Chung quanh việc Học.
Phần 1
Lời nói đầu
1.-Trong một bài văn bia kỷ niệm, tôi có viết một cách dè dặt : « Đất nước thịnh hay suy, một phần là do nền học vấn ». Thực ra, trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng « phần chính là do nền học vấn ». Đúng hay sai, xin tuỳ người đọc suy xét. Là một nhà khoa học định cư từ lâu năm ở nước ngoài, hướng về quê hương cũ, tôi cũng mong được góp phần vào việc phục hưng trí tuệ. Vì thế nên tôi viết cuốn sách này.
2.- Tôi xin được nói vài lời về thể loại. Cuốn sách được chia làm nhiều phần, theo đề tài. Một số ý kiến tôi phát biểu đã được đăng tản mạn trong một số bài báo, và vì là bài báo có mang chút hơi hướng học thuật, tôi có ghi thêm một số chú thích để làm rõ thêm mà không ngắt ý đang diễn tả. Tôi sẽ dùng những đoạn của các bài báo đã sẵn có này bằng cách sắp xếp lại cho có thứ tự theo đề tài. Tuy nhiên, có những trường hợp không làm như thế được, thì sau những lời tóm tắt ý chính, tôi sẽ ghi lại toàn bộ bài báo dưới hình thức những tài liệu kèm theo.
Tôi cũng xin được nhắc một câu chuyện cổ Trung quốc (thời Chiến quốc, khoảng những năm 403-256 trước Tây lịch) :
Vua nước Lương bảo Huệ tử : « Nói gì thì cứ nói thẳng, đừng nói thí dụ ». Huệ tử hỏi vua : « Có một người không biết cái nỏ là cái gì, mới hỏi tôi tình trạng cái nỏ như thế nào. Nếu tôi đáp rằng cái nỏ giống như cái nỏ, thì người ấy có hiểu được không ? ». Vua trả lời: « Hiểu thế nào được ». Huệ tử lại hỏi : « Thế nếu tôi bảo người ấy rằng cái nỏ giống như cái cung, nhưng có cán có lẫy, thì người ấy có hiểu được không ? ». Vua trả lời : « Hiểu được ». Huệ tử kết luận : « Vì thế mà nói thí dụ cho dễ hiểu ».
Trong sách này, khi cảm thấy cần thiết, tôi cũng xin dùng cách phát biểu qua thí dụ, theo kiểu Huệ tử.
Tôi không tìm được cách nào tốt hơn để phát biểu ý mình, nên đành tiến hành như vậy, chẳng biết đó là thể loại gì. Nhưng tôi không phải là người câu nệ ; tôi chỉ nhắm sao cho thông tin tới được người đọc.
3.- Tôi cũng xin được nói về cách hành văn. Do xuất ngoại từ thuở còn niên thiếu với chút vốn tiếng Việt học được lúc còn nhỏ, tôi chỉ muốn viết được một cách bình dị, cho nên chưa chắc đã đúng chuẩn ngày nay dưới mắt một số người. Cách đây vài năm, một nhà báo, nhân dịp sang Pháp, khi ghé thăm tôi, có nhã ý bảo tôi rằng tôi viết tiếng Việt « chuẩn xác đến hơn chín mươi phần trăm ». Tôi nghĩ rằng anh muốn khích lệ tôi ; nhưng giả sử có đúng sự thực đi nữa, thì non mười phần trăm còn lại kia vẫn làm tôi băn khoăn. Trong một khung cảnh toàn cầu hóa, ở một giai đoạn mà một xã hội mới mở cửa, đang thay đổi, gặp nhiều khái niệm mới, vấn đề tạo từ ngữ mới luôn luôn được đặt ra nhưng chưa được chuẩn hoá, tôi đã cố thận trọng và khiêm tốn trong cách viết, trong đó có việc tra từ điển và tham khảo các ý kiến cần thiết.
Người xưa chia ra mấy thể văn : vận văn (văn vần), tản văn (văn xuôi) và biền văn (văn đối nhau), ngưòi xưa còn phân biệt hai loại văn: văn thượng ý (văn có mang nhiều ý, mà cách viết giản dị) và văn thượng từ (lời cần chải chuốt đẹp đẽ, nhưng ý nghĩa thì lắm khi không được dồi dào). Tôi không dám mơ tưởng đến loại văn thượng từ, một phần vì bản thân vốn không ưa, một phần vì mục đích của tôi chỉ là phát biểu được ý kiến, mà không có tham vọng văn học. Vả lại tôi hãi, mỗi khi nhớ đến câu nói đùa cay nghiệt của một tác giả Pháp về « văn sáo », nghĩa là về một thứ con cháu biến thể của văn thượng từ, mà ông ta cho là thể hiện một thứ « táo bón về tư duy và ỉa chảy về ngôn ngữ » (constipation de l’esprit et diarrhée verbale).
Tóm lại, khi viết, với tư cách là tác giả, tôi chịu trách nhiệm không những về những ý kiến phát biểu mà còn cả về cách hành văn của mình. (Xin xem thêm Tài liệu 1.1 dưới đây : bài báo « Hơn oan Thị Kính » của tôi đăng trên tạp chí Tia Sáng tháng 9/2002, trang 7).
4. Trong mấy chục năm qua và ngày nay, không ít người bị hấp dẫn bởi cách tổ chức giáo dục đào tạo của mấy nước lớn. Điều này phần nào cũng hợp lý, vì tổ chức giáo dục đào tạo của họ có tốt thì họ mới giàu mạnh. Tuy nhiên, ta có hội tụ đủ các điều kiện để tổ chức giống như họ không ? Nếu không thì có lẽ không nên áp dụng nguyên si, mà « liệu cơm gắp mắm ».
Tôi nhớ đọc trong sách Hoàng Lê nhất thống chí (có bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch, nxb Văn Học, Hà Nội) câu chuyện như sau:
Thuở quân Thanh sang xâm chiếm nước ta, lúc đầu thế quân rất mạnh. Tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở giữ thành Thăng Long sợ, họp các tướng võ quan văn bàn cách chống giữ. Chưởng phủ là Nguyễn Văn Dụng bàn rằng: « Cuối đời Trần, nhà Minh xâm lấn nước ta. Vua Lê Thái tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, thế lực tuy kém kẻ địch, nhưng hành binh quỉ quyệt, mưu mẹo khôn ngoan, dùng cách mai phục, đánh úp khi địch không phòng bị, mà lập nên võ công tuyệt lạ. Nay quân Thanh ở xa đến, phải trèo đèo vượt suối, ta lấy quân nghỉ ngơi mà đón đánh quân mệt nhọc, nhắm trước các nơi xung yếu, cho quân nấp sẵn để chờ. Cứ theo kế ấy, lo gì không thắng? ». Ngô Thì Nhậm trả lời : « Không phải vậy ! « Tình » tuy giống nhau, mà « thế » lại khác nhau. Xưa, quân nhà Minh chiếm nước ta, làm điều tàn bạo, người cả nước ta ai cũng muốn đuổi chúng đi. Cho nên vua Lê Thái tổ chỉ gọi một tiếng là xa gần hưởng ứng. Mỗi lúc đánh nhau với giặc, hễ chỗ nào có quân mình mai phục, ngưòi mình đều giấu kín cho, khiến giặc không hề biết. Vì thế mà thắng được giặc. Ngày nay, những bề tôi của nhà Lê, nghe tin quân Thanh mượn cớ sang cứu giúp, họ đều nghển cổ mà trông. Sĩ dân cả nước giành nhau mà đón chúng. Quân mình nhiều hay ít, mai phục ở nơi nào, họ đem báo cho quân địch, như vậy làm sao mà đánh úp chúng được mà chỉ tự mình hãm mình vào chỗ chết. Đánh không được, giữ không vững, chỉ có cách lui quân về giữ chỗ hiểm yếu, để đợi thời cơ,… »
Cũng vì biết cái « thế » mà Ngô Thì Nhiệm đã góp phần vào việc đại thắng quân Thanh của vua Quang Trung sau đó.
Cũng trong cái ý « tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh, giải pháp có đúng thì mới thành công ; nếu không thì hỏng việc », tôi xin được nhắc lại một câu chuyện cổ bên Tàu thời Đông Chu liệt quốc, kể trong « Sử ký » của Tư Mã Thiên (có bản dịch của Nhữ Thành, nxb Văn Học, Hà Nội):
Phạm Lãi, sau khi giúp cho vua Câu Tiễn nước Việt thành công, sợ bị hại, nên lánh sang đất Đào, người đời gọi là Đào Chu công. Đào Chu công có ba người con trai : hai người con lớn sinh ra lúc còn nghèo khó, người con út sinh ra lúc đã giàu sang. Khi người con út đã lớn, thì người con thứ hai, vì giết người, nên bị tù, đợi tội chết ở đất Sở. Đào Chu công mới sai người con út mang nghìn vàng đi chuộc tội cho anh. Nhưng người con cả khóc lóc đòi đi, viện lý lẽ rằng mình là con cả, từ trước đến nay mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều được tham gia lo liệu, nay có việc quan trọng như vậy mà không được giao nhiệm vụ ; lại đe nếu không được đi thì tự tử. Bà mẹ cũng cố xin. Đào Chu công bất đắc dĩ phải để cho đi, nhưng trao một lá thư gửi cho người bạn cũ là Trang Sinh ở đất Sở, và dặn con rằng: « Khi sang đến nơi thì đưa nghìn vàng cho ông ta, để mặc ông ta lo liệu, chớ có cậy khôn mà hỏng việc! ». Người con cả, khi đi, cũng tự đem thêm vài trăm nén vàng riêng.
Khi vào đến đất Sở, người con cả tìm đến nhà Trang Sinh đưa thư, và dâng nghìn vàng như lời cha dặn. Trang Sinh nói : « Anh nên về ngay, chớ ở lại đây, mặc tôi lo liệu ; sau này, người em có được tha, cũng chớ hỏi tại sao ». Người con cả không về, mà ngầm ở lại, đem số vàng riêng của mình biếu một người thân của vua Sở để định xin cho em.
Trang Sinh vốn là người thanh liêm, đạo đức, được vua Sở rất tôn trọng. Khi nhận được thư của Đào Chu công, muốn giúp, và không có ý nhận vàng, định sau này xong việc sẽ trả lại. Người thời ấy còn tin nhảm vào điềm lành điềm dữ. Trang Sinh vào thăm vua Sở, nói riêng rằng : « Tôi xem thiên văn, thấy có điềm dữ, có hại cho nước Sở ». Vua Sở vốn tin Trang Sinh, liền hỏi : « Bây giờ phải làm thế nào ? ». Trang Sinh bèn nói : « Chỉ có cách dùng đức, đại xá cho dân, thì có thể tránh được điềm dữ này ». Vua Sở nghe lời, sửa soạn định hôm sau sẽ ân xá tội nhân.
Người thân của vua Sở, nghe tin, nhưng không biết là tại lời nói của Trang Sinh, mới bảo người con cả của Đào Chu công là vua Sở sắp đại xá. Người con cả mới nghĩ rằng, nếu đại xá, thì em mình thế nào cũng được tha, như vậy uổng mất nghìn vàng biếu Trang Sinh vô ích, liền lại đến nhà Trang Sinh. Trang Sinh giật mình hỏi : « Sao anh chưa về ? ». Người con cả bèn nói: « Tôi ở nán lại nghe tin, nay được biết vua Sở sắp đại xá, chắc em tôi sẽ được tha, nên lại chào cụ để về ». Trang Sinh biết ý hắn muốn lấy lại vàng, liền bảo vào lấy vàng mà về.
Và vì tức giận bị coi rẻ, Trang Sinh bèn vào ra mắt vua Sở mà nói rằng : « Hôm trước, tôi có nói chuyện xem thiên văn thấy điềm dữ, nhà vua nói sẽ sửa đức để bù lại, và muốn đại xá. Nay tôi nghe đâu đâu cũng đồn rằng con Đào Chu công giết người bị tội ở đây, nhà nó đem vàng đút lót cho các quan hầu nhà vua, vì vậy nhà vua đại xá không phải vì thương dân Sở, mà chỉ vì thằng con Đào Chu công đó thôi ». Vua Sở giận, nói rằng : « Ta đây tuy kém đức thật, nhưng lẽ nào vì thằng con Đào Chu công mà phải ra ân ». Rồi làm án giết người con Đào Chu công, sau mới ra lệnh đại xá.
Rốt cuộc, người con cả Đào Chu công không cứu được em, chỉ mang được xác về. Bà mẹ thương khóc ; Đào Chu công mới nói rằng : « Thằng con cả, không phải là không yêu em nó. Nhưng nó từ nhỏ đã từng chịu khổ, biết công việc làm ăn khó nhọc, nên bỏ của thì tiếc, nay tiếc số vàng thành ra hỏng việc. Còn thằng con út, đẻ ra đã thấy giàu sang, nào có biết tiền bạc ở đâu mà ra, cho nên thường phung phí, chẳng biết tiếc rẻ của cải. Vì thế nên mới định sai nó đem vàng đi cứu anh nó... ".
Cũng vì giải pháp áp dụng sai và dùng ngưới sai, nên hỏng việc là thế.
Trở lại chuyện ngày nay : nước ta không lớn, lại có ý chí muốn vươn lên, nhưng phương tiện chưa phải là dồi dào ; nước ta là một khối thuần nhất, không phải là một nước liên bang ; nước ta không phải là một nước có truyền thống nhập cư dễ thu hút trí tuệ nơi khác đến để chấp nhận họ trở thành người Việt Nam (có lẽ trừ đối với người Hoa); dân ta ngày nay có đang ở thời kỳ mà mỗi người chịu thắt lưng buộc bụng để con cháu sau này cùng được hưởng chung không ? ... Chỉ nhìn những khía cạnh đó cũng thấy là mỗi vấn đề nêu ra, tất có ý kiến này ý kiến nọ. Vì vậy, thử bàn xem ý nào phù hợp ... Trong nước không thiếu người quan tâm đến giáo dục đào tạo ; những người đó cũng tựa như những người đã/đang tham gia xây dựng, tu sửa một tòa thành. Tôi tuy là kẻ ở xa nhưng có lẽ vì thế mà có cái nhìn « toàn cảnh », thiết tưởng có góp vài ý cũng chẳng phải hoàn toàn là vô ích, dù cho những ý này cũng có « tính thời gian » của chúng (phù hợp cho lúc này và một số năm sau, nhưng không phải là vĩnh viễn).
5.- Từ hơn ba chục năm nay, tôi đã gửi nhiều thư kiến nghị về việc học. Gần đây hơn, khi tình hình cho phép, tôi đã cố gắng phát biểu trên mặt báo. Bởi vì, tôi thấy: ngày nay, khác với thuở xưa, người ta không chỉ viết « thư điều trần » gửi lên một vị hay một tập thể nguyên thủ. Những bài báo, những cuốn sách, những công trình nghiên cứu, những sáng tác, những cuốn phim, những phát biểu qua phương tiện truyền thông ... về những suy nghĩ và nhận xét, với những lời bàn phải trái khen chê, phải chăng cũng là những bản điều trần gửi tới cả dân tộc Việt Nam ? Có điều là vàng, thau hay ngọc, đá, chắc gì đã dễ phân biệt ?
Tôi cũng xin được nhắc lại một câu chuyện cổ Trung quốc mang tính ngụ ngôn : chuyện « Viên ngọc họ Hoà » :
Thời Chiến quốc, nước Sở có người họ Hoà tìm được ngọc trong núi, đem dâng vua Lê vương. Vua sai thợ ngọc xét, thợ ngọc nói : « Đá, không phải ngọc ». Vua giận, cho là họ Hoà nói lừa, sai chặt chân trái. Khi vua Vũ vương nối ngôi, họ Hoà lại đem dâng ngọc. Vua lại sai thợ ngọc xét, thợ ngọc nói : « Đá, không phải ngọc ». Vua giận, sai chặt chân phải họ Hoà. Đến khi vua Văn vương lên ngôi, họ Hoà ôm viên ngọc, khóc ở chân núi ba ngày ba đêm, nước mắt chảy thành máu. Vua sai người đến hỏi ; họ Hoà thưa rằng : « Tôi khóc không phải vì thương hai chân tôi, mà vì thương ngọc mà cho là đá, nói đúng mà cho là nói sai ». Vua sai người xét lại cho thật kỹ, đục lớp đá ngoài ra, thì trong quả là viên ngọc quí, ở chỗ tối phát ra ánh sáng, để ở chỗ ngồi, mùa đông có thể thay cho lò sưởi, mùa hè có thể thay quạt mát, trong vòng năm bước, ruồi nhặng không dám đậu đến. Vua sai đặt tên là « viên ngọc họ Hoà ». Chung quanh viên ngọc này, còn nhiều mẩu chuyện khác. Thí dụ như : cuối thời Chiến quốc, nước Tần mạnh, lập kế muốn đoạt viên ngọc họ Hoà lúc đó đang thuộc vua Triệu, nên giả đem 15 thành đổi lấy viên ngọc này, nhưng không thành (tích Lạn Tương Như hai lần « khuất » vua Tần). Rồi đến khi Tần Thuỷ hoàng thống nhất nước Tàu, lên ngôi hoàng đế, sai thợ khéo chạm trổ viên ngọc họ Hoà thành ấn, gọi là ngọc tỉ, vv.
Tất cả để nói lên cái quí của viên ngọc, mà một thời vì sự thiếu hiểu biết của vài người, nên đã bị coi là vô giá trị.
Tất nhiên ngày nay không có việc chặt chân, mà đôi khi còn có lời uý lạo; tôi lại không tự sánh mình với họ Hoà dâng ngọc. Có điều là phần lớn vấn đề « Học » thì vẫn còn đó.
**********
Tài liệu 1.1
Hơn oan Thị Kính
(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trên Tia Sáng tháng 9/2002)
Theo Quan âm tân truyện, truyện thơ nôm lục bát : Thị Kính lấy chồng là Thiện Sĩ ; một đêm chồng học quá khuya, mệt ngủ thiếp đi, bà ngồi khâu bên cạnh, thấy có sợi râu mọc ngược, sẵn dao trong tay, muốn cắt đi. Chồng chợt tỉnh dậy, ngỡ vợ muốn giết mình, hô hoán lên. Cha mẹ chồng cũng một mực đổ tội. Cha mẹ đẻ cũng không bênh. Thị Kính bị đuổi đi, phải giả trai, vào chùa làm tiểu. Thị Mầu lên chùa, thấy chú tiểu sinh đẹp, phải lòng mê, nhưng không được thoả mãn, về ăn nằm với người đầy tớ trai, có mang, bị làng bắt vạ, bèn đổ cho chú tiểu. Sau khi sinh, Thị Mầu đem con lên chùa phó mặc cho chú tiểu ; Thị Kính thương đứa trẻ, đành nuôi nấng tử tế. Mấy năm sau, Thị Kính mất, lúc liệm thi hài, mọi người mới rõ chú tiểu là phụ nữ, và nỗi oan mới được cởi. « Oan Thị Kính » đã trở thành một cụm từ quen thuộc để chỉ nỗi oan nặng nề ghê gớm.
Nhưng oan của Thị Kính rốt cuộc còn được giải. Có một nỗi oan, có thể bị « tiếng để đời », có khi không bao giờ được cởi : đó là cái oan của tác giả bài viết bị sửa câu chữ.
Tôi nhớ thuở tôi còn nhỏ, đã một lần được chứng kiến một bà đọc bài thơ « Nhớ rừng » của Thế Lữ : Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt ... Con hổ mà « gặm », mà lại gặm một « khối » căm hờn, thì hay quá đi rồi. Nhưng bà này cho rằng tiếng ta không ai nói gặm căm hờn cả, phải nói « ngậm » một « mối » căm hờn mới đúng, kiểu như « ngậm đắng nuốt cay »; vì thế nên bà làu bàu trách nhà in in sai, và cầm bút sửa. Nhưng trong trường hợp này, bà chỉ sửa bẩn cái bản của bà đã mua mà thôi, không hại gì đến tác giả cả, đấy cũng là cái may.
Từ một số năm nay, tôi có một số bài đăng trên báo trong nước. Có trường hợp là bài tôi gửi đăng, có trường hợp là bài mà báo tự trích đăng. Có báo đăng nguyên văn, đó là điều rất quí, trường hợp này không liên quan đến nội dung lời tôi đang trình bày. Nhưng có báo đăng với câu chữ « được » sửa hay thêm bớt, mà không hỏi ý. Tôi nghĩ rằng có thể đây cũng là do thiện ý, ngỡ rằng sửa như vậy là giúp cho bài viết được hoàn hảo hơn, nhất là trong trường hợp của một tác giả đã định cư lâu năm ở nước ngoài như tôi, có thể dùng từ không hoàn toàn phù hợp với từ thông dụng trong nước. Nhưng chắc gì trong mọi tình huống, người sửa đã hiểu lý do dùng từ của tác giả, đặc biệt là trong một giai đoạn mà xã hội đang thay đổi, vấn đề tạo từ ngữ mới luôn luôn được đặt ra nhưng chưa được chuẩn hoá ? Quan trọng hơn là sự thêm vào bài trích đăng, một hay nhiều chú thích về những sự kiện (lịch sử to hay nhỏ) chưa được xác định, đồng thời lại không ghi đó là chú thích của toà soạn chứ không phải là của tác giả. Cũng lại có trường hợp mà vài từ « cực cấp » (superlatif) được thêm vào bài - là điều mà tôi rất kị - vì tôi viết bài để phát biểu ý kiến, theo kiểu văn « thượng ý », chứ không có mục đích văn học như một số ngưòi chuộng văn « thượng từ », (lời lẽ chải chuốt bóng bẩy mà không cần tải ý dồi dào). Vì thế mà gây ra nỗi oan cho tác giả. Thiết tưởng, giả thử khi thấy bài có những khiếm khuyết, tốt hơn cả là hội ý trước khi đăng, nhất là ngày nay đã có phương tiện truyền thông rất nhanh chóng và thuận tiện.
Tất nhiên, ở đây, tôi không đem trường hợp cá nhân của tôi để than phiền, mà mục đích của tôi là đề cập đến một khía cạnh cần thiết cho một lề lối làm việc. Có thể rằng nền văn học của ta, xưa chủ yếu là văn học truyền khẩu, sách vở không có truyền thống in ấn rộng rãi, ghi chép tay thì dễ tam sao thất bản, cho nên không quen trọng sự chính xác. Lại thêm quen « chín bỏ làm mười », không phải là cách làm việc của một nước công nghiệp phát triển. Nhưng ngày nay, khi công nghệ đã tiến tới mức độ chính xác cao, thí dụ đo lường ở mức nano-mét (một phần tỉ mét), thiết tưởng tư duy cũng nên đổi mới cho phù hợp. Đồng thời cũng tránh được cho các tác giả, mối oan có những câu không thật sự của mình viết ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét