Chung quanh việc Học.
Phần 4
Vấn đề trường công và trường tư
Trước hết tôi xin nhắc lại là trước thời « đổi mới », trong khoảng mấy chục năm, giáo dục đào tạo tồn tại dưới một hình thức đặc biệt (ở miền Bắc). Chỉ xin nói là qua cái nhìn của tôi, có mấy đặc điểm nổi bật thời đó : giáo dục đại học được tổ chức nặng về mặt nghề nghiệp, chuyên môn hẹp ; mục tiêu kiến thức hầu như vắng bóng; vấn đề lý lịch trong việc tuyển sinh và trong quá trình học tập lúc đó đang tồn tại ; vai trò khoa học của cán bộ giảng dạy chưa được qui định rõ rệt ; Nhà nước hoàn toàn gánh việc quản lý giáo dục đào tạo, không có sự tham gia góp phần của các thành phần của xã hội, và tất nhiên là vắng bóng « trường tư ». Tôi không đề cập ở đây đến những lý do lịch sử dẫn đến tình trạng như vậy, và cũng không đề cập đến vấn đề phương tiện, mà chỉ nói đến vấn đề quan niệm.
Kiến nghị một sự thay đổi về mục tiêu nhằm đáp ứng được nhu cầu mới của đất nước, đồng thời sao cho phù hợp với tình hình việc học trên thế giới, đòi hỏi một sự kèm theo về cách tổ chức. Trong nhiều năm điều trần, kinh nghiệm bản thân tôi cho thấy kiến nghị thay đổi không gặp khó khăn lắm ở cấp lãnh đạo, nhưng ở mức độ trung gian, ngay cả ở một số đồng nghiệp trong nước, nếp cũ đã quen, và dư luận còn e dè, việc kiến nghị thay đổi buộc phải lần từng bước.
Đầu năm 1988, tôi khơi ý với 5 nhà khoa học trong nước đứng ra làm đơn xin thành lập một cơ sở đại học « dân lập ». Từ « dân lập » xuất hiện lần đầu tiên này, không hoàn toàn mang nghĩa như ngày hôm nay. Nhưng « Trung tâm đại học dân lập Thăng Long » ra đời thuở đó, đã nằm ngoài hệ thống công lập thông thường. Mặc dù từ 1992, tôi thôi không tham gia hỗ trợ trường này nữa vì nó đã đổi hướng, và mặc dù sự tồn tại ngày nay của nhiều trường dân lập, tư lập, ý kiến của tôi vẫn không hề thay đổi trên mấy điểm chính sau đây :
- Các trường dân lập, tư lập đóng một vai trò hỗ trợ trong nền giáo dục đào tạo, nhưng không hoàn toàn thay thế được các trường công lập.
- Nhà nước phải đóng được vai trò chủ chốt của mình trong nền giáo dục đào tạo, đặc biệt là trong vấn đề quản lý, kiểm tra, khích lệ và hỗ trợ, ngay cả đối với các trường dân lập, tư lập. Vấn đề đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy, thuộc về trách nhiệm của Nhà nước.
- Các trường dân lập, tư lập, cũng như công lập, đều có chung sứ mạng về giáo dục đào tạo.
- Ngay cả trong một nền kinh tế thị trường, có định hướng hay không, giáo dục đào tạo không thể là một thứ hàng hoá, tiêu thụ, mua bán như các loại hàng hoá khác. Mặc dù nội dung giáo dục đào tạo phải mặt nào gắn với thực tế kinh tế, người ta có thể kinh doanh để hỗ trợ cho giáo dục đào tạo, chứ không nên (và trong một xã hội lành mạnh, không thể) đem giáo dục đào tạo để làm kinh doanh kiếm lợi.
Dưới đây, tôi xin chép lại những bài báo mà tôi viết trước đây, về vấn đề trường công trường tư.
**********
Tài liệu 4.1
Vài suy nghĩ về « công học » và « tư học »
(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trên các báo Tuần Tin Tức 10/4/1993 và Quê Hương tháng 7/1993)
Lúc này, vấn đề tổ chức việc học theo trường công và trường tư vẫn đang được đặt ra ở mọi nước và vẫn thường được coi là một vấn đề tế nhị. Nhìn từ nước ngoài, vấn đề này ở Việt Nam có vẻ lại càng tế nhị và phức tạp hơn nữa. Vì vậy tôi xin được nêu một vài suy nghĩ và một số câu hỏi, mong góp phần làm sáng tỏ một phần vấn đề.
1. Trước hết, tôi có cảm tưởng là đôi khi ở một số người, có một sự lẫn lộn ở chữ « công », song song với một sự lẫn lộn ở chữ « tư ». Theo định nghĩa của một cuốn từ điển, « công » là của chung. Nhưng « công » còn được hiểu là « do Nhà nước tổ chức », do « nhà cầm quyền tổ chức ». Kèm theo đó là một sự lẫn lộn, vô tình hay hữu ý, giữa chữ « tư nhân » (bên ngoài tổ chức của chính quyền) và « cá nhân (chủ nghĩa) » (chú trọng quyền lợi riêng của mình, đặt quyền lợi ấy trên quyền lợi của đoàn thể, xã hội).
Xét thử một thí dụ về việc học thời thượng cổ ở Trung Quốc (đối với Việt Nam là nước đồng văn): Khi chưa chế ra mực, giấy, chưa viết trên lụa, giấy, khi người ta còn « viết » bằng cách khắc chữ trên mai rùa hay thẻ tre, việc ghi chép, tàng trữ và di chuyển « sách » rất là phức tạp, việc học rất đắt, chỉ vua quan và con cháu họ (là những người cầm quyền và nối nghiệp cầm quyền) mới được học. Việc học lúc đó, ngoài tầm của người dân thường. Cho nên « công học » lúc đó thật ra là « quan học ». Cho đến thời Xuân Thu, điều kiện thuận lợi hơn cho việc « tư nhân » mở trường dạy học, và Khổng tử (khoảng 500 năm trước Tây lịch) là người tiêu biểu nhất trong việc « tư nhân » mở trường dạy học này. « Tư học » lúc đó lại mang tính chất tích cực, bởi vì nó đã mở việc học ra cho những người không thuộc quí tộc, nghĩa là trên nguyên tắc, đã mở ra cho những ai có thể học được; và lúc đó cũng đã có những người học trò nghèo.
2. Nước ta, dưới triều Lý, năm 1075, mở khoa thi đầu tiên ; năm 1076 thành lập Quốc tử giám; một nền học vấn có qui củ được bắt đầu. Nhưng, cũng như dưới các triều đại nối tiếp sau đó, việc học mà Nhà nước tổ chức chỉ giới hạn ở một số nhỏ trường. Nói theo ngôn ngữ ngày nay : Nhà nước chỉ độc quyền tổ chức việc thi cử và phát bằng cấp, còn việc mở trường dạy học chủ yếu là do « tư nhân ». Các ông nghè, ông trạng, ông cử mở trường dạy học tư như Chu Văn An, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (trừ thời gian phu tử được vua Quang Trung giao cho việc lập Sùng Chính thư viện), cũng đều là những « tư nhân » góp phần đào tạo nên những người trí thức nối tiếp nhau tham gia vào sự tiến triển của xã hội Việt Nam thuở xưa. Họ là những « tư nhân », nhưng họ không « cá nhân chủ nghĩa », mà còn đóng góp cho lợi ích chung.
Thời phong kiến đó, dù sao nhà cầm quyền cũng chú ý đến một mong muốn thiết tha của mọi gia đình, đó là sự tự do học hành. Và mỗi lần có ngăn cấm là có tai hại cho đất nước. Một thí dụ điển hình là chuyện ông Đào Duy Từ. Ông Đào Duy Từ (1572-1634) quê ở Đàng Ngoài, thông minh, học rộng, nhưng vì gia đình làm nghề hát xướng nên không được đi thi. Phẫn chí vì luật lệ khắt khe, có tài mà không được dùng, ông bèn bỏ quê, trốn vào Đàng Trong. Được chúa Nguyễn trọng dụng, ông đã bày mưu tính kế, luyện quân tuyển tướng, đắp luỹ Trường Dục và Nhật Lệ ngăn đường Nam tiến của chúa Trịnh, sau được coi là công thần khai quốc ở Đàng Trong. Có thuyết cho rằng sau khi ông bỏ đi, chúa Trịnh ân hận, cho người vào Đàng Trong dụ ông trở về, nhưng ông từ chối. Theo thuyết ấy, mấy câu thơ dưới đây là của ông, ngụ ý trả lời chúa Trịnh:
- Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
- Tiếc gì một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng...
Thời đó, trừ vài trường hợp đặc biệt như kể trên, dù khi Nhà nước chưa đủ phương tiện để trợ cấp, nguyên tắc tự do học hành vẫn tương đối được bảo đảm. Tôi muốn nhắc lại chuyện ông Bùi Xuân Trạch thuở xưa: Ông lúc trẻ, nhà nghèo, theo việc cầy cấy, lại chăm học, mang sách vừa bừa vừa học, đêm bắt đom đóm đựng vào túi để soi sách học. Vì thế nên việc làm ruộng không bỏ mà sức học ngày càng tiến. Năm 28 tuổi, ông đi thi một lần đỗ ngay tiến sĩ (năm 1478). Tương truyền hôm treo bảng, ông còn cầy ở ruộng, người thời đó cho thế là hay. Sau ông theo vua Lê Thánh Tông, lập nhiều công lao.
Cũng phải nói thêm là thuở xưa, tuy quan niệm thi là « thi tuyển » (tiếng Pháp gọi là concours, chủ yếu theo số chỗ, theo thứ bậc, khác với quan niệm « thi để đánh giá một mức độ hiểu biết », mà tiếng Pháp gọi phân biệt là examen), các bằng cấp đều là « bằng cấp có tên » (tiến sỹ, cử nhân, ...). Điều này cho phép người có bằng được quyền sử dụng bằng cấp của mình theo luật lệ hiện hành mà đồng thời cũng chứng tỏ một sự tôn trọng của xã hội nói chung và của nhà cầm quyền nói riêng, đối với sự hiểu biết. Tôi xin kể một câu chuyện xưa để minh hoạ cho rõ ý: Ông Vũ Duy Đoán, đỗ hội nguyên tiến sĩ năm 1664, làm quan đến thượng thư thời chúa Trịnh Tạc. Vào một dịp trái ý, chúa sai bãi chức đuổi về, và sai đòi lại sắc mệnh. Ông trả lại tất cả, duy còn một đạo sắc « khoa tự » (là đạo sắc ban cho lúc thi đỗ), viên quan phụng sai đòi mãi, ông nhất định không trả, nói rằng: « Các đạo sắc kia, Chúa ban cho, tôi đã trả lại, còn đạo sắc khoa tự là do tài học của tôi làm nên, tôi không nộp lại ». Viên quan phụng sai không dám cưỡng đòi.
3. Khi Tân học thay thế cho Nho học, ở Việt Nam, trường công và trường tư vẫn tồn tại song song, nhưng các gia đình nói chung vẫn trọng trường công hơn trường tư, vì cho rằng trường công « có tiếng » hơn trường tư. Thậm chí có khi bắt con cái học lại một năm, hai năm, để được vào trường công. Tuy vậy, tổ chức việc học lúc đó vẫn trên nguyên tắc là Nhà nước (kể cả Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1945, 1946 ...) độc quyền tổ chức thi cử và phát bằng cấp, và để người dân tuỳ tiện học và thi. Thời đó, vấn đề không ở chỗ được tự do học hay không, mà là ở chỗ có được nâng đỡ về tài chính để có phương tiện sống mà học hay không.
Rồi đến những năm cuối thập kỉ 50 và sau đó, việc học được tổ chức lại, có qui mô rộng, trên nguyên tắc nâng đỡ con em các tầng lớp lao động. Thời đó, không còn « tư học » nữa. Nhưng lại có vấn đề lý lịch, vấn đề dành chỗ cho thành phần này thành phần nọ. Rồi sau 1975, và nhất là những năm gần đây, với tình hình kinh tế khó khăn, « công học » dần dần càng không đáp ứng được sự mong đợi nữa. Nhưng câu hỏi hiện nay vẫn là: giải pháp nào là thoả đáng khi ngân quĩ nhà nước không thể bảo đảm một nền học hoàn toàn « công học » được, khi không thể tăng ngân quĩ giáo dục đào tạo lên tới mức cần thiết để có thể « vực » các trường công dậy và để bảo đảm điều kiện hành nghề của đội ngũ giảng dạy? Và hướng hiện tại (trường công, trường bán công và trường tư trong qui chế hiện hành) có đẻ thêm ra vấn đề gì khác nữa không? Những câu hỏi này lại càng đáng nêu lên trong một lúc mà đất nước muốn đổi mới và mở cửa: trong kinh tế thị trường và giao lưu quốc tế, trình độ dân trí nói chung, và trình độ chuyên môn kỹ thuật của các chuyên viên nói riêng, lại càng phải cao, nếu muốn giữ được quyền tự quyết, và bảo đảm tương lai cho con cháu mình không rơi vào sự phụ thuộc.
Trái với một số người tưởng lầm : ở những nước phát triển, luôn luôn có sự quan tâm và can thiệp của Nhà nước vào hệ « tư học » (từ việc tài trợ và nâng đỡ những trường tư đứng đắn, tới việc kiểm tra chất lượng và ngăn chặn những tệ nạn loại mua bán bằng cấp, v.v...). Mặt khác, người ta dùng cơ sở kinh doanh để hỗ trợ cơ sở giáo dục đào tạo, chứ không dùng cơ sở giáo dục đào tạo để kinh doanh. Ở mức tiểu học và trung học, trường tư góp một phần tích cực vào công cuộc giáo dục ở một số nước, mà không gây những khó khăn nan giải, có lẽ là vì Nhà nước biết nắm được khâu kiểm tra bằng cấp ở những mốc chủ chốt, như đặt bằng cấp ở các đợt thi hết cấp. Nhưng ở mức đại học thì vấn đề phức tạp hơn nhiều, nhất là trong trường hợp nước ta hiện nay, khi nền kinh tế còn đầy khó khăn, mà « ý chí học hành » lại tụt xuống ở mức thấp. [...]
Chú thích: Luật « cấm con cháu gia đình làm nghề hát xướng không được đi thi » thuộc đời Hồng Đức (Lê Thánh Tông). Mãi đến đời Lê Dụ Tông (đầu thế kỉ 18), vợ chúa Trịnh Cương là bà Trương quốc mẫu, vốn xuất thân là ca nữ, được chúa rất yêu quí, năn nỉ xin, chúa mới bãi bỏ luật lệ nói trên.
*********
Tài liệu 4.2
Về vai trò của Nhà nước trong
giáo dục đại học
(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trong Diễn Đàn số 26, tháng 1/1994, Tia Sáng 12/1998 trích đăng một đoạn)
Lúc này, vấn đề cải tổ giáo dục đại học ở Việt Nam đang được đặt ra. Các trường đại học công lập đang được dự tính sắp xếp lại. Chính quyền Việt Nam cũng đã ra qui chế cho phép mở đại học tư thục. Tôi nghĩ rằng có lẽ là lúc đáng nói vài lời về vai trò của Nhà nước trong giáo dục đại học. [...].
Cách đây không lâu, giáo dục đào tạo còn hoàn toàn là công lập. Trải qua mấy chục năm, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, vai trò của Nhà nước đã bị sử dụng một cách quá đáng, gây ra tình trạng rất « ngột ngạt », nhất là cách quan niệm, quản lý bao cấp chi li phiền hà đã không mang lại kết quả mong đợi.[...]. Có thể là sự « ngột ngạt » đó làm cho ngày nay, khi được chút cởi mở, một số người lại có khuynh hướng ngả quá đáng về phía ngược lại: cho rằng chỉ những gì mà Nhà nước đừng dính đến vào thì mới có kết quả, và do đó, « mê » rằng trường đại học tư có thể thay thế được cho đại học công. Cũng không loại trừ khả năng, ở một vài người, có một tinh thần « từ nhiệm nhà nước », theo nghĩa nếu bộ máy tiếp tục lề mề và tình hình tiếp tục khó khăn, chi bằng thả nổi, đẩy gánh trách nhiệm cho tư nhân.
Tôi nghĩ khác: Theo tôi, giáo dục đào tạo là vấn đề mà cả xã hội quan tâm, trong đó có ý thức của quần chúng, có lợi ích của tập thể, có vai trò của gia đình, có nguyện vọng của cá nhân,... Do đó, sự tham gia của mọi thành phần của xã hội vào giáo dục đào tạo là sự cần thiết và hợp lý. Cũng vì vậy mà tôi đã và tiếp tục bảo vệ ý kiến cho sự tồn tại một hệ dân lập tư lập (bên cạnh hệ quốc lập) trong giáo dục đào tạo ở Việt Nam. Nhưng vai trò của Nhà nước phải là chủ chốt, với điều kiện là vai trò đó được quan niệm một cách hợp lý và rành rọt trong khung cảnh của sự tồn tại đồng thời của hệ quốc lập và một hệ dân lập tư lập bổ sung cho nhau.
Có thể nêu 5 lý do sau đây về « vai trò chủ chốt » của Nhà nước:
1/ Giáo dục là một trong những công cụ bảo đảm cho sự bình đẳng và sự công bằng cho mọi công dân trong một xã hội. Trong một xã hội lành mạnh bình thường, ai có thể bảo đảm quyền tự do học hỏi cho mọi người, nếu không phải là Nhà nước? (tôi nói Nhà nước theo nghĩa chung, chứ không nói thể chế). Nhất là sự tự do học hỏi còn kéo theo sự bình đẳng trong việc chọn nghề, việc tiến thân, vv... của từng cá nhân trong xã hội.
2/ Trên mặt vật chất, giáo dục đào tạo đòi hỏi những đầu tư lớn và dài hạn, mà kết quả gặt hái được phải tính hằng chục năm, cho nên chỉ Nhà nước mới có thể đảm nhận, dù cho có sự tham gia hỗ trợ của các thành phần khác của xã hội: nó cũng như vấn đề xây dựng hạ tầng cơ sở (cầu, đường, cảng,...), đầu tư thì lớn, lâu dài mới thu được lợi nhuận.
3/ Nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất (không phải như một nước liên bang). Cho nên dù sự tham gia của mọi thành phần xã hội, của địa phương, là cần thiết, vai trò chủ chốt của Nhà nước trong việc dự báo kế hoạch, điều tiết, « cầm trịch », kiểm tra, hiệu chỉnh vv... là một vế chính của sự thống nhất nói trên. (Sự độc quyền của Nhà nước về bằng cấp có ý nghĩa trong khung cảnh đó, chứ không có nghĩa trong một mục đích cấm cản hay loại trừ). Cũng có thể nói rằng giáo dục đào tạo, với trình độ tương đương ở mọi địa bàn, là một trong những chất keo gắn liền mọi vùng; nếu không, đất nước có thể trở thành một thứ « ghép mảnh » (mosaique), với những hậu quả có thể tai hại cho việc chung sống hoà bình trong một nước.
4/ Về giáo dục đào tạo, lò nung đúc trí tuệ của dân tộc, chỉ có Nhà nước mới đảm nhiệm được sự liên tục và thừa kế, điều mà cá nhân hay một tập thể, dù đầy thiện chí cũng không thể gánh vác được.
5/ Giáo dục đào tạo là một trong những vế chính của nền độc lập tự chủ. Cho nên đó là một trong những sứ mạng của Nhà nước: bảo đảm được hướng đi lên, bảo đảm chất lượng cũng như số lượng người có trình độ hiểu biết, có nghiệp vụ cao, bảo đảm được mục tiêu « kiến thức » của việc học, (1) vv.
Cũng cần nói thêm là, trước đây, vì nền kinh tế Việt Nam là kinh tế kế hoạch, cho nên cũng có thể viện một thứ « lý do lý thuyết » nào đó để tổ chức giáo dục đại học theo kiểu các đại học đào tạo nghề nghiệp là chính (kiểu đại học sư phạm, đại học ngoại ngữ, đại học xây dựng,vv...). Kiểu tổ chức đó không mang lại kết quả mong đợi. Ngày nay, Việt Nam đã đi vào kinh tế thị trường, không thể duy trì sự lỗi thời của hình thức « tổ chức đại học đi vào chuyên ngành quá sớm, và hình thức tuyển học sinh (từ trung học vào đại học ở tuổi 17,18) để sắp xếp họ đi vào chuyên môn nghề nghiệp quá non » đó nữa, mà cần quan niệm lại sứ mạng của nền đại học (nó bao gồm việc truyền bá sự hiểu biết, kể cả những hiểu biết chưa áp dụng cho một nghề, thông tin khoa học và kỹ thuật, mở rộng văn hoá, nâng cao trí tuệ và tính độc lập suy nghĩ, hoà nhập vào sự tiến triển chung của thế giới,... chứ không chỉ chuyên lo việc đào tạo nghề nghiệp, dù là nghề nghiệp cao cấp); có như vậy thì mới góp phần làm cho người Việt Nam đủ sức tự tạo nên sự tiến bộ cho xã hội mình.
Và để tránh sự hiểu lầm có thể xảy ra khi nói tới vai trò « chủ chốt » của Nhà nước, tôi xin mượn câu chuyện cổ Trung Hoa (đại khái như sau) để minh hoạ:
Hán Văn đế (thế kỉ 2 trước Tây lịch) lên ngôi được ít lâu, một hôm hỏi hữu thừa tướng Chu Bột:
- Một năm xét xử ngục hình bao nhiêu người?
Bột tạ lỗi, không trả lời được. Văn đế lại hỏi:
- Một năm tiền và thóc xuất nhập bao nhiêu?
Bột xấu hổ, lại tạ lỗi không trả lời được. Văn đế bèn hỏi tả thừa tướng Trần Bình, cũng hai câu hỏi đó.
Trần Bình trả lời:
- Đã có người lo việc ấy. Nếu hỏi về xử ngục hình, thì hỏi quan đình uý; nếu hỏi về tiền và thóc, thì hỏi quan trị túc nội sử.
Văn đế lại hỏi:
- Nếu việc gì cũng có người lo rồi, thì ông lo việc gì?
Bình trả lời:
- Chức vụ của thừa tướng là giúp vua chỉnh lý âm dương, làm cho bốn mùa thuận, để vạn vật đều sống thoả thích, vỗ về thân ái nhân dân, và làm cho các quan ai cũng đảm nhiệm tốt chức vụ của mình.
Văn đế khen là phải (2).
Tất nhiên, câu trả lời của Trần Bình có phần quá đáng, nhưng rất hay: nó tả được một cách điển hình thế nào là vai trò chủ chốt, đâu có phải là vai trò « chi li », « kèn kẹt » ...
_________
Chú thích :
(1) Tôi đã có dịp phát biểu ý kiến về giáo dục đại học qua một số bài báo, như:
- « Góp ý về việc học », trong Tổ Quốc tháng 11/1987, Nhân Dân 27/12/1987, Tuổi Trẻ 29/12/1987.
- « Vài suy nghĩ về công học và tư học », trong Tuần Tin Tức 10/4/1993, Quê Hương tháng 7/1993.
- « Kiểm lại một số ý kiến góp về việc học », trong Nhân Dân chủ nhật 24/10/1993, và Tuổi Trẻ Chủ Nhật 11/1993 trích đăng phần IV trên 5 phần.
- « Vài ý kiến về đại học », trong Quê Hương số Xuân 1994.
Nhân đây, tôi cũng xin được nói rõ « vị trí » của tôi khi phát biểu ý kiến. Đáp câu hỏi của một nhà báo trong nước (ngụ ý tới những điều trần thế kỷ 19), tôi có trả lời:
« Trong lịch sử Việt Nam, có một số nhân vật trí thức được ghi tên tuổi làm gương cho hậu thế: Chu Văn An giữ tiết tháo, không màng danh lợi đương thời; Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm thấu hiểu việc đời nên vua chúa đương thời vấn kế; La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp có học hạnh nên Quang Trung mấy lần mời giúp; Nguyễn Trường Tộ thức thời đã thiết tha điều trần để cho xã hội trong đó ông đang sống được đổi mới và phồn thịnh. Nhưng những gương này là để cho những người ở trong nước noi theo. Còn những người gốc Việt Nam sống ở nước ngoài như chúng tôi, nếu có tìm danh lợi thì cũng chỉ ở địa bàn nước định cư; nếu có chút chuyên môn mà được sự « cầu hiền » từ Việt Nam thì tiếng thơm cũng thuộc về người trong nước biết khéo xử; nếu có nhiệt tình góp ý thì chỉ vì thiết tha mong mỏi ở quê hương cũ chóng có được một cuộc sống vui tươi xứng đáng. Nói như vậy để nhấn mạnh tính chất vô tư và tình cảm của sự góp ý, nghĩa là vừa thanh thản vừa thiết tha ».
(2) Tôi không ngại nêu câu chuyện Tàu này, là vì Việt Nam và Trung Quốc xưa là nước đồng văn; vả lại, ai đọc sử Việt Nam hẳn còn nhớ việc Triệu Vũ đế (Triệu Đà) tiếp sứ giả của Hán Văn đế là Lục Giả... Trở lại vài chi tiết vụn vặt trong câu chuyện kể trong bài: Sau khi Hán Cao tổ Lưu Bang chết, Lữ hậu chuyên quyền, triều thần rất sợ. Khi Lữ hậu chết, con cháu họ Lữ định cướp ngôi nhà Hán. Chu Bột là tướng có công cầm quân dẹp loạn; Trần Bình là mưu sĩ, rất khôn khéo, nên mới nhường chức thứ nhất cho Chu Bột. Hán Văn đế lên ngôi, muốn tỏ ra mình chú ý đến việc nước, nên mới hỏi 2 câu kể trên. Sau vụ đó, Chu Bột biết mình không bằng Trần Bình, nên lui về, để Trần Bình một mình lo công việc thừa tướng.
**********
Tài liệu 4.3
Chuyện Trung tâm đại học dân lập
Thăng Long và một bài văn bia
Xem chương 5 của cuốn sách "Tự sự của người xa quê hương" (Chuyện gia đình và ngoài đời) của Bùi Trọng Liễu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét