là điều đáng quan tâm: phần nhiều những độc giả ấy không phải là những độc giả văn học thực sự; có thể họ vẫn đọc, đọc khá thường xuyên nữa là khác, nhưng cái họ tìm kiếm không phải là văn học, tức những giá trị thẩm mỹ liên quan đến nghệ thuật ngôn ngữ. Họ đến với văn học một cách hờ hững hoặc thiên lệch và, như là hệ quả của sự hờ hững và thiên lệch ấy, họ chẳng bao giờ giúp được gì trong việc tăng thêm tuổi thọ cho các tác phẩm văn học. Có được vài chục ngàn, vài trăm ngàn, hoặc thậm chí, vài triệu độc giả, như một số nhà văn best-sellers trên thế giới, người ta cũng không có chút bảo đảm nào là sẽ được đọc lâu dài.

Nói tóm lại, trong phạm vi bài này, tôi chưa dám khẳng định nhà văn là ai, nhưng tôi biết chắc một điều: dù là ai đi nữa thì nhà văn, ít nhất là lúc cầm bút làm văn chương, nhất định không phải là một nhà báo, kẻ chỉ xem chữ nghĩa như một phương tiện để rượt đuổi theo các sự kiện không ngừng diễn ra và không ngừng bị vùi lấp. Nhà văn cũng nhất thiết không phải là một cán bộ, kẻ chỉ biết phục tùng; một nhà chính trị, kẻ chơi trò mị dân, chỉ thích đầu tư trên cái vốn chung và cũ của tập thể; một nhân viên xã hội, kẻ đầy tinh thần trách nhiệm đối với xã hội và vì tinh thần trách nhiệm ấy, sẵn sàng hy sinh cả nghệ thuật. Cuối cùng, nhà văn cũng nhất thiết không phải là nhà giáo, kẻ chỉ thích dạy và giảng, nhất là những lời dạy và giảng ấy cứ lợn cợn và bốc mùi thoang thoảng của những thứ kiến thức hoặc chưa tiêu hoặc cũ mèm.

Tôi biết, loại trừ tất cả những tư cách lẫn lộn nhập nhằng ấy, chưa chắc người ta đã trở thành một nhà văn thực sự bởi vì vẫn còn một sự nhập nhằng khác, tế nhị hơn: sự nhập nhằng giữa những người còn đang hoạt động và những người đã về hưu, phần nhiều là hưu non. Trong danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở trong nước, có vô số người lâu lắm không hề viết lách được gì cả. Ở ngoài nước cũng vậy. Hiện tượng sống dựa vào quỹ hưu bổng... văn học như vậy kể cũng bình thường. Tuy nhiên, điều bất bình hường là có quá nhiều người sống bám vào một thứ quỹ hưu bổng... ảo.

Người ta thường lý luận danh hiệu là nhà văn (hay nhà thơ, v.v...) là thứ danh hiệu muôn đời. Chỉ có nhà văn hay nhà thơ chứ không có cựu nhà văn hay cựu nhà thơ. Ngay cả chữ “cố” cũng không cần thiết được đặt trước hai chữ “văn sĩ” và “thi sĩ”. Nguyễn Du, mất đã gần 200 năm rồi, vẫn là một nhà thơ. Nguyễn Trãi, mất đã hơn 500 năm rồi, vẫn là một nhà thơ. Không “cựu”, không “cố” gì cả. Cũng đúng thôi: tác phẩm của họ còn đó thì mọi chữ “cựu” và mọi chữ “cố” đều trở thành vô duyên. Có thể nói tác phẩm của họ như một thứ quỹ hưu bổng vĩnh viễn đủ sức để duy trì cái danh hiệu nhà thơ của họ.

Nhưng đó là trường hợp của những người mà tác phẩm của họ còn tồn tại được với thời gian. Những tác phẩm văn học thực sự. Nó khó có thể áp dụng với những người in dăm ba cuốn sách và cuốn nào cũng bị thời gian chôn lấp một cách nhanh chóng đến độ chính bản thân họ cũng không đủ can đảm bươi lên để in lại dù diều kiện in ấn bây giờ cực kỳ dễ dàng. Những tác phẩm không có hoặc có rất ít giá trị văn học như vậy, nói theo chữ nhà văn Mai Thảo thường dùng lúc sinh thời, chỉ là những đồng tiền giả. Một thứ quỹ hưu bổng được làm bằng những đồng tiền giả như vậy chỉ là một thứ quỹ hưu bổng ảo. Sống bám vào một thứ quỹ hưu bổng ảo như vậy là một cách ăn gian.

Vâng, tôi biết, loại trừ tất cả những sự nhập nhằng ở trên cũng như loại trừ cả trường hợp “ăn gian” vừa kể thì chưa chắc người ta đã trở thành nhà văn thực sự. Tuy nhiên, tôi hy vọng là dù sao ít nhất nhờ đó sinh hoạt văn học cũng đỡ xô bồ và nhếch nhác, văn hoá văn chương đỡ bị ô nhiễm phần nào.

Hy vọng thế.


(Ðã in trong cuốn Văn hoá văn chương Việt Nam, Văn Mới xuất bản tại California, Hoa Kỳ, 2002)



_________________________

[1]Bài “Viết cho ai?” đã được in trong cuốn Văn hoá văn chương Việt Nam của Nguyễn Hưng Quốc (2002), tr. 55-66; và trên Tiền Vệ.

[2]Xem thêm chương “Cuộc hoà giải vô tận: khái niệm nhà thơ thời trung đại” trong cuốn Thơ, v.v... và v.v... của Nguyễn Hưng Quốc,Văn Nghệ xuất bản, 1996, tr. 159-164.

[3]Trong bài “Viết trong tiếng súng” in lại trong tập Tạp Bút (California: Văn Nghệ, 1989, tr. 125-140), nhà văn Võ Phiến có một số nhận xét thú vị về nhà văn. Theo ông, “không có nhà văn”. Lý do: “Nhà văn, thực ra tiếng ấy chỉ thị chung những hạng người có những hoạt động khác nhau rất xa, gần như không có gì liên quan với nhau. [...] Cố tìm ra một cái gì nối liền các hoạt động cách biệt như thế, có thể nêu lên cái nguyên liệu chung: chữ viết. Mọi nhà văn đều sử dụng chữ viết. Nhưng đó bất quá cũng như kẻ đóng tàu chiến và người thợ làm ra những chiếc đinh đóng guốc đều sử dụng một nguyên liệu chung là sắt, vậy thôi.”

[4]Chữ “nhà văn cán bộ” là chữ khá phổ biến ở Việt Nam từ thời đổi mới đến nay. Trong bài “Văn nghệ và cuộc sống hôm nay” đăng trên tạp chí Tác Phẩm Mới số 6 năm 1992, Lại Nguyên Ân viết: “Nền văn học mà chúng ta có hiện giờ, theo một nghĩa nào đó, chính là một nền văn học cán bộ (chữ 'nhà văn cán bộ' là tôi mượn của anh Vũ Tú Nam trong một lần anh gặp gỡ các nhà nghiên cứu của Đại học Tổng hợp,...).”

[5]Ví dụ rõ nhất là bộ Nhà văn Việt Nam (1945-1975) gồm hai tập do Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức biên soạn (nxb Đại học & Trung học Chuyên nghiệp, 1979 & 1983). Trong hai tập ấy, có 29 tác giả được phê bình; trong đó, có nhiều người chỉ là những nhà chính trị, như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ, Hồng Chương, Xuân Trường; hoặc chủ yếu là những cán bộ văn nghệ như Như Phong và Hoàng Trung Thông. Tuy nhiên, bộ sách vẫn bị Hà Xuân Trường, nguyên là trưởng Ban văn hoá văn nghệ trung ương đảng chê “có thiếu sót lớn là không giới thiệu chân dung một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta là những nhà lý luận đặt nền móng cho văn học dân tộc” (Hà Xuân Trường, Văn học cuộc sống thời đại, Hà Nội: Văn Học, 1986, tr. 170).

[6]Thật ra ảnh hưởng của văn hoá hành chính còn lan cả ra sinh hoạt văn học hải ngoại. Biểu hiện rõ rệt nhất là kiểu “tôn ti trật tự” phi văn học thường thấy trên các tạp chí văn học hải ngoại: trong cách sắp xếp bài vở và cách khen ngợi người này người nọ, v.v...

[7]Ví dụ, xưa, trong Truyện Kiều, tả Kim Trọng, Nguyễn Du viết: “Trông chừng thấy một văn nhân / Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng...”; gần hơn, trong bài “Chùa Hương”, Nguyễn Nhược Pháp viết: “Em thấy một văn nhân/ Người đâu thanh lạ thường / Tướng mạo trông phi thường/ Lưng cao dài trán rộng/ Hỏi ai mà không thương?” Những chữ “văn nhân” ấy hoàn toàn đồng nghĩa với chữ “thư sinh”, nghĩa là học trò.


Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét