Chung quanh việc Học
Phần 8
Thời niên thiếu và việc học
Tôi muốn gợi lại ở đây vài kỷ niệm, cũng để phần nào minh hoạ thêm suy nghĩ của tôi về việc học. Những kỷ niệm này thuộc về thời đi học của tôi lúc còn niên thiếu: ở thị xã Hà Đông, ở Hà Nội, lớp « Tuyển trạch hướng dẫn » trường Chu Văn An 1946, và trường Nguyễn Khuyến ở Yên Mô. Chủ yếu là một dịp để nói lên sự dè dặt của tôi về một vài quan niệm giảng dạy và về cách đánh giá và kiểm tra sự hiểu biết.
Trong cái mớ hỗn độn của cái mới cái cũ, cái mà ngưòi này cho là phải, người khác cho là trái, biết lựa chọn thế nào để rút ra được những cái phù hợp cho mình? Phải chăng, có những điều tin chắc được là : trong cách tổ chức việc học, cần có sự cố gắng tìm hiểu tình hình ở nơi khác, cần có sự giải mã thông tin cho chính xác, cần có sự khiêm tốn trong nhận định và dè dặt trong phát biểu và nhất là có được tinh thần đặt lợi ích của cả dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân hay từng nhóm cá nhân.
Đi học, thời niên thiếu
(Trích một đoạn trong cuốn hồi ký
« Tự sự của người xa quê hương (Chuyện gia đình và ngoài đời) » của Bùi Trọng Liễu)
Tôi muốn tóm tắt ghi lại những kỷ niệm của những ngày đi học, ít với tính cách nhân chứng, mà cái chính là kể những việc mình đã trải qua để góp phần « bàn về việc Học ». Tóc đã điểm sương, trí nhớ vào lúc tuổi già đã bắt đầu làm nhoà một số sự việc, nhưng tôi nghĩ rằng tự mình không hề thêu dệt trong những gì sẽ kể dưới đây, có chăng là sự việc đôi khi bị tóm tắt trong vài đoạn:
Từ thuở bắt đầu « nhớ », tôi vẫn coi cái « việc đi học » như một cái « nợ », vui ít khổ nhiều, một phần là vì cái quan niệm việc đi học của một thời xưa, một phần vì hoàn cảnh xã hội và gia đình buộc như thế. Lúc 5, 6 tuổi, tôi học vỡ lòng vào khoảng 1940 ở nhà, do một thày giáo tư, thày Tảo dạy. Thày nghiêm, nhưng không ác, tôi không bị đòn, nên rất kính nể thày. Rồi đó sau, chẳng biết vì sao, tôi « bị » đưa vào học ở một trường tư, trường Tự Đức, (ở thị xã Hà Đông, nơi bố tôi đang làm việc), có lẽ vì thày giáo Tảo đang dạy ở đó, nhưng chẳng may không được học lớp thày. Trường nhỏ, học trò đều là học trò nghèo, lớp học thì hình như lẫn lộn học trò lớp nhì lớp ba lớp tư học chung với nhau (kiểu « classe unique » ở một số vùng thôn quê hẻo lánh ở Pháp hiện nay : một giáo viên đảm nhiệm việc giảng dạy cho dăm ba học sinh ở nhiều cấp bậc khác nhau). Tôi giữ một kỷ niệm rất xấu của thời đó, vì tôi phải học chung với học trò lớp trên, bị « quên » là học trò lớp dưới, nên bài học rất khó, chả hiểu gì, lại sợ bị đòn, nên tôi rất ghét đi học. Chả biết thời gian đó thực sự kéo dài bao lâu, nhưng đối với tôi thì đằng đẵng.
Rồi chợt một bữa, tôi bị đưa vào học ở trường công ở thị xã, hình như lớp ba. Tôi không nhớ tên ông giáo, chỉ nhớ là ông ta rất dữ đòn. Mỗi sáng, buổi học bắt đầu bằng việc lần lượt mỗi học trò khoanh tay đọc thuộc lòng bài hôm trước, ai không thuộc làu thì ăn đòn. Và luôn luôn sáng nào cũng một dãy trò nhỏ bị tụt quần, đánh đòn bằng roi mây lằn đít. Tuy chưa hề bị đòn, tôi càng hãi càng ghét đi học, nhưng vì trường công nghiêm hơn trường tư, không dám trốn học, tôi đành phải chấp nhận cái số phận đi học, bằng cách « chăm học », từ năm giờ sáng đã thắp đèn học lại bài, trong khi cả nhà còn ngủ ...
Chao ôi! Cái thời đi học đó sao mà đáng ghét thế! Không phải là tôi không thích học, nhưng tôi ghét đi học ở trường. Ngoài cái cảnh roi vọt mà tôi coi là nhục nhã, còn cái cảnh phải luôn luôn giữ mình sao cho giống y hệt với những học trò cùng lớp, hễ khác chút ít là bị chế giễu, mỉa mai, trêu ghẹo, hành hạ, nhất là ai cũng biết tôi là con nhà quan. Học trò trường tỉnh, đều là học trò tầng lớp nghèo, đồng phục là áo dài đen, đi guốc. Tôi còn nhớ những buổi đi học, tôi chưa từng bao giờ dám mặc quần « là nếp », mà phải vo cái quần cho thật nát, rồi vuốt nó tàm tạm, xếp dưới chiếu ngủ, để hôm sau khi mặc, nó có nếp, kiểu nhà nghèo. Tôi còn giữ gì ở cái học ở thời đó? Ngoại trừ mấy bài học luân lý trong cuốn « giáo khoa thư » còn thuộc lòng đến ngày nay (mà tôi vẫn tiếp tục cho là có giá trị !) , còn toàn là những kỷ niệm « mất thì giờ » vô ích, mà hai thí dụ điển hình nhất là: những buổi « travaux manuels », với những tờ giấy bóng láng, phải kẻ, phải cắt, để đan những hình con chim con cò, thường thường phải mang về nhà nhờ người lớn làm hộ, để rồi hôm sau khi chấm, bị mắng mỏ, vụt thước vào tay dăm bảy cái; và bản(g) cửu chương gồm cả phép nhân tới con số 12 phải học thuộc lòng (tại sao đến con số mười hai ?) mà đến nay, tôi vẫn chưa giải thích được... Còn về cái tên bản(g) cửu chương, thuở nhỏ, tôi cứ băn khoăn tại sao lại gọi như vậy, cứ ngỡ là tại phép nhân từ 1 lần đến 9 lần. Sau này, tôi nghe có người đồng nghiệp Pháp chuyên về môn Sử Toán học kể rằng: Khoảng năm 213 trước Tây lịch, Tần Thủy hoàng nghe lời thừa tướng Lý Tư sai đốt sách và chôn học trò ; lẽ ra thì không đốt sách khoa học, như sách về trồng trọt, nhưng có thể là bọn tôi tớ làm quá hay người ta sợ hãi nên sách Toán cổ của Trung quốc bị thất lạc. Sau khi thống nhất Trung quốc, vua Hán mới sai tìm kiếm thu thập lại thành cuốn sách Toán gồm 9 chương (Cửu chương toán pháp), tiếng Pháp là le Livre des 9 chapitres, trong đó có cái bản(g) tính nhân. Chả biết có đúng phải vậy không. Nếu ai biết kỹ hơn thì xin giải thích giùm cho.
Trở lại chuyện xưa: Thế rồi, vào năm 1943, tôi ra Hà Nội, ở đằng mợ tôi, để đi học ở trường tây (collège Roland, nay ở phố Hai Bà, một thời đã là trụ sở của Bộ Đại học), học lớp ba 1 (élémentaire 1). Từ trường ta vào trường tây, tiếng Pháp lõm bõm, lại vào học giữa năm, nên mươi ngày đầu, tôi chẳng hiểu gì hết. Bà giáo Pháp, tên là bà G., cũng là người dữ đòn, tuy không có cái cảnh tụt quần đánh bằng roi mây, nhưng những cái beo tai, những cái cốc đầu (« khỏ đầu »), những cái tát, vụt thước vào tay, luôn luôn xảy ra cho hầu hết cả lớp. Cũng may là những bài thi kiểm tra thời đó khá dễ thực hiện: chỉ cần biết điền vào những chỗ bỏ trống trong trang sách bài tập, những chủ từ, động từ, tính từ, sao cho hợp với văn phạm tiếng Pháp là được. Cho nên, dù chẳng hiểu gì mấy, tôi đã chóng được coi là học trò « giỏi »( !). Có một điều kỳ lạ là, ở thời đó, có một cái thời thượng (mode) cho nhiều gia đình, là cấm không cho dùng từ điển Pháp-Việt, mà bắt phải dùng từ điển hoàn toàn tiếng Pháp. Điều này làm cho đối với học trò người Việt như tôi, chữ Pháp nào không hiểu thì tiếp tục không hiểu, hoặc có được cắt nghĩa bằng tiếng Pháp, thì đôi khi chỉ hiểu lõm bõm, có khi hiểu sai, học rất chậm tiến và mất rất nhiều thì giờ vô ích. Cho tới ngày nay, tôi vẫn ớn cái phương pháp sư phạm kiểu đó. [...]
Cái thời đi học đó cũng có cái đáng nhớ: đó là những buổi tối học bài. Một bầy trẻ gồm các con mợ tôi, con cô tôi và mấy anh chị em chúng tôi nhoai nhoai cùng tuổi hoặc chênh lệch nhau vài tuổi, quây quần chung quanh cái bàn học, dưới sự « phụ đạo » của một ông giáo tư mà chúng tôi đùa bằng gọi chệch là ông giáo « Gàn », có bổn phận cắt nghĩa và kiểm tra xem học bài đã thuộc chưa. Đứa nào đứa nấy quang quác đọc, đôi khi phải bịt tai để khỏi nghe thấy tiếng người đọc bên cạnh, như ong vỡ tổ. Tôi luôn luôn hãi, bởi vì thấy mấy người học bài chóng thuộc thế, mà tôi thì sao cảm thấy mình phải cố gắng quá nhiều mới thuộc những bài mà mình cho là vô nghĩa. Có lẽ vì thế mà suốt đời tôi, tôi không thích cái cảnh thi đua, đặc biệt là việc đi « thi tuyển » (concours), mà chỉ nhắm đạt được mục đích mình muốn. Nhưng đó là chuyện về sau ... Rồi Mỹ ném bom các vị trí quân Nhật, các trường Pháp tản cư vào Hà Đông, gia đình thuê nhà ở đó (lúc đó bố tôi đã đổi đi nơi khác), do mợ tôi cai quản, cả lũ chúng tôi vào ở và đi học ở đó. Phòng chả có điện, tối thắp mấy cái đèn dầu và đuốc nhỏ như thẻ hương để học bài, khói bay vào mũi đen xì. Đi học thời đó sao mà vất vả thế! Song song với cái vất vả của việc học, là sự « nhớ nhà », mặc dù ở đằng mợ tôi là chỗ thân thiết, và mặc dù về nhà thì lại len lét sợ bố tôi nghiêm khắc. Rồi những ngày lễ nghỉ về nhà, thì thấy sao trôi qua nhanh quá, và những ngày phải trở lại nơi trọ học sao mà buồn thế, và làm tôi luôn nhớ cái bài (học thuộc lòng thời tôi còn học trường ta) « Kẻ ở người đi » trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp sơ đẳng, với câu kết « Ôi! cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy! », mà thời đó tôi cho là tuyệt tác.
Khoảng gần hai năm học ở trường Pháp, tôi chẳng vui thú gì. Cho đến ngày 9/3/1945, đảo chính Nhật, các trường Pháp đóng cửa, tôi được trở về tạm sống trong gia đình ...
Một trong những quãng đời thoả thích của tôi, có lẽ là từ tháng 3 đến tháng 7, 1945, được trở lại cuộc đời (tương đối) « lêu lổng » ở tỉnh lỵ Phúc Yên, nơi bố tôi làm việc. Tương đối thôi, vì cứ mỗi buổi sáng nào, tôi và các anh chị tôi phải học chữ Nho với một ông đồ Th., còn chiều chiều được tự do đi săn cò săn chim ngoài đồng. Chữ Nho đây là học để biết, lại chẳng lo phải thi kiểm tra chấm điểm so thứ bậc với ai, nên rất thoải mái. Trước đó, tuy còn nhỏ, tôi đã thử tự học chữ Nho, nhưng học chữ Nho đâu có dễ. Có lẽ vì thế thuở xưa mới có câu « không thày, đố mày làm nên » .Tự học rất phức tạp, hỏi nghĩa cũng không ai biết giảng cho rõ, thí dụ như tôi hỏi mấy ông đồ ở quê nghĩa của chữ « nãi » trong câu « tính nãi thiên » trong Tam tự kinh, mấy ông bảo là « tính bèn trời » mà không cắt nghĩa được là gì ; tôi hỏi mấy ông cách sử dụng chữ « chi », các ông cũng không cắt nghĩa được. Lần này, ông đồ Th. lại là người có đầu óc mới, tôi chỉ học lướt qua Tam tự kinh, rồi học cuốn Hán văn tân giáo khoa thư, mới vài tháng học chơi mà đã lõm bõm được ít nhiều, đã mon men đọc được những trang đầu sách Mạnh tử, mà nay đã quên hết... Dù sao, có học như vậy, tôi mới càng thấy ưu thế của thứ chữ « viết theo chữ cái » (alphabet) so với thứ chữ viết theo hình tượng.
Rồi đến ngày Cách mạng Tháng tám bùng nổ, gia đình tôi đến ở nhờ nhà bà Tương Phố (Đỗ Thị Đàm, 1896-1973, tác giả của Giọt lệ thu, Tái tiếu sầu ngâm ...) ở tỉnh lỵ Phúc Yên. Bà là nhà thơ nhà văn, nên thích nói tới thơ văn, túm được mấy đứa tụi tôi, bà bắt học. Tôi rất ngán thơ văn ảm đạm, vả lại sau một trận sốt rét gần chết, tôi chỉ ưa đọc những tập báo « Phong hoá » mà bà đóng thành tập rất gọn gàng. Nhưng dù sao, qua một số buổi học, tôi cũng đã tiếp thu được một số điều cho kiến thức. Thời gian đó cũng qua nhanh ... [...]
Và gia đình tôi trở về Hà Nội. Lại một thời lông bông. Rồi chợt một hôm, đầu 1946, bố tôi bảo ghi tên cho tôi vào học lớp nhất trường tư thục Văn Lang, lúc đó đóng ở làng Thịnh Hào, ngoại ô Hà Nội. Tôi khá hoảng: ngoại trừ năm học lớp ba 2 (élémentaire 2) ở trường Roland, tôi bị cái « vận » là chưa từng học được toàn vẹn một năm học nào cả, từ trường ta vào trường tây, rồi lại từ trường tây vào trường ta, mỗi lớp học được dăm ba tháng, lại học nhẩy lớp, liệu có học nổi không? Điều tôi băn khoăn lúc đó là tôi chưa quen « tính các khối », cần cho chương trình học lúc đó. Tôi than thở với cậu em họ, lớn hơn tôi 2 tuổi học trên tôi 2 lớp, cậu ta cười « xì » một cái, bảo tôi: « Khó quái gì! Học mười phút thì biết tất! ». Quả thế thật. Thế rồi tôi đi học. Cuối năm học 1946 đó thi đỗ bằng Tiểu học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Giữa lúc sửa soạn học hè để tháng 9 (1946) thi tuyển vào năm thứ nhất Trung học (lúc bấy giờ gọi là lớp đệ nhất phổ thông, tương đương với lớp 6 ngày nay) trường Chu Văn An, chợt một cậu bạn đến rủ : có tin trường Chu Văn An mở một loại lớp thí điểm mới, gọi là « Tuyển trạch hướng dẫn », tuyển học sinh theo hồ sơ, và với hai điều kiện là: đỗ bằng Tiểu học có « hạng » (mention) và chịu trong tháng hè mỗi ngày một buổi có mặt tại giảng đường trường đại học Hà Nội để làm « cử toạ » (đúng hơn là làm một thứ « vật thí điểm ») cho lớp sư phạm (lớp những sinh viên có bằng tú tài thời đó, được luyện cấp tốc để trở thành giáo viên trung học). Tôi nghĩ bụng : đằng nào cũng phải học hè, mà đi thi tuyển làm bài thi vào lớp phổ thông « thường », chắc quái gì đã làm hay hơn người khác; kinh nghiệm bản thân lại cho thấy là mấy anh chị em họ và bạn bè trạc cùng lứa tuổi, người nào cũng học giỏi cả, họ học bài còn thuộc nhanh hơn mình ; « mật ít ruồi nhiều », cạnh tranh làm chi cho mệt. Mình lại ưa cái mới. Vì vậy, nên tôi xin phép bố mẹ, rồi nộp đơn ghi tên vào loại lớp « Tuyển trạch hướng dẫn » này. May sao lại được bố mẹ tôi chấp nhận.
Thế là mùa hè năm đó, tôi cùng một số bạn, lê la trong giảng đường trường đại học (đường Lê Thánh Tôn ngày nay), nghe các thày cô tập giảng dạy dưới sự chỉ dẫn của ông Dương Quảng Hàm (1898-1946, tác giả của các cuốn Quốc văn trích diễm, Việt văn giáo khoa thư, Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam thi văn hợp tuyển,...), lúc đó là hiệu trưởng trường trung học Chu Văn An ở Hà Nội. Chả phải chú ý gì, nhưng có những bài văn bị giảng đi giảng lại nhiều lần cũng lọt vào tai đến ngán... Lúc đó, tôi 12 tuổi...
Trường Chu Văn An lúc đó đóng ở trường nữ Trung học Félix Faure cũ (sau này hình như có một thời là trụ sở của Sứ quán Liên Xô, rồi là Bộ Tư pháp ngày nay). Học sinh « Tuyển trạch hướng dẫn » có lẽ khoảng trăm rưởi gì đó, chia làm bốn lớp « Xuân, Hạ, Thu, Đông » trung bình theo tuổi, trẻ nhất là Xuân. Tôi ở lớp Hạ. Bốn lớp học ở một khu riêng, gần « nhà chơi lớn » (préau). Trên nguyên tắc, dạy theo kiểu « mới », với những hứa hẹn như về sử, sẽ được dẫn đi thăm Cổ Loa,..., về phương pháp giảng dạy sẽ tạo điều kiện phát huy « khiếu nhận xét » của học sinh, v.v... Hão! Tôi còn nhớ một buổi đang học, chợt cả bốn lớp được triệu tập ở « nhà chơi lớn », và được « chỉ thị » là ngồi nghiêm chỉnh dưới đất và nhìn ra phía cổng và đợi. Ngồi một lúc, học sinh thì thào, chả biết là đợi cái gì. Có đứa bàn : có lẽ Hồ chủ tịch đến thăm trường chăng. Lâu cũng chẳng thấy ai đến. Rồi được lệnh là trở về lớp. Và được lệnh lấy giấy bút ra làm bài, với câu hỏi: « Lúc nãy ngồi nhìn ra phía cổng, thì nhận xét thấy gì? ». Tôi chả hiểu ý nghĩa câu hỏi này, nên trả lời: « Nhìn ra phía cổng, tôi thấy cái cổng có 4 cánh, 2 cánh mở, 2 cánh đóng ». Và lẽ dĩ nhiên là tôi được 1 điểm trên 20 (cách chấm điểm thời đó), cũng như số đông học sinh. Có vài đứa bạn láu lỉnh, sau này kể lại là trước đó, chúng nghe lỏm được các thày bàn nhau, nên chúng biết trả lời, là : trên hai mảnh tường quay ra phía cổng có 4 bức vẽ cảnh 4 mùa, 2 bức bên trái là Xuân, Hạ, cảnh Việt Nam, bên phải là Thu, Đông, cảnh Pháp. Và chúng được 20 trên 20. Lại một câu chuyện nữa: một hôm, vào giờ nghỉ, một cậu bạn học lớp Xuân, chạy lại rỉ tai tôi, bảo: « Lát nữa, nếu thày dạy Địa có hỏi thế nào là đường xích đạo, thì giả lời như thế này... ». (Câu hỏi đó, vừa được hỏi ở lớp Xuân, không ai biết trả lời. Tôi ở lớp Hạ, được biết điều này trước khi thày ra câu hỏi, nên không coi đó là vi phạm). Vào học, đúng là thày giáo hỏi câu đó, không học trò nào biết, tôi giơ tay trả lời: « Đường xích đạo là đường mà mỗi điểm trên đó có khoảng cách với cực nam và khoảng cách với cực bắc bằng nhau ». Và được 18 điểm trên 20, trong khi đó, sức học cỡ đó đâu đã biết « quĩ tích » là gì. Lẽ ra là phải dạy cho biết đã, rồi hãy kiểm tra. Trời đất quỉ thần ! Đánh giá theo tiêu chuẩn lẩm cẩm, thì người khôn cũng có thể bị xếp hạng thành người ngu !
Cái thời gian « Tuyển trạch hướng dẫn » này cũng chỉ mới được hơn hai tháng thì cuối tháng 12/1946, Toàn quốc kháng chiến. Sau này không thấy ai nhắc đến thí điểm này nữa.
Đến nay, tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm đó. Và liên tưởng đến những bài tính, những câu hỏi không chính xác, đôi khi là câu hỏi « bẫy » đặt cho học sinh, nếu không « đoán » trúng thì bị cho là dốt. Thí dụ như câu hỏi : « 2 cha 2 con là mấy người ? ». Nếu trả lời là 4 thì là « tầm thường », nếu trả lời là 3 thì cho là giỏi (vì đoán được ngụ ý là « cha, con, cháu »). Do đó, tôi luôn luôn nghĩ rằng, không nên rơi vào sự cực đoan. Cũng liên tưởng đến việc cách đây một số năm, ở một số nước, vài nhà giáo đem giảng dạy một cái thứ mà họ coi là toán học « hiện đại » vào các lớp đầu tiểu học. Thí dụ họ đem dạy trẻ em các phép tính cộng trừ nhân chia trong hệ 2,3,4,..., 9 vv., chứ không chỉ trong hệ 10. Cũng lạ. Cùng lắm thì dạy phép tính trong hệ 2 còn có lý do để nói rằng để hiểu phương pháp máy tính, chứ trẻ em học như thế kia để làm gì, khi chưa đến tuổi để hấp thụ được một cách có hiệu quả, mà chỉ có khả năng lặp lại một cách máy móc như những động vật làm xiếc? Mấy người đó giải thích là dạy như vậy để trẻ em sớm tập luyện có óc sáng kiến trở thành nhà nghiên cứu sau này. Nhưng có người vặn lại rằng : trong số học sinh đi học, cùng lắm là độ 1 phần 100 sau này sẽ đi vào nghiên cứu, vậy mà bắt 100 phần 100 học như vậy từ lúc còn thơ ; nếu lý luận theo kiểu đó thì : gần 100 phần 100 trẻ em sau này khi đến tuổi trưởng thành sẽ « làm ái tình », không lẽ đem trẻ sáu, bảy tuổi dạy cho chúng thực tập « làm ái tình » từ bây giờ sao? Có người cũng viện lẽ chế biến ra một thứ phương pháp sư phạm « mới », ngăn chặn không cho trẻ em học thuộc lòng: mà một trong những kết quả là trẻ em không thuộc bản(g) cửu chương ; rồi người ta ngạc nhiên là trẻ em không biết làm tính. Cũng có người chủ trương không « dạy », mà muốn trẻ em tự phát minh : thí dụ như thay vì cắt nghĩa cho trẻ em biết thế nào là cái hình tròn, thì người ta đợi cho trẻ em tự phát minh ra định nghĩa. Loài người tiến bộ được là nhờ tích luỹ được những hiểu biết của các thế hệ trước, chứ đâu có phải là mỗi thế hệ luôn luôn trở lại thời đồ đá rồi tự phát minh từ đầu. Tôi nghĩ : ở mức độ bình thường, thì nên học cho đủ hiểu biết đã, trước khi ngo ngoe « sáng kiến ». Cũng lại liên tưởng đến ý cho rằng chớ để học sinh học sai, vì khi hình ảnh của cái sai đã thâm nhập vào đầu, thì khó sua đuổi nó ra ; điều này tôi cho là có lý, và tôi dè dặt với việc ngày nay, (ngay chính ở Pháp), có những nhà giáo dục chủ trương những bài tập kiểu « chercher l’intrus » (« tìm kẻ len lỏi vào »), theo nghĩa là thỉnh thoảng trong mớ « đúng » cài vài cái « sai » để học sinh tự tìm thấy. Tôi rất sợ sự đảo lộn trình tự một cách phi lý : khi nhỏ, lẽ ra thì phải dạy dỗ chặt chẽ; khi lớn lên đã có nền nếp, thì nới lỏng; nếu mà ngược lại, khi nhỏ thì dạy không nền nếp, lớn lên thì o ép, thì e việc học không thể thành công ...
Sau một thời gian lêu lổng ở quê (thời đầu kháng chiến chống Pháp), tiếp theo là giai đoạn tôi theo học trường Trung học Nguyễn Khuyến (sau đổi là trường Nguyễn Thượng Hiền) ở Yên Mô.
[Nói tới địa danh Yên Mô, chưa chắc mấy ai đã biết. Yên Mô thuộc tỉnh Ninh Bình. Theo tôi biết, trong sử Việt Nam, chỉ có một sự việc đáng kể đã xảy ra nơi đây : Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê ; Nguyễn Kim là quan Hữu vệ điện tiền tướng quân, tước An Thanh hầu, của nhà Lê, trốn sang Ai Lao, rồi tìm con cháu nhà Lê lập nên làm vua Trang Tông. Năm 1545, Nguyễn Kim đem quân tiến đánh quân nhà Mạc ở Sơn Nam (Nam Định sau này), khi đến huyện Yên Mô, gặp lúc trời nóng, tướng (trá hàng) nhà Mạc là Dương Chấp Nhất dâng dưa hấu có tẩm thuốc độc, Nguyễn Kim ăn trúng độc chết. Con rể là Trịnh Kiểm thay nắm quyền. Đó là thời Nam triều (Lê) Bắc triều (Mạc). Cái chết của Nguyễn Kim cũng là khởi điểm cho việc Nguyễn Hoàng vào Nam, và Trịnh Nguyễn phân tranh sau này. Yên Mô cũng là quê của thượng thư Phạm Thận Duật (1825-1885) là người thay mặt triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước Patenotre (1884) nhận nền bảo hộ của Pháp. Sau, khi kinh thành thất thủ, ông theo vua Hàm Nghi xuất bôn, sau bị quân Pháp bắt được, đem đi đầy, nhưng mất ở dọc đường, thi hài ném xuống biển].
Tôi theo học trường Nguyễn Khuyến từ cuối 1947 đến cuối 1949. Trường đóng trong một cái đền, ở chân núi. Thời đi học đó thật là kham khổ, ăn uống rất đạm bạc, ở nhà trọ đông chật chội, tối thắp đèn dầu tù mù, mùa đông cũng phải tắm nước lạnh ở giếng làng ngoài trời, sách lại rất hiếm, nhưng không khí học hành thì thật là sôi nổi. Tài liệu không có, bài học toàn chép tay. Sự chênh lệch về bằng cấp giữa thày và trò thì không mấy tí, nhưng sự chuyển giao hiểu biết thì rất nghiêm túc, học hành thi cử đều rất có nền nếp. Vào mấy tháng gần mùa thi, hầu như đêm không mấy khi thấy tắt đèn. Mấy anh ở chung phòng trọ toàn là những người học lớp trên, rất tử tế, nên có điều gì không biết, dễ hỏi mấy anh đó cắt nghĩa. Thuở ấy, trường dọn về vùng quê như vậy, có lẽ đã góp phần kích thích sự muốn học ở một số người đã lớn tuổi mà gia cảnh tới lúc đó không cho phép. Cho nên, trong lớp, ngoài những học sinh « chính qui », còn có những học sinh « dự thính ».
Tôi cũng còn giữ vài kỷ niệm về ăn uống thời ấy. Phố Yên Mô có hiệu phở tên Đông Hoà Lợi, có tiếng là ngon, chẳng biết có phải là tại chẳng có gì ăn nên thèm chăng. Nhưng phở đắt, mấy ai được ăn. Ông chủ tiệm rõ là người tử tế. Ông biết là học sinh ít tiền, nên có sáng kiến là cứ sau mấy ngày, khi thay nồi nước dùng, thì bán rẻ cái cặn nồi xương tuỷ mỡ gân còn giắt lại. Cái động tác « ăn tại chỗ » cái đó, được học sinh chúng tôi gọi là « bốc mộ ». Nhưng người thì đông, mấy ai được may mắn « bốc mộ ». Tôi chỉ được hưởng có một lần ; thuở ấy cũng thấy thoả mãn lắm ! Cũng nhắc lại thuở ấy, vì thiếu trường sở, phải tổ chức các lớp học theo một buổi (lớp buổi sáng học sớm, lớp buổi chiều tan sớm vì lớp không có đèn). Rồi vào khoảng đầu niên học 1949, lớp tôi học buổi sáng. Giờ học quá sớm để nhà trọ có thể dọn ăn trước khi đi học, cho nên chỉ dọn ăn khi tan học về, nghĩa là vào 1 giờ chiều. Nhưng nhà trọ cũng không đủ bát đĩa để dọn ăn cho tất cả học sinh trọ, nên buộc nhóm học-sinh-học-buổi-sáng phải ăn bữa chiều trước khi nhóm học sinh-học-buổi-chiều đi học về. Thành ra bữa chiều dọn cho tụi tôi ăn vào khoảng 3 giờ, 3 giờ rưỡi (ăn hai bữa chỉ cách nhau hơn 1 giờ!). Tôi chỉ hưởng cảnh này trong mấy tuần (trước khi trường rút vào Thanh Hoá), nhưng cũng thấm thía thế nào là « cơm hai bữa ».
Có lẽ những kỷ niệm đó cũng góp phần làm tôi thêm dửng dưng với việc ăn uống. Sau này, một số học sinh cũ Yên Mô nhắc lại chuyện xưa qua các kỷ yếu các buổi họp cựu học sinh, thường nhắc đến những kỷ niệm êm đẹp, mơ mộng của tuổi thanh thiếu niên, với những câu
Giếng Yên Mô vừa trong vừa mát,
Đường Yên Mô lắm cát dễ đi, ...
Riêng tôi, thì chẳng giữ được mấy kỷ niệm nào đẹp, trừ việc học, của thời ấy. Có chăng là mấy kỷ niệm đầy ác cảm : một bà chủ nhà trọ ngày ngày đánh rất ác đứa con dị tật của mình, một ông chủ nhà trọ khác luôn luôn say rượu nói càn... Và một kỷ niệm tắm giếng. Vốn là tính tôi không thích tranh đua, ngay cả việc đi tắm giếng, tôi cũng chọn những giờ ít người chen chúc, tức là những giờ vào buổi sớm còn lạnh không có ai, để tắm giặt. Vào một buổi mùa đông, tôi đang múc nước giếng dội vào người, người bốc khói và run lập cập, thì chợt có mấy cô học sinh đi qua. Các cô bình phẩm với nhau : ngưòi ta cứ bảo là « ra ngõ gặp gái » là súi quẩy, còn chúng ta hôm nay ra ngõ gặp cái lão đang tắm kia thì chắc là gặp rủi rồi. Làm sao mà mơ mộng được ! […]
Cuối 1949, khi quân đội viễn chinh Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm, chiếm đóng vùng này và lân cận trong đó có quê tôi, trường rút vào Thanh Hoá. Đầu năm 1950, tôi xuất ngoại. Từ đó tôi không còn thuộc vào nền giáo dục ở Việt Nam nữa . […]
Kiểm lại cuộc đời đi học của tôi, tôi thấy rằng tôi có cái may mắn là đã được sống ở một thời mà sự học hành được tự do, những ai muốn đều có thể ghi tên học và đi thi, miễn là đủ trình độ và có phương tiện sinh sống để học: không có vấn đề lý lịch trong việc học, không có phụ đạo chính thức trong việc học, học để có nghề, để tiến thân, nhưng cũng học để có kiến thức, để nâng cao trình độ văn hoá, mở rộng tầm nhìn, vv. Tất nhiên, xã hội tiến triển, cuộc sống thay đổi, cách tổ chức việc học phải thay đổi theo thời gian, nhưng trải qua kinh nghiệm bản thân, tôi vẫn mong muốn là có một « khả năng » tự do học hành được dành cho những người (như tôi), vì hoàn cảnh riêng không thể bó mình theo những thể lệ quá chặt chẽ, nhưng vẫn có thể, qua việc học, góp phần mình vào sự lợi ích cho xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét