28/2/14

Văn Hoá “Exit”


Văn Hoá “Exit”

Alan Phan


25 Feb 2014
Mỗi một “exit” (lối ra) là một “entry” (cửa vào) cho đâu đó (Every exit is an entry somewhere else – Tom Stoppard)
Có thể tôi hơi méo mó nghề nghiệp về quan niệm “exit” (thoát ra). Trên góc nhìn của một nhà đầu tư, phi vụ hay dự án chỉ thành công khi nào tất cả số tiền giải ngân đã được thu hồi về an toàn theo đúng mục tiêu về lợi nhuận và thời điểm. Mọi người có thể tự sướng khi thấy cổ phiếu hay tài sản của mình có một thị giá thật tốt (thường là trên giấy tờ), như mong ước…nhưng với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nếu không có thanh khoản hay bị những rào cản làm chậm trễ hay gây rắc rối về sự rút vốn, thì thị giá của tài sản không mang một ý nghĩa gì.
Nghe thì đơn giản, nhưng đây lại là một thử thách lớn lao nhất của nghiệp vụ đầu tư. Khi có tiền, nhà đầu tư nắm phần cán và tha hồ đưa ra điều kiện hay đòi hỏi theo ý của mình. Có tiền thì lúc nào cũng có nhiều lựa chọn về phi vụ và dự án với những tiêu chí về lợi nhuận, rủi ro, địa điểm và thời hạn. Nhưng khi đồng tiền đã được giải ngân, thì sự kiểm soát trở nên một bài toán phức tạp với sự tham dự của nhiều đối tác và nhóm lợi ích. Khi thực sự exit thì vấn đề cần một giải pháp chu đáo hài hoà, với rất nhiều may mắn.
Trong cuộc sống hàng ngày, exit là một nhu cầu quan trọng cho thân thể, tâm thần hay sự nghiệp. Về thân thể, chỉ cho vào (ăn uống) mà không có đầu ra thoải mái, thì đủ thứ bệnh tật sẽ đến với những chất độc tích tụ. Một tâm thần quá tham lam, nhận rất nhiều mà không biết cho đi, thì sẽ bị héo khô và cô độc. Một sự nghiệp chỉ dựa trên thâu tóm và ích kỷ thì sẽ đến lúc phải đối phó với bao nhiêu là chống đối và áp lực.
Nhìn vào thiên nhiên, định luật của đất trời là “sinh” và “tử”. Có vào thì phải có ra. Bốn mùa tuần tự tiếp nối, không mùa đông nào dài đằng đẵng, không mùa hè nào là bất tận. Vậy mà suốt lịch sử, các vị vua chúa lúc nào cũng bắt dân phải tung hô “vạn tuế”, “muôn năm” …không có triều đình nào suy nghĩ về chuyện “exit”, cho đến khi quân thù đến tận cổng thành.
Ngày nay, ngay tại những quốc gia có sẵn cơ chế cho những nhiệm kỳ của chánh phủ, của đảng phái, của quốc hội, của ngành tư pháp…phần lớn vị quan nào nắm quyền lực cũng muốn mình hay phe nhóm tái cử dài dài và không chừa bất cứ thủ đoạn chính trị nào để đạt mục tiêu. Ở những quốc gia còn chập chững giữa phong kiến và dân chủ, chuyện “cha truyền con nối” hay ít nhất là lợi ích cho “con cháu mình”  vẫn là một vấn nạn cho những người dân xui xẻo.
Tuy nhiên, sau những bài học đẫm máu và oan nghiệt về tham quyền cố vị, nhiều quan chức hay đại gia đã bắt đầu hiểu rõ hơn định luật “hạ cánh an toàn”.  Văn hoá “exit” bắt đầu mọc rễ vào tư duy của lớp trẻ và những con người biết suy nghĩ. Không ai còn có thể chấp nhận một lý thuyết dựa trên những hoang tưởng trong quá khứ hay những luận cứ đầy mâu thuẫn với thực tại của xã hội thời Internet. Dù vẫn níu kéo vào quyền lực, một số không nhỏ những đầu óc tiến bộ đã chuẩn bị cho một văn hoá mới mà tôi gọi là văn hoá exit.
Văn hóa exit góp phần vào việc sáng tạo cho xã hội hay kinh tế. Không một động lực nào mạnh mẽ hơn là khi thế hệ mới hiểu rằng họ có thể thay thế những bậc đàn anh nếu họ có cơ hội công bằng . Và cơ hội lý tưởng nhất là một công nghệ, một thiết kế, một nghiên cứu, một chiến lược, một chánh sách… tốt hơn, hiệu quả hơn và gia tăng giá trị nhiều hơn. Silicon Valley đã tiến bộ không ngừng vì các kỹ sư, chuyên gia…đều suy nghĩ liên tục về khả năng đánh đổ những con khủng long của IT, trước là Microsoft, Intel…bây giờ là Google, Apple…
Trong nghệ thuật, truyện hay phim kịch, những exit đúng lúc hợp thời của những vai trò chính đã tạo nên những tác phẩm để đời. Nhường ánh đèn sân khấu lại cho một lớp người mới; hay bỏ đi xa để phiêu lưu vào một một vận hội mới là những điệp khúc hào hùng và thú vị cho bao nhiêu khán giả hay đọc giả. Trong thể thao, chúng ta chỉ hào hứng theo dõi khi một đội mới hay một vận động viên trẻ quật ngã những huyền thoại vô địch,.
Văn hoá exit đã tác động rất nhiều đến những biến cố lịch sử. Khi George Washington thắng đế quốc Anh và đem lại độc lập cho Hoa Kỳ, ông được sự ủng hộ và yêu mến của đa số dân Mỹ. Nhiều phe nhóm muốn ông làm Vua hay Tổng Thống suốt đời. Tuy nhiên, ông nhất định exit sau một nhiệm kỳ và tạo một tiền lệ tốt đẹp cho nền dân chủ trẻ trung của Mỹ. Trong khi đó, ngài Mugabe cứ khăng khăng bám lấy ghế Tổng Thống của Zimbabwe sau 34 năm trị vì. Kết quả của sự “không chịu exit” này là một thảm hoạ cho đất nước và người dân Zimbabwe.
Nếu mọi người, từ một phó thường dân đến các lãnh đạo tối cao, thực hành văn hoá cũng như tư duy exit trong mọi ứng xử, đất nước này sẽ có thêm một “đôi hia bảy dặm” cho thời khó khăn của hội nhập và cạnh tranh. Chúng ta quá cần những dòng máu mới. Dù thực tế đôi khi buồn thảm như Malcolm Muggeridge đã than thở vào thời của ông ta,” Ít nhà lãnh đạo nào biết phong cách exit thật đẹp vào thời điểm thích hợp (Few leaders have been able to make a graceful exit at the appropriate time).

Alan Phan
(viết cho SGTT trong số báo exit để tái sinh dưới hính thức khác).

Source : GNA  
http://www.gocnhinalan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét