24/11/08

Chung quanh việc Học Phần 7

Chung quanh việc Học


Phần 7




Việc học và phi lý tính







Việc học mà càng tăng tiến, thì lý luận càng vững, càng dễ đẩy lùi được « phi lý tính » (l’irrationnel). Tất nhiên, cũng tuỳ nội dung việc học. Thí dụ như xã hội ta trong thế kỉ 18, 19, về một khía cạnh nào đó, sự hiểu biết và lý luận của mấy ông đồ nho, có cả hàng mấy « bồ chữ », so với mấy người dân đen ít học, thì trên thực tế có khác gì nhau lắm không ? Những tin nhảm, phi lý, còn đầy dãy ngay cho tới một thời điểm cách đây không xa. Trong khi đó thì ở châu Âu, thế kỉ 18 đã là thế kỉ của các triết gia « Ánh sáng » (còn gọi là « Khai sáng », siècle des Lumières). Thế kỉ 18 này mang nặng dấu ấn của chủ nghĩa duy lý triết học và sự tôn vinh khoa học. Các nhà văn và các nhà tư tưởng thời đó thường dùng hình ảnh « Ánh sáng » vì họ tin tưởng đang bước vào một thời đại mới, được soi sáng bởi Lý tính, Khoa học và sự Tôn trọng Nhân tính. Nói « Ánh sáng » đây là chủ yếu nói đến lĩnh vực khoa học và triết học. Đồng thời, cũng xin có lời nhận xét rằng: sự phi lý không chỉ nằm trong phạm vi tin nhảm. Có những phi lý khác nằm ngay trong giáo dục đào tạo.

Chắc tôi không cần phải nói dài dòng thêm, chỉ xin kể lại câu chuyện dưới đây (chuyện xen lẫn sự việc và tín ngưỡng dân gian), và chép lại một bài báo tôi viết về « kỹ thuật giết rồng ».



**********
Phụ lục 7.1


Về một ông Thành hoàng



(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trong

tạp chí Thời Đại số 7, 2002)

Tôi may mắn được anh bạn đồng hương cho đọc một đoạn gia phả của dòng họ Đỗ của anh (1). Trong gia phả này có sự tích của ông Thành hoàng « Thôn Tư » khá lạ, nên muốn tôi viết ra đây, vì nghĩ rằng nếu không, e sau này khó ai được biết.

Như tôi có viết trong bài « Làng xưa » (Thời Đại số 1, 1997, trang 155-177), quê nội tôi là làng Nhuận ốc, tổng Bồng Hải, tỉnh Ninh Bình (địa danh trước những năm 1950) (2). Tên Bồng Hải chỉ có từ 1839, còn trước đó, có lẽ mang tên Đống Hải. Thuở mới lập làng ở vùng đất bồi lấn ra biển này, có những phường, những thôn, ... với những tên gọi đơn giản (như thôn tư, thôn năm, ba phường), sau thành địa danh, dần dần mới có những tên làng văn vẻ. Theo Đại Nam nhất thống chí, năm Minh Mạng thứ 20 (tức 1839), chia Bồng Hải làm 9 xã, trong đó có Nhuận Ốc và Quyết Trung. Họ Bùi tôi ở Nhuận Ốc, còn Quyết Trung có họ Đỗ. Ông tổ 10 đời của tôi đến khai khẩn vùng đất biển này, lập nên « phường Tốp » vào khoảng đầu thế kỉ 18, mà tôi ước đoán là vào khoảng những năm sát sau đạo dụ của chúa Trịnh Cương (3). Nay đọc gia phả họ Đỗ, thấy chỉ đoán sớm hơn khoảng một chục năm, như vậy có thể tạm coi là phù hợp.

Ông tổ họ Đỗ (trong gia phả không chép tên) vốn quê ở xã Gia Miêu đạo Thanh Hoa (sau này là tỉnh Thanh Hoá), đỗ Tạo sĩ (4) đời vua Lê Thuần Tôn (1732-1735), lúc đó chúa Trịnh Giang, con chúa Trịnh Cương, đang cầm quyền. Ông không làm quan, theo anh ra Bồng Hải lập ấp. Ông giàu có, lại có tình hào hiệp, mà lại không có con ; ông cùng anh và dân trong vùng lập đền « Thôn Ba » thờ hai ông tiến sĩ triều Lê, làm chùa Đọ thờ Phật (« Đọ » có lẽ là do đọc trệch từ chữ Đỗ), và mở chợ để dân buôn bán, lại xây đình ở chợ làm nơi dân làng họp bàn công việc. Trong đình thờ ông Thổ thần, trước cửa đình trồng một cây xanh to, nên tục gọi là Chợ Xanh, sau trở thành địa danh. Khi ấy, vùng này mới chỉ khai khẩn từ Chợ Xanh lên đến Văn Thịnh (5), còn trở xuống thì là rừng sậy, thỉnh thoảng lại có chỗ có cây cối um tùm.

Một hôm phá rừng, thấy một con hổ con bị lạc, ông bắt đưa về nhà nuôi. Ông bà không có con, quí hổ như con. Hổ có linh tính, biết yêu quí ông bà, ông đi xa về, hổ ra tận cổng đón. Khi hổ đã lớn, thú tính dữ tợn, nhưng đối với ông bà lại rất ngoan ngoãn, biết nghe lời, nhiều khi bậy bạ, ông gọi mắng, hổ phục xuống như xin lỗi. Ban ngày ông bà đi vắng, dặn hổ coi nhà, không ai dám vào. Gặp năm mất mùa đói kém, trộm cướp như ong, các nhà giàu có đều bị cướp phá, duy nhà ông nhờ có hổ coi nhà, trộm cướp không dám bén mảng. Ông có cái « dè đó » (6) cắm suốt cả một khúc sông, nơi gọi là xóm Ba Phường (7). Quãng này ăn thông ra bể, rất được nhiều cá. Những kẻ vô lại, đêm thường rủ nhau ra lấy cắp. Bị trộm luôn như vậy, ông mới sai hổ ra bờ sông coi « dè đó » ban đêm. Thấy bóng người đàng xa, hổ gầm thét, không ai dám qua lại khúc sông cắm « dè đó » đó. Lâu không có người qua lại, ông e hổ lơ là trong việc canh phòng, nên muốn thử hổ. Một đêm, ông mới lặn hụp từ phía bể vào gốc sông, giả vờ trộm cá. Hổ đương ngủ gật, thấy có người trộm cá, gầm lên rồi nhảy xuống sông cắn chết. Hôm ấy là ngày 18 tháng 2, không nhớ năm. Khi ngửi hơi biết là cắn nhầm, hổ bèn cõng xác ông, về đến một nơi thì ngưng lại nghỉ một lúc, có mấy giọt máu rơi ra đấy, (sau này dân làng xây tường bao bọc chung quanh, khoảng hơn một sào đất, gọi là « Nền Phúc »), rồi lại cõng tiếp vào rừng Vầu (tên chữ là Đồng Lăng) đặt ở trong rừng. Gần sáng, hổ về nhà kêu gào, như báo tin cho bà biết. Bà theo hổ vào rừng Vầu, thấy chỗ để xác ông, mối đã đùn lên thành một đống đất. Bà khóc lóc mắng hổ. Hổ phục xuống như lạy bà, rồi cong đuôi chạy vào rừng. Từ đó hổ đi không về nhà nữa, nhưng hằng năm cứ đến ngày giỗ, lại đưa về hươu nai hay cầy cáo, để trên mộ, rồi nằm gào khóc, rồi lại đi.

Sau khi ông mất, ba năm hết tang, bà mời kỳ lão và người trong họ đến, phân chia gia tài, cúng vào chùa Đọ một số của cải, rồi ở luôn chùa đó tụng kinh niệm Phật. Cách mấy năm sau, các làng Yên Cư, Yên Khê, đêm thường bị hổ về bắt lợn và trâu bò. Hổ tinh khôn, ai tìm cách đánh bẫy, liền bị hổ báo thù. Dân làng không sao được, phải lên trình quan sở tại, quan sai phường săn về bắt hổ, cũng không trị được mà còn bị giết hại. Sau phải làm bảng niêm yết ra khắp đường đi lối lại, hứa : ai có cách gì trừ được hổ, khỏi làm hại dân, thì lúc sống dân làng phụng dưỡng như cha mẹ, lúc chết lập đền thờ, và sẽ tâu lên triều đình để phong thưởng. Tin ấy đồn đến chùa Đọ, bà ngờ là hổ nhà mình, liền cùng với người nhà tới Yên Cư, nói với dân làng là có cách trừ được hổ, chỉ cần làm cho bà một căn nhà sàn ở giữa lối hổ thường qua lại, bà ở trong nhà ấy sẽ trù liệu cách trị hổ. Dân làng theo lời. Khi nhà sàn làm xong, bà ra ở một mình. Một đêm đã khuya, trời sáng trăng suông, thấy gió tanh, rồi một con hổ to hơn con bò từ xa đi tới. Hổ đánh hơi biết có người trong nhà nên gầm thét, đi lượn vòng quanh. Bà ở trong nhà nhìn ra khe cửa, nhận đúng ra hổ mình nuôi, mới nói vọng ra : « Có phải con của già đấy không, con làm gì thế ? ». Hổ nghe tiếng bà, liền chạy lại nằm phục bên cửa. Bà vội mở cửa ra, đến xoa đầu hổ nói : « Con đi lâu không về nhà, để mẹ mong nhớ ; từ ngày cha con mất đi, mẹ đêm ngày phiền muộn; con lại đi biệt, không ai nương tựa, mẹ phải nương nhờ cửa Phật. Nay con về tàn phá vùng này, dân làng cam kết rằng ai trừ được con thì lúc sống dân làng nuôi dưỡng như nuôi cha mẹ, lúc chết lập đền thờ. Nay mẹ tuổi già, không chỗ nương nhờ ; con nên thương mẹ, kíp bỏ xứ này đi vào rừng núi kiếm ăn, để dân làng thay con phụng dưỡng mẹ, thế mới là con có nghĩa ». Hổ nghe xong, nước mắt ràn rụa, gầm lên mấy tiếng rồi vẫy đuôi đi thẳng. Sáng ra, dân làng kéo nhau đến xem, thấy hai con nai đặt trước cửa. Bà đem chuyện hổ về lúc ban đêm, kể với dân làng và cam đoan từ nay, không phải lo nạn hổ nữa. Quả nhiên từ đấy, dân được yên ổn. Dân làng giữ lời hứa, xin rước bà về phụng dưỡng. Bà từ chối, xin trở về chùa Đọ để tu hành. Nhưng dân làng khẩn khoản, lập chùa để bà tu tại chỗ, đó là chùa Yên Khê. Mấy năm sau bà mất, dân làng nhớ ơn, lập đền thờ, gọi là đền Báo Ân. Theo tác giả của đoạn gia phả, đền ở sát đường cái, chỗ cây số 8, từ xóm Thông, Yên Cư, lên tỉnh lị Ninh Bình. Trong đền có đôi câu đối của ông Vũ Ích Khiêm, (người làng Yên Khê, đỗ cử nhân triều Tự Đức, làm quan đến Tuần phủ, nên gọi là cụ Tuần Yên Khê), kể rõ công đức của bà. Tục truyền chỗ đền Báo Ân, chính là chỗ ngày xưa dân làm cái nhà sàn để bà ở trừ hổ.

Trở lại chuyện ông. Mộ ông ở trong rừng Vầu, tục gọi là rừng Cấm, vì hổ thường về thăm mộ, không ai dám vào chặt cây kiếm củi (8). Ông mất ít lâu, những người đi bể và dân xóm Ba Phường, cùng những người được ông giúp đỡ thuở trước, đắp một cái bệ đất ở chỗ ông đặt « dè đó » thuở trước, để cầu ông phù hộ ; dần dần tin ông hiển linh, người các nơi bị bệnh thường kéo đến bệ thờ cầu khẩn. Đến năm Cảnh Hưng thứ 36 (1776) đời vua Lê Hiển Tông, đại hạn, 3 tháng không mưa, sông ngòi khô cạn, ruộng đồng không cầy cấy được. Các quan tỉnh thần sức cho các làng rước các vị thần lên tỉnh để làm lễ cầu đảo, trong 3 ngày vẫn không mưa. Các kỳ lão trong vùng mới trình quan việc ông thường hiển linh mà chưa được sắc phong thần, nay đang lúc chưa mưa, xin cho đến chỗ bệ thờ cầu đảo. Quan tỉnh nghe lời, cho đến bệ thờ ông đảo vũ. Đêm ấy mưa to, nước đầy đồng ruộng, dân tình vui vẻ. Việc ấy tâu lên, triều đình sức cho dân lập đền thờ. Đền xây trên nền nhà cũ của ông (9), tục gọi là đền « Thôn Tư », trong đền có tấm biển đề « Đỗ tộc Tổ thần » từ thời Cảnh Hưng, và nhiều hoành phi câu đối, trong đó có đôi câu đối chữ Nho của ông Khiếu Năng Tĩnh, còn gọi là cụ nghè Trực Mỹ, đỗ tiến sỹ thời vua Tự Đức, làm quan Tế tửu Quốc tử giám, sau làm phụ đạo cho vua Thành Thái. Hai vế của câu đối đó như sau :

Diệc kỳ tai Chu Bất Phục (10) thị vân dao, nãi văn thần vật báo ân, vạn cổ Đồng Lăng linh tích tại,

Sở kiến giả Lê Cảnh Hưng triều dĩ hậu, lịch kỳ thánh công biểu đức, nhất phường Xanh thị huệ phương dân.

Nghĩa là :

Lạ lùng thay, cũng như chuyện ông Chu Bất Phục ngày xưa, đấy là thần hổ đền ơn, muôn đời về sau chỗ mả Vầu dấu thiêng còn đó,

Nay thấy sắc vua Lê Cảnh Hưng và các triều sau, ban cho, mới biết công đức ông sáng tỏ, khắp cả dân chợ Xanh đều được đội ơn.

Đến năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), Phan Bá Vành khởi loạn ở miền bể Nam Định. Quan Tham biện Nguyễn Công Trứ đưa quân đi đánh dẹp, quan Hiệp trấn Nguyễn Hữu Thuần (11) tiếp viện và tải lương theo sau. Đương tiết tháng chạp mưa phùn, gió may thổi mạnh, thuyền lương đến khúc sông Đáy gần đền ông thì không tiến lên được, mà việc binh lương thì khẩn cấp. Quan Hiệp trấn không biết làm sao, trông lên bờ sông thấy ngôi đền, gọi thuyền chài lại hỏi thăm, mới biết là đền ông, bèn ra đầu thuyền khấn rằng : « Nay giặc Ba Vành tàn phá lương dân, tôi phụng mệnh đi tiếp viện [...]. Xin Thần giúp cho thuận gió, để thuyền lương kịp đến quân doanh, xong việc sẽ xin tâu lên Triều đình phong tặng ». Khấn vừa dứt lời, tự nhiên gió đông nam thổi lên, mưa tạnh hẳn, thuyền thuận gió, chỉ nửa ngày đến được quân doanh. Trận ấy, quân Phan Bá Vành tan vỡ. Việc tâu lên, triều đình phong tặng ông làm Trung đẳng thần. Đến đời vua Thành Thái phong lên Thượng đẳng thần ; sắc phong ông là: Đương cảnh Thành hoàng, tuyên võ tướng quân, thượng kỵ đô uý, hùng dũng anh linh, thông minh chính trực, gia phong quang ý, gia tặng trác vỹ, dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.

Hồi còn nhỏ về quê, tôi cứ nghe loáng thoáng nghe nói tới ông Thành hoàng ăn trộm, mãi đến nay đọc mới vỡ lẽ rằng đây là ông Thành hoàng « giả vờ » ăn trộm [cá] bị hổ vồ. Lại nhớ thuở ấy thấy bà nội tôi hay nói 2 câu : « Cứu vật, vật trả ân. Cứu nhân, nhân trả oán ». Câu trên là nói chuyện hổ, và làm tôi có những suy nghĩ liên quan (12).

Tổng Bồng Hải có 9 xã nhưng chỉ có 7 Thành hoàng là: Ông « Thần cụt đầu » tương truyền là ông Phạm Tử Nghi, tướng nhà Mạc (13) ; hai ông tiến sĩ triều Lê (không nhớ là hai ông nào), nhưng thờ chung một đền ; bà Tống hậu (14) ; ông Thánh Tản Viên ; một ông Thổ thần sở tại ; và ông Thành hoàng hổ vồ kể trên. Xưa, hàng năm vào ngày 9 tháng 2 âm lịch, dân 9 xã rước 7 vị thần ra đền Chợ Xanh tế lễ 7 ngày đêm, phí tổn 9 xã chia nhau đóng góp (15) . Nhưng nghe kể, thì chỉ có ông Thành hoàng hổ vồ là được chú ý hơn cả.

Những việc xảy ra, tuy chưa quá xa xăm , nhưng bao năm binh hoả, dấu vết có còn gì không, để có thể kiểm chứng ? Ngày nay, tôi cứ tiếc rằng thuở nhỏ nghe loáng thoáng mấy câu chuyện, sao không hỏi các bậc già cả cho kỹ, vì bây giờ biết hỏi ai ? Nhưng nghĩ lại, thì lại tự an ủi rằng, giá ngày xưa có hỏi, chắc gì đã được trả lời (16) . Định cư vĩnh viễn ở phương xa, nhắc lại câu chuyện cũ quê nhà, phải chăng cũng như níu lấy một sợi dây vô hình bền bỉ, còn nối mình với cố hương ?



Lời bổ sung :

Trong tạp chí Xưa và Nay số 117 (tháng 6/2002), trang 21, bài « Số phận một địa danh lịch sử », tác giả Khải Nguyên cũng kể làng Phúc Đậu (nay là xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh) có câu chuyện tương tự về hổ vồ nhầm một ân nhân của mình, với địa danh « Lòi hổ huyệt » vv. Và kể là con trai người nông dân bị hổ vồ nhầm này là Nguyễn Tuấn Thiện, sau theo Lê Lợi đánh quân nhà Minh. Tôi không biết, khi viết cuốn tiểu thuyết « Mảnh đất lắm người nhiều ma », nxb Hội nhà văn, tác giả Nguyễn Khắc Trường sử dụng câu chuyện hổ từ nguồn nào.



Chú thích :

(1) Xin chân thành cám ơn anh Đỗ Minh Tiết và gia đình đã cho tôi được đọc và sử dụng đoạn gia phả này. Phần tra cứu về ông Thành hoàng ở Bồng Hải là do cụ Đỗ Bằng Đoàn (1905-1986), thân sinh của anh, dịch từ ngọc phả chữ Nho của đền thờ Thành hoàng « Thôn Tư » tổng Bồng Hải và ghi chép lại. Ông cụ cũng là đồng tác giả của cuốn Việt Nam Ca trù biên khảo, Saigon 1962, xưa là chức sắc tổng Bồng Hải, nên biết rõ chuyện vùng này. Đoạn tài liệu nói trên tồn tại dưới dạng đánh máy, có kèm mấy dòng chữ Nho viết tay, do con cháu tìm thấy sau khi ông cụ đã mất.

(2) Theo Đại Nam nhất thống chí, tên trấn Thanh Hoa nội/ngoại (tên Thanh Hóa là tên sau này) có từ cuối thế kỉ 16. Sau, Thanh Hoa ngoại được đổi thành đạo Ninh Bình (1806, Gia Long thứ 5) rồi thành trấn Ninh Bình (1829, Minh Mạng thứ 10) , rồi thành tỉnh Ninh Bình (1831, Minh Mạng thứ 12).


(3) Đó là đạo dụ (1719) về « phép bình lệ », nghĩa là người thêm vào sổ cũng không tính, người chết cũng không trừ, số hộ khẩu tăng giảm bất thường, mà nguyên ngạch vẫn theo như cũ, vì vậy dân phải gánh vác nặng nề, dần dần đi đến chỗ nghèo khó phiêu tán ... (ghi trong Đại Việt sử ký tục biên). Trong bài « Làng xưa », tôi tính khoảng cách trung bình giữa 2 thế hệ là 25 năm. Nếu tính khoảng cách đó là 23 hay 24 năm thì thời điểm ông tổ 10 đời họ Bùi tôi đến khai khẩn lập làng mới, trùng hợp với thời điểm ghi trong gia phả họ Đỗ.


(4) Tạo sỹ là người thi đỗ về khoa thi võ. Thí dụ như Huy quận công Hoàng Đình Bảo (người giúp bà chúa Chè Đặng Thị Huệ, tranh ngôi chúa cho Trịnh Cán, và sau bị kiêu binh giết chết), vốn đỗ tạo sỹ.

(5) Văn Thịnh là quê của bà nội tôi, cách làng tôi chừng dăm cây số.

(6) Tôi tra từ điển, không thấy có « dè đó », chỉ thấy « đó », như đã biết. Hỏi thăm mới biết « dè đó » là tên gọi của một hệ thống dụng cụ bắt cá có qui mô gồm nhiều « đó ».

(7) Theo tác giả của đoạn gia phả đó, thì khúc sông này thuộc cái đoạn gọi là xóm « Ba Phường » làng Phụng Công (Phụng Công là một trong 9 xã của Bồng Hải). Tên « Ba Phường », có lẽ là địa danh của nơi ranh giới của 3 phường, khi lập làng thuở xưa.

(8) Theo tài liệu của cụ Đỗ Bằng Đoàn, rừng Vầu, trên một quãng đất cao, trước kia có hàng trăm cổ thụ um tùm. Đến đời Thành Thái (1889-1907), đặt đồn để kiểm soát khúc sông Đáy. Đồn cách mộ khoảng nửa cây số, lính đồn vào săn bắn, và chặt cây làm củi, nên sau này rừng bị chặt hết cây. Trong tài liệu còn ghi rõ là Nền Phúc ở « trước cửa nhà ông bá Phàn, bên tay trái đường cái làng Phụng Công đi xuống làng Nhuận Ốc ». Nhưng đó là địa điểm vào những năm 1930-1940, nay người đã mất đi, ruộng đất đã chia lại, đường sá đã đắp khác, làng xã đã đổi tên, còn biết được ở nơi nào?


(9) thuộc địa điểm làng Phùng Thiện, một trong 9 xã của tổng Bồng Hải ; hồi tôi rời quê ra đi năm 1949, tên này còn tồn tại. Thời Cảnh Hưng thì chưa có tên Phùng Thiện, tên thuở trước là gì thì không biết.

(10) Tôi không nhớ sự tích ông này, chỉ biết lõm bõm là ông này người nhà Tống bên Tàu, chắc cũng nuôi hổ gì đó. Nếu ai biết, xin chỉ giùm.

(11) Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim thì lúc ấy vua sai Tham biện Thanh Hoa là Nguyễn Công Trứ, Tham biện Nghệ An là Nguyễn Đức Nhuận cùng với Hiệp trấn Bắc Thành là Nguyễn Hữu Thận đi đánh. Tôi ghi lại tên "Thuần" theo gia phả họ Đỗ, nhưng cũng chú thích tên "Thận" cho kỹ. Hay là cùng một chữ Nho, nhưng hai cách đọc ?


(12) Câu dưới làm tôi liên tưởng đến một câu chuyện phương Tây. Chắc có bạn đọc biết truyện « Người thổi sáo », đại khái như sau : Thuở xưa, ở thành phố Hameln nước Đức, có xảy ra tai hoạ chuột, chuột nhiều đến mức chỗ nào cũng có, chúng gặm khoét phá phách đến mức dân chúng không chịu nổi ; ông thị trưởng và chức sắc mới treo biển cầu người có giải pháp trừ chuột. Một ngày kia, có một chàng trai từ đâu đến, nói có phép trừ chuột, nhưng hỏi muốn biết phần thưởng ra sao. Thị trưởng và chức sắc hứa nếu thành công sẽ trả một ngàn đồng tiền vàng. Hai bên giao ước xong, chàng trai kia bèn rút trong bọc ra một chiếc sáo, và bắt đầu thổi, vừa thổi sáo vừa đi qua khắp phố phường. Chuột nghe tiếng sáo, như bị hấp dẫn mê mẩn, chuột to chuột nhỏ kéo nhau ra đường theo người thổi sáo, dẫn chúng ra sông lội xuống nước. Đàn chuột theo sau cũng lội xuống chết đuối hết. Khi đã diệt xong chuột, người thổi sáo trở lại lĩnh thưởng. Thoát được nạn chuột, cả thành phố mở tiệc ăn mừng. Nhưng chẳng ai nghĩ đến lời hứa trả công cho « người thổi sáo ». Chàng này mấy lần nhắc ông thị trưởng và các chức sắc về món ngàn đồng tiền vàng, nhưng họ khất lần. Họ nghĩ rằng món tiền to như vậy, để tiêu xài hội hè cho sướng, cần gì đến lời hứa. Hiểu tâm địa bọn kia, « người thổi sáo » bèn rút trong bọc ra một cây sáo khác. Thổi lên, bao nhiêu trẻ em trong thành phố bị tiếng sáo quyến rũ, như mê hồn, mặc lời khuyên can đe doạ ngăn cấm của mẹ cha, lũ lượt bỏ ra đường bước theo « người thổi sáo » ra khỏi thành, đi mãi đi mãi, không bao giờ trở lại ...


Tất nhiên, câu chuyện này mang tính huyền thoại và ngụ ngôn. Nhưng có thuyết cho rằng nó có một nguồn gốc, dựa trên sự tích của cái được gọi là cuộc « Thánh chinh của trẻ em » (la Croisade des enfants) : Câu chuyện khởi đầu từ nước Đức, vào năm 1212, một người lái rượu bia ở Cologne, tên là Nicolas, nói rằng anh ta thấy một vị thiên thần (ange) hiện ra, kêu gọi anh ta đi giải phóng Thánh địa (nơi có mộ Chúa Ki-Tô, lúc đó đang trong tay người Hồi giáo ở Cận Đông). Hàng ngàn người hưởng ứng. Phong trào này lan sang Pháp. Tháng sáu 1212, một thiếu niên chăn cừu ở Cloyes tên là Etienne kể rằng cậu ta thấy Chúa hiện ra, có bức thư gửi cho vua Pháp. Tin đồn ra, khoảng 3 vạn người từ khắp nơi theo cậu ta đổ dồn về kinh thành. Nhưng vua Philippe Auguste giải tán phong trào. Sau đó khoảng những năm 1250-1252, mới xuất hiện ra truyện « Thánh chinh của trẻ em » : theo truyện, nhiều trẻ em từ nhiều nơi nước Đức và nước Pháp, tụ tập, lũ lượt kéo nhau sang tận Thánh địa, để rồi thất bại ; những trẻ sống sót bị giặc cướp bắt và bán làm nô lệ... Truyện « Người thổi sáo » đã mang tính huyền thoại, lại dựa trên truyện « Thánh chinh của trẻ em » cũng mang tính huyền thoại, vì theo mấy sử gia ngày nay thì có lẽ cuộc thánh chinh này xuất phát từ những nông dân nghèo sống bên lề xã hội trong cảnh phụ thuộc, nghĩa là những người mà thuở đó tiếng latinh gọi là pueri, gây nên sự lẫn lộn với nghĩa « trẻ em » . Theo sử, tất cả có 8 cuộc thánh chinh « chính thức », từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 13 của châu Âu Ki-Tô giáo nhằm mục đích chiếm lại Thánh địa đang trong tay người Hồi giáo. Cuộc « thánh chinh của trẻ em » xảy ra vào khoảng đầu cuộc « thánh chinh [chính thức] thứ 5 ». Tôi dùng từ « chính thức » để chỉ việc có tổ chức, do vua chúa phát động, có quân đội, vũ khí, thuyền bè, hậu cần, vv.


Nếu tôi nhắc truyện « Người thổi sáo » phương Tây này nhân dịp viết về truyện « ông Thành hoàng Thôn Tư », thì mục đích để nói rằng cốt truyện có thể có một phần sự thật, còn lại là hư cấu, nhưng sự thật là bao nhiêu ? Còn về sự tương phản về kết luận (một đằng thì báo ân, một đằng thì bội ước), xin chớ tìm ở đó đặc điểm của phương Đông, phương Tây, vì như vậy là kỳ thị một cách thô thiển. Kìa như truyện « Tấm Cám » và truyện « Lọ lem » (Cendrillon), nghe nói là xưa kia cùng chung một gốc, sang phía Đông thì « chị xui em xuống hố, giội nước sôi cho chết rồi đem em làm mắm », sang phía Tây thì « chị tha thứ cho em, rồi tìm nơi khá giả mà gả chồng », đâu có phải là tại bản sắc phương nào!

Bản cổ nhất của truyện « mất chiếc hài » mà tôi đọc được có lẽ là chuyện bà hoàng hậu Ai Cập, Nit-aou-Qrit, vợ vua Mentesouphis (2390 trước Tây lịch). Không biết có bản nào cổ hơn không. Tôi lại nhớ đến những truyện ngụ ngôn thuở nhỏ đọc trong các cuốn giáo khoa thư, cứ ngỡ là truyện « ta ». Sau này lớn lên, đọc thêm sách mới biết rằng một số truyện ấy là chế biến từ truyện ngụ ngôn phương Tây đã có từ lâu lắm, có thể là từ thời ông Esope (người Hy Lạp, thế kỉ thứ 6 trước Tây lịch).

Lại liên tưởng đến tín ngưỡng dân gian ở ta ở thế kỉ 18: lúc đó ở phương Tây đã là Siècle des Lumières (thế kỉ [của các triết gia] Ánh sáng).

(13) Tôi nhớ mang máng thuở nhỏ nghe kể : ông thua trận, đầu đã đứt khỏi cổ, ông lấy tay giữ đầu trên cổ, cưỡi ngựa chạy đến vùng này, gặp người đàn bà, ông hỏi : « Đầu ta thế này, sống được không ? » , bà kia trả lời : « Đầu lìa khỏi cổ, sống sao được », ông liền lăn ra chết. Tương truyền rằng đền thờ ông ở làng Phụng Công là nơi ông chết. Nhưng thuở ấy, chưa có tên làng Phụng Công, và chưa chắc gì đất làng ấy cũng đã có. Tôi có sự nghi vấn vì trong cuốn sách Bắc Ninh địa dư chí của Đỗ Trọng Vĩ (1829-1899), bản dịch của Đỗ Anh Tuấn, nxb Văn hoá Thông tin 1997, có sự tích Lữ sứ quân, có đền thờ ở xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh : ông họ Lữ tên Đường, cuối đời Hậu Ngô, ông xưng là Lữ Tá công, (sứ quân số 9 trong danh sách 12 sứ quân trong cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim), chiếm vùng Tế Giang (sau là Văn Giang). Tương truyền rằng khi vua Đinh Tiên hoàng dẹp các sứ quân, ông thua bị đứt cổ, lấy tay mà giữ. Khi chạy, gặp một hàng nước, bà hàng nước hỏi : « Như thế này vẫn còn sống được không ? », ông đáp : « Thần thì không biết được đâu », rồi hoá . Tôi nghi rằng có thể là vùng tôi, khi lập làng mới, bắt chước đặt tên làng là Phụng Công, cũng bắt chước thờ luôn cả ông thần Lữ sứ quân của tỉnh Bắc Ninh, và sau lẫn với ông Phạm Tử Nghi chăng ?


(14) Có lẽ là bà Thiên hậu ( ?) mà tôi có viết trong phần chú thích bài « Nhân đọc 2 lời bình về việc học của người xưa » đăng trong Thời Đại số 4, 1999.


(15) Làng Nhuận Ốc quê tôi xưa không có Thành hoàng. Mãi đến cuối thế kỉ 19, có vụ ông đồ H. đến ở dạy học ở nhà ông họ tôi, vô cớ lấy dao tự mổ bụng chết, cả làng sợ, các chức sắc mới xây đền, rước « chân nhang » đền Thánh Tản Viên làng bên cạnh về thờ.

(16) Ngay như hồi 1970, được mời về làm việc trong nước, tôi được tổ chức đi thăm Thanh Hoá, có ghé Sầm Sơn, ở đó có đền « Thần độc cước ». Khi vào thăm đền, thấy mấy ông già đang tế lễ . Vừa ngỏ ý muốn xem tượng « Thần một chân » này, đã bị mấy ông sừng sộ, cự nự rằng ngài thiêng lắm, bom Mỹ ném không trúng, chớ hỗn kẻo ngài hành vv. Lúc đó, Cách mạng đã 25 năm rồi, lại vào thời chiến tranh đùng rầm... Huống hồ thuở xưa.





*********
Phụ lục 7.2


Kỹ thuật giết rồng



(Bài của Bùi Trọng Liễu đăng trong Tia Sáng số 2

tháng 2 năm 2003, trang 10-11)





“Đồ long chi kỹ” (kỹ thuật giết rồng) là một tích cổ Trung quốc (1) mang tính ngụ ngôn: có người bỏ ngàn vàng của nhà, để đi học nhiều năm cho thông thạo được cái « kỹ thuật giết rồng », xong rồi không biết dùng cái kỹ thuật ấy để làm gì, bởi vì có rồng đâu để mà giết! Đó là ý người xưa chê việc bỏ công sức học tập những điều vô ích. Nhưng có lẽ cũng cần xét xem : vô ích cho ai, và « thực dụng » cho ai, bởi vì cái « kỹ thuật giết rồng » này vô ích cho xã hội nhưng « thực dụng » cho người dạy nếu như người đó được hưởng ngàn vàng.

Tôi nêu tích cổ, không phải để luận chuyện xưa, mà để nói lên cái ý rằng, ngày nay, một nền giáo dục đào tạo, trong cách tổ chức học và thi của mình, không nên thiên về cách dựa trên việc luyện những môn học vô bổ, những bài bản mang tính cách thách đố quắt quéo, quá chăm chú vào những tiểu xảo, không còn chỗ tương xứng cho những điều chủ chốt. Nếu không thì có nguy cơ đào tạo ra những « đồ long hiệp sĩ » mà xã hội chẳng cần có.

Theo nghĩa rộng, « kỹ thuật giết rồng » đây, không chỉ bao gồm các môn học không cần thiết cho xã hội, mà còn bao gồm cả quan niệm sai lệch về mức độ hiểu biết cho từng loại tuổi, từng loại người, học thừa để bị hiểu thiếu, đánh giá cao thấp không đúng mức, vv. Về cách học « trích chương tầm cú », trọng sự bóng bảy bề ngoài trong khi nội dung rỗng tuếch, thì đã nhiều người nói tới, tôi xin bỏ không nhắc lại. Đây tôi muốn đặt « kỹ thuật giết rồng » trong khung cảnh tương quan giữa mục tiêu đào tạo và nội dung việc học.

Đơn cử vài thí dụ, dù cho đây là những thí dụ mà tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Thuở xưa, tổ tiên ta quan niệm việc học và việc thi như là một biện pháp đào tạo và tuyển lựa một số « cán bộ » (quan lại) cho guồng máy hành chính nhà nước, theo những tiêu chuẩn của thời đó (muốn có những nhà nho thuộc làu Tứ thư, Ngũ kinh, ..., có khả năng viết ra những bài chiếu, bài biểu, biết văn sách, biết làm thơ, vv.). Đối với những nhà nho mà mục tiêu là thi đỗ ra làm quan, vinh thân phì gia, thì cách học đó là « thực dụng ». Nhưng so với cái mục tiêu (mà lúc đó có lẽ chính quyền nhà vua không đặt ra) tổ chức việc học và đào tạo ra những người cần thiết cho sự tiến triển của xã hội, thì những cái học của thuở xưa là một loại « kỹ thuật giết rồng ». Rồi tới cái thời mà nước ta theo mô hình Liên Xô : do kinh tế kế hoạch triệt để, việc giáo dục đào tạo trên nguyên tắc cũng kế hoạch triệt để, nên mới tổ chức ngả theo đào tạo ngành nghề và theo số lượng qui định. Các trường đại học hầu hết là trường ngành nghề (một thứ trường đào tạo nghề cao cấp), không mang nghĩa của đại học phương Tây (nơi truyền đạt sự hiểu biết, mở rộng lý luận, kích thích nghiên cứu và sáng tạo cái mới, bên cạnh việc chuyển giao những kỹ thuật nghề nghiệp, ...). Giáo dục đào tạo của ta thuở ấy, có thể là đáp ứng được một số mục tiêu nào đó, trong một thời điểm nhất định, nhưng không còn phù hợp cho ngày nay nữa.

Ngày nay, nền kinh tế của nước ta là kinh tế thị trường (dù có định hướng) trong một khung cảnh toàn cầu hóa, giáo dục đào tạo cần phù hợp với những mục tiêu « cao cả » đặt ra cho toàn xã hội ta. Trong khung cảnh đó, những môn học nào, những cách thi nào, những cách tổ chức nào, mà lý do tồn tại chỉ nhắm phục vụ cho quyền lợi riêng của những cá nhân hay những nhóm người, đều nên xếp vào loại « kỹ thuật giết rồng », dù cho chúng rất là « thực dụng » đối với những người được hưởng quyền lợi kể trên (thí dụ như chúng nuôi sống họ, chúng giúp họ làm giàu). Nhưng chúng làm khổ người đi học, làm khổ các gia đình vất vả chạy tiền cho con em đi học, chúng làm khổ các thày cô có tâm huyết, các nhà sư phạm có nhiệt tình, mà không mang lại lợi ích cho đất nước.

Mặt khác, trong sự đánh giá lợi hại, cũng nên tránh rơi vào sự cực đoan. Loài người tiến triển được, chính là ở sự biết chuyển giao kinh nghiệm, hiểu biết. Được hưởng những hiểu biết của các thế hệ trước, người thế hệ sau tự đó mới cải tiến và phát minh ra những cái mới và tiến lên thêm trong sự hiểu biết, để rồi truyền đạt lại cho các thế hệ sau nữa. Cho nên đặc biệt đối với tuổi niên thiếu, nên coi đó là tuổi còn phải học tập, chưa phải là lúc sáng kiến, phát minh. Chưa học xong cái mà người ta đã biết, mà đã đòi sáng chế ra cái mới, đó chỉ là cách nhìn của những người không biết. Tất nhiên là không nên học như vẹt, « thuộc mà không hiểu » ; nhưng « hiểu mà không thuộc » thì cái hiểu đó cũng chỉ thoáng trong chốc lát rồi bay đi, rồi chỉ để lại cái đầu rỗng tuếch. Cũng cần chú ý là sự đảo lộn trình tự một cách phi lí có thể gây ra hiệu quả nghiêm trọng: khi nhỏ, phải dạy dỗ chặt chẽ (chặt chẽ nhưng hợp lý chứ không phải là nhồi nhét quá tải vì những lý do bên ngoài mục tiêu giáo dục); khi lớn lên đã có nền nếp, thì nới lỏng để sáng kiến có thể nẩy nở. Nếu mà ngược lại, khi nhỏ thì dạy không có nền nếp, lớn lên thì lại o ép, thì việc học không thể thành công .

Có thuyết (2) cho rằng văn minh nhân loại đã phát triển bắt đầu từ « thời đại kinh tế tự nhiên », kinh qua « thời đại kinh tế công nghiệp » và hiện đang bước vào « thời đại kinh tế tri thức ». Và cho rằng « chiếm hữu sức lao động » là đặc trưng của « thời đại kinh tế tự nhiên », « chiếm hữu tài nguyên thiên nhiên » là đặc trưng của « thời đại kinh tế công nghiệp », trong khi đặc trưng của « thời đại kinh tế tri thức » trong kỷ nguyên mới phải là có « nhân tài được giáo dục kỹ càng, thông thạo khoa học tiên tiến, và có đầu óc sáng tạo ». Gác sang một bên nhận xét về hai thời đại đầu, tôi thấy nhận định như vậy về « thời đại kinh tế tri thức » là đủ rõ. Tôi chỉ xin góp thêm hai ý :

a/ « Thời đại kinh tế tri thức » trong một khung cảnh toàn cầu hóa, cũng là thời đại mà người ta giành giật chất xám mạnh hơn bao giờ hết. Khôn thì biết giữ, biết hút chất xám, dại thì để mất.

b/ Không thể để chỗ đứng cho những « kỹ thuật giết rồng » trong một nền giáo dục đào tạo lành mạnh, trong « thời đại kinh tế tri thức ».

Đối với các đồ long đại sư, đồ long đại sĩ, đồ long anh hùng, đồ long tiểu hiệp, ... , ta chỉ nên vĩnh viễn dành chỗ cho họ trong các cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp, truyện chưởng, là đủ.



________



Chú thích:


(1) Nếu tôi nhớ không lầm, thì đó là chuyện Chu Bình Mạn trong sách Trang tử.

(2) Trong cuốn sách « Việt Nam và Nhật Bản, giao lưu văn hóa », nxb Văn Nghệ, TPHCM 2001 , trang 329-331, ông Vĩnh Sính, giáo sư đại học Alberta, Canada, có kể lại: Tại Hội nghị « Nụ cười thiên kỷ thứ ba : Kế thừa truyền thống, Dung hòa và Sáng tạo », tổ chức tại Hàn quốc năm 1998, ông Hà Phương-Xuyên, giáo sư Đại học Bắc Kinh, phát biểu ý đó.

Và ông Vĩnh Sính viết : « Cho dầu chúng ta có đồng ý hay không đồng ý với cách phân tích các giai đoạn của văn minh nhân loại hay cách dùng những thuật ngữ của ông [Hà Phương-Xuyên], ít ra chúng ta có thể đồng ý với ông trên hai điểm chính : 1/ trong thế giới ngày nay, nước nào muốn vươn lên thì nước đó phải có đủ người tài năng có óc sáng tạo, nắm vững thông tin và khoa học tiên tiến của thời đại, 2/ giao lưu văn hóa giữa các nước là xu thế của thời đại và sẽ ngày càng gia tăng tốc độ. Có điều chúng ta tự cần hỏi mình là trong cuộc đấu tranh bằng trí óc này chúng ta đã quyết tâm, thành tâm thành ý, chuẩn bị hành trang cho chính chúng ta chưa? [...] ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét