15-02-2014
Một tấc đất không thèm
Bài đã đăng trên nhật báo Tin Sáng Tp Hồ Chí Minh, ngày 24/3/1979
Hồ Ngọc Nhuận
Một tấc đất không thèm…
Đặng Tiểu Bình và bè lũ đã giỡ giọng này tại Bắc Kinh, sau khi hô quân rút chạy khỏi Việt Nam.
Trần Sở, tên đại sứ của hắn, cũng đã khua môi như thế tại Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc.
Một tấc đất không thèm…
Giọng lưỡi này, trong suốt thời kỳ ta dựng nước, tính đến ngày nay, người Việt Nam ta hẳn đã có chán chê kinh nghiệm, qua 11 lần Trung Quốc xua quân ong kiến xâm chiếm nước ta.
Giọng lưỡi này, toàn bộ lịch sử dân tộc ta cũng đã từng “ghi nhận”, khi từng trang lịch sử ấy chính là từng trang lịch sử chống quân Trung Quốc xâm lược, cho tới tận hậu bán thế kỷ thứ 20 này.
Một tấc đất không thèm…
Giọng lưỡi ấy ông cha ta đã từng nghe từ triều Tần, triều Tống… Giọng lưỡi ấy cha anh ta đã từng phát hiện ra mùi hăng hắc ngay từ trong đám quân Tàu Tưởng 18 vạn tên ốm đói kéo vào vơ vét các tỉnh phía bắc nước ta, khi phát-xít Nhật bại trận đầu hàng đồng minh, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ra lệnh tống cổ đuổi đi.
Giọng lưỡi ấy xác nhận một đặc tính di truyền bất di bất dịch và không thể nghi ngờ giữa tất cả các triều đại trị vì Trung Quốc xưa và nay, từ bọn phong kiến Trung Quốc xâm lược nước ta trước kia đến bọn phản động Trung Quốc xâm lược nước ta bây giờ, giữa cái mồm hạm nhà Tần, nhà Minh ngày trước và cái hàm sói của họ Đặng và bọn cầm quyền Trung Quốc hiện nay.
Một tấc đất không thèm…
Thế là trẻ con Bắc Kinhvà Trung Quốc ngày nay lại có thêm một bài học về đạo lýTrung Quốc để bổ sung cho bài học về địa lý Trung quốc mà chúng đã buộc phải học trước đây, với bức “dư đồ” Trung Quốc, gồm hàng triệu, hàng tỉ tấc đất của Ấn Độ, của Nê Pan, của Mông Cổ,của Miến Điện, của Triều Tiên, của Nhật Bản, của toàn bộ vùng Đông Nam Châu Á…Đạo lý đó là: Một tấc đất không thèm, nhưng toàn bộ nước Việt Nam thì thèm, toàn bộ Đông Dương thì thèm, thèm lắm.
Một tấc đất không thèm…
Nhưng hơn 700 hecta ruộng đất màu mỡ của ta ở xã Trinh Tường – Quảng Ninh, hơn 300 hecta rẫy lúa phì nhiêu của ta ở xã Nậm Chảy – Hoàng Liên Sơn, hàng vạn hecta hoa màu của ta trên hàng 100 địa điểm sát vùng biên giới Việt – Trung như xã Tà Lùng ở Hà Tuyên, xã Khâm Khau ở Cao Bằng, xã Thanh Lòa ở Lạng Sơn, v.v. thì chúng rất thèm nên cả đàn cả lũ đã kéo sang xâm canh xâm cư, gấp rút xây dựng cơ sở vật chất, lén lút thủ tiêu hay dời cột mốc biên giới rồi ngang nhiên xâm chiếm làm đất Trung Quốc từ nhiều chục năm nay.
Một tấc đất không thèm…
Nhưng hơn 316 mét đường sắt ở khu vực Hữu Nghị Quan – Lạng Sơn rõ ràng không chỉ bằng đất nên không nằm trong qui luật ấy. Các cầu ngầm Hoành Mô, Pò Hèn thuộc tỉnh Quảng Ninh, cầu Pa Nậm Cúm tại Lai Châu, đập Ái Cảnh ở Cao Bằng không làm bằng đất mà bằng bê tông nên chúng không thể không thèm. Còn mỏ măngan trong khu vực Phia Un, mỏ than chì ở Trà Mần – Suối Lũng, còn thác Bản Giốc và cồn Pò Thoong ở Cao Bằng thì làm sao không “thiếm xực”?
Và làm sao không “thiếm xực” nguồn lợi dầu lửa trên hải đảo và thềm lục địa nước ta mà không bán linh hồn cho quỉ đế quốc để xua quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta ngay trong khi ta còn bận tay đánh Mỹ?
Làm sao một tấc đất có thể đong đầy lòng tham bành trướng không cùng của bọn phản động theo Mao, rặc nòi Nam Hán, khi chính khẩu hiệu trước sau của chúng là “Với 500 triệu bần nông xua quân xuống Đông Nam Á làm chiến tranh thế giới”? Khi nước Lào đất rộng người thưa dồi dào tài nguyên khoáng sản là mục tiêu di dân lý tưởng mà chúng hằng ôm ấp và không hề che giấu? Khi chúng chủ trương cho bọn phản động cầm quyền có máu Trung Quốc Pôn Pốt – Iêng Xari đập đầu hằng triệu nhân dân Campuchia, đưa vào nước Campuchia hàng kho vũ khí còn lớn hơn số dân Campuchia chúng giết, để rồi đưa dân Trung Quốc lấp vào lỗ trống, đội lốt nhân dân Campuchia, cầm lấy vũ khí ấy mà kéo đi giành đất cho Trung Quốc.
Ông cha ta quả đã không có chút mơ hồ, các bậc phụ lão của ta ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên,Lai Châu… quả đã có những băn khoăn hợp lý về lòng tráo trở của bọn cầm quyền Bắc Kinh ngay khi ta còn cùng dựa lưng với chúng vì nhu cầu thiết yếu đánh Mỹ xâm lược.
Đồng bào ta ở vùng biên giới quả đã có lòng cảnh giác ở độ cao liên tục từ đời này sang đời khác khi nâng kỷ thuật xây cất nhà cửa kiên cố như công sự chiến đấu, như pháo đài, thành nghệ thuật kiến trúc truyền thống, hầu chống lại các phường thổ phỉ từ phương bắc thường xuyên sang cướp phá nước ta.
Không kể chuyện cũ, chỉ tính từ ngày chúng chiếm Hoàng Sa của chúng ta, năm 1974, cho đến trước ngày chúng xua quân ồ ạt tiến đánh nước ta, bọn Trung Quốc cướp nước đã tiến hành hơn 5.000 vụ lấn chiếm đất đai tại các tỉnh biên giới phía bắc nước ta (1).
Và đã hơn một lần máu đồng bào ta tại các vùng biên giới đã đổ. Anh Lê Đình Chinh của chúng ta ở Lạng Sơn cũng đã ngã xuống vì tham vọng lấn chiếm của Trung Quốc.
Một tấc đất không thèm…
Có thể đúng thật… vì con thú dữ to xác ở sát nách ta cần đất không bằng cần máu: máu của hàng trăm trẻ thơ vô tội bị xé xác ở Lào Cai, ở Đồng Đăng, ở Phố Lu…, máu của các cụ già và phụ nữ đồng bào ruột thịt của ta.
Một tấc đất không thèm.
Láo thật!
Của chìm của nổi của ta trên tấc đất ấy, công lao mồ hôi nước mắt của ta trên tấc đất ấy, tài nguyên thiên nhiên phong phú của ta trên tấc đất ấy há đã không làm cho chúng, từ đời nầy sang đời khác, rỏ dãi ra sao? Ngay cả những gì ta thải ra trên ấy ắt chúng cũng không chừa, chúng vốn chuyên về môn bón phân bắc.
Một tấc đất không thèm…
Nhưng hài cốt của bọn cướp nước, ông cha chúng bị quân dân ta vùi thây trên tấc đất ấy thì chúng thèm. Chúng vốn chuyên nghề địa lý, huyệt mả và không bao giờ chúng từ bỏmộng tranh bá đồ vương truyền kiếp.
Kinh nghiệm ngàn năm qua,kinh nghiệm máu xương vừa rồi khẳng định rằng con thú dữ Bắc Kinh vừa rất thèm đất, vừa rất khát máu.
Ngày nào còn bọn chúng, ngày nào còn Đặng và bè lũ phản động cầm quyền ở Bắc Kinh, ngày ấy cho dù một tấc đất của ông cha , ta cũng phải giữ cho bằng được.
Đó là mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ Quốc.
....................................
(24-3-1979, Hồ Ngọc Nhuận tự Hồ Đắc, chủ bút nhật báo Tin Sáng, Thành phố Hồ Chí Minh).
(1) : 1974 : 179 vụ
1975 : 294 vụ
1976 : 812 vụ
1977 : 873 vụ
1978 : 2175 vụ
H.N.N.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét