24/11/08

Chung quanh việc Học Phần 9

Chung quanh việc Học



Phần 9




Học và Hạnh





Tôi không đánh dấu nhầm : tôi viết chữ « Hạnh », chứ không viết chữ « Hành ». Nếu mà luận về « Học và Hạnh » thì rất dài và rất rộng, vì bao gồm từ lĩnh vực thuộc câu nói của nhà văn hào Pháp F. Rabelais (1494-1553) : « Science sans conscience n’est que ruine de l’âme » (tạm dịch thoát nghĩa là « tri thức mà không có lương tri, thì chỉ là sự tàn hoại của tâm hồn ») cho tới việc khoác lác, trí trá về danh hiệu bằng cấp dỏm vv. Đó không phải là mục đích của tôi. Trong phần này, tôi chỉ muốn ghi lại kỷ niệm về vài nhân vật gắn liền với chữ « Học » đồng thời với chữ « Hạnh ».



Sau đây là năm bài tôi viết, (chỉ năm bài thôi), vì đã có dịp đăng trên báo, chứ không hề hạn chế con số vì nhân vật.









**********

Tài liệu 9.1


Tưởng nhớ một người thân



(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trong Tập hồi ký nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh ông Tạ Quang Bửu « Gs Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp » do Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, năm 2000. Báo Sài Gòn giải phóng ngày 18/11/1999 trích đăng một phần).

Tóm tắt tiểu sử : ông Tạ Quang Bửu (1910-1986), trước du học ở Pháp và một thời ở Anh (1930-1934). Ngoài những chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao (1945-1946), Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong khoảng những năm 1947-1961, Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1959-1965), ông là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965-1976).

Đã 14 năm trôi qua, kể từ ngày ông Tạ Quang Bửu mất đi, để lại mối thương tiếc cho nhiều người. Thuở ấy, tôi có viết một bài, đăng trên báo của phong trào Việt kiều ở Pháp, dưới đề Tưởng nhớ một người thân: anh Tạ Quang Bửu (Đoàn Kết, tháng 10,1986). Đọc lại mấy dòng viết thuở ấy, tôi thấy cơ bản những tình cảm của tôi không có gì thay đổi, có thiếu chăng là một số điều mà thời đó chưa phải lúc nói. Ngày nay, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, tôi xin trân trọng viết lại mấy dòng dưới đây , cố gắng kể lại trung thực một số sự việc trong quan hệ giữa ông và tôi, vẫn dưới đề « Tưởng nhớ một người thân ».


Tôi không phải là họ hàng, cũng không phải là bạn bè, về tuổi tác lại thuộc về thế hệ sau so với ông; tôi lại là người Việt định cư ở nước ngoài; nhưng được coi và tự coi như là một người « thân » của ông lúc sinh thời, có lẽ vì tính ông cởi mở, khoan dung, không thành kiến, ân cần hiếu khách và dễ lắng nghe. Hồi ông còn ở chức vụ cao, những lần tôi gặp riêng ông, thường là ông lắng nghe tôi nhiều, chứ không muốn tôi nghe ông « giải thích », có lẽ vì ông quan niệm rằng những người ở địa vị như ông càng cần được thông tin để làm việc, để quyết định, hơn là những người như tôi. Đông đảo anh chị em Việt kiều thường gặp ông, cũng có những nhận xét tương tự. Cho nên, có lẽ không quá đáng khi nói rằng ông là một người thân thiết của Việt kiều.

Về cuộc đời của ông, về « những chặng đường lịch sử » của đất nước mà ông đã tham gia, nhiều bản tiểu sử (cũng như nhiều cuốn hồi ký) đã nói tới. Tôi chỉ xin nói rất tóm tắt đến một vài nét về con người, mà tôi được thấy qua những dịp được gặp gỡ hoặc trao đổi với ông.

Tôi được làm quen với ông trong một tình huống đặc biệt. Vào khoảng năm đầu thập kỉ 60, cái thời gian xa xăm ấy, lúc mà tâm trí đông đảo bà con Việt kiều hầu như còn dồn cả vào tình hình chính trị miền Nam, và chỉ mới lẻ tẻ vài cá nhân trong đó có tôi, tự nguyện gửi sách báo, dụng cụ khoa học về một vài cơ sở miền Bắc, bỗng một bữa tôi nhận được một cuốn từ điển khoa học in trong nước do ông gửi tặng. Sự việc thật đơn giản này gợi cho tôi câu hỏi: đây là đường lối « chiêu hiền đãi sĩ » của Cách mạng Việt Nam mà ông là một trong những người góp thực hiện, hay là một dấu hiệu là trong nước không từ chối sự đóng góp « trí thức » của kiều bào ngoài nước? Chắc là cả hai. Quan hệ giữa ông và tôi bắt đầu từ ngày đó... Rồi chiến tranh lan rộng ra đến miền Bắc... Phong trào đoàn kết giữa các nhà trí thức quốc tế và Việt Nam, sự ủng hộ cuộc chiến đấu của Cách mạng Việt Nam, thể hiện dưới hình thức hỗ trợ chuyên môn, liên quan mật thiết đến mặt trận chính trị và ngoại giao...

Mùa xuân 1969, ông Trần Trí, tham tán văn hoá đầu tiên tại Cơ quan Tổng đại diện nước ta tại Pháp (lúc đó chưa là Đại sứ quán) từ trong nước sang tới Paris, mang theo lời gợi ý của ông Bửu, lúc đó đang là Bộ trưởng Đại học và Trung học chuyên nghiệp, mời tôi về nước làm việc một tháng, thí điểm cho việc Việt kiều về công tác ngắn hạn, do Ủy Ban Khoa học Nhà nước tổ chức. Tình hình lúc đó phức tạp vì nhiều lẽ (lúc đó đang là Hội nghị Paris về Việt Nam), và vì công việc của tôi , nên mãi tháng 7/1970, tôi mới sắp xếp về nước được.

Tôi còn nhớ ngay buổi tối đầu tiên tôi về đến Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hướng, lúc đó phụ trách giao dịch quốc tế ở Ủy Ban Khoa học Nhà nước, đưa tôi lên thăm ông Bửu ở nhà riêng, phố Hoàng Diệu (nghe nói ở chung khu với mấy ông tướng, canh phòng kỹ lưỡng). Nhà có người canh cổng, mặc thường phục, hỏi chứng minh thư. Ông Hướng bảo : « Quên chứng minh thư ở nhà ; cậu cứ vào bảo là tôi đưa anh Liễu lên thăm, đã có hẹn ». Cậu kia chìa lòng bàn tay ra soi dưới ánh đèn, té ra đã ghi sẵn trong lòng bàn tay, thấy đúng, cho vào. Tôi chưa quen nên cũng hơi ớn với cách hỏi và cách trả lời, (vì đang chiến tranh và vì du học từ thuở còn niên thiếu, về nước sau 20 năm vắng mặt, tôi rất bỡ ngỡ). Thoạt gặp ông, tôi đã cảm thấy mình cùng trên một « làn sóng » với ông, và sự trao đổi với ông thật là thoải mái và thẳng thắn, mặc dù lúc đó nói chung, tôi rất dè dặt. Thân mật, ông bảo tôi : « Anh đừng thắc mắc chuyện trở về nước hẳn ; anh đã có được một chỗ giáo sư ở Paris, chớ có bỏ. Một tập thể những Việt kiều có chuyên môn cao, có nghề nghiệp vững chắc, có địa vị xã hội ổn định, là một cửa sổ (của ta) mở sang phía các nước đã phát triển cao phương Tây ».

Trong những dịp trao đổi kỳ đó hoặc gặp lại ông những năm sau, tôi biết ơn ông đã kiên nhẫn ngồi lắng nghe những kiến nghị linh tinh của tôi về « chiến lược » khoa học và giáo dục đào tạo (ổn định lại trật tự trong cấp bậc khoa học; tách rời nhiệm vụ khoa học với nhiệm vụ quản lý; vấn đề kiến thức và vấn đề đào tạo nghề nghiệp; trình độ văn hóa và tư duy của quần chúng trong vấn đề phát triển; hợp tác quốc tế ; đóng góp của trí thức Việt kiều, vv.) trong khi ông còn đang phải lo liệu giải quyết nhiều vấn đề « sự vụ » lỉnh kỉnh và khó khăn với những phương tiện giới hạn. Vốn là tôi quen làm việc ở một nước đã có truyền thống khoa học lâu đời, nên tôi ngạc nhiên với cách tổ chức ở ta thời đó : thí dụ như phải là viện trưởng, viện phó, trưởng bộ môn, vv. thì mới được có trách nhiệm khoa học ; hầu hết các đại học đều là đại học nghề nghiệp đào tạo chuyên môn rất hẹp ; sách báo khoa học phương Tây rất ít và ít được sử dụng, trong khi đó những đồng nghiệp nước ngoài đầy thiện cảm rất sẵn sàng...

Nhắc lại vài sự việc cụ thể để minh họa cho nhận xét của tôi về đức độ của ông :

Khoảng gần ngày hoàn toàn Giải phóng miền Nam, tôi có gửi một thư điều trần, kiến nghị việc lập học vị tiến sĩ trong nước, và lập lại việc phong chức vụ giáo sư đại học gián đoạn từ 17 năm trước; tôi nghĩ tới trật tự trong công tác khoa học, tới việc tiếp quản miền Nam.

Mấy tháng sau ngày Giải Phóng, tôi về Hà Nội, gặp ông ; ông kể là khi nhận được thư tôi, ông đem trình bày ở một buổi họp hội đồng Chính phủ thì thấy là Thủ tướng và Bộ trưởng Trần Quang Huy (lúc đó kiêm phụ trách Ban Khoa giáo và Ban Việt kiều Trung ương) cũng đã nhận được thư tôi. Bình thường ra, theo lễ độ thì tôi chỉ nên gửi qua một vị, nhưng tình hình ở ta lúc đó không bình thường. Ông chỉ kể, mà không trách, chứng tỏ là ông thông cảm và khoan dung. Hồi đó, ở ta còn nhiều người mặc cảm, khi nghe cái học vị tiến sĩ và cái danh hiệu giáo sư, thấy cao xa quá, còn ngại rằng ta chưa có trình độ tương xứng. Ông khuyến khích tôi : « Anh đã qua cầu; cố nói cho anh chị em trong nước được hưởng những điều kiện làm việc như ở mọi nơi ». Biết là việc phức tạp, nên sau đó tôi đã phải cố tạo hai thí dụ tiền lệ : tôi yêu cầu mấy đồng nghiệp Pháp ở Đại học Paris 11 mời ông Hoàng Tụy, và mấy đồng nghiệp Pháp ở Đại học Paris 7 mời ông Phan Đình Diệu sang làm giáo sư thỉnh giảng ở các đại học này. Thuở ấy, thủ tục mời làm giáo sư thỉnh giảng ở đại học Pháp rất chặt chẽ, phải qua Hội đồng khoa học toàn quốc Pháp rồi qua các Hội đồng chuyên môn mỗi đại học xét hồ sơ khoa học và biểu quyết. Hai ông Tụy và Diệu vốn là các nhà Toán học có danh, tôi ngỡ rằng chứng minh việc hai ông được đại học Pháp mời như vậy như vậy là đủ. Té ra vẫn chưa đủ, (phần nào lại còn gây phiền cho hai ông, vì có người trách rằng đại học Pháp trả lương quá hậu !). Thuở ấy ở ta, lại còn những tiêu chuẩn kèm theo danh hiệu giáo sư : nhà ở, xe hơi, phiếu Tôn Đản, ... (là những điều mà ở những nước phương Tây không đặt ra). Tôi tiếp tục điều trần, kiến nghị tách rời chức vụ khoa học với những tiêu chuẩn kinh tế... Rồi lại còn vế này nữa: ở ta, quan niệm danh hiệu giáo sư như một « hàm », dường như phong cho cá nhân để thêm vinh. Tôi không thông, vì theo quan niệm chung quốc tế, thì giáo sư là một « chức vụ », gắn với một chỗ làm, với nhiệm vụ công tác rành rọt. Cho nên tôi không đồng tình với việc dùng cụm từ « học hàm giáo sư ». Ông Bửu ôn tồn khuyên tôi nên kiên nhẫn, với tình hình ở ta như vậy, « cứ để tiến hành đợt đầu chót lọt đi đã, rồi sau sẽ sửa ». Ai ngờ việc kéo dài cả mấy năm, thật là gian nan. Tôi còn nhớ ông Trần Quang Huy mấy lần « giải thích » với tôi là công việc này tiến hành chậm trễ không phải chỉ tự nhà cầm quyền, mà còn vì anh chị em trí thức dằng co với nhau. Về việc này, tôi xin miễn bàn. Chỉ xin kể thêm là hè năm 1979, (lúc này ông Nguyễn Đình Tứ đã thay ông Bửu làm Bộ trưởng Đại học từ một thời gian), ông Tứ có nhã ý mời tôi lên Bộ ; ông hỏi tôi : « Như anh đã biết, anh chị em bên sản xuất cũng muốn được phong hàm giáo sư ; anh nghĩ sao ?". Tôi nhắc lại cái ý là giáo sư là một chức vụ giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu, nhưng tôi cũng nói là tôi có thể hiểu cái nguyện vọng của một số cán bộ muốn được hưởng chút danh vọng sau bao năm gian khổ ; dù sao đó cũng là một thứ sức ép của xã hội, cho nên nếu cần phải chịu cái « tiểu tiết » để thực hiện cái « cần thiết », thì tôi cũng cố thông cảm. Thế rồi đợt đầu « phong hàm giáo sư » được tiến hành năm 1980; và sau đó tiến hành thêm mấy đợt, lạc mất ý ban đầu ; còn tôi thì cứ phải lải nhải điều trần mãi cho cái quan niệm « chức vụ » cho đến tận ngày nay.

Lại còn chuyện này nữa: đối với mấy người giáo sư đại học ở miền Nam trước ngày Giải phóng, ở lại không ra đi, tôi đề nghị đặc cách cho họ được giữ cái chức danh giáo sư cũ nếu còn để họ công tác, vì lẽ rằng « nếu tin thì hãy dùng, nếu dùng thì nên tin ». Rốt cục, khi tiến hành mấy đợt phong hàm, cũng bình bàu, cũng hội đồng xét duyệt tuốt tuột, kẻ được người không, sau đó có người bỏ đi, chả biết có phải là chỉ vì đời sống vật chất hay không. Tôi than thở với ông Bửu ; lúc này ông đã nghỉ hưu, ông lặng im, tôi chắc ông không vui. Kể những việc ông quan tâm nâng đỡ anh chị em trí thức như vậy, cũng để mấy anh chị giáo sư trẻ sau này, khi đã áo gấm đai vàng rồi, chớ nên quên ông.

Vào một dịp có một sinh viên Việt kiều thi đỗ được vào một trường lớn ở Pháp, (đỗ đầu trong đám sinh viên nước ngoài trúng tuyển), một số bà con Việt kiều và vài tờ báo trong nước thổi phồng, dường như coi đó là bằng chứng sự thông minh của người Việt Nam. Tôi phàn nàn với ông : người sở tại thi vào trường này, mỗi năm lấy đỗ cả trăm ; sinh viên Việt kiều sống ở Pháp, học hành cũng như người sở tại, đỗ được một người mà khoe rối rít như vậy, tức là tự mình hạ giá mình. Ông bảo : « Nhà báo muốn khích lệ các cháu trẻ cố gắng học hành, cũng như khen ngợi các cháu thi đua quốc tế thành công. Thuở trẻ tôi bơi không chết đuối là may, vậy mà cũng được kể là chiếm kỷ lục đấy ». Té ra từng trải việc đời, xét người, ông rộng lượng hơn tôi nhiều.

Hè năm 1977, tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ hai, tôi làm báo cáo về « Một thí điểm về giảng dạy Toán học có liên quan đến Khoa học xã hội ». Đây là một thí điểm ở Pháp tại hai đại học Paris 5-Paris 7, mà tôi là một trong những người thực hiện . Tóm tắt lại khung cảnh lúc đó : cho tới những năm 1969-1970, trường Đại học Pháp (Université) được tổ chức theo 5 « Khoa » (Facultés) cách biệt : Khoa học (sciences), Y, Dược, Luật-Kinh tế, Văn-Khoa học nhân văn (Lettres-Sciences humaines). Việc đào tạo sinh viên về Toán học chỉ được thực hiện ở « Khoa » Khoa học. Trải qua một số cải cách, tình trạng lúc đó như sau : sinh viên học Toán bắt đầu học 2 năm đầu đại học theo khối Toán-Lý, trong đó ngoài Toán ra, chỉ học Lý ; hết 2 năm đó thì học chuyên Toán lên cao. Một tình trạng như vậy, không thể đáp ứng được nhu cầu, bởi vì ngoài Lý ra, có nhiều ngành khác cần sử dụng Toán. Và trên thực tế, đã thấy nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp Toán vào làm việc ở xí nghiệp, cơ quan thương mại, ngân hàng, hãng bảo hiểm, phòng thí nghiệm,vv. bị gặp khó khăn trong công việc, chưa kể trong vài lĩnh vực của nghiên cứu. Điều này cắt nghĩa tại sao vào thời điểm đó, ngoại trừ Toán học thuần túy, Pháp cần bắt kịp vài nước khác trong lĩnh vực Toán ứng dụng như Toán kinh tế, Toán tài chính, Toán thống kê, Toán sinh,... Vấn đề ở đây, không phải là dạy Toán cho sinh viên học Khoa học xã hội, mà là đào tạo một số sinh viên học Toán có thêm kiến thức cơ bản về một ngành Khoa học xã hội. Nói tóm tắt, thí điểm nói trên chủ yếu thay phần Lý bằng một « Khoa học xã hội » dùng theo nghĩa rộng ở Pháp (bao gồm Xã hội học, Tâm lý học, Kinh tế, Ngôn ngữ học, ...). Thí điểm đó, thực hiện trong khung cảnh Pháp vừa chuyển hình thức Universités tổ chức theo các Facultés thành các Universités pluridisciplinaires (đa khoa kết hợp) ; với một nhúm sinh viên lúc đầu, từ đó đến nay đã thu hút hàng vạn sinh viên trong nhiều trường đại học trên đất Pháp, đào tạo ra một số chuyên gia đáp ứng cho một khoảng nhu cầu của xã hội. Thời đó, tôi ngỡ rằng một thí điểm như vậy lẽ ra cũng có thể phù hợp cho một nước mà nền công nghiệp còn phôi thai, và nền kinh tế phần nào có thể dựa trên « khu vực dịch vụ và thương nghiệp » mà phát triển. Bản báo cáo của tôi năm đó, chẳng được ai chú ý, trừ ông Bửu. Ông chăm chú nghe và ghi chép, ông hỏi cặn kẽ chương trình, số giờ các môn, phương cách giảng dạy, cách tuyển sinh theo hồ sơ, kết quả ban đầu, ... Tôi nghĩ rằng không chỉ vì ông xã giao lịch sự đối với tôi. Ông biết giá trị của cái mới.

Còn một số việc mà tôi đã bao lần trao đổi với ông, thế mà sau khi ông mất đi vài năm, mới giải quyết được, mà lại là giải quyết bằng con đường vòng bất đắc dĩ. Chắc bà con chưa quên vấn đề lý lịch trong việc học và vấn đề thêm điểm thi cho các học sinh thuộc một số thành phần, còn tồn tại 13 năm sau ngày Giải phóng. Việc cải cách giáo dục đại học quá chậm, nếp cũ đã quen, hướng đi lại không rõ. Vì thế trong một thư đề ngày 2/4/1988, gửi cho 5 anh chị Phan Đình Diệu, Bùi Trọng Lựu, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Tụy, tôi khơi ý với các anh chị đứng ra làm đơn xin thành lập một cơ sở đại học « dân lập ». Một mặt tôi viết thư gửi các vị lãnh đạo ở các cấp cao nhất trong nước để trình bày vấn đề, một mặt vợ chồng tôi cùng một số người quen, bạn bè và hội đoàn đóng góp tài trợ để cơ sở này có ngân quĩ tồn tại vài năm. May gặp vào thời đầu đổi mới, các cấp lãnh đạo cao nhất trong nước đồng ý cho phép, và ông Võ Nguyên Giáp lúc đó đang là Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng lại đặc biệt ủng hộ, nên việc mới thành. Và Trung tâm đại học « dân lập » Thăng Long đã ra đời vào cuối năm 1988, với những đặc điểm sau đây : đào tạo những sinh viên có trình độ đại học theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm phục vụ cho các cơ sở nhà nước hay các thành phần kinh tế khác của đất nước ; tuyển sinh theo khả năng học của sinh viên và không có vấn đề lý lịch (học phí lúc đó được trợ cấp nên rất rẻ ; đối với những sinh viên có gia cảnh eo hẹp, chỉ có nâng đỡ về mặt miễn phí hoặc cho học bổng) ; chương trình giửng dạy thể hiện cả hai mặt « kiến thức » (mang lại cho sinh viên những hiểu biết khoa học cơ bản đủ rộng để có khả năng suy luận) và « nghề nghiệp » (mang lại cho sinh viên những kỹ thuật chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu về nghề nghiệp) ; minh họa cho một chiến lược mới (mở rộng việc học để nâng cao dân trí, có « kho dự trữ trí tuệ » cần thiết cho sự « tuyển dụng » cán bộ theo tài năng, khác với chính sách « phân phối công tác » với những khuyết điểm của nó). Thuở đó, báo chí và các phương tiện truyền thông nước ngoài đưa tin, coi như là một trong những bằng chứng của đổi mới ở Việt Nam. TTĐH Thăng Long đã sinh hoạt từ 1988 đến 1992 theo hướng đó, trước khi uốn sang hướng khác khi chúng tôi thôi không còn tham dự. Mỗi khi nghĩ đến ông Bửu, tôi lại đặt câu hỏi « ông nghĩ gì về thí điểm này nếu ông còn sống? ». Và tôi lại « mơ » ra câu trả lời: chắc cũng như tôi, ông vừa lòng hơn nếu như thí điểm này đã được thực hiện sớm hơn và ngay trong hệ trường « công lập »...

Tưởng nhớ ông, tôi nhắc lại chuyện xưa.

Theo tôi, ông thật là thuộc loại người đã biết chọn đúng con đường phải đi; đóng góp cho tập thể thì rất nhiều, đòi hỏi cho bản thân thì rất ít; biết khoan dung mà không nhân nhượng; nhìn xa biết rộng bởi vì biết lắng nghe; giữ được trọn vẹn trong sáng cho đến cùng.

Hồi ông mất, nhiều người thương tiếc. Riêng đối với tôi, ông ra đi, đã để trong lòng tôi một niềm xót xa : chẳng những vì tôi mất đi một người « tri âm », mà cũng vì trong ngành giáo dục đào tạo, ông chưa kịp thấy thực hiện một số việc lẽ ra trong tầm tay, nếu không có những ràng buộc đâu đâu.

Viết vào cuối năm 1999.



(*) Chú thích:

Thí điểm đó bao gồm cái DEUL Mathématiques et Sciences Humaines chung cho hai đại học Paris 5 và Paris 7, (sau trở thành cái filière nationale MASS ngày nay với DEUG, Licence, Maitrise cho toàn nước Pháp), cái Maitrise de sciences et techniques Informatique et Statistique pour les Sciences Humaines, và cái DEA và Doctorat Mathématiques et Application aux Sciences de l‘Homme của đại học Paris 4 và đại học Paris 5.





**********

Tài liệu 9.2



Ông Trần Đại Nghĩa,

hình ảnh một thế hệ Việt kiều

(Bài của Bùi Trọng Liễu viết từ những tài liệu năm 1983)

Tôi được gặp ông Trần Đại Nghĩa nhiều lần, và trong quan hệ, cũng có dịp được trao đổi thân mật với ông trên nhiều vấn đề. Ở đây, tôi chỉ xin kể lại lần cuối cùng tôi gặp và tiếp ông ở Pháp.

Đầu tháng 10 năm 1983, nhận lời mời chung của Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Pháp, của Comité pour la coopération scientifique et technique avec le Vietnam, và của Fédération mondiale des travailleurs scientifiques, ông Trần Đại Nghĩa (tên thật của ông là Phạm Quang Lễ), lúc đó đang là chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam lại sang thăm Pháp. Kể từ ngày ông theo Hồ Chủ tịch về nước tham gia kháng chiến năm 1946, đây là lần thứ hai mà ông Trần Đại Nghĩa lại trở lại Pháp, nơi ông đã từng học và làm việc trong mười một năm, lúc còn là Việt kiều. Lần trước ông sang vào năm 1965, giữa lúc nước ta còn đương có chiến tranh với Mỹ. Nhân dịp ông sang Paris lần này, Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tại Pháp đã tổ chức một buổi mạn đàm và gặp gỡ với ông ngày 12/10/1983. Mặc dầu bị giới hạn bởi thời giờ, song buổi gặp gỡ đã diễn ra trong thân mật và thẳng thắn không khách khí. Nhiều câu hỏi đã được anh chị em nêu lên, chủ yếu về hướng giải quyết những khó khăn lúc đó về mặt kinh tế ở trong nước, và có người yêu cầu ông « dự báo » về tình hình phát triển kinh tế trong những năm tới. Ông đã trả lời tóm tắt như sau : « Tôi tin tưởng rằng tình hình kinh tế của nước ta sẽ lên thôi, nhưng nhanh hay chậm là tùy ở mỗi người có cố gắng làm việc hết sức mình, trong phạm vi công tác của mình hay không ».



Nhưng phần lý thú và đáng ghi nhớ nhất của buổi mạn đàm là những mẩu chuyện mà chính ông Trần Đại Nghĩa đã kể về cuộc đời du học và hoạt động khoa học của ông để phục vụ lý tưởng của đời mình là nhìn thấy đất nước được giải phóng. Đấy là những mẩu chuyện của một cuộc đời đáng được các thế hệ sau suy ngẫm, như tôi có nói khi giới thiệu ông với cử tọa hôm đó:

« Cuộc đời của anh chính là cuộc đời phù hợp với một bức chân dung lý tưởng của người Việt kiều trước đây: du học để tiếp thụ những gì cần thiết cho đất nước, rồi trở về hòa mình với nhân dân trong nước, đem trí tuệ, đem tài năng, công sức tham gia chiến đấu và xây dựng, cống hiến cho tập thể thì rất nhiều, đòi hỏi cho bản thân thì rất ít, và luôn luôn thủy chung giữ trọn vẹn niềm ước mong tốt đẹp nhất cho đất nước Việt Nam. Ngày nay, mặc dù bối cảnh có khác, môi trường sống của Việt kiều có thể thay đổi so với trước, những hình thức đóng góp với đất nước trong hòa bình có thể không hoàn toàn giống trước đây, nhưng cuộc đời chiến đấu của anh vẫn là tấm gương sáng cho anh chị em thanh niên Việt kiều ngày nay, và nói rộng hơn, cho những thế hệ mai sau ... »

Dưới đây là nguyên văn lời ông Trần Đại Nghĩa kể hôm đó (do Văn Ngọc ghi lại trong bài đăng trên báo Đoàn Kết số 353, tháng 11/1983):

Năm lên 10 tuổi - ông Trần Đại Nghĩa kể - hàng ngày tôi được chứng kiến những cảnh nghèo khổ cơ cực của người dân ta bị bọn thực dân đô hộ chà đạp và bóc lột. Cụ Phan Chu Trinh mất vào năm tôi 13 tuổi (1926). Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổi lên (1930), lúc đó tôi đương học trường trung học Pétrus Ký. Từ năm 1930 dến 1933, học ở Pétrus Ký, tôi bắt đầu để ý nghiên cứu lịch sử Việt Nam và sau đó rút ra kết luận rằng: « Tổ tiên ta rất anh dũng, nhưng từ ngày bị đô hộ, đặc biệt; từ năm 1858 trở đi thì không biết bao nhiêu cuộc nổi dậy của các nhà cách mạng Việt Nam đều thất bại hết do thiếu tri thức khoa học và vũ khí cần thiết ». Với những dáo mác, súng ống thời Trung cổ, triều đình Huế đã không địch lại được tàu chiến và súng ống tối tân của Pháp khi họ vào chiếm cảng Đà Nẵng. Lúc này, tôi đã tự vạch được ra cho mình con đường là « làm sao tham gia được vào cuộc đấu tranh cách mạng về khoa học kỹ thuật », nghĩa là làm sao nắm khoa học kỹ thuật, để đem nó vào phục vụ cuộc đấu tranh của đồng bào. Ý định đi Pháp du học của tôi cũng bắt đầu từ đó.

Năm 1933, tôi đỗ đầu cả hai khoa thi tú tài tây và tú tài bản xứ. Chánh quyền thuộc địa chỉ cho phép tôi ra Hà Nội học, tôi từ chối không đi. Làm thư ký hai năm, sau đó tôi được học bổng của Hội ái hữu Chasseloup Laubat để đi Pháp học một năm. Sang Pháp, tôi học trường trung học Louis-le-Grand, phải nhẩy một lớp vì học bổng chỉ được có một năm và chưa chắc đã được năm thứ hai. Tôi vào học lớp Mathématiques Spéciales, cũng may năm đó thi đỗ ngay vào trường Ponts (Ponts et Chaussées, tức là trường Cầu Đường, một trường kỹ sư lớn của Pháp). Như vậy là Bộ thuộc địa cho tôi học bổng để học tiếp.

Tôi còn nhớ, trên đường sang Pháp du học, đi qua kênh Suez, thấy quân đội Ý chiếm đóng xứ Ethiopie, tôi dự báo: thế nào cũng sẽ xảy ra chiến tranh thế giới và nghĩ rằng lúc đó các dân tộc thuộc địa sẽ có cơ hội để nổi dậy đấu tranh. Như vậy là tôi đã chuẩn bị ngay từ trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai và tôi quyết tâm học hỏi về vũ khí.

Sống ở Pháp trong 11 năm, tôi luôn luôn làm việc 16 giờ một ngày. Thứ bảy, chủ nhật, trong khi người ta đi chơi, tôi ở nhà miệt mài đọc sách có khi suốt đêm để sáng hôm sau còn kịp trả sách đi mượn của người ta.

Qua cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, tôi đã quan sát và học hỏi nhiều với mục đích làm tròn nhiệm vụ của mình sau này. Sau tôi thấy học vũ khí không không đủ mà còn phải biết về chiến thuật, và tôi đã tìm hiểu cả hai chiến thuật của Pháp và của Đức. Không biết tiếng Đức, tôi đã phải học tiếng Đức qua một quyển tự vị và đã học trọn 4000 từ cần thiết trong hai tháng nghỉ hè, để có thể đọc được.

Đầu năm 1946, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do anh Phạm Văn Đồng dẫn đầu, đến Pháp để dự Hội nghị Fontainebleau. Rồi tháng bảy 1946, Bác Hồ sang Pháp. Cùng với bà con Việt Kiều, tôi đi đón Bác ở phi trường Le Bourget. Sau đó, tôi được gặp Bác nhiều lần, cho đến ngày 8-9-1946, Bác cho tôi biết là Hội nghị Fontainebleau không thành công và Bác nói: « Bác về nước, chú chuẩn bị về với Bác, hai ngày nữa ta lên đường ». (Lên đường về nước với Bác chuyến ấy còn có bác sĩ Trần Hữu Tước và hai trí thức Việt kiều nữa ...).

Ngày 10-9-1946, chính phủ Pháp dành riêng cho Bác một chuyến tàu đặc biệt và chúng tôi được đi theo Bác. Sáng hôm sau 7 giờ, tới Marseille, trời tốt, anh em rủ nhau đi chơi cả, trên tàu chỉ còn một mình Bác và tôi. Tôi nhớ Bác chỉ hỏi tôi có hai câu. Câu thứ nhất: « Bây giờ ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu nổi không? ». Tôi trả lời là tôi chịu được. Câu thứ hai Bác hỏi: « Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu, liệu chú có làm được việc không? ». Tôi nói với Bác: « Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị 11 năm rồi và tôi tin tưởng là làm được ». Bác chỉ hỏi có bấy nhiêu thôi.

Chiếc tàu chiến của Pháp chở chúng tôi từ Toulon về Hải Phòng lênh đênh trên mặt biển đúng 40 ngày! Chúng tôi đi trên tàu trong bụng rất lo mà không dám nói với Bác, chỉ sợ nhỡ tình hình căng thẳng như thế, ở nhà kháng chiến trước, chúng bắt tù binh cả Bác Hồ, thì rồi làm ăn ra sao? Bác thì ngược lại, rất bình tĩnh.

Đến cảng Hải Phòng, gặp anh Võ Nguyên Giáp đến bắt tay mừng rỡ nói: « Ở nhà đang chờ đợi anh. Rất mừng là anh được về với Bác ». Tôi nói « Xin cám ơn anh », vì tôi nghĩ ở nhà trông mong, nhưng tôi đã làm được gì đâu!

Thế là tôi đi 11 năm, về tới Hà Nội, chỉ được nghỉ có 7 ngày, rồi phải lên ngay Thái Nguyên nghiên cứu làm đạn chống tăng. Lúc bấy giờ, ý đồ của quân đội viễn chinh Pháp là dùng xe tăng và thiết giáp để chiếm một chỗ dựa, từ đó quét rộng ra.

Lúc đó anh Tạ Quang Bửu có mang lên một khẩu súng ba-dô-ka của Mỹ và 2 viên đạn. Anh cho bắn thử vào một mỏm đá, thấy là tốt, rồi anh trao lại cho tôi khẩu súng và viên đạn còn lại để nghiên cứu sản xuất. Thật sự mà nói, muốn sản xuất viên đạn đó, ngay với điều kiện hiện nay của Việt Nam, cũng khó mà sản xuất được, huống hồ năm 1946. Do đó, chúng tôi đã phải nghiên cứu làm với những điều kiện lúc bấy giờ và chỉ ít lâu sau, chúng tôi đã chế tạo thành công những viên đạn và những khẩu súng ba-dô-ka Việt Nam đầu tiên.

Trong lúc đó, Pháp đã cho hải quân bắn phá Hải Phòng. Cuối tháng 11-1946, Bộ Quốc phòng gọi tôi về Hà Nội. Ngày 5-12-1946, Bác Hồ gọi tôi lên Bắc bộ phủ. Vừa thân mật, vừa rất trịnh trọng, Bác nói: « Kháng chiến sắp đến nơi rồi, bữa nay tôi gọi chú lại để giao cho chú nhiệm vụ làm cục trưởng Cục quân giới », một điều làm tôi rất xúc động, vì có một nước nào mà một vị lãnh đạo tối cao, một vị chủ tịch của một nước lại trực tiếp giao nhiệm vụ cho nguời cục trưởng, thực ra chỉ là một chức vị nhỏ bé thôi. Rồi Bác bảo tôi: « Kể từ nay, tôi đặt tên chú là Trần Đại Nghĩa để giữ bí mật cho chú và bảo vệ cho gia đình bà con chú còn ở trong Nam ». Rồi Bác nhắc lại cho tôi những kinh nghiệm về chiến tranh thế giới và bảo tôi rằng : « Tôi chắc chú sẽ làm tròn nhiệm vụ ». Hai tuần sau, kháng chiến toàn quốc bùng nổ.

Lúc bấy giờ, chúng tôi mới chỉ sản xuất được có hai khẩu ba-dô-ka và 10 viên đạn. Bắn thử 3 viên thì thấy đều tốt cả. Anh Phan Mỹ bảo cứ đưa 2 khẩu súng và 7 viên đạn rồi sản xuất tiếp, vì tình hình lúc đó gấp lắm rồi. Quân đội Pháp bị ta giữ lại trong Hà Nội 2 tháng, khi đổ ra chùa Trầm, bị ta dùng 2 viên đạn ba-dô-ka tiêu diệt luôn 2 xe tăng, làm chúng hoảng hốt chạy tuốt luôn về Hà Nội. Trên đường lên Tuyên Quang, giữa đường tôi gặp anh Võ Nguyên Giáp, anh Giáp mừng nói: « Thật may quá, có mấy viên đạn của các anh, chứ không nó bắn vào dân thì rồi lại thiệt hại không biết bao nhiêu ! ».

Phía Pháp, lúc đó họ nêu lên rằng chiến dịch Thu-Đông (1947-1948), đối với họ không khác gì trận Stalingrad của Liên Xô! Qua thực tế, họ đã thấy rằng không thể thắng được, mặc dầu trong Nam họ mạnh hơn. Thời kỳ « thắng Việt Nam » của họ đã qua, đến giai đoạn cầm cự.

Do mình có ba-dô-ka, phía địch cho xây các lô-cốt bê-tông dày 1 mét. Lúc đó ba-dô-ka bắn không xuể nữa. Chúng tôi bắt đầu sản xuất các loại súng cối nặng, dùng bình ô-xy làm nòng súng. Cuối cùng, chúng tôi đã chế tạo được thành công loại đại bác không giật SKZ. Đến chiến dịch biên giới, tôi được giao nhiệm vụ cục trưởng Cục pháo binh ...

Kịp đến chiến dịch Điện Biên phủ, lúc này quân ta đã thành thạo về pháo binh lắm rồi, nên không lấy gì làm lạ là khi đánh, pháo binh của ta đã hơn hẳn pháo binh của Pháp, đến nỗi người chỉ huy pháo binh của Pháp phải tự sát.

Đầu năm 1966, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, tôi lại được mời ra làm việc ở Bộ Quốc phòng. Lúc đó tôi vừa công tác ở Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, lại vừa ở Bộ Quốc phòng.

Lúc này, Bác cũng vẫn thường căn dặn chúng tôi « Phải bảo vệ nhân dân » và chúng tôi làm theo lời Bác dặn. Chúng tôi đã phổ biến áp dụng những phương pháp bảo vệ cần thiết: trước hết là sơ tán, rồi đến nghi trang, ngụy trang và đào công sự. Nhờ phổ biến được những kiến thức này trong nhân dân mà ta đã hạn chế được rất nhiều tổn thất và đã làm cho Mỹ phải điêu đứng và vô cùng tốn kém trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Như vậy là trong cả hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, đại diện cho anh chị em khoa học kỹ thuật, chúng tôi đã cố gắng cùng giai cấp công nhân, toàn dân, toàn quân, làm tròn nhiệm vụ của mình.

Tháng 5 năm 1948, tôi được phong quân hàm cấp tướng và đến năm 1954, tôi được bàu làm anh hùng lao động. Năm 1966, tôi được bàu làm viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Sau ngày giải phóng miền Nam, Hội đồng Chính phủ ra nghị định lập Viện Khoa học Việt Nam và tôi được chỉ định làm viện trưởng.

Ngày 30-4-1975, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong nhật ký, tôi ghi: « Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cuộc đời của tôi rồi ».

Đến đấy, ông Trần Đại Nghĩa dừng lại, rồi kết luận bằng câu: « Bây giờ tôi như cái máy đã khấu hao, có dùng là dùng cái thừa thôi ! ». Câu nói vui, nhưng vào thời điểm đó, nghe sao như đượm chút buồn bã?

Cuối cùng, ông lấy trong ví ra một tờ giấy, đọc một bài thơ ghi trên đó. Đó là bài thơ mà nhà toán học Phan Đình Diệu tặng ông hôm Viện Khoa học tổ chức tiễn ông nghỉ hưu thôi chức viện trưởng. Ông đọc bài thơ mà nước mắt đầm đìa, ai cũng cảm động. Bài thơ đó (đầu đề là « Tặng Anh ») như sau:

« Nghĩa lớn » gọi về với nước non,

Buồn vui đã trải cuộc vuông tròn.

Rèn tài văn võ thời phiêu bạt,

Gánh việc giang sơn thuở mất còn.

Tình nặng, ấy chưng tình đất nước,

Nghiệp đời há kể nghiệp vàng son!

Gốc thông đứng thẳng dầu mưa nắng,

Để gió lành reo ngát nước non.

Tám câu thơ tóm tắt được những nét chính của một cuộc đời!

(Ông Trần Đại Nghĩa mất năm 1997).







**********

Tài liệu 9.3


Vài lời về anh Henri VAN REGEMORTER

(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trong Diễn Đàn số 125,

tháng 1/2003).



Tóm tắt tiểu sử: ông Henri Van Regemorter (1925-2002), gốc Bỉ Do Thái, sang Paris du học rồi định cư luôn ở Pháp và nhập quốc tịch Pháp, là một nhà vật lý thiên văn xuất sắc, directeur de recherche (giám đốc nghiên cứu) ở Trung tâm nghiên cứu khoa học (CNRS) của Pháp. Ông là người bạn thân thiết và thủy chung của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, giải phóng dân tộc. Thuở đầu thập niên 1950, ông hoạt động trong « Uỷ ban chống thực dân » của sinh viên Pháp. Vào khoảng năm 1966, ông là người thúc đẩy thành lập Collectif Universitaire đoàn kết với Việt Nam, Lào và Campuchia, một thứ ủy ban liên công đoàn tập hợp các nghiệp đoàn giáo chức đại học và Liên hiệp sinh viên Pháp. Uỷ ban này đã tổ chức các cuộc họp và mít tinh đầu tiên ở Đại học Paris lên án chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, như cuộc mít tinh lớn « Sáu giờ vì Việt Nam » với sự tham gia của các trí thức danh tiếng như nhà triết học Jean-Paul Sartre, nhà vật lý A.Katsler (giải thưởng Nobel), nhà Toán học Laurent Schwartz (huy chương Fields), ... Và cuối cùng, ông là người sáng lập ra Uỷ ban Hợp tác về Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam.

Anh Henri Van Regemorter, chủ tịch của Comité pour la Coopération Scientifique et Techniques avec le Viêt Nam (CCSTVN, Uỷ ban Hợp tác về Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam), không còn nữa, nhưng đối với những người thuộc lứa tuổi chúng tôi và quan tâm đến vấn đề Việt Nam, không mấy ai quên được tên anh, người bạn thân thiết và thủy chung của Việt Nam trong những ngày khói lửa cũng như trong những năm đổi mới gần đây. Ở đây, tôi chỉ xin nói tới Henri chủ yếu trên diện hợp tác khoa học kỹ thuật.

Tôi quen anh chưa lâu lắm - non 40 năm thôi - vào cái thời Mỹ rục rịch ném bom miền Bắc. Do công tác phong trào, tôi gặp và làm việc với anh luôn. Vào thời ấy, « cái cửa » nhỏ xíu cho trí thức mà miền Bắc ngỏ được sang phương Tây cũng chỉ qua một nhúm người chúng tôi, chẳng có sự phân biệt Việt kiều hay bạn nước ngoài, và dù chính kiến không giống nhau (anh Henri là người cộng sản, tôi thì không) ; có lẽ vì thế mà anh thân với Việt Nam tới mức mà có người gọi đùa anh là vietnamien associé (người Việt liên kết). Rồi chiến tranh lan rộng, anh luôn luôn là một trong những người chủ chốt trong phong trào ủng hộ sự nghiệp giải phóng của Việt Nam, đặc biệt là trong « khía cạnh » trí thức (mà tôi đã có dịp kể, như trong bài tôi viết về ông Laurent Schwartz, Diễn Đàn số 121). Rồi những năm sau đó, anh là người khởi xướng thành lập Ủy Ban Hợp tác về Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam (CCSTVN), mà những mục tiêu chính là thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ, tham gia việc hợp tác về khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam và Pháp, trong giáo dục đại học, trong nghiên cứu, trong đào tạo kỹ thuật, trong nghiên cứu phát triển. Tuy là một hội đoàn, Ủy Ban này đã góp phần vào việc hình thành của sự hợp tác chính thức giữa hai nước, và trong một khoảng thời gian dài, đã đóng vai trò môi giới giữa nhiều cơ quan nghiên cứu, cũng như giữa nhiều đại học Pháp và Việt, và đã tham gia vào nhiều đề án. Anh Henri liên tiếp làm chủ tịch Ủy Ban này từ ngày thành lập cho đến ngày anh mất. Ảnh hưởng của Ủy Ban này lan ra các nước khác, thí dụ như ở Mỹ, với sự thành lập US Committee for Scientific Cooperation with Viet Nam mà chủ tịch đầu tiên là (cố) giáo sư E.Cooperman, một người bạn khác của Việt Nam.

Trong chuyên môn, Henri và tôi không cùng ngành. Nhưng trong giao dịch với Việt Nam một thời, anh và tôi được quen biết và giao dịch với cũng từng ấy người đối tác : Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, ông Lê Khắc, Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy Ban khoa học và Kỹ thuật Nhà Nước, vv. và những nhà khoa học như các ông Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, vv. cho nên anh thường tâm sự với tôi nhiều điều. Xin cho tôi được nhắc lại đây vài kỷ niệm nhỏ, cũng là một cách ghi lại vài nét về anh. Anh vốn độc thân, nên trong cái khoảng thời gian giao dịch chung, thường khi tiếp ai từ Việt Nam qua, vợ chồng tôi soạn cơm ở nhà, còn anh nhận phần đi đón khách đưa lại nhà tôi rồi lại đưa khách về. Có một lần, có một vị khách không lịch thiệp lắm, hẹn rồi mà mải đi chơi, quên mất ; anh ngồi đợi ở nhà khách Sứ quán hơn 2 tiếng đồng hồ không được, lỡ bữa cơm nhà tôi, mà anh cũng không giận. Cũng có lần có vị khách ăn cơm xong, mệt quá, cần nghỉ trưa, anh cũng kiên nhẫn vui vẻ ngồi đợi. Thời giờ anh dành cho Việt Nam là như thế. Vào một lần có cuộc mít tinh chung để mấy nhà khoa học Pháp vừa đi Việt Nam về tường thuật lại những sự chứng kiến của họ về tình hình, tôi được trao nhiệm vụ giới thiệu, còn anh thì đóng vai trò hướng dẫn thảo luận. Anh thì khăng khăng ép tôi giới thiệu theo thứ tự tên A,B,C, ... cho bình đẳng, còn « phía ta » thì muốn trọng người cao tuổi có danh vọng là giáo sư A.Kastler, giải thưởng Nobel Vật lý. Việc này làm tôi điên đầu suy nghĩ, rồi rốt cục, tôi trình bày với cử tọa là tôi giới thiệu theo ngành, và bắt đầu bằng Vật lý, vì ông Kastler vần K, trong khi nhà vật lý thứ nhì trẻ tuổi, thì tên vần L ; sau giới thiệu đến ngành Sinh học, rồi Địa lý, vv. Kể vậy để nói rằng không phải lúc nào cũng dễ thuyết phục anh, nếu như không tìm được lý lẽ mà anh cho là « hợp lý ». Một lần tình cờ anh và tôi cùng gặp nhau ở khách sạn ở Hà Nội ; tôi hỏi anh trong phòng anh có nước không (đó là cái thời còn hay tắt điện, tắt nước, mà có nước thì cũng giống như màu nước sông Hồng ngày lũ), anh cười bảo tôi : có nước, mà cũng chẳng cần bước vào thùng tắm, cứ đứng ngoài mở vòi thì cũng tắm được rồi (ý nói là ống nước thủng, mở vòi thì nước phun tung tóe cả ra sàn). Lần chót mà chúng tôi tình cờ cùng ở Hà Nội là hè 1981 ; gặp tôi ở hành lang khách sạn, anh hỏi : « Đi đâu vậy ? ». Tôi kể là Chủ tịch Phạm Văn Đồng mời cơm riêng (lúc đó, không gọi là Thủ tướng, mà là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng). Anh bảo : « Tao cũng muốn gặp Chủ tịch Phạm Văn Đồng, nhưng chả biết Chủ tịch có biết tao đang ở Hà Nội không. Tao có việc đáng nói. Mày có cách nào thu xếp? ». Tôi trả lời : « Để xem ... ». Cuối bữa, sau khi đã trình bày xong công việc của tôi, tôi nói : « Anh Henri cũng mới tới Hà Nội ; tôi nghe anh ta kể là có việc muốn nói với bác ». (Đó là việc ông Chevènement lúc đó là bộ trưởng quốc vụ khanh, phụ trách nghiên cứu khoa học và công nghệ trong Chính phủ Pháp, ngỏ ý muốn sang thăm Việt Nam ; ông ta vốn ủng hộ Việt Nam từ thuở còn là sinh viên và chống chiến tranh ngay từ đầu). Ông Đồng bảo : « Henri cũng đang ở đây à? [...] ». Tôi về khách sạn, bảo Henri : « Giải quyết việc cho mi rồi đấy ». Rồi hôm sau có xe đón anh lên làm việc ... Sự trao đổi tương trợ giữa anh và tôi thường là như vậy.

Từ năm đó, do sức khỏe, tôi không có dịp về nước nữa, nhưng anh thì năm nào cũng đi Việt Nam. Nước nhà mở cửa, việc giao dịch giữa người trong nước với người nước ngoài dễ dàng hơn và trực tiếp, khỏi cần trung gian ; khách qua lại thăm hỏi trở thành hiếm, hay không còn nữa. Cũng là việc tất nhiên. Anh và tôi không còn chung làm việc, nhất là từ ngày tôi thôi công tác hội đoàn. Còn anh vẫn lặn lội với sự hợp tác, và chúng tôi vẫn thường trao đổi qua điện thoại. Hình như năm ngoái chính quyền nước nhà có tặng anh « Huy chương Hợp tác », nhưng tôi không thấy anh kể. Đất nước ta đổi mới, kinh tế đi lên, cuộc sống vật chất dễ dàng hơn trước nhiều ; tuy mừng cho đất nước ta nhưng hình như trong anh có một niềm ưu tư, có lẽ vì xã hội ta đã thay đổi, tâm tư, nguyện vọng, phong thái của một số người Việt Nam cũng đã thay đổi, không hoàn toàn giống như hình ảnh mà anh ước mơ thuở trước.

Mới đây, trong buổi chiêu đãi nhân dịp Chủ tịch Trần Đức Lương thăm Pháp, tôi không thấy anh. Hỏi, mới biết sức khỏe anh giảm đột ngột. Hôm sau, tôi gọi điện hỏi thăm, anh còn vui vẻ, bảo rằng anh không đến vì anh sợ ngã, mà anh lại không muốn « như diễn kịch trước mắt mọi người » ; anh kể là cái chân phải của anh đã chết, nhưng anh còn gượng dùng tay phải để chỉ huy nó. Tôi ngỏ ý muốn đến thăm, anh lạc quan hẹn khoan mươi bữa để cho sức khỏe anh khá lên đã, vì anh mới đổi thuốc. Thế rồi anh mất mấy hôm sau ...

Để kết luận về người bạn vong niên này (anh hơn tôi gần mười tuổi), tôi muốn nói rằng anh có phong thái của một bậc trượng phu như người Việt Nam ta thường hình dung trong sách vở : xả thân, vị tha, hào hiệp, tín nghĩa, thủy chung ... Đó là hình ảnh mà tôi giữ về anh. Còn lại chỉ là tiểu tiết.

8/12/2002









**********

Tài liệu 9.4
Vài lời về ông Laurent SCHWARTZ

(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trên Diễn Đàn số 121 tháng 9/2002).

Tóm tắt tiểu sử : ông Laurent Schwartz (1915-2002), giáo sư Đại học Paris và Ecole Polytechnique, là một trong những nhà toán học nổi danh của thế kỉ 20, huân chương Fields. (Trước khi có giải Abel, thành lập từ 2003, huân chương Fields - hạn chế ở tuổi dưới 40 - được coi như giải Nobel về Toán. Tương truyền là ông Nobel không đặt giải về Toán vì « vợ » ông bị nhà toán học Mittag-Leffler ve vãn ; có điều là ông Nobel chưa hề bao giờ cưới vợ, có thể đó là một bà nhân tình). Ông Schwartz là một trong những nhà trí thức Pháp nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thể hiện cụ thể qua vai trò của Tòa án quốc tế Russell, của các cuộc mít tinh « Sáu giờ vì Việt Nam », của Comité National Viêt-Nam, trong thời gian chiến tranh chống Mỹ. Ông cũng là người luôn luôn quan tâm đến sự phát triển khoa học của Việt Nam …

Chuyện ông Laurent Schwartz với Toà án Russell và Comité National Viêt-Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ, việc ông gặp Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vv. đã có người khác kể. Tôi chỉ xin đề cập đến những sự việc mà tôi ít nhiều liên quan.

Khi nhận được cuốn hồi ký của ông (« Un mathématicien aux prises avec le siècle », nxb Odile Jacob, 1997), với câu ông đề tặng (« [...] với những kỷ niệm về những công việc chúng ta đã cùng làm cho Việt Nam »), tôi gọi điện để cảm ơn ông ; ông hỏi có điều gì viết nhầm liên quan đến tôi không, tôi trả lời là có hai điều : ông đã ghi nhầm nơi tôi đang làm việc, và nhầm về địa điểm một buổi họp. Ông cười bảo tại viết lúc đã cao tuổi, lại nhiều sự việc không ghi hết nên nhớ sai. Mà quả là, chỉ riêng vấn đề Việt Nam, cũng đã nhiều sự việc trải qua đời ông. Tôi lấy sự việc kể trên để mào đầu cho mấy câu chuyện sau đây :

Trước khi chuyển về Paris, tôi có một thời hơn sáu năm làm giáo sư đại học Lille và là đồng nghiệp của bà vợ ông, mà trước đó, bà lại là giáo sư ở Reims, nên ông nhầm. Vào lúc bắt đầu Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, một bữa tôi nhận được thư của bà Hoàng Xuân Sính (1) từ Hà Nội, yêu cầu tìm cho bà mấy tập kỷ yếu xê-mi-na về « Thuyết phạm trù » của ông C. Chevalley, cũng là nhà toán học nổi danh. Tôi không quen ông này nên nhờ bà Schwartz hỏi hộ. Từ bà sang đến ông, từ ông sang đến ông Chevalley, rồi lan sang đến người khác, các ông bà ngạc nhiên hỏi tôi sao dưới bom đạn như vậy mà vẫn còn một đời sống khoa học, vẫn có người nghiên cứu, vẫn có người soạn luận án ... Các ông bà đề nghị hỗ trợ sách báo, tài liệu, dụng cụ vv. để đời sống khoa học tiếp tục tồn tại và phát triển dưới bom đạn, (mà theo tôi, nó chứng tỏ một sự quyết tâm tồn tại trước sự áp đảo của kẻ cậy mạnh). Đây quả là một hình thức đấu tranh tinh tế (subtil), nhẹ nhàng nên dễ huy động đông đảo, góp phần tuyên truyền đấu tranh cho hoà bình, mà lại thực tế. Nhưng cũng phải nói là thuở ấy, không ít người Việt Nam, vì tự hào dân tộc hoặc vì sự cấp bách của thời cuộc, cho rằng đó là sự phù phiếm (2). Không tìm được một « ô dù », tôi đành tự lấy quyết định nhận lời đề nghị của mấy ông bà kể trên – nhận lời « trong run rẩy ». Phong trào ấy lan ra các nước, và diễn biến ra sao, chắc khỏi cần nhắc lại, ...

Tháng 8 năm 1970, sau mấy tuần làm việc trong nước, tôi trở về Pháp. Trước khi rời Hà Nội, tôi được dặn là thay mặt anh chị em toán học trong nước tại Hội nghị quốc tế Toán học ở Nice. Tôi hỏi : nếu các bạn năm châu bốn biển hỏi tại sao trong thời cuộc như vậy mà lại vắng mặt của một đoàn Việt Nam, thì tôi trả lời thế nào? Tôi được « giải thích » là : thiếu gì cách trả lời! Tôi vì tinh thần kỷ luật mà nhận, nhưng nói thật ra thuở ấy trong bụng tôi rất « ớn » việc bị trao nhiệm vụ « quái ác » này cho tôi. Đến Nice, tôi gặp ông Schwartz trao đổi. Ông yêu cầu tổ chức một buổi họp về Việt Nam, và phân công : ông A.Grothendieck, ông A.Martineau và ông (cả ba mới đi Việt Nam về cách đó không lâu) trình bày về các chuyến đi của các ông, còn tôi đại diện cho anh chị em trong nước (3). Buổi họp tập hợp khoảng ba trăm nhà toán học mọi nước. Quả như tôi dự đoán, tôi bị căn vặn về việc tại sao không có đoàn Việt Nam. Tôi trả lời ngắc ngứ « ngoại giao », ông Schwartz tinh ý tiếp lời nói với cử toạ, đại ý như sau: giả thử chúng ta có hỏi trực tiếp, anh chị em Việt Nam cũng không trả lời thật với chúng ta đâu ; chúng ta nên đoán thôi ; và chúng ta sẽ không lầm khi chúng ta nghĩ rằng anh chị em Việt Nam không có tiền để đi dự ; lần này thì đã lỡ, nhưng lần sau thì chúng ta phải lưu ý tài trợ. Tôi thầm cảm ơn ông ; nhờ ông mà nhiệm vụ được hoàn thành: Việt Nam không xin, mà được đề nghị hỗ trợ. Cũng trong buổi họp này, có một người « quá khích », phát biểu ý rằng nghiên cứu khoa học lúc này không phải là vấn đề ưu tiên cho Việt Nam, mà chỉ là một « cớ » (alibi) để mấy nhà khoa học phương Tây an ủi lương tâm của chính mình mà thôi. Câu nói này làm ông J-P. Kahane nổi giận quát tháo ầm ĩ, còn ông Schwartz thì trả lời rằng : những gì mà chúng ta có quyền làm, mà từ chối không cho người khác quyền được làm thì là một thứ kỳ thị [chủng tộc]. Và ông đã thuyết phục cử toạ (4).

Vì thế nên đến Hội nghị quốc tế Vancouver (1974) có sự tài trợ cho Đoàn Việt Nam. Lần này, Đoàn gồm ông Lê Văn Thiêm và bà Hoàng Xuân Sính. Trên đường đi, Đoàn ghé Paris, tôi có đưa Đoàn tới gặp ông Schwartz ; ông tiếp đãi ân cần, và nhắc lại nhiều chuyện khắng khít giữa ông Thiêm và những nhà toán học của Pháp (5).

Sau chiến tranh, ông Schwartz lại có mấy dịp sang Việt Nam ; trong một lần, tôi gợi ý trong nước mời luôn cả bà : tôi không quên vai trò « đầu mối » của bà trong việc phát động phong trào sách báo mười mấy năm trước. Rồi đến 1990, một quan chức của ta ghé Paris, lại mời ông sang thăm Việt Nam lần nữa. Mời rồi mà chưa biết mời ông sang để làm gì. Được phía các người có nhiệm vụ tổ chức đón tiếp hỏi ý, tôi nêu việc ông đang là chủ tịch « Uỷ ban đánh giá các trường đại học [Pháp] » (Comité d’Evaluation des Universités) và gợi ý mời ông trao đổi về kinh nghiệm đánh giá, mặc dù tôi đoán trước là « tiêu chí » nơi đây chẳng áp dụng được vào nơi nọ, có chăng là khơi được một vấn đề và một lề lối làm việc (6).

Hồi ông nghỉ hưu ở Đại học, một hội thảo « vinh danh ông » được tổ chức tại Ecole Polytechnique, ông Nguyễn Đình Trí (7) sang dự, có mang theo một bức thư viết tay của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mừng thọ ông, và một món quà tặng : đó là một hộp sơn mài có gối lụa để cài xác bướm. Món quà tuy giản dị nhưng đầy tình cảm, vì ông Schwartz là người sưu tập bướm (8).

Năm 1988, khi thành lập Trung tâm đại học « dân lập » Thăng Long, tôi có tổ chức việc quyên góp tài trợ. Ông hỏi thăm xuất xứ (9), và sau khi nghe tôi giải thích đầu đuôi câu chuyện, ông nhận tham gia tài trợ. Ông đóng góp rất đều đặn, tổng số cũng là món tiền lớn. Có một lần, ông gọi điện, nói ông khất vì ông đang « túng » (fauché) vì ông tính mua thêm một căn phòng gần nhà để chuyển về đó các tài liệu đang tích luỹ ở nơi xa. Nhưng rồi ông lại tiếp tục đóng góp đều đặn cho đến ngày tôi thôi không tham gia hỗ trợ trường Thăng Long nữa.

Câu chuyện cuối cùng về ông mà tôi muốn kể là chuyện sau đây. Vào một buổi chiều năm 1999, ông gọi điện cho tôi và nói chuyện khá lâu ; ông nói đến tuổi già, đến giai đoạn đã thôi làm Toán được rồi, và yêu cầu tôi dọ ý phía Việt Nam xem các anh chị em có đồng ý nhận một số tài liệu, ấn phẩm về Toán của nhiều tác giả mà ông tích luỹ trong nhiều năm, không. Ông nghĩ tới Việt Nam vì cảm tình nhưng cũng nghĩ tới khả năng biết sử dụng. Trong nhiều năm, tôi đã quen với việc ông nhờ dọ ý, khi có những việc mà các ông bà cho là tế nhị, vì ông đánh giá tôi là « âm thầm, kín đáo ». Tôi đem việc này hỏi ông Hoàng Tuỵ (10). Sau khi hội ý với anh chị em, ông Tuỵ nhận lời. Số tài liệu đó, được đưa về đến Hà Nội nhờ sự chuyển vận miễn phí của công ty LCV của hai người bạn thân thiết khác của Việt Nam, các ông Raymond Aubrac và Joel Luguern (11).

Tôi viết mấy dòng này, khi vừa được tin ông mất. Tài năng là bẩm tính « trời cho », nhờ nó mà có được danh vọng, nên tôi chẳng cần tán dương. Nhưng tính hào hiệp, lòng vị tha và sự thuỷ chung, thì thuộc ở con người, lại càng đáng kể khi thuộc ở con người đã hiển đạt. Trên các mặt này, ông là tấm gương sáng. 4/7/2002

________

Chú thích :

(1) Bà Sính trước là Việt kiều ở Pháp. Sau khi đỗ agrégation về Toán, bà về nước năm 1960, giảng dạy ở Đại học sư phạm Hà Nội, và tiếp tục nghiên cứu. Tôi có ông bạn đồng nghiệp vong niên, trước là thày cũ của bà, nên biết. Sau bà chuyển làm luận án dưới sự hướng dẫn [từ xa] của giáo sư Grothendieck (huy chương Fields), và trở sang Paris bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước trước ngày giải phóng miền Nam. Ông Schwartz thường khoe là bà có được một ban giám khảo toàn các nhà toán học trứ danh của Pháp thời đó : ông Grothendieck, ông H. Cartan, ông Schwartz, ông Verdier ...

(2) Đây không phải là chuyện hoang đường, và tôi đã có dịp nhắc tới trong bài tưởng niệm ông Tạ Quang Bửu trên báo Đoàn Kết số 384, 1986.

(3) (Cố) giáo sư Martineau lúc đó là người phụ trách hậu cần Hội nghị, và giáo sư Grothendieck đều là học trò cũ của ông Schwartz. Hôm đó, ông Schwartz bảo : cử toạ đa số nói tiếng Anh, đề nghị nói tiếng Anh. Tôi từ chối vì lẽ là về mọi mặt tôi là kẻ phải tự học, thuở trước tôi không được học tiếng Anh ở trường, nên tôi nói rất dở (vả lại ở trường hợp tôi lúc đó, lời lẽ phát biểu phải hết sức thận trọng, tiếng Anh của tôi không đủ để phát biểu một cách tinh tế trong tình huống ngoại giao tế nhị) ; ông Martineau cũng than, nên ông Schwartz phân công : ông Grothendieck và ông nói tiếng Anh, còn ông Martineau và tôi tuỳ ý. Tôi chỉ nói ba bốn câu tiếng Anh, rồi tôi nói tiếng Pháp. Sau này đọc hồi ký của ông, tôi mới biết là chính ông thuở trẻ cũng chẳng được học tiếng Anh. Mà quả là hôm đó, ông nói thỉnh thoảng lại hỏi cử toạ chữ này chữ nọ tiếng Anh gọi là gì, rồi lại thản nhiên nói tiếp. Nay tôi liên tưởng đến một câu chuyện khác. Thuở trẻ ông có một thời bị bệnh, nên sau này sức khoẻ không tốt lắm. Tôi thời trẻ cũng phải nằm dưỡng đường còn lâu hơn ông. Khi ông biết thân thể tôi không có « dự trữ » nên mỗi lần dạy học tôi phải gượng nuốt vài miếng bánh trước khi vào giảng đường, ông bảo tôi nên bắt chước ông, đừng ăn gượng như vậy, cứ vào dạy, lúc nào thấy mệt thì cứ lấy bánh ra vừa dạy vừa ăn. Nhưng tôi đâu có làm như vậy được ; ý tôi muốn nói là : tuy cùng một tình huống, nhưng phải tuỳ cái « thế » của mình mà mỗi người có cách ứng xử cho phù hợp.

(4) Ông J-P.Kahane là giáo sư Đại học Paris ; ông là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, sau này có một thời là uỷ viên Trung ương của đảng này ; ông rất nhiệt tình với Việt Nam nên ai nói ngang có vẻ cản việc hỗ trợ Việt Nam là ông giận. Hôm đó, ông Grothendieck cũng cứ giục tôi phản ứng mạnh ; tôi bảo khoan khoan, cứ để ông Schwartz trả lời như vậy là êm rồi, vả lại vai trò của ta là tranh thủ đông đảo mọi người. Trong cuốn hồi ký của ông Schwartz, ông viết nhầm sự việc ở Nice với một buổi họp tại một giảng đường đại học Paris, và ông nhớ lẫn người nói câu nói quá khích kia với một người khác đã nhiều lần « đấu » ông về ý thức hệ. Còn tác giả cái câu nói ở Nice, cũng là một đồng nghiệp cũ của tôi, thì sau buổi họp, lại tìm tôi xin lỗi mãi.

(5) Giáo sư Lê Văn Thiêm (1918-1991) xưa kia du học ở Pháp (và vài nước lân cận), docteur d’Etat về Toán, trước là cựu học sinh trường Ecole Normale Supérieure rue d’Ulm, cũng như mấy nhà toán học chủ chốt của Pháp, nên họ coi là « đồng bọn ». Ông H.Cartan kể với tôi là khi ông Thiêm còn đang soạn luận án dưới sự hướng dẫn của ông G.Valiron (cũng là người hướng dẫn luận án ông Schwartz, tuy ông Thiêm có một thời theo học ở Thụy Sỹ nơi nhà toán học R.Nevanlinna), ông Valiron ở gác trên, ông Cartan ở gác dưới cùng địa chỉ phố Jourdan, ông Thiêm hay lại, nên gặp luôn. Hồi ông Cartan kể, là lúc ông nhờ tôi nhắn ông Thiêm xin cho Hội Toán Việt Nam gia nhập Liên hiệp Toán học quốc tế, vì ông Cartan đang phụ trách nên có ảnh hưởng, có thể giúp thực hiện. Ông Thiêm về nước hồi đầu kháng chiến chống Pháp, đi bộ hàng nửa năm từ Nam ra Bắc, vất vả xây dựng nền Toán học Việt Nam, nên các nhà toán học ở Pháp và nước ngoài nói chung rất quí trọng vì các ông bà này nhận định rằng ông đã bỏ sự nghiệp riêng để theo « nghĩa cả ». Đó là một nét riêng của đời ông mà tôi muốn nhắc tới.

Công lao của ông đã có người trong nước kể . Tôi chỉ xin tóm tắt một chút về ông : ông trải giữ các chức vụ giám đốc trường Khoa học cơ bản và Sư phạm cao cấp, giám đốc Đại học Khoa học Hà Nội sau khi tiếp quản Thủ đô, rồi đến năm 1957 khi cải tổ đại học, ông làm Chủ nhiệm khoa Khoa học tự nhiên Đại học Tổng hợp Hà Nội kiêm ủy viên Uỷ ban Khoa học Nhà Nước, rồi từ 1970 chuyển sang phụ trách Viện Toán học (viện phó từ 1970 tuy không có viện trưởng !), và chỉ chính thức thành viện trưởng từ 1975 ; năm 1981 ông chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh ; sau mất ở đó.

Tôi xin nêu ở đây một nhận xét nữa về ông Thiêm, đó là : do được đào tạo và tự đào tạo một cách có qui củ và chặt chẽ, nên trong công tác giảng dạy và hướng dẫn, ông đánh giá chính xác trình độ khoa học. Qua bấy nhiêu năm tiếp xúc với ông, với trong nước – tuy ông không bao giờ thổ lộ – tôi có cảm tưởng là do thời cuộc, không phải lúc nào ông cũng được « hiểu ». Những bức xúc của thời chiến, quan niệm một thời về hồng và chuyên, sự không tập trung được những cán bộ có tài năng, có lẽ đã làm giảm một phần hiệu quả công sức của ông trong công cuộc xây dựng nền Khoa học nói chung và nền Toán học nói riêng của nước nhà. […].

Trở lại câu chuyện Ecole Normale Supérieure rue d’Ulm và Việt Nam. Hồi tôi còn phụ trách Hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Pháp, trong nhiều năm, trường này thường cho mượn phòng để họp mít tinh. Đến thời ông G. Poitou, nhà toán học, làm hiệu trưởng, tôi cùng 2 đại diện Hội có lại gặp ông, tặng trường một tấm sơn mài mô típ trống đồng, để tỏ lời cảm ơn. Ông với tôi cũng là đồng nghiệp cũ thời tôi còn dạy ở đại học Lille. Ông nhắc lại mối thiện cảm của nhà trường và của các ông hiệu trưởng trước, và đặc biệt của các nhà toán học Pháp đối với Việt Nam, rồi có nói vui một câu là trường giống như cái nhà « trống » : không có bằng cấp riêng (học sinh thi bằng cấp của Université), không có giáo sư riêng (giáo sư là giáo sư Université),..., chỉ có cái tiếng thôi. Là kẻ ngoại đạo, tôi thầm nghĩ : « và sự tương trợ ». Các ông tôi kể tên trong bài (trừ ông Grothendieck) và bà Schwartz, đều là cựu học sinh của trường (trường này thuở trước tuyển cả nam nữ sau tách riêng nam và nữ, rồi lại gộp lại). Nhưng sự tương trợ không chỉ ở phạm vi « đồng trường ». Quan hệ gia đình cũng đóng một vai trò rất quan trọng cho sự chuyển giao hiểu biết : ông Schwartz là cháu gọi nhà toán học Hadamard bằng ông cậu, bà Schwartz là con nhà toán học Paul Lévy, ông H.Cartan là con nhà toán học Elie Cartan, vv.

(6) Trong dịp này ông có đi thăm và đánh giá một số trường. Bản báo cáo của ông không được công bố. Tôi có được ông cho ngó một đoạn. Thuở ấy, cái từ « thạc sĩ » mới được chính thức dùng theo nghĩa « master » (bắt chước Trung quốc) mặc dù tôi đã hết sức can vì lẽ rằng từ « thạc sĩ » xưa kia đã được dùng để dịch chữ agrégé của Pháp, dùng như vậy sợ lẫn lộn. Một số người trong nước khi trình bày cho ông Schwartz nghe đội ngũ của một số đại học của ta, nói là có bao nhiêu docteurs và bao nhiêu ... « agrégés » ! Miễn bàn.

(7) Giáo sư Nguyễn Đình Trí, trước là Hiệu phó Đại học Bách Khoa Hà Nội, nay là Chủ tịch I.F.I. (Institut de la Francophonie pour l’Informatique ở Hà Nội, mà tên cũ là Institut Francophone d’Informatique). Viện này có giám đốc là người nước ngoài, còn Chủ tịch là ông Trí từ thời thành lập.

(8) Trước kia ông có hỏi tôi về khả năng săn bướm ở Việt Nam. Tôi có báo cho ông Tạ Quang Bửu biết trước, nên có lần ông sang, ông được tổ chức đưa đi bắt bướm, vào dịp thăm Cao Bằng. Ông có một bộ bướm nghe nói đến hơn 20000 con.

(9) Do tôi gợi ý, 5 anh chị trong nước đứng ra xin phép thành lập. Trong 5 « sáng lập viên », thì 4 là nhà toán học. Từ « dân lập » xuất hiện đầu tiên vào thời điểm này. Khi đó Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu còn đang tồn tại ; các thức giả nước ngoài cho là việc kỳ lạ của Việt Nam. Ai muốn kiểm chứng, có thể tìm đọc lại các bài báo lúc đó như The New York Times 25/4/1989, International Herald Tribune 26/4/1989, Far Eastern Economic Review 20/9/1989,..., Nhân Dân Chủ Nhật 26/2/1989, vv. hoặc bài viết sau này của tôi trong Diễn Đàn 1/7/1994. Tôi cũng kể lại chi tiết trong cuốn hồi ký « Chuyện gia đình và ngoài đời » và có nhắc đến công ơn của các người đã đóng góp tài chính và hỗ trợ cho trường trong 4 năm liền. Nhắc lại là thuở đó, trường nâng đỡ sinh viên, chứ chưa có cảnh sinh viên đóng học phí cao để nuôi các trường như ngày nay.


(10) Giáo sư Hoàng Tuỵ, nguyên viện trưởng Viện Toán (khi ông Thiêm chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh), là một chuyên gia về Toán học tối ưu mà nhiều nơi trên thế giới biết tiếng. Ông đã là giáo sư thỉnh giảng của nhiều đại học nước ngoài, và là docteur honoris causa (tiến sỹ danh dự) của Đại học Linkoping, Thuỵ Điển, và có giải thưởng Hồ Chí Minh. Thuở sinh thời, ông Thiêm nhiều lần nói với tôi là ông Tuỵ đã mở được cho Toán học Việt Nam một con đường độc đáo.

(11) LCV là tên tắt của Laos-Cambodge-Vietnam / Livres-Cassettes-Vidéos. Ông Luguern, chargé de mission ở Fondation France-Libertés của phu nhân [cố] tổng thống Mitterrand, cũng là tác giả của cuốn Le Viêt-nam, nxb Karthala 1997, là người ủng hộ nhiệt tình với TTĐH dân lập Thăng Long trước kia. Ông bà Aubrac là hai nhân vật kháng chiến chống Đức quốc xã trong thế chiến 1939-1945, và là nhân vật của cuốn phim Lucie Aubrac của đạo diễn Claude Berri. Ông Aubrac là tác giả của cuốn « Où la mémoire s'attarde », nxb Odile Jacob 1996. Thời đàm phán Việt-Pháp 1946 (Hội nghị Fontainebleau), Hồ chủ tịch ở nhà ông bà này. Tôi biết ông nhưng không « quen », chỉ chào hỏi khi gặp ở những buổi họp của CID-Vietnam (Centre d’Information et de Documentation sur le Viet Nam contemporain) mà ông và tôi cùng một số người khác, là những « người sáng lập » (membres fondateurs) ; tôi có mặt là vì yêu cầu của phong trào thuở đó.















**********

Tài liệu 9.5


Đọc cuốn sách « Giáo sư Lê Văn Thiêm »

(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trên Diễn Đàn số 131 tháng 7/2003).


Cuốn sách này do Đại học Quốc gia Hà nội xuất bản năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của nhà toán học Lê Văn Thiêm (1918-1991), là một tập hồi ký dài 208 trang,với sự tham gia của nhiều tác giả.

Ông Thiêm người Hà Tĩnh, du học ở Pháp năm 1939, là cựu sinh viên Ecole Normale Supérieure (rue d'Ulm ở Paris). Ông có một thời làm nghiên cứu ở Thụy sỹ và ở Đức ; ông bảo vệ tiến sỹ nhà nước về Toán ở Đại học Paris năm 1949. Tiếp đó ông về nước tham gia kháng chiến năm 1949, thoạt đầu ở Nam Bộ, rồi ra vùng kháng chiến Việt Bắc, trải qua nhiều chức vụ trong ngành giáo dục đào tạo và nghiên cứu. Ông thuộc lớp người « mở đường » xây dựng nền Toán học nói riêng và nền khoa học Việt Nam mới nói chung. Tất nhiên các bài viết đều nói lên những công lao của ông, cũng như về đức độ của ông. Nhưng không chỉ có vậy. Đó cũng là những lời chứng có giá trị về một giai đoạn lịch sử của nước nhà, dù cho thỉnh thoảng, độ chính xác cũng chỉ tương đối. Tôi xin trích dưới đây vài đoạn (những đoạn viết thẳng trong ngoặc [.] là do tôi chú thích thêm để câu dễ hiểu):



- (Trích bài ông Nguyễn Văn Đạo, giáo sư Cơ học, Đại học Quốc gia Hà Nội) :

Cha của giáo sư, ông Lê Văn Nhiễu, đậu cử nhân ở khoa thi Canh Tý (1900). Chú ruột, ông Lê Văn Huân, giật Giải nguyên năm 1916, […] tham gia Duy Tân hội, […] bị Pháp bắt, bị lưu đày 10 năm ở Côn Đảo […] lại tiếp tục hoạt động trong Đảng Tân Việt […] bị bắt giam lần thứ hai […] mổ bụng tự sát vào năm 1929. Anh cả, ông Lê Văn Kỷ, đậu tiến sỹ đệ tam giáp lúc 28 tuổi trong khoa thi Mậu Ngọ (1918), […]. Anh thứ hai Lê Văn Luân làm thường vụ tỉnh ủy Hà Tĩnh thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt và xử tử năm 1931. Năm 1930, cả cha và mẹ đều qua đời. Cảnh bần hàn của gia đình đông anh em, cảnh tiêu điều của xóm làng bị khủng bố trắng đã thúc giục anh ra đi. Anh vào Quy Nhơn, nương tựa người anh cả đang hành nghề thuốc ở đó […]. Năm 1939, với thành tích đỗ thứ nhì kỳ thi PCB [ở Đại học Hà Nội], Lê Văn Thiêm được nhận học bổng sang Pháp du học. […]. [Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ nhà nước] Bằng tiền dành dụm được, Lê Văn Thiêm đã trở về nước qua đường bay Pari-BăngCốc, rồi từ BăngCốc bằng đường bộ qua Cam-pu-chia về rừng U Minh, khu 9 miền Nam tham gia kháng chiến chống Pháp, công tác tại Sở giáo dục Nam Bộ từ 19/12/1949. [Năm 1950] Giáo sư Lê Văn Thiêm được Chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc để nhận nhiêm vụ mới. Ba lô trên vai, giáo sư đã phải lội bộ 6 tháng theo đường rừng, dọc theo chiều dài của đất nước, qua những vùng rừng thiêng nước độc, « vắt dài lêu nghêu, muỗi kêu như sáo thổi ». […]. Ra đến Việt Bắc, năm 1951, giáo sư đượcgiao nhiệm vụ xây dựng trường Sư phạm Cao cấp và Trường Khoa học Cơ bản, được cử giữ chức vụ Hiệu trưởng của hai trường này. […]. Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ dẫn tới kết thúc chiến tranh chống Pháp, năm 1954, giáo sư Lê Văn Thiêm tham gia tiếp quản các trường Đại học Hà Nội, […] được cử làm Giám đốc Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. [Rồi từ năm 1957-1970], Phó Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội, kiêm Chủ nhiệm khoa Toán. [Vào năm 1970], giáo sư Lê Văn Thiêm được Chính phủ điều động sang phụ trách Viện Toán học thuộc viện Khoa học Việt Nam.



- (Trích bài của ông Lê Thạc Cán, giáo sư, Viện Môi trường và Phát triển bền vững) :

Tháng 5/1951, cũng một số cán bộ trẻ của cơ quan của tỉnh Hà Tĩnh, tôi vô cùng sung sướng được Tỉnh ủy giới thiệu đi học Trường Khoa học Thực hành Cao cấp (KHTHCC) [mới được quyết định mở ở Việt Bắc, do ông Lê Văn Thiêm làm hiệu trưởng]. Theo sự bố trí của Bộ Giáo dục, để được nhận vào trường, chúng tôi phải tới thị trấn Thọ Xuân ở Thanh Hóa gặp giáo sư Lê Văn Thiêm làm các thủ tục xét nhận vào trường. […]. Nhóm chúng tôi đến địa điểm liên lạc, một làng quê có ngôi trường phổ thông tướng đối lớn ở Thọ Xuân, vào một buổi chiều đầu hè nóng nực. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy hai bờ con kênh thủy lợi chảy qua làng đông nghịt trẻ em và thanh niên. Đám đông cho chúng tôi biết họ đang xem ông Lê Văn Thiêm, nhà bác học trẻ tuổi đang tắm và bơi trên kênh. […]. Mấy hôm sau, sau khi thực hiện thủ tục kiểm tra nhập học, giáo sư Thiêm và người thư ký lên đường đi Việt Bắc bằng xe đạp, toàn bộ hành lý trong chiếc ba lô nhỏ. Những ngày sau đó các nhóm sinh viên chúng tôi cũng lần lượt lên đường. Chặng đường từ Thanh Hóa tới địa điểm liên lạc thuộc tỉnh Tuyên Quang dài trên 300 km, trong đó phần lớn là đường núi rừng hiểm trở. […]. Sau gần 2 tuần lễ ngày nghỉ, đêm đi, trèo đèo, lội suối, qua những chặng đường có máy bay địch bắn phá hàng ngày, ban đêm thường có hổ báo qua lại, chúng tôi tới Trường KHTHCC. Toàn bộ cơ ngơi của trường chỉ là một lán tre nứa dài khoảng 15m, một bếp cũng bằng tre nứa, và một ngôi nhà gỗ nhỏ ở ven ngòi Quẳng, một nhánh của sông Gâm. […]. Giáo sư Thiêm họp toàn thể sinh viên, thông báo cho chúng tôi biết rằng theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường đã đổi tên thành Trường Khoa học Cơ bản (KHCB). Giáo sư kể rằng, tại một phiên họp của Hội đồng Chính phủ bàn về giáo dục và đào tạo, lúc nói tói Trường KHTHCC, có người tỏ ý ngần ngại về tên trường, không hiểu có thể dạy gì về kỹ thuật cao cấp trong điều kiện khó khăn tại chiến khu. Bác Hồ đã hỏi giáo sư Lê Văn Thiêm là ông sẽ dạy gì cho sinh viên KHTHCC. Giáo sư Thiêm trả lời rằng trước hết sẽ dạy khoa học cơ bản. Mọi người tỏ ý tán thành. Hồ Chủ tịch bảo thế thì hãy gọi là Trường Khoa học Cơ bản. Tên trường KHCB đã có từ ý kiến đó của Bác Hồ.

Tháng 7 năm 1951, trong một buổi họp sinh viên, giáo sư Thiêm cho chúng tôi biết là với sự giúp đỡ của nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ đã quyết định thành lập Khu học xá Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây. […]. Khu học xá Việt Nam, vào năm 1951 và vài năm sau đó, gồm một số giảng đường và lớp học bằng gỗ, lợp tranh, cùng với một số ký túc xá đặt trong các đền thờ của làng Tâm Hư, một làng quê nhỏ ở cách thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây khoảng hơn 10 km. Giảng đường, ký túc xá đều không có lưới điện, nước máy. Nước ăn uống, tắm giặt do chúng tôi thay phiên nhau tự gánh từ hồ về. Các thày giáo như giáo sư Thiêm, giáo sư Xiển, giáo sư Kon Tum cũng hàng ngày cùng chúng tôi gánh nước. Ánh sáng học ban đêm là đèn dầu. Giáng đường, lớp học đều không có bàn viết, ghế ngồi. Mỗi sinh viên, học sinh được phát một ghế nhỏ để ngồi và một bảng gỗ thay bàn viết. Mỗi lần lên lớp đều phải xách theo ghế và bảng. Điều tốt so với ở chiến khu Việt Bắc là khu học xá có hòa bình. […]. Điều đáng chú ý là phương pháp đào tạo lấy khoa học cơ bản làm gốc của trường đã đem lại những thành công to lớn. Những người sinh viên do điều kiện gian khổ, thiếu thốn trong rừng sâu, hay tại làng Tâm Hư thôn dã, chỉ có thể học các môn Toán, Lý, Hóa học với vài ba tài liệu giáo khoa, nhưng sau hai năm học khoa học cơ bản của các trường đại học ở các nước xã hội chủ nghĩa tiên tiến đều trở thành những sinh viên, những nghiên cứu sinh xuất sắc. Những người trở về nước phục vụ chiến đấu, tiếp quản khoa học, kỹ thuật từ vùng tạm chiếm cũng đã có những cống hiến hết sức vẻ vang. […]. Cái gì là nguyên nhân của những thành công này, ngành Khoa học giáo dục Việt Nam nên nghiên cứu. Là một người trong cuộc, tôi thấy một cách khái quát rằng đó là do tư tưởng giáo dục đúng đắn của giáo sư Lê Văn Thiêm, người sáng lập, chỉ đạo và điều hành Trường KHCB. Nội dung chính của tư tưởng này là : lấy khoa học cơ bản làm gốc ; phát huy cao độ khả năng tự học và động cơ học tập đúng đắn của người học ; không tham dạy nhiều về khối lượng, mà chú ý chọn lọc kiến thức tinh hoa của thế giới. […]. Nghiên cứu vận dụng tư tưởng giáo dục này là việc hết sức cần thiết trong giải quyết các khó khăn về giáo dục và đào tạo hiện nay ở ta.



- (Trích bài ông Nguyễn Văn Đạo, giáo sư Cơ học, Đại học Quốc gia Hà Nội) :

Với ý thức nóng bỏng về những ứng dụng thực tiễn của lý thuyết hàm biến phức, giáo sư đã nắm bắt rất nhanh một thành tựu Cơ học mới của Liên Xô vào những năm 1960 – lý thuyết nổ định hướng của La-vren-chi-ep. […]. Dưới sự chỉ đạo của [ông], một nhóm cán bộ khoa học trẻ của các viện nghiên cứu và các trường đại học đã đi sâu nghiên cứu ứng dụng lý thuyết này trong việc nạo, vét các kênh, mương, trong việc phục vụ giao thông thời chiến, trong việc khai thác mỏ, trong việc xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình…[…] Giáo sư đã trực tiếp theo dõi công việc của một kỹ sư trẻ trong việc cải tiến máy kéo MTZ của Liên Xô theo kiểu bánh lồng để làm đất trên ruộng lầy. Phải làm sao để máy kéo không bị lún quá sâu trong ruộng lầy có độ chặt từ một đến hai kilôgram trên một phân vuông, hơn nữa lại có thể làm nhỏ được đất mà không cần cày bừa gì cả, nghĩa là máy kéo chỉ cần chạy vài lượt là đất đã tơi nhuyễn và nông dân có thể cấy lúa được. Ông đã từng đạp xe đạp cả ngày đường để đến xã Tế Tiêu ở Hà Sơn Bình xem thử nghiệm sản phẩm mới này. Hôm đó trời rét, lại mưa lâm thâm, nhà toán học Lê Văn Thiêm đã sắn quần xăm xăm lội xuống ruộng bùn để xem kỹ góc chuyển động của các mẩu bám bằng thép và tác dụng của nó khi máy chạy trên ruộng. Hôm đó, bà con nông dân kéo ra rất đông, lần đầu tiên trên cánh đồng ngập nước mênh mông đã có máy cày xuồng chạy. Nhiều người phấn khởi, lội ùa xuống ruộng, đi theo một người đang lụi cụi ở phía sau máy kéo mà bùn đất đã làm lấm lem chiếc áo ngoài bạc phếch của ông. Họ cũng không biết rằng đó chính là giáo sư toán học nổi tiếng Lê Văn Thiêm.



- (Trích bài của bà Hoàng Xuân Sính, giáo sư Toán học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) :

[…] Trí thức Việt kiều [du học ở Pháp] về nước đợt đầu là theo con đường phái đoàn của ta sang Pháp đàm phán năm 1946, lộ trình này không có gì gian nan. Đợt thứ hai chỉ có anh Thiêm. Sau này, anh Tạ Quang Bửu cho tôi hay, anh Thiêm phải sang Anh ở mấy tháng [?] để thực dân Pháp không nghi là về với kháng chiến, rồi từ Anh đi Thái Lan. Ở Thái Lan, anh Thiêm nhận nhiệm vụ áp tải vũ khí mua ở đó đưa về chiến khu Nam Bộ. Anh ở chiến khu Nam Bộ mấy tháng, sau mới đi bộ ra miền Bắc. […] Đối với anh chị em Việt kiều chúng tôi, chưa bao giờ phải phiêu lưu như vậy, thì chuyện về nước của anh Thiêm là một huyền thoại. Tôi không biết anh Thảo về nước thế nào, có nhiều khó khăn hay không, nhưng chắc chắn không mấy dễ dàng vì anh Thảo cũng về trong lúc còn kháng chiến. Sau anh Thảo, một loạt anh em Việt kiều về nước năm 1952, về rất dễ dàng, không phải giấy tờ gì cả, được cảnh sát Pháp bắt tại nhà, hỏi cung trong một ngày, làm giấy quyết định trục xuất sau khi hỏi cung, rồi đưa bằng tàu hỏa xuống cảng Marseille, từ đó xuống tàu biển tiến thẳng về cảng Sài Gòn, rồi vào khám Chí Hòa. Anh Phạm Huy Thông được « vinh dự » về như vậy. Cùng đợt về với anh Thông, ở tỉnh Toulouse nơi tôi đang học lúc đó, có anh Võ Văn Lạc. […]. Người thanh niên Võ Văn Lạc, bí thư chi bộ Toulouse, năm đó mới ngoài hai mươi tuổi. Chuyện của anh cũng nên nhắc lại ở đây để thấy số phận mỗi Việt kiều trên con đường về với Tổ Quốc. Sau đêm anh vẫy chào từ biệt chúng tôi, gần chục năm sau tôi mới lại gặp anh, nhưng lần này trên đất Bắc do thực dân Pháp đã chuyển anh từ khám Chí Hòa ra nhà tù Hà Nội. Rồi anh được chuyển đi cải tạo khi ta tiếp quản thủ đô vì trường hợp anh quá đặc biệt khó tin. Các anh khác ở lại khám Chí Hòa, sau 1954 được thả ra, chỉ có anh Lạc và anh Phạm Huy Thông bị thực dân Pháp chuyển ra ngoài Bắc. Anh Thông ở nhà tù Hải Phòng, còn anh Lạc ở nhà tù Hà Nội. Anh Thông là lãnh đạo của Việt kiều ở Pháp, nổi tiếng, luôn luôn có liên lạc với Trung ương, nên không xảy ra điều gì nhầm lẫn. Anh Lạc đi cải tạo đến năm 1958. May cho anh, một hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn thấy anh trong đám tù cải tạo đang làm đường ở miền núi, thấy mặt mũi anh sáng sủa nhân hậu, hỏi chuyện anh và hiểu ngay câu chuyện mà người thường khó hiểu, đã đưa anh từ trại cải tạo về công tác ở Nhà xuất bản Sự Thật. […]. Nếu không có ngọn đuốc đưa đường của các anh, chúng tôi không biết phải sống thế nào sau cái đêm tiễn các anh bị [Pháp] bắt về nước tống giam. Anh Thiêm và các anh cùng thế hệ với anh, đã ảnh hưởng đến chúng tôi như vậy. Nhưng có điều xót xa này, tôi thấy cần phải nói. Trong chuyến đi công tác cùng anh Thiêm năm 1974 [chuyến đi dự Hội nghị Quốc tế Toán học ở Vancouver] (1), tôi thấy anh Thiêm có những sợ sệt rất vẩn vơ mà Việt kiều tiếp xúc không hiểu được. Cùng cảnh ngộ, tôi chua xót nhận ra. Anh Thiêm mới thoát khỏi một cuộc « tranh cãi » dài liên miên của Đại học Tổng hợp, « tranh cãi » đến mức phải cho sinh viên nghỉ học dài dài để thày tập trung họp « thảo luận ». Kết quả là Viện Toán được thành lập để anh Thiêm và anh Hoàng Tụy có chỗ làm việc (2).



- (Trích bài ông Hoàng Tụy, giáo sư, Viện Toán học, Trung tâm khoa học Tự nhiên và Công nghệ quốc gia) :

Đương nhiên giá như giáo sư Lê Văn Thiêm cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Pháp hay ở Mỹ thì chắc chắn, với tài năng xuất sắc của mình, ông có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho toán học và tên tuổi quốc tế của ông lẫy lừng hơn. Song ông đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào, và thật sự tất cả những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng toán học Việt Nam chỉ có thể khiến chúng tôi vô cùng biết ơn ông và tự hào về ông. […].

Về phương diện con người, giáo sư Lê Văn Thiêm rất mực điềm đạm, khiêm tốn và nhân hậu, sống rất giản dị và nhiều lúc hóm hỉnh một cách thật dễ thương. Luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến và rất bao dung cao thượng, nhưng mặt khác ông lại là con người nguyên tắc, đấu tranh không khoan nhượng cho lẽ phải và chân lý. Những đức tính tựa hồ mâu thuẫn đó có lúc đã gây cho ông không ít rắc rối, nhưng những người hiểu ông đều hết sức cảm phục tấm lòng nhân ái, vị tha của ông.



- (Trích bài ông Nguyễn Cang, giáo sư, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ) :

Vốn rất ít nói và không hay nói đến mình, nhưng tôi luôn luôn gần thầy « khai thác bí mật » nhiều chi tiết với ý nghĩ đó sẽ là bài học tốt cho học sinh, sinh viên, thanh niên nước ta sau này. Những dịp may mắn gần Thầy trong những năm tôi làm việc ở Viện Toán, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, Thầy tiết lộ : « Mình nhỏ hơn anh Tạ Quang Bửu 9 tuổi. Khi mình sang Pháp học thì anh Bửu đã về nước làm việc, có uy tín lớn trong giới trí thức, sinh viên. Lúc anh Bửu là thành viên Phái đoàn Chính phủ ta sang đàm phán với Chính phủ Pháp ở Paris [Hội nghị Fontainebleau 1946], anh Bửu có đến thăm mình và khuyên mình bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ luận án Tiến sĩ quốc gia khoa học Toán học, vì càng có vị trí khoa học cao thì càng có uy tín để làm việc cho đất nước ».



- (Trích bài ông Nguyễn Đình Ngọc, giáo sư, Đại học dân lập Thăng Long, nguyên thiếu tướng Công an, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ quốc gia về Toán ở Paris, mấy năm 1964,1965 có làm giáo sư Toán đại học ở Pháp) :

Năm 1952, khi học lớp « Điệp báo » ở Sở Công an Liên khu IV, tôi đã nghe kể về thầy : […] đã bỏ hết để về tham gia kháng chiến chống Pháp. Từ đó, tôi đã kính trọng thầy như một tấm gương sáng của một người trí thức yêu nước. […]. Về Sài Gòn từ tháng 2 năm 1966, tôi đã dạy Toán theo các danh từ mà thầy và các đồng nghiệp đã chủ biên ở Hà Nội, và theo tinh thần đó mà bổ sung các danh từ chưa có trong đó. […]. Thật sung sướng khi đất nước thống nhất, tôi đã được gặp thầy, người thật việc thật ở Hội nghị Toán học Bắc-Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách một « giáo sư chế độ ngụy được chế độ ta lưu dung », còn đang phụ trách phân hiệu Thủ Đức của Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ mãi cuối năm 1977, khi trở về Hà Nội với tư cách một trung tá công an, tôi mới được lên Viện Toán học ở Đội Cấn tham gia các sinh hoạt Toán-Cơ để học hỏi thêm và làm thông tin khoa học kỹ thuật cho bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và Bộ Công an. Vì công tác ở Bộ Công an vẫn là chính nên những gì thầy đề nghị tôi làm như dịch thuật cho các giáo sư dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, phản biện các luận án (phó) tiến sĩ, các đề cương làm tiến sĩ (khoa học), vv. tôi đều cố gắng làm tốt nhất, noi theo tấm gương tận tụy, chí công vô tư, hết sức giúp đỡ lớp trẻ của thầy.



- (Trích bài của nhà toán học Laurent Schwartz viết ngày 14/12/1991) :

Lê Văn Thiêm và Tạ Quang Bửu đã đấu tranh không mệt mỏi và hướng cuộc đấu tranh này tới việc đề cao chất lượng khoa học. Cả hai người đã phải trải qua những thời kỳ khó khăn. Chính Lê Văn Thiêm đã phải làm một bản tự kiểm điểm công khai về quan điểm « chủ nghĩa nhân tài ». Ông đã phải chịu đựng rất nhiều.

- (Trích thư chia buồn của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, gửi bà Lê Văn Thiêm ngày 12/7/1991) :

Có thể chị không biết hết những quan hệ thân tình giữa tôi và anh Thiêm trong suốt thời gian anh hoạt động và phấn đấu quên mình ở miền Bắc. […]. Anh Lê Văn Thiêm qua đời càng làm nổi bật tầm vóc và sự cống hiến của nhà toán học và người chiến sĩ cộng sản Lê Văn Thiêm. Đó là điều từ đáy lòng tôi muốn nói với chị và nói với hương hồn của người đã khuất, đồng thời có thể nói với mọi người.



Vì số dòng/trang có hạn, tôi không thể trích nhiều hơn. Cuốn sách còn có bài của nhiều tác giả khác : của ông Đặng Đình Áng, giáo sư Đại học Quốc gia TPHCM (về sự gặp gỡ và cộng tác với ông Thiêm khi ông chuyển công tác vào Nam năm 1981), của ông Nguyễn Hữu Anh, giáo sư Đại học Quốc gia TPHCM, Việt kiều cũ ở Mỹ và Canada (về vài kỷ niệm « vui » với ông Thiêm, đặc biệt là chuyến đi dự Hội nghị Quốc tế Toán học ở Helsinki 1978 (2) ), của các ông Phan Đình Diệu, giáo sư Đại học Quốc gia Hà Nội và Nguyễn Đình Trí, giáo sư Đại học Bách khoa Hà Nội (cả hai thuở xưa là sinh viên của ông Thiêm), vv. Chú ý là cuốn sách không chỉ là sự tập hợp những kỷ niệm về ông Lê Văn Thiêm mà còn cho một số thông tin về những cảnh ngộ khác nhau của những Việt kiều « trên con đường về với Tổ Quốc ». Nó cũng kể lại một số sự kiện mà tới nay ít ai chú ý, thí dụ như đã thấy trong các phần trích trên đây : một nét của cái nhìn của Hồ chủ tịch về vấn đề khoa học, điều kiện trú ngụ của Trường KHCB ở Trung quốc, cái sự «hiểu ngay câu chuyện mà người thường khó hiểu » của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cái nhìn của ông Tạ Quang Bửu về việc nên học đến nơi đến chốn (khác với một số người một thời chủ trương là Việt kiều ở Pháp chẳng cần/chẳng nên « học cao », na ná như việc chủ trương năng lượng là do sức kéo của con người mà ra, không cần coi trọng cơ giới), vv.

Riêng về phần tôi, (như tôi đã viết trong bài của tôi), tôi bắt liên lạc với ông Thiêm từ thuở những năm 1960 gì đó, và có thể nói là có quan hệ mật thiết, dù tôi chỉ thực sự gặp ông vào năm 1970, và những lần về nước sau đó, và chuyến ông qua Pháp trên đường đi Vancouver. Công lao của ông ngày nay đã được ghi nhận. Còn những gian nan ông gặp phải, cũng cần được nói lên. Tuy ông không bao giờ thổ lộ, tôi có nghe kể là có một thời một số người phê phán ông về sự « sai lầm » chú trọng cán bộ giỏi (« giỏi » theo nghĩa nghề nghiệp) và muốn tập trung họ về làm việc ở Đại học cho có hiệu quả, nghĩa là đã không ưu tiên các « thành phần cơ bản ». Làm công tác trí thức ở Việt Nam rất là khó, nhất là trong những năm chiến tranh. Không chỉ vì trang bị, mà còn có vấn đề giữa : lý thuyết và thực hành, cơ bản và ứng dụng, hồng và chuyên...

Ở xa nhìn về nước, tôi cũng biết được là, trong cuộc sống, những năm khó khăn đã thuộc về quá khứ. Về mặt công tác chuyên môn, chắc ngày nay cũng dễ dàng hơn trước. Mong rằng các thế hệ trí thức nối tiếp, không quên công lao và sự vất vả của những người đi trước mở đường, trong đó có nhà toán học Lê Văn Thiêm.

________

Chú thích:

(1) Về việc IMU (Liên hiệp Toán học quốc tế) tài trợ cho Đoàn Việt Nam đi dự hội nghi, tôi đã có dịp kể trong bài « Vài lời về ông Laurent Schwartz » (xem tài liệu 9.3 trên đây). Vì có tài trợ nên đến Hội nghị quốc tế Vancouver (1974) có Đoàn Việt Nam, gồm ông Lê Văn Thiêm và bà Hoàng Xuân Sính. Đoàn ghé Paris và phần nào được trang bị ở đây, trước khi đi Canada. […].


(2) Bốn năm sau Vancouver, Hôi nghị quốc tế Toán học (1978) họp ở Helsinki. Ông Nguyễn Hữu Anh kể : « Đoàn có 4 người do giáo sư Lê Văn Thiêm làm trưởng đoàn. […]. Hôm lên đường, trời mưa rất to. Xe đón giáo sư Thiêm ở ngõ Hàng Chuối mà đường ngập đến gần đàu gối. Sau mấy tiếng đòng hồ trên chiếc xe lộc cộc, chúng tôi mới đến sân bay Nội Bài. Tại đây, trong khi ngồi chờ lên máy bay, tôi tình cờ gặp một anh bạn Việt kiều từ Canada về chơi. Anh đưa cho tôi 50 dollars phòng khi bất trắc vì Đoàn đã không lấy tạm ứng từ Ngân hàng vì ngại thủ tục quá rườm rà. Hóa ra số tiền mà anh bạn đưa đã giúp chúng tôi xoay xở khi mới đến Helsinki [vì khi đến nơi] thì nảy sinh vấn đề vì đó là lúc cuối tuần, Văn phòng Hội nghị đóng cửa. Nhờ có số tiền của anh bạn từ Canada, chúng tôi mới đi được xe bus từ sân bay về trung tâm thành phố. Tại đây, tôi đã đề nghị và giáo sư Thiêm quyết cứ thuê phòng khách sạn ở, vì chưa phải trả tiền ngay. Ngày hôm sau, gặp Ban tổ chức Hội nghị nhận tiền tài trợ dự Hội nghị (Đoàn được IMU tài trợ thông qua đề nghị của giáo sư Laurent Schwartz), chúng tôi mới thở phào ! ». Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến hai chuyện tương tự. Hồi mới sau giải phóng, một cán bộ khoa học cao cấp sang Pháp dự Hội nghị ở UNESCO, khi đến thăm tôi, ông kể rằng máy bay đến chệch giờ, sứ quán không đón được, may ông được một người Pháp hảo tâm biếu ông một franc để ông gọi được điện thoại để có người ra đón. Ông Trần Đại Nghĩa cũng kể cho tôi nỗi lo của ông trong chuyến đổi máy bay ở thủ đô Áo để sang Pháp (do Hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại Pháp và một số hội đoàn Pháp chung mời năm 1983) mà trong túi không một đồng ngoại tệ ; ông chỉ lo lỡ chuyến máy bay thì không biết giải quyết ra sao. Cái thời bao cấp!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét