24/11/08

Chương 5 Ghé thăm Ấn Độ và Nepal

Chương 5



Ghé thăm Ấn Độ và Nepal



1. Miền bắc Ấn-độ



Tháng 12 năm 1976, vợ chồng tôi đi dự một hội nghị khoa học ở Delhi, và nhân dịp đó, được thăm vài nơi miền bắc Ấn-độ.

Thăm Delhi, tất nhiên, vì đó là nơi diễn biến của Hội nghị. Thoạt tiên là thăm Qutab Minar, bởi vì vừa mới tới nơi ở, đã thấy nó lù lù đập vào mắt vì chiều cao của nó. Thú thật là tôi không thấy đẹp bởi vì nhìn xa hình dáng nó giống như một cái ống khói xưởng máy. Thực ra đây là một cái tháp 5 tầng, cao 73m, đường kính chân tháp là 15m, đường kính ngọn tháp là 2,5m, của đền Hồi giáo Quwat-ul-Islam, được coi là đền Hồi giáo đầu tiên xây ở Ấn Độ, do Qutab-ud-din Aibak cho xây năm 1193 sau khi vương quốc Ấn-độ giáo Delhi bị hủy. Trên một trong những cổng vào còn ghi là vật liệu xây cất (« đá tràm tích » đỏ và đá hoa) được lấy từ 27 đền Ấn-độ giáo bị hủy. Về sự tích xây cái đài này, cũng có nhiều nguồn tin khác nhau : có nguồn cho rằng năm 1197 đã xây xong để đánh dấu kỷ nguyên mới của Hồi giáo tại Ấn-độ, có nguồn thì lại cho rằng thời Qutab chỉ xây được có một tầng, người nối nghiệp là Iltutmush mới cho xây thêm 2 tầng nữa, và mãi đến năm 1368 thời Shah Tughlaz mới xây xong tầng thứ 5. Leo được lên đến ngọn tháp thì cũng thấy vất vả. Nghe nói lúc năm 1958, khi Hồ chủ tịch chính thức thăm Ấn-độ, Cụ cũng tới thăm tháp này (thời điểm 1958 Hồ chủ tịch thăm Ấn-độ có được ghi trong bài hồi ức này của ông Đoàn Hựu : http://www.mofa.gov.vn/quocte/42,04/cuoc%20gap%20chuyentrang42,04.htm.), nhưng không nói tới chuyện thăm Qutab Minar, chắc vì đây là chuyện vặt). Sau chuyến thăm của vợ chồng tôi ít lâu, đọc báo thấy có tin có một cuộc hành hương của người bản xứ, chen lấn nơi đây, chết ngạt mất hơn 40 người ; khiếp, nhưng cũng không có gì lạ bởi các bực thang thì hẹp, đông người chen lấn thì dễ xảy ra tai nạn.

Sau khi đã đi thăm Qutab Minar, thì đi thăm Lâu đài chiến lũy đỏ (Fort Rouge), tức là hoàng thành, gọi như thế vì được xây bằng đá trầm tích đỏ dưới thời hoàng đế Shah Djahan (trị vì từ 1628 đến 1658) của triều đại Moghol. Công trình kiến trúc này được khởi công năm 1639 đến năm 1648 mới xong, vì Shah Djahan muốn chuyển kinh đô từ Agra về Delhi. Hoàng thành này là một quần thể kiến trúc bề thế, có tường cao 16m bao bọc một diện tích khoảng 600000 m2, gồm nhiều cung điện, đền Hồi giáo (mosquée), sân và vườn thượng uyển. Mấy kiến trúc đáng kể nhất trong khu này là điện thiết triều Diwam-i-am, 3 cung xây bằng đá cẩm thạch chạm trổ tinh vi, hậu cung Mumtaz Mahal nơi ở của các cung tần, cung Khas Mahal nơi ở của hoàng đế, vv.

Delhi cũng còn nhiều đền đài lăng mộ đồ sộ, như lăng của hoàng đế Humayun (xây năm 1570 bằng đá trầm tích đỏ và đá hoa trắng) được coi là kiến trúc đầu tiên của nghệ thuật Moghol ; đi xem nhiều rồi cũng chẳng nhớ cái nào với cái nào. Những công trình hiện đại thì cũng to lớn, như trụ sở của Chính phủ, vv., nhưng tôi chỉ chú ý nhiều đến di tích cổ.

Có lẽ cũng cần nhắc lại một chút lịch sử của triều đại Moghol, trước khi nói đến những nơi thăm khác. Nhắc lại trong ba thế kỉ (từ 1526 đến 1857) triều đại trị vì Ấn-độ là triều đại Moghol, mà người sáng lập là hoàng đế shah Baber (còn gọi là Babur). Ông này tự nhận mình là dòng dõi của Timur Leng phía cha (cháu 5 đời) và dòng dõi Thành-cát-tư hãn phía mẹ (không biết có phải thực thế không, hay là thấy sang bắt quàng làm họ), nhưng tóm lại là ông ta người gốc Thổ-nhĩ-kỳ, theo đạo Hồi ; năm 1526 chiếm được Delhi rồi Agra ; năm 1529 chiếm được phần lớn Ấn-độ.

Lịch sử ghi tên 6 đại hoàng đế (Grands Moghols) của triều đại này : Babur (trị vì đến năm 1530 thì chết), Humayun (trị vì từ 1530 đến 1556), Akbar (trị vì từ 1556 đến 1605), Djahangir (trị vì từ 1605 đến 1627), Shah Djahan (trị vì từ 1628 đến 1658) et Aurengzeb (trị vì từ 1658 đến 1707). Những vua kế tiếp hèn yếu, đến năm 1857, vua cuối cùng là Muhammad Bahadur Shah bị mất ngôi vì bị người Anh lấn chiếm, ngôi hoàng đế Ấn-độ do nữ hoàng Victoria nước Anh « kiêm nhiệm ».

Lẻn bỏ Hội nghi một ngày, vợ chồng tôi thuê xe riêng đi thăm Agra và Fatehpur Sikri, còn gọi là « kinh đô bỏ hoang ». Do chúng tôi vụng tính : lẽ ra thăm Fatehpur Sikri trước (lúc còn sớm) và Agra sau (dù gặp trời tối) thì hợp lý hơn, đằng này đã xem lộn ngược, dở quá !

Tương truyền rằng năm 1568, hoàng đế Akbar, lâu chưa có con trai, mới ngự giá tới làng Sikri để hỏi ý một tu sĩ hồi giáo, Salim Chisti. Tu sĩ này tiên đoán rằng nhà vua sẽ có con trai, nếu hoàng hậu tới ở làng này. Năm sau, 1569, lời tiên đoán thực hiện : hoàng hậu sinh con trai. Hoàng đế Akbar quyết định cho xây kinh thành ở nơi này, và đặt lên kinh đô này là Fatehpur Sikri (đô thị của chiến thắng), vào dịp một trận thắng lớn. Năm 1585, Akbar bỏ kinh đô này, dọn đi nơi khác (có lẽ vì thiếu nước ?), và không bao giờ trở lại. Nơi này trở thành hoang phế, nhưng không hoang tàn, tôi muốn nói là kiến trúc được bảo vệ hầu như nguyên vẹn tuy không dùng làm nơi ở.

Khi vợ chồng tôi bảo xe đưa tới xem, thì trời đã sẩm tối, khách vắng teo. Bởi vì chúng tôi vụng tính như đã kể trên, thành ra vội vã xem, nhưng cũng thấy được vẻ độ sộ của cung điện này. Tóm tắt gồm : Đền hồi giáo Jama Masjid xây năm 1571, một chiều 168m một chiều 144m, với cổng vào cao 54m, bên trong có mộ bằng đá hoa của Salim Chisti kể trên (nghe kể là ngày nay, những phụ nữ hiếm con còn đến đây cầu tự) . Điện Diwan-i-Khas, dùng những buổi « tiểu triều ». Cung Panch Mahal 4 tầng, có tới 185 cột chống, trong đó 84 cột ở tầng một không cái nào giống cái nào, là nơi ở của cung tần. Điện Diwam-i-am, dùng cho những buổi « đại triều », cạnh đó có sân Pachisi, nơi hoàng đế đánh cờ người (quân cờ là những phụ nữ nô lệ). Cung Jodh Bai, với cái Hawa Mahal (Cung « gió ») với những cửa sổ đặc biệt cho cung nữ có thể nhìn thấy bên ngoài mà không bị bên ngoài nhìn thấy. Gần đấy là cung dành cho bà phi Ki-tô giáo của hoàng đế Akbar. Lại có cung Ankh Michauli, tương truyền rằng là nơi để hoàng đế chơi « ú tim ú òa » với cung nữ, nhưng có sử gia cho rằng thực ra nơi này là nơi chứa báu vật của hoàng đế Akbar.

Trở lại chuyến chúng tôi thăm Agra trước đó vài tiếng đồng hồ. Agra một thời là kinh đô của triều đại Moghol, có lâu đài chiến lũy đỏ (Fort Rouge) tức là hoàng thành, cũng gọi như ở Delhi, vì được xây bằng đá trầm tích đỏ. Hoàng thành này có tường ngoài cao 12m, tường trong cao 20m, chu vi 2,50km, khởi công xây từ 1565 đến 1573 thời vua Akbar thì tạm xong. Trong hoàng thành có nhiều cung điện, như cung mà Akbar cho xây cho thái tử Jahangir sau nối ngôi, điện « đại triều » Diwam-i-Am xây năm 1608, điện « tiểu triều» Diwan-i-Khas xây năm 1636 dưới thời Shah Djahan, 3 cung cho ba bà vợ theo 3 tôn giáo khác nhau (Hồi giáo, Ki-tô giáo, Ấn-độ giáo), đài Mussaman Burj 2 tầng, hình bát giác, nơi mà hoàng đế Aurangzeb giam cha là hoàng đế Shah Djahan (trong 8 năm cho đến lúc chết), vv.

Sau đó thì đi thăm Taj Mahal. Việc xây công trình này là như sau : Hoàng đế Shah Djahan có bà vợ là Arjumand Banu, được rất yêu, gọi là Mumtaz Mahal. Năm 1631, Mumtaz Mahal chết khi đẻ người con thứ 14. Tương truyền rằng hoàng đế Shah Djahan đau buồn, không ra khỏi phòng trong tám ngày ; khi ra triều trở lại thì râu tóc đều đã bạc phơ. Để tưởng nhớ người vợ yêu, ông ra lệnh xây một cái lăng ở gần hoàng thành : đó là Taj Mahal, một công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá cẩm thạch trắng, mà cái vòm của phần trung tâm cao 56m, giữa 17 hec-ta vườn hoa cây cỏ và các công trình phụ. Có nguồn ghi là phải huy động tới hai vạn thợ và hơn một nghìn súc vật như voi, ngựa, trâu, lạc đà, để xây cất trong 10 năm mới xong (có nguồn nói là xây cất lâu khoảng 16 năm). Từ hoàng thành, có thể nhìn thấy Taj Mahal. Người ta tán dương cái đẹp và vẻ nên thơ của công trình này, biểu hiện của tình yêu, thương nhớ. Nhà thi sĩ Ấn-độ Rabindranath Tagore (giải thưởng Nobel văn học 1913) ví Taj Mahal như « một giọt nước mắt trên má của thời gian ». Tôi không muốn phụ họa. Từ cung điện trong hoàng thành nhìn sang, do phong cảnh không hữu tình, cũng không có « ấn tượng » lắm. Nhưng đến tận nơi, mới thấy hết sự đồ sộ, sự cầu kỳ, tinh vi của Taj Mahal này. Ba ý nghĩ ập đến với tôi lúc đó : 1/ Phải yêu lắm – (sắc đẹp có lẽ không phải lý do chính trong trường hợp này, khi yêu một người phụ nữ đã đẻ 14 lần) – mới cho xây cất một công trình như vậy. 2/ Sao ở khắp xứ sở này, người ta đã thực hiện biết bao nhiêu công trình cho người chết, mà lại nghĩ ít thế đến tình cảnh của người sống ? (Tôi còn nhớ thuở ấy đi ngoài đường, có một người đàn bà giắt một bé gái nhỏ chừng 3 tuổi - hay là nhiều tuổi hơn nhưng trông như đứa bé lên 3 - thấy vợ chồng tôi, đứa bé buông tay mẹ, đến quì hôn chân vợ tôi rồi chìa tay xin tiền. Tôi nghĩ sắt đá cỏ cây cũng phải động lòng, vậy mà sao có những người cầm quyền vẫn có thể thản nhiên ?). 3/ Đã bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu đã chảy ở hàng vạn người, để thỏa mãn tình yêu của một người ? (Theo một nguồn kể, Shah Djahan triệu nhà kiến trúc sư Ba-tư nổi tiếng nhất thời đó là Usad Ahmad đến, nhưng sai người giết vợ ông ta để ông ta cảm thấy nỗi đau khổ mất vợ như thế nào, để đổ tất cả tình cảm và tâm trí vào việc thực hiện công trình này. Thực hay bịa ?).

Cũng có lời đồn rằng hoàng đế Shah Djahan cũng có ý định cho xây cất một lăng mộ tương tự cho chính mình, nhưng bằng cẩm thạch đen. Nhưng ý định đó không bao giờ được thực hiện. Lý do là Shah Djahan có ý định truyền ngôi cho người con cả là Dara Shikok (còn gọi là Shekuh), nhưng người con thứ ba là Aurengzeb không chịu như vậy. Aurengzeb liên kết với các người anh em khác để loại người anh cả, gây ra cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, và sau khi giết được Dara Shikok rồi thì lại loại các anh em khác, rồi tiến vào kinh đô, truất ngôi của cha, tự lập mình làm hoàng đế năm 1658, giam cha ở trong cung trong 8 năm đến lúc chết. Trong 8 năm đó, Shah Djahan cũng còn có thể, từ đài Mussaman Burj, nhìn thấy Taj Mahal phía xa để tưởng nhớ đến người vợ yêu.

Thời gian ở Delhi không lâu, nhưng vợ chồng tôi cũng cố bỏ ra ba ngày, để chớp nhoáng đi thăm Kathmandou, thủ đô của Nepal.



2. Nepal



Thuở ấy Nepal còn đang yên ổn. Và còn đang là một nước xa vời, kẹp giữa Trung quốc và Ấn-độ, ít du khách. Cái gì cũng lạ đối với chúng tôi, ngay cả lá cờ, không theo hình chữ nhật như hầu hết các nước khác, mà gồm 2 tam giác, một cái tượng trưng cho sự lâu dài của hoàng gia, và một cái mang hình mặt trời, tượng trưng cho dòng họ Rana cầm quyền, chả biết có thật vậy không. Từ Delhi, lấy máy bay nhỏ buổi sáng rất sớm. Xuống sân bay, thuê xe về khách sạn, người lái xe đề nghị chúng tôi thuê anh ta luôn cả 3 ngày để anh ta đưa đi chỗ nọ chỗ kia, nhưng chúng tôi từ chối, vì muốn chủ động. Sau đó mới thấy là mình dại, khi muốn « tự do » di chuyển. Khách sạn loại tốt này ở cạnh hoàng cung mới, nên xa trung tâm, di chuyển khó, vì thành phố này thưở ấy không có phương tiện di chuyển công cộng phổ biến. Muốn vào thành phố, phải bảo khách sạn gọi điện thoại tìm taxi. Điều đầu tiên làm tôi thấy lạ là mấy cây cổ thụ của vườn hoàng cung đầy những con dơi đậu, toàn dơi là dơi, chẳng thấy chim chóc gì. Thỉnh thoảng hàng loạt dơi bay, đen nghịt, không thấy gì là đẹp mắt cả.

Katmandou được thành lập ở thế kỉ 10 dưới thời vua Gunakamadeva, trên một cao nguyên 1350m, có hai con sông, và bao bọc chung quanh bởi núi cao cho nên xem như là một thung lũng, và được coi như bao gồm cả hai kinh đô cũ Patan và Bhaktapur, tuy cách nhau nhiều cây số. Thành phố hiện nay xây dựng từ thế kỉ 16. Gọi là « thành phố » cho bảnh, chứ lúc chúng tôi thăm, phố không ra hồn phố, đường phố không có cống ngầm, không nhặt rác, thiếu nước. Ra khỏi địa phận sân vườn của khách sạn, thì có cảm tưởng lạc vào thời Trung cổ : trẻ con cởi truồng bẩn thỉu phóng uế ở ngay đường, giữa đám gà, lợn nuôi thả lung tung.

Nhà cửa thì lụp xụp, chỉ có mấy đền, chùa xây dựng cao, nhìn thấy từ xa, nhưng muốn đi tới xem thì cũng phải mò mẫm vì không có đường phố hẳn hoi. Có một lúc tôi nhìn thấy một cái đền cao nhiều tầng, muốn mò tới xem, nhưng không tìm được lối vào, chợt thấy một du khách người da trắng, tôi lại hỏi thăm ông ta. Tôi nghĩ tất nhiên phải dùng tiếng Anh, ú ớ vài câu, nhưng thấy ông ta nói tiếng Anh còn dở hơn mình, chẳng hiểu nhau, vợ tôi đứng cạnh mới « gà » bằng tiếng Pháp, ông ta nghe thấy mới thốt ra : ông bà nói tiếng Pháp à ? Té ra là một ông người Pháp, do đó mới nghe ông ta giảng giải đầu đuôi lối vào.

Có một cái đền mang tên Kaasthamandap, có thuyết cho rằng theo chữ Phạn, Kaast nghĩa là gỗ (?) và mandap là nới trú ngụ (?), còn gọi là Maru Satal dựng năm 1596, toàn bằng gỗ, không có đinh sắt, tương truyền là gỗ xẻ ra của chỉ một cây thôi. Chả biết có phải vậy không. Và vì cái tên đền này mà có cái tên Katmandou (?). Đền đài cung điện tập trung ở quanh quảng trường Durbar (có lẽ nghĩa là quảng trường cung điện, vì ở cả 3 kinh đô đều có tên gọi này). Thấy có cái đền Taleju (giữa thế kỉ 16), có 6 nền, 5 mái vuông chồng lên nhau ; lại thấy có một cái đền cao 5 nóc hình tròn xây bằng gạch gỗ ngói ; có đền Khikkara ; có cung Kumari Bahal, xây bằng gạch đỏ, cửa sổ trạm trổ tinh vi, trong đó là nơi tu (nhốt) của tiểu nữ thần sống Kumari (một trẻ em gái nhỏ tuổi). Lại đi xem cung cũ của vua. Nhà gỗ nhưng cao nhiều tầng, cầu thang thì hẹp, không hiểu khi họ phải khênh vua lên lầu thì họ làm thế nào. Có lẽ bất tiện nên vua thời mới, mới xây cung kiến trúc kiểu Tây để ở. Lại mang máng nhớ đến một tấm bia đá ở sân hoàng cung cũ. Đây quả là một lạ đối với tôi, vì trên đó thấy khắc mấy dòng chữ của mấy thứ tiếng nước ngoài, trong đó có một câu tiếng Anh chẳng ra đầu ra đuôi gì cả. Nghe nói, cái ông vua cho khắc cái bia này, muốn chứng tỏ là mình biết nhiều tiếng ngoại quốc. Ngẫm cho cùng, trong cái dở cũng có cái hay : điều này chứng tỏ là ông ta muốn mở mất nhìn ra thế giới bên ngoài, chứ không vài vua nước mình, cứ tưởng mình là « phó » trung tâm của vũ trụ – « chánh » trung tâm của các vị đó thì « tất nhiên » là Trung quốc – cho nên có mắt mà chẳng nhìn thấy gì, cho nên mới để mất nước. Ngó bản đồ, muốn gọi taxi, nhưng không thấy. Lại thấy có một anh đạp « cyclo kéo » – người đạp ngồi trước, không phải loại người đạp ngồi sau – cứ lẽo đẽo theo nài, vợ tôi thương nên muốn đi thử. Sau mới thấy là dại, thà thuê xe đạp như mấy tay du khách « Tây ba-lô » còn đỡ mệt hơn, bởi vì ra khỏi phố, vừa gặp một cái dốc thoai thoải, tay đạp xe đạp không nổi, phải xuống đẩy xe, mà y đẩy cũng không nổi, vợ chồng tôi phải xuống xe … đẩy hộ y. Rõ chán, đã mất tiền, lại phải đẩy xe ! May là đi được một quãng thấy đằng xa có một cái bảo tháp lớn (stupa), chung quanh quang đãng thấy có nhiều du khách, có bãi xe taxi, ước lượng không xa lắm, bèn bảo tay đạp xe ngưng lại, trả tiền hắn, rồi mình đành cuốc bộ đến nơi vậy. Đây là bảo tháp Svayambhunath (còn mang tên dân giã là chùa khỉ), vì nhiều khỉ, và phải trèo nhiều bực mới lên tới nơi.

Rồi lại đi thăm Patan bên kia sông, thuở xưa còn mang tên Lalitpur, cũng là một quần thể đền đài chùa chiền cung điện từ thế kỉ 16, được coi là một trong đô thị cố nhất của Phật giáo, tương truyền là do vua Ashoka thành lập từ thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên. Trung tâm là quảng trường Durbar, có đền Krishna Mandir bằng đã hoa tráng rất nhiều cột và tượng sư tử chầu ; có Cột chạm trổ bên trên có tượng vua Yoganerendra Malla ngồi chắp tay, sau lưng có tượng rắn mang bành (cobra) đầu đội một con chim, khá độc đáo, không thấy có ở nước nào khác ; cột này ở ngay trước cổng hoàng cung có 2 sư tử đá lớn, hai bên cổng có tượng thần nhiều tay. Xa hơn một chút, có Đền Vàng, cổng đá nhỏ nhưng chạm trổ rất diêm dúa, cổng thứ nhất cũng có đôi sư tử gác, trong sân có tượng Phật ; qua cổng thứ chín thì thấy Đền Vàng, xây dựng từ thế kỉ 12. Lại có chùa Kumbeshar (thế kỉ 14) năm mái.

Rồi chiều hôm sau đi thăm Bhaktapur, còn có tên gọi là Bhadgaon. Có thuyết cho rằng đô thị được xây dựng nên từ thế kỉ 12. Đây là kinh đô cũ từ thế kỉ 14 đến thế kỉ 16, được giữ gìn và tu sửa lại, cách trung tâm Katmandou khoảng 15km. Tụi tôi đi thăm vào buổi chiều, gọi taxi, hẹn chở đi rồi lại chở về. Khá hoành tráng, phố lát gạch, nhưng hẹp, xe hơi không được phép vào, xe phải đỗ ngoài bãi. Đã trả tiền cho chuyến đi, bảo anh tài xế lái xe đợi như đã hẹn. Rất nhiều đền đài, cung điện, tập trung gần hoàng cung và quảng trường Durbar. Đang thủng thẳng đi xem, thì thấy một đứa con trai bản xứ, chạc độ hơn mười tuổi, ăn mặc không lam lũ lắm, đến hỏi vợ chồng tôi bằng tiếng Anh : ông bà nói tiếng Anh hay tiếng Pháp ? Vợ chồng tôi ngạc nhiên, đoán nó định xin tiền. Tôi mới trả lời : Nói tiếng Pháp. Lại ngạc nhiên hơn nữa, là nó quay ra nói tiếng Pháp : « Vậy cháu làm người hướng dẫn (guide) cho ông bà nhé, cháu lấy tiền rẻ hơn người khác ». Thấy lạ, vợ tôi bảo : « Được. Cháu bao nhiêu tuổi ? Cháu học tiếng Pháp ở trường à, sao mà nói thạo vậy ? ». Nó trả lời : « Cháu 12 tuổi, nhà cháu nghèo, cháu không đi học ở trường. Cháu học tiếng Anh tiếng Pháp với khách du lịch ». Không biết nó nói thật hay nói dối, nhưng dù có đi học trường chăng nữa, cũng khó nói thạo tiếng Pháp như vậy. Hẳn là một đưa bé rất thông minh. Thế rồi nó dắt vợ chồng tôi đi xem, kể rành mạch chỗ này chỗ nọ. Đến một lúc, nó dẫn lên một cái gò, chỉ một cái đền khá to, rồi bảo : « Bây giờ ông bà trả tiền cháu, rồi ông bà đi xem một mình, cháu không đi nữa ». Tụi tôi hỏi : « Sao cháu không dẫn đi tiếp ? Sẽ cho cháu thêm tiền ». Nó bảo : « Chỗ ấy có người hủi, cháu sợ, cháu không đi qua đấy đâu. Cháu chia tay với ông bà ở nơi đây thôi ». Nói thế nào nó cũng không chịu đi. Tụi tôi trả tiền, còn thưởng thêm cho nó. Cũng là chuyện lạ trong chuyến đi thăm này. Rồi đi qua cái đền này, có thấy hủi hiếc gì đâu.

Trở lại chuyện mấy cái đền đài. Ở gần quảng trường Durbar, thấy có hoàng cung (thế kỉ 13), gồm 7 tầng , với nhiều sân chầu ; có « Cổng Vàng » bằng đồng mạ vàng (thế kỉ 17) ; tượng Nữ thần 4 đầu ; Hồ xây với hình rắn mang bành (cobra) thần ; Cung điện « 55 cửa sổ » ; Cột trên đỉnh có tượng vua Bhupatindra Malla ngồi che lọng (thế kỉ 17), có tu viện Tad Hunchen (thế kỉ 15), không cao, chỉ 2 tầng, có đặc điểm là có một số tấm gỗ chạm khắc ; đền Siddhi Lakshmi (thế kỉ 17) xây bằng đá, có lắm hình súc vật, đặc biệt là hình lạc đà mà ở Nepal không có ; đền Pashupatinath thờ thần Shiva (thế kỉ 18) ; đền Fasidegan (thế kỉ 17,18) rất cao, gồm sáu tầng, bằng đá trầm tích ; đền voi, với những tấm gỗ khắc voi đang làm tình ; các tượng Durga 18 tay và Bhairava 12 tay, cổ đeo tràng hạt bằng đầu lâu, trấn một cái cổng nay không còn nữa – tương truyền là ông vua sai tạc hai tượng này, quí chúng đến mức sai chặt tay người tạc để không thể tạc tượng tương tự cho nơi khác (thực hay hư ?).

Lại tới xem quảng trường Taumadhi với một quần thể đến đài. Có đền Nyatapola (xây khoảng năm1700), 5 tầng, cao nhất vùng, khoảng gần 40m ; đền thờ nữ thần Siddhi Lakshmi, với 180 hình trạm thần này dưới mọi dạng ; đền Til Mahadev Narayan nhỏ nhưng cổ, thờ thần Vishnou, với hai cái linga và một cái yoni.

Lại có đền Dattatraya (thế kỉ 15), 3 tầng, có những hình dâm, tương truyền là cũng xây dựng với gỗ của một cây cổ thụ. Xem nhiều rồi lẫn lộn, chả nhớ chắc chắn cái nào với cái nào. Nhưng thấy đặc điểm của những ngôi đền nhiều mái vuông liên tiếp theo chiều cao, (mái thẳng chứ không có mái cong), và được bảo quản khá tốt.

Nói chung, đền đài cung điện xứ này không đồ sộ như ở bắc Ấn-độ, nhưng nhiều cái tập trung vào thành một quần thể, gây nên một ấn tượng đặc biệt.

Thủng thẳng xem xong, thấy trời đã xế bóng ; ở thung lũng, núi bao quanh nên trời xập tối nhanh ; vội vã trở ra bến xe. Thì hết hồn hết vía, vắng như chùa bà Đanh, không còn cái xe nào nữa, cái tay lái xe taxi chắc đã tìm được du khách khác, đã thất hẹn không chờ vợ chồng tôi. Nhìn chả còn ai, tìm hàng quán thì không có, muốn gọi địện thoại cũng không được. Ngó xa xa thấy có cái làng, đi vào đó kiếm cách hỏi thăm thì thấy một nhóm người đang tụ tập quanh một cái xe ca nhỏ đã cũ kỹ. Ngôn ngữ bất đồng, vội chỉ chỏ hỏi : « Katmandou ? », thì họ gật, chỉ cái biển nhỏ đề Katmandou Express. Mừng quá, bước lên, trả tiền, chẳng thấy phát vé gì cả ; xe đã đông, toàn người bản xứ, có vẻ người bình dân lam lũ, họ rất tử tế, nhường cho 2 chỗ ngồi ở cái ghế dài, có lẽ vì vợ Âu-chồng Á, đi đâu cũng thường là « của lạ ». Vài phút sau xe lọc cọc chạy, giá chậm vài phút thì có lẽ ngủ đêm ở bãi xe, vì 15 km đâu có thể cuốc bộ! Vào đến Katmandou, ngó thấy nhà cửa, ước lượng có vẻ có chỗ thuê được taxi, ra dấu hiệu cho họ đỗ xe lại, cảm ơn rồi xuống xe, gọi taxi về khách sạn. Thật là may. Cái kiểu du lịch « cá nhân », không đi theo nhóm, rất là lộng hiểm, thế nhưng sau vẫn không chừa ! Hôm sau lại lấy máy bay trở về Delhi an toàn.



*****





Có một điều mà tôi không lý giải được là : đi đâu thì đi (còn một số nước tôi đã thăm mà chưa kịp kể), rốt cục cũng vẫn quay về nghĩ tới Việt Nam. Mà tôi có biết gì mấy về nước nhà đâu : tôi chỉ sống ở đó có khoảng hơn 15 năm, về thăm và làm việc có 5 lần những năm 1970, 1975, 1977, 1979, 1981, lần lâu nhất là bốn tuần, và đã từ 26 năm rồi tôi không trở lại. Phải chăng đó là vì cái mà người ta gọi là tình quê hương cũ ? Vì vậy mà tôi dành mấy chương sau đây của cuốn tạp ký này, để viết về những con người và những sự việc liên quan đến Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét