văn học
phỏng vấn
Le Clézio, Jean-Marie Gustave / Chanda, Tirthankar
Tiếng Pháp có lẽ là quê hương đích thực của tôi
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Tirthankar Chanda phỏng vấn Jean-Marie Le Clézio,
"La langue française est peut-être mon véritable pays”,
Label France, No.45 (2001).
J.-M. G. LE CLÉZIO
(1940~)
Tác phẩm của ông được xem là mang tính bí ẩn, triết lý và thậm chí tính sinh thái. Ông có nhận thấy chính mình qua những tính cách ấy không?
Thật khó để tự đánh giá những điều mình làm. Nếu tôi phải mô tả những cuốn sách của tôi thì tôi có thể nói chúng là cái gì giống tôi nhất. Nói cách khác, đối với tôi, việc diễn tả các ý tưởng thì không quan trọng bằng việc diễn tả tôi là gì và tôi tin vào điều gì. Khi tôi viết, tôi chủ yếu cố gắng diễn dịch mối quan hệ giữa bản thân với đời sống hàng ngày, với các sự kiện. Chúng ta sống trong một thời buổi nhiễu nhương, trong đó chúng ta bị tấn công bởi một sự hỗn loạn của những ý tưởng và những hình ảnh. Vai trò của văn chương hôm nay có lẽ là tạo nên vọng âm dội ngược lại sự hỗn loạn này.
Văn chương có thể tác động đến sự hỗn loạn này không? Có thể chuyển hoá nó không?
Chúng ta không còn bạo gan, như ở thời của Sartre, để tin rằng một cuốn tiểu thuyết có thể làm thay đổi thế giới. Hôm nay, nhà văn chỉ có thể ghi nhận thái độ bất lực chính trị của mình. Khi bạn đọc sách của Sartre, Camus, Dos Passos hay Steinbeck, bạn có thể thấy rõ rằng những nhà văn dấn thân ấy có sự tin tưởng vô hạn vào tương lai nhân loại và vào sức mạnh của chữ nghĩa. Tôi còn nhớ năm tôi mười tám tuổi, tôi đã đọc những bài xã luận của Sartre, Camus và Mauriac trên tờ L’Express. Đó là những tiểu luận dấn thân có vai trò vẽ đường chỉ lối. Liệu hôm nay có ai tưởng tượng nổi một bài xã luận trên nhật báo có thể giúp giải quyết những vấn đề đang làm hư hoại cuộc sống của chúng ta? Văn chương thời bây giờ là một thứ văn chương tuyệt vọng.
"Vai trò của văn chương hôm nay có lẽ là tạo nên vọng âm dội ngược lại sự hỗn loạn này”
Nếu người ta cho rằng ông là một nhà văn không thể xếp loại được, thì có lẽ vì nước Pháp chưa bao giờ là nguồn cảm hứng duy nhất của ông. Những cuốn tiểu thuyết của ông là một phần của cái thế giới tưởng tượng mang tính toàn cầu hoá. Có một chút gì giống như tác phẩm của một Rimbaud hay một Segalen, những tác giả mà giới phê bình gia Pháp luôn luôn thấy khó định vị.
Trước hết, tôi muốn nói rằng tôi chẳng thấy bực dọc chút nào khi mình là một nhà văn không thể xếp loại được. Tôi nghĩ rằng đặc tính chủ yếu của tiểu thuyết chính là cái không thể xếp loại được, nói cách khác, đó là một thể loại đa dạng bao gồm một phần là sự lai ghép, một sự hỗn nhập của những ý tưởng mà, rốt cuộc, đó chính là sự phản ảnh của thế giới đa cực của chúng ta.
Nói thế, tôi nghĩ cũng giống như bạn, rằng cái cơ chế văn học của Pháp, kế thừa từ cái gọi là những tư tưởng phổ quát của Những nhà bách khoa, đã luôn luôn có một khuynh hướng đáng ghét là gạt ra ngoài lề bất cứ những tư tưởng nào đến từ nơi khác bằng cách cho chúng là những thứ “dị lãm”. Rimbaud và Segalen đã trả giá trong thời họ sống. Ngay cả hôm nay, các nhà văn từ những nước phía Nam chỉ xuất bản sách ở đây nếu họ đồng ý bị xếp vào phạm trù “dị lãm”. Cái ví dụ đến ngay trong óc tôi là Ananda Devi, nhà văn ở đảo Maurice, mà tôi đã đứng ra bênh vực khi tôi còn ngồi trong ban tuyển đọc của nhà xuất bản Gallimard. Họ đã đáp lại tôi rằng bản thảo tác phẩm của cô ấy chưa đủ dị lãm!
Tại sao ông lại khoái trá với những nền văn hoá khác đến thế?
Văn hoá Tây phương đã trở nên quá đơn tính. Nó đặt ưu tiên quá trớn vào phương diện đô thị, kỹ thuật, vì vậy nó cản trở sự phát triển của những hình thức diễn đạt khác: tính tôn giáo và những cảm xúc, chẳng hạn. Toàn thể cái phần bất khả tri của con người thì bị che lấp dưới danh xưng của chủ nghĩa duy lý. Chính nhận thức này đã đẩy tôi đến với những nền văn minh khác.
Trong cái chốn khác mà ông đã tìm đến, thì riêng Mễ-tây-cơ và thế giới người da đỏ Mỹ châu nói chung chiếm một phần chủ yếu. Bằng cách nào ông đã tìm đến với Mễ-tây-cơ?
Tôi đã được gửi sang Mễ-tây-cơ để thi hành nghĩa vụ quân sự. Trong hai năm tôi ở xứ ấy, tôi đã có cơ hội đi đây đi đó. Đáng kể là tôi đã đi đến Panama, nơi tôi gặp những thổ dân Emberá. Tôi đã sống bốn năm (1970-1974) với những người dân da đỏ của rừng xanh ấy. Đó là một kỷ niệm cảm động sâu sắc, vì tôi đã khám phá ra một lối sống không hề dính dấp gì đến cái lối sống mà tôi đã biết được ở châu Âu. Thổ dân Emberá sống hoà điệu với thiên nhiên, với môi sinh và với chính họ mà chẳng nhờ đến một thứ quyền bính luật pháp hay tôn giáo nào cả. Điều đó đã làm tôi choáng ngợp, và khi tôi trở về, tôi muốn kể lại cái tình người khăng khít của xã hội ấy, thì các nhà phê bình đã gán cho tôi là thơ ngây, sơ giản và bị rơi vào cái huyền thoại «bon sauvage» (những người man di cao quý), mặc dù điều đó hoàn toàn không phải là điều tôi muốn nói. Tôi chẳng bao giờ có thể nói những thổ dân mà tôi đã chung sống là man di, hay họ là cao quý. Họ sống theo những tiêu chuẩn khác và những giá trị khác.
“Những cuốn sách của tôi là cái gì trông giống tôi nhất”
Lúc này, ông chia cuộc sống của ông ra giữa Albuquerque, thuộc tiểu bang New Mexico; đảo Maurice, xuất xứ của gia đình ông; và Nice, nơi ông lớn lên và nơi thân mẫu của ông vẫn còn sống. Giống như ông, các nhân vật trong truyện của ông cũng có cuộc sống trải ra trên nhiều lục địa. Lấy ví dụ, cuốn Cœur brûlé et autres romances có một phần diễn ra tại Mễ-tây-cơ. Truyện đầu tiên của cuốn này kể chuyện hai thiếu nữ đã sống ở xứ ấy khi họ còn nhỏ. Đó là một tuổi thơ đau đớn. Cả hai đều dường như bị ám ảnh bởi quá khứ. Liệu có thể nói rằng hai chị em là nạn nhân cùa lối sống du cư?
Họ là nạn nhân của sự ràng buộc vào hai nền văn hoá trong cùng một lúc. Rất khó cho trẻ con thông tri với hai nền văn hoá dị biệt như văn hoá Mễ-tây-cơ, là thứ văn hoá cấp tốc, của đường phố, ở bên ngoài, và văn hoá Âu châu, là thứ văn hoá dưới mái nhà, của nội thất và của những nội quy học đường. Chính cái va chạm của những nền văn hoá là điều tôi muốn kể ra.
Thế thì tại sao lại gọi là “truyện diễm tình”?
Đây là một chữ hơi chua chát chút ít để mô tả những trạng huống bi thảm. Cuốn sách gồm có bảy truyện ngắn, kể những câu chuyện u ám. Trong truyện hư cấu diễm tình, cảm xúc thì ưu tiên hơn cái sự thật mang tính xã hội học. Tôi nghĩ rằng vai trò của truyện ngắn làm bật lên sự giao thoa không ngừng này giữa cảm xúc và cái thế giới xã hội, cái thế giới thực tại. Mặt khác, tất cả những truyện ngắn trong cuốn này kể lại những sự kiện mà tôi đã mang vào truyện. Do đó nó là những chuyện có thật. Những truyện này có cái phần «fleur bleue» (nông nổi) mà bạn cũng có thể thấy trong những trang «faits divers» (tin vắn xã hội linh tinh) trên các nhật báo.
Trong những cuốn sách của ông, biên giới giữa các thể loại bị xoá nhoà. Những tác phẩm này vượt ra xa bên ngoài lối tự sự tiểu thuyết cổ điển. Ông có tin rằng tiểu thuyết như một thể loại, kế thừa từ thế kỷ thứ XIX, vẫn còn mang nặng dấu ấn của những gốc gác mang tính tư sản trung lưu và thực dân và, do đó, nó không thể phản ảnh sự phức tạp của thế giới hậu hiện đại, hậu thuộc địa?
Tiểu thuyết là một lể loại mang tính bourgoise, xét về mặt tác dụng. Suốt thế kỷ XIX, nó là hiện thân lộng lẫy của những may mắn và rủi ro trong cái thế giới tư sản trung lưu. Thế rồi, điện ảnh ra đời, cướp đi ngôi vị minh tinh của tiểu thuyết và tự chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu hơn để trình bày thế giới. Các nhà văn, vì thế, đã tìm cách mở rộng phạm vi của thể loại tiểu thuyết bằng cách làm cho nó thành nơi để diễn tả những ý tưởng, những cảm xúc. Làm như thế, họ mới phát hiện cái thể loại này quả là hết sức uyển chuyển, phù hợp dễ dàng với những thí nghiệm về hình thức. Từ đó, mỗi thế hệ lại tái cách tân tiểu thuyết, tái phát minh nó bằng cách đem những yếu tố mới mẻ vào nó.
Tôi nghĩ đến một tiểu thuyết gia ở Maurice, ông Abhimanyu Unnuth, người mà tôi mới phát hiện gần đây khi bản dịch cuốn Lal pasina của ông được xuất bản. Đây là một cuốn tiểu thuyết có những góc độ nào đó khiến ta nhớ đến Eugène Sue. Unnuth sử dụng hình thức tiểu thuyết cổ điển, nhưng phá cách nó cho nó tốt hơn qua lối du nhập những yếu tố mang tính sử thi, những ca khúc và cái nhịp điệu của thi pháp Ấn-độ. Từ đó sinh ra cái kiểu Le Juif errant hay Les Mystères de Paris[1] được tái duyệt và chỉnh lý bởi sử thi Ramayana![2]
Những cuốn tiểu thuyết của ông có một khía cạnh nào đó mang tính tự truyện. Ông có cảm tưởng rằng ông là người lưu trữ tiểu sử của chính mình, lưu trữ kinh nghiệm sống của chính mình?
Những tiểu thuyết gia mà tôi yêu thích là Stevenson và Joyce. Họ lấy cảm hứng từ những năm tháng đầu đời của họ. Qua cái viết, họ làm sống lại quá khứ của họ và cố gắng hiểu những câu hỏi “tại sao” và “thế nào”. Khi đọc cuốn Ulysses của Joyce, ta thực sự có cái ấn tượng rằng Joyce đã không có chủ đích kể lại khoảnh khắc hiện tiền, nhưng có chủ đích diễn tả mọi thứ ở bên trong ông, tất cả những gì đã làm nên chính ông. Ông phục hiện cả những tiếng động nhỏ nhất trên đường phố, những mảnh đối thoại vụn vặt, những trận đòn quằn quại ở trường học mà ông đã chịu đựng và vẫn còn bị ám ảnh. Naipaul, cũng thế, bằng óc tưởng tượng, quay về với những năm học đầu tiên. Văn chương chỉ mạnh mẽ khi nó có khả năng diễn tả những cảm nhận đầu tiên, những kinh nghiệm đầu tiên, những ý tưởng đầu tiên, những nỗi thất vọng đầu tiên.
Đọc tác phẩm của ông, người ta thường có ấn tượng rằng các nhân vật của ông, qua hình ảnh của chính ông, đang tìm kiếm một quê hương, một quê hương bên ngoài cái ý niệm truyền thống và hơi chật hẹp về quốc gia. Salman Rushdie nói về “những quê hương tưởng tượng” khi mô tả mối liên hệ mới mẻ mà nhà văn lưu vong cố gắng thiết lập để nối kết mình trở lại với cái xứ sở mà từ đó mình đã ra đi. Còn ông, quê hương tưởng tượng của ông thì như thế nào?
Tôi tự xem mình là một kẻ lưu vong vì gia đình tôi hoàn toàn là dân của xứ Maurice. Trải qua nhiều thế hệ, chúng tôi đã được nuôi dưỡng bằng truyện dân gian, thức ăn, những huyền thoại và văn hoá Maurice. Đó là một nền văn hoá rất hỗn hợp, gồm Ấn-độ, châu Phi và châu Âu. Tôi sinh ra ở Pháp và lớn lên ở Pháp với nền văn hoá sở tại. Khi trưởng thành, tôi tự nhủ rằng có một nơi nào đó là hiện thể của quê hương đích thực của tôi. Một ngày nào, tôi sẽ đến đó, và tôi sẽ biết nó là gì. Vì thế, ở Pháp, tôi luôn luôn thoáng nghĩ về mình như là một kẻ “bên ngoài”. Tuy nhiên, tôi rất yêu tiếng Pháp, và có lẽ nó là quê hương đích thực của tôi! Nhưng nếu xem nước Pháp là một quốc gia, thì tôi phải nói rằng tôi hiếm khi nhận diện mình qua những phẩm tính của nó.
Tổ tiên của ông là người Pháp chứ, tôi tin thế?
Đúng là dòng họ Le Clézio xuất phát từ Morbihan, ở miền Bretagne. Vào thời Cách Mạng, một trong những ông tổ của tôi đã từ chối gia nhập vào lực lượng cách mạng vì họ đòi cắt mái tóc dài của ông, nên ông buộc lòng phải rời khỏi nước Pháp. Ông đã cùng cả gia đình lên một chiếc thuyền tên là Courrier des Indes với ý định đi sang Ấn-độ. Nhưng khi chiếc thuyền ghé vào đảo Maurice, ông rời thuyền vì vợ của ông xuất thân từ đảo ấy, và người trong gia đình của bà vẫn còn ở đó. Chi hệ của dòng Le Clézio ở Maurice là hậu duệ của ông tổ mang máu phiêu lưu và nổi loạn này. Ông sẽ là nhân vật chính diện trong cuốn tiểu thuyết sắp tới của tôi. Trong lúc này, tôi đang viết đến đoạn kể lại câu chuyện ông đã định cư ở Maurice như thế nào. Tôi cảm thấy gần gũi với người đàn ông đã tự lưu đày đến tận đầu bên kia của thế giới để thoát khỏi một điều gì đó. Tôi có cảm tưởng tôi hiểu được ông ấy.
Người ta nói rằng ông có khả năng đoạt giải Nobel. Hãy tưởng tượng rằng ngày mai ông được trao giải Nobel Văn Chương. Ông muốn nói gì tại buổi lễ trao giải?
Đó là một câu hỏi rất ư mang tính giả thuyết! Tôi chẳng biết gì về chuyện giải thưởng Nobel, nhưng tôi biết tôi muốn nói gì trước công chúng. Tôi muốn nói về cuộc chiến tranh tàn sát trẻ con. Điều này, đối với tôi, là điều kinh khủng nhất của thời đại chúng ta. Văn chương cũng là một phương tiện để nhắc nhở con người về tấn thảm kịch này và mang nó ra đặt ngay trước tầm mắt họ. Ở Paris, gần đây người ta phủ mạng che mặt lên những pho tượng phụ nữ để lên án sự kiện rằng phụ nữ ở Afganistan không được tự do. Điều đó rất tốt. Cũng giống như vậy, ta nên đánh dấu tất cả những pho tượng trẻ em bằng một vệt sơn đỏ thật to ở trái tim như một sự nhắc nhở rằng, ngay trong giây phút này, ở một nơi nào đó tại Palestine, Nam Mỹ hay châu Phi, một đứa trẻ vừa bị giết bằng những viên đạn. Người ta chưa bao giờ nói về điều đó!
_________________________
[1]Ramayana là tác phẩm sử thi vĩ đại của Ấn-độ, được thi sĩ Valmiki viết bằng tiếng Sanskri vào khoảng vài thế kỷ trước Công nguyên. Ramayana đã ảnh hưởng nhiều đến văn học dân gian Đông-Nam Á.
[2]Le Juif errant [1844] và Les Mystères de Paris [1842-1843] là hai bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Eugène Sue (1804-57), tiểu thuyết gia bình dân của Pháp.
--------
Nguồn: “La langue française est peut-être mon véritable pays”, Entretien réalisé par Tirthankar Chanda, Label France, No.45 (2001).
Có thể xem bản điện tử lưu trữ tại website của Ministère des Affaires étrangères et européennes. Bấm vào link này: “La langue française est peut-être mon véritable pays”.
Những tác phẩm của Le Clézio đã đăng trên Tiền Vệ :
Người thổi sáo ở Angkor (truyện / tuỳ bút)
... Cái nhìn bén nhọn của tiếng sáo đã nhìn thấy tất cả. Nó đã du hành không phải vất vả qua trí tuệ, nhanh hơn hàng triệu hàng triệu chữ, và nó tiếp tục, tiếp tục nữa, tiếp tục mãi, đi xa hơn cả thời gian, xa hơn cả tri thức, xa hơn cả đường xoắn ốc chóng mặt đang tự vặn chặt vào sọ của một kẻ điên... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
Gió Nam (truyện / tuỳ bút)
... Thời gian trôi qua. Ta nói ra những chuyện này chuyện nọ, ta đau khổ và ta tưởng vì thế ta có thể chết được, thế rồi vài năm sau mọi chuyện đều chỉ còn là kỷ niệm... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
Người của trời (truyện / tuỳ bút)
... Đó chính là lúc mà cái im lặng lớn đến độ mọi chuyện đều có thể xảy ra. Petite Croix nhớ tới cái câu nó đã hỏi, từ bao nhiêu năm nay, câu hỏi mà nó rất muốn biết, về chuyện bầu trời, về màu sắc của nó. Nhưng con bé không còn cất gịọng lớn nữa: “Xanh là gì vậy?” Bởi vì không ai biết được câu trả lời đúng. Con bé vẫn ngồi bất động, thật thẳng góc, ở cuối vách đá, trước bầu trời... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
Ba cô gái phiêu lưu (truyện / tuỳ bút)
... Sự cô đơn cùng tận là sức mạnh của cô. Chính cô giữ cho thân hình mình đứng thẳng và mạnh, chống chọi với năm tháng, chính cô lúc nào cũng đem lại cho đôi mắt mình sự rạng rỡ của cuộc sống... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
Trái tim cháy (truyện / tuỳ bút)
... Khi đêm xuống, có một cơn sốt, một cái gì giục giã. Ta có thể nói là có một lễ vui đang được chuẩn bị. Nhất là vào những ngày đẹp trời, tháng chín, tháng mười, tháng mười một. Không khí dịu và mát, có những dây bìm bìm nở hoa trên các hàng rào, những con đôm đốm đậu trên ngọn cỏ. Những con cóc ca hát dưới mương rãnh... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
Khách sạn Cô Đơn (truyện / tuỳ bút)
Đối với Eva, đấy là kỷ niệm của một đời sống khác, một thời gian không hạn định. Nàng đã ở khách sạn suốt đời nàng, du lịch trên những con tàu chở khách lao vào cuộc phiêu lưu trên biển, từ bến này đến bến kia, giữa Venise và Alexandrie, hay trên lãnh hải Cortés, từ Topolobampo đến La Paz... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
Kalima (truyện / tuỳ bút)
Em đã đi khỏi nơi này, và em đã để lại cả thế giới này trong trật tự của nó, trong mưu đồ của nó, cái thế giới mà những quảng trường cứ tiếp tục ồn ào, với những máy nước và những cô gái, và những tiếng gà trống gáy và tiếng chó sủa, và bụi bặm không ngớt tung lên rồi rải xuống, tung lên rồi nằm yên nghỉ. Thế nhưng em, em không còn ở đấy nữa... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
Người châu Phi (truyện / tuỳ bút)
Chương thứ ba trong tác phẩm L’Africain của Jean-Marie G. Le Clézio — một tên tuổi nổi bật trong văn chương hậu hiện đại Pháp — lần đầu đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch và lời giới thiệu của nhà văn Hoàng Ngọc Biên. (...)
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét