Những ngờ vực và hệ quả sau cái chết của Tướng Phạm Quý Ngọ

Thứ trưởng bộ Công an Phạm Quý Ngọ (Ảnh: Danlambao)
Thứ trưởng bộ Công an Phạm Quý Ngọ (Ảnh: Danlambao)
Tiểu sử ông Phạm Quý Ngọ

Sinh ngày 24 tháng 12 năm 1954, tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Từng theo học và tốt nghiệp Đại học Cảnh sát Nhân dân, vào đảng CSVN ngày 19 tháng 4 năm 1980.

Ðược bổ nhiệm kiêm chức Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, thay Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh vào tháng 7 năm 2006.

Giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an, năm 2008.

Ðược bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an năm 2010.

Ðược bầu làm Ủy viên Chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, năm 2011.

Ðược thăng hàm Thượng tướng năm 2013.

Nguồn: Wikipedia, CAND
Việc Thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, đột ngột từ trần gây ra nhiều tranh cãi và ngờ vực giữa lúc công luận đang trông chờ hồi kết của một đại án tham nhũng cấp cao từ lời khai của cựu chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng.

Tin ông Ngọ bị bạo bệnh được loan ra sau khi có đề nghị điều tra ông ‘tiết lộ bí mật’ trong vụ án Dương Chí Dũng, và tin ông qua đời chỉ xuất hiện 1 ngay sau khi Phó Trưởng Ban Nội chính Trung Ương đề xuất đình chỉ công tác Thứ trưởng Công an để phục vụ điều tra. 

Hình ảnh ông Ngọ trong đám cưới con trai cách đây hơn 1 tháng không biểu hiện dáng vẻ của người mà báo Petrotimes của nhà nước mô tả là trong ba tháng nay phải chống chọi với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.

Ngay cả thời gian ông Ngọ từ trần được công bố trên truyền thông nhà nước cũng không đồng nhất, khiến dư luận thêm nghi ngờ về cái chết bất thường của giới chức cao cấp, nhân vật số hai trong ngành công an, đang bị tố cáo nhận hối lộ hàng triệu đô la.

Một nhà quan sát từng là cán bộ trong Ban An ninh Nội chính Thành ủy nhận định ‘sự ra đi’ của Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ xoay chuyển tình thế giữa các thế lực chính trị Việt Nam và làm phá sản công cuộc chống tham nhũng của nhà nước.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, phân tích thêm chi tiết, mời quí vị bấm vào đường dẫn sau đây để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn:
Ngờ vực, hệ quả sau cái chết của Tướng công an Phạm Quý Ngọ
Phạm Chí Dũng: Dư luận đang đặt vấn đề nghi ngờ rất nhiều về cái chết rất bất thường này. Người ta không thể nghĩ ông chết bất đắc kỳ tử vì trước đó không hề có thông tin bệnh tật của ông được thông báo chính thức. Sự ra đi của ông Ngọ bị xem như có thể có một tác động nào đó không nhất thiết từ quá trình sinh học tự nhiên của cơ thể, mà có thể do một tác động khác từ bên ngoài vào. Hôm nay, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã chính thức công bố vụ án ‘làm lộ bí mật’ phải đình chỉ căn cứ điều 107 Bộ Luật Hình sự vì đối tượng bị tình nghi đã chết.

VOA: Nếu những nghi ngờ trong công luận là đúng, liệu có thể đã xảy ra những khả năng nào gây ra cái chết của ông?

Phạm Chí Dũng: Đây là lần đầu tiên xảy ra một cái chết bất thường của một tướng cao cấp trong ngành công an. Trước đây có vài cái chết bất thường bên khối quân đội. Người ta nghi ngờ là ngoài khả năng chết do bệnh tật, Tướng Ngọ vì một số lý do ‘tế nhị’ nào đó đã tự sát. Một khảc năng khác nữa là người ta cho rằng có thể ông bị đầu độc. Nếu chuyện này thật sự xảy ra, vấn đề đang cực kỳ nghiêm trọng ở Việt Nam và trong tương lai gần sẽ diễn ra một cuộc đấu mạnh. Liên quan đến 1 triệu rưỡi đô la tình nghi ông Ngọ đã nhận, người ta đang nghĩ tới một siêu án trên cao hơn nữa chứ không phải là một đại án Dương Chí Dũng. Nếu siêu án đó hình thành, có thể nói cuộc đấu chính trị giữa các thế lực lên tới đỉnh điểm một mất-một còn.

VOA: Cũng có những suy đoán cho rằng không có chuyện ‘đột ngột từ trần’ mà đây có thể là một sự sắp xếp ‘mafia’ tìm đường cho ông Ngọ tẩu thoát ở một nơi nào đó để ‘cái chết’ của ông chấm dứt đầu mối nghi ngờ liên quan đến một siêu án có thể có. Theo ông, có khả năng xảy ra điều này không?

Phạm Chí Dũng: Khả năng này thấp. Nghiên cứu lịch sử các vụ án hình sự tại Việt Nam chưa từng có chuyện ‘chết giả’ để thoát nạn đối với những nhân vật cao cấp. Trong lĩnh vực hình sự thì có thể có những trường hợp như vậy, có những vụ ngụy tạo hiện trường để trốn tránh pháp luật. Tuy nhiên, trong chính giới cao cấp, đặc biệt là ngành công an và quân đội, chưa từng xảy ra chuyện đó. Tất nhiên việc này vẫn có một xác suất nhỏ có thể xảy ra, không thể loại trừ, nhưng đối với chính giới cao cấp thì chưa từng có việc này. Cho nên, theo tôi, trong trường hợp của Tướng Ngọ có thể loại trừ phương án này.

VOA: Ông dự đoán chuyện gì sẽ xảy ra sau ‘cái chết’ của nhân vật đầu mối có thể giúp phanh phui ra những quan tham cao cấp khác trong vụ án tham nhũng hàng triệu đô la này?

Phạm Chí Dũng: Vụ án ‘làm lộ bí mật’ sẽ đóng khung. Sẽ không còn bất kỳ tia sáng nào khác có thể dẫn tới một vụ siêu án. 95% là không có một manh mối nào để có thể từ ông Ngọ lần ngược lên một cấp cao hơn. Ông Ngọ ‘ra đi’ ảnh hưởng tới kết quả điều tra và xử án đối với một nhân vật nổi cộm khác là Bầu Kiên. Có nhiều khả năng ông Kiên nhận án chung thân, nhưng vụ Bầu Kiên cũng sẽ như vụ Dương Chí Dũng, sẽ đóng khung ở đó.

VOA: Theo ý ông, ‘sự ra đi’ này là hồi kết dứt điểm một nghi án cao cấp mà dư luận đang trông chờ, theo dõi cách nhà nước giải quyết tham nhũng?

Phạm Chí Dũng: Tôi còn cho rằng ‘sự ra đi’ của ông Ngọ không chỉ đóng khung riêng vụ án Dương Chí Dũng mà còn là một điểm mốc xoay chuyển tình thế giữa các thế lực chính trị Việt Nam, dẫn tới hệ quả là chương trình chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương không triển khai được thành công. Sẽ là những kế hoạch ‘đầu voi đuôi chuột’ ngay trong năm 2014. Ngoài ra, chúng ta có thể chứng kiến sự trở lại của phe lợi ích và xu hướng thân phương Tây sẽ lấn lướt hơn so với xu hướng thân Bắc Kinh trong năm nay.

VOA: Công luận có thể thấy gì từ diễn tiến vụ án tham nhũng này?

Phạm Chí Dũng: Cũng có một số người hy vọng về công cuộc chống tham nhũng của đảng nhưng sau ‘sự ra đi’ này, không có hy vọng tuyệt đối, đặc biệt trong bối cảnh các nhóm lợi ích chi phối phủ trùm toàn bộ đất nước như hiện nay. Trong cảnh nhập nhoạng tối-sáng và sự mâu thuẫn xung đột gia tăng giữa các thế lực, dân chủ-nhân quyền có đất để sống hơn. Trong hoàn cảnh này, giới quan chức còn phải quan tâm tới quyền lực-quyền lợi, giải quyết mâu thuẫn-xung đột của họ nhiều hơn là để ý tới các vấn đề tự do ngôn luận, báo chí, hay tôn giáo. Theo tôi, năm nay nếu biết tận dụng cơ hội, tiếng nói của nhân dân trong ‘xã hội dân sự’ manh nha hiện nay sẽ có thể được biểu đạt rõ ràng hơn.

VOA: Xin cảm ơn ông v thời gian dành cho cuộc trao đổi này.

Source : VOA