20/11/08

Obama, nhà thơ

tiểu luận / nhận định

Mead, Rebecca

Obama, nhà thơ



Bản dịch của Nguyễn Tôn Hiệt


Lời người dịch:

Barack Obama vừa trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa-kỳ. Đó là một biến cố vô cùng đặc biệt mà tôi đã âm thầm mong đợi suốt nhiều tháng qua, và sự khải thắng của ông khiến tôi xúc động mãnh liệt. Thế nhưng, từ góc nhìn của một người làm thơ, tôi lại tự hỏi, một cách tò mò, rằng người đàn ông da đen với tài hùng biện vô song ấy có làm thơ không. Thế rồi tôi lục lạo trên internet, và tìm thấy một bài viết của Rebecca Mead dưới nhan đề “Obama, poet”. Trong đó, Rebecca Mead thuật lại những nhận xét của Harold Bloom, nhà phê bình thơ kiệt xuất của Hoa-kỳ, về hai bài thơ (“Pop” và “Underground”) mà Barack Obama đã sáng tác lúc ông còn là một sinh viên 18 tuổi tại Occidental College.

Trong hai bài thơ ấy, Harold Bloom khen bài “Underground” là hay hơn. Vì thế, tôi xin dịch bài thơ ấy để đăng song song với bài viết này của Rebecca Mead.



OBAMA, NHÀ THƠ



Trong cuốn sách đầu tay của mình, Dreams from My Father, Barack Obama mô tả chất cần sa mà ông đã hút lúc còn trẻ như “một thứ gì có thể làm bẹp dí cái phong cảnh của tâm hồn tôi, làm nhoà những góc cạnh của ký ức tôi.” Lời thú nhận này về sự bất cẩn của tuổi trẻ thì vừa đàng hoàng hơn vừa thật lòng hơn những lời thú nhận của ông Tổng Thống Thứ Bốn-mươi-hai (“tôi đã không hít vào”) và Thứ Bốn-mươi-ba (“Hồi tôi còn trẻ và vô trách nhiệm, thì tôi còn trẻ và vô trách nhiệm”), và không có gì phải ngạc nhiên lắm khi ta phát hiện rằng một chất gây say khác ít bị đem ra rêu rao mà anh chàng Obama trẻ tuổi đã dính vào là cái thú làm thơ tự tình.

Năm 1981, Feast, một tạp chí văn học do Occidental College ấn hành, đã đăng hai bài thơ của Obama, lúc ông còn đi học ở đó. Bài thứ nhất, “Pop”, trông như một chân dung đáng yêu, tuy hơi cũ một chút, của ông ngoại của Obama, người mà Obama đã được sống gần gũi phần lớn thời thơ ấu của mình. Với cấu trúc tự do và một lối vắt dòng dạn dĩ, bài thơ bắt đầu như thế này:

Sitting in his seat, a seat broad and broken
In, sprinkled with ashes,
Pop switches channels, takes another
Shot of Seagrams, neat, and asks
What to do with me, a green young man
Who fails to consider the
Flim and flam of the world, since
Things have been easy for me.

Ngồi trên ghế của mình, một chiếc ghế rộng và sụp
Vào trong, đầy những tàn thuốc vương vãi,
Pop đổi kênh truyền hình, uống thêm một
Ngụm Seagrams, nguyên chất, và hỏi
Tôi mắc chứng gì vậy, một thằng tuổi còn xanh
Mà không hiểu ra được
Cái trò bá láp của thế gian, vì
Tôi đã sống quá dễ dàng.


Bài thứ hai, “Underground”, là một mô tả mang tính tượng trưng, sinh động tuy có vẻ khó hiểu, về một bộ lạc của loài linh trưởng ở dưới biển. Thử trích vài dòng tiêu biểu:

Under water grottos, caverns
Filled with apes
That eat figs.
Stepping on the figs
That the apes
Eat, they crunch.

Những hang động dưới nước
Đầy những con khỉ
Ăn những trái sung.
Bước lên những trái sung
Mà những con khỉ
Ăn, thì nghe giòn rụm.


Harold Bloom, trong 53 năm dạy văn chương ở Đại học Yale, đã đọc được nhiều bài thơ mà những sinh viên cử nhân đã nhét vào tay ông với hy vọng lọt vào mắt xanh của ông. Tuần trước, khi tôi gọi điện thoại cho ông ở New Haven, ông nói rằng ông chưa biết đến tác phẩm của Obama. Nhưng sau khi nghiền ngẫm hai bài thơ ấy, ông nói rằng không phải là ông không cảm thấy ấn tượng đối với những cố gắng của chàng thanh niên Obama — ít nhất, xét trên những tiêu chuẩn được thiết lập bởi những mầm-non-thi-bá trong giới chính khách. “Ở tuổi mười tám, là sinh viên chưa tốt nghiệp, anh ấy đã là một nhà thơ khá hơn nhiều so với ông cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen, người vẫn liên tục xuất bản loại thơ thảm hại,” Bloom nói. (Cohen đã xuất bản hai tập thơ: Of Sons and Seasons, năm 1978, và A Baker’s Nickel, năm 1986.) “Rồi lại xuất hiện ông Jimmy Carter [cựu tổng thống Mỹ], người mà theo sự xét đoán của tôi thì đúng là nhà thơ dở nhất của nước Mỹ.” (Tập thơ đầu tay của Carter, Always a Reckoning and Other Poems, xuất bản năm 1994, trong đó có một bài gọi là “Why We Get Cheaper Tires from Liberia” [“Tại sao chúng ta mua được ở Liberia những vỏ xe rẻ hơn”], với những câu: “No churches can be built / no privy holes or even graves / dug in the rolling hills / for those milking Firestone’s trees, who die / from mamba and mosquito bites.” [Không thánh đường nào có thể được dựng lên / không có những hố thải hay thậm chí những nấm mộ nào được đào trong những dãy sườn đồi dằng dặc / cho những người cạo mủ cao-su của tập đoàn Firestone, những người chết / vì bị rắn mamba và muỗi cắn.”])

Về hai bài thơ của Obama, Bloom nói, “Pop” thì “không tệ — một bài thơ bình dân đủ hay, mang đôi chút thương tâm, sự khôi hài và cảm xúc.” Ông nói tiếp, “Không phải nó hoàn toàn không giống thơ của Langston Hughes, người có khuynh hướng bắt chước Carl Sandburg.” Bloom lấy làm khoái trá với cái cách Obama sử dụng một động từ khác thường, “shink”:

He . . . Stands, shouts, and asks
For a hug, as I shink, my
Arms barely reaching around
His thick, oily neck

Ông . . . Đứng, gào, và đòi
Một cái ôm, trong lúc tôi dằn lại, hai cánh
Tay tôi đưa ra chỉ vừa đủ để choàng quanh
Chiếc cổ mập, nhờn của ông


“Shink” là một chữ không xuất hiện trong bất cứ cuốn từ điển nào Bloom tra cứu, nhưng nó lại được định nghĩa là “an evasive sinking maneuver”, trong một cuốn từ điển tiếng lóng trên internet.

Bloom nói, “Hiển nhiên nó là một chữ thường được dùng, có liên hệ với cảm xúc mạnh, trong trường hợp này là một nỗi khao khát được an ủi vỗ về.” Ông cho rằng bài thơ ẩn chứa tình cảm của Obama đối với người cha vắng mặt, mà ông ngoại hiển nhiên là người thay thế không tương xứng. “Thật ra bài thơ muốn nói về cha của anh ấy,” Bloom nói. “Thật là cảm động, và nó cũng cho thấy một sự tinh tế đầy tính nhân bản và nỗi buồn. Có trí tuệ.” Bloom nói, trong hai bài, “Underground” là bài hay hơn. “Nó cho tôi cái cảm giác lạ lùng nhất khi tôi nghĩ có lẽ anh ấy đã có đọc những bài thơ của D. H. Lawrence — nó khiến tôi nhớ đến bài ‘Snake,’” Bloom nói tiếp. “Tôi nghĩ bài thơ của anh ấy nói về một cảm nhận gì đó tựa như những sức mạnh từ dưới lòng đất, cũng giống như thơ của Lawrence thường diễn tả — một cảm nhận gì đó, không hoàn toàn rõ nét, về một điều gì đó tiềm tàng bên dưới, đang cố gắng trổ lên.”

Tạm gác chuyện thơ qua một bên, Bloom có ấn tượng tốt về Obama — “Mặc dù nếu ông Thị trưởng Bloomberg của New York có ra tranh cửa đi nữa, tôi vẫn bỏ phiếu cho anh ấy,” ông nói thêm. Dẫu sao, ông nói, Obama cũng đã chọn đúng sự nghiệp của mình, ít nhất đó cũng là một sự chọn lựa để làm một chính khách hay làm một thi sĩ. “Nếu một sinh viên của tôi đưa cho tôi xem những bài thơ này và hỏi, 'Liệu tôi có nên theo nghiệp thơ không?' thì chắc là tôi sẽ gãi trán và nói, 'Xét cho cùng, anh bạn thân mến, có lẽ anh không nên theo nghiệp ấy, vì trong tương lai anh sẽ không trở thành một con người của chữ nghĩa,” Bloom nhấn mạnh. “Nhưng, nói vậy thì chắc chắn không có nghĩa là những bài thơ ấy dường như không đáng để tôi chú ý.”




------
Dịch từ nguyên tác “Obama, poet” của Rebecca Mead, trên The New Yorker, July 2, 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét